TIỂU SỬ THÁNH NỮ FAUSTINA

TIỂU SỬ THÁNH NỮ FAUSTINA

Thánh nữ maria faustina kowalska ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trổi vượt trong Giáo Hội.

thanh-nu-faustina

Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogowiec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan.  Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena.”  Ngay từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.  Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.

Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì.  Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện.  Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn.  Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện.  Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận.  Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw.  Trong Nhật Ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng.  Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn” (NK 17).

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện.  Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện.  Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK 19).

Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina.  Chị đã sống thời kỳ năm tập tại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của đức giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và năm năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục. Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.

Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina.  Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.

Tất cả đời sống của chị được tập trung vào việc liên lỉ cố gắng đạt đến một cuộc kết hiệp ngày càng mật thiết hơn với Thiên Chúa và quên mình cộng tác với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu rỗi các linh hồn.  Chị đã viết trong Nhật Ký, “Chúa biết ngay từ những năm đầu tiên, con đã muốn trở nên một vị đại thánh; tức là yêu mến Chúa bằng một tình yêu vĩ đại như chưa từng có linh hồn nào đã yêu mến Chúa như thế” (NK 1372).

Chính quyển Nhật Ký của chị đã cho chúng ta thấy được những chiều sâu trong đời sống thiêng liêng của chị.  Những tư liệu này – nếu được đọc chăm chú – sẽ làm hiện lên một bức tranh diễn tả mối thân tình hợp nhất cao độ giữa linh hồn chị với Thiên Chúa: sự khắng khít lạ lùng giữa Thiên Chúa với linh hồn chị, cũng như những nỗ lực và chiến đấu của chị trên con đường hoàn thiện Kitô Giáo.  Chúa đã ban cho chị nhiều hồng ân phi thường: ơn chiêm niệm, ơn hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm Lòng Thương Xót Chúa, các thị kiến, mặc khải, những dấu thánh tiềm ẩn, ơn nói tiên tri, ơn đọc được tâm hồn người khác, và ơn quí trọng bậc nhiệm hôn.  Tuy được hoan hưởng những hồng ân ấy rất dồi dào, nhưng chị đã viết: “Không phải các ân sủng, các mặc khải, các lần ngất trí, hoặc các ân huệ làm cho linh hồn nên hoàn hảo, nhưng chính là sự kết hợp mật thiết giữa linh hồn với Thiên Chúa…  Sự thánh thiện và hoàn hảo của tôi hệ ở việc kết hợp mật thiết giữa ý chí tôi với ý chí Thiên Chúa” (NK 1107).

Nếp sống khổ hạnh và những lần chay tịnh đến kiệt sức ngay cả trước khi vào dòng của chị đã làm suy sụp yếu nhược thể trạng của chị, đến nỗi ngay trong thời gian thỉnh tu, chị đã được đưa đi Skolimow gần Warsaw để phục hồi sức khỏe.  Gần cuối năm đầu tiên trong thời kỳ nhà tập, chị còn phải trải qua những kinh nghiệm thần bí đớn đau lạ thường của giai đoạn vẫn được gọi là đêm tối giác quan, và sau đó là các đau khổ tinh thần và luân lý liên quan đến việc hoàn thành sứ mạng mà chị được nhận lãnh từ Chúa Kitô.  Thánh nữ Faustina đã hy hiến cuộc đời cho các tội nhân, vì thế, chị đã chịu đựng những khổ đau tư bề để trợ giúp các linh hồn.  Trong những năm tháng cuối đời của chị thánh, các đau khổ nội tâm của cái gọi là đêm thụ động của linh hồn và những bệnh nạn phần xác càng trở nên dữ dội hơn nữa.  Căn bệnh lao của chị lan dần, tấn công những lá phổi và phần ruột non.  Vì vậy, hai lần chị đã phải trải qua nhiều tháng điều trị ở bệnh viện phố Pradnik tại Cracow.

Tuy kiệt quệ về thể lý, nhưng chị Faustina đã đạt đến mức trưởng thành sung mãn trong đời sống thiêng liêng.  Chị đã từ giã cõi trần khi chưa trọn 33 tuổi đời, giữa tiếng thơm thánh thiện, và được kết hiệp muôn đời với Thiên Chúa vào ngày 5 tháng 10 năm 1938, sau 13 năm trong cuộc sống tu trì.  Thi hài của chị được an nghỉ tại ngôi mộ chung trong nghĩa trang tu viện tại Cracow-Lagiewniki.  Năm 1966, trong khi thủ tục điều tra tôn phong chân phúc đang được xúc tiến, thi hài nữ tu Faustina đã được cải táng vào nhà nguyện của tu viện.

Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới.  Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim thương xót của Cha” (NK 1588).  “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha.  Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605)…  “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha” (NK 1567).

(Trích Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa)

Nguồn: http://www.xuanha.net/

Đam mê của thánh Phanxicô Assisi

Đam mê của thánh Phanxicô Assisi

 Dongten.net

thanh-fanxico

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khi nói đến thánh Phanxicô, chúng ta nghĩ ngay đến Kinh Hòa Bình và Bài Ca Tạo Vật. Có thể nói, từ những tư tưởng này, ngài được mệnh danh là Sứ giả hòa bình bởi vì chúng là điểm qui chiếu cho đời sống an hòa nơi ngài.

Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, cả ba chiều kích này được thánh nhân sống rất triệt để. Chính thái độ sống hòa đồng và hòa điệu với mọi chiều kích mà thánh nhân đáng được gọi là Sứ giả hòa bình.

Năm 1979, ĐGH Gioan Phaolô II đã công bố: Thánh Phanxicô là quan thầy của những người bảo vệ môi sinh. Chắc hẳn, đây không phải là một quyết định dựa trên tình cảm nhất thời, nhưng dựa vào đời sống của ngài được thể hiện cụ thể trong Bài ca Tạo Vật. Trong đó, chim trời mây nước và cả vũ trụ này đều có chỗ đứng và giá trị nào đó trong cuộc đời của ngài; tất cả nên chị nên anh, cả đến cái chết như là sự dữ tuyệt đối cũng được ngài gọi bằng một tên thân thương: chị chết. Như thế, không một thực tại nào mang màu sắc u tối, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống thánh nhân. Chính sự huyền đồng này (hòa điệu một cách huyền nhiệm) đã giúp ngài chinh phục cả những kẻ thù giết hại. Xin đơn cử giai thoại kể về cuộc gặp gỡ giữa ngài và con chó sói hung bạo tại Agodio Gubio.

Khi thánh nhân cư ngụ tại Agodio thì có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, nó quấy nhiễu và gieo rắc tại họa cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng trang bị khí giới sẵn sàng chuẩn bị giao chiến với con thú dữ; có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Thấy vậy, ngày nọ ngài quyết định đến chạm trán với con thú, ngài làm dấu Thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng ngài không lùi bước, ngài tiến lại gần, làm dấu Thánh giá và gọi nó lại. Ngài nói cùng nó với tất cả sự trân trọng vì nó cũng là một tạo vật của Chúa: “Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô, tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa”. Như một phép lạ, con chó sói hung dữ giờ đây ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên ngài, ngài lại tiếp tục nói như sau: “Này anh sói, anh đã gây không biết bao nhiêu thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài. Anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh Thiên Chúa nữa; anh đáng phạt vì những tội ấy… Nhưng tôi muốn giàn hòa giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa”.

Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con chó sói vặn mình ra điều biết lỗi và chấp nhận đề nghị của ngài. Ngài nói tiếp: “Này anh sói, hẳn anh thích làm hoà với mọi người, tôi hứa rằng: bao lâu còn sống, anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không ?”. Con vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời ngài vừa hứa với con sói. Giai thoại kể tiếp rằng: con vật tiếp tục sống hai năm tại đó, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào cũng như chính nhà của nó. Nó không làm hại ai và cũng không ai hãm hại nó, cuối cùng, con vật chết đi giữa tiếng khóc của dân làng.

Theo thánh nhân, chúng ta cần tỏ ra bất bạo động với thiên nhiên, với chim trời núi rừng, với không khí nước non. Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà như thế, con người mới có thể xây dựng hoà bình trên thế giới.

Sự hoà giải này không dừng lại với tương quan thú vật nhưng còn mở ra với người khác. Chính ý hướng ngay lành này góp phần hoán cải các tâm hồn đối nghịch. Chúng ta thấy nỗi đam mê hoà giải không chỉ được phát huy lúc thời trai trẻ mà ngay cả lúc trên giường bệnh ngài vẫn dấn thân phục vụ hoà bình vì ích chung.

Điều này được cha Nguyễn Hồng Giáo [1] biên soạn khi ghi lại lịch sử cuộc đời thánh nhân: Năm 1226, vào những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, thánh nhân rất đau lòng khi nghe tin Đức giám mục và ông trị trưởng ở Assisi kình địch nhau. Vị Giám mục thì ra vạ tuyệt thông cho ông thị trưởng, còn ông này thì cấm không cho ai được mua bán và ký kết khế ước gì với Đức Cha.

Thánh nhân nói với anh em trong dòng: “Thật xấu hổ cho chúng ta, những người làm tôi Chúa, vị Giám mục và ông thị trưởng thù ghét nhau như thế mà chẳng ai đứng ra hoà giải”.

Chúng ta cũng có thể hỏi: thế bản thân ngài làm được gì khi mắt đã gần mù và thân xác kiệt quệ phải nằm một chỗ ? Có chứ ! Thánh nhân đã làm một việc quá sức tưởng tượng của mọi người, và có thể nói “rất Phanxicô”, đó là thêm vào Bài ca tạo vật mà ngài đã sáng tác trước đó ít lâu, một phiên khúc ca ngợi hoà bình và tha thứ, rồi cử anh em đi mời ông thị trưởng tới Tòa Giám mục. Khi ông tới nơi và hai người gặp nhau, các môn đệ nhân danh ngài, cất tiếng hát Bài ca tạo vật cùng với phiên khúc mới. Khi tiếng hát vừa dứt, hai người nắm tay nhau nói lời hoà giải và ôm hôn tỏ tình thân mật.

Chắc hẳn, thánh nhân không bao giờ tự coi mình có khả năng hoà giải nhưng luôn là khí cụ bình an của Chúa. Điều này được chứng thực trong lời Kinh Hoà Bình.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con

Như khí cụ bình an của Chúa

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục

Đem tin kính vào nơi nguy nan

Đem trông cậy vào nơi thất vọng

Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm

Đem niềm vui đến chốn ưu sầu.

Lạy Chúa, xin hãy dạy con

Tìm an ủi người hơn được người ủi an

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu

Vì hiến thân chính là nhận lãnh

Tha thứ cho người chính là được thứ tha

Cam lòng chịu chết là được sống muôn đời.

Thật ra, nhiều nhà chuyên môn nhìn nhận rằng kinh này không do thánh nhân trước tác nhưng được gán cho ngài vì tinh thần hoà bình của tác giả theo chủ trương của thánh nhân vào thời bấy giờ. Nhưng dù sao, chúng ta cũng có thể rút ra một kết luận tác giả đã khôn khéo khi truyền đạt điểm giáo lý này với một văn phong hết sức đạo đức trong bầu khí cầu nguyện. Thật vậy, tác giả ý thức hoà bình không phải là hoa trái của riêng nỗ lực cá nhân người nào mà có được nhưng phát xuất ơn hoán cải tâm hồn đến từ Thiên Chúa. Như thế, bầu khí cầu nguyện của lời kinh giúp mọi người ý thức sự yếu đuối của bản thân, từ đó, trông chờ ơn Chúa giúp. Ở đây chúng ta cảm nhận một thái độ sống đam mê xây dựng hoà bình, nhờ ơn Chúa và khởi đi từ chính bản thân sẽ mang lại hoa trái tốt đẹp cho các linh hồn. Khi chúng ta đặt lời kinh này trong bối cảnh thời ấy, mới nhận ra sự tranh chấp quyền lợi, tranh giành quyền bính… đã huỷ hoại bầu khí hoà bình; đồng thời, xác định tầm quan trọng về sự hiện diện của thánh nhân và sự quan phòng tốt đẹp của Chúa nhằm tái lập tinh thần Kitô giáo trong thời Trung cổ.

Ở đây, chúng ta cần xác tín lại điều đã khẳng định từ trước, môi trường là một trong những yếu tố làm phát sinh đam mê. Cụ thể hơn, chính môi trường rối loạn tranh chấp, bất hoà làm phát sinh niềm đam mê xây dựng hoà bình nơi thánh nhân và những người thiện chí đương thời. Bài ca tạo vật và Kinh hoà bình là những bằng chứng sống động cho một thời đen tối trong xã hội và Giáo hội.

Chúng ta vừa bàn qua tương quan giữa thánh nhân với thiên nhiên và tha nhân, xét cho cùng, hai chiều kích này chỉ là hệ quả tất yếu, hoa trái của một thực tại cao sâu hơn. Thiết nghĩ, chính tương quan giữa ngài với Thiên Chúa mới tạo nên nhựa sống trào tràn nuôi dưỡng cây sinh trái là hoà bình.

ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể lại giai thoại về thánh Phanxicô rằng[2]: Vào dịp thánh nhân qua Toà thánh để xin phê chuẩn luật dòng anh em hèn mọn, ĐTC thân mật hỏi ngài:

– Con có bao giờ thấy Chúa chưa?

+ Con vừa thấy đêm qua.

– Người có nói gì với con không?

+ Người và con bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói “Cha” với Người thì Người trả lời lại với con: “Con của Ta”. Cứ thế, chẳng có gì hơn cho đến lúc trời sáng.

Qua đó, chúng ta thấy thánh nhân có những khoảnh khắc nên Một với Chúa; thao thức của Chúa cũng là thao thức của ngài, đam mê của Chúa cũng là đam mê của ngài. Chúa đã chịu đóng đinh và chịu chết khả dĩ giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Qua thánh nhân, Chúa tiếp tục thân hành lên đường tìm kiếm những con chiên lạc để đưa về ràn. Có thể nói, qua thánh nhân, Chúa tiếp tục chịu đóng đinh và chết cho con người. Sự chia rẽ của con người cách nào đó in đậm 5 dấu thánh trên thân thể ngài. 5 dấu thánh là dấu chỉ sống động cụ thể thay cho lời mời gọi nhân loại: Hãy sống và xây dựng hoà bình, hãy sống và đam mê hoà bình vì bạn sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

[1] X. Nguyệt san Công giáo và dân tộc, số 58.

[2] X. ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành trên đường Hy vọng, tr.44.

Thánh GIÊRÔNIMÔ

Thánh GIÊRÔNIMÔ
Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh (Ngày 30/9)

  1. Đôi dòng lịch sử

Giêrônimô sinh vào khoảng 347 trong xứDalmatia.

Lớn lên Giêrônimô du học ở Roma, học chuyên về sử và triết lý.

Giêrônimô có công tìm kiếm và mua sắm nhiều sách rất quí giá.

Lúc học ở Roma, Giêrônimô sống hơi buông thả một chút nhưng lúc nào cũng giữ được lòng kính sợ Thiên Chúa.

Chính Đức Giáo Hoàng Liberrio rửa tội cho ngài.

Sau khi học xong, Giêrônimô có đi một vòng qua nước Pháp đến thành Trèves.

Cuối cùng thì Giêrônimô sang và ở luôn tại Antioche trong xứ Syria. Thời gian ở đây đánh dấu một bước ngoặc rất quan trọng trong việc hình thành ơn gọi nơi ngài. Ngài đã được chịu chức linh mục tại đây. Một đêm kia người mơ thấy Chúa hiện ra với mình.

Chúa hỏi:

– Giêrônimô, con là ai vậy?

Ngài trả lời:

– Con là con của Chúa, con là người có đạo.

Chúa trả lời lại:

– Nói láo! Phải nói con là của Cicêrô mới đúng.

Giêrônimô hiểu là ý Chúa muốn trách mình quá say mê Cicêrô – Cicêrô vừa là một nhà văn vừa là một nhà hùng biện rất nổi tiếng ở Roma – nên Giêrônimô quyết tâm sửa mình lại.

Ngay sau đó Giêrônimô bắt đầu học tiếng Hy lạp và Do thái với một mụch đích duy nhất để có đủ khả năng dịch sánh Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp ra tiếng Latinh.

Trong thời gian này Giêrônimô được Đức Thánh Cha Damsus gọi Ngài về Roma một thời gian để làm thư ký riêng cho Ngài. Và cũng chính ở đây mà Ngài đã bắt đầu một công trình có một tầm vóc hết sức quan trọng cho Giáo hội: Ngài bắt đầu dịch Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh.

Ở Roma được một thời gian, có lẽ vì cảm thấy Roma không phải là chỗ thích hợp cho công việc quá đặc biệt này cho nên Ngài đã trở lại xứ Palestine, vào sống một cuộc đời thầm lặng trong một tu viện ở Belem. Ngài sống tại đây suốt 34 năm trời… vừa tiếp tục học hỏi, tra cứu thêm để phục vụ Chúa trong các tác phẩm chống lạc giáo và nhất là để hoàn thành việc chuyển ngữ toàn bộ bộ Kinh Thánh sang tiếng Latinh.

Sau này chính Công Đồng Triđentinô đã tu sửa bản dịch này và đến nay vẫn được coi là văn bản chính thức của Giáo hội Công giáo Rôma.

Ngài là bạn rất thân của thánh Augustino. Chính thánh Augustinô cũng đã có nhiều lần nhắc đến Ngài như một người bạn và như một bậc thầy.

Theo cuốn niên sử ông Prosper thì thánh Giêrônimô qua đời quãng năm 420, hưởng thọ 92 tuổi tại Bethlehem.

Mặc dầu qua đời ở Palestina vào thời hỗn chiến, thánh Giêrônimô đã được toàn thể thế giới công giáo tôn sùng ngay từ mấy năm sau khi ngài tạ thế. Ở Rôma, người ta kính thánh nhân đặc biệt tại Đại Giáo Đường Đức Bà Cả. Dưới đời Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII (1294-1303), thánh nhân được suy tôn bậc tiến sĩ ngang hàng với thánh Grêgôriô cả, thánh Âutinh và thánh Ambrôsiô, tức bốn vị giáo phụ ở Tây phương.

  1. Bài học
  2. Dám hy sinh vì Chúa.

Bỏ cả sở thích riêng của mình. Khi được Chúa “cảnh cáo” dù chỉ là trong một giấc mơ, Giêrônimô đã sửa lại lỗi lầm của mình ngay. Đây là một điều rất khó nhưng Giêrônimô đã làm được.

Hy sinh cả cuộc đời cho Lời của Chúa. Chúng ta hãy cứ tưởng tượng xem một công trình lớn – là công trình chuyển ngữ Kinh Thánh tử tiếng Hy Lạp sang tiếng La tinh- như vậy mà hầu như chỉ có một mình ngài thực hiện thì thời giờ và công sức phải bỏ ra lớn đến mức độ như thế nào.

Để có một chút so sánh thì chúng ta hãy nhìn vào Giáo hội Việt Nam của chúng ta. Giáo hội công giáo Việt Nam đã tạm gọi là đã có hơn 4 thế kỷ nay. Vậy mà chỉ mới đây chúng ta mới có một tin vui là nhóm Phụn Vụ Giờ Kinh cho ra đời trọn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Việt đầu tiên. Trước đây đã có một số bản những bản này có quá nhiều hạn chế và thiếu sai sót.

Phải đợi nhiều năm trời Giáo Hội Việt Nam mới có được bộ Kinh Thánh có tầm cỡ và xứng đáng như thế.

Vậy mà một mình Thánh Giêrônimô đã làn được công việc vĩ đại đó. Giáo hội dùng bản dịch của Ngài suốt từ thời đó cho đến nay. Điều đó đã tự khẳng định về tầm quan trọng và chỗ đứng cũa nó trong lịch sử Giáo hội.

  1. Tiếp đến Thánh Giêrônimô đã biết chọn thật đúng nhu cầu của Giáo hội và đã làm hết sức mình để đáp ứng lại nhu cầu đó.

Vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, người ta đã thấy thời đại của văn hóa Hy lạp đang suy tàn và thời đại văn minh Tây phương đi lên.

Phải nói Giêrônimô là một con người rất thức thời. Hiểu được những nhu cầu của Giáo hội và đáp ứng lại một cách hết sức tốt đẹp. Đây là bài học chung cho cả Giáo hội. Công đồng Vaticanô khi cho chuyển ngữ các bàn văn Phụng vụ bằng tiếng Latinh sang tiến địa phương cũng nhắm chiều hướng này.

Hơn nữa ngày từ năm 1933 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI mà thánh Giêrônimô đã nghi đến việc phát động phong trào nghiên cứu và tìm hiểu Kinh thánh thì phải coi đây là sáng kiến và công việc hết sức mới mẻ mà mãi về sau Giáo Hội mới thấy sự cấn thiết của công việc này. Bởi vậy, khi nhắc đến huân công và thiên tài dịch bộ Kinh Thánh của ngài, giáo sư M.J. Lagrange, một nhà nghiên cứu và chú giải Thánh kinh nổi tiếng của Giáo Hội hôm nay đã viết rằng: “Đó là một trong những sự nghiệp đáng thán phục nhất của trí óc nhân loại”

Lạy thánh Giêrônimô, xin mở miệng chúng con để chúng con luôn ca ngợi và nói lời Chúa vì chỉ lời Chúa mới làm cho chúng con đi đúng đường và hạnh phúc.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Anh chị Thụ Mai gởi

TIỂU SỬ CHA PADRE PIO, NGƯỜI Ý (1887-1968)

TIỂU SỬ CHA PADRE PIO, NGƯỜI Ý (1887-1968)

  1. Cậu Phanxicô con ông bà Horace làm nghề nông nghèo khó, sinh tại Pietrelcina, tỉnh Benevento, miền nam nước Ý, ngày 25.05.1887.  Ông bà có 8 con, chết 3 còn 5 (2 trai 3 gái).

Vì không muốn Phanxicô vất vả nơi đồng áng, ông Horace đã sang New York, Hoa kỳ làm việc để kiếm tiền cho con đi học, đi tu.

Ngày lễ Ba Vua năm 1903, Cậu vào Nhà Tập Dòng Phanxicô nhánh Cappucins tại Morcone, nhận tên Dòng là Piô.  Nhánh Capucins là nhánh không ngặt cũng không rộng.  Nhánh ôn hòa này cũng có Bề trên Cả như hai nhánh kia.  Nhánh Capuchins có khác chút ít bên ngoài như cho tu sĩ để râu và mặc áo dòng màu đen.  (Dương Liên Mỹ, ofm, Padre Pio, Sài gòn 1968, tr 16-19).

cha-pio

Trong thời gian Tập, vì hãm mình quá, 3 tuần không ăn uống gì, nhà Dòng tưởng thầy sẽ chết, nên cho về nhà ba má bổ dưỡng, không bao lâu thầy phục sức.  Trở về nhà dòng học thần học, nhiều lần anh em gặp thầy Pio quì gối để học bài.

Năm 15 tuổi vào Dòng Capucins.  Ngày 10.08.1910, (23 tuổi) thầy Piô được thụ phong linh mục trong nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Benevento.  Bảy ngày sau khi chịu chức linh mục, cha Piô được in 5 Dấu Thánh ẩn kín (chưa xuất hiện).

Tháng 9 năm 1916, Cha Pio được thuyên chuyển về Tu Viện Ðức Mẹ Ban Ơn (Santa Maria delle grazie), ở San Giovanni Rotondo, trong giáo phận Foggia.

Năm 31 tuổi (ngày 20.09.1918), sau khi Rước Mình Máu Thánh Chúa, các dấu thánh xuất hiện.  Cha đã chịu đau đớn mang 5 dấu thánh trong 50 năm.  Sau khi cha tắt thở, các dấu thánh này liền biến mất, không để lại vết tích nào.

  1. Tôn sùng Đức Mẹ: Lần hạt suốt ngày:

Cha Piô rất sùng kính Đức Mẹ và ngài thường lần chuỗi hàng ngày.
Trong tu viện, một thầy hỏi ngài:
– Cha lần bao nhiêu chuỗi kinh Mân côi mỗi ngày?
– Khoảng 40.
– 40 lần 50 mươi, nghĩa là 2 ngàn kinh Kính Mừng mỗi ngày sao?
– Sao?  Chuỗi Mân côi chỉ có 5 chục thôi sao?  Một chuỗi Mân côi đầy đủ phải gồm 150 kinh Kính mừng và 15 kinh Lạy Cha.

Có lần ngài nói với một người con thiêng liêng:

“Luôn luôn nắm chặt lấy vũ khí của Đức Mẹ trong tay, nó sẽ giúp con chiến thắng kẻ thù.”
– Vũ khí đó là gì?
– Nó trên áo dòng của cha.
– Con đâu có thấy vũ khí nào đâu?  Con chỉ thấy xâu chuỗi Mân côi.
– Đó không phải là vũ khí sao? (Cuộc đời cha Piô, Người Tín hữu xb, 2000, tr 267)

Khi được hỏi di sản ngài muốn trối lại cho các con thiêng liêng của ngài là gì, Cha Thánh Piô đã trả lời:

“Lần chuỗi Mân Côi!”  Ngài cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra ở mọi nơi kêu mời người ta đọc kinh Mân Côi là điều chắc chắn khiến ta phải chuyên cần đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày.

Ngài còn nói: “Còn kinh nguyện nào đẹp hơn Kinh Mân Côi, kinh chính Mẹ dạy ta.  Hãy luôn lần chuỗi Mân Côi.”

Hai ngày trước khi qua đời ngài còn nói: “Hãy yêu Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu.  Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần luôn luôn và lần càng nhiều càng tốt.”

Một lần Đức Mẹ cũng nói với thánh nữ Mectinđa rằng: “Khi sống con đọc bao nhiêu kinh Kính Mừng, khi chết con được bấy nhiêu ơn”.

Nhờ chuyên chăm sốt sắng lần chuỗi Mân Côi, Cha Thánh Piô đã kéo được biết bao ơn xuống cho bản thân ngài và cho những ai đến với ngài.

Hãm mình cao độ: Năm 1925, cha bị bệnh sa ruột, thường làm cha đau buốt, khi bước lên bàn thờ cha phải gắng hết sức để khỏi ngất đi, ngã xuống đất.  Bác sĩ Festa đã quyết định mổ ngay cho ngài tại Tu viện, vì trong thời gian này Tòa thánh hiểu lầm những báo cáo về ngài, nên  không cho ngài ra ngoài, không được liên lạc với người ngoài và không cho ai coi 5 dấu, cũng không được cử hành thánh lễ nơi công cộng.

Bác sĩ muốn đánh thuốc mê cho khỏi đau, nhưng ngài không đồng ý, sợ ông ta lén coi 5 dấu thánh. Cha bằng lòng mổ sống.  Cuộc mổ kéo dài 1 giờ 45 phút, mà cha không kêu ca.  Tới lúc gần xong, cha mới tràn nuớc mắt và kêu: “Xin Chúa Giêsu tha cho con, vì con không biết chịu khó như con phải chịu.”  Sau đó cha ngất đi vì kiệt sức.

Năm 1935, nhân dịp mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục, Đức Piô 11 cho cha được trở lại giúp các linh hồn.

Cha thức dậy từ 3 giờ sáng để dọn mình dâng lễ tại phòng riêng để khỏi phiền anh em, Ngài dâng lễ cách sốt sắng như diễn lại cuộc tử nạn của Chúa trên núi Calvê xưa.  Thánh Lễ kéo dài từ 1g30 phút tới 2 giờ.  Có khi Thánh Lễ kéo dài đến 4 tiếng vì xuất thần, Sau lễ là giải tội từ sáng đến tối.

Ăn uống không bao nhiêu.  Người ta nói, ngài ăn không hơn một em bé đang trong nôi.

  1. Giải tội cho người thập phương:

Ngài giải tội tùy theo tình trạng mỗi tâm hồn, chỉ cốt sao cho họ thành thực, được ơn tha thứ và cải thiện đời sống, nên nhiều khi ngài có những cư xử khác thường:

1/ Một người viết báo ở Rôma kể: Trước khi cha Piô ban phép giải tội, ngài nói với tôi cách gắt gỏng là hãy cẩn thận với vài khuyết điểm.  Lời ngài nói như xuyên qua linh hồn tôi.  Trong một dịp khác, ngài vạch rõ những khuyết điểm ăn sâu trong lòng, và tôi dần dà cải đổi.  Lần thứ ba, ngài hỏi: từ bấy lâu nay có xưng tội không?  Tôi mỉm cười và trả lời tự tin: Ngày nào con cũng dự lễ và rước lễ mà. Cha Piô nhăn mặt và gay gắt nói:

– Con đến đây để xưng tội chứ không để ca ngợi mình.  Thế con có nóng giận với các em gái con không?
– Dạ có.
– Đó là điều con phải xưng.  Và đừng làm thế nữa.

2/ Một bà kia xưng tội phạm đức trong sạch.  Bà biết rõ khi trở về bà sẽ bị cám dỗ và sa ngã lại.  Cha Piô từ chối ban phép giải tội.  Lần sau bà đến nữa, ngài cũng không giải tội.  Lần thứ 5, khi xếp hàng, bà nghĩ: Tôi thà chết không phạm tội này nữa.  Khi bà xưng, cha Piô lắng nghe, và ngài đã ban phép giải tội cho bà.  Ngài biết được nội tâm người ta.

3/ Một bà khác xưng rằng:
– Con đọc sách báo xấu.
– Con có xưng tội này rồi phải không?
– Dạ phải.
– Cha giải tội nói gì với con?
– Cha giải tội bảo con không được phạm tội này nữa.
– Không nói một lời, cha Piô đóng sầm cửa sổ, quay sang giải tội cho người bên kia.  Người phụ nữ ấy khóc lóc và đi xưng tội với một linh mục khác, sau đó rước lễ từ tay cha Piô.  Trước khi ra về bà khóc lóc, nói: “Tôi muốn đốt hết tất cả những sách báo xấu xa trên toàn thế giới.”
Cha Piô thật hài lòng, ngài muốn tội nhân thay đổi khi ra khỏi tòa giải tội.

4/ Ngày kia, có một anh thanh niên đến xin xưng tội với cha Piô.  Ngài nhìn anh với đôi mắt nghiêm nghị, ngài la lên “đồ con heo!”  Mọi người quay về phía anh, thật nhục nhã, anh ta vội vã rời phòng giải tội.  Một linh mục kinh ngạc, đăm đăm nhìn cha, nói:
– Sao cha dùng những lời lẽ thậm tệ đến thế?

– Cha Piô nhún vai: nếu tôi không la vào mặt hắn, hắn sẽ phải án phạt đời đời.  Hắn sống với vợ lẽ, và đây là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.  Sự nhục nhã đó có lợi cho hắn, vài ngày nữa hắn sẽ trở lại. Nếu tôi ban phép giải tội cho hắn bây giờ, hắn sẽ không sám hối và không sửa đổi.

Anh ta đã không thể ngủ nghỉ, ăn uống khi nghĩ tới mối liên hệ bất chính.  Anh ta đã trở lại, quì gối xuống ăn năn khóc lóc trước mặt cha Piô.  Ngài cúi xuống khoác tay lên người anh, ngài ôn tồn nói:

– Con thấy không, bây giờ Chúa Cứu Thế rất hài lòng về con.

5/ Một hôm, ngài đang nói chuyện với một bà có ông chồng vừa qua đời.  Trước đây chồng bà đã bỏ bà và 2 con nhỏ để sống với một phụ nữ khác trong 3 năm.  Bất thình lình ông bị bệnh ung thư.  Trước khi ông chết, bà vợ này khẩn khoản xin ông lãnh nhận các Bí tích cuối cùng.  Ông nhận lời.

Người đàn bà nhỏ nhắn và đơn sơ này đưa tay sửa lại chiếc khăn vuông trên đầu và hỏi cha Piô:
– Thưa cha, linh hồn chồng con bây giờ ở đâu?
– Cha Piô nhìn bà ta với đôi mắt lo ngại.  Hình như ngài cảm được nỗi buồn phiền trong tâm hồn của bà, Ngài nói khẽ:
– Linh hồn chồng bà đã bị án phạt đời đời.

Người đàn bà lắc đầu khổ sở, nước mắt tuôn tràn.

Cha Piô nói tiếp cách buồn bã:
– Khi nhận các Bí tích sau cùng, ông ta đã giấu nhiều tội.  Ông không ăn ăn hối hận, cũng không quyết tâm chừa cải.  Ông vẫn là tội nhân đối với lòng thương xót Chúa, vì ông muốn hưởng hết lợi lộc của cõi đời này, rồi sau đó mới quay về ăn năn, thống hối…, nhưng không còn thì giờ cho ông nữa!

Trước khi bà ra về, ngài hết sức an ủi bà, nhưng suốt ngày những điều ấy chờn vờn trong tâm trí ngài, vì một người đã bị hư mất.

(Cuộc đời Cha Piô, Người Tín Hữu xb, 2000, trang 188).

Năm 1956, Cha khánh thành một Trung Tâm Xã Hội có tên gọi là “Nhà an ủi kẻ đau khổ,” và nay là bệnh viện lớn và tối tân, thuộc quyền Tòa Thánh.

Cha Pio qua đời lúc 2:30 sáng ngày 23.09.1968.

Tháng 11 năm sau, tức năm 1969, Tổng Cáo Thỉnh Viên của Dòng Cappucin xin phép làm án phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Cha Pio.  Giai đoạn làm án phong thánh cho cha ở cấp giáo phận, đã được hoàn tất năm 1990 và tất cả các hồ sơ được chuyển đến Bộ Phong Thánh Roma.  Trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 1990, Tòa Án giáo phận đã thu lượm các tài liệu đóng thành 23 pho sách.

Yếu tố nổi bật trong linh đạo của Cha Pio chắc chắn là đời sống bí tích: các tín hữu tham dự các cuộc hành hương tại San Giovanni Rotondo hầu hết đều đến tòa giải tội lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, tham dự thánh lễ và rước lễ.

Sau khi ngài qua đời ngày 23/9/1968, (81 tuổi) có đến hơn một 100,000 người tham dự lễ an táng của ngài.  Ba vị Giáo Hoàng đã kết án cha là người giả hình đóng kịch.  Nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng cất nhắc cha lên hàng Hiển Thánh.  Lễ phong thánh cho ngài vào đúng Ngày của Cha (Father’s Day) 16/06/2002 là một lễ phong thánh có đông người tham dự nhất xưa nay, với con số gần nửa triệu người!  Thi hài thánh Padre Piô hiện quàn tại San Giovanni Rotondo, miền nam nước Ý.

Sưu tầm

From: Langthangchieutim

Mẹ Teresa được Vantican phong thánh, bằng chứng từ 2 phép màu

Mẹ Teresa được Vantican phong thánh, bằng chứng từ 2 phép màu

ME TERESA

Mẹ Terasa được phong thánh sau 19 năm qua đời. Ảnh: Channel News Asia

 Tòa thánh Vatican ngày 4/9 đã tổ chức Lễ phong thánh cho Mẹ Teresa – một nữ tu vĩ đại đã cống hiến cả đời cho những hoạt động nhân đạo.

Trước 120.000 giáo dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis I đã tuyên bố phong thánh cho Mẹ Teresa, một ngày trước kỷ niệm 19 năm ngày mất của bà.

QUANG TRUONG THANH PETER

Quảng trường nhà thờ Thánh Peter trong ngày phong thánh cho Mẹ Teresa. Ảnh: Reuters

Một bức chân dung khổng lồ của Mẹ Teresa đã kéo lên trước nhà thờ Thánh Peter tại Vatican.

Mẹ Teresa tên thật là Agnes Gonxha Bojaxhiu, sinh năm 1910 tại Albania. Bà bắt đầu tham gia Hội truyền giáo từ thiện tại Kolkata (Ấn Độ) từ năm 1950. Tại đây, bà đã lao động miệt mài, không mệt mỏi để giúp đỡ những người nghèo khó trong suốt gần nửa thế kỷ, nên còn được biết đến với tên “Thánh của người bần cùng”.

Năm 1979, Mẹ Teresa được trao giải Nobel Hòa Bình.

Quá trình phong thánh cho Mẹ Teresa cũng diễn ra rất nhanh. Sau khi bà qua đời tại Kolkata năm 1997, giáo dân toàn cầu đã yêu cầu phong thánh cho bà, buộc Giáo hoàng khi đó là John Paul II phải phá lệ, bắt đầu xét phong thánh vào năm 1999.

Quá trình phong thánh được đẩy nhanh khi có 2 phép màu đã được công nhận như những bằng chứng thuyết phục để Mẹ Teresa được phong thánh.

Thứ nhất, vào năm 2002, khối u dạ dày của một phụ nữ 30 tuổi người Ấn Độ tên là Monica Bersa đã được chữa khỏi một cách thần kỳ sau khi cô cầu nguyện Mẹ Teresa. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Mẹ Teresa được ban “chân phước” vào năm 2003.

Phép màu thứ hai được công nhận vào năm 2015 khi một người đàn ông Brazil bị nhiễm khuẩn não cũng tự hồi phục nhờ gia đình cầu nguyện Mẹ Teresa.

Tháng 3/2016, Giáo hoàng Francis I đã công nhận phép mầu của Mẹ Teresa và cho biết sẽ phong thánh cho bà.

Hạo Nhân tổng hợp

Anh chị Thụ & Mai gởi

MẸ TÊRÊXA: TIỂU SỬ VÀ CHỨNG TỪ

MẸ TÊRÊXA: TIỂU SỬ VÀ CHỨNG TỪ

“Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu” (Mẹ Têrêxa)

Với dáng người nhỏ bé, nhưng với một đức tin sắt đá, Mẹ Têrêxa thành Calcutta được giao phó sứ mạng công bố tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại, đặc biệt đối với những người bần cùng nhất. “Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Người sai chị em chúng ta ra đi để biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Người đối với người nghèo“. Mẹ có một tâm hồn tràn đầy ánh sáng Chúa Kitô, một tâm hồn bùng cháy tình yêu đối với Ngài và bị thôi thúc bởi một mong ước duy nhất: “xoa dịu cơn khát của Chúa: khát tình yêu và khát các linh hồn“.

Thời thơ ấu

Agnes Gonxha Bojaxhiu sinh ngày 26 tháng 08 năm 1910, và chịu phép rửa ngay hôm sau, tại Skopje, Macedonia. Gia đình cô thuộc cộng đồng người Anbani. Đây là một gia đình công giáo, mặc dù đa số người Anbani ở đấy theo Hồi Giáo. Thời bấy giờ, Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ cai trị đất nước. Cha cô, ông Nikola, là một doanh nhân. Ông làm chủ một công ty và một cửa hàng thực phẩm. Ông thường du hành đó đây, biết nhiều thứ tiếng và rất quan tâm đến chính trị. Ông là một thành viên của Hội Đồng người Anbani. Cùng với vợ mình là bà Drana, ông đã dạy cho Agnes những bài học bác ái đầu tiên.

Khi Agnes lên 9, năm 1919, cha cô qua đời một cách đột ngột. Bà Drana phải một mình bươn chải hầu nuôi dạy ba người con là Aga (1904), Lazar (1907) và Agnes Gonxha (1910). Để sinh sống, bà lao động vất vả qua nghề thêu may. Dù vậy, bà vẫn dành thì giờ để giáo dục con cái. Gia đình cầu nguyện mỗi tối, đi nhà thờ hằng ngày, lần chuổi Mân Côi mỗi ngày trong suốt tháng Năm và chuyên cần tham dự các lễ kính Đức Mẹ. Họ cũng luôn quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ và túng thiếu đến gõ cửa nhà họ. Trong các kỳ nghỉ, gia đình có thói quen đến tĩnh tâm tại một nơi hành hương kính Đức Mẹ, ở Letnice.

Agnes rất thích đi nhà thờ, cô cũng thích đọc sách, cầu nguyện và ca hát. Mẹ cô tình nguyện chăm sóc một phụ nữ nghiện rượu ở gần đấy. Mỗi ngày hai lần, bà đến rửa ráy và cho người phụ nữ ấy ăn, đồng thời bà cũng chăm sóc một bà góa có 6 con. Những ngày bà không đi được, thì Agnes thay bà đi làm các việc bác ái đó. Khi bà góa qua đời, những người con của bà đến sống với bà Drana như con ruột của mình.

Ơn Gọi

Những năm trung học, cô Agnes dùng phần lớn thời gian để hoạt động trong hội Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Mariae). Vì giỏi ngoại ngữ, cô giúp một linh mục gặp khó khăn trong ngôn ngữ, cô dạy giáo lý và đọc rất nhiều sách về các nhà thừa sai Slovenia và Croatia ở Ấn Độ. Khi lên 12, lần đầu tiên cô mong muốn dâng đời mình để làm việc Chúa, hiến trọn đời mình cho Chúa để Người quyết định. Nhưng cô phải làm sao để biết chắc chắn là Chúa có gọi cô hay không?

Cô cầu nguyện nhiều rồi tâm sự với các chị và mẹ mình. Cô cũng trình bày với vị linh mục giải tội: “Làm sao con biết chắc?”. Cha trả lời: “Căn cứ trên NIỀM VUI. Nếu con cảm thấy thực sự hớn hở vui mừng với ý tưởng rằng Chúa có thể gọi con phục vụ Người và tha nhân, thì đấy là bằng chứng cho thấy rằng con có ơn gọi”. Và cha nói thêm: “Niềm vui sâu xa mà con cảm nhận là la bàn để chỉ cho con biết hướng đi của đời mình”.

Năm 18 tuổi là năm trọng đại. Cô quyết định. Hai năm trước đó, cô đã đến tĩnh tâm nhiều lần tại Letnice và nhận ra rõ ràng là cô sẽ phải đi truyền giáo ở Ấn Độ. Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1928, cô đến Letnice cầu nguyện xin Đức Mẹ chúc lành trước khi ra đi. Cô chuẩn bị gia nhập dòng Đức Mẹ Lorette, một hội dòng đang hoạt động tích cực tại Ấn Độ.

Ngày 25 tháng 09, cô lên đường. Cả cộng đồng tiễn cô ra ga: nào bạn hữu, nào láng giềng già trẻ, và dĩ nhiên cả Mẹ và bà chị Aga. Mọi người đều khóc.

Cô đi qua Zagreb, Áo, Thụy Sĩ, Pháp và đến Luân Đôn, rồi từ đấy vào một tu viện gần Dublin là nhà mẹ của Hội Dòng Đức Mẹ Lorette. Tại đấy, cô học nói tiếng Anh và sống nếp sống nữ tu. Ngày mặc áo dòng, cô chọn tên là Têrêxa, để tưởng nhớ chị thánh Têrêxa Hài Đồng ở Lisieux, nơi mà cô dừng chân trên đường đến Luân Đôn. Cùng thời gian này cô làm các thủ tục giấy tờ và năm 1928 cô khởi sự cuộc hành trình đầu tiên đến với Ấn Độ: đất nước ước mơ của cô! Cuộc hành trình này thật gian nan. Có vài chị em nữ tu đi cùng tàu với cô nhưng phần đông hành khách thì theo Anh giáo. Suốt nhiều tuần lễ, họ không được dự lễ và rước lễ, kể cả ngày Giáng Sinh. Tuy nhiên, họ cũng làm một máng cỏ, lần hạt và hát thánh ca Giáng Sinh.

Đầu năm 1929 họ đến Colombo, rồi đến Madras và cuối cùng là Calcutta. Họ tiếp tục đi đến Darjeeling, dưới chân dãy Hy mã lạp sơn, nơi mà người nữ tu trẻ sẽ hoàn tất thời gian huấn luyện. Ngày 23 tháng 05 năm 1929, chị Têrêxa vào tập viện và hai năm sau chị khấn lần đầu. Ngay sau đó, chị được chuyển đến Bengali để giúp đỡ các chị trong một bệnh viện nhỏ hầu chăm sóc các bà mẹ đau yếu, đói khát và không nơi nương tựa. Chị bị đánh động trước nỗi khốn cùng vô biên tại nơi này.

Nữ Tu và Giáo viên

Sau đó, chị được gởi đến Calcutta để học sư phạm. Khi nào có thể, chị đều đi giúp chăm sóc bệnh nhân. Khi ra trường, chị trở thành giáo viên và mỗi ngày phải đi xuyên qua thành phố. Công việc đầu tiên của chị là lau phòng học. Chẳng bao lâu, các em bé yêu mến cô giáo vì sự nhiệt tình và lòng trìu mến của cô, nên số học sinh lên đến ba trăm em. Ở một khu khác trong thành phố, còn 100 em nữa. Chị nhìn thấy nơi các em ở và đồ các em ăn. Cảm được sự chăm sóc và tình yêu của chị, các em gọi chị là ‘ma’ (mẹ). Những ngày chúa nhật, chị đi thăm viếng gia đình các em.

Ngày 24 tháng 05 năm 1937, chị khấn trọn đời ở Darjeeling và trở thành, như lời chị nói, “hiền thê của Chúa Giêsu cho đến đời đời”. Chị được cử làm hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở tại trung tâm Calcutta, dành cho nữ sinh Bengali. Đôi khi chị cũng đích thân dạy sử địa. Cạnh trường là một trong những khu ổ chuột lớn nhất Calcutta. Chị Têrêxa không thể nhắm mắt làm ngơ được: Ai chăm sóc cho những người nghèo sống lang thang trên đường phố đây? Tinh thần bác ái toát ra từ những bức thư của mẹ chị nhắc lại tiếng gọi căn bản: hãy chăm sóc người nghèo.

Hội đoàn Legio Mariae cũng hoạt động trong trường này. Cùng với các nữ sinh, chị Têrêxa thường đi thăm bệnh viện, khu ổ chuột, người nghèo. Họ không chỉ cầu nguyện suông. Họ cũng nghiêm túc trao đổi về những gì mình thấy và làm. Cha Henry, một linh mục dòng Tên người Bỉ, là vị linh hướng của chị; ngài gợi ý nhiều điều trong công tác này. Ngài hướng dẫn chị Têrêxa trong nhiều năm. Qua các gợi ý của ngài, chị càng ngày càng mong muốn phục vụ người nghèo, nhưng bằng cách nào đây?

‘Ơn gọi trong ơn gọi’

Với tất cả những thao thức ấy, chị đi tĩnh tâm ngày 10 tháng 09 tại Darjeering. Sau này chị nói:  “đấy là chuyến đi quan trọng nhất trong đời tôi”. Đấy chính là nơi mà chị thực sự nghe được tiếng Chúa: “Hãy đến làm ánh sáng cho Thầy”“. Sứ điệp của Người rất rõ ràng: chị phải rời tu viện để giúp đỡ những kẻ khốn khổ nhất và cùng sống với họ. “Đấy là một mệnh lệnh, một bổn phận, một xác tin tuyệt đối. Tôi biết mình phải làm gì, nhưng không biết phải làm thế nào”. Ngày 10 tháng 09 là một ngày quan trọng đến nỗi Hội Dòng gọi ngày này là ‘ngày linh hứng’ (inspiration day).

Chị Têrêxa cầu nguyện, trình bày cho vài chị khác, tham khảo ý kiến mẹ bề trên, và mẹ bảo chị đến gặp đức tổng giám mục Calcutta, Đức Cha Perrier. Chị giải thích cho ngài về ơn gọi của mình, nhưng đức cha không cho phép. Ngài đã trao đổi với các cha dòng Tên Henry và Celeste Van Exem, là những vị biết rõ chị Têrêxa. Các ngài xem xét mọi mặt vấn đề: Ấn Độ sắp được độc lập và chị Têrêxa lại là một người Âu!  E rằng chị sẽ gặp những nguy hiểm về chính trị và nhiều vấn đề khác xuất phát từ việc phân biệt sắc tộc. Liệu Rôma có phê chuẩn quyết định này chăng? Đức cha khuyên chị cầu nguyện một năm nữa trước khi thực hiện quyết định này, nếu không thì nên gia nhập dòng các Nữ Tử thánh Anna, những nữ tu mặc sari xanh đang hoạt động cho người nghèo. Chị Têrêxa nghĩ rằng đấy không phải là con đường thích hợp cho mình. Chị muốn sống cùng với người nghèo. Một năm sau, khi chị Têrêxa trình lên ý định mình, đức tổng giám mục muốn cho phép, nhưng ngài bảo tốt hơn là chị hãy xin phép Rôma và Mẹ bề trên tổng quyền của chị ở Dublin. Chị lại phải chờ đợi một thời gian khá lâu để nhận được quyết định từ trung ương.

Quyết định

Tháng 08 năm 1948, chị Têrêxa được phép rời cộng đoàn Lorette với điều kiện là tiếp tục tuân giữ các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Chị chia tay với chị em mình năm 38 tuổi, rời tu phục dòng Lorette để mặc lấy chiếc sari rẻ tiền màu trắng viền xanh. Trước hết, chị đến Patna để theo học một khóa huấn luyện y tá cùng với các nữ tu tại đấy. Chị thấy rõ ràng là chị chỉ có thể giúp đỡ người nghèo trong các căn nhà bẩn thỉu bệnh hoạn của họ nếu chị biết cách phòng bệnh và chữa bệnh. Kiến thức y khoa là điều kiện không thể thiếu được hầu chu toàn ơn gọi mới của mình.

Vị bề trên ở Patna, một bác sĩ, đã cho chị một lời khuyên khôn ngoan khi chị tỏ ý muốn ra sống giữa những người nghèo và chăm sóc họ. Chị bảo rằng chị muốn sống chỉ bằng cơm với muối, giống như người nghèo, và vị bề trên đáp lại rằng đấy là cách hay nhất để cản trở chị khỏi phải đi theo ơn gọi của chị: nếp sống mới đòi hỏi ở chị một sức khoẻ thật vững và thật tốt.

Sau khi trở về Calcutta, chị Têrêxa đến với các khu ổ chuột và đường phố, thăm viếng và giúp đỡ người nghèo. Toàn bộ tài sản của chị vẻn vẹn là một cục xà phòng và năm rupi (một đôla = 45 rupi; và 5 rupi = dưới 2000 VNĐ). Chị giúp tắm các em bé và rửa các vết thương. Người nghèo rất ngạc nhiên: Cái bà người Âu mặc chiếc sari nghèo nàn này là ai vậy? Mà bà nói thông thạo tiếng Bengali! Bà lại đến giúp họ rửa ráy, lau chùi và chăm sóc họ nữa chứ! Thế rồi chị bắt đầu dạy các em bé nghèo học chữ, học cách rửa ráy và giữ vệ sinh. Sau đấy chị mướn được một phòng nhỏ để làm lớp học.

Phần chị, chị vẫn tạm trú tại nhà các Chị Em Người Nghèo. Chúa là nơi nương tựa của chị để có được những sự trợ giúp vật chất. Và Người luôn có mặt: lúc nào chị cũng tìm ra thuốc men, quần áo, thức ăn và chỗ ở để đón người nghèo và chăm sóc họ. Vào giữa trưa, các em bé được uống một ly sữa và nhận một miếng xà phòng, nhưng đồng thời các em cũng được nghe nói về Chúa, Đấng Tình Yêu, và – ngược với cái thực trạng rành rành trước mắt các em – Người yêu thương các em, thực sự yêu thương các em.

Một thời điểm cảm động

Một hôm, một thiếu nữ Bengali, xuất thân từ một gia đình khá giả và là cựu học sinh của Mẹ Têrêxa, muốn đến ở với Mẹ mà giúp một tay. Đây là một thời điểm cảm động. Nhưng Mẹ Têrêxa rất thực tế: Mẹ nói về sự nghèo khó toàn diện, về những khía cạnh khó chịu của công việc Mẹ làm. Mẹ đề nghị thiếu nữ chờ đợi một thời gian nữa.

Ngày 19 tháng 03 năm 1949, thiếu nữ ấy trở lại trong một chiếc áo nghèo nàn và không mang trên người một món nữ trang nào. Cô đã quyết định. Cô là người đầu tiên gia nhập cộng đoàn của Mẹ Têrêxa và lấy tên khai sinh của Mẹ là Agnes. Những thiếu nữ khác nối tiếp cô: vào tháng 05 cộng đoàn có ba người, tháng 11 là năm người, năm sau đó là bảy người. Mẹ Têrêxa thiết tha cầu nguyện để có được nhiều ơn gọi hơn nữa cho Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Có quá nhiều việc phải làm. Các chị em thức dậy thật sớm, cầu nguyện lâu giờ, dự thánh lễ để kín múc sức mạnh cho đời sống thiêng liêng hầu thực thi những công việc phục vụ người nghèo. Tạ ơn Chúa, có một ông tên là Gomes đã dâng tặng tầng cao nhất của căn nhà mình cho cộng đoàn Mẹ Têrêxa. Đây cũng là năm mà Mẹ Têrêxa lấy quốc tịch Ấn Độ.

Mẹ Têrêxa nhìn cộng đoàn lớn lên và biết rằng Mẹ có thể nghiêm túc nghĩ đến việc sáng lập một hội dòng. Muốn xây dựng hiến pháp đầu tiên, Mẹ tham khảo ý kiến của hai người đã từng giúp Mẹ trước đây: các cha dòng Tên Julien Henry và Celest Van Exem. Vị linh mục đọc lại lần cuối là cha De Gheldere. Giờ đây “hiến pháp của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái” có thể trình lên đức tổng giám mục, và ngài gởi về Rôma để xin phê chuẩn.

Đầu mùa thu, sắc lệnh phê chuẩn của Đức Thánh Cha đến, và ngày 7 tháng 10 năm 1950, lễ Mân Côi, nghi thức khánh thành diễn ra trong nhà nguyện của chị em. Đức tổng giám mục cử hành thánh lễ và cha Van Exem đọc sắc lệnh thành lập. Vào lúc ấy, có 12 chị em. Không đầy 5 năm sau, cộng đoàn được nâng lên thành hội dòng Tòa Thánh, có nghĩa là trực thuộc Đức Thánh Cha.

Những lãnh vực khác

Muốn đáp ứng trọn vẹn hơn các nhu cầu vật chất và thiêng liêng của người nghèo, Mẹ Têrêxa sáng lập:

  • Năm 1963: Tu hội Anh Em Thừa Sai Bác Ái.
  • Năm 1976: Nhánh nữ tu chiêm niệm.
  • Năm 1979, Các Nam tu sĩ chiêm niệm.
  • Năm 1984, Hội linh mục Thừa Sai Bác Ái.

Tuy nhiên, thao thức của Mẹ không dừng lại nơi những người có ơn gọi tu trì mà thôi. Mẹ thiết lập hội:

  • Những Cộng Tác Viên với Mẹ Têrêxa và những Cộng Tác Viên Bệnh Tật Và Đau Khổ, gồm những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau mà Mẹ chia sẻ tinh thần cầu nguyện, đơn sơ, hy sinh và công tác tông đồ qua những việc làm hèn mọn vì tình yêu. Tinh thần này cũng thôi thúc Mẹ thiết lập hội:
  • Giáo Dân Thừa Sai Bác Ái.
  • Để đáp lại yêu cầu của nhiều linh mục, năm 1981, Mẹ Têrêxa khởi xướng phong trào Corpus Christi dành những linh mục nào muốn chia sẻ linh đạo và đặc sủng của Mẹ.

Trong những năm lớn mạnh đó, thế giới bắt đầu chú ý đến Mẹ và các công trình mà Mẹ đã khởi xướng. Mẹ nhận được nhiều giải thưởng:

  • Giải Padmashri của Ấn Độ, năm 1962.
  • Giải Hoà Bình của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, năm 1971.
  • Giải Nêru vì có công thăng tiến nền hòa bình và sự thông cảm trên thế giới, năm 1972.
  • Giải Nobel Hòa Bình, năm 1979; trong khi đó, các phương tiện truyền thông càng ngày càng ca tụng Mẹ hết lời qua các công việc Mẹ làm. Mẹ đón nhận tất cả ‘vì vinh danh Thiên Chúa và nhân danh người nghèo’

Chứng từ của một cuộc đời.

Toàn bộ cuộc đời và công trình của Mẹ Têrêxa là một chứng từ cho niềm vui trong yêu thương, cho sự cao cả và phẩm giá của mỗi một con người, cho giá trị của từng việc nhỏ nhất được thực thi với đức tin và tình yêu, và trên hết, cho sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.

Nhưng có một khía cạnh anh dũng khác của vĩ nhân này mà ta chỉ biết được sau khi Mẹ qua đời. Đây là một điều Mẹ dấu kín đối với mọi người, kể cả những thân hữu gần gũi nhất với Mẹ: Trong cuộc sống nội tâm, Mẹ có một cảm nghiệm sâu lắng, đau đớn và thường xuyên rằng Mẹ ở xa cách Chúa, thậm chí bị Người ruồng bỏ, và vì thế càng ngày Mẹ càng khao khát được Chúa yêu thương nhiều hơn. Mẹ gọi cái cảm nghiệm nội tâm ấy là bóng tối’. Cái đêm đen cay đắng’ này khởi sự từ ngày Mẹ bắt đầu công việc phục vụ người nghèo và tiếp tục mãi cho đến cuối đời, khiến Mẹ ngày càng kết hiệp mật thiết hơn với Chúa. Qua cái tối tăm đó, Mẹ tham dự một cách huyền nhiệm vào cơn khát cùng cực và đau đớn của Chúa Giêsu và chia sẻ tự thâm sâu sự khốn cùng của người nghèo.

Trong những năm cuối đời, mặc cho sức khoẻ càng ngày càng giảm sút, Mẹ vẫn tiếp tục điều hành Hội Dòng và đáp ứng các nhu cầu của người nghèo và của Giáo Hội.

  • Năm 1997, số nữ tu của Mẹ Têrêxa là 4000 chị, hoạt động tại 610 nhà, trong 123 quốc gia trên thế giới.
  • Tháng 03 năm 1997, Mẹ chúc phúc cho vị bề trên tổng quyền mới của Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái (chị Nirmala Joshi), rồi thực hiện một chuyến du hành ở nước ngoài.
  • Sau khi yết kiến Đức Thánh Cha lần chót, Mẹ về lại Calcutta, dành những ngày cuối đời để tiếp khách và dạy dỗ các nữ tu con cái mình.
  • Ngày 05 tháng 09 là ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Mẹ. Mẹ được tiễn đưa về vĩnh cửu theo nghi lễ quốc táng của Ấn Độ và thi hài Mẹ được chôn cất tại nhà mẹ của hội dòng Thừa Sai Bác Ái. Mộ của Mẹ trở thành nơi hành hương cho mọi người, giàu cũng như nghèo.

Không đầy hai năm sau ngày qua đời, do sự thánh thiện mà mọi người đã đồng thanh ca ngợi và những báo cáo về các ơn thiêng nhận được qua Mẹ, nên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành xem xét hồ sơ phong thánh cho Mẹ. Ngày 20 tháng 12 năm 2002, ngài phê chuẩn sắc lệnh công nhận nhân đức anh hùng và các phép lạ của Mẹ.

Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được nâng lên hàng chân phước (lễ kính vào ngày 05 tháng 9). Mẹ là người được phong chân phước nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội từ trước đến nay: chỉ 6 năm sau ngày qua đời. Trước Mẹ, thánh Gioan Bosco và thánh Maximilian Kolbe được phong chân phước 30 năm sau ngày qua đời và là những người được phong chân phước nhanh nhất.

Chân phước Têrêxa thành Calcutta – một người của toàn thể nhân loại, mang dòng máu Anbani, có quốc tịch Ấn độ và công dân danh dự của Hoa kỳ, nhưng lại xóa mình đến nỗi ít ai còn nhớ đến cái tên khai sinh Agnes Gonxha Bojaxhiu – mãi mãi là hình ảnh của một Kitô hữu có một đức tin không hề lay chuyển, một đức cậy bất chấp phong ba và một đức ái vượt mọi biên thùy. Lời đáp trả trước tiếng gọi của Chúa Giêsu “Hãy đến làm ánh sáng cho Thầy” đã biến người thành một nhà Thừa Sai Bác Ái, một ‘người mẹ của kẻ nghèo’, một biểu tượng cho lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với con người và một bằng chứng sống động cho thấy rằng Chúa Giêsu từng ngày khắc khoải chờ đợi tình yêu của mỗi một linh hồn.

TRẦN DUY NHIÊN

Tổng hợp theo tài liệu của Mạng Lưới Vatican

và Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Nhìn ngắm cuộc sống của Mẹ Tê-rê-sa

Nhìn ngắm cuộc sống của Mẹ Tê-rê-sa

Dongten.net

ME TERESA

Dù  chỉ cao 1,52m, nhưng Mẹ Tê-rê-sa là một người nữ đầy sức mạnh và sức bền. Điều này được mẹ thể hiện qua tình yêu dành cho tha nhân, qua lòng can đảm ra đi gặp gỡ người khác trong mọi hoàn cảnh của họ, nơi khu nhà ổ chuột cũng như nơi những tâm hồn đang buồn phiền thất vọng.

Sinh năm 1910 tại Skopje – một vùng đất thuộc Đế quốc Ottoman lúc bấy giờ, mẹ sớm nhận thấy mình được sinh ra để phục vụ người nghèo và người kém may mắn. Khi còn là một nữ tu dòng Loreto, Mẹ Tê-rê-sa đã chăm sóc, dạy dỗ các bé gái nghèo khổ cho tới khi mẹ nghe được “tiếng gọi đời mình trong một lời gọi.”

Soeur Therese Magdala

Dòng Thừa Sai Bác Ái

Chính khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc đầu tiên vang vọng trong năm 1946 khi mẹ thực sự cảm thấy Đức Giê-su mời gọi mẹ xa rời dòng Loreto để khởi sự một sứ mạng mới ở giữa những con người nghèo khổ tại Calcutta.”

Mẹ Tê-rê-sa đã đi ngược lại với xu hướng của rất nhiều dòng tu lúc bấy giờ. Thay vì mong muốn mọi người đến với mình như các dòng tu khác, mẹ ra đi với trái tim của người tôi tớ để gặp gỡ tha nhân tại những nơi họ đang sinh sống.

Soeur Therese Magdala

Dòng Thừa Sai Bác Ái

Mẹ đi tìm kiếm các linh hồn, đến nơi họ sinh sống, những nơi bị ruồng rẫy nhất và đến với các khu nhà ổ chuột. Trong lời cầu nguyện của mình, mẹ đến với những nơi ấy; và mẹ đã thực sự đến, thực sự bước vào và mang Đức Giê-su đến những nơi đó.”

Tuy nhiên, sự quan tâm chăm sóc mẹ dành cho tha nhân không chỉ giới hạn nơi những con người đường phố, nhưng còn dành cho hết thảy những ai mà mẹ gặp gỡ trong suốt ngày sống. Mẹ nhìn nhận mọi người là con người với phẩm giá cao cả, bất chấp điều kiện thể lý hiện tại của họ, và mẹ khích lệ người khác cùng làm như vậy.

Soeur Therese Magdala

Dòng Thừa Sai Bác Ái

Mẹ từng nhấn mạnh tới với việc quan tâm dành cho người khác. Bạn có thăm hỏi những người gần bạn hay không? Bạn có giúp đỡ người sống bên bạn, người trong gia đình, hàng xóm láng giềng, những người đang cần sự giúp đỡ bên ngoài đường phố mỗi khi bạn trông thấy họ? Chúng ta cần mở rộng tầm mắt để nhìn thấy thực tại nơi những người khác.”

Mẹ Tê-rê-sa nhấn mạnh rằng chúng ta không được phép phân loại một người là “vô gia cư,” nhưng phải giúp họ nghiệm được tình Chúa yêu thương. Mẹ xác tín mạnh mẽ điều này và đã thực hành trong đời sống hàng ngày của mình. Đó cũng là lý do mẹ được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 1979.

Ngày 04 tháng 9  tới đây, đời sống của mẹ sẽ được tôn vinh, khi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nâng mẹ lên bậc Hiển Thánh trong Giáo Hội Công Giáo Rô-ma.

Quang Khanh, S.J.

(Lược dịch từ Rome Report 25-08-2016)

THÁNH MONICA

THÁNH MONICA

THANH MONICA

Hoàn cảnh cuộc đời Thánh Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ hay mè nheo, một nàng dâu nhiều cay đắng, và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào.  Mặc dù ngài là một Kitô Hữu, cha mẹ ngài đã gả cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống trong cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi Châu.  Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nẩy và phóng túng.  Ngoài ra Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng.  Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người.  Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo.  Ông Patricius chết năm 371, sau khi rửa tội được một năm để lại người vợ goá và ba con nhỏ.

Người con cả, Augustine Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh).  Vào lúc cha chết, Augustine mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage.  Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng.  Có những lúc Thánh Monica không cho con được ăn ngủ ở trong nhà.  Và rồi một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustine sẽ trở về với đức tin.  Từ đó trở đi ngài sống gần với con hơn để ăn chay và cầu nguyện cho con.  Quả vậy, ngài ở gần đến nỗi Augustine cũng phải bực mình.

Khi 29 tuổi, Augustine quyết định đi Rôma để dạy về hùng biện.  Một tối kia, Augustine nói với mẹ là anh ra bến tầu để từ giã bạn bè.  Nhưng, anh lại lên tầu đi Rôma.  Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo.  Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustine đã đi Milan.  Mặc dù việc di chuyển khó khăn, Thánh Monica vẫn nhất định bám sát.

Ở đây, Augustine bị ảnh hưởng bởi một giám mục, Ðức Ambrôsiô, là vị linh hướng sau này của Thánh Monica.  Augustine chấp nhận mọi lời khuyên của đức giám mục, và tập được đức khiêm tốn đến độ ngài có thể từ bỏ được nhiều tật xấu.  Thánh Monica trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.

Ngài tiếp tục cầu nguyện cho Augustine trong những năm anh theo học với đức giám mục.  Vào Phục Sinh năm 387, Ðức Ambrôsiô rửa tội cho Augustine và một vài người bạn của anh.  Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi Châu.  Lúc ấy, Thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustine, “Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả.  Mẹ không biết có gì còn phải thi hành và tại sao mẹ lại ở đây, vì mọi hy vọng của mẹ ở trần gian này đều đã được hoàn tất.”  Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn trong chín ngày trước khi từ trần.

Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Monica là trong tác phẩm Tự Thú của Thánh Augustine.

Thánh Monica rất được mộ mến, nên nhiều người đã nhận tên Thánh Monica.  Giáo Hội tôn vinh ngài là bổn mạng của các bà mẹ, cách riêng các bà mẹ Công Giáo.  Nhiều đoàn thể hay thành phố lấy tên Ngài như thành phố Santa Monica, Los Angeles để kỷ niệm lần đầu tiên các nhà truyền giáo đến đây đúng ngày Lễ kính Thánh Monica 27/8.

Nhờ có được một Người Mẹ Tuyệt Vời, sau này Augustinô trở thành nhà giảng thuyết hùng biện, học giả uyên bác, một Thánh Giám Mục được phong là Tiến sĩ Hội Thánh.

Trong xã hội ngày nay, mọi thứ đều sẵn sàng, từ mì ăn liền, cà phê uống liền, đến việc tiêu xài liền (instant-credit) khiến chúng ta không còn kiên nhẫn.  Tương tự như thế, chúng ta cũng muốn lời cầu xin của chúng ta được đáp trả ngay lập tức.  Thánh Monica là gương mẫu của sự kiên nhẫn.  Những năm trường cầu nguyện, cộng với đức tính kiên cường và kỷ luật, sau cùng đã đưa đến sự trở lại của người chồng nóng nẩy, người mẹ chồng ưa gắt gỏng, và người con thông minh nhưng bướng bỉnh, là Augustine.

***************************** *********

Lạy Chúa, giữa những nghịch cảnh của cuộc sống gia đình, xin Chúa cho chúng con là những bà mẹ Công Giáo luôn biết siêng năng cầu nguyện.  Ngay cả đôi khi lời cầu nguyện của chúng con xem ra chưa được chấp nhận ngay, xin cho chúng con không sờn lòng nản chí nhưng biết phó thác vào ơn quan phòng của Chúa.  Xin cho chúng con hiểu rằng không phải những lời nói xuông của chúng con nhưng chính là những chứng tá yêu thương của chúng con trong những hy sinh hàng ngày mới đem lại ơn hoán cải cho những người xung quanh chúng con.  Amen!

Sưu tầm

From: Langthangchieutim

ÔNG THÁNH HAY LÀM PHÉP LẠ

ÔNG THÁNH HAY LÀM PHÉP LẠ

Thanh ANTON PADUA

Người ta thường gọi thánh Antôn Pađua là “ông thánh hay làm phép lạ.”  Ngài là linh mục tiến sĩ Hội Thánh.  Tuy ngay lúc sinh thời Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng Ngài một mực hạ mình khiêm nhu.  Chính sự khiêm nhượng cộng với lòng mến Chúa yêu Ðức Mẹ say mê và thương người tha thiết của Ngài đã làm nên phép lạ.

Mở mắt chào đời vào năm 1195 tại Lisbon, thủ đô Bồ Ðào Nha, Ngài được đặt tên là Phênanđô.  Thuộc dòng dõi sang trọng và đạo hạnh, Phênanđô được mẹ ân cần dậy dỗ ngay từ tấm bé.  Giêsu Maria là những tiếng Phênanđô bập bẹ đầu tiên trong đời.  Ngay từ nhỏ, Phênanđô đã khấn giữ mình đồng trinh theo gương Ðức Mẹ.  Cậu đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo.  Lên 10 tuổi, Phênanđô được mẹ trao phó cho cha bác huấn luyện chữ nghĩa và đường đạo đức.
Một lần Phênanđô đang sốt sắng quì cầu nguyện trước Ðức Mẹ thì bị ma quỉ nổi cơn ghen lôi đình, hắn nhẩy lên vai và bóp cổ cậu cho chết.  Cổ họng bị tắc nghẽn không sao kêu tên Giêsu Maria được.  Phênanđô liền dùng ngón tay vẽ hình thánh giá trên bậc đá.  Ma quỉ vô cùng khiếp sợ, hắn buông cậu ra, vội biến mất.  Chúa đã làm phép lạ khiến đá ra mềm, in sâu hình Thánh Giá cậu vẽ vào bậc đá.
Năm 17 tuổi, Phênanđô từ giã thế gian, vào tu dòng thánh Augustinô tại Lisbon.  Sau 2 năm, thầy xin đến một tu viện khác, xa nhà quê để dễ bề tu trì.  Bề trên sai thầy tới Cônimbriga.  Tại đây thầy học hành rất thông giỏi và nổi tiếng nhân đức.  Nhưng thầy luôn xưng mình là vô dụng, và chỉ muốn làm những công việc hèn hạ.
Sau khi khấn dòng, nhiệm vụ của thầy Phênnanđô là coi sóc bệnh nhân.  Thầy rất yêu thích nhiệm vụ này vì có dịp hãm mình và tỏ lòng yêu thương anh em.  Một lần, nhân dịp Lễ Chúa Giáng Sinh, vì ngăn trở giúp bệnh nhân nên thầy không thể dự lễ chung với nhà dòng.  Khi nghe chuông báo hiệu dâng Mình Thánh Chúa, thầy liền quì gối quay về phía nhà thờ.  Bỗng nhiên bức tường ngăn cách giữa nhà thờ và phòng y tế nứt ra, dành chỗ cho thầy chiêm ngắm Mình Thánh Chúa trên bàn thờ.
Năm 25 tuổi, thầy Phênanđô trở thành một linh mục dòng Augustinô.  Nhưng cha lại cảm mến gương lành và cuộc sống thánh thiện của thầy dòng Phanxicô lúc đó mới được thành lập, nhất là vô cùng cảm phục gương 6 thầy Phanxicô mới chết vì đạo.  Ðược ơn trên soi dẫn, cha đến xin bề trên chuyển sang dòng Phanxicô.  Bề trên chấp thuận sau khi biết rõ Thánh Ý Chúa.  Trong dòng Phanxicô, cha Phênanđô được đổi tên là Antôn.

Thời gian đầu tại dòng Phanxicô, người ta chưa biết tiếng nhân đức và sự thông thái cha Antôn, nên cha được trao cho nhiệm vụ rửa bát đĩa và quyét nhà.  Nhưng không bao lâu, danh tiếng cha được biết đến.  Chính cha thánh Phanxicô sai cha đi giảng đạo khắp miền Bắc Ý rồi qua cả nước Pháp.

Thiên Chúa đã dùng cha Antôn làm nhiều phép lạ để xác nhận những chân lý và mầu nhiệm trong đạo Công Giáo.

Một người giầu có, nhưng sống đời hà tiện, tham lam của cải.  Sau khi ông chết, cha Antôn trưng lời Chúa Kitô đã phán: “của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.  Đồng thời sai người đi mở két vàng của người quá cố thì thấy một trái tim bằng thịt đang nằm chình ình trong két!  Vàng bạc bạn ở đâu, con tim bạn cũng ở nơi đó!

Một lần cha Antôn giảng về mầu nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể.  Có người lạc đạo không tin, đến thưa với Ngài:

–       Nếu xem thấy phép lạ, tôi mới tin!

Cha Antôn nói với anh:

–       Hãy để con lừa của anh nhịn đói 3 ngày, rồi đem nó tới cửa nhà thờ, anh sẽ thấy phép lạ.

Ðúng ngày hẹn, người kia đem còn lừa đã nhịn đói ba ngày và thúng đồ ăn đến trước cửa nhà tờ, thấy thúng đồ ăn trước mắt, nó vội vàng chạy tới ăn lấy ăn để.  Nhưng vừa lúc đó, cha Antôn kiệu Mình Thánh Chúa tới cửa nhà thờ.  Lạ lùng thay, con lừa đột nhiên bỏ ăn, đến trước Thánh Thể Chúa: Nó quì gối, cúi đầu lậy ba lần.  Người lạc đạo đã tin, và sau đó trở lại Công Giáo.
Lần khác, ngài giảng ngoài bãi biển.  Nhiều người rối đạo cũng hiện diện, nhưng họ lấy tay bịt tai không nghe lời giảng.  Cha Antôn liền quay ra biển: “Loài người không thèm nghe lời giảng.  Vậy các ngươi hãy đến đây mà nghe!”
Lập tức, muôn vàn cá lớn cá bé nhô đầu lên khỏi mặt nước để nghe lời Ngài.  Cha Antôn nói với chúng:

–        Các ngươi hãy cảm tạ Thiên Chúa đã gìn giữ và nuôi dưỡng các ngươi.

Bầy cá gật đầu tỏ dấu nghe lời Ngài.  Sau đó cha ra hiệu cho bầy cá giải tán, chúng lần lượt chìm dần trong làn nước biển.
Một hôm, có người đến xưng tội với Ngài, nhưng vì quá xúc động, ông ta không thể nói lên lời.  Cha Antôn bảo ông viết các tội vào giấy rồi đưa cho Ngài xem.  Sau khi ban ơn Xá Giải, cha Antôn trao lại tờ giấy cho ông.  Về tới nhà, ông đem tờ giấy đã viết tội đi đốt, nhưng lạ lùng thay, khi mở ra, chỉ còn là một tờ giấy trắng bóc!  Trở lại gặp cha Antôn, ông thưa Ngài đầu đuôi câu truyện, Ngài nói với ông:

–        Chúa đã làm phép lạ để chứng nhận quyền tha tội của các vị linh mục.

Ngày khác, ba của cha Antôn tại Lisbon bị cáo Gian về tội giết người.  Dù dang ở xa quê hương, Thiên Chúa đã soi lòng cho cha biết giúp đỡ.  Bỗng nhiên cha thấy mình có mặt tại Lisbon.  Cha xin quan đem xác người chết tới công đường, rồi Ngài truyền cho xác chết sống lại và hỏi:

–     Có phải ba tôi đã giết anh không?

Anh ta trả lời “không phải” rồi lại lăn đùng ra chết!  Cùng lúc đó, cha Antôn thấy mình đang ở nhà dòng.  Ba của Antôn đã được giải oan.

Có lần, cha Antôn vào trọ tại một gia đình.  Giữa đêm, chủ nhà thấy phòng cha tự nhiên rực sáng.  Ngó vào trong phòng, ông bỡ ngỡ thấy cha đang ẵm bế Chúa Hài Nhi, âu yếm hôn kính và thưa truyện với Ngài.

Năm 1231, cha Antôn thấy mình yếu sức, nên xin về thành Pađua dọn mình chết.  Ngài lìa bỏ đời này cách êm ái ngay năm đó, sau khi đã sốt sắng chịu các Phép và hớn hở hát bài ca ngợi khen Ðức Mẹ.  Ngài chết khi mới được 36 tuổi.  Người ta lũ lượt tới viếng xác ngài ba ngày ba đêm liên tục.  Sau đó ngài được an táng trong nhà thờ thành Pađua.
Chúa đã làm vô vàn phép lạ do công nghiệp và lời bầu cử của cha Antôn, nên chỉ một năm sau khi qua đời, Giáo hội đã phong thánh cho ngài.  Chính ngày phong thánh cho cha Antôn, chuông các nhà thờ thành Lisbon tự nhiên đồng loạt kêu vang, mặc dù không có ai kéo.  Hai mươi ba năm sau, người ta cải mộ Ngài đưa vào nhà thờ mới.  Lúc đó, lưỡi Ngài vẫn còn tươi tốt như khi còn sống, chiếc lưỡi Ngài đã dùng để rao giảng lời Chúa và cứu giúp anh em đồng loại.  Hằng năm Giáo Hội mừng kính Ngài vào ngày 13 tháng 6.
Chính lòng khiêm nhượng, yêu Chúa, mến Ðức Mẹ và thương người của cha Antôn đa biến Ngài thành vị đại thánh, một vị thánh hay làm phép lạ.

LM Raymond Thư, CMC

http://www.dongcong.net

THÁNH Ri-ta Ca-si-a, (St. Rita Cascia)

THÁNH Ri-ta Ca-si-a, (St. Rita Cascia)

Nữ tu , ngày 22/5

THANH RITA

Các thánh được Chúa ban phúc lành, và được Thiên Chúa cứu độ hằng thương xót. Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm Chúa (Tv 23,5-6) hoặc “Không ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này”( Lc 18, 29-30 ). Thánh Ri-ta Ca-si-a là Đấng đã được Thiên Chúa thương tuyển chọn nhờ lòng quảng đại, sự kiên trì, khiêm tốn, cầu nguyện liên lỉ của bà đối với cuộc đời  xem ra đầy khổ ải.

 Thánh Ri-ta Ca-si-a là ai ?

Thánh Rita sinh năm 1381 tại nước Ý Đại Lợi, miền Spoleto. Thánh nhân đã gặp truân chiên ngay từ bước đầu tiên khi Người muốn dâng mình trọn vẹn cho Chúa trong một tu viện nào đó,vì vâng lời cha mẹ, Người đã kết hôn  với một người chồng thô bạo, hung tợn và rất nóng tính. Thánh nhân đã can đảm,  anh dũng và kiên trì cầu nguyện cho một người chồng luôn lơ đãng, coi thường đạo lý và ham mê sắc dục. Thánh nhân đã luôn tâm niệm:” Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy, hạnh phúc thay ai trông cậy nơi Người”( Tv 33, 9 ). Lời cầu nguyện ròng rã của bà trong 18 năm trời đã được Chúa nhậm lời cho người chồng hung bạo,thô lỗ và tục tằn được ơn sám hối, ăn năn trở về với Chúa. Chúa đã cất người chồng của Rita bằng một cái chết do mối thù truyền kiếp của kẻ thù gây ra. Sóng gió tưởng qua đi cách êm thắm,nào ngờ, hai đứa con của bà đòi trả thù bằng cách  “răng thế răng, mắt thế mắt”, Rita lại tiếp tục cầu nguyện thà cho hai con bà chết, còn hơn để chúng còn sống mà phạm tội làm mất nước thiên đàng. Chúa đã nhậm lời Rita, hai người con ngã bệnh nặng, bà đã chăm sóc, khuyên răn hai người con trở về với Chúa trước khi chúng nhắm mắt lìa ời. Thánh Rita vẫn một lòng cương quyết dấn thân cho Chúa trong tu viện. Bà đã xin nhập Dòng thánh Augustine ở Ca-si-a, nhưng bị từ chối vì bà đã có chồng, không còn trinh khiết. Thánh nhân đã kiên trì cầu nguyện và phấn đấu hết sức, tin tưởng, cậy trông, phó thác nơi Chúa, Chúa đã chấp nhn lời Rita cầu xin và đã can thiệp bằng phép lạ để Ngài được nhận vào Dòng Augustine.

 ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN CỦA Ri-ta ở Ca-si-a :

Thánh Rita sống đời tận hiến hết sức mực thước, gương mẫu, Ngài nổi bật trong những nhân đức như bác ái, ăn chay, hãm mình, phạt tội. Thánh nhân cầu nguyện cho những người đau yếu, bệnh hoạn, tật nguyền thường được Chúa nhậm lời. Với sự đạo đức, thánh thiện của Ngài, thánh Rita đã lôi kéo được rất nhiều người trở về với Hội Thánh Chúa Kitô. Thánh Rita đã được kết hiệp với sự thương khó của Chúa bằng những vết gai trên đầu, giống Chúa Kitô chịu đội mão gai. Các vết thương trên đầu của Rita trở nên đau nhức, mùi hôi xông lên khó chịu đến nỗi Ngài phải tránh xa mọi người.Thánh Rita coi đó là ơn huệ vô giá Chúa dành cho Ngài, Ngài xin được chịu cho tới chết. Thánh Rita đã sống những nhân đức hết sức anh hùng, Ngài đã qua đời ngày 22 tháng 5 năm 1457 vì bệnh lao phổi. Năm 1626; Rita được phong chân phước và năm 1900, Rita được phong lên bậc hiển thánh. Thánh Rita được coi là quan thầy của những trường hợp khó khăn nhất là những trường hợp khó khăn về hôn nhân, gia đình.

 LỜI CẦU NGUYỆN:

 “Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi thánh Rita Ca-si-a đem hết sức mình sống đức ái toàn hảo, nhằm đạt lấy nước trời ngay ở trần gian. Này chúng con hết lòng tin tưởng vào lời chuyển cầu của thánh nhân, xin giúp chúng con bước đi vững vàng trên con đườg bác ái yêu thương trong niềm vui của người Kitô hữu.

 Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHẲNG VỊ THÁNH NÀO KHÔNG CÓ MỘT QUÁ KHỨ, CŨNG CHẲNG TỘI NHÂN NÀO KHÔNG CÓ MỘT TƯƠNG LAI

CHẲNG VỊ THÁNH NÀO KHÔNG CÓ MỘT QUÁ KHỨ, CŨNG CHẲNG TỘI NHÂN NÀO KHÔNG CÓ MỘT TƯƠNG LAI

Vũ Đức Anh Phương, SJTHANH 1

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 19.01, tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ rằng: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai.  Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài mà luôn nhìn sâu vào tận tâm tư cõi lòng của con người.”

Khởi đi từ bài đọc một, kể lại việc Thiên Chúa đã tuyển chọn cậu bé Đa-vít để sau này trở thành vua của Ít-ra-en, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Ngay cả những vị thánh, trong cuộc đời của mình, cũng đã gặp phải những cám dỗ và tội lỗi, giống như cuộc đời của vua Đa-vít vậy.

Thiên Chúa đã gạt bỏ vua Sa-un vì vua có một tâm hồn đóng kín, chiều theo ý dân chúng hơn là vâng phục Thiên Chúa.  Thiên Chúa đã quyết định chọn cho dân Ngài một vị vua khác.
Thiên Chúa đã chọn Đa-vít.  Sự chọn lựa ấy nếu dựa theo tiêu chuẩn của con người sẽ chẳng thể nào hiểu được, vì Đa-vít chỉ là một đứa trẻ và lại còn là đứa con nhỏ nhất của ông Gie-sê.

Nhưng Thiên Chúa đã phán rất rõ ràng với tiên tri Sa-mu-en rằng Ngài không xét theo hình dáng bên ngoài và những tiêu chuẩn theo kiểu người phàm.  Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng.

Chúng ta thường bị chi phối bởi dáng vẻ bề ngoài và tự cho phép chúng ta theo đuổi những dáng vẻ ấy.  Nhưng Thiên Chúa là Đấng biết sự thật và những điều kín ẩn bên trong.  Ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng Thiên Chúa không chọn ai trong số họ.  Sa-mu-en cảm thấy khó khăn, bối rối và nói với ông Gie-sê: “Đức Chúa không chọn những người này.  Các con ông có mặt đầy đủ chưa?”  Ông Gie-sê trả lời: Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.”  Trước mắt người đời, đứa trẻ này không được tính, không đáng để quan tâm đến.

Đứa bé chẳng có gì khiến người ta phải lưu ý, nhưng Thiên Chúa đã chọn cậu và truyền cho Sa-mu-en xức dầu tấn phong cậu.  Và Thần Khí Đức Chúa ở với Đa-vít từ ngày đó trở đi.  Trọn cuộc đời của Đa-vít là cuộc đời của một người được Thiên Chúa xức dầu, được Thiên Chúa tuyển chọn.

Nhưng ngay lúc đó, Thiên Chúa có biến cậu Đa-vít thành một vị thánh không?  Câu trả lời là không.  Mặc dù vua Đa-vít là một thánh vương, điều này là sự thật, nhưng ngài chỉ trở thành thánh sau khi sống một thời gian lâu dài.  Trong cuộc sống đó, ngài cũng phạm tội, cũng vướng mắc bao lỗi lầm.
Vua Đa-vít là một vị thánh và cũng là một tội nhân.  Ngài là người có khả năng lãnh đạo con cái Ít-ra-en thống nhất đất nước, nhưng lại yếu đuối để rơi vào cám dỗ.  Không chỉ phạm tội, ngài còn là kẻ sát nhân.  Để che dấu ham muốn, dục vọng của mình (tội ngoại tình), vua Đa-vít đã mưu sát người khác.  Khi Thiên Chúa sai tiên tri Na-than đến chỉ cho vua thấy tội lỗi mà vua đã phạm – vì quả thực ngài không ý thức hết sự tàn ác, man rợ trong thủ đoạn của mình – vua Đa-vít đã ăn năn thú tội và nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa.  Vua Đa-vít đã không lợi dụng Thiên Chúa cho những tính toán riêng tư của mình.  Khi bị truy đuổi buộc phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem, ngài đã gởi trả lại Hòm Bia Giao Ước, vì không muốn dùng Thiên Chúa như vật thế thân cho mình.  Và sau này, khi bị xúc phạm, ngài cũng khiêm nhường thú nhận: “Tôi đáng bị như vậy.”

Vua Đa-vít cũng thật hào hiệp và trượng nghĩa.  Có thể hạ sát vua Sa-un nhiều lần, nhưng ngài đã không ra tay.  Ngài là một thánh vương và cũng là một đại tội đồ, nhưng đã ăn năn sám hối.  Tôi thực sự được đánh động khi nhìn ngắm cuộc đời của con người này.  Và cuộc đời ấy cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về chính cuộc sống của mình.  Tất cả chúng ta đã được Thiên Chúa tuyển chọn qua Bí Tích Thánh Tẩy, để được thuộc về Đoàn Dân Chúa, được trở nên những vị thánh.  Tất cả chúng ta đã được thánh hiến nhờ Đức Giêsu Kitô, để trở nên tinh tuyền, thánh thiện.  Khi đọc lại cuộc đời của vua Đa-vít từ khi còn là một chàng trai trẻ cho đến lúc tuổi già, chúng ta nhận thấy ngài đã làm nhiều điều tốt, nhưng cũng có những điều chẳng tốt lành gì.  Điều ấy khiến tôi xác tín rằng, trong hành trình của người Kitô hữu, cuộc hành trình mà Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta đảm đương lấy, chẳng vị thánh nào không có một quá khứ và cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Nguồn: R. Vatican