Một chủ vườn cần sa Việt ở Anh phải hầu tòa

Một chủ vườn cần sa Việt ở Anh phải hầu tòa

Cảnh sát cho biết trị giá của vườn cần sa từ 96.750 – 109.300 bảng Anh.

22.10.2015

Một người Việt tại Anh vừa ra hầu tòa hôm thứ Tư sau khi bị phát hiện sở hữu vườn cần sa trị giá 100.000 bảng Anh ở trung tâm thành phố Liverpool.

Cảnh sát Anh đã nhận được cuộc gọi báo từ nhân viên cứu hỏa vào ngày 25/5 và phát hiện 215 cây cần sa trong một căn hộ ở đường Bridport của thành phố Liverpool.

Phạm Tuấn Anh, 28 tuổi, không có địa chỉ định cư cố định, đã bị cảnh sát bắt.

Vườn cần sa bị phát hiện khi nhân viên cứu hỏa buộc phải mở cửa vào nhà để truy tìm nơi bể ống nước.

Cảnh sát cho biết trị giá của vườn cần sa từ 96.750 – 109.300 bảng Anh.

Phạm Tuấn Anh được mô tả là mặc áo khoác xanh và phải nghe toàn bộ quy trình xử án thông qua một thông dịch viên. Tuấn Anh đã không biện hộ gì khi đứng trước tòa. Hiện anh này đang bị tạm giam và không được cho phép bảo lãnh.

Quan tòa đã chuyển vụ án cho tòa án Liverpool Crown, nơi Phạm Tuấn Anh sẽ phải có mặt cho phiên xử sơ bộ vào ngày 4/11.

Nguồn: Liverpool Echo, UK News, Scoopnest.

Sài Gòn: ‘Ðinh tặc’ lộng hành như chốn rừng xanh

Sài Gòn: ‘Ðinh tặc’ lộng hành như chốn rừng xanh

Nguoi-viet.com

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN (NV)Ðô thị lớn nhất của Việt Nam đang có ba vấn nạn lớn ai cũng thấy, mà nhiều năm qua vẫn chưa có phương cách hữu hiệu để thay đổi đó là kẹt xe, ngập đường và nạn đinh tặc. Trong 3 vấn nạn này thì nạn rải đinh, gài bẫy người đi đường để kiếm ăn của những tên gian tặc luôn ám ảnh mọi người khi lái xe ra đường.


Một điểm bơm, vá xe ven đường ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Còn nhớ, gần 30 năm trước, báo chí ở Sài Gòn từng rộ lên vụ, một đôi thanh niên nam nữ bị hại vì đinh tặc, trên xa lộ Hà Nội, xưa là xa lộ Biên Hòa.

Buổi chiều muộn, trên xa lộ, xe Honda Dream của đôi trai gái cán phải đinh của bọn đinh tặc rải trên đường. Lúc đó, xa lộ còn vắng vẻ chưa đông như bây giờ. Và xe Honda Dream lúc đó là một loại xe thời thượng nhất, là cả một gia tài, là cả một… giấc mơ, với những em gái ham “xế nổ.”

Khi đôi trai gái tìm được một tiệm sửa xe trên đường để vá, chưa kịp nổ máy chạy thì một toán cướp có súng ập tới. Vì tiếc của, chàng trai chống cự, bị bắn chết tại chỗ. Cô gái bị thương nặng, toán cướp lấy xe tẩu thoát.

Báo chí nhân vụ giết người này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tệ nạn đinh tặc đang hoành hành trên các cung đường cửa ngõ vô Sài Gòn.Thậm chí cả trong nội đô Sài Gòn chúng cũng không từ…

30 năm sau, câu chuyện đinh tặc có lẽ đã trở nên khủng khiếp hơn. Lần này trên xa lộ, bọn chúng ngang nhiên rải những loại đinh tự chế hình chữ V, chữ S cỡ lớn. Với mục tiêu nhắm tới không chỉ là xe Honda hai bánh, mà là xe hơi, xe tải lẫn xe container.

Thử tưởng tượng, những chiếc xe tải, xe container chở nặng, chạy nhanh cán phải “bẫy đinh” cỡ bự của bọn đinh tặc, bể bánh, lạc tay lái giữa dòng xe cộ đông đúc trên xa lộ. Hậu quả sẽ như thế nào?

Ngang nhiên lộng hành

Hơn 30 năm dân kêu, báo chí kêu, nhưng tệ nạn đinh tặc lộng hành chỉ có tăng mà không có giảm.

Báo chí từng nêu câu hỏi: “Nếu đinh tặc là những kẻ rải truyền đơn chống chế độ. Thì bao nhiêu năm qua, chính quyền có im lặng, có bất lực như vậy không?”

Ðến nước đó, thì chính chính quyền cũng lên tiếng… kêu.

Theo lời của một trưởng công an phường, thuộc quận 12, kể với báo chí, do người dân thường xuyên khiếu kiện, vì đoạn đường quốc lộ 1A, từ chân cầu vượt ngã tư Ga, qua Thủ Ðức đinh tặc lộng hành. Cá biệt, có người dân kể khổ, một tháng đi trên đường thì hết 15 lần phải thay ruột xe vì cán đinh, 6 lần phải thay cả vỏ lẫn ruột…

Nóng ruột, quận chỉ thị cho công an phường, bằng mọi giá phải bắt cho được bọn đinh tặc đem về “quy án.”

Hơn một năm trời, cả ngày lẫn đêm phường tung lực lượng tuần tra, hóa trang-mật phục, tất cả những ngón đòn nghiệp vụ của công an được tung ra. Cuối cùng cũng chả bắt được con ma đinh tặc nào.

Lại theo lời kể của một toán công an viên thuộc quận 9. Vì khó lòng bắt được đinh tặc, nên phường thường xuyên cho công an đi kiểm tra những điểm sửa xe trên đường. Nếu là dân địa phương thì bắt làm cam kết không rải đinh hại người. Nếu là dân ở nơi khác tới, không rõ lai lịch thì dẹp luôn.

Vì các tiệm vá xe ven đường sống nhờ sự bắt chẹt khách bị cán đinh với giá cắt cổ. Khả năng người hành nghề vá xe và đinh tặc là một, lên tới 99%, nhưng không bắt được quả tang thì không làm gì được họ…

Khi toán công an viên kể trên, đi kiểm tra các điểm vá xe. Họ bị một toán người lạ mặt, hung dữ ở đâu ập tới ngăn cản quyết liệt, không cho kiểm tra…Toán công an viên phải rút về phường.


Nhiều người dân Sài Gòn sợ sửa xe ở ngoài đường bị “chặt,” “chém,” chôm phụ tùng nên đem xe tới đại lý ủy quyền của hãng Honda sửa cho chắc ăn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Nghe báo chí tường thuật, dân chúng cho rằng đinh tặc đâu phải là thứ “vô ảnh,vô hình” mà đến nỗi không bắt được.

Ngang với ‘khủng bố’

Ngày nay, phương tiện đi lại của người dân Sài Gòn chủ yếu là xe gắn máy 2 bánh. Dù là đi làm ăn hay du hí đây đó, đổi gió vào những ngày cuối tuần, nhưng nói tới đinh tặc thì ai cũng ngao ngán, cực chẳng đã chẳng muốn đi đâu. Vì những ai ở Sài Gòn, ít ra cũng một đôi lần nếm mùi đinh tặc.

Trên những con đường nắng chói chang, xe cộ đông đúc đầy khói bụi. Người bị cán đinh hì hục đẩy xe, ướt đẫm mồ hôi, dáo dác tìm điểm vá xe. Rồi những hôm trời mưa tầm tã, lại những đêm khuya, trời vắng. Ðàn ông còn sợ, huống hồ thân gái dặm trường… Rồi những đường xa mịt mù, lúc phải đi đêm về hôm. Lòng người lúc nào cũng nơm nớp chuyện cán đinh. Có thể nói đinh tặc là một nỗi ám ảnh thường trực với người dân.

Bọn đinh tặc chỉ việc ngồi rung đùi tại những tiệm vá xe trên đường, chờ những con mồi tới nạp mạng. Xe nào đã cán đinh thì đừng mong được vá, lúc mở ruột xe, chỉ một động tác nhà nghề, ruột nào cũng tét, đành phải thay. Nhẹ thì thay ruột đểu, xài vài ngày đã banh, nhưng với giá cắt cổ từ 80 ngàn, tới 90 ngàn đồng. Nặng thì phải thay cả vỏ, với giá từ trên 300 ngàn tới 400 ngàn đồng. Biết là bị làm tiền, nhưng khổ chủ chỉ còn biết ấm ức mở hầu bao, nếu không muốn đẩy bộ xe… mút mùa lệ thủy. Chưa kể tệ nạn trộm, cướp, thậm chí nạn “cướp tình” với những cô gái một thân, đường vắng…

Có những nhóm thanh niên lập ra đội vá xe giúp người bị hại. Hay hơn, họ chế tạo ra xe hút đinh, chạy rà trên đường mỗi ngày. Mất chỗ làm ăn, bọn đinh tặc ngang nhiên chặn đường hoặc gọi điện thoại hăm dọa sẽ “xử đẹp” nếu không dừng việc làm “đổ bể” nồi cơm của bọn chúng.

Kỳ lạ, giữa một thành phố đông người, mà bọn đinh tặc lộng hành chẳng khác nào những toán thổ phỉ trong chốn rừng xanh. Chỉ thương cho những cái chết tức tưởi trên đường.

Như một vụ kia, người chồng dùng xe Honda chở cô vợ trẻ đi sanh. Trên đường đi xe cán phải đinh của bọn đinh tặc, hai vợ chồng té văng xuống đường. Người chồng bị gãy chân, người vợ bị băng huyết, được đưa vô bệnh viện cấp cứu thì thai nhi đã chết…

Luật pháp bó tay

Cuối cùng, sau bao nhiêu ấm ức dồn nén, người dân đi đường trên quốc lộ 1A cũng phát hiện ra một tên đinh tặc với thủ đoạn rất tinh vi. Tên này chở vợ, chạy tà tà trên đường đông, nhưng dấu đinh tự chế dưới dép, lâu lâu lại nhẹ nhàng gạt đinh xuống mặt đường… Người dân lập tức tri hô và cùng nhau đuổi bắt gã đinh tặc giao cho công an.

Bên công an cho báo chí biết,hiện không biết xử tên đinh tặc bị dân bắt quả tang theo điều luật nào. Chỉ có thể quy hắn vào tội “hủy hoại tài sản” của người khác. Nhưng phải chứng minh được tài sản bị hủy hoại giá trị lên tới trên 2 triệu đồng thì mới có thể truy tố, nếu không thì chỉ phạt hành chánh rồi cho về. Dân chúng nghe tin mà cứ tức anh ách.

Gần đây, nhà cầm quyền Sài Gòn có trình lên Quốc Hội một dự luật về đinh tặc. Theo đó, nếu phạm tội lần đầu, tối đa bị phạt 30 triệu đồng và 3 năm tù. Nếu tái phạm (lần 2), thì bị phạt từ 100 triệu tới 500 triệu đồng và 12 năm tù.

Qua câu chuyện chống đinh tặc cho thấy luật Việt Nam vừa thiếu,vừa hở (dĩ nhiên trừ chuyện chống dân chủ). Hơn 30 năm chống đinh tặc lộng hành hại dân mà chỉ ra được có mỗi cái… dự luật.

Tệ hơn nữa, đạo đức suy đồi cùng cực, có những kẻ ác nhơn thất đức tới nỗi coi tính mạng đồng bào như là miếng mồi ngon. Ðể ngang nhiên đặt bẫy trên đường đông người qua kẻ lại, chứ chẳng thèm phải đi vào nơi rừng sâu núi thẳm.

Arizona: Xe đâm xuống hồ, chết cả gia đình 5 người

Arizona: Xe đâm xuống hồ, chết cả gia đình 5 người

Nguoi-viet.com

TEMPE, Arizona (AP)Trọn cả gia đình, gồm ba em nhỏ, tử nạn, sau khi chiếc xe loại SUV của họ đâm xuống một hồ nước nằm ở ngoại ô thành phố Phoenix, Arizona. Cảnh sát cho hay, có dấu hiệu cho thấy người cha lái xe đã cố tình lao xe xuống hồ.

 Nhân viên công lực điều tra hiện trường nơi một xe SUV lao xuống hồ Town Lake ở gần Phoenix, Arizona. (Hình: AP/The Arizona Republic)

Bé Nazyiah Baxter, 2 tuổi, mới đầu được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch nhưng sau đó qua đời trong cùng ngày.

Nhân viên cấp cứu được gọi đến hồ Tempe Town Lake vào khoảng 12 giờ 15 sáng Chủ Nhật, sau khi người qua đường trông thấy chiếc SUV lao xuống hồ.

Phát ngôn viên cảnh sát Tempe, ông Michael Pooley, nói: “Cảnh sát có mặt tại hiện trường thật nhanh. Ba người lập tức nhảy xuống nước, một ngư dân cũng nhảy theo.”

Cảnh sát đưa lên khỏi nước hai bé, Zariyah Baxter, 1 tuổi, và Nazyiah.

Kế đó họ vớt ông Glenn Edward Baxter, 27 tuổi, và bà Danica Baxter, 25 tuổi.

Ông Pooley cho biết tiếp, “người của chúng tôi làm hô hấp nhân tạo cho đến khi xe cứu thương đưa cả bốn nạn nhân vào bệnh viện,” nơi hai phụ huynh và bé Zariyah từ trần.

Tại bệnh viện, các nhà điều tra trong khi làm việc để nhận diện bà Danica Baxter; bấy giờ mới phát giác còn thiếu một em thứ ba là bé trai Reighn Baxter, 3 tuổi.

Cảnh sát trở lại chiếc xe còn chìm dưới nước và tìm thấy xác bé trai lúc 10 giờ sáng, đang còn ngồi trong ghế dành cho trẻ em ở băng sau.

Cảnh sát hiện chưa rõ nguyên nhân đưa đến tai nạn.

Được biết hồ Tempe Town Lake nằm trong thành phố đại học nơi có trường Arizona State University, Tempe. Town Lake là hồ nhân tạo khánh thành từ năm 1999, có thể chứa được đến 1 tỉ gallon nước. (TP)

Đại Hội Mẹ La Vang tại Las Vegas 2015

Đại Hội Mẹ La Vang tại Las Vegas 2015

Ghi ngắn của Đoàn Thanh Liêm

DoanThanhLiemĐại Hội Mẹ La Vang năm 2015 vừa diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18 tháng Mười tại Đền Thánh Mẹ La Vang nơi thành phố Las Vegas thuộc tiểu bang Nevada. Đây là Đại Hội lần thứ VIII quy tụ đến trên 6,000 giáo dân đến từ nhiều tiểu bang lân cận, đặc biệt là từ California. Nhiều thánh lễ trọng thể đã được liên tiếp cử hành trong Đại Hội với sự chủ tế của Đức Cha Joseph A. Pepe là vị Giám mục sở tại và hai vị Giám mục đến từ Việt nam là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên giáo phận Hải Phòng và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống giáo phận Phan Thiết. Với sự đồng tế của trên 30 vị Linh mục đến từ nhiều địa phương ở hải ngọai cũng như ở Việt nam.

Chủ đề của Đại Hội năm nay là: “Cùng Mẹ Sống Chứng Nhân Hy Vọng”. Chủ đề này đã được phản ánh thật rõ nét trong các bài thuyết giảng tại buổi lễ cũng như trong các bài thuyết trình tại các cuộc hội thảo. Đặc biệt trong bài thuyết giảng vào Chủ nhật 18 tháng Mười, Đức Cha Vũ Duy Thống đã nhấn mạnh đến sứ mệnh tận tâm phục vụ trong mọi hòan cảnh của các tín hữu Công giáo – để góp phần vào công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô tại khắp nơi trên thế giới.

216193-Dai-Hoi-La-Vang-1-4

Cụ thể Đức Cha Thống cũng nhắc đến tinh thần hy sinh của các anh chị thiện nguyện viên trong Ban Ẩm Thực để phục vụ các bữa ăn cho tòan thể cộng đồng hành hương – mà tổng số lên đến năm sáu ngàn người trong suốt 3 ngày của Đại Hội – cũng như của rất nhiều em trong tổ chức Thiếu Nhi Thánh Thể, các Nữ Tu và các thành viên của Hội Đồng Mục Vụ đã không quản ngại công lao khó nhọc trong việc bảo đảm trật tự vệ sinh cũng như giữ được bàu không khí trang nghiêm đạo đức trong suốt các buổi lễ và hội thảo.

Cũng nên ghi thêm là các ca đòan từ nhiều giáo xứ ở xa như từ California cũng đã liên kết với nhau thành một ca đòan tổng hợp với số ca viên lên tới 50 – 60 người. Các thành viên đều được tập luyện riêng với nhau trong từng ca đòan cơ hữu của mình theo các bài hát đã được thỏa thuận chọn lựa từ trước – nhờ vậy mà đến khi các đơn vị này ráp nối lại chung với nhau thì mới đạt được sự ăn ý nhịp nhàng với nhau trong một ban hợp ca duy nhất.

Dai-Hoi-La-Vang-2-4

So với Đại Hội Thánh Mẫu được tổ chức vào đầu tháng 8 mỗi năm tại Missouri, thì Đại Hội La Vang tại Las Vegas vừa mới mẻ, nhỏ bé và khiêm tốn hơn nhiều. Nhưng nếu ta chú ý đến quá trình thành lập và phát triển của Đền Thánh Mẹ La Vang Las Vegas, thì từ một nơi trước đây là khu đất hoang do các thành phần vô gia cư chiếm đóng gây tình trạng mất an ninh lộn xộn hỗn tạp với nạn ma túy, cướp bóc hòanh hành mà nay – do cố gắng kiên trì của tu sĩ và giáo dân Việt nam trong vòng chua đày 20 năm qua – chúng ta đã có một cơ sở truyền giáo thật có triển vọng tốt đẹp như ta thấy giữa vùng đất xưa kia là sa mạc của tiểu bang Nevada này.

Một phần do vị trí của Las Vegas tương đối gần gũi với California là nơi có rất đông giáo dân ở cả hai khu vực phía bắc như San Jose, San Francisco và khu phía nam như Orange County, San Diego – mà đi xe đến viếng Đền Thánh Mẹ La Vang thì chỉ mất chừng 6 – 7 giờ, nên nhiều bà con có thể đi lại thuận tiện dễ dàng – nhất là đối với các vị cao niên với sức khỏe yếu kém không thể đi đường quá xa xôi mệt nhọc được. Thứ nữa là vào giữa tháng Mười, thì khí hậu tại Las Vegas vào mùa thu đã mát dịu nhiều, chứ không còn nóng bức như vào mùa hè với nhiệt độ oi ả nóng bức lên đến trên 100 độ F nữa.

Dai-Hoi-La-Vang3

Mặt khác nữa, đó là khách hành hương có thể nghỉ ngơi tại các khách sạn tương đối tiện nghi với giá thật nhẹ nhàng, đặc biệt dành cho các tập thể. Điển hình là có đến mấy chục xe bus lọai lớn cỡ 50 chỗ ngồi do các đòan thể như Hội Cao Niên, Liên Minh Thánh Tâm, Legio v.v… tổ chức, thì năm nào cũng có rất đông giáo dân từ California hưởng ứng tham gia. Đó là chưa kể đến con số hàng mấy trăm những xe hơi cá nhân do các gia đình tự tổ chức riêng với nhau nữa.

Rõ ràng là cộng đòan tương đối nhỏ bé khiêm tốn với chưa đến một ngàn gia đình tín hữu của Giáo xứ Mẹ La Vang tại Las Vegas (cả hai đều viết tắt là LV cả, nên thật dễ nhớ) – mà đã có những cố gắng hy sinh vượt bậc để tổ chức được một Đại Hội Thánh Mẫu hàng năm rất là thành công có sức thu hút được nhiều ngàn khách hành hương từ khắp nơi đến tham dự – như trong Đại Hội lần thứ VIII năm 2015 này.

Và đó cũng là một điểm son rất đáng phấn khởi, là niềm hy vọng tươi sáng cho tòan thể đại gia đình công giáo Việt nam ở hải ngọai – đặc biệt là ở phía bờ biển miền Tây (West Coast) của nước Mỹ vậy./

Costa Mesa California, ngày 19 tháng Mười 2015

Đoàn Thanh Liêm

Thông báo về bác Alan

Thông báo về bác Alan

ALANKính thưa quí vị,

Chúng tôi rất đau đớn loan báo để qui vị cùng biết là chồng và trưởng nam của gia đinh chúng tôi, Ái, ALAN PHAN đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Fountain Valley tối thứ Ba ngày 14 tháng 10 trong tình trạng hôn mê. Dù đã được cứu chữa, Ái vẫn không tỉnh lại và bác sĩ cho biết không có hy vọng hồi sinh nên gia đình Ái (vợ Ái(Melissa) và hai con của Ái) đã chấp nhận rút ống dưỡng khí vào ngày thứ hai này 19 tháng 10. Theo qui định của nhà thương, ICU chỉ cho vợ con được vào.

Vì vậy, sau đó khi Ái (ALAN) được đưa về nhà quàn, gia đình chúng tôi sẽ xin thông báo sau để quí vị đến viếng lần cuối.

Admin

Ngày 18/10/2015

————————————

Kính gửi BCA,

Vừa qua bác Alan có trở bệnh và hiện nay tình trạng sức khỏe của bác đang diễn ra rất xấu. Ngay lúc này, gia đình và bạn bè của bác vẫn đang cầu nguyện cho bác, do đó, dù là một sự hy vọng từ phép màu, nhưng cũng mong mọi người hãy chung tay nguyện cầu cho bác mau bình phục và sớm trở lại với trang Gocnhinalan.com thân thuộc của chúng ta.

Chân thành cám ơn.

Admin

http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/thong-bao-ve-bac-alan.html

Rộ nạn buôn người ở Việt Nam dưới nhiều hình thức

Rộ nạn buôn người ở Việt Nam dưới nhiều hình thức
Nguoi-viet.com
CẦN THƠ (NV) – Tình trạng buôn người ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhất là các tuyến biên giới với quy mô ngày càng lớn. Chỉ trong nửa năm 2015, công an đã phát hiện thêm 200 vụ, liên quan 310 người lừa bán 508 nạn nhân.

Một vụ xét xử sơ thẩm hai phụ nữ về tội buôn người ở Cần Thơ
vào Tháng Tám. (Hình: Thanh Niên)

Tờ Thanh Niên dẫn tin, ngày 17 Tháng Mười, tại hội nghị cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, và Việt Nam – Cambodia, do Bộ Công An tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ông Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh Sát Hình Sự, nhận định, tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Theo phúc trình, các thủ đoạn buôn người cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất hoạt động phạm tội xuyên quốc gia và hình thành nhiều đường dây, gây cản trở cho công tác điều tra, khám phá và giải cứu nạn nhân.

Tại biên giới Việt Nam – Lào, nạn nhân chủ yếu tập trung từ các tỉnh miền Trung đã bị đưa sang Lào làm gái mại dâm hoặc lao động khổ sai trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các công trường và bị bóc lột sức lao động tại các khu khai thác khoáng sản.

Tin cho hay, bọn buôn người thường dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để đưa vào hoạt động trong các ổ mại dâm trá hình hay đưa đến các mỏ vàng, công trường xây dựng ở Lào để bóc lột sức lao động.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, phó cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Ma Túy, Bộ Tư Lệnh Biên Phòng, cũng cho biết, các dịch vụ giải trí như vũ trường, sòng bạc, massage phía Cambodia phát triển, kéo theo nhu cầu tuyển nhân viên nữ. Trong khi đó, một bộ phận phụ nữ ở các tỉnh miền Tây thiếu việc làm, trình độ thấp đã bị lừa gạt đưa sang Cambodia.

Chỉ trong năm 2014 và sáu tháng đầu năm 2015, các đơn vị chức năng đã phát hiện trên 1,000 phụ nữ, trẻ em đi khỏi nơi cư trú với lý do “đi làm ăn xa,” nhưng chủ yếu là qua Cambodia và Trung Quốc.

Cụ thể, năm 2014, Việt Nam có 469 vụ buôn người, liên quan 685 người và 1,031 nạn nhân. Khoảng trong nửa năm 2015, Việt Nam phát hiện thêm 200 vụ, liên quan 310 người đã lừa bán 508 nạn nhân.

Đáng lưu ý, theo ông Tiến, tình hình hoạt động tội phạm mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh, học sinh tại các tỉnh biên giới phía bắc cũng diễn ra phức tạp. Chỉ riêng ba tỉnh Lào Cai, Hà Giang, và Lai Châu, trong sáu tháng đầu năm 2015, có 20 vụ xảy ra.

“Đây là những nạn nhân tiềm tàng của hoạt động mua bán người. Do vậy, số vụ trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Cambodia trung bình hàng năm chiếm khoảng 6% trên tổng số vụ buôn người được phát hiện ở Việt Nam,” ông Bắc cho biết.

Theo đánh giá của Tổng Cục Cảnh Sát, thời gian qua, những nhóm buôn người luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn để ép các nạn nhân hoạt động mại dâm, ép làm vợ bất hợp pháp; mua bán người thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, thông qua hình thức đưa người lao động ra nước ngoài, đi du lịch, tham quan, đẻ thuê, mua bán trẻ sơ sinh… Các đối tượng chủ yếu đưa nạn nhân ra nước ngoài bán (chiếm 90%, trong đó sang Trung Quốc chiếm 70% tổng số vụ). (Tr.N)

Báo chí quốc tế đưa tin vụ “Cậu Thủy” lừa đảo hài cốt của liệt sĩ

Báo chí quốc tế đưa tin vụ “Cậu Thủy” lừa đảo hài cốt của liệt sĩ

RFA
2015-10-17

000_APH2000042811263-305.jpg

Những hài cốt bộ đội bị chết từ năm 1967 và 1969 được phát hiện năm 2000 tại thành phố Hồ Chí Minh.

AFP PHOTO
 
 Báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin vụ Tòa án Việt Nam tuyên án chung thân cho Nguyễn Văn Thủy và 6 người khác với mức án nặng nề về tội lừa đảo hài cốt của liệt sĩ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Các hãng tin AP, Reuters, AFP cũng như ABC, Washington Post đều có bài tường trình hay dẫn lại từ các nguồn tin của báo chí Việt Nam trong vụ án này.

Nguyễn Văn Thủy còn có biệt danh là “Cậu Thủy” tự xưng có thể tìm hài cốt thất lạc nhờ có khả năng ngoại cảm. Thủy cùng với đồng bọn tới các gia đình có con em là bộ đội mất tích trong chiến tranh ra giá từ 10 tới 15 triệu ứng trước và khi nào nhóm của Thủy tìm ra hài cốt sẽ đóng phần còn lại từ 100 triệu đồng trở lên.

Nhóm của Thủy trộm hài cốt của những liệt sĩ khác trong các nghĩa trang và đem về giao cho người bị lừa. Theo cáo trạng thì nhóm của Thủy đã lừa 70 gia đình với các hài cốt ăn trộm.

Vụ án được truyền thông quốc tế đưa tin không phải vì bản án nặng nề mà do tính lừa gạt tinh vi và qua mắt được dư luận cũng như chính quyền trong một thời gian rất dài.

Trước đây nhiều cán bộ đang tại chức cũng công khai đồng tình với những phong trào ngoại cảm và rất nhiều vụ lường gạt người dân đã xảy ra.

Báo chí Việt Nam cũng từng có thời gian chạy theo thị hiếu người dân thay vì phân tích sự việc theo hướng khoa học để ngăn cản các loại lừa đảo dưới dạng mê tín.

Thông Báo Tin Khẩn Cấp – LM JB Nguyễn Sang

https://www.youtube.com/watch?v=E46zZElCgfA

Thông Báo Tin Khẩn Cấp – LM JB Nguyễn Sang

Trong thời gian qua có nhiều người giả danh là LM Nguyễn Sang trên facebook và trên youtube nhằm lừa đảo đặt mua CD hay DVD cũng như quyên góp cho chương trình tiếng hát vì người nghèo do LM Nguyễn Sang phụ trách. (LM Nguyễn Sang hiện tại không có tài khoản chính thức trên facebook cũng như trên youtube)

Linh mục JB. Nguyễn Tấn Sang, hiện đặc trách Giới trẻ Giáo phận Mỹ Tho, chánh xứ Nhà thờ Ba Giồng thuộc Giáo phận Mỹ Tho. Ngoài công việc mục vụ chăm lo giáo xứ Cha còn quan tâm đến những người nghèo tại các vùng xa xôi hẻo lánh gặp rất nhiều khó khăn.Xin Ông Bà Anh Chị Em giúp đỡ cho chương trình Tiếng Hát Vì người Nghèo bằng cách mua ủng hộ CD & DVD Thánh Ca Gốc.

– Mọi chi tiết xin liên hệ: Cha Nguyễn Tấn Sang
NHÀ THỜ BA GIỒNG
Ấp Tân Quới, Xã Tân Lý Đông, Huyện Châu Thành,Tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0918.32.33.00
Email: sangmytho2004@yahoo.com

GIẢI THÍCH -TẢN MẠN BA TÀU

GIẢI THÍCH -TẢN MẠN BA TÀU

Người Tàu, Ba Tàu, Các Chú, Khách Trú và Chệt hoặc Chệc. Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16/2/1870) giải thích:
“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v… Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu…”.
“…Kêu Các-chú là bởi người Minh-Hương mà ra; mẹ An-Nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy…”.
“…Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-Nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu vân vân. Người An-Nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc …”
Cách giải thích thuật ngữ nói trên của Gia Định Báo từ thế kỷ thứ 19 được coi là tạm ổn vì đây là một trong những tài liệu xưa có xuất xứ từ miền Nam. Theo Lê Ngọc Trụ trong Tầm nguyên Tự điển Việt Nam, chệc hay chệt là tiếng Tiều gọi chữ thúc, nghĩa là “em trai của cha”. Người bình dân gọi Chệc để chỉ chung người Hoa. Người Quảng Đông cho là gọi như thế có ý miệt thị, người Triều Châu trái lại, chấp nhận vì họ được tôn là chú. Ở miền Nam, “các chú” Quảng làm ăn buôn bán khá hơn “các chú chệc” người Tiều lam lũ trong nghề làm rẫy, tằn tiện nên không biết có phải vì vậy mới có câu:
Quảng Đông ăn cá bỏ đầu
Tiều Châu lượm lấy đem về kho tiêu!
Người Tiều lại chê dân Quảng không biết ăn cá. Họ nói món cháo cá Tiều khi ăn có vị ngọt đặc biệt nhờ chỉ rửa sạch bên ngoài, giữ lại nguyên si vảy, đầu và cả ruột! Dân Tiều ở miền Nam “chuyên trị” những món cá chim hấp, bò viên, tôm viên, ruột heo nấu cải chua… và nhất là món hủ tíu Tiều Châu. Người ta còn dùng các từ như Khựa, Xẩm, Chú Ba… để chỉ người Tàu, cũng với hàm ý miệt thị, coi thường. Tuy nhiên, có sự phân biệt rõ ràng trong cách gọi: phụ nữ Tàu được gọi là thím xẩm còn nam giới thì lại là chú ba.
Năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm của nền Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963) đã có một quyết định khá táo bạo, buộc tất cả Hoa kiều phải nhập quốc tịch Việt Nam, nếu không sẽ bị trục xuất. Thương nghiệp tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều. Vì vậy, chính phủ cố tạo sức mạnh cho doanh nhân Việt bằng cách hạn chế quyền lợi của người Hoa. Đạo luật 53 cấm ngoại kiều (nhắm vào Hoa kiều) tham gia 11 nghề liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá, than đá, dầu lửa, thu mua sắt vụn… được Chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành vào tháng 9/1956. Đạo luật này đã làm xáo trộn kinh tế trong nước nhưng đã có tác động mạnh đến nền công thương nghiệp của người Việt vào thời kỳ đó. Đa số người Hoa đã nhập tịch Việt, tính đến năm 1961, trong số 1 triệu Hoa kiều ở miền Nam chỉ còn khoảng 2.000 người giữ lại Hoa tịch.
Người Tàu kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện… và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường. Cũng vì thế, ở Sài Gòn có câu mỉa mai: “Sống phá rối thị trường, chết chật đường chật xá” để ám chỉ người Tàu khi còn sống lũng đoạn nền kinh tế và đến lúc chết lại tổ chức những đám ma một cách rình rang. Cũng như người Tàu ở Hồng Kông và Macao, người Tàu ở miền Nam đa số nói tiếng Quảng Đông (Cantonese) chứ không nói tiếng Quan Thoại(Mandarin) mà ngày nay gọi là tiếng Phổ Thông. Cũng vì thế, ngôn ngữ Sài Gòn xưa vay mượn từ tiếng Quảng Đông được khoảng 71 triệu người Hoa trên khắp thế giới xử dụng.
Người Sài Gòn thường ví những người “ăn nói không đâu vào đâu” là “nói hoảng, nói tiều” thực ra là “nói tiếng Quảng Đông, nói tiếng Triều Châu”. Điều này cho thấy tiếng Quảng Đông xuất hiện rất nhiều trong ngôn ngữ miền Nam trước năm 1975, kế đến mới là tiếng Triều Châu. Trên thực tế, người Tàu có đến 5 nhóm Hoa kiều, được gọi là Ngũ Bang tại miền Nam: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (người Hẹ). Trong lĩnh vực ăn uống của Sài Gòn xưa, ảnh hưởng của người Tàu gốc Quảng Đông rất đậm nét. Người ta thường nói về 4 cái thú: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật Bản, đi xe Huê Kỳ”. Bên Tàu lại ví von: “Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô Châu, Tử tại Liễu Châu” (Cơm ngon ăn tại Quảng Châu, Áo đẹp may vải Hàng Châu, Vợ xinh cưới ở Tô Châu, Hòm chết chôn không bao giờ mục ở Liễu Châu ). Quảng Châu chính là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.
Kết hợp ý nghĩa của hai câu nói Việt-Trung ở trên ta có thể kết luận: ăn uống theo người Tàu gốc Quảng Đông là hết xảy hay số dzách (số một), những từ ngữ đã quá phổ biến trong xã hội miền Nam. Về sau, vào thời chiến tranh Việt Nam, “số dzách” được cải biên theo kiểu Mỹ thành “nâm-bờ oăn” (number one)! Hành trình của ngôn ngữ xem ra rất thú vị. Nói cho công bằng, bên cạnh số đông các tửu lầu, cao lâu của người Tàu gốc Quảng Đông, ở Sài Gòn Chợ lớn cũng có lai rai một số tiệm Tàu khác như tiệm Hủ tíu Triều Châu ở đối diện Chợ Lớn Mới, Cơm Gà Hải Nam ở Chợ An Đông hay đường Tôn Thọ Tường.
Theo Bình-nguyên Lộc (1), thời tiền chiến trước 1945, các phổ ky trong tiệm Tàu còn có kiểu kêu vào bếp những món ăn thực khách gọi y như người ta gọi “lô-tô” (bingo), dĩ nhiên bằng tiếng Quảng Đông:
– Bàn số 3, bên Đông, bà lùn, cà phê ít sữa nhiều!
– Bàn số 4, bên Đông, hủ tíu không giá.
– Bàn số 1, bên Tây, thêm bánh bao ngọt thằng nhỏ.
– Bàn số 2, bên Tây, ông già râu, cà phê đen ly lớn, xíu mại to.
Chủ tiệm thường biết rõ tính nết và sở thích ăn uống của mỗi khách quen, nên họ thường đặt cho mỗi người một cái tên thuộc loại… “hỗn danh”. Khi khách ăn xong lại quầy trả tiền thì phổ ky rao những câu hóm hỉnh bằng tiếng Quảng Đông, chẳng hạn như:
– Ông đầu hói mang khăn rằn, một đồng hai cắc
– Bà hai mập, ba đồng sáu cắc
– Ông chủ ốm nón nỉ, tám đồng tư, hai bánh bao mang về
Nổi tiếng tại Sài Gòn xưa có các nhà hàng Đồng Khánh, Arc-en-ciel (sau này đổi tên là Thiên Hồng), Soái Kình Lâm, Bát Đạt, Á Đông, Đại La Thiên, Triều Châu… Tại đây còn phục vụ loại “ăn chơi” theo cung cách nhất dạ đế vương. Quả thật người viết bài này chưa bao giờ được “làm vua một đêm” nên đoán trong những bữa tiệc như thế phải có mỹ nữ hầu tửu, thực đơn chắc chắn phải có nhiều món huyền thoại danh bất hư truyền về cái chất bổ dương khích dục đi đôi với các thứ rượu quí như whisky, cognac và Mao Đài tửu (Mao Đài hoàn toàn không có liên quan gì đến Mao Xếnh Xáng dù ông có dùng rượu này để tiếp đãi các nguyên thủ quốc gia).
Cơm Tàu thường được để trong những cái thố nhỏ nên được gọi là cơm thố, chỉ là cơm trắng dùng chung với các món ăn nhưng không nấu bằng nồi mà chỉ hấp cách thủy để cho chín gạo. Thông thường một người ăn chừng một hoặc hai thố là no. Có người lại ca tụng ăn cơm thố chỉ cần chan chút hắc xì dầu (nước tương đen) pha với dấm Tiều thêm chút ớt là đã thấy ngon rồi. Nghĩ lại cũng đúng nhưng nếu ăn kiểu này thì những tiệm nổi tiếng như Siu Siu bên hông chợ An Đông hay Siu Siu ở đầu hẻm Nguyễn Duy Dương (hình như ở số nhà 61) chắc đã dẹp tiệm từ lâu rồi! Hình dưới đây là những thố cơm chụp tại Quán Chuyên Ký trong khu Chợ Cũ đường Tôn Thất Đạm. (Những thố cơm ngày xưa nhỏ hơn nhiều, ngày nay tiệm dùng những cái thố quá lớn, không lẽ bao tử của thực khách ngày nay lớn hơn ngày xưa?). Cơm chiên Dương Châu cũng là món ăn du nhập từ Quảng Đông. Nhiều người rất khoái cơm chiên nhưng ít người biết từ khởi thủy đây chỉ là món tổng hợp các thức ăn dư thừa được chế biến lại. Này nhé, cơm vốn là “cơm nguội” nấu dư từ hôm trước, các phụ gia khác như jambon, trứng tráng, đậu Hòa lan, hành lá…còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà chiên lên!
Cũng thuộc loại thức ăn dư thừa có món tài páo (bánh bao). Bạn không tin ư? Nhân bánh bao là thịt vụn được xào lên, trộn với lạp xưởng và trứng (sau này được thay bằng trứng cút kể từ khi dịch cút lan truyền khắp Sài Gòn, nhà nhà nuôi cút, người người ăn trứng cút). Vỏ bánh bao được làm bằng bột mì, sau khi hấp chín bột nở phình ra trông thật hấp dẫn. Có người bảo cơm chiên Dương Châu và bánh bao thể hiện tính tằn tiện và tiết kiệm của người Tàu, không bỏ phí thức ăn thừa! Nói cho vui vậy thôi chứ từ cơm chiên, bánh bao đến các loại sơn hào hải vị như bào ngư, vi cá, yến sào… đều đòi hỏi cách chế biến, đó là nghệ thuật nấu ăn. Các tiệm “cà phê hủ tiếu” của Tàu lan rộng ra nhiều nơi chứ không riêng gì trong Chợ Lớn. Khắp Sài Gòn, Gia Định rồi xuống đến Lục Tỉnh đi đâu cũng thấy những xe mì, xe hủ tiếu, chỉ nhìn cách trang trí cũng có thể biết được chủ nhân là người Tàu. Họ có kiểu cách riêng biệt với những chiếc xe bằng gỗ, thiết kế một cách cầu kỳ. Phần trên xe là những tấm kính tráng thủy có vẽ hình các nhân vật như Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi, Triệu Tử Long… trong truyện Tam Quốc.

Ăn điểm tâm thì có mì, hủ tíu, bánh bao, há cảo, xíu mại…Khách thường gọi một ly xây chừng, đó là một ly cà phê đen nhỏ hay tài phế (cà phê đen lớn). Cà phê ngày xưa còn có tên “cá phé vớ (dzớ)”, pha bằng chiếc vợt vải nên còn được gọi là “cà phê vợt” tựa như chiếc vớ (bít tất). Cà phê đựng trong “dzớ” phải được đun nóng trong siêu nên còn có tên là “cà phê kho”, có điều “kho” nước đầu thì có mùi cà phê nhưng những nước sau có vị như… thuốc bắc. Sang hơn thì gọi phé nại (cà phê sữa) hoặc bạt sửu (nhiều sữa nhưng ít cà phê) với sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ (2) hoặc Con Chim (3). Có người lại dùng bánh tiêu hoặc dầu-cha-quẩy (người miền Bắc gọi là quẩy) nhúng vào cà phê để ăn thay cho các món điểm tâm đắt tiền.
Người bình dân còn có lối uống cà phê trên đĩa. Mỗi tách cà phê thường được để trên một chiếc đĩa nhỏ, khách “sành điệu” đổ cà phê ra đĩa, đốt điếu thuốc Melia chờ cà phê nguội rồi cầm đĩa lên… húp. Nhà văn Bình-nguyên Lộc trong Hồn Ma Cũ mô tả cách uống cà phê của người xưa: “…Người cha đứa bé rót cà phê ra dĩa cho mau nguội, rồi nâng dĩa lên mà uống”. Đây là cách uống của một số người Sài Gòn vào những thập niên 50-60, đa số họ là những người lớn tuổi, “hoài cổ” nên vẫn duy trì cách uống đặc trưng của Sài Gòn xưa. Vào một quán nước bình dân trong Chợ Lớn ta có thể gọi một ly suỵt xủi và người phục vụ đem ra một ly đá chanh mát lạnh. Có người gọi nước đá chanh là “bất hiếu tử” vì dám cả gan “đánh cha” nhưng nói lái lại là… đá chanh! Tại các tiệm “cà phê hủ tiếu” luôn luôn có bình trà để khách có thể nhâm nhi nhậm xà (uống trà) trước khi gọi phổ ky đến để thảy xu (tính tiền). (Nhậm xà còn có nghĩa là tiền hối lộ, tiền trà nước). Người sành điệu còn “xổ” một tràng “broken Cantonese”: “Hầm bà làng kỵ tố?” (Hết thảy bao nhiêu tiền?).
Những từ ngữ vay mượn của người Tàu dùng lâu hóa quen nên có nhiều người không ngờ mình đã xử dụng ngôn ngữ ngoại lai. Chẳng hạn như ta thường lì xì cho con cháu vào dịp Tết hoặc lì xì cho thầy chú (cảnh sát) để tránh phiền nhiễu, cũng là một hình thức hối lộ. Lạp xưởng là một món ăn có nguồn gốc từ bên Tàu, tiếng Quảng Châu là lạp trường: ngày lễ Tất niên và ruột heo khô. Cũng vì thế vào dịp giáp Tết các cửa hàng nổi tiếng như Đồng Khánh, Đông Hưng Viên trưng bày la liệt các loại lạp xưởng, nào là lạp xưởng mai quế lộ, lạp xưởng khô, lạp xưởng tươi…
Chế biến lạp xưởng là nghề của các Chú Ba trong Chợ Lớn. Lạp xưởng được làm từ thịt heo nạc và mỡ, xay nhuyễn, trộn với rượu, đường rồi nhồi vào ruột heo khô để chín bằng cách lên men tự nhiên. Lạp xưởng màu hồng hoặc nâu sậm vì chắc hẳn có thêm chút bột màu. Lạp xưởng ở Sóc Trăng thuộc miền Lục tỉnh cũng rất nổi tiếng cùng với món bánh pía, một món đặc biệt của người Tiều gốc từ Triều Châu. Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da, thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu theo kiểu Tô Châu nhưng khác với loại bánh trung thu mà ta thường thấy. Đây là loại bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn thịt mỡ.
Bánh pía do một số người Minh Hương di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 mang theo. Trước đây, việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công và phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình. Bánh pía ngày trước cũng khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo chứ không có lòng đỏ trứng muối và các loại thành phần khác như ngày nay. Do thị hiếu của người tiêu dùng mà các lò bánh mới thêm các thành phần hương liệu khác như sầu riêng, khoai môn, lòng đỏ trứng muối… Tại Sóc Trăng hiện có gần 50 lò chuyên sản xuất bánh pía. Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung đông nhất tại thị tứ Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) nơi được xem là khởi thủy của làng nghề bánh pía.
Vịt quay Bắc Kinh và vịt quay Tứ Xuyên là những món “đặc sản” nổi tiếng của Tàu. Đặc trưng của món vịt quay là da vịt mỏng, giòn, màu vàng sậm. Tại miền Nam, vịt quay và thịt heo quay cũng được người Quảng Đông đưa vào danh sách ẩm thực. Bí quyết gia truyền của các món này là ướpngũ vị hương rồi quay sao cho da giòn tan trong khi phần thịt vừa mềm lại vừa thơm. Vịt quay hoặc heo quay theo đúng kiểu Tàu là phải ăn với bánh bao chay (không nhân) nhưng người Việt cũng chế thêm món bánh hỏi thịt quay ăn với các loại rau, chấm nước mắm cho hợp với khẩu vị. Ngày xưa, trong Chợ Lớn, nổi tiếng về heo quay, vịt quay có khu vực đường Tôn Thọ Tường, ở Sài Gòn thì khu Chợ Cũ có vài tiệm heo quay của người Tàu. Chuyện kể có một ông cà lăm đi mua thịt quay, khi ông lắp bắp: “Bán… cho tôi… 20 đồng… thịt quay…” thì Chú Ba với tay nghề chặt thịt cũng vừa chặt xong đúng 20 đồng!
Hết “ăn” giờ lại sang đến “chơi” trong ngôn ngữ vay mượn của người Tàu. Chuyện cờ bạc trong ngôn từ của người Sài Gòn xưa đã xuất hiện không ít những từ ngữ từ tiếng Tàu. Tài Xỉu (phiên âm từ tiếng Tàu có nghĩa là Đại – Tiểu) là trò chơi dân gian có từ rất lâu. Chỉ cần 1 cái đĩa, 1 cái bát và 3 hạt xí ngầu cũng có thể lập sòng tài xỉu nên còn có tên là sóc đĩa. Hột xí ngầu có sáu mặt, mỗi mặt có từ một đến sáu chấm, tương đương từ một đến sáu điểm. Khi ráp sòng, người ta để cả ba hột lên chiếc đĩa sứ, chụp bát lên trên rồi lắc. Tổng số điểm của ba hột từ mười trở xuống gọi là xỉu, trên con số mười là tài. Sau khi chủ sòng lắc đĩa, người chơi đoán hoặc tài hoặc xỉu mà đặt cược. Chuyện thắng thua trong tài xỉu tùy thuộc vào tay nghề của người xóc đĩa, còn được gọi là hồ lỳ. Xác suất chủ sòng là từ 60 đến 70% thắng nhưng vì lỡ mang kiếp đỏ đen nên con bạc vẫn bị thu hút vào sòng xóc đĩa.
Các loại bài và hình thức chơi bài cũng có xuất xứ từ tiếng Tàu. Binh xập xám (13 cây) có những thuật ngữ như mậu binh (không cần binh cũng thắng), cù lủ (full house) là 3 con bài cùng số và một cặp đôi, ví dụ như 3 con chín + 2 con K (lớn nhất là cù lủ ách (ace), nhỏ nhất dĩ nhiên là cù lủ hai), thùng (flush) là 5 con cùng nước (suit) mà không theo trật tự liền nhau, ngược lại là sảnh (straight) là 5 con theo trật tự liền nhau nhưng không cùng nước. Kho từ vựng trong xập xám còn có xám chi (3 con cùng loại – three of a kind), thú (two) hay thú phé (two separate pairs) là 2 cặp và 1 con bất kì nào khác. “Thứ nhất tứ quý (4 con bài cùng số) thứ nhì đồng hoa (cùng một nước như cơ, rô, chuồn, bích)” là một trong số cả rừng từ ngữ của dân binh xập xám.
Ở phần trên đã bàn về hai khía cạnh “ăn” và “chơi”, còn một khía cạnh đóng vai trò không kém phần quan trọng là “làm” của người Tàu. Nghề nghiệp được xếp thấp nhất của người Tàu là nghề lạc xoong hay nói theo tiếng Việt là mua ve chai, người miền Bắc gọi là đồng nát. Chú Hỏa (1845-1901), người Phúc Kiến, xuất thân từ nghề này nhưng về sau lại là một trong 4 người giàu nhất Sài Gòn xưa: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. Bốn triệu phú ngày xưa gồm các ông Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt), Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương), Bá hộ Xường (Lý Tường Quan) và Chú Hỏa (Hui Bon Hoa hay Hứa Bổn Hòa). (Xem Triệu phú Sài Gòn xưa)
Một số người Tàu hành nghề bán chạp phô với các mặt hàng thuộc loại tả pín lù nhưng sẵn sàng đáp ứng được mọi nhu cầu hàng ngày của người lao động trong xóm. Tiệm chạp phô chỉ có mục đích lượm bạc cắc từ cây kim, sợi chỉ đến cục xà bong Cô Ba, quả trứng, thẻ đường. Người Tàu kiên trì trong công việc bán tạp hóa, ông chủ ung dung đếm tiền mỗi tối và ẩn dưới tiệm chạp phô là cả một gia tài được tích lũy. Người ta chỉ phát hiện điều này khi có phong trào vượt biên. Tính rẻ “3 cây một người” thế mà cả gia đình chủ tiệm chạp phô vẫn thừa sức vượt biển để tìm đến bến bờ tự do.
Cao cấp hơn là những xì thẩu, những người thành công trong kinh doanh mà ngày nay ta gọi là „đại gia“. Điển hình cho giai cấp xì thẩu là Trần Thành, bang trưởng Triều Châu, với hãng bột ngọt Vị Hương Tố rồi các mặt hàng mì gói Hai Con Tôm, nước tương, tàu vị yểu đã chinh phục thị trường miền Nam từ thập niên 60 để trở thành “ông vua không ngai trong vương quốc Chợ Lớn”. Xì thẩu Lý Long Thân làm chủ 11 ngành sản xuất và dịch vụ, 23 hãng xưởng lớn: hãng dệt Vinatexco, Vimytex, hãng nhuộm Vinatefinco, hãng cán sắt Vicasa, hãng dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico, Ngân Hàng Nam Việt, Ngân Hàng Trung Nam, khách sạn Arc en Ciel, hãng tàu Rạng Đông…
Xì thẩu Lâm Huê Hồ được nhiều người gọi là “chủ nợ của các ông chủ”. Ông là người giữ nhiều tiền mặt nhất miền Nam, số tiền ông có tay bằng vốn của nhiều ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ như Nam Đô, Trung Việt gộp lại. Lâm Huê Hồ còn nổi tiếng là vua phế liệu, chuyên thầu quân cụ và võ khí phế thải rồi bán lại cho những doanh nhân trong ngành luyện cán sắt hay bán lại cho Nhật Bản. Người Sài Gòn thường nói: “Trần Thành, Lý Long Thân chỉ có Tiếng nhưng Lâm Huê Hồ lại có Miếng”.
Xì thẩu Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem Hynos, là một người có óc làm ăn cấp tiến. Ông là người có rất nhiều sáng kiến để quảng cáo sản phẩm trên các cửa hàng ăn uống, chợ búa, hệ thống truyền thanh và truyền hình. Ông cũng là người đầu tiên biết vận dụng phim võ hiệp và tình báo kiểu Hồng Kông vào quảng cáo. Người dân miền Nam không thể quên hình ảnh tài tử Vương Vũ giải thoát các xe hàng do đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp: mở thùng ra chỉ toàn kem đánh răng Hynos! Có rất nhiều xì thẩu được Sài Gòn xưa phong tặng danh hiệu Vua. Trương Vĩ Nhiên, “vua ciné”, là chủ hãng phim Viễn Đông và gần 20 rạp ciné tại Sài Gòn – Chợ Lớn: Eden, Đại Nam, Opéra, Oscar, Lệ Thanh, Hoàng Cung, Đại Quang, Palace, Thủ Đô…; Lý Hoa, “vua xăng dầu”, là đại diện độc quyền các hãng Esso, Caltex, Shell phân phối nhiên liệu cho thị trường nội địa; Đào Mậu, “vua ngân hàng”, Tổng giám đốc Trung Hoa Ngân Hàng (một trong hai ngân hàng châu Á lớn nhất tại Sài Gòn cùng với Thượng Hải Ngân Hàng).

Ảnh của Kimtrong Lam.
Ảnh của Kimtrong Lam.

Cựu Nghị Sĩ Jim Webb, cựu chiến binh Việt Nam, ứng cử tổng thống

Cựu Nghị Sĩ Jim Webb, cựu chiến binh Việt Nam, ứng cử tổng thống
Nguoi-viet.com

LAS VEGAS, Nevada (NV)Cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (Dân Chủ-Virginia) là người duy nhất còn nhắc tới kỷ niệm thời chiến tranh Việt Nam trong cuộc tranh luận của năm ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ hôm Thứ Ba, 13 Tháng Mười, ở Las Vegas.

 
Cựu Thượng Nghị Sĩ John Webb trong cuộc tranh luận tối Thứ Ba. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Khi điều hợp viên yêu cầu nêu lên một kẻ thù, bốn ứng cử viên kia đều nhắc tới những đối tượng mà người Dân Chủ vốn chống: ngành bảo hiểm, nhóm vận động cho kỹ nghệ than đá, giới tài chính Wall Street, hiệp hội dùng súng NRA.

Riêng ông Jim Webb trả lời: “Đó là những binh sĩ địch đã ném lựu đạn làm tôi bị thương” và thêm: “Nhưng họ không có ở đây để nói đến”.

Cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb là thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Ông được tưởng thưởng huy chương Navy Cross do thành tích chiến đấu anh dũng được Military Times ghi lại. Sau khi cho nổ một trái mìn định hướng (claymore) mở lối vào địa đạo bắn hạ hai lính địch và tiếp tục lục soát những đường hầm khác, địch quân còn lại ném về phía ông một trái lựu đạn. Ông Webb đã dùng thân mình che chở cho các đồng đội và bị thương nặng nhưng vẫn chiến đấu cho tới khi tiêu diệt hết kẻ thù trong các địa đạo.

Ông Jim Webb, 69 tuổi, có lẽ là cựu chiến binh Việt Nam cuối cùng còn có thể ứng cử tổng thống. Gần nửa thế kỷ sau, những quân nhân Mỹ trong cuộc chiến tranh ấy nay đều đã ở lứa tuổi trên 70 và không còn trong thời gian hoạt động nhiều nữa.

Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2004 và 2008, hai ứng cử viên John Kerry và John McCain, cũng là hai thượng nghị sĩ, là các cựu chiến binh nổi tiếng. (HC)

Người Hoa đang đổ tiền mặt vào thị trường địa ốc Mỹ

Người Hoa đang đổ tiền mặt vào thị trường địa ốc Mỹ
Nguoi-viet.com

(CNBC) Từ những công trình phát triển đô thị tại thành phố Irvine nắng ấm của California, tới những tháp condo mới bóng loáng nhìn ra chân trời của Manhattan, New York, người Hoa đang đổ tiền mặt vào thị trường nhà ở tại Hoa Kỳ.

Theo Hiệp Hội Ðịa Ốc Toàn Quốc (NAR), hiện giờ người Hoa đứng đầu danh sách những người nước ngoài mua bất động sản trong nội địa Hoa Kỳ, và trong số đó gần nửa trả bằng tiền mặt, theo RealtyTrac, một công ty phân tích và mua bán bất động sản.


Gần một nửa người Hoa mua nhà trả bằng tiền mặt. (Hình minh họa: Getty Images)

Trong năm 2015, tính tới nay, khoảng 46% người Hoa mua nhà tại Mỹ bằng tiền mặt, tăng 229% so với một thập niên trước đây, trong khi tỉ lệ người mua nói chung trả bằng tiền mặt là 33%, tăng 65% so với một thập niên trước.

“Những người mua bằng tiền mặt thuộc mọi thành phần đang đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong thị trường nhà ở hiện nay so với 10 năm trước đây, và điều đó đặc biệt đúng đối với những người mua bằng tiền mặt là những người Hoa nói tiếng Quan Thoại, những người thường không có quốc tịch Mỹ,” theo ông Daren Blomquist, phó chủ tịch của RealtyTrac.

Ông nói: “Những người ngoại quốc mua bằng tiền mặt đã giúp gia tốc việc tăng giá nhà tại Mỹ trong mấy năm vừa qua, lý do là những người mua này thường không bị kềm chế bởi lợi tức như những người mua tại địa phương, thường phải vay tiền ngân hàng để mua.”

Sự bất ổn gần đây trong nền kinh tế của Trung Quốc và thị trường chứng khoán đã thúc đẩy thêm người mua nhà tới Hoa Kỳ.

Những người Hoa có con cái thuộc mọi lứa tuổi muốn con cái họ được theo đuổi một nền giáo dục tốt, từ tiểu học tới đại học. Ðó là một trong những ưu tiên hàng đầu của những người Hoa mua nhà.

Người mua gốc Á Châu chiếm khoảng 35% mọi người ngoại quốc mua bất động sản tại Hoa Kỳ trong thời gian 12 tháng chấm dứt vào Tháng Ba, 2015, khi họ chi tiêu hơn $28 tỉ. Cho tới nay họ rất năng động trong các thị trường nhà đắt tiền, đặc biệt ở California và thành phố New York.

Theo bà Kathy Sloane, một địa ốc viên làm việc cho công ty Brown Harris Stevens ở Manhattan, nhiều người Hoa giàu có, thường đem theo con cái, muốn mua nhà ở New York. Họ muốn biết cách để con cái họ được thu nhận vào các trường học và làm cách nào để cha mẹ họ được chăm sóc sức khỏe.

Một vài người Hoa, nhưng chắc chắn không phải là tất cả, muốn những căn chung cư đắt tiền ở New York. Họ thường ưa nhà mới xây, như người ta thấy ở Irvine, California, nơi những nhà thầu xây dựng đang bán và ngay cả thiết kế nhà cho những người mua gốc Hoa.

Những người này không phải muốn chuyển tài sản ra ngoại quốc. Họ muốn thay đổi đời sống của họ và di chuyển ra khỏi Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau.

Giáo dục, y tế và triển vọng tăng giá nhà là những gì đang hấp dẫn những người mua gốc Hoa, trong khi cho tới nay họ thường nhắm vào những căn nhà đắt tiền, có thể các thị trường nhà vừa với túi tiền hơn như trong vùng giữa bờ biển Ðại Tây Dương sẽ bắt đầu chứng kiến nhu cầu gia tăng.

Tiền mặt là một lợi thế đặc biệt trong thị trường nhà đất eo hẹp ngày nay, và rõ ràng những người mua gốc Hoa ý thức điều đó. (n.n.)