Giáo dân Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa

Giáo dân Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa

RFA

image.jpg

Nhà thờ Giáo xứ Cồn Sẻ

Courtesy giaoxugiaohovietnam.com

00:00/02:52

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Chừng vài ngàn giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ từ trưa đến chiều ngày 7 tháng 7 biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh xả chất độc ra biển gây thảm họa môi trường tác động mạnh đến kế mưu sinh của người dân trong giáo Xứ.

Dân chúng xứ Cồn Sẻ tại xã Quảng Lộc, thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hầu như tất cả sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Tuy nhiên từ khi xảy ra thảm họa môi trường từ tháng tư cho đến nay, họ phải phơi thuyền nằm bờ không thể ra khơi đánh bắt như trước.

Một người dân theo dõi cuộc biểu tình của giáo dân xứ Cồn Sẻ vào lúc 3:30 chiều ngày 7 tháng 7 cho Đài Á Châu Tự Do biết về hoạt động lúc đó vẫn còn diễn ra:

“Cuộc biểu tình bắt đầu từ lúc 12 giờ và mọi người tuần hành từ giáo xứ ra trung tâm huyện- ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên trên đường tuần hành đến cầu thì bị lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động chặn lại và có sự đàn áp xảy ra: một người bị bắt và hai người bị trọng thương.

Cuộc biểu tình khi tôi đang nói chuyện với anh còn đang tiếp diễn.

Mục đích cuộc biểu tình thì như chúng ta biết sau thảm họa môi trường hoàn cảnh của đại đa số bà con (đánh bắt gần bờ và xa bờ) lâm vào cuộc sống khó khăn. Từ cả trăm năm nay người dân bám biển, các nguồn tài chính cung cấp cho gia đình đều từ biển.

Rơi vào hoàn cảnh này họ bức xúc; đặc biệt khi biết thông tin do chính quyền Việt Nam công bố thủ phạm là Formosa, và chính quyền đã nhận tiền bồi thường 500 triệu ( đô la). Rồi còn có nhu cầu đưa bà con ra nước ngoài làm việc khiến bà con nổi giận hơn.

Từ sự thiếu thốn về vật chất và áp đặt về tinh thần nên bà con quyết định xuống đường biểu tình!”

Lịnh mục quản xứ, Phê rô Hoàng Anh Ngợi, vào lúc sau 3 giờ chiều khi chúng tôi tiếp xúc cũng cho biết:

“Tôi vừa về, đứng giữa nắng từ 11 giờ đến lúc này, mới về.”

Linh mục Hoàng Anh Ngợi là người từng đứng ra kêu gọi một số nhà hảo tâm giúp cho giáo dân của ông bị thất nghiệp, đói khổ sau thảm họa môi trường cá chết hằng loạt do chất độc Formosa Hà Tĩnh thải ra.

Tuy nhiên ông cho rằng việc giúp đỡ như thế chỉ là tạm thời trước mắt, còn trách nhiệm thuộc về chính quyền phải ổn định cuộc sống cho dân chúng về lâu về dài.

image006-620.jpg

Giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh hôm 7/7/2016.

Ác mộng

Ác mộng

Nguyễn Tiến Dân

7-7-2016

Ở xứ Cù lần, có một lão nông, họ Tập. Tham và ác, nổi tiếng. Ngứa mắt, là lão đánh người – Không thích, là có thể, giết người ta như ngóe. Dòng tộc, cũng chẳng từ. Riêng cái khoản ngu, lão vô đối thủ. Ngu lâu – dốt bền. Ngu từ đời này, sang đời khác và chưa hề có dấu hiệu, sẽ hạ nhiệt. Quê lão, “chó ăn đá – gà ăn sỏi”. Thu hoạch, thất thường – Đói, triền miên. Đã thế: chồng, rượu chè – vợ, cờ bạc – con, nghiện ngập. Lấy đâu ra, của ăn – của để. Nghèo, kiết xác. Nhưng cả nhà, vẫn thường xuyên đi vay nặng lãi, để ăn chơi. Ăn, tàn bạo – chơi, ngông cuồng. Đã thế, ăn và chơi cái gì, cũng phải, “xứng tầm khu vực và thế giới”. Quí ai, lão đem mấy hòn đá ra, đục sơ – đẽo vội, làm thành tượng. Sau đó, đặt cùng đường. Thiếu chỗ trang trọng, cầu ao và chuồng lợn, cũng có thể được huy động, để đặt những “hình nhân thế mạng” đó.

Ra ngoài đường, mắt la – mày lét. Nhìn thấy của cải và tiền bạc của thiên hạ, là tối mắt lại. Từ cha tới con – từ vợ tới chồng, đông đàn – dài lũ, gọi nhau kéo đến. Quanh ra – quanh vào, bằng mọi cách, phải lừa đảo và ăn cướp cho bằng được, mới thôi. Đã nghèo, lại còn vô giáo dục. Cho nên, ai cũng chỉ nghĩ đến mình và chỉ nghĩ đến tiền. Họ, giành giật nhau miếng ăn và đánh nhau vỡ đầu, chỉ vì chỗ ở. Việc chung, chẳng ai ngó ngàng.

Đẻ con ra, không cho chúng đi học. Nhưng lại mơ, chúng sẽ có tiền bạc và danh vọng, Vì thế, dùng Kim Ngân, để đặt tên cho con gái. Với mong muốn, nó sẽ có nhiều vàng bạc làm của hồi môn. Để, dễ lấy chồng – Đặt tên cho con trai, là Phú Trọng. Với mong muốn, sau này, nó vừa giàu sang, vừa phú quí. Tam khoanh – tứ đốm, chỉ dám mạnh bạo xó nhà. Bước chân ra khỏi cửa, so vai – rụt cổ, hèn đến mức, không thể hèn hơn. Nhưng, vẫn chọn những cái tên Hùng – Dũng, để đặt cho con của mình. Hy vọng hão huyền, “cái áo, sẽ làm nên thày tu” – cái tên, sẽ giúp chúng, đổi đời (!). Những lúc nông nhàn, cả nhà xúm vào đan lờ. Rồi, treo lên ngọn cây đa cuối làng. Để, đơm cá. Dân gian, vì thế, tránh xa các con của chàng. Họ, gắn thêm cái biệt danh “lờ”, vào sau tên của mỗi đứa. Cho khỏi lẫn, với Thiên hạ. Tỷ như, Trọng lờ.

Hùng – Dũng – Sang – Trọng, tuy là 4 anh em ruột thịt. Nhưng, chúng tranh nhau ăn, như chó và chỉ bằng mặt, chứ chẳng bằng lòng với nhau, bao giờ.

Trong 4 anh em, Trọng lờ, là thằng tinh ranh nhất. Mắt lờ đờ, nhưng mũi thính hơn chó. Làm thợ xây, cho đến gần chót đời. Nhưng, nó không xây hoàn chỉnh được, bất cứ 1 cái gì. Cho dù, đó chỉ là, cái chuồng gà. Bù lại, những trò đá cá – lăn dưa và những mánh mung của bọn ma cà bông – ma cà chớp, nơi đầu đường – xó chợ, nó thạo lắm. Nó biết, gia tài lớn nhất của cả nhà, là cái quyển Sổ đỏ, mà bố nó, đang nắm trong tay và anh em nó, đừng có hòng, xơ múi gì ở đó. Nó nung nấu quyết tâm: Triệt cho bằng hết, cùng 1 lúc, cả bố mẹ, lẫn 3 thằng em. Để, giành lấy quyển Sổ đỏ đó. Một ngày kia, nó nghĩ ra 1 kế.

Nó mang rượu thịt, sang kết nghĩa anh em, với thằng Hoa du côn. Trùm băng đảng, ở cái làng, có tên là Thành Đô. Vừa khéo, thằng Hoa kia, cũng đang tính kế, thôn tính nhà nó. Lưu manh, gặp kẻ cướp. Chúng quấn nhau, như vợ chồng sam. Thằng Hoa nhận lời, sẽ cho nhân sâm, à quên, nhân-ngôn (Trong chữ Hán, hai chữ nhân  và ngôn ghép lại thành chữ tín  ; nhân- ngôn, ám chỉ thạch tín), vào giếng nước ăn của nhà Trọng. Đổi lại, thằng Hoa, sẽ được chia một phần, miếng đất hương hỏa nhà Trọng. Với công thức: “16+4”. Tan cuộc, thằng Hoa, y kế và y ước, thi hành. Bố mẹ Trọng lờ, dùng nước giếng ấy, bị ngộ độc và lăn đùng ra chết. Ba đứa em, nhất định, không chịu uống. Trọng sai con, vật ngửa 3 chú ra, rồi đổ nước vào mồm. Ba chú, giẫy đành đạch. Rồi theo nhau, về với ông bà – ông vải. Vật nuôi, dùng nước giếng ấy, ngẹo đầu – ngẹo cổ, mà chết. Cây trồng, tưới nước giếng ấy, thối gốc – trốc rễ, mà chết. Khiến cho, chuồng nhà Trọng lờ, bị bỏ không – ruộng nhà Trọng lờ, bị bỏ hóa. Cả nhà Trọng lờ, vô kế sinh nhai. Chẳng ai, còn thiết tha với ruộng vườn. Ai cũng muốn, bỏ đi biệt xứ. Kết quả, trên cả mức trông đợi. Cả thằng Hoa lẫn thằng Trọng, đều “múa tay trong bị”. Chúng hẹn nhau, sau lễ thất tuần của ông bà Tập, sẽ chia, “chiến lợi phẩm”. Trọng lờ còn muốn, dạm bán nốt cho thằng Hoa, cái phần còn lại của mình.

Thất tuần của bố mẹ, Trọng lờ, vay nóng của thằng Hoa, để làm rềnh rang và linh đình. Rạp, bắc từ đầu làng, tới cuối xã – Cỗ bàn, cùng với ruồi nhặng, ê hề. Chỗ này, là các bà già, với áo tứ thân, ngồi bổ trầu và nghe quan họ – Chỗ kia, các chú choai choai, mồ hôi nhễ nhại, quay cuồng trong tiếng nhạc Disco tưng bừng – Kèn tây, thi thanh cùng sáo nhị. Hàng Tổng và hàng Huyện, kéo đến chật ních. Ai cũng muốn xem, Trọng lờ, “báo Hiếu” cho bố mẹ nó, như thế nào. Trong cái đám đông ấy, chẳng thể thiếu, thằng Hoa và con vợ mắt lác của nó. Chúng, cũng mang lễ sang cúng bái và tiện thể, hỏi thằng Trọng, định bán nốt phần còn lại của mình, với giá bao nhiêu. Nhưng, vừa đặt lễ lên ban thờ, chưa kịp khấn vái, nó chợt giật nảy mình: Trong cái đám khói hương nghi ngút, nó và những người dự lễ, nhìn rõ mồn một, Bao công hiện về. Cạnh đó, là ông bà Tập. Nó sợ đến mức, ngã khuỵu xuống. Nó biết, giờ phán quyết, đã tới.

Lần đầu tiên trong đời, nó mở miệng, xin lỗi nạn nhân. Có bao nhiêu tiền lẻ trong túi, nó lập cập, móc ra bằng hết, để trên ban thờ của 2 ông bà. Coi như, đền bù cho những tội lỗi, mà nó đã cố ý gây ra. Về sự cố, đã bỏ thuốc độc, vào giếng nước nhà ông bà Tập, nó vừa khóc lóc – vừa thanh minh:

– Chủ mưu, là thằng Trọng. Tôi, chỉ là kẻ thừa hành. Tội tôi, nhẹ hều. Tôi chỉ bỏ thuốc độc vào giếng. Đâu có múc nước đó, đổ vào mồm nạn nhân. Chính nạn nhân, tự giết mình. Bởi, không uống nước đó, họ đâu có chết. Tương tự, vật nuôi – cây trồng chết, cũng chính bởi người nhà của ông bà Tập, dùng nước giếng ấy, mà gây ra. Đâu có bàn tay trực tiếp của tôi. Tóm lại, tôi chỉ nhận tội, đầu độc cái giếng nước, nhà ông bà Tập. Suy cho cùng, cái giếng nước ấy, chỉ là vật vô tri – vô giác. Tôi không có tội, gây ra những cái chết của nhà họ và không nhận tội “hủy hoại môi trường” nhà họ. Chính vì, những lẽ đó: Tôi chỉ có trách nhiệm, đền bù, cho việc tẩy độc cái giếng và “hỗ trợ”, cho thằng Trọng lờ, chuyển nghề. Thợ xây như nó, vất vả quá. Dùng tiền đền bù của tôi, sau “ba bảy – hai mốt ngày”, nó sẽ lột xác, để trở thành… Kiến trúc sư. Chuyên đi thiết kế chuồng xí, cho cái loài chó – lợn. Lĩnh vực ấy, chưa có ai làm. Một mình – một chợ, tha hồ mà phát tài. Ăn trắng – mặc trơn, sung sướng trọn đời. Xin Bao Công, mở lượng hải hà, mà tha bổng. Và, xin ngài làm chứng, bắt gia đình nhà thằng Trọng y ước, mà chia đất cho tôi.

Đến lượt, thằng Trọng. Mắt nó, đảo như rang lạc. Nó xiêu vẹo, tiến đến gần cái ban thờ. Việc đầu tiên, nó vươn tay, quơ hết số tiền mà thằng Hoa vừa đặt lên đó, cho vào túi. Đoạn, nhổ nước bọt vào ngón tay, rồi chấm lên mắt. Sau đó, nỉ non:

– Thưa Bao Công, thưa bố mẹ, cùng toàn thể chư vị. Tập Phú Trọng tôi, tuy thất học, nhưng hiểu câu, “một lời nói, một đọi máu” của giới giang hồ. Tôi mà không chia đất cho thằng Hoa, cả nhà tôi, sẽ sạch sành sanh, không còn 1 mống. Cái nhà này, ở vào thế “cù địa”. Nơi giáp giới của nhiều Quốc gia. Ai đến trước, sẽ dễ dàng, khống chế được cả Thiên hạ. Thế đất, đẹp như thế. Đương nhiên, bị nhiều kẻ nhòm ngó. Thằng Hoa, hay chú Sam mũi lõ, cũng đều muốn độc chiếm. Không trước – thì sau, nhà ta, cũng phải bán. Ai bán được và bán cho ai, với cái giá cao hơn, người ấy tài. Tuy bất tài và thất Đức, nhưng bán cho thẳng Hoa, tôi vẫn còn giữ lại được 4 phần gia sản của Tổ tiên. 16 phần còn lại, nhường cho nó. Đó là cái giá, để giữ “môi trường Hòa bình và Hữu nghị”. Giúp tôi, có được sự “ổn định về chính trị”, để hưởng trọn vẹn, cả 4 phần kia. Mà, không phải chia cho bất cứ 1 ai trong dòng tộc. 4 phần đó, nếu nhường nốt, vợ chồng thằng Hoa, cam kết: Sẽ nuôi không, cả lò – cả ổ nhà tôi. Cái giá ấy, rất hời. Xin đừng lên án tôi, “mại gia cầu vinh”. Tôi thề, không bao giờ, táng tận lương tâm, để làm cái việc đó. Đơn giản, tầm của tôi, chỉ biết mại gia để mà ăn chơi. Chứ nào có biết, vinh – nhục, nó là cái gì. Lên án tôi, trong cuộc mua bán – đổi chác này, thì dễ. Nhưng, hãy chìa bàn tay của quí vị, ra trước mặt và hãy nhìn vào đó: Chúng ta, rặt 1 lũ mặt ngay – tay đờ. Chơi với chú Sam mũi lõ, chú ấy bắt chúng ta, phải tự làm lấy mà ăn. Có mà, bỏ mẹ.

Thằng Hoa kia, bỏ thuốc độc, định giết hết cả nhà ta. Về lí, “sát nhân giả tử” (giết người, phải đền mạng). Nhưng do cảnh giác cao độ, nên tôi vẫn còn sống nhăn – sống nhở. Nhà ta, chưa bị tuyệt diệt. Vả lại, thằng Hoa đã nhận lỗi và đã đền bù xứng đáng. Từ xưa đến nay, cả họ Tập nhà mình, ai ai cũng có lòng nhân nghĩa– khoan dung – độ lượng. Chúng ta, chỉ đánh người chạy đi. Chúng ta, quyết không đánh kẻ chạy lại. Cho dù, mục đích chạy lại của chúng, là ăn cướp hay giết người. Người chết, thì cũng đã chết rồi. Bao Công có giết thêm 2 chúng tôi, cũng chẳng thể, làm cho bố mẹ – anh em – gà chó… nhà chúng tôi sống lại. Với tất cả những lí lẽ đó, xin Bao Công tha chết cho chúng tôi. Và, xin chứng thực, cho cái hợp đồng, mua bán – đổi chác của chúng tôi.

Nghe, chuyện thằng Trọng nói – Nhìn, việc thằng Trọng làm: Bao Công, uất nghẹn. Ngài, cho ông bà Tập, nói lời cuối. Cả đám Hiếu, nín lặng.

Ông bà Tập, luống cuống. Ngồi ở đây, nhưng tâm trí của họ, còn để ở tận đẩu – tận đâu. Cờ bạc, là nghiệp chướng của họ. Xuống Âm phủ, vẫn không thể dứt ra được. Mọi ý nghĩ, chỉ hướng về số tiền lô đề, mà họ đang nợ đầm đìa và đám chủ nợ, đang vây quanh, bắt phải trả. Liếc xuống, thấy thằng Trọng, nhấm nháy ra hiệu, sẽ tắc tế vàng mã cho ông bà. Thế là, quên hết. Cả hai, quỳ xuống. Xin Bao công, tha chết cho thằng Trọng. Với cớ, nó là thằng cùng đinh duy nhất còn lại, để lo việc cúng tế cho ông bà. Tiện thể, xin tha nốt cho thằng Hoa du côn. Với cớ, không có nó, thằng Trọng, lấy cứt mà đổ vào mồm. Cuối cùng, xin Bao Công, nói với Diêm vương, mỗi ngày, mở Xổ số, 2 đận.

Bao Công lắc đầu: “Ti tiện, đến chết, vẫn là đồ ti tiện”. Đoạn, Ngài quay xuống, phủ dụ đám đông:

– Ngồi trên Thiên đình, nhưng hàng ngày, ta vẫn nghe đài và đọc báo của nhà Sản, ở xứ Cù lần. Có lần, ta nghe 1 thằng mặt dầy, nói rằng: “Sống nghèo – hèn, trong công bằng – yên bình. Vạn lần tốt hơn giàu sang – phú quí, trong bon chen và hỗn loạn”. Nghèo – hèn, khoan nói. Ta cứ tưởng, ít ra, các người cũng được sống trong yên bình. Bởi vậy, từ lâu, không đáo qua đây. Hôm nay, vô tình ghé qua, ta mới biết, sự thực, không phải là như vậy. Ta đã nhìn thấy: trong đám dân chúng, ai cũng bị dán băng keo vào mồm. Đó, là cái giá phải trả, để có được, cái gọi là “yên bình”. Ta, xấu hổ thay, cho cái sự hèn hạ của các ngươi. Môi trường sống của các ngươi, đã bị nhiễm độc toàn diện và nặng nề. Các người, sắp chết cả nút đến nơi. Thế mà, vẫn nghe lời phỉnh phờ của thằng Trọng: im lặng, để giữ “sự ổn định chính trị”. Sao không biết bảo nhau, đập chết, hai cái thằng súc sinh đó đi. Cùng lắm, cũng phải biết, tự gỡ cái băng keo ở mồm ra. Rồi, đem cái nỗi oan ức này, kêu đến Cửu trùng? Bây giờ, ta sẽ thay các ngươi, đem 2 thằng Trời đánh – Thánh vật này, về phủ Khai Phong. Để, điều tra. Các người yên tâm, ta sẽ không điều tra trong “ba vạn – chính nghìn” ngày, như bọn nhà Sản, nơi Hạ giới đâu. Ngay ngày mai, ta sẽ đem chúng, ra sân vận đông Hàng Chiếu. Để, xét xử công khai. Cửa, ta mở tự do. Các người, rủ nhau đến, mà dự. Đến đó, các người, sẽ chứng kiến Chân lý: “lưới Trời lồng lộng – thưa mà khó lọt”. Tiện thể, ai có oan ức gì, gửi đơn cho Công Tôn Sách. Ta sẽ cứu xét luôn, cả thể.

Nghe thế, cả đám đông ào lên. Thoáng cái, Công Tôn Sách, đã bị đẩy đi, tít tận đằng nào. Gớm, yên bình gì, mà lắm oan khiên đến thế. Mình cũng muốn nhảy lên, để gửi đơn. Khốn nỗi, người thì bé – tính lại ngờ nghệch. Bởi thế, bị giẫm đạp tơi bời và bị đấm đá túi bụi.

Đau qua, mở choàng mắt ra. Trước mặt mình, là Sư tử. Mắt sáng quắc – tóc dựng ngược. Mụ thượng cẳng chân – hạ cẳng tay, đánh mình không thương tiếc. Vừa đánh – vừa la hét, như đang lên cơn điên. Mụ tóm tóc, hỏi mình: “Tối qua, lão đã mua thuốc liều chính hiệu, ở tiệm nào?”. Té ra, trong cơn mơ, mình đã đạp nàng, văng ra khỏi giường.

Đành phải thanh minh, bằng cách, kể lại giấc mơ. Kể thì dứt, nhưng chuyện, nào đã hết. Nàng tức giận, hỏi mình:

– Tóm lại, lão có gửi được đơn của nhà mình, hay không?

– Cậu đánh tớ, như đập mẹt. Đau quá, phải tỉnh. Tỉnh rồi, sao gửi được nữa?

Sư tử vồn vã:

– Thế thì, “anh ơi hãy ngủ, em hầu quạt cho”. Mơ tiếp đi, rồi nhớ chen thật lực vào. Đứa nào cản đường, anh cứ đánh bỏ mẹ nó đi. Tội vạ đâu, anh chịu nhé. Em, ứ chịu thay anh. Và, nhớ cho kĩ, câu này: Không gửi được đơn, đừng về.

Trời đất – Quỷ thần ơi! Lười nhác như mình, mà được ngủ tiếp, thì thích lắm. Nhưng, tỉnh dậy, mà nói rằng, “không tìm thấy Bao Công”, có mà no đòn.

Trở đi, mắc núi – trở lại, mắc sông. Ai ơi, cứu mình với.

Nguyễn Tiến Dân

Tạm trú tại: 544 đường Láng – quận Đống đa – Hà nội

Điện thoại: 0168-50-56-430

BÁC ÁI HỌC TỪ GIA ĐÌNH TRONG LỜI NÓI VIỆC LÀM

 BÁC ÁI HỌC TỪ GIA ĐÌNH TRONG LỜI NÓI VIỆC LÀM

Tuyết Mai

Là con người thì điều khó làm nhất ở Trần Gian này là chúng ta biết kềm hãm lời ăn tiếng nói hay cố gắng khi nói thì nên nói điều tốt lành, xây dựng trong tình yêu thương còn nếu không khen ai được thì nên giữ im lặng.   Người Mỹ có câu “If you have nothing nice to say then say nothing at all” trong phim BAMBI 1947.   Được như thế thì chắc hẳn ai ai trong chúng ta già trẻ lớn bé cũng có thể trở nên thánh được cả.

Sở dĩ xã hội ngày nay ngày càng trở nên bất an là do trong gia đình thiếu sự giáo dục con cái, thiếu sự thông cảm vì trẻ già xung khắc.   Thiếu tấm gương nhân hiền của bậc cha mẹ, ông bà và thiếu thời giờ dành cho con cháu của họ.   Do đó mà những đứa trẻ ngổ ngáo, vô giáo dục ấy chúng đem mối họa vào nhà trường, vào xã hội như những ung dịch làm lây lan và làm xáo trộn ở mọi nơi mà chúng đến.

Thời nay chúng ta chứng kiến rất nhiều những chuyện thương tâm xẩy ra từ trong gia đình có chồng hành hung, chửi mắng vợ suốt ngày sáng đêm.   Có cha đánh đập và giết chết con phải ngồi tù.   Có gian đối, lọc lừa, dâm ô vì gia đình ấy hoàn toàn sống không có tình yêu Thiên Chúa và rồi chúng ta cũng có thể hình dung ra được cuộc sống hằng ngày của gia đình ấy nó như thế nào!? Nếu không là Địa Ngục, là tan nát, là hận thù thì mới là điều lạ, thưa có phải?.

Học cho được tánh Bác Ái, yêu thương từ trong lời nói cả việc làm (Nếu Có) thì là do chúng ta học được từ nơi cha mẹ khi chúng ta ở tuổi bắt đầu có trí khôn.   Một đứa trẻ rất hiếm có thể có được tấm lòng bác ái nếu cha mẹ của chúng luôn sống ích kỷ, nhỏ nhen, kiêu ngạo, cả đời chẳng biết chia sẻ hay nghĩ đến ai thì hà huống gì là biết sống hy sinh, bỏ qua, tha thứ và biết quan tâm đến người khác.

Nhưng điều mừng vui khôn tả là người Công Giáo chúng ta có rất nhiều tấm gương đức hạnh rất sáng lạn để chúng ta bậc làm cha mẹ học bắt chước theo từ gia đình Thánh Gia, cho đến các bậc cha mẹ của các Thánh còn sống cũng như đã qua đời.   Và cảm kích nhất là các cha mẹ già cũng như trẻ hiện đang sống chung quanh chúng ta đây.

Nhìn và ngẫm suy thì các cha mẹ của các Thánh ai cũng có cuộc đời đạo đức, biết kính sợ Thiên Chúa, siêng năng việc Đức Chúa Trời và siêng năng lần hạt Mân Côi.   Các ngài cả đời hy sinh rất nhiều, tha thứ thật nhiều cùng kiên nhẫn chịu đựng khi cuộc đời của các ngài luôn gặp khốn khó nhưng trong gia đình của họ thì luôn gắn bó trong yêu thương và luôn có trách nhiệm với nhau.

Hy vọng rằng hết thảy gia đình Công Giáo chúng ta cùng nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta luôn sống trong hạnh phúc, trong tình tương thân tương ái, đỡ đần lẫn nhau.   Có như thế thì thật tiền bạc có chất đống đầy thì nó cũng chẳng làm cho gia đình bị chia rẽ, chia lìa, tan tác, cô đơn, hay bị lương tâm gặm nhấm cho đến chết.

Mà ngược lại sự giầu có ấy nó càng làm cho gia đình thêm vững mạnh, phong phú hơn trong sự liên kết, luôn gắn chặt với nhau vì biết đem tiền của Chúa ban chia sẻ cho người nghèo.   Điển hình nhất là tấm gương của 10 nhà tỷ phú sáng giá của nước Mỹ dẫn đầu là ông Bill Gates, ông Warren Buffet, Mark Zuckingburg, v.v… Cùng rất nhiều các nhà triệu phú khác ở trên toàn khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ.

Bởi nhờ tất cả những tấm lòng KIM CƯƠNG ấy mà nước Hoa Kỳ luôn đứng hàng đầu Thế Giới trong sự chia sẻ đóng góp tích cực cùng những công trình vĩ đại trong công việc TỪ THIỆN được trải dài từ nước Mỹ cho đến khắp cùng Thế Giới.   Nguyện xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho họ để công việc họ làm và tiền của dành trong quỹ TỪ THIỆN luôn được nhân lên và không bao giờ cạn như HŨ BỘT không bao giờ vơi Chúa ban cho bà góa nghèo thuở xưa.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

6 tháng 7, 2016

BÀI HỌC TRỰC QUAN VỀ LÒNG YÊU THƯƠNG

BÀI HỌC TRỰC QUAN VỀ LÒNG YÊU THƯƠNG

LM Inhaxiô Trần Ngà

Tại một khúc đường vắng trên con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô có một khách bộ hành bị trọng thương đang quằn quại rên siết.  Khúc đường nầy xưa nay vẫn thường xảy ra những vụ cướp của giết người nghiêm trọng.  Hẳn đây lại là một nạn nhân khác do bọn cướp gây ra.

Một hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang tiến lại gần.  Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị Tư Tế.  Ngài vốn thông làu lề luật yêu thương, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh ta.  Nhưng rồi vị Tư Tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên mà đi thẳng, để mặc anh nằm đó.

Một lát sau, có một thầy Lê-vi đi qua, vị nầy đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, nhưng rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh, có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn lảng vảng đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia.  Thôi, khôn hồn thì rảo bước cho nhanh, mau qua khỏi nơi nguy hiểm nầy.

Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp đâu đây vọng lại, rồi vị khách đi đường thứ ba xuất hiện. Đây là người dân Sa-ma-ri.  Chẳng hy vọng gì nơi hạng người như thế, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là quân lạc đạo chẳng ra gì.

Thế nhưng, người Sa-ma-ri nầy lại cho lừa dừng lại, bước xuống cúi mình trên nạn nhân, cảm thương thân phận người xấu số.  Ông mở hành trang lấy rượu rửa sạch vết thương, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay trở về quán trọ.  Đến nơi, ông lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như lo cho người thân yêu của mình.  Sáng hôm sau, vì công việc gấp rút đòi buộc, ông phải vội lên đường; nhưng trước khi ra đi, ông trao tiền cho chủ quán và dặn dò: “Xin ông lo chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông”.

***********************************

Điều tuyệt vời nơi con người nhân ái nầy là đức tính sẵn sàng phục vụ.  Phục vụ tức thời không so đo tính toán.  Phục vụ bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đang lúc phải đi về Giê-ri-cô cho nhanh trước khi trời tối, mà phải dừng lại tại một nơi không ngờ trước, bày tỏ tình thương mến một nạn nhân xa lạ bằng những chăm sóc hết sức ân cần chu đáo, bất chấp hiểm nguy cho tính mạng mình, chấp nhận mất mát thời giờ, tiền của, đành để cho vợ con chờ đợi sốt ruột ở nhà, gác bỏ qua bên bao nhiêu công việc cấp bách… thì đây quả là một con người hy sinh cao thượng hiếm có.

Bài dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành nầy đáng được xem là tinh hoa của lề luật, là cốt tuỷ của nền luân lý ki-tô giáo, là minh họa hay nhất cho lề luật yêu thương, là tấm gương soi cho tất cả những người con cái Chúa.

Giữ luật yêu thương không chỉ là tâm niệm luật ấy trong lòng đêm ngày như những kinh sư và biệt phái.  Giữ luật yêu thương không phải là lặp lại luật ấy trên môi, đeo câu luật yêu thương trên tay, trên trán hay dán lên khung cửa ra vào như những người Do Thái xưa kia thường làm.

Nhưng giữ luật yêu thương chủ yếu là cúi xuống trên những mảnh đời bất hạnh để ủi an chăm sóc, là chia cơm sẻ áo, là trở thành người tôi tớ phục vụ tha nhân bất cứ khi nào họ cần.

***********************************

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa là bậc Thầy khôn ngoan lỗi lạc.  Qua bài Tin Mừng nầy, Chúa dạy chúng con  một bài học trực quan rất sinh động về yêu thương: Yêu thương là cúi xuống chăm sóc người bất hạnh bất cứ lúc nào, bất kể nơi nào, như người Sa-ma-ri đã thực hiện.

Xin ban thêm cho chúng con đức tin và lòng yêu mến.  Tin Chúa hiện diện nơi mọi người, đặc biệt là nơi những người cùng khổ và đem hết khả năng để phục vụ và yêu mến họ, vì khi thực hành như thế là chúng con đang làm cho chính Chúa.

LM Inhaxiô Trần Ngà

Anh chị Thụ & Mai gởi

Giàu Vẫn Ở Housing

Giàu Vẫn Ở Housing

Người Việt Nam vượt biên qua Mỹ nhiều lý do. Chánh trị. Nghèo. Đi nhiều cách: Vượt biên. Đường bộ. Đi hôi.

Đi bằng cách nào cũng gian nan, nguy hiểm, 10 phần chết 9. Bể tàu. Chết biển. Hãi tặc hiếp. Cướp biển. Đói. Chết thả trôi thây ngoài đại dương.

Qua tới nước Tự do có số người quên hết những ngày đói khổ lênh đênh nơi biển cả. Tù đài. Chết chốc. Bị đánh đập vô cớ. Bây giờ, số người may mắn vào được đất liền, xứ sở tự do, họ mong làm giàu cho riêng họ, sống chết mặc bây. Cá nhân không nghỉ liêm sĩ. Ít nếu không nói là không quan tâm cộng đồng. Không giữ thể cho chúng ta dân tộc Viêt Nam. Để cho người ngoại quốc nhìn mình thiếu sự tôn trọng.

Xứ Mỹ tự do!

Định cư MỸ người làm điện tử, bồi bàn, làm cỏ, giao báo, giáo chức, kỹ sư, bác sĩ, dân biểu. Giàu, có tiền mua nhà xe sịn, du lịch năm châu, con cái học tập thành công, nhà khu sang trọng an toàn thuộc “High class”. Nghèo, ở nhà mướn, nay nhà chỗ này mai chỗ nọ, con cái học hành dở dang. Ở khu “Low class”.

Nhà nước Mỹ rõ điều đó, không phân biệt chủng tộc, họ có chương trình Housing, section 8 giúp gia đình nghèo, nhà con đông hay người tuổi già có nhà ở với giá được chánh quyền “Giúp đở” trả một phần tiền! Hinh thức social security.

Tâm lý con người “Có 9 muốn được 10” sinh lòng giả dã dối khai man, viện đủ điều để được nhà nước cứu xét cấp cho section 8. Nhiều người hưởng chương trình nhà Housing mà trở nên giàu nức vách cho con đi học ra bác sĩ, kỹ sư vẫn còn hưởng tình trạng gia đình con đông không đủ ăn để xin lộc chánh phủ “Nuôi con”!

Thế gian phàm kín tới mức độ nào cũng có ngày lòi ra ánh sáng “Lưới trời lồng lộng” Chuyện thật xảy ra cho một gia đình Viêt Nam như sau:

Cặp vợ chồng nọ qua Mỹ hơn 10 năm. Làm ăn giõi. Có nghề nghiệp đàng hoàng. Nhà cho mướn. Ông bà này còn biệt tài khai man đơn từ, qua mặt chánh quyền được nhà nước Mỹ xét cấp cho nhà ở! Hàng năm khai thuế dâu diếm Income nên còn hưởng tiền Earned Income Credit số tiền khổng lồ! Số tiền thăng dư đó hai vợ chồng “Khôn ngoan” đưa chui về nươc Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cất nhà lầu 5, 7 tầng cho người vô gia cư thuê lấy lãi hút máu!

Vợ có tiệm cho mướn DVD tiền bỏ túi hàng tháng đều đều trên 5000 dollar! Chồng có shop Auto Repair tiền thu nhập trên dưới 10,000 Washington!

Tính xem vợ làm chồng làm, nhà housing, lãnh E. I. C. Tiền dư hơn 10 năm nay biết bao nhiêu mà kể!

Trời bất dung gian!

Một khách sửa xe, cũng là huynh đệ lâu năm, đến tiệm khiếu nại:

– Xe anh sửa cho tôi bị máy không chạy. Nhờ bạn thay máy khác cho tôi!

Chủ shop trịnh trọng coi lại hóa đơn, phì cười:

– Xe thay máy có hơn 6 tháng tôi không chịu trách nhiệm ông bạn à!

Khách bất bình:

– Anh nói sao? Anh từ chối thay máy khác cho tôi?

– Of course! Mỹ có luật! Phải claim chính đáng!

Nạn nhân sửa xe giỡ mắt kiến ra chùi lấy bình tỉnh. Vẫn còn giận dữ:

– Anh không chút nào tình cảm anh em với tôi?

– Tinh cảm là ở trong nhà ngoài shop business có luật của shop!

– Ông ngang lắm! Tôi chỗ anh em trình bày như vậy mà ông vẫn thái độ chủ cả bossy! Anh em thân thiết từ xứ sở qua đây bi giờ coi như chấm dứt!

Chủ tiệm vụt tàn thuốc ra khỏi môi, không nhịn còn thách:

– Thì thưa tôi đi! Tôi đi hầu! Sheet!

“Xăng đổ vào lửa” khách không còn gì là bạn nữa ra xe rồ máy ồn ào, phóng tới vẻ tức bực chạy ra khỏi shop một cách lanh lẹ. Chớp nhoáng!

Không lâu, xe Police đậu trước “Tư gia” ông bà chủ tiệm sửa xe, hai ba police officer Mỹ xông vào nhà trình giấy tòa điều tra lợi tức.

– Please, let me know your Income every year!

Bà vợ ông chủ shop lập bập, thông dich viên dịch lại:

– Đây! Thưa ông tờ khai thuế của vợ chồng tôi năm nay đây! Ông xem!
Cảnh sát hỏi lời nhã nhặn:

– Bao nhiêu đây thôi hả ông bà?

Chủ nhà riu ríu:

– Yes!

– Sure?

Cảnh sát hỏi lần nữa:

– Bà khai đúng!

– Yes! Yes!

Một cảnh sát khác lịch sự:

– Mời ông bà lên xe!

Bà chủ vẫy nẫy thái độ trận thượng:

– No! Chúng tôi tội gì? What were wrong?

– Lawyer will protect us! You know that here is The United State of American! Superior law!

– Surely, you can do it!

Một cảnh sát kết thúc vấn đề:

– Xin lỗi xin ông bà tuân hành! Chúng tôi chỉ làm phận sự! Thực hư tòa quyết định!

– Mấy ông không quyền áp lực chúng tôi lên xe!

Bạn Việt Nam sắc phục cảnh sát, vai thêu 3 dấu nhơn nãy giờ im lặng, ra lệnh:

-Nếu bà không tuân hành chúng tôi là kẻ thi hành pháp luật có quyền còng tay bà đưa đến Police Station, bà có rõ như thế không?

Một người trong đám mặc thường phục mạnh dạn:

– Tôi nhân viên làm việc tại Housing section 8 mời bà đến sở tại có việc cần!

Người thứ ba trong đám cho biết:

– Tôi nhân danh sở thuế trách nhiệm Audit! Mời ông bà!

Nhân viên công lực gồm các thành phần thuộc tư pháp, hành pháp trong cuộc điều tra hỗn hợp. Cuộc thẩm vấn tại cơ quan thẩm quyền cho biên bản điều tra: Ông bà N. v. H… đã cố tình khai man doanh nghiệp lợi tức để trốn thuế, khai tiền hàng năm thấp để được tiêu chuẩn nhà nước cấp housing. Nay cúp housing! Trả tiền bồi thường! Lương maximum trội hơn E. I. C. cho phép nên Internal Revenue Service đòi trả lại số tiền đã lãnh bao năm nay!
*

Ông bà H. ngày nay thân vô gia cư, vô nghề nghiệp! Homeless! Ở nhà thuê một phòng cho vợ chồng và 4 đứa con ở! Nghe nói nhà villa ở Việt Nam bị anh em sang đoạt mất chủ quyền! Vợ chồng H. mất Medical không tiền đi bác sĩ không chữa mắt, măt cườm có cơ đui một mắt! Thằng con trai lớn mất học đi lang thang sáng chiều các nơi tiệm bán Food togo xin bánh mì ế!

Đăc biệt hai vợ chồng này đi đâu cũng mang vòng tay, không phải vòng vàng 24 ka-ra nữ trang “lộng lẫy” như trước, mà là vòng sắt “đen sì.” Chuông rung alarm tại Department of Police khi ra khỏi nhà trọ ngoài 50 thước!

Tai hại chưa cho những ai khai gian “Mistate” đối với nhà nước để hưởng quyền lợi benefit. Tất cả đều có tánh cách nhất thời! Đời dạy rằng

“Ăn ngay nói thẳng, làm việc phải để tránh tù tội” “Phải thông suốt “Luật nhân quả”. Dọn mình sạch sẽ.

Nói thật làm đúng không hỗ thẹn lương tâm trong xã hội, biết đâu ta chết hồn thiêng sẽ được rước về Nước Chúa hoặc tiêu diêu nơi cõi Vinh Hằng”?

Phan

From: Hang nguyen

LỜI CỦA TRÁI TIM…

LỜI CỦA TRÁI TIM…

Những đứa trẻ sống giữa những người phê phán thì học lên án.

Những đứa trẻ sống trong bầu không khí thù địch thì hay đánh nhau.

Những đứa trẻ sống trong sự hãi hùng thì học được thói sợ sệt.

Những đứa trẻ sống trong cảnh đau xót thì học được sự đồng cảm.

Những đứa trẻ sống trong bầu không khí đố kỵ thì học được thế nào là tham vọng.

Những đứa trẻ sống trong bầu không khí khoan dung thì học được sự nhẫn nại.

Những đứa trẻ sống giữa những nguồn động viên thì học được lòng tin.

Những đứa trẻ sống giữa những lời khen tặng đúng lúc thì học đánh giá cao những gì bao quanh chúng.

Những đứa trẻ sống trong niềm tự hào thì học được cách phấn đấu.

Những đứa trẻ sống trong sự san sẻ thì học để trở nên hào hiệp.

Những đứa trẻ sống trong sự trung thực và sự công minh thì học được chân lý và lẽ công bằng.

Những đứa trẻ sống trong hạnh phúc thì học được rằng thế giới là nơi tốt đẹp để sống.

S.T.

NHỮNG ĐÒI HỎI THIẾT YẾU ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ TRƯỞNG THÀNH

 NHỮNG ĐÒI HỎI THIẾT YẾU ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ TRƯỞNG THÀNH

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Trong quyển tiểu sửcủa mình, Morris West cho rằng, ở một độ tuổi nhất định nào đó của cuộc đời, tự điển tâm linh của chúng ta đơn giản chỉ còn ba câu: Cám ơn!  Cám ơn!  Cám ơn!  Ông đúng nếu chúng ta hiểu trọn vẹn thế nào là sống với tấm lòng biết ơn.  Biết ơn là đức hạnh cao nhất, là nền tảng cho các thứ hạnh khác, kể cả tình yêu.  Và nó còn đồng nghĩa với thánh thiện.

Biết ơn không chỉ là điều xác định sự thánh thiện, mà còn xác định cả sự trưởng thành.  Chúng ta trưởng thành khi đạt đến mức độ biết sống biết ơn.  Nhưng điều gì sẽ cho chúng ta được như thế?  Điều gì cho chúng ta một sự trưởng thành nhân bản sâu sắc hơn?  Tôi muốn nêu ra đây mười đòi hỏi chính yếu cả trong sự trưởng thành nhân bản lẫn trưởng thành Kitô giáo:

  1. Sẵn sàng đảm nhận hơn nữa những phức tạp đời sống với lòng cảm thông: Trong cuộc sống, có rất ít điều trắng đen hoặc đơn giản là xấu tốt rõ ràng, kể cả trong tâm hồn và động cơ của chúng ta.  Sự trưởng thành làm cho chúng ta nhìn nhận, thông hiểu và chấp nhận sự phức tạp này với lòng cảm thông để, như Chúa Giêsu, chúng ta khóc những giọt nước mắt thông hiểu cho những đô hội hỗn loạn và những tâm hồn phức tạp của chính chúng ta.
  2. Ghen tương, giận dữ, chua cay, thù ghét phải được biến đổi, không ăn miếng trả miếng. Bất kỳ nỗi đau hay áp lực nào không được biến đổi, thì chúng sẽ được chúng ta lan truyền tiếp.  Khi đối diện với ghen tương, giận dữ, chua cay, thù ghét, chúng ta phải như người lọc nước, giữ độc tố bên trong, chỉ để cho giòng nước tinh khiết chảy ra ngoài, chứ đừng làm như sợi dây điện, cứ để điện năng xuyên qua mà không lọc.
  3. Hãy mềm dẻo chịu đựng hơn là để tâm hồn chai cứng: Chịu đựng và khiêm nhường luôn có trong chúng ta, nhưng cách chúng ta đáp trả, tha thứ hay chua cay, sẽ định rõ mức độ trưởng thành và chân tướng của chúng ta.  Đây có lẽ là phép thử cao nhất cho đạo đức của chúng ta: Liệu lòng khiêm tốn của tôi sẽ làm mềm dịu hay chai cứng tâm hồn tôi đây?
  4. Tha thứ: Đến cuối cùng, chỉ có một điều kiện để được vào thiên đàng (cũng như để sống trong cộng đồng nhân loại), chính là sự tha thứ.  Có lẽ trong nửa sau cuộc đời mình, việc khiến chúng ta phải đấu tranh nhiều nhất chính là hành động tha thứ: Tha thứ cho những ai đã làm chúng ta tổn thương, tha thứ cho bản thân vì những khiếm khuyết, và tha thứ cho Thiên Chúa vì dường như Ngài đã bất công để chúng ta kiệt lực khi đối diện với thế giới này.  Trong tất cả, đòi hỏi đạo đức lớn nhất chính là đừng để mình chết đi với một tâm hồn chua cay và bất dung.
  5. Sống biết ơn: Là một vị thánh nghĩa là được kích động bởi lòng biết ơn, không hơn không kém. Đừng để ai lừa mình với tư tưởng cho rằng lòng sốt sắng với chân lý, với giáo hội, và ngay cả với Thiên Chúa có thể cao hơn hay ít ra cũng ngang với đòi hỏi không nhân nhượng là chúng ta phải luôn luôn biết sống trong tâm tình biết ơn.  Thánh thiện là sống biết ơn.  Không có lòng biết ơn, chúng ta sẽ thấy mình đang làm những điều đúng cho những động cơ sai lầm.
  6. Chúc phúc hơn là chúc dữ: Chúng ta trưởng thành khi chúng ta khẳng định mình bằng điều mà chúng ta hướng đến hơn là điều mà chúng ta chống lại và đặc biệt sự trưởng thành của chúng ta được đánh dấu khi chúng ta, như Chúa Giêsu, biết tìm đến tha nhân và nhìn họ với cặp mắt chúc lành (“Xin Chúa chúc lành cho bạn!”) hơn là chúc dữ (“Bạn nghĩ bạn là ai vậy”?)  Có khả năng khen ngợi hơn là phê phán là dấu hiệu cho thấy mức độ trưởng thành của mỗi người.
  7. Sống minh bạch và lương thiện: Chúng ta không bình thường khi khư khư ôm giữ các bí mật bệnh hoạn nhất của mình, nhưng chúng ta sẽ sống lành mạnh khi chúng ta sống lương thiện.  Như Martin Luther đã từng nói, chúng ta cần “phạm tội một cách dũng cảm và chân thật.”  Sự trưởng thành không có nghĩa là chúng ta trở nên hoàn hảo hay vô tội, nhưng có nghĩa là chúng ta sống chân thật.
  8. Cầu nguyện bằng cảm xúc lẫn theo nghi thức: Nguồn năng lượng chúng ta cần để cho mình sống trong lòng biết ơn và tha thứ không nằm ở sức mạnh của ý chí nhưng ở ân sủng và cộng đoàn.  Chúng ta được vậy là nhờ cầu nguyện.  Chúng ta trưởng thành khi biết mình bất lực và biết nhờ đến sức mạnh Thiên Chúa, cũng như khi biết cầu nguyện với tha thân để cho toàn thế giới cũng sẽ cầu nguyện như vậy.
  9. Mở rộng vòng tay hơn bao giờ hết: Chúng ta trưởng thành khi định nghĩa được ai là gia đình mình (Ai là anh chị em tôi?) theo một cách đại kết, liên tôn, không phân biệt tư tưởng, không kỳ thị.  Chúng ta chỉ trưởng thành khi biết thương xót như Thiên Chúa giàu lòng thương xót, mặt trời chiếu cho cả người mình thích và không thích.  Đến một lúc, chúng ta phải thay thế các áp phích cổ động yêu thương bằng những cái chậu cái khăn để cùng tắm chung một dòng nước.
  10. Hãy ở đúng vị thế của mình, và để Thiên Chúa bảo vệ bạn:  Xét tận cùng, tất cả chúng ta đều yếu ớt, chỉ nhờ vào may rủi, và vô vọng, không bảo vệ những người chúng ta yêu mến, và cả chính chúng ta nữa.  Chúng ta không thể bảo đảm sự sống, an toàn, ơn cứu rỗi, hay sự tha thứ cho chính mình hay cho những người mình yêu thương.  Sự trưởng thành dựa trên việc chấp nhận sự thật này hơn là cứ mãi lo lắng về nó.  Chúng ta chỉ có thể làm hết sức mình, bất kể quãng đời nào, vị thế nào, giới hạn hay khiếm khuyết của mình, và tin rằng như vậy là đủ, tin rằng nếu chúng ta ngã xuống nơi chiến điểm của mình, trong chân thật, trong khi đang làm nhiệm vụ được giao, thì chính Thiên Chúa sẽ lo cho phần còn lại.

Thiên Chúa là một bậc cha mẹ yêu thương vô vàn, tràn đầy thông hiểu, và hoàn toàn cảm thông. Chúng ta trưởng thành và tự do thoát khỏi những lo lắng sai lầm, khi chúng ta hiểu được và tin tưởng sự thật đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

. FORMOSA: SAO CÁC NGƯỜI NHAM HIỂM và TÀN ĐỘC VỚI ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM NHƯ VẬY?

FORMOSA: SAO CÁC NGƯỜI NHAM HIỂM và TÀN ĐỘC VỚI ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM NHƯ VẬY?

Bùi Văn Bồng

Lời ngỏ gửi Lãnh đạo Tập đoàn FORMOSA: SAO CÁC NGƯỜI NHAM HIỂM và TÀN ĐỘC VỚI ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM NHƯ VẬY?

Nguyễn Đăng Quang

7-7-2016

H1Nhân dân Việt Nam ta, đặc biệt là ngư dân Hà Tĩnh, chẳng đợi đến buổi họp báo Chính phủ chiều 30/6/2016 mới biết thủ phạm gây ra thảm hoạ cá chết, biển chết ở biển miền Trung, mà ngay từ đầu tháng 4/2016, họ đã xác định chính các ngươi là nguyên nhân và thủ ác của thảm hoạ này! Người dân còn khẳng định cá chết suốt dọc trên 200 km bờ biển 4 tỉnh miền Trung không chỉ là cái đích mà nhà ngươi nhắm đến, mà đấy chỉ là khúc dạo đầu thử nghiệm cho kể hoạch diệt chủng mà các ngươi sẽ làm trong thời gian tới đối với dân tộc và đất nước này!

Ấy vậy, tại buổi họp báo cũng như trong các văn bản liên quan, bọn các ngươi đều đạo đức giả, chỉ thú nhận qua loa. Thảm hoạ môi trường biển miền Trung vô cùng nguy hiểm và trầm trọng như vậy mà các ngươi chỉ gọi đó là “sự cố” môi trường, đổ cho các nhà thầu phụ ẩn danh, rồi nói lời xin lỗi và cam kết bỏ ra 500 triệu USD để “bồi thường” thiệt hại cho “sự cố” này mà thôi! Sao các ngươi trơ tráo quá vậy? Các ngươi tưởng thế là êm xuôi hay sao? Người dân Việt Nam đã đọc văn bản lời xin lỗi của các ngươi, nhưng chưa có văn bản pháp lý (Thỏa thuận hoặc Hợp đồng) bằng giấy trắng, mực đen, dấu đỏ, trong đó nêu cụ thể các chi tiết, điều kiện, các bước bồi thường như các mục chi trả, cách thức và thời gian bồi thường, v.v…

Các ngươi xưa nay nổi tiếng là gian hùng, thớ lợ và luôn tìm cách “đi đêm” với bất cứ kẻ nào. Thế giới đều đã biết và luôn cảnh giác với các ngươi! Do vậy, ta yêu cầu các người phải công khai văn bản này cho công luận và mọi bên liên quan, đặc biệt là các ngư dân miền Trung là những nạn nhân trực tiếp của thảm họa này, được biết. Đây không chỉ là đòi hỏi của dư luận, mà đây là bổn phận và trách nhiệm pháp lý mà các ngươi đương nhiên phải tuân thủ! Các ngươi phải công bố mọi văn bản đã thỏa thuận với nhau về việc bồi thường này! Điều đó sẽ tốt không chỉ cho các ngươi mà còn tốt cho cả Chính phủ Việt Nam ta nữa! Nếu không, ta xin nói thẳng, cái kịch bản cúi đầu xin lỗi và cam kết bồi hoàn 500 triệu USD công bố trong buổi họp báo 30/6/2016 không phải là cao kiến, là thượng sách gì đâu mà là một kịch bản rất tồi, rất trơ trẽn và hạ sách của các ngươi và đồng bọn mà thôi!

Nhân đây ta cũng nói để các ngươi biết là việc Chính phủ Việt Nam chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý nhận số tiền 500 triệu USD bồi thường của các ngươi trong khi chưa điều tra, thống kê đầy đủ các thiệt hại của người dân về vật chất, tinh thần, sức khỏe và cả sinh mạng nữa, và cũng chưa điều tra thống kê các tổn thất về kinh tế và du lịch biển, cũng như các chi phí cho việc tẩy sạch môi trường, khôi phục (hoàn nguyên) sinh thái vùng đáy biển,v.v… là một sự vội vàng đáng tiếc! Song người dân có thể thông cảm với quyết định này, nhưng nếu các người không biết điều, tiếp tục lợi dụng sự khoan dung của người khác, thì nhân dân ta sẽ không tha thứ cho bọn các ngươi đâu! Ngay cả việc các ngươi chưa bị tuyên phạt, chưa bị tạm đình chỉ hoạt động cũng như chưa bị khởi tố hình sự cũng là một ưu ái và nhân nhượng không nhỏ của Chính phủ mặc dù người dân không đồng tình!

Mọi người đều biết: Huỷ hoại môi trường là một tội danh nghiêm trọng trong mọi Bộ Luật Hình sự của các quốc gia trên thế giới. Huỷ hoại môi trường đến mức gây ra thảm hoạ môi sinh, làm ngưng trệ cuộc sống của con người trên một vùng rộng lớn suốt dọc 200km bờ biển 4 tỉnh miền Trung (có thợ lặn đã chết vì lặn xuống vùng nước thải độc, nhiều ngư dân phải cấp cứu vì bị trúng độc do ăn phải tôm, cá, mực bị nhiễm độc), làm cho môi trường sống của hàng triệu người bị đe dọa trầm trọng trong hàng chục năm! Đó không chỉ là tội ác đơn thuần mà là tội ác diệt chủng, là tội ác chống lại loài người!

Thảm hoạ cá chết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tội ác mà các ngươi đã gây ra đối với ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Cái phần chìm rất lớn của tảng băng tội ác này chính là sự nguy hại cho cuộc sống sau này: Đó là nền tảng sự sống, hệ sinh thái trong lòng và dưới đáy biển mà các ngươi vừa huỷ diệt sẽ để lại hậu quả và di chứng kéo dài ít nhất là hàng chục năm cho đến nửa thế kỷ, sẽ rất khó hồi phục! Tội ác này các ngươi đã gây ra có thể nói là “trời không dung, biển không tha” đâu!

Ta nghe nói, bọn ngươi đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam xác định là thủ phạm gây thảm hoạ cá chết, biển chết ngay từ cuối tháng 4/2016, nhưng vì nhiều lý do tế nhị khác nhau – chủ quan cũng như khách quan – nên đã không thể công bố sớm cho đến khi có được một kịch bản khả dĩ mà các bên liên hệ có thể chấp nhận được! Như vậy đã đủ nhân từ với các ngươi chưa? Trước đó, các ngươi còn trịch thượng, thông qua kẻ phát ngôn, ngang ngược và hỗn hào thách thức nhân dân và Thủ tướng Việt Nam là: Chỉ có thể chọn CÁ hoặc THÉP! Các người đã nhận được câu trả lời đanh thép là dân chọn CÁ SẠCH và MÔI TRƯỜNG SẠCH, chứ không chọn THÉP!  Nếu các ngươi thú nhận tội lỗi ngay từ đầu, công khai nhận trách nhiệm, không đổ tội cho khách quan, sẽ giúp cho Chính phủ đỡ bối rối và lúng túng, tránh được những sự việc đáng tiếc và không dễ quên giữa chính quyền và người dân trong 3 tháng căng thẳng này, ta tin rằng mọi chuyện có thể đã khác, chắc sẽ “lành” hơn cho các ngươi cũng như các bên liên hệ!

Ta thực sự không hiểu lý do tại sao Formosa Plastics các ngươi nổi tiếng là tập đoàn kinh doanh vô luân, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt lợi nhuận tối đa, là kẻ nổi danh đầu độc môi trường sinh thái, bị cả thế giới xua đuổi và bị nguyền rủa ngay tại chính quê hương, đất nước các ngươi, lại được rước về đây để thực thi kế sách đầu độc dân tộc này? Phải chăng các ngươi ỷ thế của kẻ lắm của, nhiều tiền, bỏ ra chút ít để mua những kẻ tham nhũng bản địa táng tận lương tâm, trong người không còn dòng máu con Lạc, cháu Hồng nào, để có được những ưu đãi đủ thứ:  Từ địa điểm dự án (Vũng Áng-Sơn Dương) có vị trí chiến lược rất nhạy cảm về quân sự, cho đến thời hạn đầu tư vượt khung lên đến 70 năm, từ giá thuê đất rẻ mạt cho đến mức thuế quan cực thấp,v.v… , tất cả đều vượt ngoài khuôn khổ pháp lý. Các ngươi tưởng thế là có thể yên tâm che mắt được thế gian sao?  Ai chứ người dân Việt Nam thừa tỉnh táo và cảnh giác đối với các ngươi, không bao giờ cho các ngươi và bọn tay sai thực hiện kế sách nham hiểm mà bọn ngươi ấp ủ xưa nay!

Ta thẳng thắn khuyên các ngươi: Hãy tự nguyện rời bỏ và mang theo mọi ý đồ tội ác của các ngươi khỏi xứ sở này đi vì ở đây không một ai hoan nghênh các ngươi cả, ngoại trừ bọn quan tham, bọn bán nước hại dân! Chừng nào các ngươi có mặt trên đất nước này thì nguy cơ dân tộc Việt Nam ta bị các ngươi đầu độc luôn luôn hiện hữu, môi trường sống và biển sạch rồi sẽ sớm bị các ngươi bức tử một lần nữa! Ta cũng thừa biết, tội ác này không dễ thực hiện nếu các ngươi không có sự tiếp tay, bao che, đồng lõa của bọn quan chức bản địa xấu xa, có chức có quyền! Vịêc này, nhân dân ta sẽ tính sổ sau với chúng. Nhưng lúc này nếu các ngươi công bố danh sách tên tuổi, chức vụ, bằng chứng cụ thể bọn này thì sẽ là tình tiết giảm nhẹ tội lỗi cho các ngươi sau này!

Các ngươi đừng tưởng bỏ ra 500 triệu USD là có thể xóa sạch mọi tội ác các ngươi đã gây ra. Số tiền đó có thể làm hài lòng ai đó, chứ quyết không lừa dối được các ngư dân là nạn nhân nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung! Cho đến nay, tổng thiệt hại về mặt vật chất và tinh thần của hơn 1 triệu ngư dân 4 tỉnh miền Trung đã có ai thống kê đầy đủ đâu? Ta e rằng 500 triệu USD kia không đủ kinh phí cho riêng việc tảy sạch môi trường biển miền Trung chứ đừng nói đến việc bồi thường thiệt hại cho trên 1 triệu ngư dân đâu? Số tiền 500 triệu USD này nghe đâu các ngươi còn tính cả cho kinh phí “hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho hơn 1 triệu ngư dân 4 tỉnh miền Trung và gia đình của họ”, trong đó có việc “ưu tiên cho bà con ngư dân đi xuất khẩu lao động ”!? Các ngươi thật là nham hiểm cùng cực! Các ngươi đã đẩy đuổi được gần 3.000 người dân ở Sơn Dương – Vũng Áng đi rồi, nay còn định lợi dụng thảm họa này sẽ “hốt” luôn cả 1 triệu ngư dân 4 tỉnh miền Trung vĩnh viễn rời xa ngư trường để các ngươi dễ bề thao túng, làm chủ vùng biển chiến lược này của đất nước ta ư? Nếu mưu kế quỷ quyệt này thành công, Nhà nước ta sẽ lấy ai đây để thay thế “những cột mốc chủ quyền di động trên biển” nhằm bảo vệ ngư trường truyền thống và biên cương biển đảo của Tổ quốc Việt Nam ta đây? Tội ác đầu độc môi trường biển miền Trung đã chưa đủ mức “trời không dung, biển không tha” hay sao mà các ngươi còn dùng quỷ kế “ dùng người Việt đuổi người Việt” để dễ bề cướp nước ta trắng trợn như vậy? Các ngươi thực sự là những kẻ nham hiểm và tàn độc đến cùng cực đối với đất nước này!

Mặc dù các người đã quá tàn độc với dân tộc ta, nhưng vì “đại cục”, ta muốn đưa ra lời khuyên thẳng thắn là các ngươi hãy sớm tự nguyện cuốn xéo khỏi đất nước này trước khi qua muộn, nếu không các ngươi sẽ phải gánh chịu những rủi ro và khả năng hiện hữu như sau:

1 – Trước mắt, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính sẽ sớm tiến hành truy thu tất cả các khoản thuế mà các ngươi còn thiếu hoặc chây ỳ chưa chịu nạp. Ta nghe nói con số này có thể lên tới hàng ngàn tỷ VNĐ!  Ấy là chưa nói đến khả năng họ sẽ khởi kiện các ngươi ra tòa vì tội “trốn thuế”, vì họ đã có đầy đủ bằng chứng trong hồ sơ!

2 – Sau đó các ngươi chắc chắn sẽ phải đối mặt với vụ kiện dân sự tập thể mà nguyên đơn là các nạn nhân là ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Họ sẽ đòi bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần, sức khỏe và tính mạng do tội ác các ngươi đã gây ra mà các ngươi đã thừa nhận (trong văn bản xin lỗi nhân dân VN ngày 28/6/2016!). Tòa sẽ căn cứ vào mức thiệt hại thực tế của các nạn nhân để đưa ra mức bồi thường. Ta tin rằng, riêng mức bồi thường dân sự này chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều, chứ không phải chỉ là mức 500 triệu USD mà các ngươi đã thỏa thuận khống và trọn gói kia đâu!

3- Và rồi tiếp theo sau đó các ngươi sẽ phải đương đầu với khả năng (ta dùng từ khả năng, nhưng ta tin chắc đây là hiện thực) sẽ có những hội đoàn và cá nhân Việt Nam yêu cầu khởi tố hình sự các ngươi trước các Tòa án Việt Nam và nếu các ngươi né được ở đây thì Tòa Hình sự ở Đài Loan hoặc một Tòa Hình sự quốc tế khác sẽ thụ lý các đơn kiện này! Hẳn các ngươi sẽ thừa biết hậu quả sẽ như thế nào nếu luật pháp xử lý hình sự tội ác này! Các ngươi sẽ không chỉ phải bồi thường mà các ngươi sẽ còn bị phạt vạ một số tiền không nhỏ vì đã gây ra tội ác thảm họa môi trường, các ngươi sẽ phải bỏ ra không phải là 500 triệu USD mà chắc chắn sẽ gấp hàng chục lần số tiền đó để khắc phục hậu quả, hoàn nguyên môi trường biển!  Hơn nữa, và đây là điều quan trọng, rồi trong số các ngươi sẽ có kẻ lĩnh án tù, tập đoàn FORMOSA sẽ bị buộc phải ngừng hoạt động hoặc đóng cửa vĩnh viễn, lúc đó hẳn các ngươi sẽ lâm vào vũng lầy phá sản!

Các ngươi đừng tưởng có thể dễ “chạy” để khỏi bị khởi tố hình sự bằng túi tiền của các ngươi đâu. Vì nếu các cơ quan tư pháp có chức năng tố tụng không chịu khởi tố hình sự các ngươi thì chính họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội cố ý bỏ lọt tội phạm vì đã “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tại Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ta thiết nghĩ trên đời chẳng có mấy ai vì nhân đạo hay lý do nào đó mà chạy tội cho thủ phạm để rồi chính mình sẽ bị truy tố và phải ngồi tù thay cho thủ phạm đâu! Do vậy các ngươi đừng có đắc thắng và vội ảo tưởng!

Trên là vài lời ngỏ của cá nhân người viết gửi Ban lãnh đạo Tập đoàn Formosa Plastics ở Đài Loan, ở Trung Quốc lục địa cũng như ở Việt Nam. Ta mong các ngươi nghiêm túc lắng nghe và thật sự phục thiện, sớm hồi tâm và hối cải!

Hà Nội, ngày 7/7/2016.

Suy nghĩ bên đèn đỏ ở Nara

Suy nghĩ bên đèn đỏ ở Nara

Trần Trung Đạo (Danlambao) – …Những hiện tượng bất nhân, độc ác giữa người và người đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại. 

Và nguyên nhân chính của mọi thảm trạng trên đất nước ngày nay là cơ chế độc tài CS. Do đó, thay đổi mà Việt Nam cần là thay đổi cơ chế CS đang thống trị Việt Nam bằng một chế độ tự do dân chủ làm tiền đề cho công cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam…
*

Hai tuần trước trên đường từ cố đô Nara về lại Kyoto, chiếc xe bus du lịch dừng trước đèn đỏ của một ngã tư. Một toán học sinh Nhật khoảng lớp sáu hay lớp bảy băng qua đường. Nhật Bản đang vào mùa hè và học sinh còn nghỉ học nhưng các em hình như đang trở về từ một sinh hoạt tập thể nên đều mặc đồng phục áo trắng quần xanh.

Đèn bắt đầu chớp. Ba em cuối cùng trong toán cố vượt theo bạn dù tiếng chuông trên trụ đèn đã báo sắp hết giờ dành cho người đi bộ. Dĩ nhiên xe bus tiếp tục dừng để các em đi qua hết. Ba em cuối cùng băng nhanh qua đường nhưng thay vì chạy theo cùng các bạn, các em dừng lại, sắp hàng ngang nghiêm chỉnh hướng về phía xe bus và cúi gập người xuống để xin lỗi và cám ơn anh tài xế.

Nhìn học sinh Nhật, người viết chợt nhớ thế hệ mình ngày xưa. Học trò miền Nam được dạy không chỉ cúi đầu thôi mà còn vòng tay để chào, cám ơn hay xin lỗi các bậc trưởng thượng. Trên đường, khi gặp một đám tang đi qua, chúng tôi được dạy phải đứng nghiêm trang và dở mũ xuống nếu đội mũ, cúi đầu kính tiễn biệt người quá cố cho đến khi xe tang qua hẳn mới tiếp tục đi. Khi thầy hay cô vào lớp, chúng tôi được dạy cả lớp phải đứng dậy chào và chờ cho đến khi thầy hay cô ngồi xuống, chúng tôi mới được ngồi. Khi có người lớn tuổi đến nhà, chúng tôi được dạy phải vòng tay cúi chào thưa theo đúng thứ bậc so với cha hay so với mẹ. Dù đang đi đâu, khi nghe tiếng Quốc Ca cất lên, từ một trại lính hay một công sở nào đó, chúng tôi được dạy phải đứng lại nghiêm chỉnh để chào cho đến khi bài Quốc Ca chấm dứt. Mỗi sáng thứ Hai trên bảng đen trong lớp học bao giờ cũng bắt đầu bằng một câu châm ngôn đầu tuần thắm đậm tình dân tộc như “uống nước nhớ nguồn”, “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” hay tương tự và chúng tôi được dạy phải dành vài phút đầu tuần để học về ý nghĩa của câu châm ngôn đó. Trong giờ Công Dân Giáo Dục, chúng tôi được dạy trung thành với tổ quốc Việt Nam chứ không phải với riêng một đảng phái nào. Trên tường của trường Trần Quý Cáp ở Hội An nơi người viết học và hầu hết trường trung học, tiểu học ở miền Nam đều có hàng chữ chạy dài “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. Và rất nhiều lễ nghi, phép tắc đạo lý đáng quý, đáng giữ gìn khác.

Hôm trước, Nguyễn Hồng Quốc, một bạn học lớp đệ Tam (lớp 10) ở Trung Học Trần Quý Cáp kể lại trên Facebook “Qua Trần Trung Đạo mình có được thông tin về thầy Phan Đình Trừng sau 44 năm không gặp, thầy dạy sử và công dân mình thời trung học đệ nhị cấp, thầy có giọng nói hùng hồn đầy tự tin nghe thầy giảng bài thật thú vị… năm Đệ Tam vào giờ công dân thầy kêu mình lên dò bài, thầy đặt trên bàn lá Quốc kỳ thầy bắt mình tay phải đặt lên lá cờ, tay trái đặt lên ngực đọc lời tuyên thệ “Tôi là công dân VNCH nguyện tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Xin thề. Xin thề”. Mình đọc thật to và dõng dạc được thầy cho 20 điểm trên 20… Thấm thoát đã 44 năm rồi từ một đứa học trò hồn nhiên vô tư ngày nào giờ đây tóc đã hoa râm”. 

Câu chuyện rất bình thường của 44 năm trước nhưng kể lại cho các thế hệ hôm nay nghe giống như chuyện cổ tích.

Miền Nam phải chịu đựng chiến tranh và tàn phá nhưng vẫn cố gắng hết sức để duy trì và phát huy các giá trị nhân bản trong chừng mực còn phát huy được. Từ những hố hầm bom đạn, bông hoa tự do dân chủ vẫn cố nở ra, vẫn cố vươn lên. Nhựa nguyên nuôi dưỡng thân cây non đó là Hiến pháp VNCH.

Hiến pháp VNCH do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967 ghi rõ: “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.” 

Những yếu tố nào làm cho người Nhật ngày nay được nhân loại khắp năm châu kính nể?

Câu trả lời dễ dàng và nhanh chóng mà ai cũng có thể đáp là nhờ nền tảng văn hóa Nhật. Thật ra câu trả lời đó chỉ đúng một phần. Nền văn hóa của một đất nước chỉ xứng đáng được kính trọng khi nền văn hóa đó không chỉ là kết tụ giá trị văn hóa riêng của dân tộc mà còn phải phù hợp với giá trị văn minh chung của thời đại.

Không ai phủ nhận Đức là quốc gia có nền văn hóa cao nhất tại Châu Âu. Trước năm 1945, Đức là một trong ba quốc gia được nhiều giải Nobel nhất. Bao nhiêu triết gia, khoa học gia, văn sĩ, thi sĩ nổi tiếng thế giới đã sinh ra ở Đức. Nhưng chế độ Quốc Xã Hitler do chính nhân dân Đức bầu lên lại là một trong vài kẻ giết người tàn bạo nhất trong lịch sử loài người và chà đạp lên mọi giá trị văn minh của nhân loại.

Nhật Bản trước năm 1945 cũng vậy. Nhật Bản có giá trị văn hóa cao, một dân tộc có kỷ luật nghiêm khắc nhưng không phải là một nước văn minh nhân bản. Bước chân của đạo quân Nhật đi qua cũng để lại những điêu tàn, thảm khốc từ Mãn Châu, sang Triều Tiên, xuống Mã Lai, Singapore, Việt Nam không khác gì vó ngựa của đạo quân Mông Cổ đi qua trong nhiều trăm năm trước. Cơ quan mật vụ Nhật tại Singapore tàn sát khoảng 50 ngàn người dân Singapore một cách không phân biệt. Chính sách đồng hóa thay tên đổi họ đối với Triều Tiên là một bằng chứng tội ác khó quên. Nạn đói tại Việt Nam năm 1945 với hàng triệu đồng bào miền Bắc chết thảm thương một phần là do chính sách ác độc tịch thu thóc để nuôi ngựa của quân đội Nhật.

Do đó, câu trả lời chính xác, chính hiến pháp dân chủ 1946 đã làm cho nước Nhật hoàn toàn thay đổi, giúp cho người Nhật biết kính trọng con người, không chỉ riêng con người Nhật như trước đây, và tôn trọng luật pháp mà chính họ đặt ra.

Phần nhập đề của Hiến Pháp 1946 khẳng định chính phủ do dân và vì dân của Nhật Bản sẽ hợp tác hòa bình với tất cả các quốc gia trên thế giới trong ánh sáng tự do dân chủ, đặt chủ quyền của nhân dân làm căn bản cho hiến pháp và kính trọng sâu sắc của Nhật về quyền của con người được sống trong tự do và không sợ hãi. Tóm lại, cơ chế chính trị thời đại chuyên chở trong Hiến Pháp Nhật 1946 hội nhập hài hòa với văn hóa Nhật và làm cho dân tộc Nhật khác đi trong nhãn quan thế giới.

Việt Nam cần thay đổi gì? 

Con thuyền Việt Nam đang phải chở một cơ chế chính trị độc tài, lạc hậu về mọi mặt so với đà tiến của văn minh nhân loại, một nền giáo dục hủy diệt mọi khả năng sáng tạo, một xã hội tham nhũng thối nát trong đó giới lãnh đạo thờ ơ trước đòi hỏi bức thiết của nhân dân và nhân dân không có niềm tin nơi giới lãnh đạo.

Việt Nam cần thay đổi. Ai cũng có thể đồng ý như vậy, nhưng thay đổi gì trước? Đổi mới kinh tế? Cải cách giáo dục? Chống tham nhũng? Nới lỏng chính trị? Không. Một mảnh ván, một lớp sơn không làm chiếc thuyền chạy nhanh hơn.

Như người viết đã viết trong bài trước, những hiện tượng bất nhân, độc ác giữa người và người đang thấy tại Việt Nam chỉ là quả chứ không phải là cây và do đó hái dăm trái thối hay thậm chí hái hết trái trên cây đi nữa sang mùa khác chúng sẽ được sinh ra. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại.

Và nguyên nhân chính của mọi thảm trạng trên đất nước ngày nay là cơ chế độc tài CS. Do đó, thay đổi mà Việt Nam cần là thay đổi cơ chế CS đang thống trị Việt Nam bằng một chế độ tự do dân chủ làm tiền đề cho công cuộc phục hưng toàn diện Việt Nam.

07.07.2016

Trần Trung Đạo

danlambaovn.blogspot.com

Ân Nghĩa & Oán Hận

Ân Nghĩa & Oán Hận

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

tuongnangtien's picture

RFA

Sau gần một thập niên giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã hạ … cánh an toàn, và để lại (hơi) nhiều điều tai tiếng. Người kế nhiệm, ông Nguyễn Đức Chung, tuy mới nhận việc chưa lâu nhưng đã được dân chúng và nhiều ban ngành đoàn thể “hoan nghênh” và “ngợi khen” không ngớt – theo như nguyên văn cách dùng từ của giới truyền thông thuộc nhà nước Việt Nam:

Hôm nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ ký quyết định tuyển dụng đặc cách vợ của phi công Trần Quang Khải vào dạy tại trường Chu Văn An.

Trước nỗi đau, mất mát to lớn về con người sau khi sự ra đi của phi công, Đại tá Trần Quang Khải (thuộc Trung đoàn không quân 923, Quân chủng Phòng không – Không quân, đóng tại sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) gặp nạn khi luyện tập nghiệp vụ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có quyết định kịp thời để động viên, chia sẻ với thân nhân gia đình phi công Trần Quang Khải vơi đi nỗi đau, vượt lên khó khăn trong cuộc sống...

Trước việc làm kịp thời của người đứng đầu chính quyền UBND TP Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đạo tạo cũng hết sức ghi nhận và hoan nghênh về chủ trương rất kịp thời này của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cùng  các sở, ban ngành liên quan.

Sau khi biết được chủ trương rất kịp thời từ Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nhiều bạn đọc đã gửi những lời cảm ơn, chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen của vị lãnh đạo này.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (trái) nhận lời chúc mừng của người tiền nhiệm Nguyễn Thế Thảo. Ảnh và chú thích: báo Kinh Doanh 

Công luận, buồn thay, vẫn có dăm ba điều tiếng (eo sèo) về “nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen của vị lãnh đạo này.”

     – Lã Yên:

“Rõ ràng đây là việc làm cảm tính, không phân biệt chuyện công tư, và quan trọng là    không dựa vào điều luật nào cả. Việc này ban đầu tưởng hay nhưng hóa dỡ, nó sẽ khiến nhiều người không phục, không công bằng, nó giống như một sự ban ơn, sẽ tạo một tiền lệ không tốt.

Một câu hỏi được đặt ra là, vậy người thân của những phi công hi sinh trên chiếc Casa có được đặc cách gì đó không? Rồi những người lính khác hi sinh trong khi làm nhiệm vụ sẽ thế nào? Hay như những ngư dân “cột mốc sống bảo vệ chủ quyền” bị bắn chết trên biển ai tiếc thương họ? ai vinh danh họ? ai trợ giúp gia đình họ?”

     – Mạc Văn Trang:

“Trong lúc gia đình liệt sĩ Khải đau đớn, tang gia bối rối, tập trung hết tình cảm, sức lực vào lo đám tang, thì mọi sự thông cảm, giúp đỡ hay thực hiện chính sách [nên làm] sao cho tế nhị, không làm xáo động tâm trạng tang gia…

Nếu ông Chủ tịch Hà Nội quan tâm, thì đến thăm viếng, chia buồn và nói riêng, hoặc để lại dòng chữ cho vợ liệt sĩ, rằng xin chị an lòng, sẽ sắp xếp chị vào làm giáo viên Hà Nội… Việc gì ông phải tuyên bố rùm beng, đưa vào trường Chu Văn An, rồi cho báo đài đưa tin ầm ĩ? Người ta có quyền nghĩ, ông lợi dụng việc này để quảng cáo cho ông là chính!”

Tôi thât tiếc là đã không thể đồng tình với những ý kiến (trái chiều) thượng dẫn. Theo Wikipedia tiếng Việt thì ông Nguyễn Đức Chung hiện đang là Ủy Viên Trung Ương Đảng khóa XII mà Đảng thì có nguyên cả một đội ngũ dư luận viên chuyên “đánh bóng lư đồng.” Chủ Tịch Thành Phố Hà Nội, do đó, cần chi phải tự vái mình – trừ trường hợp ông có chu cầu muốn “quảng cáo” thêm (cho nó chắc ăn) như vị Chủ Tịch Nước, với bút danh Trần Dân Tiên, ngày trước.

Tôi cũng rất tiếc là Đảng đã không trao cho Nguyễn Đức Chung những trọng trách lớn lao hơn – ở tầm mức quốc gia – để cả nước được nhờ (chứ không riêng gì vợ con của phi công Trần Quang Khải) vào “quyết định kịp thời” và “nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen” của ông.

Xin đơn cử một thí dụ, một “quyết định muộn màng.” Ngày 29 tháng 3 năm 2016 vừa qua, báo Quân Đội Nhân Dân hân hoan thông báo:

“Từ ngày 1-1-2016, các chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc…

Các đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần; chế độ bảo hiểm y tế và chế độ trợ cấp mai táng phí. Trợ cấp một lần từ 2 đến 3,5 triệu đồng…

Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng…”

Nữ dân công hỏa tuyến & nhiệm  vụ quốc tế. Ảnh: tạp chí Tài Chánh

Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nơi mà người ta chỉ cần làm ngày là đủ, chớ không ai phải tranh thủ làm đêm (làm thêm giờ nghỉ) và phải làm luôn “nhiệm vụ quốc tế” (nữa) nên không biết chi về công tác của lực lượng “dân công hoả tuyến” cả. Lò mò tìm hiểu thì được ông Hà Xuân Định, Chính Trị Viên Đại Đội Dân Công Hỏa Tuyến Mặt Trận B5, cho biết như sau:

“Nhiệm vụ đầu tiên của dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ là tiếp tế đạn trực tiếp cho chiến trường, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, giằng co giữa ta và địch…

Riêng đoàn dân công Quảng Bình phục vụ vận chuyển đã đạt 135% kế hoạch đề ra. Trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu xuất hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu như Đại đội 2 do đồng chí Hồ Thị Thu Hiền chỉ huy liên tục vận chuyển gạo, đạn, tải thương phục vụ chiến đấu đạt hiệu suất cao, sau đợt phục vụ chiến dịch, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; đồng chí Dương Văn Tiên (xã Phú Trạch) thường xuyên gùi hàng với mỗi chuyến 100 kg; đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất vận chuyển cao.

Chiếc xe đạp thồ của anh Nguyễn Đức Thọ (huyện Đông Sơn – Thanh Hóa) chở mỗi chuyến trên 500 kg… Những chiến công của lực lượng dân công hỏa tuyến các địa phương Quân khu 4 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào…”

Qúi đồng chí Hồ Thị Thu Hiền, Dương Văn Tiên,  Nguyễn Đức Thọ  … nếu còn sống sót, và vẫn còn giữ được những huân chương chiến công (làm bằng) thì họ sẽ là đối tượng của Quyết Định số 49 (ký vào ngày 14 tháng 10 năm 2015) và sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần … từ 2 đến 3,5 triệu đồng” …

Thiệt là tình nghĩa và tử tế hết biết luôn. Thảo nào mà ông nhà báo Duy Đức phải thốt nên đôi lời cảm kích:

Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ mang đậm tính nhân văn, phù hợp đạo lý, truyền thống dân tộc, thoả lòng mong ước của hàng vạn dân công hoả tuyến qua các thời kỳ trong cả nước. Những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy nay đã vào tuổi 60, thậm chí có cả những người đến tuổi “xưa nay hiếm.

Sự “cảm kích” của ông Đức khiến tôi nhớ đến những câu thơ, viết về những cô Thanh Niên Xung Phong, của thi sĩ Anh Ngọc:

Có những người leo núi
Vượt qua dốc Cổng Trời
Là những cô con gái
Qua tuổi mình ba mươi…

Cơn sốt rét triền miên
Tóc mọc rồi lại rụng
Mùa xuân thành báo động
Đoá hoa nhầu trên tay…

Đi qua tuổi ba mươi
Nhọc nhằn và lặng lẽ
Bao ước mơ giản dị
Mà sâu thẳm không cùng

Hơn mọi sự anh hùng
Là điều này nhỏ bé
Làm vợ và làm mẹ

Tuổi ba mươi chối từ …

Dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong san lấp hố bom do địch bắn phá tại đường Trường Sơn. Chú thich:Báo Tin Tức.  Ảnh: Hữu Ngôi-TTXVN

Sau cuộc chiến – nếu sống còn – những “đoá hoa nhầu,”  hay những quả chanh khô (theo như cách nói bạc bẽo của đời thường) có tên gọi là nữ TNXP đều trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!

Ông Nguyễn Đức Chung còn khá trẻ, hoạn lộ còn dài. Hy vọng, sẽ có lúc vị CTUBNDTPHN được giữ chức Thủ Tướng để “kịp thời” ký một cái Quyết Định về “chính sách được hưởng chế độ” cho đám TNXP. Họ đã “đi qua tuổi ba mươi, nhọc nhằn và lặng lẽ.” Phần lớn (nay) đang bước vào tuổi bẩy mươi, cũng lặng lẽ và nhọc nhằn không kém mà vẫn chưa được hưởng chế độ gì ráo trođi – dù chỉ một lần, và rất tượng trưng!