Tỷ phú Bill Gates bất ngờ đến Việt Nam du lịch Đà Nẵng và Hội An

Ba’o Nguoi-Viet

March 5, 2024

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Sau gần hai thập niên, tỷ phú Bill Gates trở lại Việt Nam, đến Đà Nẵng và Hội An du lịch.

Theo các báo đài trong nước, tỷ phú Bill Gates và bạn gái là bà Paula Kalupa đã đến Đà Nẵng vào sáng 4 Tháng Ba, trên máy bay riêng Gulfstream G650ER và lưu trú tại một resort năm sao ở quận Sơn Trà.

Tỷ phú Bill Gates (trái) được một phụ nữ mời trầu khi đến Bắc Ninh, Việt Nam, ngày 22 Tháng Tư, 2006. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Nguồn tin của VNExpress hôm 5 Tháng Ba cho biết ông Bill Gates trở lại Việt Nam sau 18 năm và có chuyến du lịch cá nhân ở Đà Nẵng và Hội An trong khoảng năm ngày, chủ yếu cùng bạn gái thưởng ngoạn cảnh sắc và nghỉ dưỡng.

Lần đầu ông Bill Gates đến Việt Nam là vào năm 2006, để thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trong chuyến thăm cách đây 18 năm, ông Bill Gates đã làm việc với các đại diện của ngành công nghệ thông tin của Việt Nam và đến thăm thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, ông trải nghiệm các phong tục địa phương, bao gồm nhai trầu và nghe hát dân ca Quan Họ.

“Sự trở lại của tỷ phú Mỹ Bill Gates sau 18 năm là minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam như một điểm đến du lịch đối với các nhân vật tầm cỡ thế giới,” trang BNN Breaking bình luận.

“Chuyến thăm của ông Bill Gates có thể thúc đẩy du lịch, giới thiệu di sản phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp và lòng hiếu khách của người dân địa phương. Những chuyến thăm của nhân vật nổi tiếng như ông Gates thường thúc đẩy sự quan tâm đến các cơ hội đầu tư địa phương, có khả năng mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lĩnh vực công nghệ của Việt Nam,” bản tin viết.

Sau khi có thông tin tỷ phú Bill Gates cùng đoàn tùy tùng đang có chuyến thăm Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị “tích cực xác minh lịch trình để sẵn sàng chào đón.”

Nói với báo Tuổi Trẻ hôm 5 Tháng Ba, một lãnh đạo thành phố Hội An cho biết đang chờ đợi thông tin đoàn của ông Bill Gates thăm viếng Hội An. Tuy nhiên, mọi thông tin lịch trình của đoàn vẫn chưa được cung cấp ra ngoài.

“Chúng tôi mới chỉ nhận được thông tin qua báo chí đăng tải. Chiều nay, lãnh đạo tỉnh đã liên lạc và yêu cầu thành phố Hội An nắm thông tin, nếu đoàn có tới thăm viếng phố cổ Hội An như báo chí đăng tải thì thành phố sẽ làm băng rôn chào mừng, có nghi thức tiếp đón phù hợp thể hiện lòng hiếu khách,” vị lãnh đạo thành phố Hội An nói.

Chuyên cơ của tỷ phú Bill Gates ở phi trường Đà Nẵng hôm 5 Tháng Ba. (Hình: Nguyễn Đông/VNExpress)

Thông tin ông Bill Gates dự kiến tới Hội An cũng thu người dân, khách du lịch, đặc biệt rất đông phóng viên, nhà báo theo dõi thông tin tại Đà Nẵng, Quảng Nam quan tâm. Nhiều phóng viên chờ đợi tại các lối vào ra phố cổ.

Trước chuyến du lịch Việt Nam, tối 1 Tháng Ba, nhà sáng lập Microsoft và bạn gái cùng giới tinh hoa toàn cầu đã tham dự bữa tiệc mừng con trai tỷ phú Mukesh Ambani ở Ấn Độ, chuẩn bị kết hôn trị giá $120 triệu. (Tr.N) [qd]


 

Bình luận về vụ cán bộ tòa án tỉnh Quảng Bình đi Mỹ du lịch rồi bỏ trốn

Ba’o Tieng Dan

Thái Hạo

5-3-2024

Khi viết bài nêu lên thực trạng hay phê phán những bất cập, sai trái tồn tại trong giáo dục và xã hội, tôi thường nhận được những cái còm của các bạn dư luận viên, thậm chí không phải dư luận viên, đại ý như “vậy thì cút ra nước ngoài mà sống”. Nay xin gửi các bạn một mẩu tin, còn nóng, trong vô số những tin cùng kiểu: “Cho nghỉ việc nữ cán bộ toà án nghỉ phép qua Mỹ du lịch rồi không về“. (Xem hình):

Các bạn thấy đó, chắc chắn bà cán bộ tòa án này sẽ chưa bao giờ phê phán điều gì trong xã hội Việt Nam mà bà đã sống; ngược lại, có lẽ bà đã luôn ca ngợi trong các buổi họp cơ quan, trong các status đăng trên mạng xã hội; thậm chí nếu có ai đó nói một điều gì theo hướng, rằng còn chỗ này xấu, chỗ kia sai thì bà ấy có thể sẽ phê bình ngay, và nếu đó là cấp dưới của bà, rất có thể bà sẽ mang ra kiểm điểm, uốn nắn, ghim vào sổ là giao động, là tự chuyển biến nọ kia. Và bây giờ, nhìn xem, bà ấy đã đi rồi, rời bỏ một nơi mà bà luôn nói rằng tốt đẹp nhất, đáng sống nhất, để trốn sang nơi mà hàng ngày bà vẫn lên án. Thế đấy.

Những người đã kiên nhẫn và chịu nhiều phiền phức để nói lên những điều chưa tốt, chưa đúng, chưa hay trong xã hội mà mình sống, chỉ mong mọi thứ tốt hơn, để rồi chịu từ các bạn biết bao lời lẽ cay nghiệt cùng những soi xét hằm hè, thậm chí đe dọa, nhưng họ vẫn ở đây, cố gắng từng ngày để góp sức xây dựng quê hương. Thế mà họ bị chụp lên đầu biết bao nhiêu cái mũ như phản động, thù địch. Còn những kẻ ra rả ca ngợi và luôn ca ngợi, sẵn sàng roi vọt lên bất cứ ai nói khác mình thì đã âm thầm bỏ trốn tự khi nào.

Chị cán bộ tòa án này chỉ là một ví dụ, nhỏ thôi, cho làn sóng ngầm di cư của quan chức và gia đình họ sang các nước tư bản, từ du học, mua nhà, định cư… mà báo chí nhà nước và diễn đàn quốc hội đã nêu công khai suốt bao nhiêu năm qua.

Tôi không trách họ, vì con người có quyền đi tìm nơi tốt lành để sinh sống. Chỉ có một điều khiến tôi không đồng ý, là họ không thật lòng. Họ nói một đằng nhưng làm một nẻo.

Và thật đáng thương, trong khi họ đã đáp xuống một biệt thự sang trọng nào đó bên trời Tây, các bạn vẫn ở đây mà không hề hay biết gì, vẫn cặm cụi đọc những góp ý của những người nặng lòng với quê hương, chửi, và bảo rằng “cút ra nước ngoài mà sống”…


 

 Chuyện một cây cầu và Lòng Vô-Ơn của người Việt-Truyện ngắn

Nguyễn Kim Chi

 NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐAN MẠCH – XÂY MẤY CHỤC CÂY CẦU & TRƯỜNG HỌC CHO NGƯỜI VIỆT… VÀ BỊ LỌC LỪA ĐẾN TRẮNG TAY.

Họ là đôi vợ chồng già, chồng người Đan Mạch, thợ xây – vợ người Việt đã đổ hết tâm sức xây được 24 cây cầu treo và 5 trường học tại những vùng nông thôn nghèo của Việt Nam.

Thế nhưng, cuộc đời họ lại không gặp suôn sẻ ngay trên chính mảnh đất mà họ yêu quý, thậm chí họ còn bị người Việt lừa trắng tay, giờ phải sống trong một ngôi nhà xây tạm bợ. Nhiều người không biết tới họ nhưng vẫn đi qua những cây cầu họ đã xây, Sống Mới đã được sự đồng ý của facebooker Tung Xich Lo – người đã chia sẻ những thông tin về cặp vợ chồng Kurt Lender Jensen – Tiêu Thị Ngọc Sang (Nhung) trên trang mạng xã hội – để gửi tới bạn đọc câu chuyện về những con người, dù không mang dòng máu Việt nhưng vẫn nhiệt tâm với nước Việt.

Lần đầu tiên, tôi gặp ông Kurt và bà Nhung là qua sự hướng dẫn của ông anh tôi khi anh giới thiệu về họ: “cặp vợ chồng này có chung 1 trái tim tốt”, Tùng nên đến thăm họ. Trong nhiều năm qua, tại Đan Mạch, ông Kurt và bà Nhung đã được nhiều người dân Đan Mạch biết đến khi họ khởi đầu xây một cây cầu treo tại khu vực trồng cà phê, thuộc Bảo Lộc, Lâm Đồng bằng chính công sức và sự cần cù của họ.

Hành trình xây cầu chỉ bằng sự trợ giúp

Theo lời ông Kurt kể lại cho tôi, chyện xây cầu xuất phát từ một lần về thăm quê hương vợ, có người nhờ ông gắn giúp lại vài tấm ván cho chiếc cầu treo. Thoạt đầu nhìn chiếc cầu cũ kỹ, ông đã thốt lên rằng ông hoàn toàn có khả năng làm một cây cầu treo mới, còn chiếc cầu cũ như hiện tại thì vô phương sữa chữa. Lúc ấy ông nghĩ, chắc mọi người đều nghĩ “ông ta nói phét lác”. Nhưng ông Kurt đã bắt tay vào làm đúng như lời nói của mình.

Trở lại Đan Mạch, ông đã tích cực liên lạc với nhiều chuyên gia để xin vật liệu xây cầu. Công ty đầu tiên nhận giúp đỡ là một công ty sản xuất dây cáp, họ đã trả lời ngay lập tức rằng sẵn sàng trợ giúp mớ dây cáp ông cần dùng. Nhưng cáp của họ lại bọc nhôm, không có sự co giãn, e là không thích hợp cho việc làm cầu treo.

Cùng lúc đó, ông lại được một người bạn thân cung cấp cho ông một thông tin quan trọng: Hệ dây cáp căng giữa các tuyến cao tốc của Đan Mạch đang được tháo bỏ vì quá nguy hiểm. Thế là ông Kurt bắt tay liên lạc với sở đường bộ. Họ kết nối ông với một công ty đang thi công tháo gỡ của Đức. Công ty này đã không ngần ngại cho ông lấy những gì ông muốn.

Tuy nhiên, để cuộn những sợi dây cáp lại, ông phải liên lạc với một cơ sở điện lực tại địa phương. Sau khi nghe ông Kurt trình bày, công ty này vui vẻ chở những ống cuộn dây điện trống, đến thẳng đường cao tốc, nơi họ đang tháo gỡ dây. Để cho đôi vợ chồng Kurt – Nhung tự lăn dây cáp vào ống cuộn.

Cũng trong thời gian đó, ông Kurt tiến hành làm thử một chiếc cầu mẫu trong khu vườn của nhà mình. Ông cũng liên lạc với một công ty lớn của Đan Mạch, chuyên về nghành xây cầu có tên là Carl Bro và nhờ họ trợ giúp ông một bản vẽ sơ sài. Nhưng nhờ bản vẽ này, ông Kurt đã nhẩm tính được sẽ cần bao nhiêu mét cáp cho chiếc cầu trong thực tế.

Rồi ông lại tiếp tục nhờ đến một công ty chuyên về kỹ nghệ cung cấp các vật liệu cho ghe đánh cá có tên là Claus Harbo. Họ cũng rất ân cần giúp ông số trang thiết bị xiết dây cáp… mà ông cần dùng. Ngoài ra, Câu lạc bộ thể thao Lions Club, đã hỗ trợ thêm một máy phát điện và máy trộn bê tông cho công việc xây cầu của ông. Không dừng tại đây, ông xin tiếp được một số lượng sơn để bảo trì dây cáp của công ty Sadolin.

Cuối cùng ông liên lạc với hãng vận chuyển tàu Maersk mạnh nhất thế giới và đã được phép nói chuyện trực tiếp với tổng giám đốc, A. P. Muller. Tuy các tàu bè của hãng này không cập cảng Việt Nam, nhưng ông tổng giám đốc cũng vui lòng giúp ông Kurt chuyển số hàng ấy về Singapore, rồi nhờ các hãng khác chuyển tiếp số hàng trên về Việt Nam.

Coi như các công việc tại Đan Mạch tiến triển quá tốt. Tuy nhiên, khi số hàng trên về tới cảng Sài Gòn lại gặp vấn đề lớn nhất mà không nhận được sự trợ giúp nào khi phải chi tiền, thì hàng mới ra khỏi cổng. Ông Kurt đã phải thương lượng rằng cho ông lấy số hàng trước, còn tiền thì chiều ông mới đích thân đến nhà chủ kho để trả, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế để ông Kurt đối phó với những “nhũng nhiễu” thường nhật ở Việt Nam, bởi ông lấy đâu ra tiền để trả cho chủ kho, khiến ông phải… nói phét như vậy.

Khi nguyên vật liệu đã có mặt tại Việt Nam, lãnh sự quán Đan Mạch đã trợ giúp bê tông, sắt thép và cây ván, cùng với chi phí vận chuyển.

Thế nhưng, ngày khởi công xây cầu, ông chủ tịch tỉnh Bảo Lộc chỉ điều giúp ông Kurt một đội quân 20 người, trong đó chỉ có một người cầm theo cái xẻng, là công cụ lao động duy nhất. Ông Kurt đã bức xúc với hành động thờ ơ này của chính quyền địa phương và tuyên bố sẽ làm cây cầu tại một địa phương khác nếu sự trợ giúp nhân lực “èo uột” như vậy.

Ngày hôm sau, ông Kurt nhận được một đội quân gấp đôi là 40 người. Với kinh nghiệm của một người thợ hồ, hiểu biết nhìn bản vẽ, ông đóng vai trò chỉ huy và phân chia công việc lớn nhỏ cho thợ, thậm chí chia từng điếu thuốc lá cho thợ. Cô Nhung – vợ ông đóng vai trò thông dịch và chị nuôi cho 40 người nông dân đến giúp việc xây cầu.

Sau 25 ngày, chiếc cầu treo dài 65 mét và ngang 1,2 mét hoàn tất với tổng chi phí là 4500 USD. Khi chiếc cầu được khánh thành, một bà cụ đòi nắm tay ông Kurt dẫn bà qua cầu. Cụ bà này đã bật khóc vì nỗi vui sướng và tâm sự rằng, “Đã 20 năm nay, tôi chưa bước qua được sang bên này đồi”.

Sau khi hoàn thành cây cầu treo đầu tiên, ông Kurt đã có đủ tư liệu để hoàn tất hồ sơ gửi đến lãnh sự quán của Đan Mạch tại Việt Nam kèm một câu “Chiếc cầu đã xây xong”. Họ đã trao cho vợ chồng ông đảm nhận những công trình xây dựng trợ giúp sau này. Ông Kurt đã phấn khởi và thốt lên: “Tôi có thể xây thêm cả 10 chiếc cầu nữa, nếu có ai đó thanh toán chi phí”. Vợ chồng ông chấp nhận công việc với điều kiện chỉ nhận lương tương ứng với một người lãnh tiền thất nghiệp tại Đan Mạch. Vì nếu nhận lương cao hơn, coi như chương trình trợ giúp không còn đúng ý nghĩa.

Trong khi đó, Danida – một hội chuyên gia về việc giúp phát triển nông nghiệp tại các vùng nông thôn nghèo trên toàn cầu đã đánh giá cao tính tiết kiệm của chiếc cầu, khi chỉ làm hết ¼ chi phí so với giá trị thật của nó. 6 năm tiếp theo, cặp vợ chồng này đã hoàn tất 24 cây cầu nằm trong chương trình trợ giúp của chính quyền Đan Mạch. Họ còn tham gia xây luôn cả 5 ngôi trường học.

Nhưng về sau nhiều chương trình trợ giúp, phải trải qua nhiều thủ tục rắc rối. Những khoản tiền trợ giúp không đến nơi cần nhận mà lọt thẳng vào túi những kẻ tham nhũng. Đến lúc này, cặp vợ chồng già tự nhận thấy “cuộc vui” đã kết thúc nên họ muốn rút lui về lại xứ xở Đan Mạch yên tĩnh. Ông Kurt cũng kể rằng, sau mỗi lần khánh thành cầu, vị chủ tịch tỉnh lại vui mừng khai tiệc ăn nhậu, thậm chí đã có lần hỏi ông: “Thủ tục đến Đan Mạch có dễ không?”

Những sóng gió khó ngờ trên mảnh đất Việt

Tưởng chừng như sau những phần đóng góp công sức cho xã hội, hai vợ chồng già sẽ được hạnh phúc an hưởng tuổi già, thì ngờ đâu Bộ nhập cư Đan Mạch đã bác bỏ đơn xin trở lại sống tại nước này của bà Nhung. Trong khi với khả năng tài chính của mình, ông Kurt không đủ khả năng nuôi vợ.

Tại Đan Mạch, ông Kurt cũng đang sống bằng đồng lương hưu ít ỏi bởi ông xuất thân từ một gia đình lao động. Từ năm 14 tuổi ông đã rời khỏi nhà và tự đi tìm việc kiếm sống bằng nhiều nghề. Rồi sau đó ông đã làm thủy thủ cho những hãng tàu khách đi khắp toàn cầu. Thời gian tiếp theo, ông trở lại Đan Mạch và làm thợ hồ trong 6 năm. Sau đó ông mua một chiếc ghe đánh cá và trở thành ngư dân. Ngay từ thời ấy, ông đã có những hành động được cho là khác người khi đoàn tàu đánh cá của Đan Mạch thường được sơn màu xanh da trời, còn thuyền của ông Kurt lại được sơn màu đỏ.

Năm 1992, lần đầu tiên ông về Việt Nam chơi cùng với một gia đình Việt Nam ông quen tại Đan Mạch. Trong chuyến đi này, ông đã yêu một người phụ nữ bản xứ, chính là bà Nhung. Sau nhiều lần thư từ và vài lần đi lại giữa Việt Nam – Đan Mạch. Đến mùa thu năm 1994, ông mới bảo lãnh được người vợ mới cưới sang Đan Mạch.

Sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, thay mặt cho quốc gia Đan Mạch trong trương trình trợ cấp, cặp vợ chồng Đan – Việt này đã xây biết bao nhiêu cái cầu treo, các ngôi trường trong những vùng hẻo lánh…Thế nhưng, đến tuổi già, họ chỉ mong có được một mảnh đất nhỏ để hưởng thụ những năm cuối đời tại Việt Nam mà cũng không xong. Họ đã bị cả những người thân, những người gần gũi lừa gạt khiến cặp vợ chồng già phải bán nông trại cà phê tại Bảo Lộc, nơi họ gắn bó hơn 10 năm để tìm nơi yên tĩnh tại một eo biển đẹp.

Lần đầu tiên gặp tôi, họ sống trong một túp lều bằng bạt, dựng tạm bợ tai khu du lịch Bình Tiên, Ninh Thuận. Nơi đây họ đã bị lừa một cú “ngoạn mục” bởi một ngư dân và cả chức trách của địa phương khi “đồng lòng”bán cho họ miếng đất nằm trong quy hoạch của một dự án du lịch.

Vẫn chưa hết, sau chuyến đến thăm của tôi, những con người trên mảnh đất họ yêu quý lại một lần nữa dụ họ mắc mưu, bỏ tiền ra mướn đất đang nằm trong dự án tại Hòa Phú, gần Phan Rí, Bình Thuận. Hơn nửa năm sau,

họ được chính quyền địa phương hứa hẹn “đền bù” bằng cách cho mướn một bãi biển đẹp hơn, tại Bãi Dương, Minh Hóa, cũng gần cửa Phan Rí. Tuy nhiên, miếng đất “hứa hẹn” ấy cũng đã từng dùng để lừa một người đàn ông mang quốc tịch Úc khiến anh này mất gần nửa năm theo đuổi vụ “mướn đất” và cũng mất một số tiền kha khá trong túi.

Đến lúc này thì sự chịu đựng của ông Kurt cho những gian xảo, lừa lọc của con người nơi đây cũng đã đến giới hạn, nhưng vì thương người vợ Việt Nam, ông không thể quay lại Đan Mạch mà bỏ vợ lại xứ này. Ông ta quyết định dành giụm số tiền ít ỏi còn lại, để mua được miếng đất sa mạc toàn cát, đầy mồ mả, ngay QL1, gần cây xăng Thắng Lợi, thuộc Chí Công, Bình Thuận.

Ông Kurt kể rằng, hàng xóm xung quanh cũng có người tốt, nhưng cũng vẫn có kẻ thích “bắt nạt” hoặc “bành trướng” chủ quyền sang nhà người khác. Mới đây, không hiểu vô tình hay ác ý mà có người đã phá hoại cái giếng nhà ông bằng cách thả dây thun cũ (cắt từ ruột xe đạp) vào trong ống bơm. Thế là ông Kurt phải xây cái giếng mới.

“Ông già và biển cả”

Ông Kurt rất thích trò chuyện tiếng Đan Mạch với tôi. Lâu lâu ông mới có cơ hội bày tỏ sự bức xúc của cuộc sống với một người hiểu được tiếng nước ông. Hai vợ chồng già rất quý hóa khách đến thăm nên rất muốn tôi ở lại. Nhưng vì tôi cũng là thằng ngang bướng với ý nghĩ ngủ một đêm tại nhà bạn bè mà phải đi trình giấy tờ với chính quyền địa phương thì nhiêu khê cho tôi quá. Thôi để tôi đi ngủ bụi và để cho đôi bạn già của tôi ngủ yên giấc.

Hiện nay ông bà Kurt, vẫn kiên trì định cư tại Chí Công. Miếng đất sa mạc và đầy mồ mả này nằm ngay QL1, gần giữa trạm xăng Thắng Lợi và khu đồi quạt gió, thuộc tỉnh Bình Thuận. Tôi chỉ thấy buồn là không giúp gì được cho họ.

Bạn yêu nước Việt ? vậy bạn đã giúp được gì cho người Việt? công sức bỏ ra liệu đã bằng đôi bạn già này chưa?

Họ chính là những người yêu nước Việt, những người có tâm hồn Việt nhưng cũng thật cực nhọc cho họ quá …. khi muốn yêu, muốn sống yên bình trên đất nước này cũng không được.

..Và những quan chức công bộc của xứ sở này – những kẻ luôn mồm rao giảng lòng yêu nước, luôn bi bô rằng vì dân vì nước (???) thì không chừa bất kỳ cơ hội nào để ôm hàng triệu đô la vơ vét được từ đất nước này, để bôn tẩu sang hưởng lạc tại các nước phương Tây !!!

Sao chép từ fb Diễm Chi – fb Nguyễn Hữu Quý   


 

 Nữ cán bộ Tòa Án Tỉnh Quảng Bình đi du lịch Mỹ rồi trốn ở lại

 Ba’o Nguoi-Viet

March 4, 2024

QUẢNG BÌNH, Việt Nam (NV) – Một nữ cán bộ của Phòng Tổ Chức Cán Bộ, Thanh Tra và Thi Đua Khen Thưởng thuộc Tòa Án Tỉnh Quảng Bình xin nghỉ phép sang Mỹ du lịch, thăm thân nhân, rồi bỏ trốn không quay về Việt Nam.

Báo Người Lao Động hôm 4 Tháng Ba dẫn lời ông Nguyễn Hữu Tuyến, chánh án Tòa Án Tỉnh Quảng Bình, cho biết trước đó, hồi Tháng Mười Một, 2023, bà PTMN, cán bộ Phòng Tổ Chức Cán Bộ, Thanh Tra và Thi Đua Khen Thưởng, có làm đơn gửi Tòa Án Tỉnh Quảng Bình xin nghỉ phép 12 ngày để qua Mỹ du lịch, thăm người thân.

Trụ sở Tòa Án Tỉnh Quảng Bình, nơi bà PTMN từng làm việc. (Hình Hoàng Phúc/Người Lao Động)

Lãnh đạo cơ quan này đã báo cáo Tòa Án Tối Cao và được chấp thuận cho bà N. nghỉ phép năm theo thời hạn đúng với quy định.

Tuy nhiên, hết thời hạn nghỉ phép, bà N. không trở về nơi làm việc và cũng không xin phép cơ quan mà ở lại Mỹ dài hạn.

Sau đó, người nhà đã đại diện bà N. đến Tòa Án Tỉnh Quảng Bình nộp đơn xin thôi việc cho bà này.

Ông Tuyến cho biết sau khi xem xét, đối chiếu các quy định, Tòa Án Tỉnh Quảng Bình đã báo cáo sự việc lên Tòa Án Tối Cao, đồng thời giải quyết cho bà PTMN “thôi việc theo nguyện vọng cá nhân” đúng với thẩm quyền.

Ngoài trường hợp tự ý bỏ trốn riêng lẻ như bà N, việc cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam được cử đi học, công tác rồi tìm cách bỏ trốn ở lại Mỹ không phải hiếm.

Chẳng hạn, hồi Tháng Tám, 2014, Sở Ngoại Vụ Thành Phố Cần Thơ cho biết ông Trần Ngọc Phi Long, phó trưởng Phòng Hợp Tác Quốc Tế Sở Ngoại Vụ, được cử đi công tác tại Mỹ đã bỏ trốn ở lại đây do ông này “có người nhà định cư tại Mỹ.”

Sau đó, ông Long viết đơn xin nghỉ việc, gửi về Sở Ngoại Vụ Cần Thơ qua đường bưu điện nêu lý do: “Vì gia đình và sức khỏe.” Trong khi đó, người nhà ông Long cho biết ông có gọi điện về và bảo sẽ ở lại Mỹ để “học tiến sĩ” vì nhà nghèo nên xin visa đi học tiến sĩ rất khó!

Trước đó, hai cán bộ của Bộ Công Thương Việt Nam cũng bỏ trốn ở lại Mỹ.

Ông Trần Ngọc Phi Long, phó trưởng Phòng Hợp Tác Quốc Tế Sở Ngoại Vụ, khi còn đi dạy thêm Anh Ngữ ở Cần Thơ. (Hình: Công Tuấn/Người Lao Động)

Cụ thể là bà NHG, tùy viên thương mại Bộ Công Thương tại Mỹ, đã không hoàn thành thủ tục kết thúc nhiệm kỳ công tác trở về Việt Nam theo quy định, mà đã tự ý nghỉ việc và ở lại Mỹ.

Trường hợp thứ hai là ông BNL, chuyên viên Vụ Chính Sách Thương Mại Đa Biên Bộ Công Thương, lợi dụng việc được cử đi học đã tự ý nghỉ việc, ở lại Mỹ. Cả hai cán bộ này sau đó đã bị kỷ luật buộc thôi việc. (Tr.N) [kn]


 

4 người trẻ khuyết tật tài năng vượt lũy tre làng, vươn ra thế giới

(Dân trí) – Trần Tôn Trung Sơn, Lê Bá Ninh, Phan Thị Rát, Trần Mạnh Chánh Quân đều sinh ra với cơ thể không lành lặn nhưng những người trẻ khuyết tật tài năng Việt này quyết không ngã lòng trước thực tế phũ phàng. Họ vượt khó, chăm chỉ với nghị lực, niềm tin cháy bỏng và lòng chân thành thay đổi số phận và vượt khỏi lũy tre làng, vươn mình ra thế giới…

Trần Tôn Trung Sơn – cậu bé khuyết tật vô gia cư tới ĐH Harvard

Trần Tôn Trung Sơn sinh năm 1992 trong một gia đình nông thôn nghèo cạnh sông Bến Hải (Quảng Trị) với cánh tay trái ngắn và teo lại, bàn tay phải chỉ có hai ngón.

Từ một đứa trẻ không lành lặn bị người đời hắt hủi đến cảnh sống lang thang màn trời chiếu đất chốn công viên, giờ đây, cậu bé ấy đã trưởng thành và vẫn đang tiếp tục viết nên những điều kỳ diệu nơi trời Tây.

Ngày Sơn ra đời, gia đình không ai cầm được nước mắt vì những khuyết tật trên thân thể cậu con trai bé bỏng và lời dị nghị của hàng xóm vì hình hài khác thường của Sơn. Nuốt nước mắt vào trong, bố mẹ Sơn quyết định rời làng vào Nam với hi vọng mong manh mảnh đất ấy sẽ cưu mang đứa con xấu số của họ.

Bảy năm sau, anh chị mới dành dụm đủ tiền để thuê một phòng trọ nhỏ cho 3 người có chỗ “chui ra chui vào”. Rồi vợ chồng anh chị nghĩ đến việc xin cho con đi học, nhưng ngặt nỗi, chẳng có trường học nào chị nhận một cậu bé khuyết tật.

Không nản chí đi gõ cửa từng trường, cuối cùng sự nỗ lực của anh Sơn đã khiến cô hiệu trưởng trường tiểu học Vạn Hạnh xúc động. Cô đồng ý nhận Sơn vào học.

Trần Tôn Trung Sơn và bố mẹ hồi bé.

Không phụ lòng cha mẹ, Sơn càng lớn càng thông minh. Năm lớp 5, em là một trong 5 học sinh xuất sắc nhất Quận Tân Bình, thủ khoa khi thi vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đậu vào Trường phổ thông Năng khiếu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và trở thành học sinh xuất sắc của trường.

Năm 2010, sau khi học xong lớp 11, Sơn nhận được học bổng 2 năm lớp 11 và 12 tại Trường trung học Fairmont (Mỹ). Đồng thời chàng trai trẻ cũng tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện tại châu Phi, dạy học cho trẻ em nghèo, gây quỹ giúp đỡ người vô gia cư…

Bài luận văn với tựa đề “Nhìn đời qua bàn tay” của Trung Sơn khi nộp đơn vào ĐH Harvard danh tiếng đã khiến các giáo sư bật khóc và chàng trai nhỏ bé ấy đã nhận được học bổng toàn phần của trường với ngành công nghệ thông tin.

Năm 2016, Sơn nộp hồ sơ vào Tập đoàn IBM và trở thành cố vấn của tập đoàn. Vượt qua hàng ngàn ứng viên, cậu bé khuyết tật ấy đã trở thành một trong 8 người xuất sắc nhất đáp ứng yêu cầu khắt khe của 4 hội đồng chuyên môn. Tháng 12/2017, Sơn được thăng chức trở thành quản lý vùng, làm việc tại Atlanta, bang Georgia (Mỹ).

Phan Thị Rát – cô gái khuyết tật giành học bổng Chính phủ Úc

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Phan Thị Rát và hai chị em của cô bị yếu chân tay từ nhỏ.

Đa số việc cầm, nắm, di chuyển của Rát gặp rất nhiều khó khăn. Con đường học tập của cô vô cùng vất vả, có những lúc tưởng chừng phải từ bỏ ước mơ đi học cao hơn.

Từ Tiểu học, Rát tự mình đi được trong khoảng cách gần. Lên THCS, trường cách nhà khoảng 5km, người thân, gia đình, bạn bè thay nhau chở Rát đi học ròng rã suốt 4 năm.

Rát kể những năm tháng HS, em thậm chí không dám nhìn thẳng vào mắt người khác. Cơ thể khiếm khuyết khiến người con gái của biển mặc cảm, xa lánh bạn bè và hay khóc.

Học hết lớp 12, Rát băn khoăn không biết nên tiếp tục học hay như thế nào. “Em nhớ câu nói của ba: Thôi cứ cố gắng học, ra đời sẽ có xã hội giúp”, Rát chia sẻ.

Những ngày mới vào TPHCM trọ học với Rát là cuộc chiến thực sự. Xa người thân, bạn bè, bản tính lại nhút nhát nên cô chẳng dám mở miệng nhờ ai giúp. Từ đi chợ, giặt quần áo đến nấu ăn, đón xe buýt, Rát đều gồng người tự làm.

Năm 2011, trong khoảng thời gian học tại Trường ĐH Mở TPHCM, nhận học bổng Người bạn đồng hành của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Rát đã “cho lại” bằng cách dạy kèm các em nhỏ đồng cảnh ngộ ở Nhà May Mắn (quận Bình Tân, TPHCM).

Phan Thị Rát nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Úc đi du học năm 2013.

Niềm vui đi học được bạn bè thầy cô yêu quý giúp đỡ, Phan Thị Rát đã hoàn thành 4 năm học ĐH, đi làm và tiếp tục con đường chinh phục tri thức. Năm 2013, Phan Thị Rát là 1 trong 12 người khuyết tật tiêu biểu Việt Nam được vinh dự gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Làm việc tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, Rát được truyền cảm hứng từ các đồng nghiệp đã từng du học với Học bổng chính phủ Australia. Được sự trợ giúp nhiệt tình của các anh chị, Rát đã nộp hồ sơ rất thuận lợi.

Do gặp khó khăn về tiếng Anh, Rát được chương trình cho đi học ngoại ngữ tại Trường ĐH RMIT trong vòng 3 tháng để có thể đủ điểm du học tại Trường ĐH Flinders (Australia). Học bổng với người khuyết tật nặng như Rát được hỗ trợ thêm một người đi cùng chăm sóc, hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.

Nhớ lại giây phút biết tin học bổng chính phủ Australia, Rát kể lúc đó như vỡ òa hạnh phúc. Sự công nhận này khiến cô gái khuyết tật thấy mình có động lực hơn, có giá trị hơn, cảm thấy nếu được tạo cơ hội, người khuyết tật cũng có thể đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.

Hành trang tinh thần mang theo khi du học của Rát là những lời động viên gia đình, bạn bè và những kỳ vọng về tương lai.

Lê Bá Ninh – cậu học trò giành học bổng tiền tỷ nhờ bài luận một con mắt giả

Lê Bá Ninh (Thanh Hóa) đã xuất sắc giành suất học bổng 5 tỷ đồng của Đại học Soka (Mỹ), sau khi đưa câu chuyện con mắt giả của chính mình vào bài luận,

Cậu học trò đạt các điểm chuẩn hóa cao: SAT 1 1500/1600, SAT 2 thi hai môn Sử Mỹ được 720/800 và Toán 2 được 790/800, IELTS 8.0. Với những thành tích này, Ninh nhận được gói học bổng Global Merit Scholarship, Đại học Soka và  mỗi năm chỉ trao cho một số rất ít học sinh trong một khóa.

Ninh chỉ còn một con mắt bình thường, còn một con mắt, ngày em lên 3, do bị cao giác mạc nên phải bỏ và thay thế vào bằng một con mắt giả.

Từ những trải nghiệm của bản thân, em viết một bài luận cá nhân về hành trình của bản thân, cũng như về cái nhìn sai lệch của nhiều người khác đối với người khuyết tật.

Sự thương hại tưởng chừng vô hại nhưng trên thực tế lại có thể khiến cho việc hòa nhập cộng đồng của em trở nên khó khăn hơn. Chính bài luận ấy đã ghi dấu ấn cá nhân sâu sắc cho Ninh.

Và dù là một chàng trai chỉ “nhìn đời bằng một con mắt”, nhưng Ninh luôn lạc quan, yêu đời, yêu người. Ngay từ khi còn học tập tại Trường THPT chuyên Lam Sơn, Ninh đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như: đại biểu Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc VYMUN 2017, là thành viên của câu lạc bộ tiếng Anh và trang nội san của trường có tên Ga Lam Sơn. Ninh là đồng sáng lập dự án Gõ Kiến (một dự án về môi trường mà cụ thể là thực trạng biến đổi khí hậu).

Trần Mạnh Chánh Quân – “người hùng” thầm lặng trên đất Mỹ

Chân không đi được, tay bất lực, miệng nói không rõ chữ, một mình với chiếc xe lăn, Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992) vẫn tự tin vươn ra thế giới và hơn thế, chàng trai quê Vũng Tàu còn trở thành “Người hùng thầm lặng” truyền cảm hứng mạnh mẽ tại Mỹ.

Trần Mạnh Chánh Quân tiến vào lễ đường ngày nhận bằng tốt nghiệp ĐH Georgia Gwinnett, Mỹ.

Mắc hội chứng bại não bẩm sinh, ban đầu bố mẹ không muốn cho Quân tới trường, nhưng ngay từ ngày nhỏ Quân đã bộc lộ tính cầu tiến và hòa nhập. Bất lực trong việc điều khiển tay, chân theo ý mình, không thể giao tiếp với thế giới theo cách bình thường như bao người nhưng Quân không đầu hàng.

Lớp 6, Quân được ba mẹ trang bị một máy tính xách tay để thuận tiện việc chép bài ở lớp. Tay phải bị liệt hoàn toàn, Quân bắt mẹ trói chân mình lại để tập đánh may bằng tay cử động của 3 ngón trên bàn tay trái.

Đam mê Tin học, Quân xuất sắc giành nhiều giải HSG Tin học cấp tỉnh và cấp quốc gia. Lớp 9, cậu thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh Vũng Tàu với số điểm môn chuyên gần như tuyệt đối rồi một mình lên thành phố trọ học.

Với những nỗ lực vượt bậc và thành tích xuất sắc, tốt nghiệp cấp 3, Quân được trường Utica college ở New York (Mỹ) bảo lãnh sang học. Năm 2013, Quân được trường Georgia Gwinnett College (Mỹ) cấp học bổng 50%.

Chàng du học sinh người Việt là gương mặt sinh viên sáng giá ở trường, được chọn tham gia các cuộc thi của Hiệp hội Chuyên ngành Công nghệ thông tin (AITP).

Tháng 11/2016, “gã khổng lồ” Google từng gọi Quân nộp hồ sơ dự tuyển nhân viên làm việc toàn thời gian. 9X cũng giành được thứ hạng cao tại nhiều cuộc thi AITP, NCC, ACM… Sau 4 năm miệt mài học tập, Quân đã cầm trên tay bằng tốt nghiệp đại học 2 chuyên ngành yêu thích.

Hành trình vươn mình ra thế giới và khẳng định trí tuệ, nhân cách sống của chàng trai Việt mắc hội chứng bại não đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh cho không ít người Mỹ, nhất là các bạn trẻ.

Đó là lí do Trần Mạnh Chánh Quân vinh dự được trường Đại học Georgia Gwinnett (GGC) bang Georgia, Mỹ trao danh hiệu “Unsung hero” (Người hùng thầm lặng) vào ngày 20/4/2017.

Lệ Th

HDN

From: taberd-& NguyenNThu


 

Trích tâm tình của anh Nguyễn Chí Tuyến

 Võ Hồng Ly

29.02.2024

Trích tâm tình của anh Nguyễn Chí Tuyến :

“…Tất cả những việc chúng ta làm, tuỳ vào góc nhìn và quan điểm mà người đời gọi chúng ta là những kẻ ngu ngơ, ngốc nghếch, ngang ngược hay ngạo nghễ. Mặc kệ đời ! Cái quan trọng là chúng ta được sống như chính con người của chúng ta.

Người đời đặt câu hỏi: Làm vậy để làm gì? Danh tiếng? Tiền bạc? Lợi ích? Thật khó trả lời trọn vẹn  người anh em nhỉ. Chỉ biết rằng chúng ta làm vậy chỉ vì chúng ta sống đúng với lương tâm, trách nhiệm và nhận thức của mình để cảm thấy trong lòng thanh thản. Cái khó nhất chẳng phải là chiến thắng chính bản thân mình, là đối diện với chính bản thân mình, phải vậy không!

Nhiều người nói, chúng ta như châu chấu đá xe, chẳng làm nên cơm cháo gì được đâu. Ồ, chúng ta có đấu đá ai, tranh giành gì của ai đâu nhỉ. Chúng ta chỉ hành động theo lương tâm mách bảo, nói ra những suy nghĩ, những khát khao, những ước vọng chẳng nhẽ cũng không được sao? Hay là cứ phải âm thầm mà sống, lầm lũi mà sống, bịt tai, bịt mắt lại mà sống ? Sống như vậy đâu phải là sống !

Thôi kệ, mỗi người một nhân sinh quan, mỗi người có lựa chọn sống của riêng mình. Chúng ta đã lựa chọn con đường đầy chông gai và gian khó thì hãy cùng nhau vững bước đi đến cuối con đường, vậy thôi! …”

Mong Anh vững vàng và bình an !


 

“Tôi sẵn lòng hi sinh đời mình cho tự do”

Ba’o Tieng Dan

Nguyễn Anh Tuấn

29-2-2024

Ngay lúc này đây, rất nhiều công an thường phục và sắc phục đang khám nhà blogger Nguyễn Chí Tuyến, được biết đến với tên thân mật là Anh Chí.

Một nguồn tin ở hiện trường cho biết khả năng cao là sẽ có lệnh bắt.

[Cập nhật: Anh Chí đã bị công an đưa đi]

Trước Tết, Anh Chí đồng thời nhận được Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm và Quyết định tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ điều tra từ Cơ quan Anh ninh Điều tra Hà Nội – thủ tục thường thấy trước những vụ bắt giữ gần đây.

Vụ án nhắm đến Anh Chí đã được bắt đầu từ một năm trước đây bằng tin báo tội phạm của Phòng An ninh mạng CA Hà Nội (PA05) và Anh Chí sau đó đã bị triệu tập nhiều lần. Tin báo này cáo buộc Anh Chí vi phạm Điều 331 và 117.

Bẵng đi một thời gian những tưởng vụ việc đã khép lại, nhưng đến nay không hiểu sao lại được khơi lại bằng những động thái gấp rút của cơ quan điều tra.

Sáng nay, Anh Chí quyết định không đến làm việc theo giấy triệu tập nữa. Lời nói cuối cùng anh nhắn lại người anh em cùng chí hướng đơn giản chỉ là: “Anh không đến làm việc nữa đâu, không việc gì phải vậy, lần tới anh có đi sẽ mang theo ba lô để đi luôn.”

Đúng như lời Anh Chí từng nói với nhà báo John Fuller trên tờ Mekong Review 7 năm trước đây – những lời mà giờ người ta không còn nói với nhau nữa: “Tôi sẵn lòng hi sinh đời mình cho tự do”

***

Là một nhà hoạt động dày dặn, Anh Chí lăn lộn với bà con nông dân Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm trong cuộc đấu tranh giữ đất từ những ngày đầu, lăn xả trong những cuộc biểu tình dậy sóng Hà Nội mươi năm trước, lên tiếng mạnh mẽ trước những bất công áp bức mà người dân thấp cổ bé họng phải gánh chịu.


 

Chủ tiệm bánh Kim Ninh đặt tình thương vào bánh, và làm ‘cho đã cái nư’

Ba’o Nguoi-Viet

February 26, 2024

Đoan Trang/Người Việt 

WESTMINSTER, California (NV) – Nếu ai ở California từng phải đặt bánh pía và các loại “bánh tuổi thơ” của tiệm bánh Kim Ninh bên Dallas, Texas, thì nay chẳng cần đi đâu xa, vì Kim Ninh Bakery nay đã có tại Westminster, trung tâm Little Saigon. 

Vợ chồng chủ tiệm bánh Kim Ninh trên đường Westminster. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Từ Texas sang California

“Lấy chị mấy cái bánh quai vạt đi cô chủ,” chị Phượng Tôn ở Westminster vừa bước vào đã nhanh chóng “order” loại bánh mà theo chị, mấy chục năm rồi mới được ăn lại.

Trong lúc chờ lấy bánh, chị Phượng kể, hồi nhỏ ở Việt Nam, chỉ khi vô chùa chị mới được ăn bánh quai vạt, sau này người ta chiên, bán ở lề đường.

“Tôi sang Mỹ lâu lắm rồi, giờ mới biết tiệm bánh Kim Ninh có bán bánh này, mừng húm, dù bị đường cao nhe, mà thèm quá, cứ mua ăn đại, rồi uống thuốc,” chị vừa cười vừa nói.

Cô chủ tiệm bánh Kim Ninh tên là Trịnh Mỹ Yêm. Tên khó gọi, nên chị nói từ nhỏ, mọi người gọi chị là “Kim con” vì ba của chị tên Kim, chủ tiệm bánh lớn Vĩnh Kim, ở Buôn Mê Thuột.

Năm 2005, chị lập gia đình và theo chồng sang Mỹ định cư, sống bên Dallas, Texas. Sau khi sanh được ba người con, năm 2011, chị quyết định mở tiệm bánh – nghề truyền thống ba đời của gia đình.

“Thật ra mấy năm ở nhà sanh và nuôi con, mình đã làm bánh bán tại nhà, vì ngoài nghề làm bánh, mình không biết làm gì khác,” chủ tiệm bánh Kim Ninh, mà chúng tôi cũng gọi tên thân mật là Kim, kể.

Lúc mới qua Mỹ được một tháng, vào Tháng Sáu, 2005, mẹ chồng chị được biếu hộp bánh từ một tiệm nổi tiếng bên California, bà ăn mà tấm tắc khen ngon. “Nổi máu” làm bánh, chị liền ăn thử, rồi chê, và nói với mẹ chồng: “Mẹ muốn, con sẽ làm cho mẹ ăn.”

Bà mẹ chồng ăn thử bánh con dâu làm, thấy ngon quá, liền kêu chị làm thêm để đem biếu. Vì ba mẹ chồng của chị Kim làm việc trong cộng đồng người Việt ở Dallas, nên quen biết nhiều người, ai ăn cũng khen, rồi đặt mua.

“Đặc sản” của Kim Ninh là bánh pía. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Năm đầu tiên xa quê, chị vừa vác bụng bầu, vừa làm bánh bán. Nhà có cái lò nướng nhỏ xíu, một lần nướng chỉ được bốn cái, nên chị làm tới khuya cũng chưa xong. Nhưng vừa nhớ nhà, vừa nhớ nghề, chị làm mãi mà không biết mệt là gì. Năm đó, chị làm được 200 hộp bánh. Người ăn khen ngon, chị… sướng quá, nên năm kế tiếp chị nhận làm tới cả ngàn hộp, và số bánh đặt cứ tăng dần vào những năm sau.

Chị kể, khách hàng đặt bánh hay nói: “Muốn ăn bánh con làm, bác phải chờ cả năm, thôi mở tiệm đi, để ngày nào bác cũng có bánh ăn.”

Nhưng vì con còn nhỏ, dù muốn lắm, vẫn phải chờ cho đến khi cậu út được 1 tuổi, chị mới mở tiệm.

“Lấy chồng qua Mỹ, cứ nghĩ sẽ phải bỏ nghề truyền thống gia đình, ai dè, mình không vái ông tổ, mà ông tổ qua tới đây luôn,” chị Kim nói. “Biết bố mẹ chồng lo cho chồng mình ăn học đến nơi đến chốn, nên khi mở tiệm bánh, mình bàn: ‘Bố không phải là người trong nghề, nhưng để cảm ơn bố, và muốn mọi người gọi tên bố mỗi ngày, tiệm của mình sẽ ghép tên bố anh và bố em.’ Ninh là tên bố chồng mình, nên tiệm có tên Kim Ninh là vậy đó.”

Năm 2022, khi chồng của chị nghỉ hưu, anh chị quyết định chuyển sang California sinh sống, để được hưởng thời tiết mát mẻ, thuận hòa.

“Lúc mới sang đây, mình thấy ok, nhưng một hôm nghe văn phòng nha sĩ nhắc đi làm răng, có câu ‘ngày hẹn của chị đúng Tết Trung Thu nhe.’ Đang vui vẻ, tự nhiên nghe tới từ ‘Trung Thu’ mình mệt ngang, cảm giác buồn mà ‘không biết vì sao tôi buồn,’ rồi nằm dẹp lép cả chục ngày trời, không ăn, không uống, giống như mắc cái bệnh gì ghê gớm lắm,” chị Kim kể.

Thật ra chị buồn vì không được làm bánh, chứ chẳng có bệnh tật gì cả. Tháng Tám, 2023, chị quyết định mợ tiệm bánh trên đường Westminster, giữ nguyên tên Kim Ninh.

Chị Phượng Tôn (phải) dù bị cao đường vẫn thích ăn bánh Kim Ninh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Ba đời làm bánh 

Chị Kim nói, ông bà nội ngoại và ba mẹ chị đều là người Hoa. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nên chị giỏi tiếng Việt hơn tiếng Hoa. Ông ngoại của chị Kim, một trong những người đầu tiên làm bánh pía ở Việt Nam, vừa làm thầy giáo, vừa làm bánh.

Ông bà ngoại của chị có sáu người con, các cậu các dì đều làm bánh, có tiệm trên Pleiku, như Thái Sơn, Mỹ Ngọc, Kim Vinh,… Bố mẹ chị cũng theo nghề gia đình, mở tiệm bánh Vĩnh Kim. ở Buôn Mê Thuột, sau đó ông bà tách riêng, bà dọn lên Pleiku mở tiệm bánh Kim Sơn.

Năm 15 tuổi, chị Kim được mẹ giao hết “tài sản” của tiệm, chủ yếu là mối lái, để chị chủ động đặt hàng, giao hàng đi khắp nơi, các tỉnh miền Tây, qua tới Lào, Cambodia.

“Cực nhất là Tháng Tám, vào mùa Trung Thu, ngày nào cũng vậy, 2 giờ sáng mình vẫn chưa được về nhà, vì phải lo bỏ mối, rồi lấy bánh ở tiệm bán chậm đưa qua tiệm bán chạy, để bánh không bị tồn,” chị Kim nhớ lại. “Bỏ mối hơn 40 tiệm chứ có ít đâu. Có lần làm cực quá vừa xuống xe là xỉu, thợ thầy khiêng vô nhà thương, vì tưởng mình đi toong, ai cũng nói đó là ngày giỗ của mình. Nhưng nằm có một đêm, sáng ra mình tỉnh dậy khỏe ru!”

Chị Loan Trần (bìa phải) có tiệm ở Los Angeles, tới mua bánh để tặng nhân viên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Tôi thắc mắc, không biết chị được cha mẹ truyền nghề cho khi nào, mà có thể một mình đứng tiệm từ Texas, sang tới California, mà không thuê bất cứ người thợ nào khác.

Chị cười, nói: “Thiệt ra hồi mình còn nhỏ, mẹ không cho làm bánh đâu, mà bắt rửa chén, lau chùi, quét dọn, đó là những việc thợ không làm. Mẹ nói: ‘Muốn làm chủ phải biết từ chuyện nhỏ nhất, thì mới thành công.’ Nhà làm bánh bán sỉ, nên khoảng 10, 12 tuổi, mẹ đã cho đi bỏ bánh, giao hàng, thu tiền. Đến năm 13 tuổi mới được đi nhận đặt hàng.”

“Còn làm bánh hả? Hình như nó ngấm từ trong máu, chẳng biết tự bao giờ, mà lớn lên là mình biết làm đủ loại bánh, bánh quai vạt, bánh dừa, bánh in, bánh phục linh, Trung Thu thì làm bánh dẻo, bánh nướng,… mà ‘đặc sản’ vẫn là bánh pía.”

Chị Kim nói, 11 năm bán bánh ở Dallas, cho đến khi mở tiệm ở Orange County, chị đều làm một mình, từ đi mua nguyên vật liệu, làm bánh, bán hàng, dọn dẹp,… tất tần tật mọi thứ, mà không cần người phụ, vì chị làm đúng như lời mẹ dặn, là phải biết làm từ chuyện nhỏ nhặt nhất.

Xấp bao thơ là những tấm chi phiếu khách hàng gửi trả tiền cho tiệm, sau khi nhận được bánh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Làm cho đã cái nư, không cần sự nổi tiếng

“Mùa Trung Thu thì có các con và chồng phụ, thỉnh thoảng mướn thêm vài người Mễ dọn dẹp. Ngày mình làm 18-20 tiếng, nhưng không mệt, vì khách vô khen là thấy khỏe. Ai nhìn thấy mặt mày bơ phờ, bột dính tùm lum khắp người, nói ‘Ôi trời, sao em cực vậy, tội quá!’ Nhưng mình thấy vui, khỏe mà, làm cho đã cái nư, không cần nổi tiếng, lời lỗ tính sau,” chị Kim nói.

Đang rôm rả kể chuyện, khách lại vô, chị Kim đứng dậy chào đón.

Cô Phước Trần, nói mình là khách quen của Kim Ninh, chia sẻ: “Tui dân Dallas nè, con gái dọn qua đây, tui đi theo. May sao giờ Kim Ninh cũng qua luôn, mừng quá!”

Tưởng tôi là khách, cô Phước quay qua giới thiệu: “Mua đi, nó làm bánh ngon lắm đó! Mà kêu tặng nó tặng liền hà. Đúng nhận sai cãi, nhỏ kia!”

Chị Kim gật đầu: “Dạ đúng!”

Cô Phước tiếp: “Thấy chưa, tui biết nó quá mà. Ăn bánh nó làm, riết ghiền đó nha!”

Nhớ lại lúc sáng, khi thấy chị Loan Trần ở Los Angeles ghé mua bánh để tặng nhân viên trong tiệm nail, hỏi bánh này ngon không, bánh kia thế nào, chị Kim cắt bánh mời ăn thử, khách khen ngon, chị còn tặng thêm bánh để… ăn cho đã, vì là người ở xa.

Gia đình chị Kim tại tiệm bánh Kim Ninh hồi còn ở Dallas, Texas. (Hình: Nhân vật cung cấp)

“Bán bánh lời bao nhiêu mà sao thoải mái đem tặng và cho ăn thử vậy chị?” tôi hỏi.

“Người bỏ tiền ra mua bánh sẽ không biết bánh đó ngon hay dở, mình cứ mời họ dùng thử, bánh mình ngon thì không sợ lỗ, vì khách sẽ quay lại. Mình tự tin 100% là khách sẽ quay lại,” chị Kim trả lời.

Bác Cúc Phan, 82 tuổi, ở Reno, Nevada, tới mua bánh, kể: “Hôm qua bác bay xuống Los Angeles là kêu người cháu lái xe tới Kim Ninh để mua bánh cho em gái. Em bác ăn ngon, nên hôm nay bác quay trở lại mua thêm đó mà.”

“Cũng làm bánh pía, và các loại bánh thông thường khác, vậy bánh Kim Ninh khác bánh nơi khác ở điểm nào, mà nhiều khách ghiền quá vậy?” tôi lại hỏi.

Vừa nâng niu, sắp xếp lại quầy bánh, chị Kim vừa trả lời: “Khác chứ, vì bánh Kim Ninh có tình thương của người làm bánh đặt vào trong đó. Bữa nào giận ông chồng, hoặc có chuyện buồn, mình không làm bánh, vì biết chắc bánh hôm đó sẽ không ngon. Làm dở mất công đi xin lỗi khách.”

“Chị có bí quyết, hay công thức đặc biệt nào không?”

“Công thức y chang nhau thôi, nhưng công thức của mình có tình thương, có tình cảm trong đó. Chiếc bánh giống như con mình, nó nhúc nhích một chút là mình biết nó muốn cái gì, cần gì, để thêm bớt, hay thay đổi,” chị Kim tâm sự. “Lúc Kim Ninh thành công bên Dallas, có người muốn mua công thức với giá $1 triệu, nhưng mình từ chối, vì tình thương thì không mua bán gì được. Nhưng nếu biết chắc ai thương bánh như mình, là người có đạo đức, mình sẵn sàng đưa công thức, mà không lấy một xu!”

Tiệm bánh Kim Ninh trên đường Westminster. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Vì tiệm mới mở được sáu tháng, nên không có nhiều khách California, nhưng bù lại, chị Kim vẫn có khách đặt từ 50 tiểu bang, và cả ở ngoại quốc, như Úc.

Chỉ một xấp bao thơ trên bàn, chị giải thích: “Khách đặt hàng, mình gửi bánh đi, họ trả tiền sau bằng chi phiếu, có cả thơ cảm ơn trong đó nữa. Có người tới tiệm mua cả trăm đồng tiền bánh, không đủ tiền trả, mình nói đi đi, khi nào có, tới trả cũng được, mà hồi nào tới giờ, mình chưa bị ai quỵt.”

“Mình may mắn được làm chủ, vì nếu làm công, mình sẽ không có được quyền chăm sóc khách hàng như vậy. Lúc đóng cửa bên Dallas, mình khóc quá trời, mấy bác cũng khóc, nói sẽ nhớ bánh Kim Ninh lắm. Đó là niềm động viên mình phải làm bánh giỏi hơn, ngon hơn, thương khách hơn, yêu khách hơn.”

——
Liên lạc tác giả: doantrang@nguoi-viet.com


 

Số nhà ở Sài Gòn loạn xạ, nhiều chủ nhà cũng không nhớ nổi

Ba’o Nguoi-Viet

February 27, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đã 25 năm qua, số nhà nhiều nơi ở Sài Gòn vẫn còn lộn xộn, rối rắm mà chính chủ nhà cũng không nhớ nổi số nhà của mình.

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ hôm 27 Tháng Hai, trong các con hẻm tại đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, Sài Gòn, có nhiều ngôi nhà có số địa chỉ từ bốn đến sáu, thậm chí là bảy xuyệt.

Biển số nhà dài như số điện thoại, xuyệt nối số liên hoàn, số cũ nằm kề số mới…tại Sài Gòn, gây rối loạn khó nhớ với nhiều người. (Hình: Tiến Quốc/Tuổi Trẻ)

Tương tự, một căn nhà trong hẻm đường Huỳnh Tấn Phát, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, có hai địa chỉ lần lượt là 1806/127/94 (số nhà mới) và 1806/127/2/6/15/52 (số nhà cũ).

Tuy nhiên, những dãy nhà được thay số ngắn gọn xuống còn ba xuyệt lại càng “gây rối não” hơn, vì số mới chồng số cũ, không biết đường nào mà lần.

Chỉ tay vào biển số nhà 749/45/16/8C Huỳnh Tấn Phát, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Tấn Lâm ở phường Phú Thuận, quận 7, cho biết tại đây số nhà mới chỉ có bốn xuyệt đã khiến anh em, bạn bè hay người giao hàng vất vả tìm nhà.

“Nhiều người muốn tìm nhà người quen ở khu này phải nhờ định vị, định vị không chính xác thì ‘bó tay,’ không biết đi đường nào. Khách quay ra đường đứng chờ, chủ nhà chạy ra tận đầu đường lớn dẫn vào nhà,” ông Lâm kể.

Ông Nguyễn Thừa Nhân, 70 tuổi, nhà ở đường Huỳnh Tấn Phát, cho rằng số nhà sau khi đổi vẫn còn rối rắm. Nhiều nhà có tiệc cưới mời khách, nhiều bạn bè ngại đến do khó tìm, số nhà quá dài và đường vào cũng rắc rối.

Chính người dân sinh sống tại đây vẫn phải lúng túng khi được hỏi số nhà của mình. Do số nhà quá dài, nhiều xuyệt, nhiều người phải chụp hình hoặc ghi chép lại để có thể mang ra xem khi cần.

Số nhà nhiều xuyệt nối nhau gây nhiều khó khăn cho người dân khi tìm địa chỉ nhà. (Hình: Tiến Quốc/Tuổi Trẻ)

Phản ảnh trên báo Tuổi Trẻ, Tiến Sĩ Võ Kim Cương, cựu phó kiến trúc sư trưởng ở Sài Gòn, nhận định 25 năm qua kể từ khi giới hữu trách ở Sài Gòn có quy chế về số nhà, các phường, xã đã mất nhiều công sức và kinh phí nhưng tình trạng số nhà tại thành phố này vẫn còn nhiều khiếm khuyết, gây phiền hà cho người dân, rắc rối trong nhiều việc.

“Từ năm 2012, chúng tôi đã có ý kiến nêu nguyên nhân của tình trạng lộn xộn này. Việc cấp đổi và chỉnh sửa số nhà đến nay chưa thể đồng bộ. Cụ thể, có nơi chỉ chỉnh sửa số nhà trên mặt tiền phố, không chỉnh sửa trong hẻm. Chưa thống nhất cách đặt tên đường và hẻm. Cách đặt số nhà trong hẻm cũng chưa thống nhất, nơi thì theo cách đặt số chẵn bên phải số lẻ bên trái, nơi thì không…” (Tr.N) 


 

Công luận bàn tán khả năng Phạm Nhật Vượng bị bắt

Ba’o Dat Viet

February 27, 2024

Phạm Nhật Vượng và Phạm Bình Minh

Một số ý kiến suy đoán rằng Phạm Nhật Vượng “sớm muộn” sẽ bị bắt vì “phải có người chịu trách nhiệm chứ, đảng có sai bao giờ.”

Facebooker Hoàng Dũng cho biết: “Đảng cộng sản sẽ phải bắt Phạm Nhật Vượng. Vấn đề là thời điểm và làm sao để không sụp đổ hệ thống ngân hàng. Trễ nhất có thể là 2027, vài tháng sau khi chia ghế xong xuôi của nhiệm kỳ mới 2026-2031. Máu thì cuối năm nay, đầu năm sau bắt.”

Một số ý kiến khác đồng tình với suy đoán này, và cho rằng Vượng là “Trương Mỹ Lan 2.0”.

Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng việc bắt Vượng là đúng, “nên học Trung Quốc”.

Facebooker Vinh Tran bình luận: “Vượng đang dùng để rửa tiền cho lũ thối nát, một khi tiền đã rửa hết thì sẽ vào lò làm bạn cùng với Trịnh Văn Quyết.”

Một ý kiến nói: “Biết là Vượng làm ăn tầm bậy tầm bạ đấy nhưng CSVN nhờ ông ta để rửa mặt cho mình, như xây các tòa nhà chọc trời, các khu đô thị hiện đại,xe hơi xuất khẩu… để ngửa mặt với thế giới Chứ CSVN làm được gì?”

Tuy vậy, cũng có lo ngại rằng Vượng đi tù thì Vin nô, bò đỏ ai sẽ chăn dắt?

Trong một diễn biến khác, báo đảng vẫn đang hăng say đưa tin tuyên truyền về Vinfast, phớt lờ tin hãng xe điện này lỗ ròng xấp xỉ 2,4 tỷ đô la dù giao gần 35.000 xe năm 2023. Từ 2017 đến nay, lỗ lũy kế hơn 7,2 tỷ đô la. Hãng nợ cả ngắn hạn lẫn dài hạn hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.

Nếu đọc báo đảng, người ta sẽ chỉ thấy những tin đại loại như “Năm đầu niêm yết ở Mỹ, VinFast báo doanh thu 1,2 tỷ USD”, “Tăng trưởng mạnh, VinFast đạt doanh thu gần 1,2 tỉ USD năm 2023


 

Hai giáo viên gốc Việt ở Westminster đoạt danh hiệu ‘Teacher of the Year’

Hai giáo viên gốc Việt ở Westminster đoạt danh hiệu ‘Teacher of the Year’

Ba’o Nguoi-Viet

February 24, 2024

WESTMINSTER, California (NV) – Hai giáo viên gốc Việt vừa nhận giải “Teacher of the Year” 2024 do Học Khu Westminster (WSD) trao tặng hôm 14 Tháng Hai là Quỳnh Trâm Vũ (trường DeMille Elementary School) và Trisha Lưu (trường Schmitt Elementary School), theo thông cáo báo chí của học khu.

Cả hai giáo viên cùng được danh hiệu này vì sự hết lòng, tận tụy và tận tâm giáo dục học sinh trong thời gian qua.

Cô giáo Quỳnh Trâm Vũ và phu quân trong ngày được vinh danh “Teacher of the Year.” (Hình: Facebook WSD)

“Xin chúc mừng cô giáo Quỳnh Trâm Vũ, giáo viên xuất sắc nhất trong năm của WSD! Sự tận tụy của cô với học sinh chúng ta, sự dấn thân của cô với chương trình song ngữ ‘Vietnamese Dual Language Immersion Program,’ và những công việc tình nguyện không ngừng nghỉ của cô cho cộng đồng WSD thật sự làm cho cô trở thành xuất sắc,” WSD viết trên trang Facebook như vậy. “Cảm ơn cô khuyến khích tất cả chúng tôi với sự tận tâm của mình. Và điều này tạo một ảnh hưởng lớn trong cộng đồng chúng ta. Hy vọng cô tiếp tục thành công và tạo ra một tương lai tươi sáng.”

Được thành lập năm 1872, WSD để lại dấu ấn sâu đậm trong bối cảnh giáo dục của Orange County, California. WSD đã tận tâm cung cấp nền giáo dục có chất lượng cho trí tuệ trẻ của khu vực trong hơn một thế kỷ.

Giáo viên Trisha Lưu (cầm hoa và bong bóng) chụp hình kỷ niệm với học sinh (Hình: FB Schmitt Elementary School)

Trải dài khắp Westminster, Garden Grove, Huntington Beach, và Midway City, WSD đóng vai trò là trung tâm quan trọng của gần 8,200 học sinh tiểu học và trung học tại 17 trường. Tập thể học sinh đa dạng của Học Khu phản ánh cộng đồng sôi động mà Hoc Khu phục vụ, nuôi dưỡng một môi trường văn hóa và xã hội phong phú.

Với di sản kéo dài hơn một thế kỷ, Học khu Westminster tiếp tục là biểu tượng cho nền giáo dục xuất sắc tại Orange County. Thông qua cam kết về sự đa dạng, đổi mới và thành tích học tập, WSD vẫn là động lực trong việc định hình tương lai của sinh viên và cộng đồng mà trường phục vụ. (ĐG) [đ.d.]