VinFast và cuộc đua xe điện-Nguyễn Huy Vũ

Ba’o Tieng Dan

Nguyễn Huy Vũ

22-4-2024

Cuộc đua xe điện ở Trung Quốc đang tới hồi khốc liệt. Tesla đã giảm giá xe, đưa mẫu Model 3 bán ở Trung Quốc xuống còn 32.000 đô la Mỹ. Trong khi đó, Xiaomi cũng vừa cho ra mắt mẫu xe điện mới của mình SU7 dựa theo mẫu xe sang của Porsche Taycan, với giá dưới 30.000 đô la Mỹ. Một lần sạc của SU7 được quảng cáo có thể đi tới 800 cây số.

Mẫu xe SU7 được giới thiệu có những tính năng ngang ngửa với các xe điện mạnh nhất thế giới hiện nay. Số vòng trên phút (RPM) là 21.000; hai mô tơ tạo ra từ 299 cho tới 374 mã lực, mô men xoắn có thể đạt tới 635 Nm, tốc độ cao nhất, tuỳ mô hình, có thể đạt từ 210 Km/h cho tới 265 Km/h.

Với mức giá này Xiaomi có thể không có lời, nhưng họ chấp nhận bán lỗ để giới thiệu mẫu xe đến với khách hàng. Họ làm được vậy vì Xiaomi có tiền để chi và cũng vì họ đã có sẵn thương hiệu. Xiaomi cũng đã lên kế hoạch để cho ra một mẫu xe mới V8 vào năm sau 2025, với tầm hoạt động 1.200 cây số cho mỗi lần sạc.

Trong khi đó, mẫu xe rẻ nhất của VinFast là VF6 giá hiện tại là từ 30.000 đô la Mỹ, tức gần ngang ngửa Tesla Model 3, và cao hơn cả Xiaomi SU7. Mẫu xe đắt tiền nhất của VinFast là VF9 với mức giá từ 81.000 đô la Mỹ.

Mẫu xe VF6 của VinFast dù có giá đắt hơn Xiaomi SU7 nhưng chất lượng máy móc thì rất thấp, ít nhất là theo quảng cáo. Cụ thể là quãng đường hoạt động của VF6 chỉ 400 cây số cho mỗi lần sạc, tức chỉ bằng một nửa của Xiaomi SU7. Động cơ của VF6 cũng chỉ có 174 mã lực, tức khoảng chừng một nửa của SU7. Còn momen xoắn của VF6 chỉ có 250 Nm, tức chưa tới một nửa của Xiaomi SU7 với 635 Nm.

Hơn nữa, Xiaomi SU7 còn cung cấp một loạt các tính năng lái tự động kèm hệ thống camera độ phân giải cao, cảm biến siêu âm, cảm biến Lidar, định vị, hơn hẳn VF6.

Với mức định giá như vậy, trên cơ sở uy tín chưa có và khả năng hậu mãi vẫn còn là một câu hỏi, thì rõ ràng xe của VinFast không thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Giá của cổ phiếu VinFast hiện ở mức 2,5 đô la Mỹ và giá trị thị trường ở mức 5,9 tỉ đô la Mỹ. Đó là một mức giá vẫn còn quá cao. Nếu giá trị của VinFast là 1 tỉ đô la thì giá cổ phiếu của VinFast sẽ chỉ ở mức 40 cents. Với một chiến lược kinh doanh như hiện nay, có lẽ sang năm sau giá trị cổ phiếu của VinFast sẽ đạt đến ngưỡng đó. Và sau đó là nó có thể sẽ bị rút khỏi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trước khi đóng cửa.

______

Hình ảnh tác giả kèm theo bài viết:

Vinfast VF6

Bơm 24 tỷ USD cứu SCB: Bơm đến bao giờ? Cứu được không? Ai sẽ nhận được tiền?

Bơm 24 tỷ USD cứu SCB: Bơm đến bao giờ? Cứu được không? Ai sẽ nhận được tiền?

11:20 | Posted by BVN4

BBC – 20 tháng 4 2024

Chính phủ Việt Nam đã bơm 24 tỷ USD để cứu SCB sau khi khách hàng ồ ạt tháo chạy khỏi ngân hàng này. Tiền gửi của SCB hiện đã giảm 80%, xuống còn khoảng 6 tỷ USD. Liệu nhà nước có tiếp tục bơm tiền để SCB không sụp đổ? Nếu ngưng bơm tiền thì kịch bản có thể xảy ra là gì?

Chụp lại hình ảnh: Khả năng hồi phục của ngân hàng SCB được đánh giá là “rất thấp”.Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES, BBC

Việc Ngân hàng Nhà nước bơm 24 tỷ USD cho SCB được coi là “vô tiền khoáng hậu” do khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, sự phức tạp của vụ việc và mức độ tác động hiện tại cũng như tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

Reuters là hãng tin tung ra thông tin và số tiền vụ giải cứu, trích từ các báo cáo mà hãng tin này có được.

Về việc cung cấp tiền để cứu SCB, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, nói với báo giới hôm 19/4 rằng “đến nay, ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và NHNN sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này”.

Ông Tú không nói về con số cho SCB vay, mà chỉ nói: “Cho vay thì phải đảm bảo thu hồi nợ”.

‘Xe tải chở tiền’ đi cứu ngân hàng

Chụp lại hình ảnh: Bức ảnh ngày 10/1/2024 chụp y tá Nga (tên đã thay đổi để bảo vệ danh tính nạn nhân), một người đã nghỉ hưu nằm trong số 42.000 nạn nhân của vụ bê bối lừa đảo liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB. Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Từng có các vụ bơm tiền giải cứu trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, dù với quy mô nhỏ hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng có 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này tại Mỹ và Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đã chứng kiến hai trường hợp nhà nước bơm tiền cứu ngân hàng theo nhiều cách.

“Năm 2012, Ngân hàng ACB lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Lúc đó có tin tổng giám đốc ACB trốn qua Mỹ. Rất nhiều người đã đến ACB để rút tiền. Tại thời điểm đó, tôi có mặt ở Việt Nam và đã thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dùng xe tải đem tiền mặt đến ACB để giúp ngân hàng này trả tiền cho khách”, Tiến sĩ Hiếu nói với BBC từ Hà Nội.

“Lần thứ hai là năm 2015, lúc đó tôi là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Đó cũng là thời điểm NHNN mua lại ba ngân hàng, gồm Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ocean Bank (OCB) và GP bank (GPB).

“Trường hợp này nhà nước không bơm tiền mặt để cứu ba ngân hàng mà dùng biện pháp thâu tóm với giá 0 đồng. Sau đó, NHNN giao ba ngân hàng này cho những ngân hàng lớn nhất của Việt Nam và có vốn nhà nước, trong đó có Vietcombank và BIDV, tiếp quản.

“Cho đến bây giờ, sau 9 năm, ba ngân hàng này vẫn đang hoạt động nhưng trong tình trạng hết sức ngặt nghèo”.

Về khả năng các ngân hàng hoàn tiền cho nhà nước, Tiến sĩ Hiếu nói rằng ông không có thông tin cụ thể số tiền đã bơm là bao nhiêu và có trả không, khi nào. Nhưng ông nhận định khả năng cao ACB đã trả hết vì ngân hàng này đã hồi phục sau đó và hiện là một trong những ngân hàng làm ăn hiệu quả.

Với ba ngân hàng được mua lại, ông cho biết là “tình trạng tài chính tới nay ngày càng suy sụp”.

Bơm tiền cho SCB đến bao giờ?

Chụp lại hình ảnh: Bà Trương Mỹ Lan bị buộc tội đóng vai trò chính trong vụ rút ruột hơn 12 tỷ USD từ SCBNguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Hiện nợ xấu của SCB đã lên tới 97%. Nếu không có nguồn thu, SCB sẽ không có khả năng trả lại tiền gửi cho khách hàng, với số tiền hiện còn phải trả là 6 tỷ USD – chiếm hơn 1% GDP Việt Nam năm 2023.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu nhà nước tiếp tục bơm tiền vào để trả thì khách hàng tiền gửi của SCB may mắn.

Nhưng nếu nhà nước, vì lý do nào đó, ngưng bơm tiền, thì số phận 6 tỷ USD tiền gửi này “rất mong manh”.

“Dự trữ ngoại hối quốc gia của chúng ta có đâu đó 100 tỷ thôi. Và bây giờ phải dùng 6 tỷ USD để thanh toán cho tiền gửi của SCB.

Mặc dù không dùng ngoại tệ để mà thanh toán, nhưng số tiền mà chúng ta phải thanh toán lên đến 6% trên tổng dự trữ ngoại hối của nhà nước”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích khi được hỏi về việc NHNN có thể bơm tiền cho SCB đến khi nào.

Chụp lại hình ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàngNguồn hình ảnh: GETTY IMAGES

Khả năng nhận lại tiền của khách hàng SCB ‘rất mong manh’

Trong trường hợp ngân sách cạn kiệt hoặc vì lý do nào đó nhà nước phải ngừng bơm tiền cho SCB, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có ba kịch bản chính.

Một là nhà nước có thể in thêm tiền để tiếp tục bơm cho SCB. Trong trường hợp này, dòng tiền đi vào lưu thông sẽ gây lạm phát, nợ công cao.

Thứ hai, chính phủ Việt Nam sẽ phải làm “việc chẳng đặng đừng” là đưa SCB ra tòa để mở thủ tục phá sản. Như vậy, ngoài khoản bảo hiểm tiền gửi mà mỗi khách hàng có thể nhận được là 125 triệu đồng, khách sẽ phải đợi tòa phán quyết về số phận ngân hàng này.

Nếu tòa tuyên SCB phá sản và yêu cầu SCB trả nợ các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên thì khách gửi tiền mới có cơ hội được trả lại tiền, còn nếu không, hoặc mất trắng, hoặc phải đợi cho đến khi nào tất cả tài sản của SCB được thanh lý.

“SCB cũng chẳng còn bao nhiêu tài sản để thanh lý. Do đó, ngoài bảo hiểm tiền gửi là khoản 125 triệu đồng thì tôi nghĩ khả năng khách hàng nhận được phần tiền gửi còn lại là rất thấp”,Tiến sĩ Hiếu nhận định.

Việc này, Tiến sĩ Hiếu nói với BBC, làm ông “thực sự đau lòng”, vì “rất nhiều người gửi tiền tại SCB là những người về hưu, gia đình thu nhập thấp và các doanh nghiệp”.

Trong trường hợp SCB không làm thủ tục phá sản, kịch bản thứ ba là NHNN có thể chỉ định chuyển giao SCB cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam, sau khi kết thúc giai đoạn kiểm soát đặc biệt, theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhưng việc này diễn ra như thế nào thì phải đợi tới ngày 1/7/2024, khi luật này có hiệu lực.

“Vấn đề nằm ở chỗ, với số nợ khổng lồ và nợ xấu tới 97% của SCB, hiện không có ngân hàng nào sẵn sàng tiếp quản. Trong trường hợp bắt buộc phải chuyển giao, thì tương lai của cả ngân hàng nhận chuyển giao và ngân hàng bị chuyển giao là SCB có lẽ không sáng sủa lắm.

“Vì ngân hàng được chuyển giao thường không có khả năng trả nợ nên sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, gây thiệt hại cho các ngân hàng được chỉ định tiếp nhận”.

“Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng tới toàn xã hội, vì các ngân hàng lớn có số lượng khách hàng rất lớn và tổng tài sản lớn. Ví dụ bốn ngân hàng Vietcombank, Citibank, BIDV và Agribank chiếm 40% tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Như vậy khi các ngân hàng này chịu thiệt hại do phải gánh thêm ngân hàng thua lỗ thì sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Thời điểm này, Tiến sĩ Hiếu cho rằng chính phủ Việt Nam không muốn để SCB phá sản, do có nguy cơ xảy ra tình trạng khách hàng tháo chạy khỏi các ngân hàng, đưa cả hệ thống ngân hàng Việt Nam vào khủng hoảng.

Do đó, khả năng cao là chính phủ Việt Nam sẽ chọn cách chuyển giao bắt buộc SCB cho một ngân hàng lớn được chỉ định.

‘Nguy cơ một SCB khác trong tương lai’

Là một chuyên gia tài chính-ngân hàng nhiều kinh nghiệm, Tiến sĩ Hiếu nói ông thấy đây là một trường hợp “vô tiền khoáng hậu” mà sau 15 năm từ Mỹ về Việt Nam làm việc, ông chưa từng thấy.

“Chúng ta cần phải can đảm rút kinh nghiệm từ trường hợp của bà Trường Mỹ Lan, vụ Vạn Thịnh Phát và SCB. Với tôi, đây là một bài học rất lớn.

“Có rất nhiều vụ kiện, nhiều đại án trong ngành ngân hàng trong khoảng chục năm qua, nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào lớn như vụ này, kéo dài cả chục năm như vụ này. Chúng ta phải nhìn thấy một điều là chúng ta đã nhắm mắt là ngơ cho một tình trạng như vậy kéo dài rất lâu, ở một mức độ rất lớn”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng cần minh bạch ai là người chịu trách nhiệm trong việc để một vụ việc như vậy kéo dài.

Ông cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm của “lợi ích nhóm”, trong đó các đại gia bất động sản như bà Trương Mỹ Lan thường nắm những vị trí quan trọng trong hệ thống ngân hàng, sau đó dùng quyền lực để thao túng và lũng đoạn.

“Nếu nền tài chính Việt Nam, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn bị tác động bởi lợi ích nhóm, trong đó có lợi ích nhóm bất động sản, thì tôi e rằng có thể chúng ta sẽ có một SCB khác trong tương lai.

“Tôi mong rằng đây là thông điệp mà tôi muốn gửi cho Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC.

Nguồn: BBC Tiếng Việt


 

CHA TÔI CHẾT KHÔNG CẦN QUAN TÀI – Đào Nam Hoà


Pham Mylan
  ·   ·

Đào Nam Hoà

Con ghi lại bài này thay cho nén hương lòng để thành tâm tưởng nhớ đến Bố Mẹ nhân ngày giỗ Bố lần thứ 8 và giỗ Mẹ lần thứ 7

Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ lúc nào, nhưng có lẽ ấn tượng nhất và rõ nét nhất mà hầu hết người dân miền Nam Việt Nam nhớ mãi là ngày 30/4/1975.

Khi miền Nam sụp đổ cũng là lúc bất ngờ tất cả nỗi thống khổ đày đọa ập xuống. Nhanh như một cơn cuồng phong thịnh nộ phá nát tan hoang. Mất tất cả!

Ngày 10/06/1975 tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Trước khi đi cái gọi là “học tập cải tạo” 10 ngày, dù với suy nghĩ chỉ là 10 ngày như lời thông báo, cha tôi cũng không có lấy mấy ngàn dằn túi. Ông bảo tôi (lúc đó 19 tuổi) đem 2 chỉ vàng cuối cùng còn lại của gia đình- là đôi bông tai của bà nội tôi để lại- ra tiệm vàng bán. Đó là kỷ vật quý nhất nhưng đành phải bán để mua ít lương thực cho ông mang đi. Hai chỉ vàng lúc ấy bán được 33 ngàn. Ông mua khoảng 2 ngàn đồng lương thực các thứ và dằn túi 1 ngàn. Còn lại 30 ngàn ông dặn ở nhà cố gắng 13 mẹ con dè xẻn ăn uống đợi Ông về.

Mười ngày trôi qua nhanh chóng- không ai trong số cải tạo trở về. Tôi nghĩ đây là một cú lừa mà đã và sẽ được lịch sử ghi lại kỹ hơn.

Giá sinh hoạt tăng từng giờ. Buổi sáng 100 đồng 1 ổ bánh mỳ thì chiều đã lên 120. Sau 3 tuần thì 12 anh em tụi tôi và mẹ tôi không còn một đồng nào trong nhà. Chị tôi lớn nhất 21 tuổi còn đang đi học, và em út mới có 2 tuổi. Mười hai con tàu há mồm tuổi đang lớn nuốt bao nhiêu cho đủ! Cơm và thức ăn mỗi bữa mẹ tôi phải chia cho từng đứa. Vài hột cơm sót nơi đáy nồi cũng không yên. Chúng tôi đổ nước vào và cạo sạch không còn một hột. Còn hơn là gạo châu củi quế.

Mẹ tôi và vài đứa em phải đi xâm canh làm ruộng rau muống, một hình thức của kinh tế mới để giãn dân,. Không lên voi nhưng phải xuống chó, mẹ tôi và em tôi ngày ngày vào ruộng hái rau muống xong gánh bộ về tới chợ cách đó 6 cây số để bán. Buổi sáng khoảng 3 giờ khi trời còn mờ mịt hơi sương và giá lạnh, mẹ và em tôi thay nhau gánh bộ cho kịp phiên chợ sáng. 70 bó rau oằn trên vai người phụ nữ nhỏ bé cao 1,45 nặng chưa tới 40Kg. 6kg rau mới đổi được 1 kg gạo. Một tuần mới cắt được một lần chờ cho rau mọc. Những ngày còn lại là cấy rau, nhổ cỏ, trồng khoai mỳ…

Sức ăn trước ngày 30/4/75 của gia đình tôi một bữa là 3 lít gạo, tức 1 tuần 42 lít, khoan nói chuyện thức ăn cá mắm gì hết. Nay 1 tuần chỉ còn 13 lít!

Bắt đầu tháng 7/1975 lần lượt đồ đạc trong nhà mọc cánh nhẹ nhàng, nhanh chóng, lả lướt, bay đi theo chân những kẻ buôn hàng. Từ cái quạt trần, tôn cống, hàng rào, tủ quần áo, đài radio, giường sắt, đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay … đều giã từ để về với chủ mới. Hết sạch đồ thì mấy kẻ đi buôn bảo giở gạch bông, giở bớt tôn ngoài mái hiên, tôn trần nhà… bán tiếp.

Bán cho đến khi căn nhà nhỏ bỗng trở nên rộng tênh vì chả còn thứ gì ngoại trừ vài cái nồi nấu bằng củi đen thui cũng đã sứt quai gãy gọng. Buổi tối trải chiếu ngủ dưới đất là xong với cái bụng lép kẹp và cơn đói hành hạ.

Không biết bao lần tôi phải ăn tưởng tượng trong đêm khuya bằng cách hình dung mấy món ăn tầm thường ngày trước như vài con khô, miếng dừa kho, tô canh bầu.. ( Mơ mà cũng hà tiện không dám mơ thịt cá hải sản.)

Bố tôi sau 6 tháng trong trại cải tạo lần đầu được viết thư về, Ông dặn khi lên thăm nuôi, không cần mang theo gì cả vì trong trại có đủ mọi thứ. Hic!

Ông hiểu hơn ai hết, còn cái gì để mà mang cho ông!

Tôi nhớ mãi ngày lên thăm nuôi ông ở trại Thanh Hoá (Hố Nai), cả nhà chỉ có 1 cái xe đạp, còn lại mẹ và các em tôi cuốc bộ 8 cây số mang theo 1 cái giỏ đi chợ lưng lửng với ít thịt kho mắm ruốc, 1 ký đường, 2 hộp sữa và 1 bộ quần áo. Nhìn những người đi thăm nuôi, có người gánh 2 bao đầy mà lòng tôi trào dâng niềm tủi hổ.

Sau đợt đổi tiền ngày 22/9/1975, Chúng tôi như đàn chim vỡ tổ, tất cả bỏ học ngang, vài đứa em nhỏ tiếp tục theo mẹ làm ruộng rau muống, còn lại mỗi đứa một phương trời kiếm sống. Đứa lên Gia Ray vào rừng lấy củi, làm lò than, đứa theo xe lửa bán trà đá, hàng rong, đứa bán thuốc lá.

Hơn 3 năm sau Bố tôi được cho về để nhìn xác nhà tan hoang điêu tàn loang lở, nhìn bầy con xanh khướt, gầy rạc, tản mát. Một chị tôi bệnh tâm thần không người chăm sóc phải lang thang ăn xin đầu đường xó chợ, có lần xin không được, quá đói, chị giựt mấy miếng đậu hũ bỏ chạy, chị bị người ta phang đòn gánh chảy máu lỗ đầu giữa ngày bố tôi được tha về.

Bố không khóc, cũng không nói gì! Qua hàng xóm xin ít bông băng. Lòng ông như xát muối! Có lẽ ông bấy giờ mới thấm sâu mệnh đề “mất Nước là tất cả mất”. Khóc lóc than van ích lợi gì. Giọt nước mắt chỉ làm cho kẻ chiến thắng hả hê say sưa thêm mà thôi.

Rồi theo chủ trương, ông không được ở lại thành phố. Họ hàng nhà tôi đa số cũng là thành phần Ngụy quân, Ngụy quyền nên không ai giúp gì được cho nhau. Cuối năm 1978 Ông lên rừng Gia Ray ngay chân núi, cất túp lều nhỏ bé xiêu vẹo, ngày ngày ông và 2 em tôi sống nhờ rừng.

Ai ở rừng mới biết: ăn của rừng rưng rưng nước mắt! Và từ đó chuỗi ngày lầm than, buồn thảm lại tiếp tục sau hơn 3 năm trong trại cải tạo. Đói nhiều hơn no, buồn nhiều hơn vui. Cực khổ nặng nhọc quần quật suốt cả ngày chỉ đủ kiếm vài lon gạo vài con cá khô.

10 năm sau, tôi đã làm ăn khá hơn, mua được chiếc xe máy Mini scootter, lần đầu tiên lên thăm Ông, quà cho Ông chỉ là 1 lít rượu đế nấu bằng rỉ mật. Ông mừng lắm vì tôi đã tương đối ổn định công việc.

Trong bữa cơm hôm đó, Ông nói:

-Bố năm nay 63 tuổi rồi, cuộc đời không dành cho Bố con mình được sống sum họp và đầy đủ. Dù sao các con cũng cố gắng vươn lên để thoát khỏi bệnh tật, đói khát và tù đày.

Rồi Ông chỉ tay dưới chân ngọn núi Chứa Chan:

– Nhớ lời Bố dặn, nếu Bố có chết, các con không cần quan tài làm chi cho tốn kém, cứ bó chiếu vùi thây Bố dưới chân núi là Bố mát mẻ rồi.

Thú thật, lúc ấy nếu tất cả 12 anh em tôi gom lại chắc cũng không đủ tiền mua cái quan tài loại chót. Ông biết và không muốn các con gánh nặng thêm!

Năm 1999, sau bao nhiêu là khó khăn vì không có tiền làm hồ sơ xuất cảnh diện HO, cuối cùng thì 4 bố con tôi cũng tới được Mỹ. Ngày lên đường mẹ tôi và 9 em phải ở lại vì hộ khẩu lung tung không đuợc phái đoàn Mỹ chấp thuận.

Bốn bố con mà hành trang vỏn vẹn có 5 va ly nhỏ và nhẹ tênh, chưa tới 1/3 tiêu chuẩn trọng lượng.

Đến Mỹ 3 anh em tôi phải đi làm ngay sau tháng đầu tiên để kiếm tiền trả nợ lúc làm hồ sơ. Bố tôi thì ăn welfare vì Ông đã 74 tuổi. Ban đầu hội thiện nguyện giúp thuê nhà, 4 bố con phải ở chung trong 1 căn apartment 2 phòng ngủ cùng với 2 người nữa là 6 người. Quá chật, chúng tôi đành ra ở riêng trong khi Bố tôi được chính phủ Mỹ cho ở nhà Housing. Và từ đó Ông sống cô độc, một thân một mình. Nhưng cũng là lúc Ông làm được một việc lớn nhất, to nhất, ý nghiã nhất kể từ sau ngày 30/4/1975!

Hàng tháng Ông trả tiền điện và tiền nhà chưa tới tổng cộng 80$. Thức ăn thì Ông đi xin các Hội từ thiện miễn phí. Có lần tôi giận Bố kinh khủng. Gia đình tôi cố tình chở Ông vào 1 quán kêu cho Ông mấy món ngon, Ông từ chối, chỉ xin cho 1 diã bánh cuốn là đủ. Ông nói: Ở Việt Nam nhà mình còn quá khổ, Bố không đành ăn ngon bên này nhưng các con đi làm vất vả cần bồi bổ, cứ ăn đi. Mỗi tháng số tiền dư còn lại gần 400$ Bố để dành và cứ 6 tháng Bố gởi về VN cho Mẹ và 9 đứa con còn ở lại.

Chị cả tôi viết thư qua có câu: “Bố ơi, nhiều lần con phải đi bán máu với số tiền 200 ngàn một lần để có tiền nuôi con. Để có 200 ngàn đồng tiền Việt, tụi cò máu nó đã ăn chặn mấy chặng rồi. Cầm 300$ Bố cho mà con cứ ngỡ trong mơ. Đời con chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế… Phải bán 10 lần máu chỉ mới được 150$ …”

Bố đọc thư không khóc! mặc dù Bố biết chị chỉ cân nặng có… 34 Kg! Hic! Gan góc đến thế là cùng! Rồi việc phải tới! Một ngày mùa đông năm 2006, tức sau gần 8 năm ở Mỹ. Tự dưng Bố kêu và đưa tôi 8.000$ và một tờ di chúc – nét chữ vẫn còn rất đẹp dù đã có dấu hiệu nghệch ngoạc biểu hiệu của tuổi già – trong di chúc có nói rõ:

Khi bố chết đi, bố đã hỏi cô Hoa, người của hội thiện nguyện, và biết rằng tiền hỏa thiêu không quan tài chỉ mất có 800$ thôi!. Bố nói bố không cần quan tài, không cần để nhà quàn làm gì cho tốn dăm ngàn, cứ để người ta đưa thẳng bố đi thiêu, trừ tiền thiêu ra, còn bao nhiêu con cứ làm theo di chúc gởi về cho người bên Viet Nam.. Sau đó mấy ngày, Bố đột qụy! Người ta đưa Bố vào trại Dưỡng lão. Rồi Bố hấp hối.

Ba anh em tôi họp nhau và quyết định làm theo di chúc của Bố. Và chúng tôi phải ký một hợp đồng với nhà thiêu. Khi Bố tắt thở, sau 1 tiếng người ta đuổi hết anh em tôi ra, trong phòng người ta bỏ Bố vào 1 cái bao và kéo cái fermeture là xong! Quá đơn giản cho một kiếp người! Khả năng 3 anh em tôi lúc đó mới đi làm ăn lương 1 giờ 8$ (lương tối thiểu ) chỉ vừa đủ tiền nhà tiền ăn. Vẫn biết có làm đám tang bỏ Bố vào quan tài bằng vàng với hàng ngàn người tham dự cũng vậy thôi vì Bố đâu biết gì nữa mà sao tôi vẫn cảm thấy xót xa vô bờ.

Cuối đời của một sĩ quan, từng chỉ huy hàng mấy trăm lính, từng chỉ huy mấy cung đường sắt, âm thầm, vắng lặng và quạnh hiu. Không ai biết, không ai đưa tiễn! Y như một chiến sĩ vô danh! Người ta bỏ Bố lên chiếc xe kéo, đẩy ngang chỗ chúng tôi đang đứng, tất cả con, dâu và cháu chỉ có 5 người, họ dừng lại và hỏi chúng tôi có muốn nói gì không. Tôi có cảm tưởng như một luồng điện lạnh chạy xé dọc sống lưng. Tôi chỉ lắp bắp nói như kẻ không hồn:

– Vĩnh biệt Bố. Từ nay Bố không còn phải hy sinh nữa Bố nhé. Công ơn của Bố cao hơn núi Thái Sơn Bố ạ!

Rồi họ lạnh lùng kéo Bố tôi đẩy lên chiếc xe dài, đi chỗ nào thiêu hay làm gì, ở đâu, chúng tôi không được biết! Họ làm theo hợp đồng.

Tôi không khóc! Không còn nước mắt để khóc!

Hai tuần sau tôi lấy tro cốt Bố. Khi cô nhân viên nhà xác đưa hộp tro cốt ở dưới có ghi tên bố tôi, chỉ đến lúc bấy giờ, nước mắt tôi tự dưng tuôn ra đầm đìa – vô thức!

  • Đào Nam Hoà

☆Một truyện ngắn mà chất liệu được chắt lọc từ hiện thực cuộc sống của nhiều gia đình ở miền Nam sau 30/4/1975. Nay mới biết đây là câu chuyện có thật của một người con kể về người cha vĩ đại đáng kính trọng của anh Nam Hòa


 

Trại giam An Điềm ngược đãi tù nhân lương tâm-Đỗ Thị Thu

Ba’o Tieng Dan

Đỗ Thị Thu

21-4-2024

Chuyến thăm gặp chồng tôi Trịnh Bá Phương ngày 21/4/2024: Hiện tại chồng tôi và một số các anh đang bị đối xử tồi tệ, hà khắc và anh Hoàng Bình bị biệt giam.

Bắt đầu từ ngày 8/4, trại giam An Điềm không mở cửa như trước kia, đóng cửa buồng 24/24, mọi thư từ, đồ ăn, rồi lấy nước sôi đều qua khe cửa. Và việc đóng cửa trại giam, phía trại An Điềm không đưa ra một nguyên nhân, lý do nào. Nhốt giam y như trại tạm giam Hoả Lò. Và chồng tôi khẳng định đây chẳng khác nào một hình thức biệt giam tra tấn tinh thần các anh em trong trại giam.

Phía trại giam An Điềm cũng tịch thu một số đồ dùng của các anh em trong tù và trả lại cho gia đình (đùa chứ em mang về còn nhiều hơn mang đi). Và cũng chính vì việc tịch thu đồ không có nguyên nhân này mà anh Hoàng Bình và phía trại giam xảy ra cãi nhau vậy nên phía trại giam đã biệt giam anh. Ngày đầu biệt giam, anh Hoàng Bình bị xước hết chân vì bị cùm chân tỳ vào.

Và cũng ngày 8/4 chồng tôi, chồng tôi có gửi cho tôi bức thư gồm 4 trang, nói về việc trại giam An Điềm xâm phạm quyền con người và kêu gọi quốc tế can thiệp và đồng hành trong thư có ý kiến của anh Hoàng Bình, Thái Bình và anh Hải. Và cũng trong ngày hôm đó, bốn người bắt đầu tuyệt thực hơn ba ngày để biểu thị sự phản đối xâm phạm quyền con người. Và chồng tôi đã sút bốn cân. Hiện tại tôi vẫn chưa nhận được bức thư nào.

Hiện nay anh Hoàng Bình không được khỏe. Anh bị đau lưng, đau xoang, mất khứu giác và bị đau tim. Anh Hoàng Bình có xin phía trại thuốc đau tim nhưng trại không cho.

Trong một năm nay, chồng tôi không có nhận đồ ăn trại phát như thịt, cá… vì đồ ăn ở đây không sạch sẽ và làm rất mất vệ sinh, có lần chồng tôi ăn và bị tiêu chảy cấp, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải xin thuốc uống. Nguồn nước thì bị ô nhiễm, chồng tôi bị viêm da, chồng tôi sục rửa bể nước thấy rất nhiều các con cá con và các con nòng nọc bị chết.

Hiện nay phía trại giam An Điềm đang đối xử rất tồi tệ với các anh em tù nhân lương tâm trong trại giam An Điềm. Rất mong cộng đồng và quốc tế nên tiếng về việc trại giam An Điềm đã và đang đối xử ngược đãi các tù nhân lương tâm.

Xin chân thành cảm ơn.


 

Cổ phiếu VinFast về 2 đô, nhà máy ở North Carolina bị đình trệ

Ba’o Dat Viet

April 18, 2024

Cổ phiếu Vinfast đang về 1 đô la

Việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ đô la ở bang North Carolina theo kế hoạch của VinFast bị đình trệ sau 9 tháng kể từ ngày động thổ ở gần thị trấn Moncure và hãng đệ trình kế hoạch mới lên chính quyền Quận hạt Chatham trong bang, theo đó sẽ giảm 20% diện tích móng.

Mỗi cổ phiếu của VinFast chỉ bằng 2,72 đô la, thấp nhất từ lúc lên sàn đến nay, khi thị trường Nasdaq ở Mỹ chốt phiên giao dịch hôm 17/4. Cùng ngày, một số trang tin Mỹ cho hay việc xây nhà máy của VinFast ở bang North Carolina bị đình trệ, hãng tính thu nhỏ quy mô.

So với ngày hôm trước, cổ phiếu mã VFS của VinFast mất đi hơn 11% giá trị và là phiên thứ tư liên tiếp bị giảm điểm.

Hôm 11/4, VFS vẫn còn ngấp nghé ngưỡng 4 đô la/cổ phiếu, như vậy, chỉ sau vài ngày ngắn ngủi đã bay hơi gần 33%. Tỷ lệ mất giá lên đến gần 67% nếu tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm nay, theo thông tin mà VOA có được.

Mức vốn hóa thị trường của hãng xe ngày càng co lại, rớt xuống thấp kỷ lục vào ngày 17/4, chỉ còn là gần 7,2 tỷ đô la.

Con số đó thể hiện cú rơi tự do tới 92% kể từ ngày đầu tiên hãng lên sàn vào tháng 8/2023, với mức giá chốt phiên hôm đó là hơn 37 đô la/cổ phiếu và vốn hóa đạt khoảng 85 tỷ đô la. Khi đó, nhiều tờ báo, trang tin Việt Nam ca ngợi hãng xe non trẻ của ông Vượng “vượt qua” cả những hãng xe lâu đời, danh tiếng của Mỹ và thế giới.

Đà đi xuống của VFS diễn ra trong bối cảnh có nhiều thông tin không thuận lợi gồm nhu cầu chung về xe điện toàn cầu chậm lại, các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc tăng hoạt động ở Việt Nam, bản thân VinFast lỗ và nợ nhiều tỷ đô la và ít nhất 5 công ty luật Mỹ theo đuổi vụ kiện VinFast.

Giờ đây lại có thêm tin là việc xây nhà máy của hãng ở Mỹ bị đình trệ và hãng tính thu nhỏ quy mô.

Hai trang The News&Observer và WRAL, đều có trụ sở tại bang North Carolina, đưa tin hôm 17/4 rằng việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ đô la ở bang này theo kế hoạch của VinFast bị đình trệ sau 9 tháng kể từ ngày động thổ ở gần thị trấn Moncure và hãng đệ trình kế hoạch mới lên chính quyền Quận hạt Chatham trong bang, theo đó sẽ giảm 20% diện tích móng.

Phần móng mới sẽ rộng gần 7,3 hectare so với mức ban đầu lên đến hơn 9,2 ha được duyệt hồi tháng 7/2023, theo The News&Observer và WRAL.

Hai trang tin Mỹ mô tả rằng ở thời điểm hai ngày 16 và 17/4, dường như không có gì được hoàn tất thêm tại địa điểm xây nhà máy kể từ lễ động thổ. Quận hạt Chatham nói rằng không có hoạt động xây dựng nào được tiến hành cho đến khi có giấy phép mới cấp cho việc điều chỉnh móng.

(Theo VOA) 


 

Chiên Ta thì nghe tiếng Ta.(Ga 10,27-30)- Cha Vương

Hôm nay Lễ Chúa Chiên Lành và cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi. Xin bạn hãy tiếp tục cầu nguyện cho các linh mục và nam nữ tu sĩ của Chúa nhé. Thành thật đa tạ!

Cha Vương

Chúa Nhật: 21/04/2024

TIN MỪNG: Khi đã cho chiên ra hết, anh [mục tử] ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (Ga 10:4)

SUY NIỆM: Bạn không cần đi đâu xa, ngay trong môi trường sống của bạn bây giờ đang có những tiếng ồn ào náo nhiệt làm bạn mệt mỏi nhức cả đầu. Đúng là cuộc đời vốn luôn ồn ào náo nhiệt trong mọi nơi mọi lúc nếu bạn không biết tự chọn cho mình một nơi thanh vắng để lắng nghe tiếng Chúa. Điều đáng buồn cho con người trong thế giới hôm nay là dường như họ đang mất định hướng trong thế giới náo nhiệt. Họ rơi vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng nhưng rồi con người dường như không bao giờ hạnh phúc trong lợi thú khi họ vất vả tìm kiếm, và càng không có bình yên trong thế giới đầy bon chen tranh giành để sống. Vậy làm sao con người có thể thoát ra được thế giới ồn ào náo nhiệt này? Giải pháp hữu hiệu nhất là bạn phải dành một ít thời gian để lắng lòng, để nhận biết tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Khi bạn có Chúa là trung tâm của cuộc đời mình, bạn có thể nhìn thấy Chúa trong mọi sự. Một khi bạn nhìn thấy Chúa trong mọi sự rồi thì những tiếng động sẽ không làm bạn nhức cả đầu nữa.  Mình mời bạn hãy tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa nhé. Đọc Lời Chúa để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với bạn: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”(Ga 10,27-30)

LẮNG NGHE: Nghe thế, họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con người đang lạng lõng giữa muôn vàn âm thanh trong thế giới ồn ào, xin giúp con luôn chọn Chúa để được bước đi trong bình yên và hạnh phúc.

THỰC HÀNH: Thực hiện liệu pháp “2 Không” để sống bình an và hạnh phúc:

(1) Không để người khác cướp mất bình an của mình.

(2) Không để sự bình an của mình bị lệ thuộc vào cảm xúc, ồn ào, xôn xao, bàn tán, thì thầm của người khác.

From: Do Dzung

Chúa Chăn Nuôi Tôi – Nguyễn Hồng Ân

ĐỂ PHỤC VỤ-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

“Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ bằng việc bị đói; tuy nhiên, Ngài là Bánh Trường Sinh. Kết thúc sứ vụ bằng cơn khát; tuy nhiên, Ngài là Nước Hằng Sống. Bị bán ba mươi đồng bạc; tuy nhiên, Ngài cứu chuộc cả thế gian. Và đã chết như một con chiên; tuy nhiên, Ngài là Mục Tử Nhân Lành!” – Grêgôriô Nazian.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày cầu cho ơn gọi. Hạn từ “ơn gọi” thường bị giới hạn trong chức linh mục và đời sống tu trì. Vậy mà, như chính Chúa Giêsu, mọi thành viên trong Giáo Hội đều đã nhận một “ơn gọi”, ơn gọi đó là ‘để phục vụ’ tha nhân.

Chúa Giêsu là mẫu mực hoàn hảo của mọi ơn gọi, Ngài đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình. Ngài nói, “Tôi là mục tử nhân lành!”. Tất cả những gì Ngài nhận được từ Chúa Cha, Ngài đều cho người khác. Đây cũng là trọng tâm ơn gọi phục vụ của chúng ta. Những gì chúng ta có, những gì chúng ta là đều đến từ Thiên Chúa, và chúng ta được kêu gọi dùng tất cả chúng ‘để phục vụ’ anh chị em mình.

Ai cũng có thể phục vụ bằng những cử chỉ tưởng chừng như nhỏ bé – nhưng thực ra lại rất vĩ đại – nếu chúng được làm bởi một tình yêu chân thành. Những cách chúng ta sống ơn gọi này thường rất khiêm tốn và ẩn giấu; những gì dường như không đáng kể – một đôi tai biết lắng nghe, một lời khích lệ, một cử chỉ nhỏ nào đó – điều mà Tin Mừng có lúc gọi là “chén nước lã”. Bạn không cần phải nghĩ đến một công việc to tát hoặc một nhiệm vụ hấp dẫn nào đó; nhưng hãy làm những gì xem ra tầm thường với một trái tim phi thường!

Phần lớn cuộc đời được diễn ra trên các sân khấu nhỏ! Chính trong không gian đó, ơn gọi phục vụ của chúng ta được thực hiện. Cách bạn và tôi sống ơn gọi phục vụ trong không gian đó sẽ không gây chú ý và có thể không bao giờ được biết đến; tuy nhiên, khi các mối quan hệ được gợi hứng bởi một trái tim yêu thương thì một thế giới mới sẽ được tạo ra.

Hãy chiêm ngắm những tố chất nơi Mục Tử Nhân Lành Giêsu! Ngài yêu thương, biết từng con chiên và cuối cùng, hy sinh mạng sống cho chiên. Ngài yêu thương chúng ta với những sở trường lẫn sở đoản của mỗi người; Ngài biết từng con hẽm tối, từng lối mòn của chiên. Vì thế, Ngài không ngần ngại cất công tìm kiếm. Cuộc đời của Ngài là một cuộc đời quan tâm và hy sinh. Ngài đến, để yêu thương, ‘để phục vụ’, quên mình và chết cho chiên.

Ngài tiếp tục phục vụ, trao ban chính Ngài. Chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ với tấm lòng rộng mở, đón nhận sự phục vụ của Ngài, “Hãy cầm lấy mà ăn!”. Khi nhận lấy chính Ngài, chúng ta để mình được Ngài phục vụ; nhờ đó, có thể sống ơn gọi phục vụ của mình. Chúng ta sẽ phục vụ Ngài nơi người khác như Ngài đã phục vụ chúng ta qua người khác.

Anh Chị em,

“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. Đó phải là mẫu mực và là tiếng gọi bền bỉ trong suốt cuộc đời mà chúng ta không ngừng khám phá những cách thức mới mẻ để đáp trả. Hãy luôn có cho mình một bước đi mới, bất kể chúng ta đang ở đâu trên hành trình cuộc đời. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi tiếp tục phát triển bản thân theo hình ảnh Ngài, và như thế, chúng ta đang nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con như đứa chăn thuê chăm chút vun quén cho bản thân, cho con dám sống, dám chết cho linh hồn của những ai Chúa trao cho con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

 Phụ nữ Việt vượt biên vào nước Anh để trồng cần sa, bán dâm

Ba’o Dat Viet

April 20, 2024

Một thuyền chở di dân lậu đi qua Eo biển Manche

Những di dân Việt đi lậu theo sự điều hành của các băng nhóm tội phạm và họ thường làm việc trong các quán chăm sóc móng tay chân, tức làm nghề nail, hay trong các trại trồng cần sa hoặc hành nghề mại dâm, The Sun và Daily Mail cho hay.

The Daily Telegraph đăng bài trong các ngày từ 15-19/4 trích dẫn các nguồn thuộc Bộ Nội vụ Anh và phát biểu từ người phát ngôn của thủ tướng nói rằng người Việt đi lậu qua con đường nguy hiểm chiếm số lượng nhiều nhất, vượt qua cả các nhóm người Afghanistan – đông nhất năm 2023 – và Iraq, Iran.

Tuy nhiên, các báo Anh viết rằng các nguồn tin tại Bộ Nội vụ không đưa ra con số cụ thể và rằng phải đến tháng 5 bộ mới công bố thông tin.

Theo The Sun, Daily Mail, The Times và The Daily Telegraph, con số di dân Việt đi lậu vào Anh là 505 người hồi năm 2022 nhưng đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái thành 1.323 người và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm nay.

Còn trong 5 năm từ 2018 đến hết năm 2023, dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy 3.356 người Việt đến Anh bằng thuyền nhỏ, đưa Việt Nam vào top 10 nước dẫn đầu các quốc gia có di dân bất hợp pháp vào Anh bằng phương thức nguy hiểm này.

Trong tuần lễ tính đến ngày 19/4, tờ The Sun và The Times nói rằng phần lớn những di dân lậu người Việt là phụ nữ, trái ngược với xu thế của các nhóm quốc tịch khác có tới 3/4 là nam giới.

The Times viết rằng số di dân lậu người Việt tăng vọt được cho là có liên quan đến việc Việt Nam và Hungary ký kết hiệp định mới về visa, giúp người Việt nhập cảnh dễ dàng hơn vào Hungary, nước thành viên của Vùng Schengen vốn cho phép các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) được qua lại nhau một cách tự do.

Những di dân Việt đi lậu theo sự điều hành của các băng nhóm tội phạm và họ thường làm việc trong các quán chăm sóc móng tay chân, tức làm nghề nail, hay trong các trại trồng cần sa hoặc hành nghề mại dâm, The Sun và Daily Mail cho hay.

Họ bị các nhóm tội phạm bóc lột và phải làm việc như nô lệ để trả dần các món nợ mà họ đã vay để trang trải cho hành trình vượt biên từ Việt Nam qua các nước Đông Âu như Ba Lan hay Hungary để đến Anh.

Việt Nam có bãi biển tuyệt vời và phong cảnh đẹp, kinh tế tăng trưởng tới 6%, với nhiều nhà máy của các hãng lớn trên thế giới và được cho là sẽ trở thành một con hổ về kinh tế…, nhưng vẫn có nhiều người chưa thoát cảnh nghèo đói và bị những kẻ buôn người dụ dỗ, lừa phỉnh, do đó liên tục có nhiều người bất chấp hiểm nguy, kể cả nguy cơ mất mạng, vẫn đi lậu sang Anh, các báo của nước này viết.

The Sun và Daily Mail phỏng vấn những người nắm vấn đề, trong đó có ông Dan Barcroft thuộc Cục Tội phạm Quốc gia Anh và bà Mimi Vũ, chuyên gia về chống buôn người và nô lệ hiện đại ở Việt Nam, và họ xác nhận rằng phần lớn những người đó ra đi là vì lý do kinh tế.

Bà Mimi Vũ nói với The Sun và Daily Mail rằng những tay môi giới ở địa phương bên Việt Nam thu phí cho hành trình vượt biên có khi lên tới 43.000 bảng Anh/người (hơn 53.000 đô la Mỹ, hay hơn 1,3 tỷ đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là khoảng hơn 94 triệu đồng/năm.

Nhìn chung, các di dân lậu không có sẵn số tiền nêu trên nên họ phải vay nặng lãi và trở thành nạn nhân bị bóc lột, các báo Anh viết, dẫn lời các chuyên gia.

Hồi năm 2019, đã xảy ra thảm kịch trong đó 39 người Việt đi lậu bị thiệt mạng trong một thùng xe tải đông lạnh ở Essex, Anh, nhưng sự kiện đau lòng này không hề làm giảm làn sóng vượt biên trái phép.

Anh và Việt Nam mới đây ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp và ngăn chặn người Việt mạo hiểm tính mạng khi vượt Eo biển Manche để vào Anh.

(Theo VOA)


 

 Bà Trương Mỹ Lan bị án tử, hệ thống quan chức CSVN chột dạ

Ba’o Nguoi-Viet

April 19, 2024

Văn Nam/SGN

Trong câu chuyện tỷ phú Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vì đã gian lận chiếm số tiền tương đương 3% GDP Việt Nam, Hà Nội nói án tử này là để làm gương, thế nhưng các đối tác từ Liên Minh Châu Âu lại lên tiếng chỉ trích.

Nhà phân tích thời sự Việt Nam, David Hutt, nhận định trên tờ DW rằng có cái gì đó cần phải được nhìn rõ hơn trong vụ án này.

Bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình trong phiên tòa xử vụ án Vạn Thịnh Phát vừa diễn ra tại Sài Gòn. (Hình: ZNews)

Bà Trương Mỹ Lan, 67 tuổi, bị kết án tử hình do cáo buộc tham ô khoảng $12.5 tỷ (11.7 tỷ euro), tương đương khoảng 3% GDP năm 2022 của Việt Nam, toàn bộ rút ra từ Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB).

Bà Lan cũng nợ bất hợp pháp phần lớn cổ phần của ngân hàng, và bị kết tội cho phép các khoản vay dẫn đến khoản lỗ 25.2 tỷ euro.

Tòa án TP.HCM cho rằng án tử là đích đáng, vì hành động của bà “làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cầm quyền.” Đại diện Viện Kiểm Sát cho rằng Lan phải bị ‘tẩy chay khỏi xã hội mãi mãi.”

Nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh án tử hình này. Tường Vũ, giáo sư kiêm giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ-Việt tại đại học Oregon of University, cho biết Đảng Cộng Sản muốn gửi thông điệp tới xã hội Việt Nam rằng họ “nghiêm túc trong việc chống tham nhũng,” và muốn nhắc nhở cộng đồng doanh nghiệp rằng những sai phạm đang bị che giấu, đừng ảo tưởng mọi thứ có thể thoát khỏi sự điều tra của chính quyền.

Tuy nhiên, một thành viên cấp cao của cộng đồng doanh nghiệp Âu châu tại Việt Nam yêu cầu giấu tên cho biết, việc tuyên án tử hình Trương Mỹ Lan thật sự là một “con dao hai lưỡi.”

Người này nói: “Một mặt, điều đó cho thấy Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết nạn tham nhũng, và điều đó đáng được hoan nghênh. Nhưng từ quan điểm tình cảm của người Âu châu, dùng án tử hình là điều khó chấp nhận được.”

Người phát ngôn của EU, Peter Stano, từng nói với tờ DW rằng Brussels phản đối mạnh mẽ án tử hình vào mọi lúc và trong mọi trường hợp. Ông cho biết thêm, EU kêu gọi Việt Nam “đưa ra lệnh tạm dừng áp dụng hình phạt tử hình nhằm xóa bỏ hình phạt tử hình.”

Còn ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cấp cao tại Chương Trình Nghiên Cứu Việt Nam của Viện ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore, cho biết có thể tòa phúc thẩm sẽ hủy bỏ bản án tử hình.

Ông lưu ý, trước đây các tòa án đưa ra các bản án tử hình để gây áp lực buộc các bị cáo phải tiết lộ thêm thông tin về tội của họ, giúp nhà nước bù đắp những tổn thất.

“Nếu bà Lan hợp tác hơn, có thể mức án của bà ấy có thể được giảm xuống còn chung than,” ông Hiệp nói.

Các nhà phân tích cũng cho rằng Đảng Cộng Sản phải cân bằng giữa việc đề nghị khoan hồng để có thêm thông tin về nơi ở của tài sản bị đánh cắp, từ yếu tố răn đe rõ ràng của bản án tử hình dành cho bà Lan.

Việt Nam mở rộng mạng lưới chống tham nhũng

Năm 2016, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản phát động một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, dẫn đến việc sa thải hoặc bỏ tù hàng ngàn quan chức đảng và lãnh đạo doanh nghiệp.

Hai chủ tịch nước, trong đó có ông Võ Văn Thưởng vào tháng trước, từ chức vì bị cáo buộc có dính líu tham nhũng.

Bà Lan và gia đình bà kiếm được một khối tài sản nhỏ trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng trong những ngày đầu của chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát vào những năm 1990, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam áp dụng nền kinh tế thị trường vào năm 1986.

Năm 2001, bà đứng đầu việc sáp nhập giữa SCB đang bị bao vây và hai tổ chức cho vay khác. Các công tố viên, những người được cho là cung cấp hàng tấn tài liệu in làm bằng chứng, khẳng định bà Lan đã sử dụng ngân hàng làm máy rút tiền cá nhân của riêng mình.

Theo cơ quan công tố, bà Lan mua khoảng 90% cổ phần của SCB thông qua các công ty vỏ bọc và các công ty ủy quyền, bất chấp luật pháp Việt Nam cấm các cá nhân nắm giữ hơn 5% cổ phần của bất kỳ ngân hàng nào.

Nhưng cách rút ruột ngân hàng SCB của bà Lan không mới, mà tin đồn về sự tham nhũng của bà Lan xì xầm trong nhiều năm, đặc biệt qua các dấu hiệu bà và các cộng sự thân cận mua rất nhiều bất động sản đắc địa ở TP.HCM.

Chồng của bà, ông Eric Chu Nap-kee, quốc tịch Hong Kong, bị kết án 9 năm tù vì vai trò của ông trong vụ bê bối, trong khi cháu gái của bà bị phạt 17 năm tù. Bốn giám đốc điều hành, bao gồm cả cơ quan quản lý ngân hàng trung ương, bị tuyên án chung thân.

Ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: Saigon Times)

Những lo ngại về ngành ngân hàng Việt Nam

Trong những năm gần đây, chiến dịch chống tham nhũng được gọi là chiến dịch “đốt lò” của Việt Nam ngày càng nhắm vào các công ty tư nhân, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực tài chính.

Chiến dịch này tạo ra hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang cố làm sạch nạn tham nhũng tràn lan ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nhưng Chỉ số Cảm Nhận Tham Nhũng năm 2023 của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế, dành cho Việt Nam chỉ giảm từ 42 xuống 41 trên thang điểm 0-100, trong đó 0 có nghĩa là tham nhũng cao.

Bên cạnh đó, quy mô các vụ án tham nhũng bị phát hiện trong những năm gần đây đặt ra câu hỏi về mức độ tham nhũng còn tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam, mà vụ án bà Lan chỉ là một trong vô số điểm tù mù đáng lo ngại của ngành ngân hàng và tài chính Việt Nam lúc này.

Người ta nhìn thấy sự yếu kém về quản lý, đặc biệt qua sự kiện bà Lan và các cộng sự có vẻ dễ dàng ăn cắp hơn $12 tỷ từ một ngân hàng tư nhân.

Phiên tòa xét xử một vụ lừa đảo quy mô lớn khác trên thị trường chứng khoán liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, nguyên chủ tịch Tập Đoàn Bất Động Sản FLC, nhiều khả năng sẽ bắt đầu trong năm nay. Các công tố viên đang tìm cách kết án ít nhất 51 người liên quan đến vụ bê bối này, sau khi cuộc điều tra kết thúc vào Tháng Hai.

Những nỗ lực chống tham nhũng đang ảnh hưởng rõ đến việc ra quyết định hoạt động ở cấp địa phương. Đây thật sự là con dao hai lưỡi.

Các quan chức nhà nước chột dạ trước án tử của ba Lan, và được cho là ngày càng lo sợ sẽ bị buộc tội làm sai, đến mức giờ đây họ ngần ngại đưa ra những quyết định có tính rủi ro, đặc biệt là ký hoạt động đối với các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết. Vì một quyết định sai lầm có thể khiến họ phải chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến việc họ bị buộc tội thất thoát tiền, và cả chuyện vào tù.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nguyễn Văn Vàng

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

20/04/2024

Trang Việt Nam Thời Báo đã đăng tải một bài viết (“Tu Sĩ Giả, Linh Mục Dỏm”) tuy không nặng ký nhưng khá nặng lời, của tác giả Hoàng Lan Mộc Châu, về giới tăng lữ ở VN:

“Từ trước đến nay người ta phát hiện vô số tu sĩ, là giả, là dỏm. Thường thì bọn dỏm giả hay mang hình thức tu sĩ của các tôn giáo lớn, tổ chức lỏng lẻo, khó kiểm soát như Phật giáo, bây giờ đã có trường hợp linh mục công giáo giả, dỏm gây khó chịu cho người công giáo.”

Tuy không phải là kẻ vô thần nhưng tôi là người vô đạo (bất kể đạo gì) và chưa bao giờ có bất cứ kỳ vọng gì vào những kẻ khoác áo nhà tu nên không hề thất vọng chi về cái đám giả danh hay giả hình này. Chả những thế, trên đường đời – thảng hoặc – tôi còn may mắn gặp được lắm vị chân tu.

Đầu năm 1980, tôi bò đến được bờ biển Thái Lan nhưng bầm dập/te tua/ tơi tả cả xác lẫn hồn. Nơi đây, dưới một mái lều tranh (được dùng như nhà thờ tạm) trong trại tị nạn Songkhla, tôi gặp cha Joe Devlin – một tu sĩ Dòng Tên.

Dù không có nhu cầu học tiếng Anh ở trình độ vỡ lòng, tôi vẫn ngồi yên lặng nghe vị linh mục này giảng dậy rất nhiều buổi chiều – từ tháng này sang tháng nọ – chỉ vì giọng nói hiền hoà, ánh mắt nhân từ, và những cử chỉ bao dung thân ái của ông.

Cuối năm 1980, ở trại tị nạn Galang (Nam Dương) tôi lại gặp được một vị tu sĩ Dòng Tên khác: cha Gildo Dominici – tên Việt là Đỗ Minh Trí. Có thể nói mà không sợ quá lời là trong suốt thập niên 1980, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhiều người Việt tị nạn tại nơi đây (cũng như tại trại Bataan, Phi Luật Tân) tương đối khả kham là nhờ vào sự tận tụy của cá nhân ông.

Đến cuối đời, tôi lại còn được biết thêm nhiều vị tu sĩ can trường và khả kính khác nữa. Họ không chỉ hy sinh, cống hiến mà còn sẵn sàng chấp nhận cái chết một cách thung dung với đức tin mãnh liệt vào tôn giáo của mình.

“Sống chung với một số Thượng-tọa, Đại-đức, học được thái độ an nhiên tự tại, tôi khám phá ra đó là phương thức sống hay nhất trong nhà tù cộng sản và sau này suốt thời gian dài hơn, khổ hơn, nhục hơn ở các trại cải tạo lao động, càng thấy điều đó rất đúng. Cắt được mọi ray rứt, ân hận, tiếc nuối, mong ước, giữ cho tinh thần thật thảnh thơi càng có sức để chống lại âm mưu hủy diệt của cộng sản bằng những thủ đoạn bỏ đói, bỏ khát, cùm kẹp trong xà lim…

Tôi cũng đã gặp một số các Thượng-tọa, Đại-đức như thầy Quảng Độ, Huyền Quang, Thông Bửu, các thầy bị bắt trong vụ Việt Cộng tiếp thu Cô Nhi Viện Quách Thị Trang.. Thái độ chịu đựng những ngày đói khổ ở xà lim, tác phong đúng đắn, tư cách bình tĩnh của các thầy làm nhiều người rất kính phục. (Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu, 1992).

Ở cùng trại, và chung vụ (vụ báo Hợp Đoàn) với tác giả Nguyễn Chí Thiệp là nhà báo Vũ Ánh. Trong Hồi ký Thung Lũng Tử Thần – Người Việt Books, 2014 – ông dành ra nhiều trang để viết về linh mục Nguyễn Văn Vàng. Tôi không có khả năng tóm gọn mối giao tình giữa hai ông nên xin phép được ghi lại đôi dòng, qua ngòi bút của nhà văn Phan Nhật Nam:

“Anh  bị cắt khẩu phần ăn xuống chỉ còn một nửa so với thành phần lao động bên ngoài, nghĩa là chỉ còn 150 grams cho mỗi bữa ăn gồm khoản 5 lát khoai mì khô luộc và một muỗng cơm, tất cả chan đẫm nước muối và được phát cho nửa ca nước một ngày.

Ăn mặn mà uống nước ít, người rất dễ bị phù sẽ ảnh hưởng tới thận. Cho nên đói ăn lúc đó đã trở thành ít quan trọng hơn dù người tù kiên giam đang là con ma đói. Cái khát triền miên đã che lấp đi cái đói. Nếu muốn ăn được những lát sắn kia phải dùng ít nhất nửa phần nước để rửa bớt độ mặn của nước muối được chan vào cơm và khoai mì.

Anh không dám hy sinh những muỗng nước quý như vàng lúc đó để rửa phần khoai. Thế nên chỉ còn cách nhịn ăn, nhưng do càng đói lả thì mồ hôi càng ra như tắm. Và cuối cùng tình trạng kiệt sức ắt sẽ xẩy ra với cái chết chắc chắn. Chết vì đói. Chết vì khát.

Linh Mục Nguyễn Văn Vàng ra tay giải cứu. Ngài nói: ‘Anh không thể nhịn ăn mãi như thế. Nếu Chúa che chở cho mình, thì dẫu bị phù cũng không chết. Bố sẽ hy sinh nửa phần nước để anh rửa khoai mì cho bớt mặn’. Alpha khước từ: ‘Bố (tất cả người tù miền Nam đều gọi các tu sĩ của các đạo giáo là bố) lớn tuổi sức chịu đựng yếu rồi, nhịn khát như con không được đâu’.Ông cười: ‘Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được.

Giải pháp của Cha Vàng đã khiến cho một tuần, hai tuần, ba tuần qua đi nhanh và vô hiệu hóa được sự trừng phạt…. Vào tuần lễ thứ tư, như một phép lạ cuộc trừng phạt tự nhiên chấm dứt với viên cán bộ phát cơm nhà kỷ luật không phải là tên trực trại như thường lệ mà là một anh chàng lạ hoắc. Cuối tháng 11, cả hai được mở cùm cho ra đi tắm. Lần được tắm đầu tiên sau ba năm biệt giam.

Nhưng khi hai người ra đến bờ giếng là muốn trở lại ngay xà lim vì trời vào đông vùng miền núi miền Trung gờn gợn rét sắc. Cha Vàng run bần bật vì gió lạnh do chỉ mặc một chiếc áo len mỏng bên trong bộ đồ tù. Alpha cởi chiếc áo trấn thủ tự chế bằng tấm chăn trước khi đến trại nầy thay thế chiếc áo len mỏng của cha. Cả hai ngồi vào chỗ kín gió xong trở lại phòng biệt giam với chiến lợi phẩm là 10 viên B1 và hai bi thuốc lào do các bạn tù nơi trại nhà bếp và ông L.S, tỷ phú người Hoa đi tù do bị nhà nước đánh tư bản sau 1975 cung cấp.

Vào đến xà lim, hai người đồng thấy ra điều  thất vọng: Lửa ở đâu mà hút thuốc lào! Cha Vàng đưa ý kiến, lấy lửa bằng phương pháp của thời kỳ đồ đá. Ông giảng giải: “Nền văn minh ngày nay đến từ việc phát minh ra lửa. Lửa chế ngự đời sống con người khi họ thoát ra thời kỳ ăn lông ở lỗ… Con người thời kỳ đồ đá đã biết dùng đá chọi vào nhau cho đến khi xẹt lửa” Cha Vàng kết luận: “Chỉ cần một thanh vỏ tre và miếng vải áo mục sẽ tạo ra lửa”, Alpha tạo kế xin từ nhà bếp một thanh tre để cạo lưỡi, và Linh Mục Vàng xé mảnh áo làm con cúi chuẩn tạo nên lửa để hút thuốc lào trong một dịp trọng đại.

Noel năm 1984, Alpha và Cha Vàng thay phiên nhau kéo thanh tre xuyên qua lỗ chiếc dép lốp, từ 9 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ thì “phép lạ” xẩy đến. Đầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa. Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhẹ nhẹ, vết lửa lan ra…

Đúng vào tối 24-12-1984, trước khi Cha Vàng cử hành thánh lễ nửa đêm trong xà lim số 6, hai người đã hút mỗi người một điếu thuốc lào. Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và miệng ngậm búng nước. Vào đúng lúc nửa đêm, cả hai đều cảm nhận được Thánh Lễ Giáng Sinh thực sự đang trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một nhà thờ dường như ở cách nhà giam xa lắm vọng về trong đêm lạnh giá u tịch.”

Không lâu sau, linh mục Nguyễn Văn Vàng qua đời trong xà lim trong xà lim số 6 (Trại Kiên Giam A-20, Xuân Phước) vào tháng 4 năm 1985. Tôi chưa từng biết ai khẳng khái trước việc nước như ngài, và cũng chưa từng thấy ai bình thản chấp nhận khổ nạn một cách thung dung như thế cả.

Chả thế mà cái chết của ông đã khiến cho người bạn đồng tù, nhà báo Vũ Ánh,  thảng thốt: “Nhưng mơ ước của Ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ. Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.”