GIEO LỜI YÊU THƯƠNG

GIEO LỜI YÊU THƯƠNG

Malcolm Dolkoff là một cậu bé nhút nhát, dễ bị tổn thương.  Cậu có rất ít bạn và luôn phải lủi thủi một mình.

 Một lần, cô giáo đọc cho cả lớp một đoạn truyện ngắn.  Loài vật là bạn thân của con người, sau đó phân công mỗi học sinh tự viết đoạn kết cho câu chuyện.  Dolkoff thích lắm, ngay chiều hôm ấy cậu đã hoàn thành bài viết của mình.  Nhưng mãi cậu mới có đủ tự tin đem nộp truyện của mình cho cô giáo vào buổi học tuần sau.

 Những gì cậu viết cũng như điểm số mà cô giáo đã cho không hề quan trọng.  Đối với cậu, điều quan trọng nhất mà cũng là điều cậu nhớ nhất lại chính là 4 chữ cô giáo đã phê: “Em viết hay lắm!”  Chỉ 4 chữ mà cũng đủ thay đổi toàn bộ cuộc đời cậu bé.  Trước khi nhận được 4 chữ đó, cậu chưa bao giờ có khái niệm về bản thân hay những điều mình đã làm.  Còn sau buổi học hôm ấy, cậu đã chạy thật nhanh về nhà, ngồi ngay vào bàn và bắt đầu viết một câu truyện ngắn, một câu truyện về tất cả những điều cậu đã từng mơ tới và không bao giờ dám nghĩ mình có thể biến những giấc mơ đó thành hiện thực.

 Cậu viết ngày càng nhiều hơn và cứ được một truyện cậu lại mang ngay tới cho cô giáo của mình nhận xét.

 Nhiều năm trôi qua, Malcolm Dalkoff đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thay cho cậu bé tự ti ngày nào.  Cậu trở về thăm trường cũ và thăm lại cô giáo ngày xưa của mình.  Điều cậu phải cảm ơn cô không phải vì cô đã trở thành một người bạn của cậu mà chính là 4 chữ đầu tiên cô đã từng phê “Em viết hay lắm!”, bởi những chữ ấy đã có thể thay đổi cả một cuộc đời.

Có những lời nói, cử chỉ tưởng như vô tình lại trở thành nguyên nhân thay đổi cho cả một đời người.  Biết bao con cái rơi vào sự tự ti mặc cảm khi cha mẹ vô tình lặp lại lời chê trách đối với con.  Biết bao con người trở thành hung dữ khi cha mẹ luôn gieo vào tâm trí trẻ thơ những lời nói việc làm chất chứa đầy hiềm khích, bất công.  Và ngược lại, biết bao con người đã bẻ gãy ổ khoá tự ti mặc cảm để can đảm vào đời, khi nhận được một sự khích lệ, một sự cảm thông từ những người thân.  Biết bao con người đã hoàn thiện nhờ vào gương lành của tha nhân đã gieo vào lòng họ những lời nói, những việc làm tốt. Những lời nói, những việc làm của ta tưởng như vô tình nhưng thực ra nó vẫn âm thầm gieo vào lòng những người chung quanh ta để có thể biến đổi họ theo cách sống của chúng ta.

Cha ông ta vẫn thường nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”  Nói cho vừa lòng nhau không phải để lấy lòng nhau hay lừa dối lòng mình.  Nhưng là lựa lời để nói.  Nói để xây dựng con người.  Nói để giúp họ thăng tiến.  Đừng dùng lời nói làm đau lòng người khác, và cũng đừng dùng lời nói để kết án anh em.  Một lời nói có thể thay đổi cả đời người.  Hãy trao tặng cho anh em những lời nói thật chân tình và đầy ắp yêu thương.  Lời nói không mất tiền mua, không phải để chúng ta phung phí bừa bãi, nhưng biết quý trọng từng lời.  Lời nói thể hiện nét đẹp văn hoá nơi con người.  Hãy biết chắt lọc ngôn ngữ.  Hãy làm cho lời nói của ta có giá trị bằng cách biết dùng lời cho vừa lòng nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ra đi gieo vãi Lời Chúa.  Gieo trong kiên trì.  Dù đêm hay ngày.  Người gieo giống luôn gieo vào nhân thế hạt giống của tin mừng, hạt giống của yêu thương và hạnh phúc.  Nếu cô giáo của Malcolm Dolkoff không gieo vào lòng cậu bé lòng tin và nghị lực thì không có một nhà văn tài ba.  Người Kitô không gieo Lời Chúa thì làm sao có cánh đồng lúa bát ngát bông lúa vàng là tâm hồn các tín hữu?

“Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống này nảy mần và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết.”  Sự kỳ diệu của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ.  Người Kitô hãy gieo trong kiên trì, gieo với niềm cậy trông để nhờ ơn Chúa lời ta nói, việc ta làm sẽ sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn gieo vãi yêu thương trong hành trình cuộc sống của chúng ta, để mỗi bước chân chúng ta đi luôn để lại dấu ấn của yêu thương và hy vọng cho nhân thế.  Amen!

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

From: Langthangchieutim

Thân chúc mọi người một ngày Father’s Day , thanh bình vui vẻ và hạnh phúc.

Sonny Doan

CÔ ĐƠN VÀ TĨNH MẠC

CÔ ĐƠN VÀ TĨNH MẠC

Từ ít lâu nay, trong Hội thánh Công giáo đã xuất hiện một phong trào tu đức nhằm vào sự cô đơn.

Phong trào này đào tạo nên những con người:

  • Coi sự cô đơn của Chúa Giêsu là một yếu tố quan trọng của thân phận Đấng cứu Thế được sai vào đời.
  • Quan tâm cách đặc biệt đến những người cô đơn trong xã hội và Giáo Hội.
  • Biết dùng bất cứ cảnh cô đơn nào xảy đến cho chính mình, để thêm cậy tin và phó thác nơi Chúa giàu lòng thương xót.
  • Biết phân biệt cảnh cô đơn không cần thiết và cảnh tĩnh mạc cần thiết cho việc đạo đức.

Với mấy nhận thức trên đây, tôi xin kính mời mọi tín hữu nói chung và mọi môn đệ được gọi vào chức thánh nói riêng, hãy nhìn vào Chúa Giêsu của tuần thánh.  Hãy ngắm nhìn kỹ và suy nghĩ thực sâu, để chia sẻ đôi chút tâm tình của Người.  Bởi vì cô đơn và tĩnh mạc đang và sẽ là vấn đề lớn cho ta và cho cộng đoàn của ta.

  1. Sự cô đơn của Chúa Giêsu

Trong tuần thánh, cảnh nổi bật vây phủ Chúa Giêsu là cảnh cô đơn.

  1. a) Quần chúng trước đây tung hô Người, nay quay lại nguyền rủa Người thậm tệ.  Sự thay lòng đổi dạ đó đã gây cho Chúa Giêsu một sự cô đơn đầy sát khí.  Nó đổ trên Người những bất hiếu, bất trung, vô ơn, độc ác.
  2. b) Sự cô đơn của Chúa Giêsu do quần chúng gây nên lại càng nặng thêm do thái độ các môn đệ thân tín bỏ rơi Người.  Kẻ thì bán Người, kẻ thì bỏ mặc Người bị bắt, kẻ thì chối Người.
  3. c) Sự cô đơn của Chúa Giêsu càng trở nên bi đát, khi Người bị xét xử trước tòa đạo, tòa đời hồi đó.  Những kẻ được nắm quyền do ơn trên, nay lại dùng chính quyền đó để kết án Người với sự hãnh diện của thứ đạo đức giả sành nghề.
  4. d) Sự cô đơn coi như đẩy Chúa Giêsu xuống vực thẳm sâu nhất chính là khi Người cảm thấy như mình bị Chúa Cha từ bỏ.  Chính Chúa Giêsu đã thốt lên một lời diễn tả nỗi khổ đó:“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con” (Mc 15,34).
  1. Sự tĩnh mạc của Chúa Giêsu

Khi Chúa Giêsu bị các nỗi cô đơn đè nặng trên mình, Người đã đối phó bằng sự đi vào cõi tĩnh mạc.

Trước hết là tĩnh mạc địa lý.  Người đi vào vườn Cây Dầu là nơi vắng vẻ.  Khi cầu nguyện, thì chỉ đi với ba môn đệ.  Nhưng rồi Người cũng không cùng với ba môn đệ cầu nguyện chung.  Người cầu nguyện một mình ở một chỗ tĩnh mạc, xa ba môn đệ.

Trong tĩnh mạc địa lý, Chúa Giêsu đi sâu vào tĩnh mạc nội tâm.  Sự tĩnh mạc này giúp Người cầu nguyện, thêm sức cho Người được chịu mọi đau khổ về thể xác và tinh thần.

Sự tĩnh mạc nội tâm này đã được nhận thấy ở sự rất ít nói của Chúa Giêsu, khi bị nhục mạ, bị vu khống, bị kết án.  Ban đầu, Người còn trả lời vắn tắt những câu tra vấn.  Sau đó, Người trả lời bằng sự im lặng.  Trên Thánh giá, Người chỉ nói mấy lời với nội dung yêu thương đối với loài người, và phó thác đối với Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”(Lc 23,46).

Trong sự cô đơn và tĩnh mạc nội tâm, Chúa Giêsu đã rất quan tâm đến những người khác bằng tình yêu thương. 

3. Sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với những cảnh cô đơn

  1. a) Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã an ủi các môn đệ: “Thầy không để các con phải mồ côi”(Ga 14,18).  “Thầy để lại bình an cho các con.  Bình an mà Thầy ban cho các con không giống bình an mà thế gian ban tặng”(Ga 14,27).  “Nếu Thầy không đi, Đấng Bảo trợ sẽ không đến với các con.  Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con” (Ga 16,7).  Hơn nữa, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh để ở lại với nhân loại một cách gần gũi đầy an ủi.
  2. b) Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã nghĩ tới cảnh cô đơn của mẹ Người.  Nên Người đã trối thánh Gioan cho Đức Mẹ, và trối Đức Mẹ cho thánh Gioan và nhân loại.
  3. c) Trên thánh giá, Chúa Giêsu thấy rõ cảnh con người bị tội lỗi xiềng xích là cảnh cô đơn đáng phải sợ nhất, nên Người đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ làm khổ Người, đặc biệt là Người nhận lời kẻ trộm chịu đóng đinh bên hữu Người.  Ông sẽ được cùng Người vào chốn trường sinh.

Trên đây là vài chia sẻ vắn tắt cho một vấn đề đã xưa, nhưng hiện đang là thời sự chi phối bầu khí đạo đức trong xã hội và trong Giáo Hội.

Thực vậy, theo các nhà khảo sát xã hội và quan sát tình hình tôn giáo, thì hiện nay:

  • Số người rơi vào cảnh cô đơn càng ngày càng đông.
  • Số người bị loại trừ cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Cảnh cô đơn và cảnh bị loại trừ diễn ra ngay trong gia đình, trong các cộng đoàn xã hội, cả trong những cộng đoàn tôn giáo.

Động cơ đẩy người ta vào cảnh cô đơn và loại trừ càng ngày càng phức tạp.

Nếu chúng ta không tỉnh thức và cầu nguyện, thì cảnh cô đơn và loại trừ sẽ phát sinh và phát triển mạnh trong Hội Thánh Việt Nam ta.  Đang khi đó, cảnh tĩnh mạc sẽ lại bớt đi.  Lỗi phần nào là do các phong trào không lành mạnh trong xã hội, nhưng cũng một phần do chính những nhẹ dạ hoặc ác ý của một số thành phần thuộc nội bộ Giáo Hội ta.

Xin nhớ rằng: Ác quỷ Satan rất khôn khéo trong việc phá Hội Thánh Chúa.  Phá dưới mọi hình thức. Hiện nay hình thức Satan ưa dùng, là gây nên cảnh cô đơn và loại trừ trong chính nội bộ, đang khi đó chúng lại gây nên cảnh náo động hướng ngoại, thay cho tĩnh mạc cầu nguyện.  Nếu đúng như vậy, thì vấn đề chúng ta nên để tâm nhiều hơn trong tu đức là hãy đón Chúa Giêsu chịu tử nạn vào tâm hồn ta. 

Khi Người là sự sống của ta, thì chính Người sẽ đổi mới ta.  Nhờ Người, ta sẽ biết khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ nắm được một phần nhỏ của các sự thực, để ta sẽ sống bé nhỏ trong việc góp phần xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh có nhiều khác biệt, trên đường hành hương nhiều khi cô đơn và tĩnh mạc. 

Dù cô đơn, dù tĩnh mạc, chúng ta tuyệt đối phó thác cuộc đời chúng ta nơi Chúa tình yêu. “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,9).

 Gm. G.B. Bùi Tuần

From: Langthangchieutim

THÁNH ANTÔN PADUA, LINH MỤC-TIẾN SĨ HỘI THÁNH

THÁNH ANTÔN PADUA, LINH MỤC-TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Lòng tôn sùng rộng rãi và mạnh mẽ đối với thánh Antôn Padua thật lạ lùng so với những sự kiện đời Ngài. Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, với tên gọi là Fernandô. Cha Ngài là hiệp sĩ và viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ II, vua nước Bồ Đào Nha. Fernadô được gởi đi học trường nhà thờ chánh tòa tại Lisbonne. Nhưng vào tuổi 15, Ngài gia nhập dòng thánh Augustinô.

Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Coimbra vì bạn bè đến thăm quá đông. Tu viện Coimna có một trường dạy Thánh kinh rất danh tiếng. Tám năm trời Fernadô nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và kinh thánh.

  1. Biến cố thay đổi

Ngày kia với nhiệm vụ tiếp khách, Ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Morocco. Về sau họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đưa về Coimbra để tổ chức quốc táng. Fernadô mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm. Nôn nóng với ước vọng mới, Fernadô phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ là rời bỏ dòng Augustinô để nhập dòng Phanxicô. Nhà dòng đặt tên Ngài là Antôn và chấp thuận cho Ngài tới Moroccô. Nhưng vinh dự tử đạo không được dành riêng cho Ngài. Ngài ngã bệnh và phải trở về nhà, Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt tới Messina ở Sicyly. Thế là An tôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý. Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp ở Assisi. Năm 1221, và gặp thánh Phanxicô ở đây. Ít lâu sau Ngài được gởi tới viện tế bần ở Forli gần Emilia để làm những công việc hèn hạ.

  1. Biến cố tiếp theo

Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân. Trong một lễ nghi phong chức ở Forli nhà giảng thuyết đặc biệt vắng mặt. Không ai dám thay thế. Cha giám tỉnh truyền cho An tôn lên tòa giảng. Antôn làm cho khán giả kinh ngạc. Người ta thấy ngay trước được rằng: Ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất. Hậu quả tức thời Ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Atalia. Đây là một thời mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết để chống lại các lạc thuyết. Kể từ đó nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa. Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý tới miên Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy. Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ Ngài nhiều, các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe. Người ta phải làm bục cho Ngài đứng ngòai cửa. Nhưng rồi đường phố và quảng trường đã lại chật hẹp quá và người ta lại phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp những 20, 30, 40 ngàn người đến nghe Ngài. Nghe tin Ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án. Suốt đêm dân chúng từ khắp hướng đốt đuốc tụ về. Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của Ngài.

Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng tu sĩ qua những tội nổi bật trong xã hội đường thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ. Đây là một giai thoại điển hình: khi Ngài được mời để giảng ở hội đồng họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của tổng giám mục Simon de Sully. Với những lời mở đầu “Tibi loquor cornute” (Tôi xin thưa cùng Ngài đang mang mũ giám mục trên đầu), thánh nhân tố giác vị giám mục mới tới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.

Cũng tại Bourges, nên ghi lại một phép lạ lừng danh về một con lừa thờ lạy bí tích cực trọng. Với một người Do thái không tin phép Bí tích Mình Thánh. Thánh nhân nói:

– Nếu con lừa ông cưỡi mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh thì ông có tin không?

Người Do thái nhận lời thách thức.  Hai ngày ông ta không cho lừa ăn rồi dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, con vật quên đói quay sang thờ lạy Chúa.

Mùa chay cuối cùng thánh Antôn giảng ở Padua.  Và người ta còn nhớ mãi sự nhiệt tình mà thánh nhân đã khơi dậy.  Dân địa phương đã không thể nào tìm ra thức ăn lẫn chỗ ở cho đoàn người đông đảo kéo tới.  Nhưng sau mùa chay này, thánh nhân đã kiệt sức.  Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Padua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ.  Không nói được nữa.  Ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella.  Tại đây, người ta đặt Ngài ngồi dậy và giúp Ngài thở.  Ngài bắt đầu hát thánh thi Tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13 tháng 6 năm 1231 khi mới 36 tuổi.  Ngài được phong thánh một năm sau, ngày 30-5-1232.  Năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

Năm 1263, trong ngày lễ thánh nhân, hài cốt Thánh Antôn được đưa từ tu viện đến nhà thờ mới, dưới sự điều khiển của thánh Bonaventura.  Khi khai quật phần mộ, da thịt ngài đã tiêu tan hết, đặc biệt lưỡi thì còn y nguyên. Thánh Bonaventura hôn kính “lưỡi đáng kính trọng” ấy, rồi thốt lên: “Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên dụ nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ.” Lưỡi ấy được đặt vào một bình bạc để trên cao cho mọi người tôn kính.  Từ đó, khách hành hương từ khắp nơi đến viếng nhà thờ và mộ thánh để cầu nguyện và xin ơn.  Thánh Antôn hằng ban ơn giáng phúc, chẳng những về thể xác mà nhất là về phần linh hồn.  Chính thánh Bonaventura đã chứng kiến và ca ngợi rằng: “Ai muốn nhờ phép lạ thì phải chạy đến cùng Thánh Antôn.  Người cứu chữa lúc gian nan, giúp đỡ khi túng cực.  Hãy hỏi dân thành Pađua, hãy hỏi các khách hành hương, họ sẽ nói lên sự thật ấy.” 

 Người ta thường vẽ Thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài.  Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là “Tiến Sĩ Tin Mừng” hay Tiến Sĩ Kinh Thánh.

Thánh Antôn Padua đã hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy về tình yêu Chúa.  Ước gì mỗi chúng ta cũng biết noi gương thánh nhân, can đảm hiến thân cho tha nhân, cho Tin Mừng nước Cha.

Tổng hợp

Xin xem thêm sách Thánh Antôn Padua

http://suyniemhangngay.net/ 2016/09/04/thanh-anton-padua/

From: Langthangchieutim

LẠY TRÁI TIM CHÚA GIÊSU NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG CỦA CHÚNG CON

LẠY TRÁI TIM CHÚA GIÊSU NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG CỦA CHÚNG CON

 Tuyết Mai

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn suối mát luôn tuôn chảy trên thân xác và trên linh hồn của chúng con. Không gì khôn ngoan cho bằng là chúng con hằng ngày muốn được ở mãi trong trái tim yêu thương của Chúa. Để chúng con cảm nhận được luôn có Chúa hiện diện và đồng hành trong cuộc đời. Để dâng kính lên Chúa mọi sự việc mà quá sự chịu đựng, quá vất vả và quá khả năng (rất có giới hạn) của chúng con.

Để được Chúa cất đi những gì là đau thương, là yếu đuối, là sa ngã và là thất bại mà sự mất mát quá to lớn, quá đớn đau đến nỗi trái tim của chúng con như bị ai đâm thấu, chảy máu không ngừng và khó có lành lại như trước mà ai ai trong chúng con cũng không thoát khỏi vì đó là con đường đời (dài hay ngắn là đều nằm trong bàn tay uy quyền của Chúa) mà từng người chúng con phải đi qua; đi cho tới mức.

Để rồi nhìn lại xem chúng con đã sống cả một chặng đường đời như thế có ích lợi gì cho ai không? Có thu hoạch được gì cho Chúa không? Có làm hại gì ai không? Và có trả nợ được gì cho ai hay tất cả chỉ là một cuộc sống vô dụng mà lại còn gây tổn thương cho biết bao nhiêu người từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội?. Trong nhà thì luôn là thành phần ăn bám, làm khổ lụy cho tất cả những ai có liên hệ. Còn ngoài xã hội thì luôn là người mà thiên hạ rất sợ khi phải giáp mặt, v.v…

Nhưng Chúa ơi, cuộc đời thì không đơn giản sống như tất cả chúng con cầu mong là có được đâu mà là có quá nhiều những sự lựa chọn sao cho từng việc một được đúng đắn, được có kết quả tốt đẹp chớ không phải dễ dàng như lấy của người làm của mình thì ai cũng làm được; mà quỷ Satan và bè lũ của chúng rất vui và hồ hởi khi một linh hồn được bán cho chúng cách dễ dàng như phê một điếu thuốc phiện rồi mất HẾT.

Chúng con cúi lạy xin trái tim Chúa Giêsu hãy tha thứ và yêu thương chúng con thật nhiều Chúa nhé!. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

7 tháng 6, 2018

——————————————–

https://www.youtube.com/watch?v=LuRuhjfrzds

Tình Chúa Giêsu

Tuyết Mai (41) 01-25-2004

Lậy Chúa Giêsu ơi! Ngài dịu dàng

Là Tình Quân muôn đời của con ơi!

Ngài thật sự là tình yêu tuyệt đối

Ngài thật sự là nguồn vui hạnh phúc

Ngài thật sự là Đấng ban sự sống

Con yêu Chúa tha thiết không ngừng

Con sẽ mãi yêu Chúa yêu suốt đời

Hỡi Ngài Giêsu Đấng Tình Quân ơi!

ĐK:

Này Tình Quân Giêsu ơi!

Tình Ngài là suối nguồn ủi an

Này Tình Quân Giêsu ơi!

Tình Ngài là bóng mát dịu êm

Dù đời con đầy gian truân

Đầy thử thách với đau thương

Ngài tạo con từ bụi tro

Ngài còn ban sự sống

Ngài yêu con suốt một đời

Vì Ngài luôn xót thương

Lậy Chúa Giêsu ơi! Ngài trọn lành

Là tình yêu ngút ngàn của con ơi!

Cả một đời Ngài truyền ban sự sống

Cả một đời Ngài tìm ban hạnh phúc

Cả một đời Ngài gìn con khỏi vấp

Con sẽ gắng trau chuốt linh hồn

Con sẽ mãi dâng trái tim thắm hồng

Chỉ Ngài Giêsu Đấng Tình Quân ơi!

Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai

*** Để cảm tạ, ngợi khen, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chung của tất cả chúng ta, tôi chân thành mời anh chị em hãy dùng những bài hát của tôi để hát, đem đến tận phương trời xa, để làm Sáng Danh Thiên Chúa.

CHỐNG CÁC TAY SAI CỦA QUỶ VƯƠNG

CHỐNG CÁC TAY SAI CỦA QUỶ VƯƠNG

Nếu tôi là Đức Giêsu, tôi sẽ buồn phiền chán nản vô cùng: vừa bị thân nhân gia đình bôi nhọ là: “Ông ấy mất trí”, lại bị nhóm kinh sư từ thành đô Giêrusalem đến xem xét rồi chụp mũ: “Ông ấy bị quỷ vương Bengiêbút ám nhập và dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”.

Đó là những bẫy rất tâm lý và cực kỳ nguy hại của sa tan, để đánh bại chương trình cứu độ của Đấng Cứu Thế như nó đã đánh bại chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.  Trước kia nó đã mặc lốt con rắn cuốn lôi con người bỏ Thiên Chúa mà theo nó phạm tội ăn trái cấm (Bài đọc 1).  Bây giờ, nó núp bóng dưới dạng thân nhân, và kinh sư âm mưu tráo trở công việc cứu độ của Đức Giêsu biến thành công việc của nó.  Đức Giêsu đã mạnh mẽ phản kháng những lừa bịp độc hại của sa tan.  Người liền gọi dân chúng, những con người hiền lành chất phác đến nghe để Người giải tỏa cho họ khỏi nọc độc bịp bợm của rắn quỷ, bằng kiểu luận lý dễ hiểu, ai cũng có thể thấy rõ được: “Nước nào chia rẽ, nước ấy sẽ mất; nhà nào chia rẽ, nhà ấy sẽ tan”.

Một tiền đề sát với đời sống cụ thể của họ và rất sắc bén để dẫn tới áp dụng kết luận:“Vậy satan chống lại satan, satan tự chia rẽ satan, thì chúng không thể tồn tại, tất nhiên chúng dẫn đến diệt vong”.

Người đau đớn quay sang nói với bọn kinh sư, tay sai của quỷ rằng: “Nếu Ta nhờ Bengiêbút mà trừ quỷ thì bè phái các người nhờ ai mà trừ quỷ?  Bởi thế, chính họ sẽ xét xử các ngươi”.

Đồng thời Người cũng cho họ thấy rõ sự thật hiển nhiên là: “Ta đã nhờ Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi” (Mt. 12, 27-28).

Nói đến đây, đáng lẽ ra các kinh sư là những người thông Kinh thánh, họ phải nhớ ra việc Elia xưa đã nhờ Thiên Chúa mà trừ diệt những kẻ dựa vào quỷ Bengiêbút thời vua Akhap và Ôkhôgia vua Israen. Ôkhôgia khi bị đau liệt, ông đã sai sứ giả đi cầu khẩn Bengiêbút.  Thiên Chúa đã thúc giục tiên tri Elia đi đón sứ giả và nói: Ở Israel không có Thiên Chúa sao mà các ngươi lại đi cầu khẩn Bengiêbút?  Cho nên Thiên Chúa phán thế này: Ngươi sẽ chết trên giường ngươi nằm.  Ôkhôgia cố chấp không nghe lời cảnh cáo của Elia, còn sai quan quân tất cả hai lần trăm người đến bắt Elia.  Elia đã nói: Nếu ta là người của Thiên Chúa, thì lửa hãy từ trời xuống thiêu đốt các ngươi đi.  Và lửa từ trời đã thiêu đốt sạch bọn chúng, và cả nhà vua cũng chết, trừ đoàn sứ giả thứ ba biết khấn xin người của Thiên Chúa thì được sống (2V. 1, 2-17).

Những hạng người cầu khẩn tà thần ma quỷ, những người khăng khăng cố chấp những tà thuyết mù quáng, những hạng người ác ý thay trắng ra đen, xuyên tạc công việc của Thiên Chúa sang công việc của quỷ thần, những hạng người đó đã xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng chẳng bao giờ được tha thứ, chúng lì lợm đến diệt vong.

Chỉ có những người ngay lành thiện chí như dân chúng, biết nhận ra lẽ phải, biết lắng nghe lời Thiên Chúa, biết đón nhận những việc lành phúc đức, mới thực sự “là mẹ, và anh em của Đức Giêsu”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết siêng năng chạy đến xum họp chung quanh bàn tiệc thánh Lời và Mình Máu Thánh Chúa, như đám đông dân chúng xưa kia đã ngồi vây quanh Người để lắng nghe.  Xin cho chúng con nhận biết và thực thi thánh ý Thiên Chúa để được vinh phúc trở nên là mẹ và anh em với Người.  Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

(trích trong “Xây Nhà Trên Đá”)

From Langthangchieutim

Chuyện có thật về những người đẹp nổi tiếng đã bỏ tất cả để trở thành nữ tu

Chuyện có thật về những người đẹp nổi tiếng đã bỏ tất cả để trở thành nữ tu

Việc gì trên đời này có thể đem hạnh phúc đến với con người? Có thể làm cho đời sống có ý nghĩa? Phải chăng đó là tiền bạc? Danh vọng? Địa vị? Hay là sự thành công ?  Chỉ có một câu trả lời, chỉ có một Người có thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta mà thôi – đó là Chúa Giê- Su Ki- tô, Chúa chúng ta.

 Ba nghệ sĩ tài sắc này đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng để theo Chúa, trong khi họ đang tiến trên đài danh vọng

 Dolores Hart

  

 

 

 

 

 

 

.  “Nếu mọi người nghe được những gì tôi đã nghe…”

Tên thật Dolores Hicks  sanh năm 1938, nghệ danh là Dolores Hart. Cô đã nổi tiếng ngay từ khi bắt đầu đóng phim . Năm 18 tuổi cô đóng vai người yêu của tài từ Esvis Presley trong phim Loving You . Cô là người hôn Elvis lần đầu trên màn ảnh, qua phim này.T rong 5 năm liên tiếp , cô đã đóng các vai chính trong 9 bộ phim với các tài tử lừng danh như Stephen Boy, Montgomerry Clift, George Hamilton, Robert Wagner. Khi ấy cô cũng đang chuẩn bị để kết hôn.

 Nhưng năm 24 tuổi, trong khi đang có sự nghiệp vững chắc và ở trên đà đành công, thình lình cô tuyên bố sẽ hủy bỏ tất cả để đi theo Chúa. Việc này xảy ra khi Cô thủ vai Clara trong phim Thánh Phanxicô Assisi, trong lúc quay phim tại Ý, Dolores Hart đã gặp Đức Giáo hoàng Gioan XXIII . Khi cô giới thiệu : “Con là Dolores Hart, thủ vai Thánh nữ Clara ”   Đức Thánh Cha trả lời là,  “Không, con chính là Thánh Clara!” Những người mến mộ cô rất thất vọng và họ cũng giận dữ nữa khi họ nghe tin Dolores Hart sắp đi tu .  Cô còn chia sẻ là có một vị linh mục tên là Cha Doody từng nói, “Con thật là điên khi quyết định đột ngột như thế!” Dolores Hart đã trả lời thư một người bạn thân khuyên cô nên bỏ ý định đi tu bằng những lời sau:

 “Nếu hạn nghe được như tôi đã nghe tiếng Chúa gọi, hẳn bạn cũng sẽ đi theo Chúa!” 

  1. Olalla Oliveros

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Chúa không bao giờ lầm lẫn …”

 Olalla Oliveros  là một siêu mẫu ở Tây Ban Nha , sau chuyển sang đóng phim và làm người mẫu quảng cáo trong nước và quốc tế. Sau khi đi hành hương ở Thánh Địa Fatima nơi Đức Me hiện ra năm 1917, cô đã có cảm giác như có “một trận động đất lớn đã xảy ra trong linh hồn tôi”.  Olalla còn có  thị kiến, thấy mình là một nữ tu mặc áo dòng, hình ảnh mà cô đã cho là kỳ quái khi mới thấy lần đầu. Nhưng hình ảnh đó cứ ám  ảnh Olalla  mãi cho đến lúc cô biết là Chúa Giê- Su đã gọi cô từ bỏ lối sống phù hoa để thành nữ tu.  ” Chúa không bao giờ lầm lẫn. Ngài kêu gọi tôi đi theo Ngài, và tôi không thể cưỡng lại được ơn gọi ấy”

Hiện nay Olalla Oliveros đang đi tu trong Dòng Kín Thánh Michael ở Spain.                                                                

 Amanda Rosa Perez

“Hiện giờ tôi sống trong bình an”

Amanda Rosa Perez là người mẫu thành công nhất ở Colombia cho đến 10 năm trước, khi không ai biết tin tức gì của cô nữa  . Nhưng sau đó, Cô đã giải nghĩa về sự vắng mặt thình lình của cô trước công chúng . Cô đã được ban ơn hoán cải tâm hồn, và đang làm việc chung với các nữ tu trong một cơ quan tôn giáo. Lúc trước, khi lên đến đỉnh cao của nghề kiểu mẫu, cô bị mắc một cơn bệnh làm mất đi một phần thính giác. “Tôi đã thất vọng, bực tức, mất hướng đi và chìm đắm trong các cuộc vui. Tôi luôn tìm câu trả lời nhưng thế giới vẫn im hơi lặng tiếng…” 

Hiện giờ Amanda Rosa Perez năng đi xưng tội, rước Lễ, lần Chuỗi Mân Côi, và lần hạt Lòng Chúa Thương Xót. 

“Lúc trước tôi luôn bận rộn, căng thẳng, và hay nổi giận. Tôi chán làm người kiểu mẫu siêu hạng. Tôi chán ngán cái thế giới đầy dối trá, lừa đảo, giả dối, bạo hành; thế giới chỉ nhìn qua bề ngoài, đầy những việc ngoại tình, nghiện ngập, hút sách; một thế giới chỉ tôn trọng vật chất của cải, hưởng thụ, và những việc vô luân.  Bây giờ tôi cảm thấy rất bình an và thế gian không còn cám dỗ được tôi như trước. Tôi trân quý từng giây phút Thiên Chúa ban cho tôi.   Tôi muốn làm một người mẫu kêu gọi cho việc tôn trọng phẩm giá phụ nữ, thay vì là người mẫu dùng cho các quảng cáo thương mại.”

 Bách Việt

From Kim Bang Nguyen gởi

Lạy Trái tim Chúa Giêsu xin thương yêu tất cả chúng con!

Lạy Trái tim Chúa Giêsu xin thương yêu tất cả chúng con!

 Tuyết Mai

Xin trái tim Chúa Giêsu luôn rực ánh lửa của yêu thương rất nồng nàn và đằm thắm xin ban cho con cái của Ngài là những tâm hồn nguội lạnh, cần lắm trái tim yêu của Ngài.

Xin Chúa Giêsu ban cho những trẻ nít được có đầy đủ cha mẹ yêu thương chúng, hướng dẫn, sửa dạy và uốn nắn chúng đi trên con đường ngay thẳng từ tuổi bé thơ như cây non mới dễ dàng uốn nắn và tránh làm gương xấu trước mặt chúng.

Như không nói có, có nói không. Gian manh trong sự cân, đo, đong, đếm và dạy chúng làm y thế. Dạy chúng nói vòng quanh hay dạy một đàng mà làm một nẻo. Làm chuyện người lớn trước mặt chúng như hôn hít ai ngoài mẹ chúng mà nghĩ rằng chúng không biết nhưng sau này chúng sẽ biết hết.

Xin Chúa Giêsu thương ban cho những giới trẻ biết sống có trách nhiệm hơn trên chính bản thân của chúng mà ngày nay cuộc sống rất là khó khăn mà chúng không biết thương cha mẹ; đã luôn vất vả lo cho từng cái ăn, cái mặc, cái học hành mà gắng nhịn đủ thứ ngay cả tiền chữa trị bệnh tật để có tiền đóng học phí cho chúng. Để ít nhất thấy là chúng không mù chữ giống như cha mẹ của chúng.

Xin Chúa Giêsu cũng thương ban cho các cha mẹ trẻ hiện đang có con mọn biết có trách nhiệm nhiều hơn mà lo cho gia đình, biết cái gì đáng xài cái gì không. Vợ chồng biết tôn trọng nhau như thuở ban đầu như câu “Tương kính như tân”. Được nên giống gia đình Thánh Gia mà Ngài là con của Đức Maria và thánh cả Giuse, rất kính sợ Thiên Chúa.

Xin Chúa Giêsu cũng thương đến những cặp vợ chồng có con, đã vì lý do nào đó mà ly dị nhau thì cũng vì tình yêu thương con cái là trách nhiệm chung mà chúng luôn cần tình yêu của cả hai cha mẹ để lớn lên thành người tử tế. Là cả hai biết sống thông cảm, bỏ cái Tôi, bớt đi cái ích kỷ từ trong sự suy nghĩ có thể là thiển cận, chưa biết nghĩ xa hoặc chưa biết hậu quả sẽ dẫn đến chuyện xấu xa như thế nào trên con cái trong tương lai. Là chúng sẽ chọn đi tu, ở giá hoặc không lấy vợ/chồng ngoài ý muốn của chúng.

Xin Chúa Giêsu cũng chúc lành trên các đôi nam nữ trẻ chưa có con cái mà ly dị nhau vì lý do nào đó, ban cho họ một tương lai được bình an trong tâm hồn, xem đó là bài học để không hấp tấp trong tình yêu mù quáng nữa và mỗi người có hướng đi sáng sủa hơn. Cởi trói cho nhau khi tình yêu không còn và hãy buông nhau ra nhưng vẫn tôn trọng nhau chớ đừng gây nên hận thù mà làm mất đi tư cách của chính mình là điều không nên.

Xin Chúa Giêsu thương ban cho các cha mẹ một sự chịu đựng mạnh mẽ vì cuộc đời của các con chúng luôn làm phiền cha mẹ. Mà càng đông con thì lại càng mệt tim hơn và điều quan trọng hơn cả là vì chúng đã trưởng thành hết rồi như chim con nay đã đủ lông đủ cánh, đủ trưởng thành để bay đi sống tự lập nên cha mẹ thực sự đã HẾT CÓ TRÁCH NHIỆM trên chúng rồi. Sau này cho chúng về thăm thì được nhưng đừng chứa chấp chúng.

Có nghĩa thời giờ còn lại thì hãy lo cho chính mình đi, hãy tự thưởng ban cho mình sức khỏe, đi chơi với nhau, sưởi ấm tình vợ chồng để cả hai tâm hồn cảm thấy gần lại với nhau hơn vì giờ còn ai nữa đâu? Cũng vì sự HY SINH quá to tát dành cho các con mà chúng đã làm cho cha mẹ bị hao tổn tinh thần và sinh sực. Có bệnh quên và già nua sớm, sức sống tàn lụi và ở tuổi gần đất xa trời rồi mới được thảnh thơi.

Vâng, thưa Chúa Giêsu có phải cuộc đời trần gian là thế hay không? Đã sanh ra trên dương trần thì ai cũng phải sống như thế chỉ khác nhau lắm là chúng con sống sao có hữu ích cho gia đình, cho xã hội và làm đẹp lòng Thiên Chúa để khi được Chúa Gọi ra đi mãi mãi… thì đó là niềm hạnh phúc nhất trần đời của một con người, con Chúa. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

 2 tháng 6, 2018

TÌNH CHÚA

TÌNH CHÚA

 

Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ giết chết hằng ngàn người.  Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có 2 mẹ con bà Suzanna.  Mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ.  Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt nhỏ.  Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch.  Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: “Mẹ ơi con khát quá.”  Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con.  Nhưng tình máu mủ đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút.  Một lúc sau nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa.  Cứ như thế cho đến khi người ta cứu 2 mẹ con ra.  Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: “Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết.  Nhưng tôi muốn con tôi sống”

 Câu chuyện trên thật cảm động.  Nhưng vẫn không cảm động bằng việc Đức Giêsu tự hiến dâng thịt máu mình cho chúng ta.  Bà Suzanna đã lấy máu của mình nuôi con khi bà biết rằng chắc chắn bà sẽ chết.  Thay vì chết cách vô ích.  Bà đã hy sinh dòng máu của mình để cho đứa con được sống.  Đó là sự hy sinh trong một tình thế bó buộc.  Còn Đức Giêsu thì không có gì bắt buộc cả: Ngài đến trần gian để chết cho loài người.  Càng ngày Ngài càng tiến gần đến cái chết.  Tuy nhiên bất cứ lúc nào Ngài cũng có thể thoát khỏi cái chết ấy.  Dù vậy Ngài vẫn cương quyết đi đến cái chết và cương quyết lấy thịt máu mình làm lương thực nuôi sống loài người chúng ta.  Thật đúng là: “Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng tình của người dám chết cho người mình yêu thương.”  Điểm thứ hai khác biệt giữa bà Suzanna với Đức Giêsu là: việc bà Suzanna hy sinh máu mình cho đứa con chỉ xảy ra một lần; còn việc Đức Giêsu ban thịt máu Ngài cho chúng ta xảy ra hằng ngày, như lời Ngài đã truyền dạy “Chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta.”  Mỗi lần Giáo hội dâng Thánh lễ là mỗi lần việc hy sinh của Đức Giêsu được lập lại, lập lại không chỉ như một tưởng niệm mà lập lại với tất cả hiệu quả có nó.  Hiệu quả ấy là như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời.”

Một điều đáng buồn là lòng chúng ta đã thành chai đá trước tấm lòng của Chúa mà lẽ ra phải khiến chúng ta hết sức cảm động.  Ngày nay ở phương Tây, số giáo dân Pháp, chỉ còn có 10% giáo dân dự lễ Chúa Nhật.  Còn bên Việt Nam chúng ta, số người bỏ lễ Chúa Nhật cũng càng ngày càng nhiều.  Trong số những kẻ còn đi lễ thì nhiều người đứng ngoài Nhà thờ, vừa dự lễ vừa trò chuyện và hút thuốc.  Hình như rất nhiều người đi lễ chỉ vì sợ phạm tội trọng.

Khi Nữ Tu Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin mở trụ sở bác ái, Bà đã gặp các vị lãnh đạo chính quyền và đã được đồng ý nhanh chóng.  Tuy nhiên khi bà xin cho có Linh mục tại những trụ sở đó thì các vị ấy đã ngần ngại.  Lúc Mẹ Têrêxa giải thích: Nguồn sức mạnh của các Nữ Tu chúng tôi là do Mình Thánh Chúa.  Nhờ mỗi ngày được rước Mình Thánh Chúa nên các Nữ Tu chúng tôi có sức hy sinh quên mình để phục vụ những người nghèo khổ.  Do đó cần phải có Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh Lễ và cho chúng tôi rước lễ.  Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Bà là những người đã cảm nghiệm được Lời Chúa phán khi lập phép Mình Thánh Chúa “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời.”

Hôm nay lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.  Chúng ta ôn lại tình yêu bao la của Đức Giêsu khiến Ngài chịu chết vì chúng ta và trước khi chết đã ban Mình và Máu Ngài làm thương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy sự giảm sút lòng sốt sắng của chúng ta đối với việc dự lễ và rước lễ.  Chúng ta thờ ơ với một thứ lương thực quý giá mà Chúa đã ban.  Chúng ta bỏ mất biết bao ơn ích do việc rước lễ mà nhiều người đạo đức rất quý chuộng.

Giờ đây chắc chúng ta biết mình phải làm gì:

– Trước hết, là những người làm cha mẹ, làm ông bà, chúng ta hãy nhắc nhở và khuyến khích con cháu mình thường xuyên tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng.

– Phần chúng ta, mỗi khi dự lễ và Rước Lễ, chúng ta hãy cố gắng sốt sắng.  Đừng làm một cách máy móc theo thói quen, nhưng hãy đặt hết tâm tình vào đó.

Để kết thúc, xin trích đọc sau đây tâm tình của một người đã biết cách dự lễ và rước lễ sốt sắng: “Mỗi Thánh Lễ, tôi lại cảm thấy có điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt.  Mỗi Thánh Lễ, tôi lại thấy mình muốn đặt lên đĩa Thánh một chút cố gắng riêng tư, đau khổ, mơ ước, thao thức…  Tôi không đi dự Thánh Lễ với hai bàn tay trắng, nhưng với lễ vật là chính cuộc đời tôi.  Trong mỗi Thánh Lễ, Lời Chúa lại tác động đến tôi, những lời nói đã nghe nhiều lần tôi nhớ rằng Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho tôi, và tôi cũng phải trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em tôi.”

Sưu tầm

****************************** ****

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

 Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay :
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

 Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con.  Amen. 

Rabbouni

From: Langthangchieutim gởi

Suy Niệm: Chúa hạ bệ người quyền thế và nâng cao kẻ khiêm nhường.

Suy Niệm: Chúa hạ bệ người quyền thế và nâng cao kẻ khiêm nhường.

Luôn luôn có một sự tương phản giữa con người và Thiên Chúa: Con người yêu thích quyền cao, chức trọng; Thiên Chúa yêu mến kẻ hèn kém, khiêm nhường.

Con người thích được mọi người phục vụ; Thiên Chúa yêu mến kẻ phục vụ mọi người.

Con người trốn tránh đau khổ; Thiên Chúa yêu mến những người đau khổ…

Một cách cụ thể, Thiên Chúa chọn cha sở xứ Ars, một người ít học, quê mùa làm quan thầy hàng giáo sĩ; Ngài chọn Mẹ Têrêxa phục vụ kẻ nghèo để đưa bao nhiêu người vào Giáo Hội. Ngài chọn một y tá Martinô để chữa bệnh biết bao người, ngay cả tại Việt Nam.

Thầy Bạch gởi

THÁNH THỂ VÀ THÁNH GIÁ

THÁNH THỂ VÀ THÁNH GIÁ

  1. Đất, nước, đá

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dùng đất nắn nên hình hài (St 2,7).  Từ đó Tổ Tông loài người mang tên Đất (St 4,25;5,1-3).  Ađam, tiếng Do thái nghĩa là đất.

Để cứu Dân Ngài thoát khỏi nô lệ Aicập, vượt qua Biển Đỏ khô chân, lập giao ước Sinai với dân, Thiên Chúa đã dùng Môsê.  Môsê, tiếng Do Thái nghĩa là nước (Xh 2,10).

Khi xây dựng Giáo Hội, Thiên Chúa lại dùng một con người đánh cá tầm thường, khi thì hùng hổ tuốt gươm bảo vệ Thầy Giêsu (Lc 22,50), khi thì sợ hãi chối quanh trước một đầy tớ gái (Lc 22,56-57).  Người ấy Chúa Giêsu đặt tên là Đá (Mt 16,18).  Kêpha, tiếng Do Thái nghĩa là đá.

Như vậy, lịch sử sáng tạo, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa quyện đan với những cái tên tầm thường: Đất, Nước, Đá.

Người Việt Nam chúng ta cũng dùng những tiếng tầm thường ấy để nói lên Một Điều Linh Thiêng.  Linh thiêng đến độ bao anh hùng liệt nữ đã hy sinh mạng sống mình cho điều linh thiêng đó: Đất Nước Việt Nam. (x. Chút mắm muối cho bữa cơm hàng ngày, trang 252).

  1. Bánh và rượu

Chúa Giêsu đã dùng bánh rượu làm nên Mình và Máu Thánh của Người.  Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người.  Bánh và rượu có thể tầm thường nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày của con người.  Chính Chúa Kitô đã muốn trở nên gần gũi và cần thiết đó.  Người muốn bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người để nuôi sống chúng ta hàng ngày.

Tình yêu Chúa Kitô làm nên sáng kiến tuyệt vời.  Vì yêu thương hết mọi người, Chúa đã muốn trở nên bé nhỏ tầm thường trong thân phận một người thợ mộc ở Nazareth để có thể ở giữa mọi người, từ kẻ hèn cho đến người sang trọng, từ người thánh thiện cho đến kẻ tội lỗi, từ người Do thái cũng như dân ngoại.  Để trở thành của ăn nuôi mọi người,Chúa đã muốn trở thành tấm bánh ly rượu.  Chỉ khiêm tốn và giản dị thế thôi để mọi người có thể ăn, chứ không phải là một bữa ăn đắt giá dành cho bậc quyền quý sang giàu.

Khi sinh ra đời, Chúa đã chọn cái chuồng bò.  Khi sống ở Nazareth Chúa đã muốn làm một người thợ giữa những người lao động khác.  Khi bắt đầu rao giàng tin mừng, Chúa đã chọn những người tầm thường trong xã hội làm bạn đồng hành, làm bạn tâm phúc thừa kế sự nghiệp.  Trong giờ sau hết, Chúa đã chọn tấm bánh ly rượu, chọn khung cảnh một bàn ăn giữa bạn bè, chọn một tư gia để Tạ Ơn, trong đó người vừa là chủ tế vừa là của lễ.  Và Chúa muốn Giáo Hội tiếp tục lễ Tạ Ơn theo cách thức của Người bằng những phương tiện đơn sơ là tấm bánh ly rượu.

Chỉ cần một bông lúa, một chùm nho đủ làm nên tấm bánh ly rượu.  Không cần cái gì cao sang đắt giá, to lớn như con bò, con bê, con cừu mà đạo Do thái vẫn tế lễ trong đền thờ.  Với tấm bánh ly rượu, Chúa Giêsu còn muốn cho của lễ Tạ Ơn phải chính là sản phẩm hoa màu ruộng đất, lao công con người, của ăn thức uống căn bản và phổ biến nhất của con người.

Chúa Giêsu là bông lúa, là chùm nho mọc lên từ ruộng đất thế gian, nơi Người nhập thể làm người.  Người đã biến đổi trong thân thể Người là Con Thiên Chúa và cũng là con loài người tất cả tinh hoa của ruộng đất, trở thành bông lúa chùm nho.  Từ bông lúa bị nghiền nát; từ chùm nho bị ép.  Nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại.  Chối từ cám dỗ của Satan hoá đá thành bánh, nhưng Chúa Giêsu đã tự ý biến đổi đời mình thánh Tấm Bánh để nuôi dưỡng con người.

“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.”  Chắc hẳn không ai hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh muốn ăn thịt Đường Tăng, trong truyện Tôn Ngộ Không.  Yêu tinh quyết tâm bắt cho được Đường Tam Tạng để ăn thịt.  Nó tin rằng ăn thịt vị cao tăng này thì sẽ được trường sinh bất tử.  Tôi nghĩ rằng giả như có ai giết Chúa Giêsu để ăn thịt Người (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì.  Vì câu nói “Thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất.  “Thịt và Máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất.  “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất.  Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh.  Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.

  1. Từ Thánh Giá đến Thánh Thể

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha.  Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật.  Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra.  Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới.  Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Người trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể.  Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em.” Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá.  Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.  Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa.  Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người suốt hơn 20 thế kỷ qua. Thánh Giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hy Lạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do Thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.

Thánh Thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô.  Sự hiện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu thì càng lại là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin.  Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời.” Người Do thái đã phản ứng rất mạnh:“Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?” (Ga 6,52); “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?  Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42).  Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).  Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60).  Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa”(Ga 6,66).

Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Người.  Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.  Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63).  Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh Thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.

Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh Thể.  Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể.  Bí tích Thánh Thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh Thể.

Từ Thánh Giá đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến.  Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh Giá đến tình yêu Thánh Thể.  Hiểu như thế để khi dâng Thánh Lễ hay chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta tham dự tích cực linh động với tất cả trí lòng tin yêu.  Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy đem theo hy lễ đời mình để kết hiệp với Hy lễ của Chúa Kitô.  Khi rước lễ là chúng ta gặp gỡ Đấng hy sinh chịu chết, là kết hợp với Đấng đã yêu đến cùng.  Chúng ta được mời gọi sống như Chúa Giêsu, biết bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao.

Đất nước đá cũng như bánh và rượu là những thực tại tầm thường trong cuộc sống, nhưng một khi đã gắn với lịch sử cứu độ là nó trở nên những điều kỳ diệu.

Cuộc sống chúng ta với Thiên Chúa cũng thế.  Sống đời sống thiêng liêng, siêu nhiên một cách tự nhiên.  Sống đời sống tự nhiên một cách thiêng liêng, siêu nhiên.

Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng.  Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Cảm nghiệm Lời Chúa

 

Quả thật, con cảm nghiệm và tin rằng Lời Chúa đã, đang và muôn đời nuôi sống chúng con cả hồn lẫn thân xác – ngay từ bây giờ ở thế gian (Houston) và mai sau. Sự kiện không chối cãi là anh chị em nào cũng tươi, trẻ hơn và tâm linh trong sáng hơn.

Hạt giống Lời Chúa không mục nát thì những ai được Lời Chúa nuôi dưỡng cũng sẽ không mục nát, trái lại cả hồn lẫn thân xác cũng được tái sinh bất diệt.

Khi Chúa về Trời, Lời Chúa hứa thân xác chúng con sẽ nên giống hình dạng Chúa như khi Chúa sống lại.

Lạy Chúa Thánh Thần xin mở lòng trí con thêm mỗi khi “Con Hẹn Gặp Chúa” (1) để Lời Chúa là hạt giống bất diệt sống trong con và con sống trong Chúa.

Amen

Thầy Bạch gởi.
(1) “Con Hẹn Gặp Chúa” là lớp học thánh kinh, mỗi tối thứ năm, ở nhà thờ Ngôi Lời Nhập Thể.