Thánh Antôn Padua (1195-1231)

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh An-tôn, mừng bổn mạng đến những ai nhận thánh Antôn làm quan thầy nhé.

Cha Vương 

Thứ 3: 13/06/2023

Thánh Antôn Padua (1195-1231) người Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phanxicô. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có ở Lisboa, Bồ Đào Nha nhưng mất tại Padua, Ý. Với kiến thức chuyên sâu về Kinh Thánh, ông đã rao giảng mạnh mẽ về đức tin Kitô giáo cho người khác, chính vì thế, ông được phong thánh rất sớm sau khi qua đời và được Giáo hội Công giáo Rôma phong làm tiến sĩ Hội thánh vào ngày 16 tháng 1 năm 1946. Antôn là một người làm việc không biết mệt mỏi. Ông thường được nhiều người ta gán cho tên “Hòm Bia giao ước” hoặc “Cái búa của bọn lạc giáo”.  Người ta thường gọi thánh Antôn Padua là “ông thánh hay làm phép lạ”. Tuy ngay lúc sinh thời Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng Ngài một mực hạ mình khiêm nhu. Chính sự khiêm nhượng cùng với lòng mến Chúa yêu Ðức Mẹ say mê và thương người tha thiết của Ngài đã làm nên nhiều phép lạ…

Tại thành Tulu, nước Pháp, thầy Antôn tranh luận với nhóm rối đạo về mầu nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể. Sau khi nghe thầy trình bày những luận cứ vững vàng, thì một người rối đạo nói:

– “Đã hay lời Chúa Giêsu thì rõ ràng lắm, song nếu con mắt tôi không tỏ tường, thì tôi không tin”.

Thầy Antôn liền hỏi:

– Vậy anh muốn tôi làm phép lạ nào?

– Tôi có một con ngựa. Ngày thứ bốn tôi sẽ dắt ra đây cùng một bó cỏ non. Còn thầy, thầy sẽ đưa Thánh Thể ra trước mặt nó. Nếu nó bỏ cỏ không ăn mà quỳ lạy Thánh Thể, thì tôi sẽ tin có Chúa Giêsu ngự thật trong đó.

Thầy Antôn nhận cuộc, rồi quay về tu viện ăn chay, cầu nguyện ba ngày ba đêm. Đến ngày hẹn, từ sáng sớm, dân chúng đã tuôn đến đầy chợ. Ông chủ dắt ngựa đi trước, đầy tớ đội cỏ theo sau. Đồng thời, thầy Antôn cũng kiệu Mình Thánh Chúa đến và nói lớn: “Hỡi con vật vô tri, nhân danh Chúa Giêsu đã dựng nên mi, và đang ngự trước mặt mi, ta truyền cho mi phải quỳ gối thờ lạy Chúa, để thiên hạ biết rằng vạn vật trên trời, dưới đất phải thờ lạy Ngài”.

Đang khi thầy nói, thì đầy tớ vâng lời chủ vội đem sọt cỏ đặt ngay trước mõm ngựa, nhưng nó chẳng thèm để ý tới: chỉ vội vàng quỳ hai chân trước xuống thờ lạy Chúa; dù tên đầy tớ ra sức ấn cỏ vào mồm, nhưng ngựa vẫn không thèm ăn, cứ quỳ yên cho đến khi thầy Antôn kiệu Mình Thánh Chúa về mới đứng lên ăn. Phần người rối đạo nói trên cùng cả dòng họ thì đã trở lại đạo thật và sống đạo nên gương. Ông lại còn bỏ tiền của xây một đền thờ tôn kính thánh Phêrô tại thành Tulu, đến nay hãy còn.

Lạy Chúa, vì lời cầu bầu của thánh Antôn, xin nâng đỡ chúng con, vì chúng con yếu đuối và bé mọn, trong cơn đau đớn phần hồn và xác,… (thinh lặng nói lên ý cầu xin) xin giúp chúng con trung thành với Chúa đến cùng. Lạy thánh Antôn hay làm phép lạ, cầu cho chúng con.  Lạy Thánh Antôn, xin cầu bầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

Theo Chúa -tinmung.net 

Khi lãnh bí tích Rửa tội, người ta nhận một tên, điều này có ý nghĩa gì?

Mùa Hè nóng quá đi! Đừng để con tim bạn bị lạnh vì thiếu Tình Chúa nhé. 🙂 Chúc bình an!

Cha Vương

Thứ 2: 12/06/2023

GIÁO LÝ: Khi lãnh bí tích Rửa tội, người ta nhận một tên, điều này có ý nghĩa gì? Qua tên ta nhận khi lãnh bí tích Rửa tội, Thiên Chúa như nói với ta: “Ta đã gọi tên con, con thuộc về Ta” (Is 43, 1). (YouCat, số 201)

SUY NIỆM: Khi được rửa tội, con người không bị tan biến trong một khối vô danh, trái lại nhân cách của họ được xác nhận. Nhận một tên khi được rửa tội có nghĩa là: Chúa biết ta, Người nói với ta, “tốt”, “được” và đón nhận ta đời đời với tất cả nét đặc thù của ta.

❦ Tôi được mời gọi để làm hoặc để là cái mà không ai khác được mời gọi. Trên trái đất của Chúa, tôi có một chỗ trong chương trình của Chúa mà không ai có như vậy. Dù tôi giàu hay nghèo, bị khinh dể hay được trọng vọng bởi người đời, Chúa biết tôi và gọi tôi bằng chính tên tôi. (Hồng y John Henry Newman) (YouCat, số 201 t.t.)

LẮNG NGHE: Nhưng bây giờ, đây là lời ĐỨC CHÚA phán, lời của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Gia-cóp, lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Ít-ra-en: Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta! (Is 43:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì yêu Chúa đã dựng nên con giống hình ảnh của Chúa. Chúa còn ban cho con được làm con cái Chúa qua Bí Tích Rửa Tội để được sống hạnh phúc mãi mãi với Chúa. Xin giúp con biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng vui sống bên nhau, đem lại hạnh phúc cho nhau để làm vinh danh Chúa.

THỰC HÀNH: Tên thánh (còn gọi là thánh quan thầy hay thánh bảo trợ) của bạn là gì? Bạn có biết ngày lễ bổn mạng (còn gọi là lễ quan thầy) của bạn là ngày nào không? Tập thói quen đọc kinh thánh quan thầy của mình để xin các ngài hướng dẫn và cầu bầu cho bạn nhé.

From: Đỗ Dzũng

Ngài Gọi Tên Con | Sáng tác: Dương Quảng | Trình bày: Nguyễn Minh Tâm

Thánh Ephrem (306-373), Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh-Cha Vương

Chúc một ngày bình yên nhé.  Hôm nay 9/6 Giáo Hội kính nhớ Thánh Ephrem (306-373), Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương 

Thứ 6: 09/06/2023

Thánh Ephrem là nhà thơ, nhà giáo, nhà hùng biện và bảo vệ đức tin, Thánh Ephrem là người Syria duy nhất được xưng tụng là Tiến Sĩ Giáo Hội. Ngài tự mặc cho mình một trọng trách là chống với các học thuyết lầm lạc đang lan tràn vào thời ấy, và luôn luôn là người bảo vệ đức tin Công Giáo mạnh mẽ.

Sinh ở Nisibis, Mesopotamia, Thánh Ephrem được rửa tội khi là thanh niên và nổi tiếng là một thầy giáo nơi quê của ngài. Khi hoàng đế nhượng lại phần đất Nisibis cho người Ba Tư, Ephrem cùng với các Kitô Hữu khác trốn sang Edessa (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) để tị nạn. Ngài được cho là đã đem lại vinh dự lớn lao cho một trường kinh thánh ở đây. Ngài được phong chức phó tế nhưng không muốn làm linh mục.

Ngài có tài sáng tác văn chương và các tác phẩm phản ảnh sự thánh thiện của ngài. Mặc dù không phải là một học giả vĩ đại, các văn bản của ngài cho thấy sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh. Khi viết về mầu nhiệm của sự cứu độ loài người, Thánh Ephrem cho thấy một tâm linh nhân bản dễ mến và thiết thực cũng như sự sùng kính lớn lao đối với nhân tính Ðức Giêsu và Mẹ Maria.

Người ta nói rằng vào năm 325, ngài đã tháp tùng đức giám mục Giacôbê của Nisibis đi tham dự Công Ðồng Nicea. Chắc chắn rằng các văn bản của ngài là một bảo vệ hùng hồn cho thần tính của Ðức Giêsu Kitô. Ngài còn sáng tác thi ca để chống với lạc giáo Gnostic. Ngài lấy những bài ca bình dân của người lạc giáo, và dùng chính âm điệu của họ, biến đổi thành những thi ca mang ý nghĩa chính truyền. Thánh Ephrem là người đầu tiên đưa thánh thi vào phụng vụ chung của Giáo Hội như một phương tiện để dạy dỗ người tín hữu. Ngài sáng tác thi ca nhiều đến nỗi được xưng tụng là “Ðàn Thụ Cầm của Chúa Thánh Thần.”

Thánh Ephrem yêu quý một đời sống thanh bạch, khắc khổ trong một hang nhỏ ở ngoại ô thành phố Edessa. Ngài cũng thường vào phố để rao giảng. Trong thời kỳ nạn đói năm 372, ngài tiếp tay phân phối thực phẩm cho người đói, và tổ chức việc chữa trị người đau yếu. Ngài tận tụy trong công việc này đến nỗi kiệt sức, lâm bệnh và từ trần vào khoảng năm 373.

LỜI BÀN: Nhiều người ngày nay vẫn khó chấp nhận việc ca hát trong nhà thờ. Tuy nhiên, ca hát là một truyền thống có từ thời Cựu Ước và Tân Ước. Ðó là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ cũng như kết tạo tinh thần hợp nhất và niềm vui cho cộng đoàn. Thi ca của Thánh Ephrem được một sử gia thời xưa xác nhận là đã “đem đến vẻ lộng lẫy cho cộng đoàn Kitô Hữu.” Ngày nay, chúng ta cũng cần có những người như Thánh Ephrem để cộng đoàn thêm thánh thiện trong lời ca tiếng hát. (Nguồn: Người Tín Hữu online)

From: Đỗ Dzũng

Điều gì xảy ra khi lãnh bí tích Rửa tội?-Cha Vương

Xin Chúa gìn giữ bạn và gia quyến để bạn đừng xa lạc con đường Chân Thiện Mỹ nhé. Nhớ cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 5: 08/06/2023

GIÁO LÝ: Điều gì xảy ra khi lãnh bí tích Rửa tội? Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên chi thể của thân thể Chúa Kitô, anh chị em của Đấng Cứu chuộc, con cái Thiên Chúa. Chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự chết, được lãnh số phận sống vui trong Đấng Cứu chuộc ta. (YouCat, số 200)

SUY NIỆM: Được rửa tội có nghĩa là lịch sử đời tôi được chìm đắm trong dòng chảy tình yêu của Chúa. Đức Bênêđictô XVI nói: “đời tôi thuộc về Chúa Kitô chứ không còn thuộc về tôi nữa… Được Chúa tháp tùng, vâng, được Chúa đón nhận vào tình yêu của Người, tôi được thoát khỏi sợ hãi. Chúa bao bọc tôi và mang tôi đi tất cả nơi nào tôi đi, Người là chính sự sống”. (YouCat, số 200 t.t.)

❦  Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. (Rm 6,4)

❦  Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. (1 Tm 2,4)

Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5)

❦  Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. (Rm 14,8)

❦  Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. (1 Cr 12,13)

LẮNG NGHE: Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. (Rm 8,17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, qua bí tích rửa tội, Chúa đã cho con được tái sinh nhờ nước thánh tẩy, để nên một với Đức Kitô. Xin Chúa thương phù trì, giúp con luôn chiến thắng tội lỗi và trung thành đáp lại tình thương của Chúa.

THỰC HÀNH: Bạn có nhớ người lãnh nhận bí tích Rửa tội thề hứa những gì không? Từ bỏ ma quỷ, xa lánh tội lỗi, tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và giữ lề luật của Ngài. Hôm nay, xin bạn hãy cố gắng sống theo lời hứa của mình nhé.

From: Đỗ Dzũng

Đoan Hứa – Phương Thảo (Sáng tác: Dương Nhân) 

Bí tích Rửa tội có phải là cách duy nhất để được cứu rỗi không?-Cha Vương

Mỗi ngày Chúa trao cho bạn một tờ giấy trắng. Bạn sẽ là người vẽ lên đó, vì thế hãy vẽ sao cho đẹp lòng Chúa nhé. Chúc bình an! Mời bạn tiếp tục suy niệm những bài Giáo Lý căn bản trong quyển Giáo Lý YouCat.

Cha Vương 

Thứ 4: 07/06/2023

GIÁO LÝ: Bí tích Rửa tội có phải là cách duy nhất để được cứu rỗi không? Đối với những ai đã đón nhận Tin Mừng và đã biết Lời Chúa Giêsu dạy: “Thầy là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6), bí tích Rửa tội là con đường duy nhất cho họ đến cùng Thiên Chúa để được cứu độ.

Nhưng vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người, và mọi người đều được mời gọi để được cứu độ nên dù một người không có cơ hội học biết về Chúa Kitô và đức tin, mà họ tìm Chúa cách chân thành và sống theo lương tâm mình, họ cũng gặp ơn cứu độ.

Họ được rửa tội bằng lòng muốn. (YouCat, số 199) Trong Hội thánh Công giáo, có 3 hình thức rửa tội, nó cho chúng ta biết những người chưa được rửa tội có thể đến được cửa thiên đàng như thế nào.

  1. RỬA TỘI BẰNG NƯỚC: Rửa tội bằng nước là hình thức “thông thường” quen thuộc nhất mà chúng ta thấy.Baptism

 

2. RỬA TỘI DO LÒNG MUỐN: Hình thức rửa tội thứ hai này khó hiểu nhất và cũng là một trong những hình thức giải thích cởi mở nhất. Ví dụ rõ ràng nhất về hình thức rửa tội do lòng muốn, tức là khi một người đang trên tiến trình nhận phép rửa nhưng không thể hoàn thành nó. “Đối với những người dự tòng chết trước khi được rửa tội, nếu họ minh nhiên ước muốn được rửa tội, đồng thời sám hối tội lỗi và sống đức mến, thì họ được bảo đảm ơn cứu độ, dù chưa thể lãnh nhận bí tích” (GLCG 1259)

 

3. RỬA TỘI BẰNG MÁU: Sau rửa tội bằng nước, hình thức rửa tội này là rõ ràng nhất. Về cơ bản đó là khi một người chưa được rửa tội nhưng chết vì đức tin Kitô giáo. “Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô” (GLCG 1258).

Baptism by Blood and the Apostle James - Taylor Marshall

SUY NIỆM: Thiên Chúa đã liên kết việc cứu rỗi với các bí tích. Vì thế Hội thánh phải không ngừng trao ban cho nhân loại. Từ chối sứ mệnh này là phản bội lệnh truyền của Chúa. Nhưng chính Chúa không bị trói buộc vào các bí tích của Người. Nơi nào Hội thánh chưa đến được, hoặc không làm được – dù do lỗi của Hội thánh hoặc vì các lý do khác – chính Chúa mở ra cho con ngưởi một đường khác để được cứu rỗi. (YouCat, số t.t.)

LẮNG NGHE: Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12:50)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết tầm quan trọng của ơn cứu rỗi để con sống thánh thiện hơn mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Kiểm tra lại lối sống của bạn coi nó có minh chứng cho đức tin của bạn không?

Đường con theo Chúa -tinmung.net

Thánh Nôbertô (1080-1134), Giám Mục-Cha Vương

Một ngày tốt đẹp nhé, hôm nay Giáo Hội kính nhớ Thánh Nôbertô (1080-1134), Giám Mục. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương

Thứ 3: 6/6/2023

Thánh Nôbertô sinh ra trong một gia đình quyền uy, thế giá, giầu sang, phú quí vào năm 1085 tại miền Phénanie. Ngay từ nhỏ thánh nhân đã được dậy dỗ cẩn thận để có thể nối nghiệp cha mình lúc đó đang có thế giá, chức vị trong triều đình. Nhờ óc thông minh, lòng ham học, sự phán đoán chính xác và sự phấn đấu cầu tiến không biết mệt mỏi, thánh nhân đã thành công trên đường học vấn, thi đậu và được tuyển thẳng vào làm việc trong triều đình của Hoàng Đế Henri V. Thánh nhân tuy sống trên nhung lụa quyền hành, thế giá trong tay nhưng Ngài vẫn cảm nghiệm:” Phù vân là phù vân”…

Mọi sự trên đời như bóng mây, như gió thổi, như mây bay, Ngài cảm nghiệm sâu sắc lời Chúa nói với người thanh niên giầu có:” Hãy về bán hết của cải, phân chia cho kẻ nghèo khó, rồi hãy đến theo Ta”.

Thánh nhân đã ước ao đi tìm một cái gì tuyệt đối, cao thượng hơn, đẹp đẽ hơn. Nên, nghe được tiếng Chúa mời gọi, thánh nhân đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Thánh nhân đã cố gắng tu tập, sau khi lãnh nhận sứ vụ linh mục, Ngài đã nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và đem được không biết bao linh hồn quay về với Chúa.

Thánh nhân có đức tính nổi bật nhất là yêu thương người nghèo, sống tinh thần nghèo khó như lời Chúa nói trong tám mối phúc:” Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ”( Mt 5, 1tt…).

Thánh nhân đã hoán cải được biết bao tâm hồn tội lỗi nhờ sự hy sinh và lòng nhiệt thành, đạo đức, thánh thiện của Ngài.

Thánh Nôbertô vâng lệnh Ðức Giáo Hoàng và được đặt làm giám mục Mardebourg.  Với một tấm lòng say mê Chúa, với một tâm hồn đạo đức, thánh thiện, thánh Nôbertô luôn vâng lời vì thế năm 1120, Ngài đã tuân hành ý của Đức Thánh Cha Calixtô II, thiết lập một tu viện tại miền Prémontré với ý hướng, tôn chỉ: “sống nghiêm nhặt và chuyên về cầu nguyện”. Danh tiếng tốt lành của Ngài lan tỏa và trí thông minh sáng suốt của Ngài đã là nét son cho Ngài vì thế Ngài đã được bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Mardebourg. Trên ngôi vị Giám Mục, thánh Nôbertô đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách: phục hưng lại nền luân lý lúc đó đang bị suy đồi, bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội đang bị giới quyền thế đàn áp.

Thánh nhân đặc biệt lưu tâm tới sự độc thân của giới linh mục vì nước trời. Thánh nhân đã làm việc không ngơi nghỉ, với cương vị Giám Mục, Ngài đã làm được biết bao việc tốt đẹp cho Địa Phận, cho Giáo Hội.

THÁNH NÔBERTÔ CÓ CÔNG NHIỀU VỚI GIÁO HỘI: Thánh Nôbertô đã rất có công đối với Hội Thánh: đặc biệt Ngài đã giúp Đức Giáo Hoàng Innocentê II cách đắc lực khi công đồng Reims được triệu tập. Thánh nhân cũng phải đương đầu mạnh mẽ, quyết liệt với nhóm ly giáo Pierre de Léon.

Thánh nhân đã làm việc không ngừng nghỉ. Nên, sau cùng vì quá mệt mỏi, kiệt quệ với công việc, thánh nhân lâm bệnh nặng và ra đi trở về với Chúa vào ngày 06 tháng 6 năm 1134 tại địa phận Mardebourg, nước Pháp. (Nguồn: Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Bạn nghĩ gì về câu nói của thánh nhân sau đây: “Một người nói nhiều, quá tò mò và hay bồn chồn giống như một cái lò mở toang mọi phía và không giữ được nhiệt; bạn sẽ không bao giờ tận hưởng được sự ngọt ngào của một lời cầu nguyện trong thinh lặng trừ khi bạn đóng tâm trí mình trước mọi ham muốn trần tục và những công việc trần tục.”

Thánh Nôbertô, cầu cho chúng con biết nói ít lại và làm nhiều hơn một tí.

From: Đỗ Dzũng

Nên Thánh Giữa Đời – Xara Trần – (St: Sr Têrêsa) 

HOA QUẢ THỨ 12: Khiết Tịnh – Cha Vương

Hôm nay Chúa ao ước bạn có một quả tim đơn sơ và trong sạch đó. Bạn có thể làm Chúa hài lòng được không?

Cha Vương

Thứ 7: 03/06/2023

TIN MỪNG: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5:8)

HOA QUẢ THỨ 12: Khiết Tịnh (thanh khiết, đức thanh sạch) là thói quen tiết chế ham muốn tình dục vì lý do chính đáng. (Theo Thánh Thomas Aquino và triết gia Aristotle)

SUY NIỆM: Trong xã hội mà những phim ảnh đồi truỵ đang len lỏi vào từng ngõ nhách của môi trường sống của con người một cách quá dễ dàng thì thật là nguy hiểm quá. Có những người ôm cái iPhone/iPad của mình trong phòng riêng hoặc trong mền đến nỗi mặt mũi họ phờ phạc ra, họ quên ăn quên ngủ. Mình không giám kết án họ đã xem gì hoặc chơi những trò chơi gì nhưng đây là nỗi lo âu rất lớn của các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục.

Asian Child Girl is Avoiding Reading Book,she Wants To Use a Mobile ...

Khi con người đã không kiềm chế được ham muốn dục vọng của mình như—tình dục, chè chén, chơi bời, dâm đãng, bài bạc… thì việc giáo dục về đức khiết tịnh lại càng trở nên cấp bách. Con người sẽ bị mất đi nhân tính và họ quên đi những việc họ đang làm hoàn toàn trái ngược với ý định của Thiên Chúa. Do đó đức kiết tịnh rất cần thiết để giúp con người biết tự chủ hoặc chế ngự các đam mê để được bình an hạnh phúc, nếu không thì họ sẽ trở thành nô lệ của những đam mê và trở nên bất hạnh. Sống khiết tịnh là nhiệm vụ của mỗi người tuỳ theo mỗi ơn gọi. Có ba hình thức sống khiết tịnh: khiết tịnh của bậc hôn nhân, khiết tịnh của người góa bụa và khiết tịnh của kẻ đồng trinh. Giáo Hội không ca tụng lối sống này mà loại bỏ lối sống khác. Hiển nhiên, như hoa quả của Chúa Thánh Thần, khiết tịnh không phải là điều người ta có thể đạt đến nếu không muốn bỏ công cầu nguyện hay nỗ lực. Quả ngọt trên cây thường xuất hiện sau cùng. Vì thế, để là hoa quả  của Thánh thần, đòi hỏi một quá trình vun trồng thật tốt trong ơn nghĩa Chúa.

Teaching us that, denying ungodliness and worldly lusts, we should live ...

Để bắt đầu sống khiết tịnh trong thế giới với đủ loại cám dỗ, bạn phải có một đời sống nội tâm mạnh mẽ; kết hiệp với Chúa qua việc ăn chay hãm mình, tham dự Thánh Lễ thường xuyên và lãnh nhận các bí tích sẽ là những việc cần thiết cho những ai muốn đạt được nhân đức này.

LẮNG NGHE: Thánh Phaolô viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:12-14).

Romans 13:12 | joshtinpowers | Flickr

 

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là hơi thở của hồn con, xin tạo cho con một quả tim trong sạch, với đôi mắt trong ngần và thanh khiết để con chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa.

 THỰC HÀNH: Xoá bỏ những kênh YouTube không lành mạnh.

From: Đỗ Dzũng

Quả Tim Trong Sạch – Thánh Vịnh 50

HOA QUẢ THỨ 9: Tiết Độ-Cha Vương

Thứ 6 rồi bạn ơi! Bình an, hạnh phúc, tiết độ đến với bạn hôm nay và cả weekend nữa nhé.

Cha Vương

Th 6: 02/06/2023

TIN MỪNG: Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. (2 Tm 1:7)

HOA QUẢ THỨ 9: Tiết Độ—Tiết độ là nhân đức nhân bản giúp ta kiềm chế sức lôi cuốn của dục vọng—những thú vui, giúp làm chủ bản năng và sử dụng chừng mực những của cải đời này.

SUY NIỆM: Bạn đang sống trong môi trường tràn ngập với những lời mời gọi hấp dẫn để đáp ứng cho nhu cầu dục vọng của con người. Mọi thứ “thượng vàng hạ cám” lẻn vào gia đình, vào mảnh vườn tâm hồn của bạn một cách quá dễ dàng qua các thiết bị vi tính điện tử, mạng Internet, Wifi, v.v…  từ đó bạn trở nên u mê ù lì trong  cõi riêng tư của chính mình, rồi bạn theo đuổi những tham vọng của bản ngã, của những đam mê vô trật tự… bạn không cần ai nữa kể cả Thiên Chúa.  Một khi bạn nói “CÓ” một cách dễ dàng với “đủ thứ” chung quanh thì việc rèn luyện nhân đức tiết độ lại càng trở thành khó khăn và có khi được coi như là việc làm cổ lỗ sĩ nữa. Ngược lại khi bạn nói ‘KHÔNG’, bạn sẽ đương đầu với một cuộc chiến nội tâm. Cuộc chiến này sẽ giúp bạn nhận định ra địa vị của mình trong thế giới, trong môi trường sống của mình. Đôi khi bạn phải mạnh dạn nói “KHÔNG” với những cám dỗ, những hào nhoáng tạm thời, những tư tưởng nông cạn và tiêu cực… để bạn có thể nói “CÓ” với những gì có giá trị thật sự và thể hiện chúng bằng hành động với lòng yêu thương và trung tín. Để rèn luyện nhân đức tiết độ bạn phải làm quen với việc nói ‘KHÔNG’ để dành phần thắng trong cuộc chiến nội tâm này, chắc chăn nó sẽ dẫn bạn đến một cuộc sống bình thản và hạnh phúc hơn đó.

Fruit Of The Holy Spirit - Self Control - YouTube

LẮNG NGHE: Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. (Tt 2:2)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin rửa sạch trong con những gì nhơ bẩn, và xin chữa lành trong con mọi vết thương của tội lỗi, và xin thêm sức cho con để con biết nói “KHÔNG” với những dục vọng của thế tục.

 

 THỰC HÀNH: Người Anh có câu: “All things in moderation and moderation in all things” (mọi thứ phải điều độ và điều độ trong mọi thứ). Tự kiểm tra lãnh vực thể xác như ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, tình dục… bạn đang quá lố ở chỗ nào nhỉ? Tập sống một cách điều độ hơn.

Socrates Quote: “All things in moderation, including moderation.”

From: Đỗ Dzũng

SỐNG YÊU THƯƠNG_LOVE | D.O.N.G | QUỐC KHÁNH-NENITA-SA ANH-THÁI BẢO TRÂM-PHƯỢNG NGHI | VHOPE

HOA QUẢ THỨ 9: Hiền Hoà

Chúc bạn ngày mới tràn đầy nghị lực và hiền lành như con chim bồ câu vậy nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 31/05/2023

TIN MỪNG: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5:4)

HOA QUẢ THỨ 9: Hiền Hoà— Hiền hoà (hiền lành) là một nhân đức, không để cho mình bị lôi cuốn bởi cơn giận dữ quá đáng so với nguyên nhân gây ra nó, nghĩa là không để cho mình bị lôi cuốn theo một cảm xúc phi lý. Người hiền lành thì luôn có tâm hồn đơn sơ, sống chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, nhưng sẵn sàng quên mình, biết dấn thân và biết sống vì người khác. Hiền hòa cũng có phần nào liên quan đến nhịn nhục và chịu đựng, đó là biết vui vẻ chấp nhận sự thua thiệt, hiền lành và chịu thua thiệt chứ không là nhu nhược.

SUY NIỆM: Trong cuộc sống tại thế này bạn phải đối diện với đủ loại thử thách: những thất bại, bất trắc, đau khổ,… có khi phải đối diện với những nghịch cảnh bi đát và nghiệt ngã bất công. Vấn đề là cách bạn ứng xử thế nào trước mỗi khó khăn thử thách như vậy. Lời khuyên của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sau đây có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của nhân đức hiền hoà khi ngài viết: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “ Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (ĐHV, số 41. 43). Người hiền lành có thể bị người đời ăn hiếp hoặc luôn chịu phần thiệt thòi nhưng ngược lại họ lại là người mạnh mẽ và dễ mến vì chẳng có ai chống lại người hiền lành cả. Tiền nhân có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Đúng quá! Một giây phút không kiềm hãm được những cảm xúc phi lý của mình không những bạn sẽ làm tổn thương đến những người chung quanh mà còn tự hại mình nữa. Nguy quá!

LẮNG NGHE: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. (Pl 4:4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là Chủ nhân hiền hòa của tâm hồn con, là nguồn dịu dàng tươi mát dường bao, xin cất khỏi tim con những yếu đuối, những cảm xúc nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn, và ban cho con đức đơn sơ, điềm tĩnh, khôn ngoan, hiền dịu và quả cảm để con sống hiền lành thánh thiệt như Chúa hằng mong ước.

THỰC HÀNH: Tập không phản ứng mạnh khi gặp chuyện trái ý, không làm dữ khi ý kiến của bạn bị bác bỏ.

From: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 8: Khoan Dung

Ước mong bạn được Chúa Thánh Thần khắc trên trán hai mẫu tự “ST” hôm nay.

Cha Vương

Thứ 3: 30/05/2023

TIN MỪNG: Cha ta trên trời sẽ đối xử với các ngươi như thế, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha thứ, khoan dung cho anh em mình. (Mt 18:35)

HOA QUẢ THỨ 8: Khoan Dung—là thái độ của người có quyền, sẵn sàng làm ngơ hoặc tỏ lòng thương xót và tha thứ cho những người phạm pháp, là sự tha thứ khoan hồng của người trên đối với người, sự quên đi lầm lỗi và thông cảm của đồng bạn với nhau, là không chấp nhất, không trả thù…, là yêu thương tôn trọng người yếu thế hơn,… là sống luật bác ái của Chúa một cách triệt để.

SUY NIỆM: Lòng khoan dung rất cần thiết cho con người. Đó là con đường mới cho con người bỏ con đường cũ. Pierre Benoit đã từng khẳng định: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác”. Câu chuyện kể về hai anh em ăn trộm cừu như sau:

Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ Stealer). Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt bí mật này. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của cả chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (ST cũng là chữ viết tắt của chữ Saint—vị thánh)”.

Ai cũng có những lúc mắc phạm sai lầm, nhưng quan trọng hơn chính là sửa chữa được sai lầm đó. Mỗi người, ai cũng cần phải học cách khoan dung và cho người khác cơ hội sửa sai, nếu ích kỷ mà dẫn đến thiếu lòng vị tha thì bạn cũng chỉ mắc sai lầm giống kẻ phạm lỗi mà thôi.

 LẮNG NGHE: CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. (Tv 103:8-10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi lòng con, xin khơi dậy trong con ngọn lửa khoan dung tha thứ để đốt đi tính vô cảm do sự ích kỷ của bản thân, sự thù hằn hay lòng ghen ghét gây ra.

THỰC HÀNH: Tập làm ngơ trước những bất toàn của người khác.

Nguồn: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 4: Kiên Nhẫn – Cha Vương

Chúc bạn một ngày thật kiên nhẫn với chính mình và với những người chung quanh để được bình an.

Cha Vương

Thư 6: 26/5/2023

TIN MỪNG: Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích. (1 Cr 15:58)

HOA QUẢ THỨ 4: Kiên Nhẫn (nhẫn nhục) là một nhân đức giúp ta biết kiên nhẫn, bền chí giữa những lao nhọc, dựa trên niềm hy vọng vào những điều tốt lành mà Chúa hứa ban. Nó giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết của tội lỗi gây nên.

 SUY NIỆM: Thánh Têresa Avila nói: “Đừng để gì làm bạn xao động, và làm bạn sợ hãi.  Mọi sự đều đang qua đi; Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.  Sự nhẫn nại chịu đựng đem lại tất cả.  Ai có Thiên Chúa thì không thiếu thốn gì.  Một mình Thiên Chúa đã đủ.” Trong tương quan với tha nhân, đức nhẫn nhục chẳng những không để cho bạn thoái lui trước những nghịch cảnh, mà còn kiên trì theo đuổi lý tưởng với nhiệt khí luôn luôn đổi mới. Khi nhìn dưới cặp mắt tự nhiên, bạn muốn bỏ rơi người tội lỗi mà bạn không ưa thích để mặc họ buông trôi, nhưng do đời sống nhân đức, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy, bạn không đành chịu bó tay. Bạn chấp nhận bỏ qua những khuyến điểm của nhau để tìm ra một giải pháp dung hoà trong tâm tình yêu thương chịu đựng lẫn nhau như Thiên Chúa yêu thương và kiên nhẫn chịu đựng bạn vây.  Một tác giả thiêng liêng người Ý, Carlo Carretto, sau khi dành trọn hai mươi năm đi tu trong cô độc ở sa mạc Sahara, khi hỏi ông điều gì là điều duy nhất ông cảm thấy Chúa hay nói với ông trong im lặng lâu dài và sâu sắc, ông nghe thấy Chúa nói gì với thế giới?  Câu trả lời của ông là: Chúa bảo chúng ta cứ chờ đợi, cứ kiên nhẫn!

LẮNG NGHE: Kẻ nóng tính gây ra cãi vã, người chậm giận làm dịu cuộc đôi co. (CN 15:18)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, con đang sống trong thế giới vội vã, xin giúp con chậm lại một chút để nghĩ đến Chúa đang kiên nhẫn với con để rồi con biết kiên nhẫn với những người chung quanh. Xin ban cho con ơn kiên nhẫn ngay bây giờ Chúa ơi.

THỰC HÀNH: Nếu bạn không thể hoàn thành những mục đích mà mình đặt ra, bởi vì thiếu kiên nhẫn, thì hãy cố gắng chia nhỏ mục đích chính của mình ra thành những mục đích nhỏ. Và cố gắng thực hiện những mục đích nhỏ đầu tiên và sau đó hãy thực hiện những mục đích lớn hơn. Làm việc nhỏ với đầy nhiệt huyết thì bạn sẽ ổn thôi.

From: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 3: Bình An – Cha Vương

Chúc bạn một ngày tràn đầy Bình An của Chúa Thánh Thần nhé. Xin bạn dâng một lời kinh cầu nguyện cách riêng cho chiến tranh Nga-Ukraine được chấm dứt. Đa tạ!

Cha Vương

Thứ 5: 25/5/2023

TIN MỪNG: Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh chị em! (2 Thx 3:16)

HOA QUẢ THỨ 3: Bình An—Kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái, không lay động trong những rộn ràng, sóng gió của cuộc đời.

SUY NIỆM: Bình an là gì? Bình an có phải là sự vắng mặt của chiến tranh, của đau khổ không? Nói về sự bình an thì đoạn Tin Mừng hôm nay cho bạn biết có hai loại bình an:

(1) Bình an theo kiểu thế gian, tức là bình an theo chiều ngang: bình an giữa các dân nước, chủng tộc, giai cấp xã hội, tôn giáo.

(2) Bình an phát xuất từ Thiên Chúa tức là sự bình an theo chiều dọc: bình an từ nguyên thuỷ phát xuất từ Thiên Chúa, giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Mọi hình thức bình an khác đều tùy thuộc vào sự bình an này. Khi trời đất được tạo dựng, Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! (St 1,2) Loại bình an này là khi bạn cảm thấy lòng mình không lay động trong những rộn ràng, sóng gió cuộc đời! Bình an cũng không phải có ở một gia đình giàu có, sung túc, quyền lực cao sang! Bình an không phải có nơi sở hữu một chiếc xe hạng sang hay có được những món đồ cao cấp. Bình an của Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ và cho bạn hôm nay không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn để đạt được thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng bạn về mầu nhiệm ơn cứu độ, về sự sống vĩnh cửu. Bạn hoàn toàn thuộc về Chúa, không còn thiếu thốn chi nữa (Tv 23).

LẮNG NGHE: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (Ga 14:27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin thêm ơn cho con để con biết luôn luôn tín thác cuộc đời của con trong tay Chúa và bước đi thanh thản trong sự bình an nhờ có Chúa ở cùng con con không sợ chi.

THỰC HÀNH: Hạn chế tham gia các nhóm buôn chuyện, hãy quyết tâm từ bỏ thói quen nói xấu, chỉ trích sau lưng người khác để mang lại bình an cho chính mình và cho kẻ khác.

Nguồn: Đỗ Dzũng

Kinh Hòa Bình – Mai Thiên Vân