Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo (Maximilian Mary Kolbe) (1894-1941).

Chúc bình an, hôm nay 14/08 Giáo Hội mừng kính Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo (Maximilian Mary Kolbe) (1894-1941). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô chào đời vào ngày 7 thánh giêng năm 1894, tại Zund-Wola, thuộc nước Balan. Bố mẹ đặt tên là Raymond. Năm 1907, thánh nhân nhập dòng Phan sinh và lấy tên là tu huynh Maximilian. Ngài được gởi sang Rôma để học triết học và thần học. Kolbe thụ phong linh mục vào năm 1918. Sau khi trở về Ba lan, Ngài thành lập đội Đạo binh Đức Mẹ vô nhiễm. Năm 1927, Kolbe thành lập hội ”Thành Phố Đức Mẹ vô nhiễm”.  Hội này phát triển và lan rộng tại Ba Lan và nhiều nước khác.

Trở về Ba Lan năm 1936, cha phải chịu nhiều cuộc bách hại của Gestapo (mật thám Đức Quốc xã). Ngày 17 tháng 2 năm 1941, Maximiline bị bắt và giam vào trại Auschwitz, với số hiệu tù nhân: 16670.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. “Tên này.” “Tên kia.” Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng. Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng. “Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con. “Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng. “Mày là ai?” “Là một linh mục.” Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng. Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày áp lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (14 tháng 8 năm 1941) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như những tù nhân khác. Đức Thánh Cha Phaolô VI phong chân phước cho Ngài vào năm 1971. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh vào năm 1982. Mời bạn hãy noi gương thánh nhân qua việc suy gẫm những câu nói của ngài và can đảm làm một việc bác ái nho nhỏ hôm nay nhé.

(1) Thiên Chúa cho phép mọi việc xảy ra để nhắm đến một phúc lành lớn hơn.

(2) Chúng ta hãy để Mẹ hướng dẫn, hãy đưa tay cho Mẹ dắt dìu, hãy sống yên hàn dưới sự dẫn dắt của Mẹ; chính Mẹ sẽ chăm sóc và tiên liệu mọi sự cho chúng ta, sẽ mau mắn cứu giúp, đáp ứng những nhu cầu hồn xác, đẩy lùi những khó khăn phiền toái cho chúng ta.

(3) Chính sự vâng phục, và chỉ có sự vâng phục mà thôi, mới cho ta biết chắc ý muốn của Thiên Chúa.

(4) Chừng nào chúng ta phải hy sinh ý riêng, chừng đó lòng yêu mến đó được thể hiện rõ ràng hơn cả.

(5) Bạn đừng e sợ rằng: bạn dành cho Mẹ Maria quá nhiều tình yêu. Liệu tình yêu của bạn có hơn tình yêu Chúa Giêsu dành cho Mẹ.

❦ Câu nào đánh động bạn nhất?

From: Đỗ Dzũng

Con Chúa Hy Sinh – Hiệp Lễ 

Người lên núi một mình mà cầu nguyện. (Mt 14:22-23)

Một ngày thật hạnh phúc bên Chúa và những người thân yêu nhé.

Cha Vương 

CN: 13/08/2023

TIN MỪNG: Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. (Mt 14:22-23)

SUY NIỆM: Những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đang cung cấp cho con người quá nhiều phương tiện để giữ gìn thân xác mình được sạch, khoẻ và lành mạnh. Còn phần linh hồn thì sao nhỉ? Có phải Chúa Giêsu đã từng nói: “Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?” (Mt 16:26)

Linh hồn con người cũng cần được nuôi dưỡng hằng ngày, cần được săn sóc, được thanh luyện để khỏi bị những vết nhơ của tính kêu ngạo, ích kỷ và tội lỗi làm hại đến linh hồn. Thử hỏi, lương thực cần thiết cho linh hồn là những gì? Thưa đó là CẦU NGUYỆN!

Cầu nguyện là ống dẫn thức ăn (feeding tube), là hơi thở cho linh hồn, là nhịp đập của con tim. Bạn hãy nhìn vào gương của Chúa Giêsu đi. Sau khi chu toàn bổn phận, lo cho họ ăn no nê, “Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện” để kết hiệp với Chúa Cha. Bạn hãy nhìn vào gương các thánh coi. Các ngài chấp nhận sống từ bỏ những của cải vật chất, chấp nhận thiếu thốn và những gì cần thiết trong thân xác của họ, thế mà các ngài luôn luôn sống an vui, hạnh phúc vì linh hồn họ được no thỏa tràn đầy tình yêu, họ có niềm tin thật mạnh mẽ vào Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện liên lỉ. Các ngài nối kết với Chúa bằng một sợi dây nối kết thường trực, luôn có đó để buộc hai người lại với nhau, luôn luôn, mỗi giây mỗi phút trong ngày, chẳng bao giờ rời. Có phải đó là sợi giây liên kết giữa hai trái tim của hai kẻ đang yêu—luôn gần nhau và nhớ nhau, mọi nơi mọi lúc, trong ý thức và trong vô thức, ban ngày và ban đêm, khi thức và khi ngủ. Nối kết như thế là hoà tan vào nhau làm một. Có bao giờ bạn cầu nguyện và kết hiệp với Chúa đến độ như vậy chưa? Hay là chạy đến Chúa là xin xỏ mấy câu rồi BIẾN!

LẮNG NGHE: Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. (Pl 4:6-7)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, dù đang mang gánh nặng gia đình và những lo toan của bản thân, xin Chúa giúp con biết đặt ưu tiên cho việc tìm kiếm sự sống đời đời qua việc cầu nguyện và lãnh nhận lương thực thần linh là Mình Máu Chúa hằng ngày để cho Lời Chúa hướng dẫn con đến đời sống vĩnh cửu.

THỰC HÀNH: Thái độ của bạn khi cầu nguyện là gì? Xin xỏ, than thở, trách móc… hay là ca ngợi, tạ ơn, tâm sự, kết hiệp…? Tự thay đổi cách cầu nguyện một tí.

From: Đỗ Dzũng

CON CẦN CHÚA – THÁNH CA GIANG ÂN 

Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi

Cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc trong Chúa và Mẹ nhé. Xin mọi người cầu nguyện cho nạn nhân cháy rừng ở bên Hawaii và những nơi đang bị hạn hán.

Cha Vương 

Thứ 7: 12/08/2023

TIN MỪNG: Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mt 19:21-22)

SUY NIỆM: Phần nhiều trong việc hôn nhân, người ta chỉ trọng tiền tài, nhan sắc, căn cứ vào của cải hơn là chú trọng đến tinh thần thiêng liêng. Bởi đó, sự kết hôn không được xứng đôi vừa lứa, nên vợ chồng lại trở thành hình khổ cho nhau. Chúa làm thinh cho cơ sự xảy ra thế, để oán phạt, vì trong việc quan hệ như vậy không cầu xin Chúa soi dẫn. Chúa làm thinh để sửa phạt những thanh niên không ân cần học tập nhân đức xứng với ơn Chúa chợ phù… chính Thiên Chúa đã định cho Đức Mẹ kết bạn với Thánh Giuse người công chính, nhân đức nhất đời, xứng đôi với Nữ Đồng Trinh hơn hết. Đức Mẹ và Thánh Giuse ở trong bật Chúa đã xe định cần phải lo lắng gì nữa? Biết bao người không vui lòng sống trong phận mình, họ phiền sầu, buồn bực và thường làm cho người khác phải khổ lây, vì họ không ở trong bậc Chúa đã phân định. Tiên tri I-sai-a  đã bảo: “Khốn thay những đứa con phản nghịch – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA! Chúng thực hiện kế hoạch, nhưng không phải của Ta, chúng ký kết thỏa hiệp, nhưng không theo thần khí của Ta, cứ chồng chất tội này lên tội khác.”—Is 30:1 (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:8:2)

LẮNG NGHE: Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! (Tv 16:11)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Mẹ và Thánh Giuse vẫn cộng tác và làm theo thánh ý Chúa. Xin Mẹ giúp những con cái Mẹ đang sống trong ơn gọi gia đình luôn biết yêu thương nhau như tình yêu giữa Chúa Giêsu và Hội thánh, biết cộng tác, hy sinh và phục vụ nhau thay vì coi nhau như một đối tượng để mưu cầu hạnh phúc riêng cho mình.

THỰC HÀNH: Thay đổi vị trí cứng rắn hẹp hòi của mình và hãy theo gương Đức Maria vì Đức Maria đã trở nên tôi tớ của Thiên Chúa (Lc 1:38).

From: Đỗ Dzũng

Yêu Như Chúa Yêu – Nguyễn Hồng Ân 

Thánh Clara (St. Clare of Assisi, 1194-1253)

Chúc bình an, hôm nay 11/8, Giáo Hội mừng kính Lễ Thánh Clara, đồng trinh. Ngài là bổn mạng của Giáo Xứ mình đó. Xin bạn một lời cầu nguyện cho giáo dân của mình và cho công việc mục vụ trong giáo xứ. Mừng Bổn Mạng đến tất cả mọi người nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 11/08/2023

Thánh Clara (St. Clare of Assisi, 1194-1253) là thiếu nữ xinh đẹp của một gia đình giầu có ở Assisi. Khi mười tám tuổi, ngài được khích động bởi một bài giảng của Thánh Phanxicô Assisi, và cương quyết noi gương các tu sĩ Phanxicô, thề sống khó nghèo, tận hiến cho Thiên Chúa. Gia đình ngài hoảng sợ, dùng sức lực ép buộc ngài phải trở về nhà; nhưng một đêm kia, trong một hành động vừa có tính cách khôn khéo và ý nghĩa, ngài lẻn ra khỏi nhà qua “cánh cửa người chết” (cánh cửa nhỏ để khiêng người chết ra ngoài), và đến với các tu sĩ Phanxicô.

Trong một nhà nguyện nhỏ bé ở ngoại ô, Thánh Phanxicô đã cắt mái tóc của Clara và trao cho thánh nữ chiếc áo nâu thô kệch làm chiếc áo dòng. Sau đó, thánh nữ sống với các nữ tu dòng Bênêđíctô cho đến khi có thêm sự gia nhập của các phụ nữ khác, trong đó có cả người mẹ goá bụa của ngài và các phụ nữ thuộc gia đình quý tộc ở Florence.

Cộng đoàn nhỏ bé ấy dần dà được biết đến dưới tên Các Chị Em Hèn Mọn (các tu sĩ Phanxicô là Anh Em Hèn Mọn) hoặc dòng Clara Khó Nghèo. Khi tu hội được thành lập, Thánh Phanxicô đề nghị Clara làm bề trên, nhưng ngài từ chối cho đến khi được hai mươi mốt tuổi. Các nữ tu trong dòng tận tụy trong việc cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và thi hành việc bác ái cho người nghèo và người bị ruồng bỏ.

Họ sống theo một quy luật khắc khổ hơn bất cứ tu hội phụ nữ nào khác trong thời ấy, và tuyệt đối khó nghèo, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Họ đi chân đất, không có giường, mà nằm trên các khúc gỗ được đan lại và chăn mền là vỏ cây gai dệt thành. Gió mưa tha hồ lọt qua các vết nứt ở mái nhà cũng như vách gỗ. Họ ăn rất ít và không bao giờ ăn thịt. Thực phẩm của họ là tất cả những gì xin được. Bất kể sự khắc khổ của đời sống, những người theo Thánh Clara lại là những thiếu nữ xinh đẹp nhất Assisi và lúc nào họ cũng có niềm vui vì được sống gần Thiên Chúa.

Thật vậy, Thiên Chúa đã gìn giữ họ khỏi sự nguy hiểm khi bọn lính hung dữ đến tấn công Assisi và dự định bố ráp tu viện này trước hết. Lúc ấy, dù đang đau nặng, Thánh Clara đã gắng gượng quỳ xuống trước cổng, tay nâng Mình Thánh trong mặt nhật và ngài cầu xin, “Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ các nữ tu mà con không thể nào bảo vệ nổi.” Sau đó, dường như có tiếng trả lời: “Ta sẽ luôn gìn giữ họ” và đồng thời ngay lúc ấy, quân lính cảm thấy vô cùng sợ hãi và họ chạy tán loạn.

Thánh Clara làm bề trên tu viện trong bốn mươi năm mà hai mươi chín năm ấy ngài trong tình trạng đau yếu. Nhưng lúc nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói, “Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự nghèo không?”

Thánh Clara từ trần ngày 11 tháng Tám 1253. Chỉ hai năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV tôn phong lên bậc hiển thánh.

Sau đây là những câu nói của Thánh Clara, mời Bạn đọc và suy niệm để noi gương yêu mến Chúa của ngài:

❦ Các Chị Em Hèn Mọn sống tuyệt đối khó nghèo… Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói, “Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự nghèo hay không?”

❦  Yêu mến Chúa, phụng sự Chúa; mọi thứ đều ở trong đó.

❦  Yêu mến Người thì sẽ say mê, chiêm ngưỡng thì được thêm sức mạnh. Lòng nhân hậu của Người làm ta no thoả, sự dịu dàng của Người làm ta ngây ngất.

❦  Nỗi ưu phiền là thuốc độc đối với lòng sùng kính. Khi gặp thử thách, chúng ta cũng nên hân hoan hơn vì chúng ta đang được GẦN CHÚA hơn.

Thánh nữ Clara, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

Con Yêu Chúa. Ca sĩ: Khắc Thiệu

Thánh Lô-ren-sô (St. Lawrence) thế kỷ thứ ba, phó Tế tử đạo

Mến chào một ngày mới, hôm nay 10/08 Giáo Hội mừng kính Thánh Lô-ren-sô (St. Lawrence) thế kỷ thứ ba, phó Tế tử đạo. Mừng Bổn Mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé. Hãy bảo trọng và cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 5: 10/08/2023

Thánh Lôrensô là một trong bảy nô bộc của giáo hội (phó tế) chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và ngài được giao cho trách nhiệm “quản lý tài sản của giáo hội”. Khi sự cấm đạo dưới thời hoàng đế Valerian bùng nổ, Thánh Giáo Hoàng Sixtus bị kết án tử hình cùng với sáu nô bộc khác. Khi đức giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Lôrensô đi theo khóc lóc nức nở, ngài hỏi, “Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?” Ðức giáo hoàng trả lời, “Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta.” Nghe thấy thế, Lôrensô thật vui mừng, ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.

Quan Tổng Trấn Rôma, một người tham lam, nghĩ rằng Giáo Hội có giấu giếm nhiều của cải. Do đó, ông ra lệnh cho Lôrensô phải đem hết tài sản của Giáo Hội cho ông. Vị thánh trả lời, xin cho ba ngày. Thế là ngài đi khắp thành phố, quy tụ mọi người nghèo khổ, đau yếu được Giáo Hội giúp đỡ. Khi trình diện họ trước mặt quan, ngài nói: “Ðây là tài sản của Giáo Hội!”

Giận điên người, quan tổng trấn xử phạt Lôrensô phải chết cách thê thảm và chết dần mòn. Vị thánh bị cột trên một vỉ sắt lớn với lửa riu riu để từ từ thiêu đốt da thịt của ngài, nhưng thánh nhân đang bừng cháy với tình yêu Thiên Chúa nên dường như ngài không cảm thấy gì. Thật vậy, Thiên Chúa còn ban cho ngài sức mạnh đến độ có thể đùa bỡn. Ngài nói với quan tòa, “Lật tôi đi chứ. Phía bên này chín rồi!” Và trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài nói, “Bây giờ đã chín hết rồi.” Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Và ngài tiến lên lãnh nhận triều thiên tử đạo.

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online)

Noi gương quả cảm của Thánh Lô-ren-sô, mời Bạn hãy làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, xin Chúa thương soi trí mở lòng để họ biết hành động theo thánh ý Chúa mà tận tình lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do.

Thánh Lô-ren-sô, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

Kinh Hòa Bình – Mai Thiên Vân 

Ai đã lập ra bí tích Sám hối–Giao hòa?

Ngày mới tươi vui trong tâm tình biết ơn và tha thứ nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 09/08/2023

GIÁO LÝ: Ai đã lập ra bí tích Sám hối–Giao hòa? Chính Chúa Giêsu đã lập bí tích Sám hối Giao hòa, khi Người hiện ra cho các Tông đồ vào chiều lễ Phục sinh, và truyền cho các ông rằng: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.—Ga 20, 22 (YouCat, số 227)

SUY NIỆM: Không ở đâu mà Chúa Giêsu đã minh họa chuyển động của bí tích Sám hối Hòa giải tốt hơn là trong dụ ngôn ta quen gọi là “đứa con hoang đàng” (mà trọng tâm chính là “người cha đầy lòng thương xót”); ta đi lạc đường, ta hư hỏng, ta không thể đối mặt với đời ta. Thế mà Cha chúng ta vẫn chờ mong tha thiết, chờ mong bằng lòng ao ước khôn cùng; Người tha thứ khi ta trở về; Người đón nhận ta luôn luôn, lặp đi lặp lại, Người tha thứ tội lỗi cho ta. Chính Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi cho nhiều người; việc này đối với Người còn quan trọng hơn việc làm phép lạ. Người xem đó như dấu hiệu lớn hơn cả báo cho biết Nước Thiên Chúa đang đến, vì mọi thương tích được chữa lành, mọi nước mắt phải khô đi. Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Người dùng để tha tội. Chúng ta trao thân vào tay Cha trên trời khi chúng ta tìm đến linh mục để xưng tội. (YouCat, số 227 t.t.)

❦ Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận có lần đã nói: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và người tội lỗi nào cũng có một tương lai. Quá khứ là dĩ vãng yếu đuối. Tương lai là ngày mai tốt hơn, thánh thiện. Nhưng sự khác biệt giữa thánh nhân và người tội lỗi chính là sự sám hối, lòng ăn năn”.

LẮNG NGHE: Người con nói với Cha: Thưa Cha, con thật đắc tội với trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa… Nhưng người Cha liền bảo đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. (Lc 15, 21-22)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, sám hối là con đường để nên hoàn thiện. Con đường quay trở về với Chúa không bao giờ là quá muộn khi mỗi người ý thức được những yếu đuối của mình. Con nhận biết rằng cuộc đời con có những khuyết điểm và những lầm lỗi xúc phạm đến Chúa và tha nhân, xin giúp con biết sám hối, thay đổi cuộc đời để sống xứng đáng là con cái của Chúa.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Ăn Năn Tội.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Đa Minh

Một ngày bình an và hạnh phúc nhé. Hôm nay 8/8 Giáo Hội mừng kính Thánh Đa Minh, chúc mừng Bổn Mạng đến các nam nữ tu sĩ, linh mục Dòng Đa Minh và những ai nhận thánh Đa Minh làm quan thầy. Chúc mừng! Chúc mừng!

Cha Vương

Thứ 3: 8/8/2023

Thánh Đa Minh sinh năm 1170 tại Caleruega, thuộc dòng tộc Guzman, nên được gọi là Đa Minh Guzman. Guzman là một dòng tộc vị vọng tại Tây ban nha vào thời trung cổ. Thân phụ ngài là ông Felix, một kiếm sĩ “tuyệt vời và dịu dàng.” Bà cố là Joanna d’Aza, xuất thân từ gia đình cao quý. Bà cố đạo đức và được đức giáo hoàng Leo XII tuyên phong chân phước. Bên cạnh Đa Minh, bà cố còn có một người con nữa cũng là chân phước dòng Đa Minh: Mannes. Thực là gia đình đạo hạnh: một thánh, hai chân phước. Theo thánh Jordan Saxony, vị ký lục về cuộc đời Đa Minh kể lại, thì khi đang mang thai, bà cố mơ thấy mình cho chào đời một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng và mang lửa đến khắp thế giới. Rồi trong ngày thánh nhân rửa tội, mẹ đỡ đầu trông thấy trên trán chú bé một ngôi sao sáng, chiếu tỏa chung quanh. Do đó tại sao ngày nay khi tạc tượng thánh Đa Minh, người ta cũng tạc luôn tượng con chó đang ngậm đuốc sáng nằm dưới chân, còn trên trán ngài thì có ngôi sao sáng.

Dù được cưng chiều, thánh Đa Minh sớm sống đời khổ hạnh. Đến tuổi đi học, Đa Minh được gởi tới thụ giáo với ông cậu là linh mục ở Gumiel. Năm 14 tuổi, Ngài theo học tại đại chủng viện ở Palencia và đã tiến triển rất nhanh về hiểu biết lẫn nhân đức. Nạn đói lan tràn nước Tây Ban Nha, một người bạn đến thăm Đa Minh không thấy đồ dùng lẫn những pho sách quí đâu nữa. Ngài đã bán để giúp người nghèo khó rồi. Gương sáng này đã lôi kéo được nhiều sinh viên lẫn các giáo sư bắt chước.

Ngài là đấng sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Ordo Praedicatorum”, viết tắt: O.P.) về sau người ta thường gọi là Dòng Đa Minh. Vào năm 1206 thánh nhân lập hội dòng nữ Đa Minh đầu tiên tại Prouille, nước Pháp. Ngài chọn đường lối rao giảng Tin Mừng bằng cách lấy khó nghèo và cầu nguyện làm gương sáng thu hút mọi người. Cuộc đời của thánh Đa Minh được giáo hội ca tụng là ngài chỉ “nói với Chúa, về Chúa và trong Chúa.” Đem Chúa đến cho tha nhân, và nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, người dẫn đưa tha nhân về với Chúa. Chân phước Jordano ghi rằng: Cha thường cầu nguyện suốt đêm, Chúa đã ban cho cha ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và người sầu khổ. Cha cảm thông với những đau cổ của họ tận đáy lòng, và biểu hiện ra bên ngoài bằng những dòng nước mắt. Có khi giữa đêm thanh vắng. Ngài lớn tiếng kêu nài: Chúa ơi! Rồi đây các tội nhân sẽ ra sao? Một hôm Thánh Nhân rảo qua khắp nẻo trên đường giảng dạy, một thanh niên ngây ngất hỏi Ngài đã học cách nào, Ngài nói: Hỡi con trong sách đức ái đó, sách này hơn mọi sách dạy bảo tất cả.

(Nguồn: Hạnh Các Thánh)

Hôm nay mời Bạn hãy bắt chước Thánh Đa Minh, bằng chính đời sống cầu nguyện của mình, “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Máccô 16:15), và qua việc cầu nguyện dẫn đưa tha nhân về với Chúa.

From: Đỗ  Dzũng

ĐaMinh Ngọn Đuốc Tin Mừng (Sáng tác: Sr. Clara Chu Linh.OP) – Vũ Phong Vũ 

Con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a. (Mt 17:4)

Mến chào một ngày mới con yêu quý của Chúa! Bình an và hạnh phúc trong hào quang của Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 06/08/2023

TIN MỪNG: Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a. (Mt 17:4)

SUY NIỆM: Khi ông Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy Chúa biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người, vì thích thú quá nên ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a. Qua biến cố hiển dung, Chúa đã tỏ cho các tông đồ thấy vẻ huy hoàng của Ðức Kitô, vốn giống như xác phàm nhưng được tràn ngập ánh sáng huy hoàng. Người muốn chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá, và làm cho ánh sáng diệu kỳ chiếu tỏ nơi Người là Ðầu của Hội Thánh, cũng sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu. Chúa muốn nói với họ rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, danh Ngài sẽ thắng! Vì lòng tốt cộng thêm sự hăng say tràn đầy nhiệt huyết của Phêrô cho nên ông muốn dựng 3 cái lều, nhưng thay vào đó Chúa lại tặng cho các ông 3 món quà: món quà của đức tin, đức cậy và đức ái. Đúng là khi cho đi thì mình sẽ lãnh nhận.

Đức Tin giúp các ông thấy điều đang hiện hữu, trong thời gian và trong vĩnh cửu.

Đức Cậy giúp các ông thấy điều chưa xảy ra, và điều sẽ xảy ra, trong tương lai của thời gian đời đời chẳng cùng.

Đức Ái giúp các ông yêu mến điều đang hiện hữu. Tuy rằng bạn không có mặt trên núi để chứng kiến biến cố hiển dung, nhưng bạn cũng được Chúa ban tặng cho bạn 3 món quà: Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái để bạn cảm nhận được vẻ huy hoàng của Chúa mà biết nỗ lực sống xứng đáng là con yêu dấu của Chúa, và làm chứng cho Ngài nơi chính môi trường sống của mình.

LẮNG NGHE: Trong đám mây sáng ngời, có Thánh Thần hiện ra, tiếng CHÚA Cha vọng xuống: “Đây là Con yêu quý, Ta hết lòng mến thương, hãy vâng nghe lời Người.” (Mt 17:5”

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã mặc khải vinh quang của Chúa cho con. Xin cho con biết mở rộng đôi mắt để thấy, đôi tai để nghe, và một tâm hồn nhạy bén để nhận biết sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố cuộc đời mà dâng lời tạ ơn Chúa luôn mãi.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Tin, Cậy, Mến.

From: Đỗ Dzũng

CHÚA HIỂN DUNG – ST: LINH MỤC BÙI NINH – CA SĨ GIA HIẾU 

Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê (1786-1859), bổn mạng các cha xứ

Nguyện xin Chúa ghé mắt đoái thương bạn và gia đình. Hôm nay 04/08, Giáo Hội mừng kính Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê (1786-1859), bổn mạng các cha xứ. Mừng quan thầy đến quý Cha. Hôm nay, xin một lời kinh cho các cha xứ của mình nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 04/08/2023

Thánh nhân sinh năm 1786 tại Ly-ông. Sau biết bao khó khăn gian khổ, người làm linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ác-xơ thuộc giáo phận Ben-le. Người quả là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo Lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt người rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà người đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Chuyện kể về ngài như sau: Khi mới 8 tuổi ngài mới học đọc và biết viết. Vì nhà nghèo nên được cha sở nuôi dạy, và sau đó đã đưa ngài vào chủng viện. Vào trong chủng viện ngài không học được gì cả. Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vi-a-nê xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không. Nhưng Vi-a-nê không thể trả lời câu nào.

Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: “Vi-a-nê, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!”

Vi-a-nê khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao ?”

Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Vi-a-nê phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận gặp phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vi-a-nê được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào Vi-a-nê cũng trượt.

Vi-a-nê không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến để hỏi về thầy: Thầy có lòng đạo đức không? Thưa có. Thầy có kính mến phép Thánh Thể? Thưa có. Thầy có siêng năng lần hạt không? Thưa có. Cha chính quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được”.

Như vậy thầy Gioan Ma-ri-a Vi-a-nê được làm Linh mục là nhờ “phép chuẩn”. Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong Linh mục. Nhưng khi ngài làm Linh mục rồi, Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn đặc biệt đề cứu các linh hồn, đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã phải nói với ngài: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp mất”. Người qua đời năm 1859.

Sau đây là những câu nói của ngài:

❦ Sống trong giàu sang họ vẫn không thấy được thỏa mãn, giống như một người ở giữa sông nhưng bị chết khát; nằm trên đống gạo nhưng bị chết đói.

❦ Người giận dữ cũng giống như con rối, họ không biết mình nói gì làm gì, bởi vì ma quỷ đã khống chế họ hoàn toàn.

❦ Tất cả mọi việc đều chán chường mệt nhọc đối với người lười biếng.

❦ Nhiều người sống cả đời nhưng chẳng hề nghĩ đến sự chết. Thế rồi, thần chết đến! Họ chẳng còn gì trong người; niềm tin, sự trông cậy, và lòng mến, tất cả cùng chết với họ.

❦ Than ôi! Chúng ta làm mọi sự cho thế giới này mà chẳng làm gì cho thế giới bên kia sao?

Câu nào đánh động bạn nhất? Tại sao? Xin Thánh Gioan Vianney cầu bầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

XIN THÁNH HIẾN CON – TB: KHẮC THIỆU – ST: LM. NGUYÊN LỄ 

Có thể cho người không phải là Công giáo rước lễ được không?

Một ngày thật mạnh mẽ trong đức Tin, Cậy, Mến để sống yêu thương trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 03/08/2023

GIÁO LÝ: Có thể cho người không phải là Công giáo rước lễ được không? Rước lễ là diễn tả sự hợp nhất của Thân mình Chúa Kitô. Để thuộc về Hội thánh Công giáo, người ta phải được Rửa tội trong Hội thánh Công giáo, chia sẻ đức tin, sống hợp nhất với Hội thánh. Cho nên thật là mâu thuẫn nếu Hội thánh Công giáo mời người chưa chia sẻ đức tin và đời sống với Hội thánh rước lễ. Điều này làm cho dấu hiệu của bí tích Thánh Thể không còn đáng tin cậy nữa. (YouCat, số 122)

SUY NIỆM: Các tín hữu Chính thống có thể tự cá nhân xin rước lễ trong thánh lễ Công giáo, vì người theo Chính thống cũng tin vào bí tích Thánh Thể như Hội thánh Công giáo, dù cộng đoàn họ chưa sống hoàn toàn hiệp nhất với Công giáo. Còn với các thành viên các niềm tin Kitô giáo khác, chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp khẩn cấp nặng và NẾU HỌ CÓ ĐỨC TIN ĐẦY ĐỦ VÀO SỰ HIỆN DIỆN CỦA THÁNH THỂ. Mục tiêu và ước mong của phong trào đại kết là đạt tới việc cử hành Thánh Thể chung cho cả Kitô hữu Công giáo với Tin lành; tuy nhiên thật là sai lầm, và tới nay chưa được phép tổ chức các cuộc cử hành Bữa Tiệc ly chung, bao lâu việc Thân mình Chúa Kitô hiện diện chưa làm cho tất cả có cùng một niềm tin và họp thành một Hội thánh duy nhất. Các cuộc hội họp đại kết khác, trong đó các Kitô hữu có niềm tin khác nhau cùng cầu nguyện với nhau, đó là một việc tốt, được Hội thánh Công giáo ước mong. Các Kitô hữu Tin lành có thể được rước lễ “nếu gặp nguy hiểm có thể chết”, nếu không có thừa tác viên của cộng đồng họ có thể cho rước lễ… nếu họ thật tình xin. Tuy nhiên họ phải bày tỏ họ có niềm tin Công giáo đối với bí tích này và phải có những tâm tình thích hợp. (Giáo luật 844 §4.)

Việc rước lễ cho ta được sự sống đời đời như thế nào? (YouCat, số 122) Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ, và cả chúng ta rằng, một ngày kia được dự tiệc với Chúa. Vì thế, mọi Thánh lễ đều là “tưởng niệm cuộc Khổ nạn hồng phúc”, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng để bảo đảm cho chúng ta được sống đời đời.

LẮNG NGHE: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (Ga 6:54-55)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, bí tích Thánh Thể là bí tích của Tình Yêu và sự hiệp nhất, thế mà mỗi khi rước lễ lòng con còn ôm ấp những sự chia rẽ oán hờn, xin giúp con biết tha thứ, gạt bỏ những ý tưởng riêng tư và suy nghĩ hạn hẹp để luôn nhìn về một hướng và cộng tác với nhau xây dựng một gia đình thánh thiện trong Chúa Thánh Thể.

THỰC HÀNH: Hiệp nhất là hoả quả của bí tích Thánh Thể, mời bạn sống đúng với những gì bạn lãnh nhận nhé.

From: Đỗ Dzũng

SỐNG TÌNH HIỆP THÔNG – KẾT LỄ – Lm Thái Nguyên

Việc rước lễ thay đổi tôi thế nào?

Nguyện xin tình yêu Chúa lấp đầy quả tim khao khát của bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 2/08/2023

GIÁO LÝ: Việc rước lễ thay đổi tôi thế nào? Mỗi lần rước lễ, tôi được kết hợp với Chúa Giêsu chặt chẽ hơn, làm cho tôi trở nên phần tử sống động của Thân mình Chúa Kitô, đổi mới ơn thánh tôi đã nhận trong bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức, và làm cho tôi mạnh sức để chiến đấu chống lại tội lỗi. (YouCat, số 121)

SUY NIỆM: Thiết nghĩ rằng bạn cũng có một ít kinh nghiệm về hiệu quả của việc rước lễ: Biết bao lần dọn lòng rước Mình Thánh Chúa sốt sắng bạn cảm thấy một cái gì ấm áp, ngọt ngào trong linh hồn. Biết bao lần chịu lễ xuống bạn thấy lòng gớm ghét tội lỗi hơn, muốn sống thánh thiện hy sinh hơn. Biết bao lần chịu lễ rồi về với gia đình bạn cảm thấy mọi bổn phận hằng ngày nhẹ nhàng hơn. Thực tế, khi nhìn vào các gia đình trong giáo xứ, gia đình nào có cha mẹ con cái năng tham dự thánh lễ và rước lễ mình thấy họ được hạnh phúc và bình an hơn. Kinh nghiệm của các thánh để lại như sau:

❦  Chúng ta chia sẻ Mình Máu Chúa Kitô chỉ có mục đích được biến đổi nên Mình Máu Chúa mà ta lãnh nhận. (Thánh Lêô Cả giáo hoàng)

❦  Chúng ta bẻ một bánh để được thuốc bất tử, giải độc sự chết, và được lương thực sống đời đời với Chúa Giêsu. (Thánh Inhaxiô Antiôkia)

❦  Chúng ta có nhiều việc phải làm. Các bệnh viện, các người sắp chết đầy dẫy khắp nơi. Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện hàng ngày, tình yêu của chúng ta với Chúa Kitô trở nên thân thiết hơn, tình yêu với những người khác được nhẫn nại hơn, tình yêu với người nghèo đầy thương cảm hơn, và ơn gọi đã tăng số gấp đôi. (Mẹ Têrêxa)

Ước gì bạn nhận ra được hiệu quả của việc rước lễ để năng rước lễ và rước lễ sốt sắng mỗi ngày.

LẮNG NGHE: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa là sức mạnh và là nguồn mạnh của mọi lòng nhân hậu và thánh thiện, xin giúp con biết siêng năng tìm đến Chúa mỗi khi có thể để nhận lấy ơn Chúa mà ra sức chống trả bao mưu chước cám dỗ và lừa gạt của ma quỷ.

THỰC HÀNH: Nhìn lại thái độ của bạn khi đi lễ. Bạn đi lễ vì buộc phải đi, vì thói quen, hay vì bạn ao ước được kết hiệp với Chúa một cách chặt chẽ hơn? Tự thay đổi lòng mình nhé.

From: Đỗ Dzũng

https://www.youtube.com/watch?v=tCOk83yGZeU

Thánh Thể Tình Yêu-Nguyễn Hồng Ân-St: Phạm Đức Huyến 

Thánh Anphonsô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1696-1787)

Tháng 8 rồi bạn ơi! Xin Chúa chúc lành cho bạn và gia đình. Hôm nay 01/8 Giáo hội mừng kính Thánh Anphonsô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1696-1787). Mừng Bổn Mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 01/08/2023

Thánh Anphonsô sinh năm 1696 tại Na-pô-li. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Ki-tô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (năm 1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng.

Hạnh tích kể rằng một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng lại mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Đức Cha Anphonsô mời đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Đức Cha Anphonsô ôn tồn nói, “Hãy bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Đây không phải lần đầu tiên mà cha đạp Chúa dưới chân mình.”

Vào năm 71 tuổi, ngài bị đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với “sự tăm tối” vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi đức tính. Ngài qua đời ngày 01 tháng 8 năm 1787 tại Nocera de’ Pagani, Salerno.

Để noi gương thánh nhân mời Bạn suy niệm và tự hỏi ngài đang muốn nhắn nhủ bạn điều gì nhé:

(1) Ai cầu nguyện, thì được cứu rỗi.

(2) Lạy Mẹ Maria, xin hãy nhận con, như của riêng Mẹ, và cho Mẹ, xin hãy chăm lo phần rỗi của con.

(3) Bất cứ sự bất an nào, cho dù có lý do tốt cách mấy, cũng không thể phát xuất từ Thiên Chúa.

(4) Khi một tư tưởng xấu xa hiện lên trong tâm trí, chúng ta phải cố gắng lập tức hướng tư tưởng về Thiên Chúa hoặc một đều trung lập nào đó. Nhưng qui luật trước tiên là phải lập tức kêu cầu thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria và tiếp tục kêu cầu cho đến khi cơn cám dỗ chấm dứt.

(5) Người không bỏ cầu nguyện thì chẳng thể kéo dài thói quen xúc phạm đến Thiên Chúa.

(6) Người nào tin tưởng vào bản thân sẽ hư mất. Người nào tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ làm được mọi sự.

(7) Hôm nay Chúa mời bạn làm điều tốt; hãy làm ngay hôm nay. Ngày mai bạn có thể không có thời gian, hoặc Chúa có thể không còn kêu gọi bạn làm điều đó nữa.

Câu nào đánh động bạn mạnh nhất?

From: Đỗ Dzũng

Một mình con với Chúa – Diệu Hiền (St: Giang Ân)