NGÀY 7-8 TƯỞNG NIỆM NGÀY BA TÔI MẤT(của Bùi Chí Vinh)

Image may contain: 3 people
Image may contain: 21 people, people standing and outdoor
Tâm Trần

NGÀY 7-8 TƯỞNG NIỆM NGÀY BA TÔI MẤT.

Ba tôi mất ngày 7-8-1971 tại bệnh viện Sài Gòn. Ông họ tên Bùi Văn Trình sinh năm 1914 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Thời trẻ ông từng sang Paris học nghề thợ giày dành cho người tàn tật và gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp.

Lúc về nước ông tiếp tục hoạt động trong Đảng Lao Động Việt Nam và là thành viên Ban Tuyên Truyền Thi Hành Hiệp Định Geneve do ông Mai Văn Bộ làm Trưởng ban.

Ông bị bắt dưới chế độ Ngô Đình Diệm, bị tịch thu cửa hiệu mặt tiền “Tiệm giày tàn tật Bùi Văn Trình” trên đường Yên Đỗ (tức đường Lý Chính Thắng bây giờ).

Năm 1961, ông được Ngô Đình Diệm thả về, trên lưng và ngực đầy những vết thương tím bầm do bị tra tấn bằng roi điện, roi cá sấu. 10 năm sau (1971) ông chết vì hậu quả những vết thương từ nhà tù nhưng không hề oán hận chế độ Ngô Đình Diệm.

Đối với ông, chính trị là một cuộc đối đầu sòng phẳng, mạnh được yếu thua, được ăn cả ngã về không và không có gì để thù vặt nhau.

Bằng chứng là ra tù, ông chấp nhận bị “tịch biên gia sản” để được là một người thợ giày thông thái trong căn nhà tồi tàn dưới chân cầu Công Lý, cùng với vợ nuôi 6 đứa con nên người.

Sở dĩ tôi gọi ông là “thông thái” vì những cựu chiến binh Pháp, Đức, Áo mò đến Xóm Lách đặt giày của cha tôi đều được ông đối thoại bằng sinh ngữ nước ngoài trôi chảy.

Sở dĩ tôi gọi ông là “thông thái” vì tôi từng chứng kiến ông và bà Dương Quỳnh Hoa (Bộ Trưởng Y Tế Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam) nói chuyện bằng tiếng Pháp với nhau trong căn nhà ngay ngã ba Hai Bà Trưng – Trần Quang Khải để tránh sự dò xét của mật thám lúc cha tôi vừa mới ra tù.

Nói chung, cha tôi là một người biết kính trọng “kẻ thù” của mình. Trong phạm vi bài viết này thiết tưởng cũng cần nói luôn sự ưu việt của nền giáo dục thời đó dành cho trẻ em nghèo.

Tuy đất nước trong thời chiến, nhưng những đứa trẻ con chúng tôi mỗi buổi sáng đến trường không cần phải lấy tiền của cha mẹ, bởi trước khi vào lớp đều được nhận một phần ăn bánh mì phô mai và ly sữa bột nóng miễn phí.

Đứa nào trốn xếp hàng nhận phần ăn sẽ bị cấm vào lớp học. Cha tôi biết điều đó sau khi ra tù. Ông biết chỉ có dưới thể chế nền Đệ Nhất Cộng Hòa, con nít không bao giờ có chuyện thiếu dinh dưỡng, bị còi xương.

Thanh niên trưởng thành đều phát triển chiều cao sức khỏe đúng tiêu chuẩn khoa học, hợp với câu thành ngữ:

– “Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh”.

Chưa kể nhà trường còn chăm sóc đến cuối năm đứa nào nghèo quá thì được lãnh phần thưởng “CÂY MÙA XUÂN” gồm quần áo sách vở, không hề phân biệt gia đình có hoạt động chống lại chế độ hay không.

Cụ thể là gia đình “tù chính trị” nghèo mạt hạng của tôi luôn có thêm phần thưởng ấy.

Chưa kể học tiểu học được dạy môn Đức Dục, lên trung học có môn Công Dân đều là những môn dạy căn bản đạo lý làm người.

Chính nhờ những môn học nhân văn bắt buộc ấy mà từ trẻ em đến người lớn khi ra đường thấy đám ma đi ngang đều dừng lại cúi đầu chào, nghe tiếng quốc ca vang lên đều đứng yên phăng phắc, đến ngã tư thấy đèn đỏ đều tự động dừng lại trước vạch vôi trắng, phát hiện người già người tàn tật băng qua đường đều tự giác dẫn họ qua.

Ở quận, phường khóm nào cũng có nhà thương thí, trạm y tế, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nghỉ cho đồng bào bệnh hoạn hoặc bất hạnh có chỗ nương thân.

Và đặc biệt những nơi này hoàn toàn miễn phí không thu một cắc. (Nếu tôi không quá chủ quan trong nhận định thì có thể nói thời điểm ông Diệm cầm quyền là thời kỳ vàng son nhất của miền Nam trên trường quốc tế).

Thời điểm ấy nền kinh tế và dân trí Việt Nam Cộng Hòa sánh ngang với Nhật Bản, hơn Đại Hàn và tất nhiên hơn xa các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương Quần Đảo. Thời điểm ấy Sài Gòn sạch sẽ như Singapore và được mệnh danh là HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG cũng không có gì thái quá!

Ông cũng kính trọng Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi Tổng Thống đích thân mời người đối kháng với chế độ ông là cha tôi Bùi Văn Trình (từng bị ông nhốt tù chính trị) dẫn tôi vào Dinh Độc Lập nhận giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á với sự có mặt của các vị Đại Sứ nước ngoài.

Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng cũng đủ bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông, một vị Tổng Thống có tinh thần mã thượng biết quý trọng hiền tài không phân biệt xuất thân, lý lịch.

Một Tổng Thống có vẻ ngoài hiền hậu nhưng lại có tầm nhìn xa thấy rộng, không cho phép người Mỹ can thiệp quân sự vào hiện tình đất nước Việt Nam.

Đáng tiếc là một Tổng Thống anh minh như thế lại bị chết oan ức, chết thảm khốc trong cuộc đảo chính quân sự 1-11-1963 do chính người Mỹ giật dây theo kịch bản của họ.

Ông Diệm chết vài tháng sau khi đọc diễn văn khai mạc Trại Hè Thiếu Nhi Xuất Sắc Toàn Miền Nam tại Bà Rịa Vũng Tàu mà tôi là một đại biểu thiếu nhi được mời tham dự.

Hôm nay viết những dòng này tôi lại nhớ đến những ngày đắp mộ ông năm 1971. Năm ấy tôi mới 17 tuổi cũng nối gót ông tập làm cách mạng.

Cuộc cách mạng “impossible” mà hậu quả đến bây giờ là dân miền Nam vẫn cứ luyến tiếc hoài thời thịnh trị của nền Đệ Nhất Cộng Hòa ngày xưa.

Hôm nay viết những dòng này không biết cha tôi, ông Bùi Văn Trình có lên trời hay chưa?

Tôi chỉ thấy ông đứng giữa khu rừng bưng mặt khóc trước một lý tưởng hoàn toàn sụp đổ bởi những kẻ lừa thầy phản bạn, liếm gót ngoại bang Tàu Cộng. Khu rừng ảo ảnh đó được tôi ghi lại bằng khúc thơ ngắn như sau:

Cánh rừng khô, lá khô, máu khô
Ba đứng đó một mình hiu quạnh
Trắng, xám, xanh, đen… màu địa y
Ba khoanh tay, hất hàm ương ngạnh

Những nếp nhăn nửa đời, cả đời
Trên trán ba, trên trán thảo mộc
Thôi, quên đi chính trị, thi ca
Ba mím môi, lặng người, đứng khóc !

BÙI CHÍ VINH.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay