Thánh Phanxicô Sales (1567 – 1622)

24 Tháng Giêng     Thánh Phanxicô Sales
(1567 – 1622)

    Cha của Phanxicô dự định cho chàng là một luật sư để có thể thế chỗ ông trong nghị viện tỉnh Savoy nước Pháp. Vì lý do đó Phanxicô được gửi đến Padua để học luật. Sau khi đậu bằng tiến sĩ, chàng trở về nhà, và đúng lúc ấy, chàng ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Dĩ nhiên, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt, và phải mất một thời gian khá lâu sau khi Phanxicô kiên trì thuyết phục thì ông bà mới đồng ý. Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Phanxicô được bầu làm giáo trưởng của Ðịa Phận Geneva, sau này nơi đó là trung tâm phát xuất tà thuyết Calvin. Ngài được sai đi để hoán cải những người theo tà thuyết này, nhất là ở quận lỵ Chablais. Qua lời giảng và qua việc phân phát những tài liệu nhỏ do ngài viết để giải thích giáo lý thật của Công Giáo, ngài rất thành công.

    Khi 35 tuổi, ngài là Giám Mục của Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, nghe xưng tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Sự nhân từ của ngài đã đưa được nhiều linh hồn về với Chúa. Ngài thực hành câu châm ngôn của chính ngài là, “Một muỗng mật ong thì thu hút nhiều ruồi hơn một thùng dấm.”

    Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng của ngài là “Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức” và “Luận Án về Tình Yêu Thiên Chúa”, ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ và rất nhiều bài báo. Vì những văn bản này mà ngài được đặt làm quan thầy của báo giới Công Giáo. Văn bản của ngài, đầy dẫy những nét nhân hậu, nhắm đến người giáo dân. Ngài muốn họ hiểu là họ cũng được mời gọi để trở nên thánh. Như ngài viết trong cuốn “Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức”: “Ðó là điều sai lầm, hoặc đúng hơn là một tà thuyết, khi nói rằng việc đạo đức không thích hợp với đời sống của một binh sĩ, một thương gia, một thái tử hay một phụ nữ có chồng… Ðã có nhiều người mất sự trọn lành trong cái khô khan của thế gian.”

    Mặc dù sự bận rộn và cuộc đời ngắn ngủi của ngài, Cha Phanxicô đã cộng tác với một vị thánh khác, Jane Frances de Chantal, trong việc thành lập tu hội Nữ Tu Dòng Thăm Viếng. Các nữ tu này thi hành nhân đức mà Ðức Maria đã làm gương khi đến thăm người chị họ là bà Êligiabét: khiêm tốn, đạo đức và giúp đỡ lẫn nhau. Lúc đầu các nữ tu tiếp tay một cách giới hạn trong công việc bác ái đối với người nghèo và bệnh nhân. Ngày nay, trong khi một số nữ tu điều hành các trường học, một số nữ tu khác dành trọn cuộc đời để chiêm niệm.
    Lời Bàn

    Thánh Phanxicô de Sales đã coi trọng lời Ðức Kitô: “Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật.” Như chính thánh nhân thú nhận, ngài phải mất 20 năm mới chiến thắng được tính tình nóng nẩy của ngài, nhưng không ai cho rằng ngài có tính xấu đó mà chỉ thấy trong lối đối xử của ngài tràn ngập sự ân cần và bản chất tốt lành của ngài. Vì bản tính hiền lành và vui vẻ ấy mà ngài được gọi là “Thánh Lịch Thiệp.”

    Lời Trích

    Thánh Phanxicô dặn dò chúng ta: “Người có đức hiền lành Kitô Giáo thì thương yêu và dịu dàng với người khác: Họ có khuynh hướng tha thứ lỗi lầm của người khác; sự thiện hảo của tâm hồn họ được bộc lộ trong sự hoà nhã dịu dàng có ảnh hưởng đến lời nói cũng như hành động của họ, giúp họ nhìn bất cứ vấn đề gì trong đường hướng bác ái và đem lại sự thoải mái.”

    Trích từ NguoiTinHuu.com………………………………………………………………………………………………..

    Hãy Triệt Hạ Thập Giá    

    Gibert Keith Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm họa của vô thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề: “Bầu trời và Thập Giá”. Một giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh quốc.

    Khi máy bay đi qua London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông nhà thờ chánh tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả đối với Kitô Giáo. Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện như sau: “Tôi cũng biết có một người thù ghét thập giá như ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta cũng tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người vợ, ông cũng tìm cách giành giật để kéo ra khỏi người bà. Ông nói rằng thập giá là một biểu trưng của sự độc ác dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.

    Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ của giáo xứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất. Sự thù hận đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi chiều mùa hè nóng bức nọ, ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh giá. Rồi trước mặt, đằng sau lưng ông, nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm chiếc gậy trên tay để đánh đổ tát cả những cây thập giá. Vào trong nhà, bất cứ những gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù của thập giá. Không còn dùng gậy để đạp đổ nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu rụi căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà.

    Câu kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị tu sĩ là: “Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá, bạn sẽ không chóng thì chày phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này”. Với cái chết của Ðức Kitô, thập giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó là chiến thắng của Tình yêu trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó có người còn tin ở sức mạnh của tình yêu. Ðạp đổ thánh giá có nghĩa là nâng cao hận thù chết chóc lên cao và chối bỏ tình yêu. Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Bất cứ một con người có lý luận bình thường nào cũng có thể thấy được điều đó.

    Ngày nay, con người vẫn còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập giá. Không cần phải leo lên tháp chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá; hình thù của thập giá, dấu chỉ của Tình Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con người. Xúc phạm đến con người cách này hay cách khác cũng đã là một triệt hạ thập giá rồi.

    Trích sách Lẽ Sống

 Hnkimnga & anh chị Thụ Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay