“Ai nói yêu em đêm nay,”

“Ai nói yêu em đêm nay,”

Ai nói yêu em đêm mai, Ai sẽ yêu em sau này?
Son phấn nào giết ngây thơ, Ánh đèn nào màu đơn côi,

Lệ sao nhiều hơn mưa lũ.”

(Trần Thiện Thanh – Ai Nói Yêu Em Đêm Nay)
(Lc 18: 22-23)

Chết thật rồi, bạn ơi. Cái gì mà, bàn chuyện Kinh Sách với thần học lại trích dẫn giòng nhạc toàn những: “yêu em” với lại “yêu anh”, hết đêm nay rồi lại đêm mai, tại sao vậy?” Chừng như, đây là câu nói phản hồi của bạn bè, hôm trước đã hơn một lần từng đưa ra!

Vâng. Bầu bạn hỏi, thì hôm nay, bần đạo bầy tôi đây xin thưa chuyện như đã từng thưa với đồng môn hay đồng đạo những sự rất thật về chuyện phiếm cũng rất “loạn”. Nhưng, trước khi hầu chuyện bạn và tôi, bần đạo đây xin được nghe thêm câu hát lại cũng cất lên từ buổi nhạc “Hát Cho Nhau Nghe” hôm 15/3/2014 ở Sydney, có lời ca như sau:

“Ai dìu bước em đêm nay,

Ai dìu bước em đêm mai,

Ai dìu bước em tương lai

Nhịp chân nào đưa rã rời?

Ôi tiếng kèn nghẹn như tiếng khóc

Thương cho người một kiếp vô duyên.”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Vâng. Hôm nay, bần đạo lại cũng mạn phép bầu bạn khắp nơi, để bảo rằng: thay vì trả lời thẳng câu hỏi, lại chỉ dám xin đưa vấn đề ra đây bằng một truyện kể hoặc những trích dẫn sao cho tỏ con ngươi nhà Đạo bấy lâu nay.

Thanh minh thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đi thẳng tuột vào vấn đề gặp ở đâu đó, có báo đài/truyền thông chảy thông suốt những giòng như sau:

“Mấy tháng ngày qua, có lẽ bạn đọc cũng nghe biết chàng trai nọ có tên là Pete Lynagh kể lại chuyện riêng của anh rồi chứ nhỉ?

Vâng. Đầu năm 2013 vừa qua, chàng trai nổi tiếng hào hoa/bay nhảy, chuyên hát và kể toàn chuyện…tình và tình, mà thôi. Nhưng, vào đầu năm nay, vui vẻ thế này mà anh lại đưa ra câu tuyên bố “nảy lửa” khiến bạn bè/người thân cứ bảo nhau: Hãy chờ xem anh ta có giữ lời không đã! Và, giữ đến mức độ nào? Bởi, anh tuyên bố rằng: sẽ chay kiêng ăn nằm suốt một năm, để gây quỹ chống việc thiên hạ dùng trẻ em Cam-pu-chia làm nô lệ tình dục, vào tuổi còn quá nhỏ…

Đúng năm sau, vào ngày đầu 2014, chàng thanh niên 33 tuổi này bèn nói: anh thấy trong người khá hơn trước về chuyện “ấy” ấy, dù đôi lúc thấy có hứng hoặc đòi hỏi này nọ, cũng vậy…

Với nhiều người, có lẽ đây là chuyện lạ trên đời, cũng đáng để ta bắt đầu năm mới với những chuyện Đạo/đời khô khan, lan man viết hoài/viết mãi, đến không chán…” (xem Tamara Rajakariar, Chastity for Charity, MercatorNet 28/1/2014)

Đấy, bầu bạn thấy đấy! Thiên hạ mào đầu câu chuyện còn dài dòng hơn mọi người, ngay như bần đạo đây mới chỉ hát hò đôi câu “ướt át” chuyện yêu đương với đương yêu thôi cũng đã bị “kỳ thị” rồi. Thôi thì, thanh minh một chút rồi, nay ta hát tiếp đôi câu cũng hơi “rầu”, rồi bàn tiếp. Nói “rầu”, là bởi theo ý của ai đó hễ cứ bàn chuyện “yêu đương” đều hát những câu sau:

“Bẽ bàng một mình em,

Nghe như trong lòng giông tố như cuốn xô,

Ai nói yêu em đêm nay,

Ai nói yêu em đêm mai,

Ai sẽ yêu em sau này.”

(Trần Thiện Thanh – bđd)

Ở đời thường, người đi Đạo lại có nhiều chuyện đáng hát câu “bẽ bàng” hơn nữa. Hát mãi câu: “Bẽ bàng một mình em”, “Nghe trong lòng giông tố, như cuốn xô” hơn ai hết. Thôi thì, để bạn và tôi, ta nghe thêm lời hỏi/đáp giữa cha/con nhà Đạo, cũng đạo-mạo, như sau:

“Thưa cha,

Con không biết tại sao một số vị cứ coi lập trường thần-học của Đức Thánh Cha Phanxicô, là “phóng khoáng”/“cấp tiến” hay sao đó? Theo con, thì với cương-vị của thủ-lĩnh một đạo-giáo, ngài đã công-khai đưa ra lập trường về “sự dữ”, tức những điều mà người cấp tiến hoặc “thoáng” cho lắm, cũng không nói. Hôm nay, xin hỏi cha, là: Đức Phanxicô khi được gọi là Đức “thánh” cha rồi, thì điều ngài nói có gì là sai trái, phải thế không, cha?” (Câu hỏi của người đi Đạo gửi tuần báo Công giáo hỏi chuyện đạo-đức, ở trong Đạo)

Vâng. Hễ có người hỏi về chuyện đạo-đức, tức thời Đức Cha hay là Đức thày đều ưa thích, nên sẽ viết câu trả lời, ngay trên giấy. Và, câu trả lời của đức ngài, hôm nay, cũng lai rai, dài dài, rất như sau:

“Thật ra thì, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chẳng khi nào mang tiếng là nhà thần-học “thông thoáng” hoặc “cấp tiến”, hết. Ngài từng nói rất nhiều lần về ác-thần/sự dữ, giống các vị khác thôi. Ngay khi được bầu làm Thủ lãnh Giáo hội, ngài cũng nói: “Cả khi người ta không tuyên xưng niềm tin vào Chúa đi chăng nữa, tôi vẫn nhớ câu nói của Léon Bloy từng bảo: “Bất cứ ai không nguyện cầu cùng Chúa, tức cũng là cầu nguyện với ác thần quỹ dữ, thôi.”

Hôm sau, ngài lại nói: “Ta chớ bao giờ đầu hàng chủ-nghĩa bi-quan, cũng đừng cay đắng chịu thua ác thần/quỷ dữ cứ muốn dụ dỗ ta sa đà ở với nó, mỗi ngày…” Quả là, Đức Phanxicô đúng là đấng bậc rất lạc-quan, bởi ngài luôn gọi mời Giáo-hội sống đích-thực niềm vui Chúa muốn ta sống như thế, qua lời thánh-sử Gioan từng viết:

“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15: 10-11)

Vả lại, như mọi người chúng ta đều đã biết: mỗi khi Chúa muốn ta hạnh phúc, là ta sẽ được phúc hạnh khi ta gần gũi Chúa, như thánh Phaolô từng căn dặn giáo đoàn Phílíphê rằng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Phil 4: 4)- Và khi đó, ác-thần/sự dữ chỉ muốn dẫn ta ra đi khỏi vòng tay ôm của Chúa bởi quỷ dữ chỉ khuyến dụ ta đi vào với bi quan sầu buồn, mà thôi.

Lại nữa, trong bài chia sẻ Lời Chúa hôm Lễ Lá 2013, khi qui chiếu những vấn đề xem ra khó có thể vượt qua được, thì Đức Giáo Hoàng, lại cũng nói: “Vào lúc này, ác thần địch thù vẫn đến cám dỗ nhưng lại đột lốt thiên thần và rồi từng bước lại từng bước đưa ra lời lẽ rất cám dỗ, đến với ta. Ta hãy nhớ: đừng bao giờ nghe lời chúng cám dỗ!”

Có lẽ qui chiếu hay nhất khi đề-cập việc Đức Phanxicô nói đến ác-thần/quỷ dữ vào triều đại Giáo hoàng của ngài là vào ngày 5/7/2013 khi ngài cung hiến thành-lũy Vaticăng của ngài cho Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Khi ấy, có Đức Bênêđíchtô 16 cũng tham gia cử-hành nghi-thức rảy nước làm phép tượng thánh Micae tại khu vườn của Vaticăng ở Rôma.

Trong bài chia sẻ ngắn, Đức Phanxicô nói: “Tổng Lãnh Thiên Thần Micae – là thần-sứ có đặc-tính giống như Chúa- vị thần-sứ vô-địch của Chúa rất mạnh-mẽ về quyền uy, hơn hẳn mọi người. Tổng Lãnh Thiên Thần Micae phấn đấu tái tạo sự công chính thánh-thiêng và bảo vệ dân của Chúa khỏi mọi địch-thù, ở bên trên các kẻ địch là ác-thần/quỷ dữ. Sở dĩ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae luôn thắng thế quỷ dữ là bởi bên trong mình có Chúa luôn hợp-lực tác-động. Bức tượng này nhắc ta nhớ rằng: quỷ dữ luôn bị ta vượt thắng, ta lột mặt nạ chúng và đạp đầu chúng do bởi ơn cứu độ hoàn-thành một lần là mãi mãi nhờ bởi Máu thánh Đức Kitô. Dù, quỷ dữ có tìm cách tráo-trở, trà-trộn bằng nhiều mặt khác nhau, có khi chúng dùng cả diện mạo con người, cũng vẫn bị Thiên-Chúa là Đấng quyền-uy/sức mạnh luôn lướt vượt và thắng chúng, nhờ đó đã cứu ta và ban cho ta ơn-huệ cứu độ. Ta chẳng khi nào bị bỏ rơi/cô đơn trong hành trình cuộc sống; bởi ta luôn có sự hỗ-trợ từ thần-sứ của Chúa luôn dương cánh bảo-vệ để ta lướt thắng mọi hiểm nguy, hầu bay cao, cao mãi cả vào lúc thực-tại cuộc sống cứ muốn triệt-hạ và trì kéo ta xuống vực sâu. Bằng việc cung hiến thành Vaticăng cho Tổng Lãnh Thiên Thần Micae để khỏi bị quỷ dữ/ác thần quấy quả và  ngăn chúng làm bậy…”

Xem thế thì, rõ ràng là Đức Phanxicô luôn coi ác-thần/quỷ dữ như địch thù đích-thực của Hội-thánh và các linh-hồn. Lời ngài nhắc nhở con dân trong Đạo luôn đề-cao cảnh-giác trước mọi ác-thần thù-địch vẫn vang-vọng lời của thánh Phêrô khi xưa từng nhắc nhở:

“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.”

Xem thế thì, một lần nữa, ta cũng luôn trong tình-trạng tỉnh-thức để nghe lời nhủ khuyên của thánh-nhân, suốt mọi ngày.” (xem Lm John Flader, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và vấn đề quỷ dữ, Question Time, The Catholic Weekly 26/01/2014 tr. 10)

Nói về Đức Giáo Tông hiền-từ/bình dị giống thánh Phanxicô thành Assisi là thế, mà lại bảo: ngài là đấng bậc thông thoáng hoặc cấp-tiến về thần-học thì y như thể bảo rằng: ngài đang chơi với lửa. Lửa, niềm tin. Lửa, ở các vụ cháy rừng lan rất nhanh.

Thật ra, còn quá sớm để ta có thể gióng tiếng lên án đấng bậc chủ trương sống Đạo rất đích-thực và tái-tục rao-giảng lòng Đạo/việc Đạo theo kiểu phù-hợp với thời đại hơn, mới đúng.

Vừa rồi đây, bần đạo có dịp trở lại ngôi chùa ở Sydney vốn chất-chứa tro cốt của “cụ ngoại các cháu” trong nhà, đã khám phá ra đôi ba lập trường, tuy của người “ngoài luồng”, nhưng vẫn có lòng đạo giống người đi Đạo. Lập trường, tuy dài dòng, nhưng được tóm gọn bằng những giòng chữ được gọi là: “Mười Lối Hành- xử rất đáng khen”, như sau:   

“Thiền-sư Ling-che có lần giảng giải: Khi trong người mình thấy cồn cào/đói bụng, thì có là gạo lức hay lúa mì cũng đều là thực phẩm tốt chứ không phải nhân sâm hoặc cây muồng muồng ở dưới đất. Mười hành-xử đáng ta ca-ngợi, là liều thuốc tốt dành cho mọi người trên thế giới đang trải qua thời-kỳ sa-đoạ, kiệt-sức, rất hỗn loạn. Thành thử, chân lý và hoà bình bao giờ cũng cần thiết cho con người. Muốn được thế, con người phải:

1. Sống tử tế với mọi người/mọi vật, biết kềm chế không huỷ hoại mọi sinh vật.

2. Sống chân phương đạm bạc, tự kềm-chế để không cướp giựt của-cải của ai

3. Sống tự-chế không ham muốn, biết kềm mình để đừng có lòng dục.

4. Sống thật thà/lương thiện, biết kềm mình để đừng bao giờ dối trá.

5. Sống không rày la/trách móc, không đa mang nhiều chuyện.

6. Sống cẩn-trọng, biết kềm mình khỏi lời nói bất chính.

7. Sống nói năng cho đứng-đắn, không bàn chuyện xàm bậy.

8. Sống không xa-hoa/phung phí, không bị lòng tham ràng buộc.

9. Sống thư thái, giải-thoát mình khỏi mọi giận hờn, ghét ghen.

10. Sống và tin vào Nhân/Quả, biết lánh xa lối nhìn sự việc cách sai trái

Khi con người không giết chóc, trộm cắp và ngoại tình, là ba tội phạm rất lớn, tức đã có 3 được hành-xử rất lớn-lao. Khi con người không nói lời gian trá, buôn chuyện và nói năng tục-tằn hoặc đầm mình trong lòng dục: là đã có 4 hành-xử rất đáng khen. Khi con người bỏ mọi tham-lam, giận dữ hoặc quan niệm sai trái, là đã có thêm 3 hành-xử tốt-lành của tâm-thân. Xem như thế, thì 10 điều tốt đẹp về hạnh kiểm đã trọn vẹn với con người.” (xem A Lecture of the Excellent Karma resulting from the Practice of the Ten Commandments, Taiwan R.O.C 2008, tr. 5-6)

Trích dẫn và kể lể ở đây, còn để nói rằng: đấng bậc cao/thấp được trọng vọng trong/ngoài “luồng” đều muốn dẫn đưa dân con mọi người về với “Đạo làm người” vốn dĩ quan-niệm rằng: “nhân chi sơ tính bản thiện”, dù ta có bị người đời cho là “cấp tiến” hoặc “bậc mô-phạm/vị vọng ở trong Đạo.

Lập trường Đức đương kim Giáo hoàng về thần-học, thật ra, với vị-thế ngài đang nắm giữ tựa hồ như đang rơi vào “ổ kiến lửa”, đầy bình phẩm. Cả trăm người những phẩm bình, thì thế nào cũng có lời khen/tiếng chê như đã từng xảy ra với mọi vị lãnh-đạo ở trong Đạo. Tắt một lời, đã là lãnh-tụ một đạo-giáo xưa nay mang tiếng là “bảo thủ” thì có cấp tiến hoặc phóng-khoáng cỡ nào đi nữa thì các đấng bậc cũng phải thận-trọng lời ăn/tiếng nói và cả mọi hành-xử của mình nữa.

Còn nhớ, mỗi lần có cuộc bầu-bán Giáo hoàng dài lâu hay mau-chóng, bàn dân thiên-hạ đều kháo nhau rằng: chắc rằng kỳ này Giáo hội Công-giáo mình sẽ chịu chỉnh-sửa lập-trường thần-học cứng ngắc cũng đã xưa, hầu có thể cho phép con dân mình được cởi mở/thoải mái hơn trong các vấn-đề, như: ngừa hoặc phá thai, phụ nữ làm linh mục hoặc cho phép linh mục được có vợ, hoặc gì gì nữa…

Với cương-vị là thủ-lãnh một đạo-giáo lớn, lại có tầm ảnh-hưởng rộng/sâu bao lâu nay, thì Công-giáo ta vẫn cứ là đạo-giáo rất “Công” và rất “giáo”. Và, vị Giáo hoàng của ta vẫn cứ là ông (chứ không phải bà) hoàng cũng rất “đạo-giáo”. Dù, chữ “giáo” ở đây có là giáo-lý, giáo-điều hay giáo-chủ/giáo-tông đi chăng nữa.

Còn nhớ, có lần ở giáo-phận nhỏ rất tỉnh-lẻ bên Úc đã thấy xảy ra cuộc tranh-luận hoặc tranh-đấu rất “tránh đâu” hoặc “đánh trâu” nọ, có vị chủ-quản địa-phận từng trả lời/trả vốn những người viết “thỉnh-nguyện-thư” gửi Giáo hội để xin cho được cởi-mở hơn chuyện cho phép linh-mục được có vợ và/hoặc nữ-giới làm linh-mục, phó tế, vv… thì vị chủ-quản hôm ấy cứ lặng-lẽ bảo với đương-sự, rằng: “Bộ quý vị tưởng rằng Giáo-hội ta dân-chủ lắm hay sao, chẳng bao giờ thế đâu!”

Chả biết cụm-từ “dân-chủ” mà đức ngài nói có được hiểu như “dân làm chủ”, hoặc: “người chủ của Giáo-hội là dân con thấp hèn” ở địa-phương hay không; nhưng, một khi trở-thành người Công-giáo rồi, thì đương-sự nào cũng hiểu rằng: Đạo của mình vẫn “cứ thế mà…cứu thế”, chỉ thế thôi. “Cứ thế” nói ở đây, luôn mang tên “nguyễn y vân” tức: “vẫn y nguyên”. Và, “cứu thế” đây, vẫn mang ý-nghĩa cứu-vớt thế-giới với thế-trần, rất trần-tục.

Đức Phanxicô nhà mình, đã và đang bắt chước sống cuộc đời bình-dị như đấng thánh xuất tự thành Assisi, được tác giả có tên là Michael Coren từng viết đôi lời nhận-định rất ư là khách quan (hiểu theo nghĩa: người đứng ở ngoài) cương-vị của Giáo hoàng mà nhìn vào, rằng:

“Nên biết rằng, ta đang cần đổi thay theo loại nào? Lấy ví dụ về một trong các hành-xử của Đức Phanxicô vào hồi ấy, sẽ thấy rằng một trong các dấu chỉ-dẫn đặc biệt về tình-dục hầu thay-đổi Giáo-hội ư? Ngày Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên trong triều-đại Giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã tiếp tục chủ trì nghi-thức “Rửa chân” theo kiểu mà ngài vẫn thường thực-hiện như hồi còn làm Tổng Giám mục Buenos Aires, nước Argentina. Tức là: thay vì sụp xuống rửa chân cho những người được chọn lựa ngồi ở thánh-đường vẫn giống như Rôma thường làm, thì ngài lại ra đường phố để tỏ bày tình thương-yêu đối với những người bị bỏ bê ở phố chợ không có người giùm giúp/chăm sóc. Hôm ấy, ngài đã thật sự rửa sạch chân cho bệnh nhân đang chết dần mòn với chứng “liệt kháng/miễn nhiễm” ở đây, khi bất chợt ngài yêu cầu được đến trại-giam các trẻ vị-thành-niên để rửa sạch và hôn chân không chỉ 10 người tù trẻ thôi, mà cả hai bé gái bị giam cầm ở trong đó là nữ-giới theo đạo Hồi, thuộc sắc-tộc người Serbia.

Đây là sự-kiện có một không hai trong Đạo chứng-tỏ tình thương-yêu được diễn-tả bằng hành-động đích-thực mặt ngoài. Điều này, dầu vậy, vẫn minh-xác đặc-trưng thiếu hiểu biết về Giáo-hội nói chung và cả chúng dân lẫn truyền-thông đại chúng lâu nay vẫn khiếm-khuyết; và có lẽ, cả đến đức tính cực kỳ bảo-thủ nữa. Đức Phanxicô đang phá bỏ một số thói-tục nhỏ còn rơi rớt nơi truyền-thống của nhà Đạo, bằng vào thực-thi truyền-thống lớn-lao nhiều ý-nghĩa, hơn. Ý-nghĩa nhất, là việc Đức Giáo Hoàng đã và đang khẳng-định về thánh-truyền, huệ lộc và Lời Chúa gọi mời con dân nhà Đạo hãy khiêm-tốn mà phục-tùng hết mọi người…” (Muốn xem thêm vấn-đề này, xin mời đọc: Michael Coren, Why The Catholic Faith is now more relevant than ever, The Catholic Weekly 02/02/2014, tr. 10-11)

Để cho chuyện phiếm tuần này được nhẹ tênh với tình-tiết rất chi-tiết, đề-nghị bạn/đề-nghị tôi, ta hãy bước vào vườn truyện kể để có được những lời lẽ ý-nhị như sau:

“Tại làng chài nọ, có một chàng thanh niên hiền lành và tốt bụng, làm việc rất chăm chỉ. Ngày nọ, trên đường về nhà, chàng lượm được một cái chai nhỏ. Vì tò mò, chàng tìm cách tháo bằng được nắp chai ra. Bất ngờ từ trong chai bay ra một làn khói trắng và vị thần khổng lồ xuất hiện.

Vị thần liền cất tiếng nói:

– Đừng sợ! Ngươi là ân nhân của ta, ta cho ngươi ba điều ước. Nào! Hãy ước đi hỡi chàng trẻ tuổi.

Ước gì nhỉ? Chàng đắn đo và trả lời:

– Thần cho tôi thời gian để suy nghĩ nhé!

– Được thôi. Từ đây đến chiều ngươi phải nghĩ ra đấy.

Chàng đi dọc theo bãi biển và suy nghĩ. Trên đường đi chàng gặp một đám trẻ con hồn nhiên, vô tư chơi đùa say mê. Nhìn những gương mặt thiên thần, chàng thấy cuộc đời mới đẹp làm sao. Đi tiếp, chàng gặp một chàng trai trẻ liều mình cứu những người nghèo khổ thoát khỏi một nhóm trộm cướp. Tấm lòng nghĩa hiệp đó khiến chàng khâm phục.

Chàng lại tiếp tục đi và thấy một đám đông vây quanh một cụ già. Thì ra có một con cá voi mắc cạn trôi dạt vào bờ. Mọi người định giết nó để lấy thịt bán. Cụ già nói:

– Những gì thuộc về biển cả hãy trả về cho biển cả. Thế là chú cá voi được cứu sống.

Hoàng hôn buông xuống. Vị thần hiện ra hỏi:

– Ngươi đã nghĩ ra chưa?

Chàng trai trả lời:

– Vâng, xin thần hãy ban cho tôi sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ; một trái tim nghĩa hiệp, dũng cảm của tuổi trẻ và một tấm lòng nhân ái, vị tha của người từng trải.

Vị thần nói:

– Hỡi chàng trai, ngươi làm ta bất ngờ đấy, bởi vì ngươi đã nhận ra những thứ quí giá nhất của cuộc đời.

Phần lớn chúng ta đều ý thức rằng những hấp dẫn từ vật chất bên ngoài sớm muộn gì cũng sẽ vỡ tan, chỉ có một cõi lòng bình an và hạnh phúc với chính nó mới đích thực là nhu yếu sâu sắc nhất của con người. Như thế mưu cầu, lo toan, tính toán, gom góp cho tự thân càng nhiều thì bất an càng lớn.

Mỗi khi bế tắc, mỗi lúc khó khăn ta hay tìm đến những phút giây mơ ước một điều kỳ diệu nào đó do sự ngẫu nhiên của thế giới mông lung đem lại, để giải quyết những bế tắc hiện tại.

Cho dù một điều ước hay ngàn điều ước có thực hữu hiệu hay không thì chúng ta cũng khám phá ra sự thật là tất cả những sự trôi chảy thuận lợi ấy điều dựa trên nền tảng vay mượn bên ngoài. Chỉ khi nào đối diện với các nghịch cảnh, chướng ngại, khó khăn, thất bại mà ta vẫn vui vẻ chấp nhận, tìm cách vượt qua và không đòi hỏi gì bên ngoài thì đó mới là biết làm chủ và biết cách sử dụng vốn liếng của tự thân.

Đọc thế rồi, có lẽ ta cũng nên thêm vào đây đôi lời bàn của người kể, cứ bảo rằng: mọi thứ “quý giá trên đời” còn nhiều lắm. Nhưng, vẫn không là thứ “quý nhất”, “giá trị” nhất. Bởi, “quý nhất” vẫn là cái mà mỗi người và mọi người đang trân quý, tỉ như: lương tâm trong trắng, lòng đạo sốt sắng và nhiều thứ khác , vẫn rất nhiều…

Tắt một lời, thiết tưởng bạn và tôi, ta cũng nên trở về với Lời Vàng Chúa dạy trong Kinh Sách, đã nhắn nhủ người thanh-niên giàu có khi xưa từng có tất cả những thứ “quý giá” nhất trong đời mình, nhưng vẫn thấy thiếu một điều, rằng:

Nghe vậy, Đức Giê-su bảo với anh:

“Anh chỉ còn thiếu có một điều,

là hãy bán tất cả những gì anh có

mà phân phát cho người nghèo,

và anh sẽ được cả một kho tàng trên trời.

Rồi hãy đến theo Tôi.”

Nghe vậy, anh buồn lắm,

vì anh rất giàu.”

(Lc 18: 22-23)

Theo thiển ý, hành trang men theo Đức Giáo Hoàng ra đi mà làm việc đạo-hạnh trên đời, là tái-tục rao-truyền Lời Chúa, tức sẽ nhận ra được chân lý để đời, nơi sự việc mà người người vẫn khẳng-định: “Thiên-Chúa-là-Tình-yêu”.

Thế thì, bao lâu ta nhận ra được điều đó, tức đã nhận ra thứ “quý giá” nhất trên đời. Chứ, không phải chỉ mỗi đặc-trưng “dân-chủ” hoặc “nhân-dân làm chủ” của ai đó, chí ít là Đức Giáo Hoàng, rất Phanxicô.

Trần Ngọc Mười Hai

Và những khẳng-định

Vẫn thường nghe

Nhưng ít khi làm.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay