TỈNH ĐỂ CHỜ

TỈNH ĐỂ CHỜ

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss

Is 2, 1-5; Rm 13, 11-14a; Mt 24, 37-44

Chắc ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần chờ xe, chờ đò, chờ máy bay …

Kỷ niệm lại về khi nhớ về ngày xưa ở vùng ven biển. Muốn đến nơi cần đến phải qua 2 chuyến phà. Chuyến phà thứ nhất ngày xưa như thế này, vì sợ hao xăng hao dầu nên chạy cầm chừng và rồi những chuyến đò ngang được cập bến phà để chở thêm người ngoài, vừa nhanh vừa tiện. Thế nhưng từ khi báo động đến mức nguy hiểm khi dùng đò ngang đi qua đoạn sông hơn một cây số thì tất cả đò ngang đều bị cấm, Thế là chỉ còn phương tiện duy nhất là phà. Nếu tạm gọi là may mắn vừa chuyến phà thì kịp lên, bằng không thì đành phải đợi. Hôm nào rơi vào ngày Tết ngày Lễ thì lượng người đi tăng gấp đôi ba lần. Như vậy thì chỉ đành chờ và chờ. Tâm trạng người chờ thì lúc nào cũng sốt ruột không biết khi nào đò sang để qua bờ bên kia.

Chờ đò là như thế, chờ xe cũng chẳng khác gì. Vài lần, anh em đi chung với nhau nhưng chẳng hiểu sao có vài anh ngủ quên cả dậy nên xe đã lăn bánh. Thế là lọ mọ dậy và chỉ còn cách duy nhất là ra bến để tìm phương tiện đến nơi cần đến.

Chỉ cần mất tỉnh thức một chút thì lỡ chuyến xe và lỡ chuyến đó. Chuyện này hết sức thực tiễn trong cuộc đời con người.

Mới đây thôi, từ Phát Diệm về Hà Nội để về lại Sài Gòn làm tôi phải sôi ruột. Cơm trễ, 1 giờ trưa khởi hành về Hà Nội, trong khi đó chuyến bay về lại Sài Gòn cất cánh lúc 5 giờ. Quán ăn từ Phát Diệm về Hà Nội khoảng hơn tám mươi cây số nhưng sợ cảnh kẹt xe. 3 giờ kém xe về đến quận Đống Đa. Chờ 10 phút, xe đưa tôi vào sân bay. Vừa ra đường Nguyễn Lương Bằng thì chuyện không mong nó vẫn đến là kẹt xe. Xe này nối xe kia một hàng dài. Thoát khỏi cảnh kẹt xe, tài xế biết gần đến giờ bay nên tăng tốc. Đến sân bay thì hỡi ôi một hàng dài đang chờ để Hải Quan kiểm tra. Đến lượt mình cũng là người cuối cùng bước chân vào máy bay. Một tí nữa coi như phải ở lại Hà Nội để chờ đến ngày mai mới được vào Sài Gòn. Một hành trình đầy kinh hãi !

Ngày hôm nay, bước vào Chúa nhật đầu tiên của mùa Vọng. Sống tâm tình mùa Vọng là chờ mong, đợi chờ Thiên Chúa đến trong cuộc đời chúng ta.

Chúa Giêsu ngày hôm nay mời gọi các môn đệ cũng chính là mời chúng ta sống tâm tình tỉnh thức để đợi Chúa đến.

Trong tâm tình nhắc nhở này, Chúa Giêsu nhắc lại hình ảnh của gia đình ông Nôê ở Cựu Ước. Được báo là sẽ có một trận lụt hồng thủy đến trên mặt đất này để rồi ông Nôê và gia đình ông chuẩn bị đóng một con tàu thật lớn để lên đó tránh lụt. Như lời tiên báo căn dặn, ông đã làm tất cả những gì cần thiết và sẵn sàng để “đối phó” với cơn đại hồng thủy sắp đến. Trong khi đó, những người khác cùng sống cùng thời với ông vẫn cứ vui vẻ để sống chứ không hề bận tâm chuyện gì cả.

Chuyện gì đến sẽ đến. Như trong lời báo, nước ngày mỗi ngày một dâng cao. Và, dĩ nhiên là những ai lên tàu, thậm chí súc vật mới được sống sót sau trận lụt hồng thủy kinh hoàng.

Chuyện hồng thủy trong đời ông Nôê cũng chỉ là cảnh lụt lội. Sau cơn mưa trời lại sáng, sau bão lũ thì mọi sự cũng sẽ trở lại bình thường và con người số gắng lao nhọc để kiếm sống từ hai bàn tay trắng. Dù phải làm lại từ đầu, dù phải xuất phát điểm từ hai bàn tây trắng nhưng con người còn có cơ hội sống để làm lại từ đầu. Những người thời ông Nôê bị cơn lụt cuốn trôi thì muốn làm lại từ đầu như gia đình ông Nôê cũng không làm được vì tất cả đã chết.

Sao bão tố, sau thiên tai con người còn có thể sống. Như những nạn nhân trong cơn bão dữ để đời ở Philippines là một bằng chứng hết sức cụ thể. Còn lại 5 người gia đình người Việt sống trong vùng tâm bão sống sót. Những người này rơi vào cảnh hai bàn tay trắng và phải làm lại từ đầu. Giờ này, họ cũng chẳng mong gì khác ngoài thực phẩm để cứu sống họ sau những ngày tan thương này chứ cũng chưa nghĩ  rằng phải vực lại nền kinh tế như xưa. 5 người này may mắn hơn cả ngàn người khác vì họ đã qua đi ngay khi bão đến.

Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta không chỉ là được báo trước như ông Nôê hay dự báo bão dữ như những cơn bão năm này qua năm khác ập đến. Không phải báo trước mà là thân phận con người đến một ngày nào cũng phải kết thúc.

Chúa Giêsu nói thẳng chứ không mấp mé, không hoa mỹ, không gợi hình gợi ý gì cả. Chúa  Giêsu nói thẳng luôn là trong khi hai người đang xay bột thì có một người bị đem đi và một người ở lại, có người đang trồng lúa thì cũng sẽ một người được ở lại.

Chân lý này không ai có thể phủ nhận được vì lẽ ngày mỗi ngày đều diễn ra cái sự thật này, cái chân lý này.

Nếu đến Từ Dũ, chúng ta sẽ thấy nhiều và thật nhiều bà mẹ đang quằn quại trong cơn đau để sinh hạ đứa con yêu của mình. Và, nếu chúng ta đến Đa Phước hay Bình Hưng Hòa, chúng ta sẽ bắt gặp đoàn xe tang nối đuôi nhau đưa người quá cố lên đài hỏa táng. Nhìn như thế, gặp như thế và rồi một ngày nào đó ta cũng như thế chứ không sai.

Chúa Giêsu, trong tâm tình giờ người làm ruộng và người xay bột bị mang đi đó, mời gọi con người, mỗi người, nhất là những người có niềm tin phải tỉnh tức.

Chuyện quan trọng nhất của đời người đó là tỉnh thức. Lý do để chúng ta luôn canh thức là “vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến”. Sự kiện Chúa sẽ đến trong cuộc quang lâm là một thực tại chắc chắn, nhưng đồng thời đó cũng là một thực tại sẽ xảy đến hoàn toàn bất ngờ, vượt ra bên ngoài những dự đoán hay hiểu biết chính xác của con người.

Ngày mỗi ngày, chúng ta vẫn “xay bột”, vẫn “làm ruộng”, tức là vẫn sống trong các thực tại bình thường hằng ngày của cuộc sống con người, nhưng bên trong phải là một sự canh thức đích thực, tức là một sự tham dự thật sự vào số phận và mầu nhiệm của Đức Giêsu. Đó mới là điều quan trọng.

Để minh họa cho tính chất bất ngờ đó của cuộc quang lâm, Chúa Giêsu kể dụ ngôn kẻ trộm đêm khuya:             “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã canh thức, không để nó khoét vách nhà mình” (24, 43). Tân Ước vẫn thường dùng hình ảnh kẻ trộm để nói về tính chất bất ngờ của ngày Chúa đến (1 Tx 5,2; 2Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15). Vì tính chất bất ngờ này, các đồ đệ của Chúa được yêu cầu phải luôn luôn hiện diện trong tư thế sẵn sàng đối diện với biến cố đó (c.44), tức là luôn hiện diện một cách tròn đầy trong từng phút giây hiện tại trong sự liên kết mật thiết với cuộc vượt qua của chính Đức Kitô Giêsu. Cuộc quang lâm của Chúa là biến có cứu độ, vì Ngài ngự đến để tập hợp những người được tuyển chọn ( 24, 31), và khi ấy, “kẻ nào bền chí đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu độ” (24, 13).

Chúa Giêsu kết luận: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã canh thức, không để nó khoét vách nhà mình.44 Cho nên anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì vào chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24.42-44).

Căn cốt của trang Tin Mừng hôm nay là động từ “canh thức” trong câu 42. “Canh thức” có nghĩa là không ngủ, là tỉnh thức. Động từ này xuất hiện trong trình thuật về Chúa Giêsu trong vườn Dầu (26, 38.40.41). Nó diễn tả sự liên đới và đồng nhất hóa với cái chết mà Chúa Giêsu trải qua trong chiều sâu kinh hoàng thật sự của cái chết cứu độ đó. Vậy đây không chỉ là sự không mê ngủ, mà còn là sự nên một với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Đây chính là tâm tình lời mời gọi của Chúa Giêsu mời các môn sinh của Ngài cũng như mời gọi mỗi người chúng ta : “Anh em hãy canh thức”.

“Canh thức” như Chúa Giêsu mời gọi có nghĩa là ngồi đó thức và chờ đợi chứ không làm gì cả. Thái độ, tâm tình như thế là tâm tình tiêu cực, tâm tình bi quan và chẳng có ý nghĩa gì với ta cả.

Tâm tình “canh thức” được Thánh Phaolô mời gọi rất rõ qua đoạn thư của Ngài : ” … vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.

Xin cho chúng ta sống tâm tình “canh thức” như Thánh Phaolô mời gọi để bất cứ khi nào Chúa đến với đời ta, ta sẵn sàng đón chờ Chúa và Chúa đưa ta vào hưởng hạnh phúc Quê Trời với Ngài.

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay