Mỹ : Hết ngân sách, 800.000 công chức nghỉ việc không lương

Mỹ : Hết ngân sách, 800.000 công chức nghỉ việc không lương

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, 30/09/2013.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, 30/09/2013.

REUTERS/Larry Downing

RFI

Nước Mỹ gần như tê liệt. Những lời kêu gọi của Tổng thống Barack Obama không làm thay đổi tình thế. Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ không đạt được đồng thuận về Đạo luật Tài chính cho phép tránh được cái gọi là « bức tường ngân sách ». Các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục, nhưng trong khi chờ đợi, nước Mỹ phải hoạt động chậm lại do không còn tiền. Khoảng 800 000 công chức buộc phải nghỉ việc không lương.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình :

“Trong những giờ qua, các văn bản được trao đổi liên tục giữa Hạ viện và Thượng viện. Nhưng trên thực tế, các cuộc thương lượng giữa các nghị sĩ không hề tiến triển. Hạ viện chuyển tới Thượng viện Đạo luật tài chính đẩy lùi một năm việc thực hiện cải cách bảo hiểm xã hội. Các văn bản này, sau khi được sửa đổi và tái lập lịch trình thực hiện cải cách bảo hiểm xã hội, gọi là « Obamacare », được Thượng viện gửi trả lại Hạ viện. Có thể gọi đây là cuộc đối thoại giữa những người điếc. Do Đạo luật tài chính không được thông qua, một phần ba công chức rơi vào tình trạng thất nghiệp kỹ thuật kể từ hôm nay, 01/10/2013.

Các lời kêu gọi của Tổng thống Barack Obama về trách nhiệm của các nghị sĩ cũng như các tiếp xúc của ông với các lãnh đạo đảng Cộng Hòa không làm thay đổi được tình thế, cho dù, theo các cuộc thăm dò dư luận do các phương tiện truyền thông thực hiện, người dân Mỹ mệt mỏi về cuộc khủng hoảng này và đa số quy trách nhiệm cho đảng Cộng Hòa về việc đóng cửa các cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, bên trong đảng Cộng Hòa đã bắt đầu có những thay đổi. Bởi vì giờ đây, khủng hoảng đã xảy ra và không ai chịu nhượng bộ cả, các dân biểu do vậy phải thương lượng với nhau. Mọi việc đều có thể. Bên trong đảng Cộng hòa , vào đêm qua, đã có một sự nổi dậy của những chính trị gia ôn hòa, họ đã bỏ phiếu chống lại đảng của mình để tránh một tìnht trạng thất nghiệp kỹ thuật đối với các công chức. Nhưng họ không đủ đông, thiếu mất vài phiếu. Điều này có nghĩa là một số chính trị gia bắt đầu chán ngán cuộc chiến chống Đạo luật về bảo hiểm xã hội – Obamacare, được bỏ phiếu thông qua cách nay ba năm.

Bởi vì, các nhà phân tích đều đồng ý với nhau trên một điểm : Cuộc khủng hoảng này có hại cho đảng Cộng Hòa. Được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này là các dân biểu cực hữu, thuộc Tea Party. Chính đảng cực đoan này chống lại mọi sự can thiệp của Nhà nước và bác bỏ thẳng thừng mọi đề xuất, được đánh giá là chính đáng, của Tổng thống Barack Obama.

Lãnh đạo Tea Party Amy Kremer tuyên bố : Luật cải cách bảo hiểm xã hội đã được thông qua mà không có lấy một phiếu ủng hộ của đảng Cộng Hòa. Tôi nghĩ là kết quả cuộc bầu cử tổng thống lẽ ra sẽ khác. Đúng là ông Obama đã tái đắc cử nhưng Hạ viện đã được bầu lại, với đa số thuộc đảng bảo thủ. Bà Kremer còn tố cáo Thượng nghị sĩ Harry Reid, thuộc đảng Dân Chủ là muốn đóng cửa các cơ quan của Nhà nước bởi vì ông ta nghĩ rằng đó sẽ là một thắng lợi đối với đảng Dân Chủ trong năm 2014.

Đối với các nghị sĩ ôn hòa thuộc đảng Cộng Hòa, họ có nguy cơ bị mất ghế trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Trong khi chờ đợi các dân biểu đạt được thỏa thuận, 800 000 công chức Mỹ bị thất nghiệp kỹ thuật. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực phải hoạt động chậm lại hoặc không hoạt động gì hết.

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA gần như bị đóng cửa : 97% trong tổng số 18 000 nhân viên buộc phải ở nhà. Đây cũng là trường hợp các công chức làm việc trong Cơ quan bảo vệ môi trường ; hậu quả là các khuôn viên quốc gia phải đóng cửa từ 01/10/2013.

Các lĩnh vực Y tế, Quốc phòng bị mất 50% nhân viên. Trong các bệnh viện, chỉ có những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân còn làm việc. Trong lĩnh vực Quốc phòng, tất cả những gì liên quan đến an ninh quốc gia thì vẫn hoạt động, như cuộc chiến chống khủng bố. Các binh sĩ vẫn ở vị trí của mình, các hoạt động kiểm tra hải quan không bị ảnh hưởng.

Những công chức nói trên tuy vẫn làm việc, nhưng lương của họ sẽ bị trả chậm, trong khi đó, số nhân viên được coi là « không cần thiết » thì phải nghỉ không ăn lương.

Cuộc khủng hoảng này gây ra những rối loạn trong tổ chức công việc, nhưng việc đóng cửa các cơ quan của Nhà nước gây tốn kém khoảng 200 triệu đô la mỗi ngày cho nước Mỹ”.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay