ƠN BÌNH AN

ƠN BÌNH AN

Chúa nhật VI PS năm C

Cv 15, 1-2.22-29; Kh 21, 10-14.22-23; Ga 14, 23-29

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Con người, khi sinh ra, chẳng mang gì theo vào trần gian cả. Sinh ra, lớn lên trong vòng tay cha mẹ, được cho bú mớm, cưu mang và cho bước vào đời. Bước vào đời bươn chải và bắt đầu có trong tay những gì mình đã tạo dựng. Ao ước nhỏ bé, đơn sơ, căn bản của con người đó là đủ ăn đủ mặc. Ai cũng mơ ước như thế nhưng thử hỏi con người có dừng lại mơ ước đó hay không ? Không ! Hiếm có ai bằng lòng với những gì mình đã có và đang có để rồi lòng không bình an. Vì không bình an nên con người đi tìm cái gì đó lấp đầy cho khắc khoải của mình.

Đơn giản nhất, gần nhất mà chúng ta có thể thấy đó là ông bà nguyên tổ Ađam – Evà. Chúa cho hai ông bà được hưởng dùng tất cả trong vườn địa đàng nhưng rồi hai ông bà đâu thỏa mãn, đâu bằng lòng với những gì mình đang có và đã có trong tay. Cũng chính từ cái cảm xúc không đủ đó hai ông bà muốn thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa và đi tìm quyền lực qua lời dụ dỗ của con rắn : “Chẳng chết chóc gì đâu bà ơi, nếu Chúa biết ngày nào bà ăn trái đó, bà sẽ là một thần linh khôn ngoan biết điều tốt, điều xấu”.

Chúng ta quá biết cái kinh nghiệm của ông bà nguyên tổ : Evà nhìn trái cây thì thấy đẹp mắt và ngon. Bà liền đưa tay hái ăn và đưa cho chồng cùng ăn. Khi họ vừa ăn thì mắt họ mở ra, và họ biết điều tốt điều xấu đúng như lời Thiên Chúa phán. Họ mắc cở chạy tìm lá che thân vì thấy mình trần truồng. Họ đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa.

Kinh nghiệm ấy cứ trải dài trong lịch sử cứu độ. Khi con người đánh mất Thiên Chúa thì khi ấy con người bất an.

Thiên Chúa ở với con người để ban bình an cho con người nhưng con người luôn gạt Thiên Chúa ra khỏi đời của mình.

Còn nhớ trong hành trình sa mạc, con người đã dựng nên con bò vàng để thờ lạy nhưng rồi cũng trở về trạng thái bất an. Con người đi tìm cho mình đủ thứ thần minh để bám víu nhưng chỉ mình Chúa mà thôi. Cứ như thế, cứ như thế con người mãi đi tìm cho mình sự bình an nhưng họ càng bất an khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời của họ.

Thiên Chúa đã chạnh thương con người, đã gửi Hoàng Tử Bình An chính là người con yêu dấu của mình đến với trần gian và ở với trần gian.

Chúa Giêsu đến trần gian để loan báo một Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Tin Mừng cho những ai đi tìm Thiên Chúa và cho những ai muốn sống trong vương quốc của Thiên Chúa.

Sống trong và sống với phận người và trao ban Tin Mừng cho con người nhưng con người vẫn trơ trơ ra như đá và cuối cùng đã loại Hoàng Tử Bình An ra khỏi cuộc đời của mình.

Chúa Giêsu đã bị đóng đinh, đã bị giết và đã sống lại.

Trang Tin mừng theo Thánh Gioan hôm nay thuật lại cho chúng ta lời của Chúa Giêsu hết sứcd dễ thương : “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con  không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27).

Tuyệt vời ! Bình an của Thầy không như bình an của thế gian, bình an của thế gian cũng chỉ là bình an tạm bợ và chóng qua.

Biết bao nhiêu người giàu có, sung túc giữa thế gian nhưng sau khi đã cảm nếm được sự bình an khi có Chúa ở cùng thì cuộc đời họ thay đổi.

Đơn giản nhất và gần nhất nơi Chúa Giêsu đó là các môn đệ. Cuộc đời của các môn đệ có đó người giàu kẻ nghèo, người thu thuế, người dân chài … và khi theo Chúa rồi họ cảm nhận sự bình an thật sự và nhất là khi Chúa lại ban bình an cho họ.

Các môn đệ đã dám liều mạng sống của mình cho thế gian để luôn được ở bên Chúa và luôn được ở trong Chúa. Khi và chỉ khi ở trong Chúa thì lòng của các môn đệ mới bình an đủ.

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,

duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che : tôi chẳng hề nao núng.

Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.

Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,

duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che : tôi chẳng hề nao núng. (Tv 62, 2-7)

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

Trong con hồn lặng lẽ an vui

Cậy vào Chúa, Israen ơi

Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 130,1-3).

Và như thế, những ai cảm thấy có Chúa là nguồn bình an thật sự thì cuộc đời của họ sẽ đổi khác, họ sẽ chẳng cần bám víu vào nhưng vinh hoa mau qua chóng tàn ở trần gian này.

Với Augustinô, cả cuộc đời ngài Cuộc đời của thánh Augustinô là một cuộc đời tìm kiếm; tìm kiếm bằng chính kinh nghiệm bản thân của mình cũng như tìm kiếm qua sách vở, suy tư. Tuy trải qua cuộc đời khá phóng đãng, nhưng ta nhận thấy tâm hồn của Augustinô cũng rất bén nhạy, rất “mở”, rất “mềm” hầu có thể để cho Chân Lý soi tỏ. Chúng ta nhận thấy nhiều lần, do nhiều biến cố khác nhau, chẳng hạn người bạn qua đời, qua việc đọc Cicéro, đọc Plotin, việc gặp Ambrôsiô…lòng Augustinô đã rung lên xao xuyến…Chính cuộc tìm kiếm không ngừng, tìm kiếm trong thái độ mở đã đưa Augustinô đến với Chân Lý đích thực. Cuộc đời đó có thể đúc kết lại trong chính châm ngôn của ngài: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, nên tâm hồn con xao xuyến mãi cho tới khi nào nghỉ yên trong Chúa mà thôi!”

Với Anphongsô, Ngài đã thành đạt theo nghĩa xã hội, song không lấy đó làm mãn nguyện và đã dứt bỏ nó. Ngài là con nhà quyền quý, giàu sang; đỗ đạt cao: lấy được cả hai bằng tiến sĩ luật cả đạo lẫn đời, danh tiếng lẫy lừng. Thế nhưng, năm 1723, ngài từ bỏ tất cả, từ giã chốn pháp đình, là nơi đại diện cho công lý nhưng đầy dẫy bất công và dối gian, để bước theo một tiếng gọi, tiếng gọi của Thiên Chúa hầu đi vào chiều sâu của đời sống nội tâm, đời sống thật của một con người thật hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và thuộc về tha nhân.

Với Phanxicô, Đề kháng lại nghề nghiệp kinh doanh cũng như khát vọng giàu sang của người cha, cậu bé bộc lộ nỗi đam mê dành cho sách vở. Francis nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng, đa phần là với con cái của giới quý tộc. Ngay từ những ngày này, Francis đã tỏ ra thất vọng đối với thế giới cậu đang sống, thể hiện qua cách xử sự của công tử Francis khi gặp một người hành khất. Francis dành nhiều thời gian sống trong cô độc, nài xin sự soi dẫn từ Thiên Chúa. Dần dà, Francis tìm đến chăm sóc những người mắc bệnh phong, căn bệnh bị xã hội thời ấy xa lánh, đang sống trong những trại phong gần nhà. Khi hành hương đến La Mã, Francis ngồi bên cửa các nhà thờ để hành khất cho những người nghèo.

Thế đấy ! Tất cả sự vinh hoa phú quý ở đời này chẳng là gì cả đối với Augustinô, Anphongsô, Phanxicô và nhiều và rất nhiều vị thánh nữa. Tất cả cần nhất đó chính là sự bình an từ Thiên Chúa, từ Chúa Giêsu su như Chúa Giêsu nói với các môn đệ :”Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con  không như thế gian ban tặng”(Ga 14, 27).

Chúa Giêsu nói đến một sự bình an khác, bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa. Điều này thật rõ ràng nơi lời nói mà Đức Giêsu thêm vào liền theo đó trong đoạn văn này của thánh Gioan : “Các con đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi”. Đây là sự bình an nền tảng nhất. Không có sự bình an này, thì không bình an nào khác có thể tồn tại.

Đức Giêsu có thể ban bình an cho các Môn đệ bởi vì chính Người sở hữu sự bình an : “Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy”. Bình an là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa, Người có thể ban cho ta ơn bình an. Chúng ta có thể ban sự bìn an nào nếu không phải là sự bình an của chúng ta ? Người Kitô hữu có ơn gọi đem lại bình an. Nhưng khổ nỗi, thay vì chúng ta đem lại bình an cho người khác, chúng ta bắt họ chịu đựng sự bất an và bất hạnh của chúng ta.

Sự bình an thực sự chỉ có khi chúng ta nép mình vào lòng Chúa và chọn Chúa là gia nghiệp của đời mình.

“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

Trong con hồn lặng lẽ an vui

Cậy vào Chúa, Israen ơi

Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 130,1-3).

Lm. Anmai, C.Ss.R.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay