Tân Giáo hoàng và Việt Nam

Tân Giáo hoàng và Việt Nam

Thứ tư, 13 tháng 3, 2013

nguồn: BBC

Các lãnh đạo Việt Nam thăm Tòa Thánh nhưng quan hệ không biến chuyển gì

Giữa lúc các lãnh đạo Thiên Chúa giáo trên thế giới đang họp để bầu tân Giáo hoàng, người đứng đầu chương trình tiếng Việt của Vatican nói cửa vào Tòa Thánh luôn rộng mở với các lãnh đạo Việt Nam bất kể ai là Giáo hoàng.

Linh mục Trần Đức Anh, người đã hai lần phụ trách đưa tin tức của Ban tiếng Việt, đài Vatican về bầu chọn người đứng đầu Tòa thánh, nói quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh phụ thuộc chủ yếu vào Hà Nội.

“Cái nguyên tắc của Tòa Thánh của các vị Giáo hoàng là tiếp tất cả các vị nào yêu cầu,”

“Thành ra kể cả Fidel Castro hay phía các chính phủ mà các nước Tây Phương không muốn tiếp thì bên này Giáo hoàng sẵn sàng tiếp.”

“Đó là nguyên tắc của các vị Giáo hoàng.”

“Sở dĩ các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam qua bên này là có sự thay đổi của nhà nước Việt Nam,”

“Có thể phía nhà nước Việt Nam nghĩ rằng phải mở rộng ra, tiếp xúc với các nước, các tổ chức trên thế giới.”

Trong thời gian tám năm trị vị của Giáo hoàng Benedict 16, ông Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành thủ tướng đầu tiên của Việt Nam từng tới thăm Vatican và gặp Giáo hoàng hồi năm 2007.

Tới tháng 12/2009, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng đã có chuyến thăm và gặp gỡ tương tự.

 

“Có thể ngay cái chuyện Ngài chọn tên người ta cũng có thể biết sơ sơ đường hướng của ngài. Rồi trong lễ khai mạc sứ vụ Ngài thường nói ra hướng đi của Ngài”

Đầu năm nay Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã hội kiến Giáo hoàng.

Trong khi đó trong suốt 27 năm cầm quyền của Giáo hoàng trước đó, John Paul II, không có chuyến viếng thăm cao cấp tương tự nào từ Hà Nội tới Vatican.

Tên và thông điệp

Linh mục Trần Đức Anh cũng nói người ta có thể biết về đường hướng của Giáo hoàng mới dựa vào tên hiệu Ngài chọn và vào bài phát biểu mở đầu cho nhiệm kỳ.

“Vị nào lên làm Giáo hoàng cũng lấy sách Phúc âm theo luật Chúa làm tiêu chuẩn hành động, dĩ nhiên mỗi vị có sắc thái riêng.”

“Có thể ngay cái chuyện Ngài chọn tên người ta cũng có thể biết sơ sơ đường hướng của Ngài,”

“Rồi trong lễ khai mạc sứ vụ Ngài thường nói ra hướng đi của Ngài.”

Linh mục Anh giải thích thêm:

“Trường hợp của Giáo hoàng Benedict XVI, chính Ngài giải thích tại sao Ngài chọn tên [của mình] – tại vì Giáo hoàng Benedict VI là người dấn thân rất nhiều cho việc kiến tạo hòa bình.

“Giáo hoàng Benedict XVI nói rằng Ngài cũng muốn đi theo đường hướng đó, đóng góp vào xây dựng hòa bình không những cho thế giới mà cả cho cộng đoàn giáo hội và những cộng đoàn nhỏ hơn nữa.

“Đức Giáo hoàng Benedic XV [trị vì] từ 1914-1922 giữa lúc diễn ra Thế Chiến I, Ngài đóng góp rất nhiều cho hòa bình.”

Về người tiền nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI, Linh mục Anh nói Giáo hoàng John Paul II muốn nối tiếp sự nghiệp của hai người tiền nhiệm Paul XI, người chỉ làm Giáo hoàng 34 ngày và John XXIII.

 

Việt Nam có số tín đồ Công giáo đông thứ nhì châu Á, chỉ sau Philippines

Linh mục Trần Đức Anh cũng nói Giáo hoàng John Paull II đã có nhiều công trong cải tổ Giáo hội, thúc đẩy đối thoại liên tôn và xây dựng hòa bình trên thế giới.

Hiện Vatican và Hà Nội vẫn chưa có quan hệ ngoại giao và Giáo hội Công giáo ở Việt Nam gần đây bắt đầu lên tiếng về các vấn đề chính trị, sau khi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm về các chủ đề xã hội.

Hôm 01/03, Hội đồng Giám mục Việt Nam bày tỏ bất đồng với Điều 4 Hiến pháp 1992 về quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản trong một kiến nghị nhân dịp lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp.

Hội đồng Giám mục cũng nêu lên những mâu thuẫn, bất hợp lý trong cơ cấu chính trị tại Việt Nam và những hậu quả của cơ chế đó với người dân và đất nước.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay