TÔI XÉM LÀM KÉP CẢI LƯƠNG – Tiểu Tử-Truyện ngắn

– Tiểu Tử –

   Hồi thời trước, tôi mê cải lương “hết biết”! Lúc đó, tôi làm việc ở hãng dầu Nhà Bè, vậy mà chiều nào tôi cũng lái xe lên hãng dĩa hát Hoành Sơn (ở tuốt trên đường đi Tân Sơn Nhứt!) để coi đoàn Thủ Đô tập tuồng!

    Anh Ba Bản − chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn − gọi điện thoại xuống Nhà Bè cho tôi “Anh mới lập gánh đặt tên là Thủ Đô hiện đang tập tuồng ở hãng dĩa. Chừng tập xong, mình sẽ ra mắt bà con mộ điệu với lần đầu tiên cải lương có sân khấu đại vĩ tuyến khác lạ coi chơi! Chú lên phụ coi tập tuồng, nghen!”. 

  Anh Ba nói như vậy bởi vì ảnh biết tôi… “có máu nghệ sĩ”! Vậy là chiều chiều tôi lái xe lên hãng dĩa coi tập tuồng …

Tuồng đang tập mang tên “Tiếng Trống Sang Canh”, nghe rặt mùi cải lương! 

  Bên “giàn” kép có Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Ba Vân. Bên phía đào có Thanh Thanh Hoa, một đào trẻ. Giàn đờn có Năm Cơ đờn kìm, Ba Kim đờn cò … cũng rơm ớn!

   Coi tập tuồng riết rồi tôi “lậm” nặng: tôi muốn đi học ca để… làm kép cải lương! Vậy là tôi hỏi thăm mấy tay đờn kể trên, họ chỉ thầy Văn Vĩ!

  Thầy nầy đui nhưng có ngón đờn ghi-ta xuất thần! Tôi đã nghe danh Văn Vĩ từ lâu nên tôi phấn khởi “mò” đi thọ giáo!

  Tôi đến xóm nhà thầy Văn Vĩ “một ngày đẹp trời” (Nói cho … văn vẻ, đúng điệu nghệ cầm ca!). Sợ người ta để ý, tôi để xe ở xa đi bộ vào.

   Sau “màn” xã giao, thầy hỏi: “Anh tên gì, làm nghề gì, ở đâu?”. Tôi trả lời: “Tôi tên Nam làm thơ ký hãng dầu Nhà Bè”. 

  Hỏi: “Anh muốn học ca vọng cổ. Vậy chớ anh có biết ca sơ sơ không? Có đem bài gì theo không?”. 

  Trả lời: “Tôi cũng biết ca sơ sơ, nhờ nghe dĩa rồi bắt chước. Tôi có đem bài Tự Đức Khóc Bằng Phi”. (Hồi thời đó người ta in vọng cổ mỗi bài một cuốn lớn cỡ bằng hai bàn tay, chỉ có mấy trương, rất tiện cho giới bình dân mang theo để ngân nga bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào!). 

  Thầy nói: “Đâu? Anh làm vài câu nghe coi!”. Không do dự, tôi rút bài ca mở ra hát:

  “Bằng phi ơi! … Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi. Lệ Chi Viên tàn xác hoa rơi, nơi gác phượng đành xa người tri kỷ.

Ném bút nghiên xuống dòng Hương Thuỷ bởi trẫm từ đây đã cạn ý thơ… sầu…”

   Thầy mỉm cười: “Thôi, được, tôi sẽ dạy anh!”.

Nghe vậy, tôi mừng “hết lớn”! Bởi vì mấy người ở gánh Thủ Đô nói thầy Văn Vĩ khó tánh lắm, không phải ai ổng cũng dạy đâu! Ổng không “coi chân coi cẳng” được, nhưng ổng nghe giọng nói, cách phát âm phát ngôn, nhứt là để ý coi khi hát thử có để tâm hồn vô từng chữ từng câu không?… v.v … 

  Thầy nhận tôi làm “đệ tử”, còn nói: “Anh có giọng ca xài được!”. Đó là lần đầu tiên tôi được người khác khen, lại là một người “rành điệu nghệ”! Cho nên, hôm đó tôi lái xe về Nhà Bè mà miệng cứ ơi ới “Bằng phi ơi!”… nghe không thảm não mà trái lại còn có vẻ hào hứng!

    Từ đó, tôi lên học ca mỗi chiều thứ tư và thứ bảy. Thầy dạy kỹ lắm, giải nghĩa và lập đi lập lại về cái “song lang” – Dụng cụ để gõ nghe cái cóc khi đến nhịp chót của câu ca. Trong vọng cổ, người ca tự do sắp xếp câu ca chớ không phải theo từng nốt nhạc như bên tân nhạc. Và người đờn cũng tự do “phăng” theo xúc động của mình. Điều quan trọng là khi đến nhịp song lang, người ca và người đờn cùng xuống đúng nốt nhạc ấn định.

   Nếu không, nghĩa là tới trước hay sau song lang, người ta nói “rớt song lang”, mà rớt song lang là … kẹt lắm đó! Khách mộ điệu bốn phương không chấp nhận đâu! Có người nóng tánh còn… phang cho vài lời ê mặt! Cho nên, thầy Văn Vĩ “kềm” nhịp song lang cho tôi dữ lắm đến nỗi vô hãng làm việc, nghe một tiếng “cóc” ở đâu là tôi giựt mình nhìn quanh! Để thấy con đường học làm ca sĩ cổ nhạc của tôi cũng đầy… gai gốc!

   Khi tôi đã vững song lang, anh Vĩ (lúc nầy “thầy” biểu tôi gọi ổng bằng “anh” vì ổng và tôi cùng một tuổi!) nói: “Anh có tật ca lòn!”. 

Hỏi: “Ca lòn là gì?”. 

Trả lời: “Nghĩa là đang ca giọng đàn ông anh lòn qua giọng đàn bà!”. 

  Rồi ảnh vỗ vỗ vào cây ghi-ta: “Anh nghe nè”. 

  Ảnh đờn, vừa đờn vừa nói: “Đây là dây đàn ông”. Ngừng một chút rồi đờn tiếp: “Còn đây là dây đàn bà”.

Tiếng đờn nghe khác thiệt! Ảnh nói: “Anh đang ca dây đàn ông tự nhiên rồi lòn qua dây đàn bà làm thằng cha đờn chới với vì nó vẫn tiếp tục dây đàn ông! Ca và đờn lỏn chỏn, nghe không ra cái giống gì hết! Anh hiểu chưa?”. 

  Tôi đang phân vân không biết phải làm sao thì ảnh nói tiếp: “Anh có giọng ca mùi quá, mà chỉ vì kẹt cái vụ lòn rồi bỏ uổng lắm! Để tôi gò lại giọng cho anh vài lần là hết, hè!”. 

  Vậy là ảnh… “gò”, bắt tôi ca tới ca lui, chỗ nào tôi bắt đầu “đâm” ngang ngang, ảnh la “Nó đó! Nó đó!”, tôi vội kềm giọng lại ca tự nhiên như từ hồi đầu! 

 Nhờ được gò… “hết nước” như vậy nên qua cuối tuần sau ảnh nói: “Giờ thì anh ca ngọt rồi đó, nghe lọt lỗ tai!”.

Ngừng một chút như để suy nghĩ rồi ảnh nói tiếp:

“Tụi mình ráng o cái giọng của anh chừng đôi tháng là lên đài và vô dĩa được! Bảo đảm!”. Lại ngừng một chút rồi mới tiếp: “Ca mùi cỡ anh lên đài và vô dĩa chừng năm bảy tháng là anh sắm xe Huê Kỳ hà!”. 

   Nói xong, ảnh cười sung suớng, nên tôi nghĩ là ảnh nói thiệt. Và tôi tin! Hôm đó, lái xe về Nhà Bè tôi ca bài “Đường Về Quê Ngoại” sao mà nghe như có một người nào khác đang ca vậy! Ngâm câu dẫn nhập thiệt là rã rời, kéo dài đến khi xuống hò thì thiệt là mùi rệu!

   Thằng cha “Kép Cải Lương” trong tôi hình như đang bắt đầu … rửa chưn, bởi vì đường lên đài phát thanh không còn xa bao nhiêu … 

   Bây giờ, khi tôi tập ca, hàng xóm lại ngồi chồm hổm trong sân xi-măng trước nhà nghe ca. Mới đầu còn một hai người. Về sau, có cả mươi nguời là ít! Tôi có nói cho anh Vĩ, ảnh nói họ có xin phép ảnh. Được một điều là họ không làm ồn và khi tôi “xuống hò”, họ vỗ tay như trong rạp hát!

Thiệt là khích lệ!

    Chiều thứ bảy đó, như thường lệ, tôi đến nhà anh Văn Vĩ để luyện giọng và dượt bài ca (bây giờ không còn nói “đi học ca” nữa, “vô nghề” được rồi nên đổi cách gọi!). Bước vô nhà, tôi vừa nói “Chào anh” là bị ảnh “phang” ngay bằng một giọng hằn học: “Đi ra! Không có vô nhà tôi! Đi ra!”. Ngạc nhiên, tôi nói: “Tôi mà anh!”. Lại giọng hằn học: “Không anh em gì hết! Đi ra!”.

Càng ngạc nhiên thêm:

– Ụa? Sao vậy?

– Đi ra! Anh khinh tôi quá mà! Đi ra!

– Tôi đã làm gì mà anh giận dữ vậy?

– Còn hỏi nữa! Anh coi tôi không ra gì hết! Đi ra!

– Trời Đất! Có bao giờ tôi dám khinh anh đâu, anh Vĩ! Tôi thề …

– Thôi! Đừng thề thốt! Anh nói anh làm thơ ký hãng dầu Nhà Bè là anh nói láo! Anh thấy tôi đui mù nên coi không ra gì phải không?

Tôi đang tìm cách phân trần thì ảnh tiếp:

– Con nhỏ ở của ông kỹ sư Thêm làm việc ở hãng dầu Nhà Bè hôm qua lên xin học hát.

   Tôi hỏi nó có biết anh Nam thơ ký hãng dầu không? Nó nói biết, mà anh không phải là thơ ký mà là phó giám đốc lận! Anh nói láo với tôi rõ ràng! Đi ra!

– Tôi đâu dám khi anh, anh Vĩ! Tôi sợ nói ra chức tước, anh không nhận dạy tôi! Cho là tôi giỡn mặt với anh. Thiệt tình tôi xin lỗi!

– Đi ra!

  Lần nầy, giọng anh thật gay gắt! Tôi thở dài, nói

“Chào anh” rồi bước đi mà không dám nhìn lại, sợ trào nước mắt … 

   Về Nhà Bè, tôi gọi điện thoại kể chuyện cho anh Ba Bản gánh Thủ Đô. Ảnh an ủi: “Tại cái số, chú à! Cái số của chú là làm xếp hãng dầu chớ đâu có làm kép cải lương!”. Rồi ảnh cười hề hề:

“Thôi! Chiều chiều lên đây coi tập tuồng đi!

   Đang tập Chiếc Áo Ân Tình nè. Chừng tập xong mỗi buổi, nếu chú có hứng, tôi biểu giàn đờn ngồi lại cho chú ca. Còn chú muốn vô dĩa thì bước qua hãng dĩa, mấy đứa nhỏ nó lo cho chú. Chịu không?”. 

  Tôi “Dạ” rồi gác máy, nhìn qua cửa kiếng thấy hình ảnh quen thuộc của cái hãng dầu mà tôi đã phục vụ trên mười hai năm, gắn bó đến như vậy mà tôi còn muốn gì nữa? Tôi cầm điện thoại gọi lại anh Ba Bản:

– Chiều mai em lên anh.

– Đọ! Phải vậy chớ! Mừng cho chú!

Tôi nói “Cám Ơn” mà nghe vui trong lòng: may cho tôi, tôi chỉ… “xém” làm kép cải lương.


 

NỖI ĐAU THỨ 5: Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá-Cha Vương

Buổi sáng tốt lành nhé. Mến chúc bạn và gia đình Tuần Thánh tràn đầy ân sủng với những khoảnh khắc gặp được Chúa và Mẹ trên đường tiến tới đồi Canvê. Bạn thân mến, vì tội lỗi của nhân loại mà Chúa có thể làm tất cả! Vì Con mà Mẹ cũng có thể làm tất cả! Luật tự nhiên, không có cha mẹ nào chuẩn bị cho cái chết của con mình. Riêng đối với người mẹ thì chẳng nỗi mất mát nào lớn cho bằng mất đi đứa con yêu quý của mình, thế mà Mẹ Maria vẫn một lòng một dạ “xin vâng” nhìn con mình bị đối xử như kẻ gian ác và bị đưa đến nơi hành hình. Thật là một nỗi đau xé lòng! Thiết tưởng rằng bạn cũng có một lần trải qua nỗi đau tương tự, chứng kiến người thân yêu của mình chút hơi thở hoặc thấy họ dằn vặt trong nỗi đau tinh thần… Dù đang trong hoàn cảnh nào đi nữa, bạn hãy nhớ lời Mẹ dạy 2 chữ “xin vâng” để hiệp thông với Mẹ, cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 25/3/2024

NỖI ĐAU THỨ 5: Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá—Quân lính đóng đinh tay chân Chúa Giêsu vào thập giá, chúng đâu ngờ chúng đang cùng một lúc đóng đinh vào trái tim Mẹ Người. Nơi đồi Canvê, Mẹ Maria đã cùng với Chúa Giêsu sát tế chính mình, làm của lễ dâng lên Thiên Chúa để cứu chuộc nhân loại.

❦  Trong giây phút thinh lặng, mời bạn đặt hết những đau khổ của đời mình dưới sự che trở của tà áo Mẹ hôm nay nhé.

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, trinh nữ đau thương, xin mở mắt tâm hồn con, để con nhận ra tình yêu của Mẹ đã cùng hiệp thông với Chúa Giêsu cứu chuộc con.

❦  Kính mừng Maria…

❦  Chúng con cậy vì Danh Chúa Nhân Từ, xin cho… (các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục) được lên  chốn nghỉ ngơi…

❦  Lạy Mẹ Maria, Mẹ của lòng nhân từ và lòng thương xót, xin cầu bầu cho chúng con và toàn thế giới. (Đọc 3 lần)

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=caZK0uKFZ48

Mẹ dưới chân thập giá | St: Lm Văn Chi | Tb: Anh Dũng

 

Bệnh tâm thần: ‘Kẻ thù vô hình’ suốt nửa thế kỷ của người gốc Việt (kỳ cuối)

Ba’o Nguoi-Viet

Bài 3: Đẩy lùi ‘kẻ thù vô hình’: Hãy từ ái với bản thân mình!

March 24, 2024

Đẩy lùi ‘kẻ thù vô hình:’ Hãy từ ái với bản thân mình!

Kalynh Ngô/Người Việt 

Đẩy lùi ‘kẻ thù vô hình:’ Hãy từ ái với bản thân mình! (Hình minh họa: Người Việt)

Đã gọi là cuộc chiến dai dẳng suốt nửa thế kỷ, mà kẻ thù vừa vô hình, vừa đa dạng, thì đó là một cuộc chiến rất khốc liệt. Để chiến thắng kẻ thù ấy, chúng ta phải làm gì?   

Đừng che giấu, đừng kỳ thị

Cách đây khoảng 20 năm, một nghiên cứu của tác giả Quyên Ngô-Metzger đăng trên tạp chí Journal of the American Geriatrics Society từng tìm hiểu điều này. Bài nghiên cứu khảo sát trên 359 người Mỹ gốc Việt và 25,177 người Mỹ trắng ở California. Kết quả cho thấy 21% nhóm người gốc Việt có triệu chứng trầm cảm hoặc hội chứng lo âu so với 10% nhóm người Mỹ trắng. Nhưng chỉ có 20% người gốc Việt chấp nhận trao đổi tình trạng của mình với bác sĩ so với 45% nhóm người Mỹ trắng.

Nghiên cứu của tác giả Quyên Ngô-Metzger kết luận rằng người Mỹ gốc Việt “rất miễn cưỡng tìm kiếm sự chăm sóc cho các vấn đề sức khỏe tâm thần vì nó bị coi là một điều cấm kỵ, không nên nói ra.”

Hơn 20 năm sau, thế hệ thứ nhất vẫn chưa cải thiện được tình trạng này theo hướng tích cực.

Ông Michel Quân Nguyễn nói: “Xã hội Việt Nam chúng ta có thành kiến không tốt về bệnh tâm thần. Ngay cả cha mẹ cũng không bao giờ chấp nhận con mình bị bệnh tâm thần. Gia đình nào có con bị bệnh tâm thần thì người ta sẽ xa lánh, không chơi với nó.”

Ông giải bày thêm: “Chữ ‘tâm thần’ nó mông lung lắm. Nó là một thuật ngữ chung, có nhiều dạng. Khi mình gắn chữ ‘tâm thần’ vào thì coi như trời sập, chết cả gia đình người ta.”

Chính sự kỳ thị, ghét bỏ, và sợ hãi làm cho gia đình không chấp nhận con mình bị bệnh.

“Họ cho rằng con mình làm bộ này nọ, rồi la mắng nó,” ông Michel Quân Nguyễn nói.

Chia sẻ, thay đổi

Nhưng may mắn, khi cộng đồng gốc Việt càng phát triển, thì càng có nhiều người dấn thân vào sứ mệnh phục vụ cộng đồng.

VAMHA, hoặc Project Hope của The Orange County Asian and Pacific Islander Community Alliance (OCAPICA), đều có những chương trình chăm sóc và giúp đỡ những người gặp vấn đề sức khoẻ tâm lý trong cuộc sống.

Ông Michel Quân Nguyễn (thứ hai từ phải) và các thành viên VAMAHA trong buổi sinh hoạt tổ chức cho những người cần trợ giúp sức khoẻ tâm thần. (Hình: VAMHA cung cấp)

“Chúng tôi mở ra những lớp học, mời các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để nói chuyện, giải thích cho họ biết về tình trạng bệnh của người thân của họ. Có rất nhiều cha mẹ không biết phải làm gì khi con mình bị tâm thần,” ông Michel Quân Nguyễn nói.

Kinh nghiệm 10 năm ở VAMHA cho ông thấy, nếu bệnh tâm thần được phát hiện sớm, chữa trị đúng và uống thuốc, sẽ giảm thiểu tối đa những lần họ phát bệnh.

Bác Sĩ Giao Nguyễn xác định: “Người bệnh bắt buộc phải uống thuốc.”

Với ý kiến chuyên môn của Bác Sĩ Clayton Châu, ngoài thuốc ra, “bắt buộc phải có kế hoạch tâm lý trị liệu, không những cho bệnh nhân mà còn phải cho cả gia đình của họ, gọi là ‘family therapy.’”

Bác Sĩ Clayton Châu tại văn phòng ông. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Theo ông, cách đối xử với nhau trong gia đình vô cùng quan trọng. Nếu bệnh nhân bình phục, mà gia đình không thay đổi cách cư xử với nhau, không có cách trị liệu cho cả gia đình, thì không có kết quả tốt.

“Họ phải thay đổi cách đối xử với nhau, thay đổi cách liên hệ với nhau, thay đổi cách nói chuyện với nhau để đồng cảm nhau nhiều hơn. Nếu không, sẽ không có cách nào chữa trị,” Bác Sĩ Clayton Châu nói.

Theo lý giải của Bác Sĩ Giao Nguyễn, một người bình thường sẽ không hiểu nỗi đau về tâm lý, tinh thần nó đau đớn thế nào khiến cho một người không muốn sống nữa. Chỉ có cái chết mới làm cho họ thoát khỏi đau đớn về tâm lý, tinh thần của họ.

“Nghiên cứu đã chỉ ra cái đau đớn về tâm thần không khác gì đau đớn của một người bị ung thư. Trách nhiệm của người bác sĩ tâm thần, trị liệu tâm lý phải giúp cho họ sống,” Bác Sĩ Giao Nguyễn nói.

Do đó, “trị liệu” đầu tiên mà người có vấn đề sức khoẻ tâm thần cần nhận được chính là từ gia đình của mình.

“Đừng ghét bỏ con cháu mình, hãy chấp nhận sự thật rồi yêu thương nó như những đứa con khác. Hãy bỏ thành kiến, hãy hợp tác với bác sĩ và con mình để chữa trị cho nó,” ông Michel Quân Nguyễn chia sẻ.

Một dấu hiệu đáng mừng được nhắc đến trong đề tài nghiên cứu “Conversations on Mental Wellness in Vietnamese American Community” đăng trên Asian American Research Journal (Issue 1, Volume 1 2021) cho thấy: “Người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai cởi mở hơn khi thảo luận về sức khỏe tâm thần và họ chủ động tìm kiếm các chuyên gia, bác sĩ chuyên môn hơn so với thế hệ người nhập cư đầu tiên.”

Bác Sĩ Suzie Đông cho biết, trong môi trường trị liệu sức khoẻ tâm lý, tâm thần, cô gặp rất nhiều “khách” thuộc thế hệ trẻ thứ hai, thứ ba. Theo cô, đó là điều đáng mừng vì các bạn trẻ có có những suy nghĩ thoáng hơn, tiến bộ hơn.

“Nếu thế hệ trước xem sức khoẻ tâm thần, tâm lý là một cái gì đó bất thường, tồi tệ, xấu, không nên cho mọi người biết, thì thế hệ sau suy nghĩ khác. Các em tự tìm đến đây để giúp cho bản thân của mình. Các em hiểu sức khoẻ tâm thần là một phần rất quan trọng trong toàn bộ sức khỏe của mình,” cô Suzie Đông nói.

Từ ái với bản thân

Nếu ông Michel Quân Nguyễn tìm đến VAMHA để học cách chấp nhận, thấu hiểu, để yêu thương người thân nhiều hơn, giúp cho chính mình và cho người cùng cảnh ngộ, thì bà Phan Chiêu Hà vượt qua biến cố từ sự giúp đỡ của Trung Tâm Chăm Sóc Orange County (Caregiver Resource Center OC).

Không ngần ngại, bà kể lại: “Mọi chuyện ngoài sức tưởng tượng, ngoài sức chịu đựng của mình. Nhưng nhờ nhân viên, nhờ trung tâm, nhờ nhóm tu học của tôi, mọi người giúp đỡ tôi, chia sẻ với tôi những khó khăn, nó làm cho mình vơi bớt đi. Khi tôi tu thiền, tập thiền thì mình tập mình bình an. Khi an rồi thì tự nhiên mình chuyển hoá được cái khổ của mình.”

Bà Phan Chiêu Hà chia sẻ về phương pháp chiến thắng ‘kẻ thù vô hình.’ (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Bà nói: “Đến với các hoạt động của trung tâm, gặp những người đồng cảnh ngộ, được mọi người giúp đỡ, rồi tôi cũng đi học thiền, tôi đã vượt qua chính hoàn cảnh của mình.”

Sức khỏe tâm lý, tâm thần của bà đã được chữa lành. Cái chết vĩnh viễn không còn tồn tại trong tâm trí của bà.

Bác Sĩ Suzie Đông gọi đó là phương pháp “từ ái với bản thân.”

“Họ hiểu sức khoẻ của mình là quan trọng nhất,” cô nói. “Cái cây cần ánh nắng mặt trời, cần đất, cần phân bón để lớn. Vậy tại sao mình không tập sống từ ái với bản thân, sống tử tế với bản thân? Chỉ có mình đi với mình trong suốt chiều dài cuộc sống, mà mình bầm dập với chính mình thì làm sao mình có sức khoẻ về tâm lý được?”

Vậy tập như thế nào? Và có dễ không?

Cô trả lời: “Không dễ. Vì sao? Vì chúng ta đã bị điều kiện hóa quá lâu là sống phải vừa lòng người này, vừa lòng người kia. Đâu có ai dạy mình phải thương bản thân mình? Đâu ai dạy mình phải nói chuyện tử tế với mình?”

Trong một xã hội có quá nhiều phán xét, trong một gia đình có nhiều bạo hành thì những điều con người học được là bản thân họ không có giá trị gì cả. Đặc biệt, các em nhỏ lớn lên trong môi trường như thế thì các em sẽ luôn nghĩ mình sai, không tự tin, không yêu bản thân mình. Những mặc cảm không tốt cứ thế mọc lên như cỏ dại bên đường. Nó không thể cho người ta năng lượng sống.

Cô nhắc về lời dạy của một thiền sư: “Hãy xem người ta giống như một cái cây. Nếu lá nó hư thì phải xem cái cây nó bị gì, phải bón phân hay tưới nước thay vì mình chặt bỏ cái cây đi. Con người ta cũng nên nhìn như thế. Đó chính là từ ái với bản thân, một phương pháp trị liệu mà ngày nay, người ta hướng nhiều về thiền định.”

Bác sĩ Suzie Đông trong buổi chia sẻ về sức khoẻ tâm lý của người gốc Việt. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Thiền định ở đây không hàm ý tôn giáo, mà là sức khỏe của não. Rất nhiều cuộc nghiên cứu về sức khỏe của não qua cách tập sống tỉnh thức (mindfulness).

“Trong sống tỉnh thức người ta học được rất nhiều cách tử tế với bản thân,” cô nói.

“Từ ái với bản thân” là cách nói của một bác sĩ trị liệu tâm lý.

Còn lời khuyên của Bác Sĩ Giao Nguyễn thường nói với bệnh nhân của ông là: “Nếu có bệnh rồi hãy uống thuốc theo chỉ định và tìm đến bác sĩ tâm lý thường xuyên.”

Tuy nhiên, theo ông, ngừa bệnh tốt hơn chữa bệnh.

Ông nói: “Tự lo cho chính mình. Ngừa bệnh tốt hơn là chữa bệnh. Ngừa bệnh thế nào? Hãy tập cho mình một thói quen ăn uống lành mạnh. Tập thể thao thường xuyên. Một ngày cố gắng đi bộ khoảng 10,000 bước. Hãy giảm bớt áp lực trong cuộc sống nhiều chừng nào tốt chừng đó.”

Nhưng thực tế cuộc sống đầy những áp lực, ngày càng phức tạp hơn theo hướng đa chiều, thì chúng ta phải đối diện và giảm bớt bằng cách nào?

Ông trả lời: “Hãy giảm sự ham muốn của chúng ta.”

“Miễn sao chúng ta có xe chạy và cái xe tốt là được, đừng đòi hỏi phải xe sang, xe đẹp để rồi làm thêm việc thứ hai, thứ ba. Có một ngôi nhà ở ấm cúng, bình an là đẹp, đừng phải ‘cày’ để có thêm nhà nữa, rộng hơn. Do đó, hãy bớt áp lực trong cuộc sống cho chính mình và cho những người xung quanh mình. Điều đó rất quan trọng,” ông kết luận. [đ.d.]

Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com


 

CHO PHÉP LINH HỒN QUI GỐI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Thứ Hai Tuần Thánh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su ; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói : 5 “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo ?” 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói : “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” 9 Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 10 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11 vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

CHO PHÉP LINH HỒN LUÔN QUỲ GỐI

“Hãy để cô ấy yên!”.

“Bất kể trạng thái tâm thần bạn làm sao, hãy cho phép linh hồn luôn quỳ gối! Bởi lẽ, thờ phượng và yêu mến luôn cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc của bạn!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Maria trong Tin Mừng hôm nay là kiểu mẫu của một người ‘cho phép linh hồn luôn quỳ gối!’. Cô cho thấy Chúa Giêsu đáng giá hơn bình dầu trị giá 300 ngày công. Và còn hơn thế! Ngài đáng để mỗi người đánh đổi tất cả, ngay cả bản thân. Bởi lẽ, Ngài là nguồn thánh đức, sự sống và niềm vui; Đấng cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc của bạn!

Vậy mà Giêsu đó đã để Maria, một phụ nữ, quỳ gối ‘tỏ tình’ giữa phòng tiệc! Thậm chí, để cô ấy lấy một cân dầu thơm hảo hạng đổ lên chân mình; lau chân mình bằng tóc. Với những gì kín đáo và quý nhất của một phụ nữ, cô ‘tỏ tình’ với người cô yêu. Điều lý thú là, Giuđa bất bình; nhưng lý thú hơn, Ngài trách Giuđa và nói, “Hãy để cô ấy yên!”.

Với Chúa Giêsu, đây là một hành động yêu thương, cao quý và khiêm nhường! Dầu này rất đắt tiền. Đúng! Nhưng nếu ai khác nói điều này, người ấy có vẻ tự tôn; đàng này, chính Chúa Giêsu; với Ngài, hoàn toàn vô vị lợi! Vậy, hành vi này nói lên điều gì? Nó nói lên cái nhu cầu thiết thực nhất mà Maria cần, cũng là điều bạn và tôi đang rất cần! Như Maria, chúng ta cần tôn thờ Ngài, tôn vinh Ngài, để Ngài trở nên trung tâm đời mình. Không phải vì Ngài cần điều đó, nhưng bởi ‘chính chúng ta’ cần tôn kính Ngài ‘theo cách đó!’. Tôn kính, yêu mến Ngài là điều bạn và tôi cần cho sự thánh thiện và hạnh phúc! Chúa Giêsu biết điều này; vì vậy, Ngài thầm khen, tán thành, nếu không nói là ‘tôn vinh’ Maria. Và tất nhiên, Ngài không ngần ngại bênh vực, “Hãy để cô ấy yên!”.

Kể lại câu chuyện này, Gioan mời chúng ta hãy làm như Maria, sẵn sàng “đổ” hết cho Chúa Giêsu! Không gì là quá đắt đối với Ngài. Không gì đáng giá hơn việc thờ phượng! Thờ phượng và yêu mến sẽ biến bạn thành con người mà bạn phải trở thành, để tôn vinh Thiên Chúa và yêu mến Ngài “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Thật ý nghĩa với xác tín của Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”. Ngài là Ánh Sáng ban ánh sáng; Đấng Hằng Sống  sự sống, cũng là “Đấng sáng tạo và căng vòm trời; Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Hãy để cô ấy yên!”. Chúa Giêsu chấp nhận sự “quỳ gối” bên ngoài lẫn bên trong trái tim của Maria; vì lẽ, đang khi các môn đệ dường như không mảy may thấu cảm, không một lời ủi an, không một chút băn khoăn trong những ngày cuối đời của Thầy, thì Maria lại thực hiện một hành vi yêu thương sâu sắc nhất. Bằng chứng là Ngài đã đi xa hơn và bóc trần sự thật về mình, “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy!”. Trong những ngày này, Giáo Hội mời chúng ta học nơi Maria, ‘cho phép linh hồn luôn quỳ gối’, yêu mến Đấng Cứu Độ. Ngài đáng cho chúng ta “đập vỡ” không chỉ bình dầu, hy sinh mái tóc nhưng cả con người hồn xác trí tri, “đập vỡ” cái tôi kiêu hãnh, tội lỗi… để chỉ yêu mến và phụng thờ duy mình Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những ngày Tuần Thánh còn lại, dạy con biết quỳ gối nhiều hơn. Cho con hiểu được ‘con đầy tội, Chúa đầy tình!’”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 

NỖI ĐAU THỨ 4: Mẹ gặp Chúa Giêsu vác thánh giá

Chúc bình an đến bạn và gia quyến! Hôm nay Chúa Nhật Lễ Lá, bạn được nghe Bài Thương Khó Chúa. Biến cố này cho bạn thấy giờ của Ngài đã đến. Ngài sẽ phải bước vào cái chết để đem lại ơn cứu độ và sự phục sinh. Cuộc khổ nạn này cũng nhắc cho bạn biết về giá trị của những đau khổ mà bạn đang phải chịu. Khi chấp nhận vác thập giá mình mà bước theo Chúa, bạn cũng chia sẻ gánh nặng của Ngài. Điều quan trọng không phải là vác đi trong than khóc, nhưng mà vác đi trong hy vọng. Thiết tưởng rằng Mẹ Maria cũng đang vác một thánh giá nặng cũng không kém gì so với thánh giá của con Mẹ. Mẹ không để những đau khổ đẩy Mẹ vào ngõ cụt nhưng Mẹ vẫn đặt hết niềm hy vọng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Dù không nhìn thấy được điều gì sẽ xảy ra, nhưng Mẹ vẫn một lòng một dạ trung thành. Nguyện xin Chúa giúp bạn luôn vững vàng chịu đựng và tiến bước trên con đường dấn thân và phục vụ trong mọi hoàn cảnh nhé.

Cha Vương

 CN: 24/03/2024

NỖI ĐAU THỨ 4: Mẹ gặp Chúa Giêsu vác thánh giá—Rất nhiều cuộc gặp gỡ đem lại niềm vui nhưng cuộc gặp gỡ của Mẹ và Giêsu lại chan hòa nước mắt. Những giọt nước mắt khóc thương con yêu dấu trong bộ dạng tàn tạ sau những trận mưa roi oan nghiệt. Những giọt nước mắt khóc thương cho nhân loại tội lỗi không nhận biết Chúa Cứu Thế.

❦  Trong giây phút thinh lặng, mời bạn đặt hết những đau khổ của đời mình dưới sự che trở của tà áo Mẹ hôm nay nhé.

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, trinh nữ đau thương, ngày nay Mẹ vẫn gặp thấy gương mặt Giêsu nơi những anh chị em đau khổ bần hàn. Xin Mẹ giúp chúng con biết mở lòng đón nhận và nâng đỡ những anh chị em đau khổ ấy, để lau khô những giọt nước mắt trên khuôn mặt và Trái Tim Mẹ.

❦  Kính mừng Maria…

❦  Chúng con cậy vì Danh Chúa Nhân Từ, xin cho… (các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục) được lên  chốn nghỉ ngơi…

❦  Lạy Mẹ Maria, Mẹ của lòng nhân từ và lòng thương xót, xin cầu bầu cho chúng con và toàn thế giới. (Đọc 3 lần)

From: Do Dzung

Xin ban cho con – Nguyễn Hồng Ân


CHO MỘT MỤC ĐÍCH CAO CẢ NHẤT – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.

“Cái ách và thập giá là biểu tượng sinh đôi của Kitô hữu. Thập giá nói đến việc từ bỏ thế gian vì Chúa Kitô; cái ách nói đến việc gánh lấy thế gian như Chúa Kitô. Cái thứ nhất nói đến hy sinh; cái thứ hai nói đến phục vụ. Người môn đệ Chúa Giêsu không thể chọn lấy cái này và bỏ cái kia! Cảg hai gắn kết nhau ‘cho một mục đích cao cả nhất!’” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta những trải nghiệm và cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, từ phấn khích đến đau đớn tột cùng: “Hoan hô trên các tầng trời!”; “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Tại sao lại như thế? Thưa vì Chúa Cha muốn như vậy ‘cho một mục đích cao cả nhất!’.

Làm thế nào mọi thứ có thể thay đổi trong một tuần ngắn ngủi? Câu trả lời sâu sắc nhất cho câu hỏi này là Chúa Cha đã muốn! Ngài muốn bằng ý muốn dễ dãi của mình rằng, nhiều người sẽ tự do phản bội Con Ngài, bỏ rơi Con Ngài và để Con Ngài bị đóng đinh. Vào Tuần Thánh đầu tiên đó, Chúa Giêsu có thể sử dụng quyền năng thần linh để từ chối thập giá. Nhưng Ngài không làm vậy. Thay vào đó, sẵn lòng bước qua tuần này, Ngài thấy trước và đón nhận mọi khổ đau và sự khước từ. Ngài đã không làm vậy vì miễn cưỡng hay hối tiếc nhưng sẵn lòng đón nhận, chọn nó làm ý muốn của chính Ngài.

Trong sự khôn ngoan hoàn hảo của Chúa Cha, đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu là phương thế cứu chuộc tốt nhất. Ngài đã làm bối rối sự khôn ngoan của thế gian bằng cách dùng sự đau khổ và sự đóng đinh Con Ngài làm phương tiện hoàn hảo cho sự thánh khiết của chúng ta. Qua đó, Ngài đã biến điều ác lớn nhất thành điều tốt lành nhất. Giờ đây, do niềm tin, thánh giá được treo ở trung tâm nhà thờ và trong mỗi gia đình của chúng ta như một nhắc nhở thường xuyên rằng, ngay cả sự dữ lớn nhất cũng không thể chiến thắng được quyền năng, sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa mạnh hơn cái chết và cuối cùng, Ngài chiến thắng ngay cả khi tất cả dường như đã mất.

Hãy để Tuần Thánh mang đến niềm hy vọng thiêng liêng cho bạn và tôi! Chúng ta thường bị cám dỗ chán nản; tệ hơn, cám dỗ đến tuyệt vọng. Nhưng tất cả sẽ không mất đi. Và cuối cùng, không gì có thể cướp đi niềm vui của chúng ta trừ khi chúng ta để nó vuột mất. Không khó khăn, gánh nặng và thánh giá nào có thể khuất phục chúng ta nếu chúng ta kiên định trong Chúa Giêsu Kitô. Hãy để Ngài biến đổi tất cả những gì chúng ta chịu đựng trong cuộc sống bằng vòng tay vinh quang của Ngài trên thập giá của chính Ngài!

Anh Chị em,

“Sao Ngài bỏ  con?”. Hãy suy gẫm việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi là một hành động thiêng liêng; qua đó, Chúa Cha cho phép sự đau khổ trầm trọng này được sử dụng ‘cho một mục đích cao cả nhất’ từng được biết đến. Chúa Giêsu đã tự hiến sự sống của Ngài một cách tự do và mời gọi bạn cũng làm như vậy. Hãy suy gẫm thập giá trong đời bạn và biết rằng, Chúa có thể sử dụng nó cho mục đích tốt, mang lại lòng thương xót dồi dào cho bạn và cho người khác qua vòng tay tự do của bạn khi bạn dâng nó lên Ngài như một của lễ hy sinh. Hãy để mắt đến thập giá Chúa và thập giá bạn! Chúc mừng Tuần Thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho tuần lễ này biến đổi những thời khắc đen tối và yếu đuối nhất của con thành thời khắc của ân sủng khi con nghiệm ra tình yêu Chúa dành cho con!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: Kim Bang Nguyen


 

Chuyện diệu kỳ về con khỉ đột có lòng biết ơn…Truyện ngắn có thật

Vanhoa Nguyen – Những Câu Chuyện Ý Nghĩa Thú Vị

Nuôi 1 con khỉ đột rồi thả về tự nhiên, 5 năm sau người đàn ông bất chấp đi tìm lại và cái kết ngoài tưởng tượng.

Liệu con vật có nhận ra người đàn ông đã từng nuôi dưỡng nó những năm đầu đời không? Hay nó sẽ coi người đàn ông là 1 kẻ xâm phạm lãnh thổ và tấn công anh ta.

Những sự thật đáng yêu về các loài động vật có thể bạn chưa biết / Khám phá loài động vật có ‘cú đấm mạnh nhất thế giới’ .

Damian Aspinall là một doanh nhân kiêm nhà bảo tồn động vật học người Anh, người đã có công nuôi dưỡng và thả về tự nhiên khoảng 50 con khỉ đột ở Gabon – 1 quốc gia ở Trung Phi. Trong số những con khỉ đột được lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của Damian, có 1 con tên là Kwibi.

Mặc dù Damian và Kwibi vô cùng thân thiết, nhưng anh biết, anh không thể giữ nó mãi bên mình, Kwibi phải trở về với thế giới tự nhiên và cuộc sống theo bản năng của nó. Vì thế, khi Damian biết Kwibi có thể tự chăm lo cho bản thân mình, anh đã thả nó về với rừng xanh.

Damian đã chăm sóc cho nhiều con khỉ đột, trong đó có Kwibi từ khi chúng còn nhỏ xíu.

Năm năm sau, Damian muốn đến 1 khu rừng ở Goban, nơi Kwibi, lúc này đã là 1 chàng khỉ đột trưởng thành 10 năm tuổi, sống cùng gia đình riêng của mình để gặp lại nó.

Tuy nhiên, trước chuyến đi, nhiều người cảnh báo anh không nên đến, vì 5 năm trôi qua, giờ Kwibi đã là 1 con khỉ đột hoang dã, rất có thể nó sẽ không nhận ra anh, thậm chí sẽ tấn công vì coi anh là kẻ xâm phạm lãnh địa của nó. Với kích thước và sức mạnh của mình, nó có thể gây nên những vết thương khủng khiếp cho Damian, thậm chí lấy mạng của anh.

Ngoài ra, 2 người gần nhất từng vào rừng gặp Kwibi đã bị nó tấn công. Đây cũng là 1 thông tin đáng lo ngại.

Giờ đây, Kwibi đã là 1 con khỉ đột trưởng thành, to lớn và có thể gây nguy hiểm cho con người.

Song bỏ ngoài tai những lời can ngăn, Damian vẫn quyết định lên đường, tiến sâu vào 1 khu rừng ở Gabon để gặp lại Kwibi. Anh ngồi trên thuyền, nôn nóng muốn gặp lại Kwibi, vừa giống như 1 người bạn cũ, vừa giống như 1 đứa con mà lâu rồi anh chưa được thấy mặt.

Ngồi trên thuyền, anh lớn tiếng gọi Kwibi, hy vọng nó sẽ nhận ra giọng nói của anh. Nhưng nhiều giờ trôi qua, vẫn chưa có dấu hiệu gì của con vật. Rồi đột nhiên, 1 bóng đen xuất hiện từ trong rừng. Đó chính là Kwibi, con khỉ đột đã không gặp Damian trong 5 năm trời.

Nghe thấy tiếng gọi của Damian, nó tiến gần hơn tới mép nước.

Damian nhảy lên bờ, dù cũng không dám chắc Kwibi sẽ phản ứng như thế nào. Dĩ nhiên, một vài người đàn ông cầm dao phát quang bụi rậm cũng đứng cạnh đó, đề phòng việc con vật bất ngờ trở nên hung hãn.

Bất chấp tất cả, Damian đến ngồi cạnh Kwibi, giao tiếp với nó theo cách riêng của anh.

Nhưng Damian, không có chút sợ hãi nào, quyết định đến ngồi cạnh nó. Rồi anh vặt 1 cái lá cây, nhai nhai rồi bỏ vào mồm Kwibi. Dường như đó là cách giao tiếp quen thuộc mà chỉ có anh và nó mới hiểu. Rồi đột nhiên, Kwibi nhìn chăm chú vào mắt Damian với sự trìu mến. Dường như nó đã nhớ ra anh là ai. Dù nhiều năm qua đi, nó vẫn chưa quên anh và không ngừng yêu thương anh. Đến lúc này, Damian mới biết chắc rằng mọi chuyện đã ổn.

Phản ứng và cái ôm đầy yêu thương của Kwibi khiến Damian mỉm cười vì quá hạnh phúc.

Kwibi bắt đầu hành xử không giống cách của 1 con khỉ đột đầu đàn, mà như 1 đứa con nũng nịu cha nó. Nó vòng tay ôm ấp Damian như ngày còn thơ bé, lúc nó được Damian chăm sóc. Người đàn ông không giấu được nụ cười hạnh phúc. Con khỉ đột còn như muốn “giới thiệu” Damian với những con khỉ đột cái trong đàn, “vợ” của nó.

Cả hai cứ thế ngồi đến khi mặt trời lặn, Kwibi cứ ôm ghì lấy Damian, không muốn cho anh rời đi. Nhưng cuối cùng, anh vẫn phải trở về chỗ cắm trại trước khi trời tối. Và một cảnh tượng không thể tin nổi đã xảy ra, khiến nhiều người rơi nước mắt.

Kwibi đã đuổi theo thuyền của Damian. Nó cứ đi bộ dọc bờ sông cho đến tận chỗ cắm trại của Damian, không để anh biến khỏi tầm mắt. Rồi cứ thế, Kwbi cùng gia đình của nó dừng lại đúng ở vị trí đối diện nơi Damian ngủ qua đêm.

Kwibi đã ngồi cả đêm ở bờ sông, chờ để gặp lại Damian vào sáng hôm sau.

Sáng hôm sau, khi Damian xuống sông để tắm, anh đã thấy Kwibi ngồi ở bờ sông đối diện, hóa ra nó đã ở đây suốt đêm không rời đi, chỉ để chờ anh thức dậy, như để nói lời chào tạm biệt và cảm ơn với người đàn ông đã hết lòng chăm sóc cho nó suốt thời thơ ấu.

Cuộc gặp gỡ xúc động sau 5 năm giữa khỉ đột Kwibi và “bố Damian” – người đã yêu thương và cưu mang nó khi còn nhỏ đã khiến cộng đồng mạng tuôn trào cảm xúc. Riêng đoạn clip về cuộc gặp gỡ do We Love Animals đăng tải cũng đã thu về gần 25 triệu lượt xem. Nhiều người thừa nhận họ đã không thể không bật khóc và đoạn phim tài liệu là 1 trong những điều tuyệt vời nhất về thế giới tự nhiên mà họ đã từng xem, chân thật và sống động hơn bất cứ 1 tác phẩm nào của Hollywood mô tả sợi dây gắn kết giữa con người và động vật.

Nó cũng là bằng chứng cho chúng ta thấy, không chỉ con người, mà động vật cũng hiểu thế nào là tình yêu và lòng biết ơn. Dù thời gian có trôi qua, những tình cảm tốt đẹp ấy vẫn không mất đi và cũng là điều khiến cho thế giới này trở nên đáng sống hơn.

Sưu tầm

My Lan Phạm


 

Kỹ Thuật cuối tuần: Hỏa Tiễn Patriot được rửa danh nhờ tài bắn và điều hành của Ukraine

Theo báo Công chuyện từ Người trong cuộc – Business Insider

Các thành viên của Bundeswehr Đức chuẩn bị hệ thống phóng tên lửa Patriot vào tháng 12 năm 2012. Hình ảnh Sean Gallup/Getty© Sean Gallup/Getty Images
  • Việc Ukraine sử dụng hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất đã được tán dương là vô cùng hiệu quả.
  • Loại vũ khí này có tiếng tăm đáng nghi ngờ do hiệu quả của nó trong các cuộc xung đột trong quá khứ. Nhất là khi Ả Rập Saudi không thể dùng nó để chống trả hỏa tiễn của Houthi, Vụ  tấn công tên lửa  làm hư hỏng nặng một cơ sở dầu mỏ quan trọng của Saudi vào ngày 14 tháng 9 năm 2019. Cuộc tấn công đã bộc lộ những hạn chế của hệ thống phòng không có vẻ tinh vi của Ả Rập Saudi. Riyadh đã chi hàng tỷ USD để xây dựng 6 tiểu đoàn tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất và các radar liên quan. Và đây không phải là lần đầu tiên đội Patriots của Ả Rập Saudi thất bại. Ít nhất 5 chiếc Patriot dường như đã trượt, trục trặc hoặc thất bại khi lực lượng Saudi cố gắng đánh chặn một loạt tên lửa nhắm vào Riyadh vào ngày 25 tháng 3 năm 2018.
  • Các chuyên gia nói với Business Insider rằng bất kỳ sự hoài nghi nào về tính hiệu quả của nó đều đã được giải quyết.

Mỹ cuối cùng đã chấp thuận cung cấp Patriot cho  Ukraine. Tổ hợp đầu tiên đã đến vào tháng 4 năm ngoái (2023) và Ukraine hiện có ít nhất ba, có thể là năm tổ hợp tất cả. Chính xác có bao nhiêu, cũng như chính xác chúng ở đâu và chúng được sử dụng như thế nào, đều được giữ bí mật.

Hệ thống tên lửa Patriot là hệ thống đánh chặn phòng thủ tên lửa di động trên mặt đất được Hoa Kỳ triển khai để phát hiện, theo dõi và tấn công các máy bay không người lái, tên lửa hành trình cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật và tầm ngắn. Bộ Tư lệnh Hỗ trợ An ninh Quân đội Hoa Kỳ© Bộ Tư lệnh Hỗ trợ An ninh Quân đội Hoa Kỳ.

Theo Frederik Mertens, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, thành tích của họ là “một thành công rõ ràng”. Hiện chưa rõ Ukraine sử dụng mẫu trước đó là PAC-2 hay PAC-3 mẫu cải tiến. Dù sao đi nữa,  vào thời điểm hệ thống này đến Ukraine, nó đã “trải qua nhiều thập kỷ cải tiến, nâng cấp”. Tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngờ trước khi chúng xuất hiện ở nới đó.

Mertens nói rằng “trước chiến tranh Ukraine, chúng tôi biết rằng Patriot ít nhất có khả năng đánh chặn các tên lửa cũ. Tuy vậy, khi những vũ khí này được triển khai tới Ukraine, có một câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào chúng có thể chống lại được loại vũ khí mới nhất mà người Nga đang có kế hoạch gửi tới Ukraine?”

Ở đó, ông nói, nó đã vượt quá mong đợi.

Ukraina thành công

Ukraine đã thể hiện khả năng sát thương của Patriot ngay sau khi những khẩu đội Patriot đầu tiên đến nước này, khi người Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái lớn vào thủ đô Kyiv.

Mertens nói rằng “toàn bộ mục tiêu của Nga là thực hiện cuộc tấn công phức tạp và quy mô lớn đến mức họ có thể vượt qua và tiêu diệt Patriots ngay từ đầu”, nhưng người Nga “đã thất bại hoàn toàn”.

Ông nói: “Một lần nữa, chúng tôi rất ngạc nhiên trước những gì chúng tôi thấy bây giờ, về hiệu quả của hệ thống Patriot”. Chúng có thể chặn đứng cuộc tấn công đó.”

Rajan Menon, giám đốc tổ chức nghiên cứu Defense Priorities của Mỹ, cho biết “nếu không có Patriot và các hệ thống khác, các thành phố của Ukraine sẽ ở tình trạng rất tồi tệ. Hệ thống phòng không do Mỹ cung cấp và phương Tây cung cấp là vô cùng quan trọng.”

Ryan cho biết Patriot “có hiệu quả đáng kinh ngạc. Những người nghĩ rằng nó không hiệu quả là không biết họ đang nói về điều gì.”

Ông cho biết thành công của Ukraine một phần đến từ cách nước này tích hợp hệ thống Patriot vào mạng lưới các hệ thống từ thời Liên Xô và do NATO tài trợ để đánh bại các cuộc tấn công của Nga.

Ukraine cũng đã ca ngợi hệ thống này. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết vào tháng 1 : “Người Nga bị sốc – và tôi thành thật nói với bạn rằng – các đối tác của chúng tôi (cũng) bị sốc khi hệ thống này thực sự hoạt động rất mạnh mẽ”.

Những chiến thắng bất ngờ

Đối với một số chuyên gia, một chiến thắng đáng ngạc nhiên của Ukraina là Patriot đã bắn hạ tên lửa Khinzal của Nga, loại vũ khí mà Nga khoe khoang là không thể ngăn cản .

Bronk cho biết các tên lửa đạn đạo phóng từ trên không – mà ông mô tả là “gần như siêu thanh” do tốc độ của chúng gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh và khả năng cơ động nhưng thiếu một số đặc điểm xác định quan trọng khác của “vũ khí siêu thanh” – “thực sự là có khả năng rất khó để đánh chặn mục tiêu và các hệ thống Patriot đã nhiều lần tấn công thành công các mục tiêu đó.”

Ukraine nói chỉ trong một đêm họ đã bắn hạ tới 6 hỏa tiễn siêu vượt thanh Kinzal.

Ukraine bắn hạ Khinzals là “gần như đáng kinh ngạc vì trước chiến tranh, chúng tôi thực sự tự hỏi liệu mình có thể tự vệ trước Khinzal hay không và liệu chúng tôi có thể ngăn chặn chúng xâm nhập hệ thống phòng không hay không.”

“Bây giờ không còn nhiều câu hỏi nữa. Có vẻ như khá chắc chắn là chúng tôi có thể và Patriot có thể.”

Ukraine được khen ngợi vì sử dụng hệ thống phòng không, bao gồm cả các mẫu Patriot cũ hơn, để đánh chặn hầu hết máy bay không người lái và tên lửa của Nga. Công việc đó cũng phần lớn đã ngăn cản lực lượng không quân lớn hơn và tiên tiến hơn nhiều của Nga có thể hoạt động gần hoặc xa tiền tuyến.

Mertens cho biết, nếu lực lượng không quân Nga có thể bay khắp đất nước, cuộc chiến có thể đã thất bại và Kyiv đã chỉ còn là một đống đổ nát trong khói lửa.

Một tương lai không chắc chắn

Bất chấp thành công của họ, vẫn chưa rõ liệu Patriots có phải là nguồn lực lâu dài cho Ukraine hay không.

Ukraine có thể chỉ có một số ít, có thể chỉ ba khẩu đội Patriot, điều mà Mertens lưu ý là “không nhiều”. “Đó là một hệ thống rất tốt, nhưng bạn chỉ có thể làm được nhiều điều với ba hệ thống,” ông nói.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã cảnh báo vào tháng 1 rằng việc cung cấp tên lửa đánh chặn Patriot có thể sớm không bền vững do chi phí cao: khoảng 2 triệu đến 4 triệu USD mỗi chiếc. Khoản chi phí đó đã làm nảy sinh một số hoài nghi ban đầu về việc liệu chúng có nên được gửi đi ngay từ đầu cuộc chiến hay không?

Vấn đề với tên lửa Patriot đối với Ukraine phản ánh trở ngại chính của nước này trong nỗ lực chống lại Nga: Sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp và đạn dược.


Không phát triển nổi, cứ đổ lỗi tại đời

 Kimtrong Lam  ·

Không phát triển nổi, cứ đổ lỗi tại đời

Chu Hồng Quý

– 21 tháng 3, 2024

Vẫn còn nhiều người cho rằng, Cuba cùng quẫn là do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Đọc lại bài cũ, nhìn Việt Nam để thấy Cuba

Do cấm vận, hay “múa vụng chê đất lệch?”

Chúng ta không có tàu vũ trụ con thoi, không sản xuất được iPhone, không chế tạo được người máy thông minh, không làm nổi cái đinh vít… là do bị cấm vận.

Đất nước hoang tàn, rừng vàng trơ trụi, biển bạc đục sóng vì nhiễm độc và tàu lạ quẫy nhiễu, khai thác được lít dầu thô nào thì bị kẻ gian bán trộm ngay trong vùng Thềm lục địa, hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn làm ăn hiệu quả đều đã được bán cho các ông chủ người Thái, người Tàu… Nhưng nhiều kẻ mua nhà ở Hoa Kỳ, có hộ chiếu Dubai, đảo Síp (Cyprus)… cũng do bị nhiều năm cấm vận.

Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của mỗi người dân thuộc nhóm cao nhất thế giới, nhưng nợ công vẫn cao và an sinh xã hội chẳng có gì đáng kể. Kẻ yếu thế thì phải cậy nhờ cộng đồng đùm bọc, lá lành đùm lá rách. Người già, trẻ em bị chính phủ bỏ rơi, phải tự lực cánh sinh, “trẻ cậy cha, già cậy con” là do đất nước ta còn nghèo vì bị cấm vận.

Từ 1945, lần lượt lớp lớp người Việt phải bỏ xứ ra đi, dẫu phải đặt cược mạng sống cho cá mập, cướp biển, chết ngạt trong thùng container hay bị bọn phát-xít Nga ở Saint-Peterburg giết hại dã man cũng vì bị cấm vận nhiều năm.

Mọi cơ sự là bởi vì cấm vận. Phải chi, nếu không bị cấm vận, lời anh Quảng Nổ đã thành sự thật.

Nhưng vì sao bị cấm vận thì người ta lờ đi?

Cấm vận là một hành xử văn minh nhất để thúc đẩy loài người cùng tiến bộ. Đó là sự dìu dắt, không phải trả thù.

Nếu có mâu thuẫn căng thẳng với đối thủ, các nhà cầm quyền độc tài tiến hành tấn công quân sự và đe dọa hạt nhân. Còn ở các quốc gia dân chủ, khi đối thủ vi phạm thỏa thuận song phương, đa phương, khi đối thủ bất chấp luật pháp quốc tế, thì họ áp dụng các biện pháp cấm vận từ nhẹ tới nặng. Tức là “nghỉ chơi”, là tẩy chay không mua bán gì với kẻ giang hồ vô pháp nữa.

Muốn có xe bọc thép, vòi rồng để đàn áp chúng dân biểu tình đòi quyền lợi dân sinh thì hãy nhập khẩu từ các xứ độc tài. Các quốc gia văn minh coi trọng dân chủ tự do họ sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận, không cung cấp vũ khí cho anh về tra tấn vợ con và gây sự với hàng xóm. Họ sẽ nghỉ chơi, không mua bán gì với anh khi anh hành hạ vợ con.

Đừng nói vợ tao, tao có quyền đánh, con tao đẻ ra tao có quyền đập. Vợ con anh là con người, các giá trị văn minh không cho phép anh hành xử như thế, luật pháp không cho phép anh chà đạp nhân phẩm người khác như thế. Chưa kể, chúng dân là cha mẹ sinh anh ra, chúng dân là dưỡng mẫu nuôi anh lớn và đang nuôi anh hàng ngày, nuôi anh mãi mãi. Chúng dân không phải là vợ con đang chịu ơn huệ gì nơi anh.

Một tên giang hồ vừa coi thường phép nước, lệ làng, vừa trộm cắp, cướp giật, ra đường chém người, về nhà đánh vợ đập con, dân làng không mua không bán với kẻ giang hồ đó là quyền của họ. Giờ vợ con anh khổ, cớ sao lại đổ lỗi do dân làng không mua bán với mình?

Kêu gào chửi bới Mỹ cấm vận Cuba, Việt Nam, sao Việt và Cu không cấm vận lại Mỹ đi?

Nó bẩn tệ, nó xấu xa thế, nó không chơi với mình thì mình cũng nghỉ chơi với nó đi. Mình cũng có quyền cơ mà. Đó là công bằng, là sòng phẳng và cả bình đẳng nữa. Như thế mới là độc lập.

Một khi còn phải bí mật lặn lội đường rừng sang Moscow để nhận chỉ thị về kế hoạch cải cách ruộng đất, thúc đẩy đấu tranh giai cấp, chuẩn bị sẵn cho việc vi phạm hiệp định Genève ngay cả khi dự thảo hiệp định chưa được đàm phán; Một khi kẻ thù mang tàu chiến vào vùng biển chủ quyền mà mình chỉ dám rón rén quan ngại chớ không nỡ chỉ mặt đặt tên; Một khi họ nghỉ chơi với mình mà mình không dám cấm vận lại họ. Lúc đó, chớ nói là độc lập.

Muốn không bị cấm vận, tẩy chay, hãy tuân thủ luật pháp quốc tế.

Muốn cho loài người khỏi xua đuổi thì anh phải học cách ứng xử văn minh của loài người.

Muốn hòa nhập thế giới văn minh, anh phải hành xử chuẩn mực theo các giá trị tiến bộ của nhân loại.

Chỉ cần hai người với nhau cũng phải có những quy ước, thỏa thuận. Thử hỏi, nếu không có luật pháp quốc tế, nếu nhà cầm quyền xứ nào cũng ngang nhiên chà đạp lên luật pháp quốc tế và coi thường các giá trị phổ quát của nhân loại thì thế giới sẽ ra sao?

Người Thanh Nghệ Tĩnh có câu “Làm đ* không đắt đổ cho mồ mả không thiêng”.

Tổ tiên nào phù hộ cho những kẻ vô luân?

Mồ mả nào phù hộ cho những con đ* không chịu sắm giẻ lau?

(*) tựa do SGN đặt

 

NỖI ĐAU THỨ 3: Lạc mất con trong đền thờ- Cha Vương

Ngày Thứ 7 an lành trong Chúa và Mẹ yêu nhé. Bạn thân mến, trong cuộc đời ai cũng có một lần gặp cảnh “tử biệt sinh ly”. Đây là hai nỗi đau lớn của đời người. Mẹ Maria cũng không tránh khỏi được nỗi đau sinh ly, Mẹ lạc mất con. “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con?” Lời trách móc này bộc lộ tất cả trái tim con người của Mẹ. Mẹ đối xử với Chúa Giêsu với tất cả tình cảm của một con người và chính vì là một con người cho nên Mẹ trở thành mẫu mực cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Mẹ đã yêu thương Chúa Giêsu với tất cả trái tim nhân loại của Mẹ. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người chúng ta với trái tim hiền mẫu ấy. Mẹ đã trải qua thử thách, Mẹ hiểu được thế nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của chúng ta. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Mẹ đã từng dõi theo từng bước trong tiến trình trưởng thành của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ suy niệm từng biến cố của cuộc sống. Ngày nay cũng thế, không có giây phút nào trong cuộc sống của mỗi người mà không được Mẹ ôm ấp trong lòng. Với niềm tin tưởng ấy, bạn hãy phó thác tất cả những nỗi đau của cuộc sống cho Mẹ.

Cha Vương

Thứ 7:22/3/2024

NỖI ĐAU THỨ 3: Lạc mất con trong đền thờ—Trong ngày chịu truyền tin, Mẹ Maria được sứ thần loan báo sẽ sinh hạ Đấng Cứu Thế. Đối với Mẹ, Giêsu là con yêu dấu, là tình yêu, là lẽ sống và là tất cả của Mẹ. Vì thế, ba ngày lạc mất con là ba ngày Trái Tim Mẹ phải héo hon mòn mỏi. Mẹ vội vã lên đường trở lại Giêrusalem tìm Chúa.

❦  Trong giây phút thinh lặng, mời bạn đặt hết những đau khổ của đời mình dưới sự che trở của tà áo Mẹ hôm nay nhé.

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, trinh nữ đau thương, có những lúc chúng con bị lạc mất Chúa Giêsu trong cuộc đời. Xin mẹ giúp chúng con biết mau mắn vội vã như Mẹ, lên đường tìm về cùng Chúa là tình yêu, là lẽ sống và là tất cả của chúng con.

❦  Kính mừng Maria…

❦  Chúng con cậy vì Danh Chúa Nhân Từ, xin cho… (các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục) được lên  chốn nghỉ ngơi…

❦  Lạy Mẹ Maria, Mẹ của lòng nhân từ và lòng thương xót, xin cầu bầu cho chúng con và toàn thế giới. (Đọc 3 lần)

From: Do Dzung

MẸ SẦU BI – Lm. Tiến Dũng & Lm. Nguyễn Văn Tuyên- Huy Nguyễn