“Tôi sẵn lòng hi sinh đời mình cho tự do”

Ba’o Tieng Dan

Nguyễn Anh Tuấn

29-2-2024

Ngay lúc này đây, rất nhiều công an thường phục và sắc phục đang khám nhà blogger Nguyễn Chí Tuyến, được biết đến với tên thân mật là Anh Chí.

Một nguồn tin ở hiện trường cho biết khả năng cao là sẽ có lệnh bắt.

[Cập nhật: Anh Chí đã bị công an đưa đi]

Trước Tết, Anh Chí đồng thời nhận được Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm và Quyết định tạm hoãn xuất cảnh để phục vụ điều tra từ Cơ quan Anh ninh Điều tra Hà Nội – thủ tục thường thấy trước những vụ bắt giữ gần đây.

Vụ án nhắm đến Anh Chí đã được bắt đầu từ một năm trước đây bằng tin báo tội phạm của Phòng An ninh mạng CA Hà Nội (PA05) và Anh Chí sau đó đã bị triệu tập nhiều lần. Tin báo này cáo buộc Anh Chí vi phạm Điều 331 và 117.

Bẵng đi một thời gian những tưởng vụ việc đã khép lại, nhưng đến nay không hiểu sao lại được khơi lại bằng những động thái gấp rút của cơ quan điều tra.

Sáng nay, Anh Chí quyết định không đến làm việc theo giấy triệu tập nữa. Lời nói cuối cùng anh nhắn lại người anh em cùng chí hướng đơn giản chỉ là: “Anh không đến làm việc nữa đâu, không việc gì phải vậy, lần tới anh có đi sẽ mang theo ba lô để đi luôn.”

Đúng như lời Anh Chí từng nói với nhà báo John Fuller trên tờ Mekong Review 7 năm trước đây – những lời mà giờ người ta không còn nói với nhau nữa: “Tôi sẵn lòng hi sinh đời mình cho tự do”

***

Là một nhà hoạt động dày dặn, Anh Chí lăn lộn với bà con nông dân Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm trong cuộc đấu tranh giữ đất từ những ngày đầu, lăn xả trong những cuộc biểu tình dậy sóng Hà Nội mươi năm trước, lên tiếng mạnh mẽ trước những bất công áp bức mà người dân thấp cổ bé họng phải gánh chịu.


 

Chủ tiệm bánh Kim Ninh đặt tình thương vào bánh, và làm ‘cho đã cái nư’

Ba’o Nguoi-Viet

February 26, 2024

Đoan Trang/Người Việt 

WESTMINSTER, California (NV) – Nếu ai ở California từng phải đặt bánh pía và các loại “bánh tuổi thơ” của tiệm bánh Kim Ninh bên Dallas, Texas, thì nay chẳng cần đi đâu xa, vì Kim Ninh Bakery nay đã có tại Westminster, trung tâm Little Saigon. 

Vợ chồng chủ tiệm bánh Kim Ninh trên đường Westminster. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Từ Texas sang California

“Lấy chị mấy cái bánh quai vạt đi cô chủ,” chị Phượng Tôn ở Westminster vừa bước vào đã nhanh chóng “order” loại bánh mà theo chị, mấy chục năm rồi mới được ăn lại.

Trong lúc chờ lấy bánh, chị Phượng kể, hồi nhỏ ở Việt Nam, chỉ khi vô chùa chị mới được ăn bánh quai vạt, sau này người ta chiên, bán ở lề đường.

“Tôi sang Mỹ lâu lắm rồi, giờ mới biết tiệm bánh Kim Ninh có bán bánh này, mừng húm, dù bị đường cao nhe, mà thèm quá, cứ mua ăn đại, rồi uống thuốc,” chị vừa cười vừa nói.

Cô chủ tiệm bánh Kim Ninh tên là Trịnh Mỹ Yêm. Tên khó gọi, nên chị nói từ nhỏ, mọi người gọi chị là “Kim con” vì ba của chị tên Kim, chủ tiệm bánh lớn Vĩnh Kim, ở Buôn Mê Thuột.

Năm 2005, chị lập gia đình và theo chồng sang Mỹ định cư, sống bên Dallas, Texas. Sau khi sanh được ba người con, năm 2011, chị quyết định mở tiệm bánh – nghề truyền thống ba đời của gia đình.

“Thật ra mấy năm ở nhà sanh và nuôi con, mình đã làm bánh bán tại nhà, vì ngoài nghề làm bánh, mình không biết làm gì khác,” chủ tiệm bánh Kim Ninh, mà chúng tôi cũng gọi tên thân mật là Kim, kể.

Lúc mới qua Mỹ được một tháng, vào Tháng Sáu, 2005, mẹ chồng chị được biếu hộp bánh từ một tiệm nổi tiếng bên California, bà ăn mà tấm tắc khen ngon. “Nổi máu” làm bánh, chị liền ăn thử, rồi chê, và nói với mẹ chồng: “Mẹ muốn, con sẽ làm cho mẹ ăn.”

Bà mẹ chồng ăn thử bánh con dâu làm, thấy ngon quá, liền kêu chị làm thêm để đem biếu. Vì ba mẹ chồng của chị Kim làm việc trong cộng đồng người Việt ở Dallas, nên quen biết nhiều người, ai ăn cũng khen, rồi đặt mua.

“Đặc sản” của Kim Ninh là bánh pía. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Năm đầu tiên xa quê, chị vừa vác bụng bầu, vừa làm bánh bán. Nhà có cái lò nướng nhỏ xíu, một lần nướng chỉ được bốn cái, nên chị làm tới khuya cũng chưa xong. Nhưng vừa nhớ nhà, vừa nhớ nghề, chị làm mãi mà không biết mệt là gì. Năm đó, chị làm được 200 hộp bánh. Người ăn khen ngon, chị… sướng quá, nên năm kế tiếp chị nhận làm tới cả ngàn hộp, và số bánh đặt cứ tăng dần vào những năm sau.

Chị kể, khách hàng đặt bánh hay nói: “Muốn ăn bánh con làm, bác phải chờ cả năm, thôi mở tiệm đi, để ngày nào bác cũng có bánh ăn.”

Nhưng vì con còn nhỏ, dù muốn lắm, vẫn phải chờ cho đến khi cậu út được 1 tuổi, chị mới mở tiệm.

“Lấy chồng qua Mỹ, cứ nghĩ sẽ phải bỏ nghề truyền thống gia đình, ai dè, mình không vái ông tổ, mà ông tổ qua tới đây luôn,” chị Kim nói. “Biết bố mẹ chồng lo cho chồng mình ăn học đến nơi đến chốn, nên khi mở tiệm bánh, mình bàn: ‘Bố không phải là người trong nghề, nhưng để cảm ơn bố, và muốn mọi người gọi tên bố mỗi ngày, tiệm của mình sẽ ghép tên bố anh và bố em.’ Ninh là tên bố chồng mình, nên tiệm có tên Kim Ninh là vậy đó.”

Năm 2022, khi chồng của chị nghỉ hưu, anh chị quyết định chuyển sang California sinh sống, để được hưởng thời tiết mát mẻ, thuận hòa.

“Lúc mới sang đây, mình thấy ok, nhưng một hôm nghe văn phòng nha sĩ nhắc đi làm răng, có câu ‘ngày hẹn của chị đúng Tết Trung Thu nhe.’ Đang vui vẻ, tự nhiên nghe tới từ ‘Trung Thu’ mình mệt ngang, cảm giác buồn mà ‘không biết vì sao tôi buồn,’ rồi nằm dẹp lép cả chục ngày trời, không ăn, không uống, giống như mắc cái bệnh gì ghê gớm lắm,” chị Kim kể.

Thật ra chị buồn vì không được làm bánh, chứ chẳng có bệnh tật gì cả. Tháng Tám, 2023, chị quyết định mợ tiệm bánh trên đường Westminster, giữ nguyên tên Kim Ninh.

Chị Phượng Tôn (phải) dù bị cao đường vẫn thích ăn bánh Kim Ninh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Ba đời làm bánh 

Chị Kim nói, ông bà nội ngoại và ba mẹ chị đều là người Hoa. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nên chị giỏi tiếng Việt hơn tiếng Hoa. Ông ngoại của chị Kim, một trong những người đầu tiên làm bánh pía ở Việt Nam, vừa làm thầy giáo, vừa làm bánh.

Ông bà ngoại của chị có sáu người con, các cậu các dì đều làm bánh, có tiệm trên Pleiku, như Thái Sơn, Mỹ Ngọc, Kim Vinh,… Bố mẹ chị cũng theo nghề gia đình, mở tiệm bánh Vĩnh Kim. ở Buôn Mê Thuột, sau đó ông bà tách riêng, bà dọn lên Pleiku mở tiệm bánh Kim Sơn.

Năm 15 tuổi, chị Kim được mẹ giao hết “tài sản” của tiệm, chủ yếu là mối lái, để chị chủ động đặt hàng, giao hàng đi khắp nơi, các tỉnh miền Tây, qua tới Lào, Cambodia.

“Cực nhất là Tháng Tám, vào mùa Trung Thu, ngày nào cũng vậy, 2 giờ sáng mình vẫn chưa được về nhà, vì phải lo bỏ mối, rồi lấy bánh ở tiệm bán chậm đưa qua tiệm bán chạy, để bánh không bị tồn,” chị Kim nhớ lại. “Bỏ mối hơn 40 tiệm chứ có ít đâu. Có lần làm cực quá vừa xuống xe là xỉu, thợ thầy khiêng vô nhà thương, vì tưởng mình đi toong, ai cũng nói đó là ngày giỗ của mình. Nhưng nằm có một đêm, sáng ra mình tỉnh dậy khỏe ru!”

Chị Loan Trần (bìa phải) có tiệm ở Los Angeles, tới mua bánh để tặng nhân viên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Tôi thắc mắc, không biết chị được cha mẹ truyền nghề cho khi nào, mà có thể một mình đứng tiệm từ Texas, sang tới California, mà không thuê bất cứ người thợ nào khác.

Chị cười, nói: “Thiệt ra hồi mình còn nhỏ, mẹ không cho làm bánh đâu, mà bắt rửa chén, lau chùi, quét dọn, đó là những việc thợ không làm. Mẹ nói: ‘Muốn làm chủ phải biết từ chuyện nhỏ nhất, thì mới thành công.’ Nhà làm bánh bán sỉ, nên khoảng 10, 12 tuổi, mẹ đã cho đi bỏ bánh, giao hàng, thu tiền. Đến năm 13 tuổi mới được đi nhận đặt hàng.”

“Còn làm bánh hả? Hình như nó ngấm từ trong máu, chẳng biết tự bao giờ, mà lớn lên là mình biết làm đủ loại bánh, bánh quai vạt, bánh dừa, bánh in, bánh phục linh, Trung Thu thì làm bánh dẻo, bánh nướng,… mà ‘đặc sản’ vẫn là bánh pía.”

Chị Kim nói, 11 năm bán bánh ở Dallas, cho đến khi mở tiệm ở Orange County, chị đều làm một mình, từ đi mua nguyên vật liệu, làm bánh, bán hàng, dọn dẹp,… tất tần tật mọi thứ, mà không cần người phụ, vì chị làm đúng như lời mẹ dặn, là phải biết làm từ chuyện nhỏ nhặt nhất.

Xấp bao thơ là những tấm chi phiếu khách hàng gửi trả tiền cho tiệm, sau khi nhận được bánh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Làm cho đã cái nư, không cần sự nổi tiếng

“Mùa Trung Thu thì có các con và chồng phụ, thỉnh thoảng mướn thêm vài người Mễ dọn dẹp. Ngày mình làm 18-20 tiếng, nhưng không mệt, vì khách vô khen là thấy khỏe. Ai nhìn thấy mặt mày bơ phờ, bột dính tùm lum khắp người, nói ‘Ôi trời, sao em cực vậy, tội quá!’ Nhưng mình thấy vui, khỏe mà, làm cho đã cái nư, không cần nổi tiếng, lời lỗ tính sau,” chị Kim nói.

Đang rôm rả kể chuyện, khách lại vô, chị Kim đứng dậy chào đón.

Cô Phước Trần, nói mình là khách quen của Kim Ninh, chia sẻ: “Tui dân Dallas nè, con gái dọn qua đây, tui đi theo. May sao giờ Kim Ninh cũng qua luôn, mừng quá!”

Tưởng tôi là khách, cô Phước quay qua giới thiệu: “Mua đi, nó làm bánh ngon lắm đó! Mà kêu tặng nó tặng liền hà. Đúng nhận sai cãi, nhỏ kia!”

Chị Kim gật đầu: “Dạ đúng!”

Cô Phước tiếp: “Thấy chưa, tui biết nó quá mà. Ăn bánh nó làm, riết ghiền đó nha!”

Nhớ lại lúc sáng, khi thấy chị Loan Trần ở Los Angeles ghé mua bánh để tặng nhân viên trong tiệm nail, hỏi bánh này ngon không, bánh kia thế nào, chị Kim cắt bánh mời ăn thử, khách khen ngon, chị còn tặng thêm bánh để… ăn cho đã, vì là người ở xa.

Gia đình chị Kim tại tiệm bánh Kim Ninh hồi còn ở Dallas, Texas. (Hình: Nhân vật cung cấp)

“Bán bánh lời bao nhiêu mà sao thoải mái đem tặng và cho ăn thử vậy chị?” tôi hỏi.

“Người bỏ tiền ra mua bánh sẽ không biết bánh đó ngon hay dở, mình cứ mời họ dùng thử, bánh mình ngon thì không sợ lỗ, vì khách sẽ quay lại. Mình tự tin 100% là khách sẽ quay lại,” chị Kim trả lời.

Bác Cúc Phan, 82 tuổi, ở Reno, Nevada, tới mua bánh, kể: “Hôm qua bác bay xuống Los Angeles là kêu người cháu lái xe tới Kim Ninh để mua bánh cho em gái. Em bác ăn ngon, nên hôm nay bác quay trở lại mua thêm đó mà.”

“Cũng làm bánh pía, và các loại bánh thông thường khác, vậy bánh Kim Ninh khác bánh nơi khác ở điểm nào, mà nhiều khách ghiền quá vậy?” tôi lại hỏi.

Vừa nâng niu, sắp xếp lại quầy bánh, chị Kim vừa trả lời: “Khác chứ, vì bánh Kim Ninh có tình thương của người làm bánh đặt vào trong đó. Bữa nào giận ông chồng, hoặc có chuyện buồn, mình không làm bánh, vì biết chắc bánh hôm đó sẽ không ngon. Làm dở mất công đi xin lỗi khách.”

“Chị có bí quyết, hay công thức đặc biệt nào không?”

“Công thức y chang nhau thôi, nhưng công thức của mình có tình thương, có tình cảm trong đó. Chiếc bánh giống như con mình, nó nhúc nhích một chút là mình biết nó muốn cái gì, cần gì, để thêm bớt, hay thay đổi,” chị Kim tâm sự. “Lúc Kim Ninh thành công bên Dallas, có người muốn mua công thức với giá $1 triệu, nhưng mình từ chối, vì tình thương thì không mua bán gì được. Nhưng nếu biết chắc ai thương bánh như mình, là người có đạo đức, mình sẵn sàng đưa công thức, mà không lấy một xu!”

Tiệm bánh Kim Ninh trên đường Westminster. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Vì tiệm mới mở được sáu tháng, nên không có nhiều khách California, nhưng bù lại, chị Kim vẫn có khách đặt từ 50 tiểu bang, và cả ở ngoại quốc, như Úc.

Chỉ một xấp bao thơ trên bàn, chị giải thích: “Khách đặt hàng, mình gửi bánh đi, họ trả tiền sau bằng chi phiếu, có cả thơ cảm ơn trong đó nữa. Có người tới tiệm mua cả trăm đồng tiền bánh, không đủ tiền trả, mình nói đi đi, khi nào có, tới trả cũng được, mà hồi nào tới giờ, mình chưa bị ai quỵt.”

“Mình may mắn được làm chủ, vì nếu làm công, mình sẽ không có được quyền chăm sóc khách hàng như vậy. Lúc đóng cửa bên Dallas, mình khóc quá trời, mấy bác cũng khóc, nói sẽ nhớ bánh Kim Ninh lắm. Đó là niềm động viên mình phải làm bánh giỏi hơn, ngon hơn, thương khách hơn, yêu khách hơn.”

——
Liên lạc tác giả: doantrang@nguoi-viet.com


 

Số nhà ở Sài Gòn loạn xạ, nhiều chủ nhà cũng không nhớ nổi

Ba’o Nguoi-Viet

February 27, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đã 25 năm qua, số nhà nhiều nơi ở Sài Gòn vẫn còn lộn xộn, rối rắm mà chính chủ nhà cũng không nhớ nổi số nhà của mình.

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ hôm 27 Tháng Hai, trong các con hẻm tại đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, Sài Gòn, có nhiều ngôi nhà có số địa chỉ từ bốn đến sáu, thậm chí là bảy xuyệt.

Biển số nhà dài như số điện thoại, xuyệt nối số liên hoàn, số cũ nằm kề số mới…tại Sài Gòn, gây rối loạn khó nhớ với nhiều người. (Hình: Tiến Quốc/Tuổi Trẻ)

Tương tự, một căn nhà trong hẻm đường Huỳnh Tấn Phát, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, có hai địa chỉ lần lượt là 1806/127/94 (số nhà mới) và 1806/127/2/6/15/52 (số nhà cũ).

Tuy nhiên, những dãy nhà được thay số ngắn gọn xuống còn ba xuyệt lại càng “gây rối não” hơn, vì số mới chồng số cũ, không biết đường nào mà lần.

Chỉ tay vào biển số nhà 749/45/16/8C Huỳnh Tấn Phát, nói với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Tấn Lâm ở phường Phú Thuận, quận 7, cho biết tại đây số nhà mới chỉ có bốn xuyệt đã khiến anh em, bạn bè hay người giao hàng vất vả tìm nhà.

“Nhiều người muốn tìm nhà người quen ở khu này phải nhờ định vị, định vị không chính xác thì ‘bó tay,’ không biết đi đường nào. Khách quay ra đường đứng chờ, chủ nhà chạy ra tận đầu đường lớn dẫn vào nhà,” ông Lâm kể.

Ông Nguyễn Thừa Nhân, 70 tuổi, nhà ở đường Huỳnh Tấn Phát, cho rằng số nhà sau khi đổi vẫn còn rối rắm. Nhiều nhà có tiệc cưới mời khách, nhiều bạn bè ngại đến do khó tìm, số nhà quá dài và đường vào cũng rắc rối.

Chính người dân sinh sống tại đây vẫn phải lúng túng khi được hỏi số nhà của mình. Do số nhà quá dài, nhiều xuyệt, nhiều người phải chụp hình hoặc ghi chép lại để có thể mang ra xem khi cần.

Số nhà nhiều xuyệt nối nhau gây nhiều khó khăn cho người dân khi tìm địa chỉ nhà. (Hình: Tiến Quốc/Tuổi Trẻ)

Phản ảnh trên báo Tuổi Trẻ, Tiến Sĩ Võ Kim Cương, cựu phó kiến trúc sư trưởng ở Sài Gòn, nhận định 25 năm qua kể từ khi giới hữu trách ở Sài Gòn có quy chế về số nhà, các phường, xã đã mất nhiều công sức và kinh phí nhưng tình trạng số nhà tại thành phố này vẫn còn nhiều khiếm khuyết, gây phiền hà cho người dân, rắc rối trong nhiều việc.

“Từ năm 2012, chúng tôi đã có ý kiến nêu nguyên nhân của tình trạng lộn xộn này. Việc cấp đổi và chỉnh sửa số nhà đến nay chưa thể đồng bộ. Cụ thể, có nơi chỉ chỉnh sửa số nhà trên mặt tiền phố, không chỉnh sửa trong hẻm. Chưa thống nhất cách đặt tên đường và hẻm. Cách đặt số nhà trong hẻm cũng chưa thống nhất, nơi thì theo cách đặt số chẵn bên phải số lẻ bên trái, nơi thì không…” (Tr.N) 


 

Công luận bàn tán khả năng Phạm Nhật Vượng bị bắt

Ba’o Dat Viet

February 27, 2024

Phạm Nhật Vượng và Phạm Bình Minh

Một số ý kiến suy đoán rằng Phạm Nhật Vượng “sớm muộn” sẽ bị bắt vì “phải có người chịu trách nhiệm chứ, đảng có sai bao giờ.”

Facebooker Hoàng Dũng cho biết: “Đảng cộng sản sẽ phải bắt Phạm Nhật Vượng. Vấn đề là thời điểm và làm sao để không sụp đổ hệ thống ngân hàng. Trễ nhất có thể là 2027, vài tháng sau khi chia ghế xong xuôi của nhiệm kỳ mới 2026-2031. Máu thì cuối năm nay, đầu năm sau bắt.”

Một số ý kiến khác đồng tình với suy đoán này, và cho rằng Vượng là “Trương Mỹ Lan 2.0”.

Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng việc bắt Vượng là đúng, “nên học Trung Quốc”.

Facebooker Vinh Tran bình luận: “Vượng đang dùng để rửa tiền cho lũ thối nát, một khi tiền đã rửa hết thì sẽ vào lò làm bạn cùng với Trịnh Văn Quyết.”

Một ý kiến nói: “Biết là Vượng làm ăn tầm bậy tầm bạ đấy nhưng CSVN nhờ ông ta để rửa mặt cho mình, như xây các tòa nhà chọc trời, các khu đô thị hiện đại,xe hơi xuất khẩu… để ngửa mặt với thế giới Chứ CSVN làm được gì?”

Tuy vậy, cũng có lo ngại rằng Vượng đi tù thì Vin nô, bò đỏ ai sẽ chăn dắt?

Trong một diễn biến khác, báo đảng vẫn đang hăng say đưa tin tuyên truyền về Vinfast, phớt lờ tin hãng xe điện này lỗ ròng xấp xỉ 2,4 tỷ đô la dù giao gần 35.000 xe năm 2023. Từ 2017 đến nay, lỗ lũy kế hơn 7,2 tỷ đô la. Hãng nợ cả ngắn hạn lẫn dài hạn hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.

Nếu đọc báo đảng, người ta sẽ chỉ thấy những tin đại loại như “Năm đầu niêm yết ở Mỹ, VinFast báo doanh thu 1,2 tỷ USD”, “Tăng trưởng mạnh, VinFast đạt doanh thu gần 1,2 tỉ USD năm 2023


 

Hai giáo viên gốc Việt ở Westminster đoạt danh hiệu ‘Teacher of the Year’

Hai giáo viên gốc Việt ở Westminster đoạt danh hiệu ‘Teacher of the Year’

Ba’o Nguoi-Viet

February 24, 2024

WESTMINSTER, California (NV) – Hai giáo viên gốc Việt vừa nhận giải “Teacher of the Year” 2024 do Học Khu Westminster (WSD) trao tặng hôm 14 Tháng Hai là Quỳnh Trâm Vũ (trường DeMille Elementary School) và Trisha Lưu (trường Schmitt Elementary School), theo thông cáo báo chí của học khu.

Cả hai giáo viên cùng được danh hiệu này vì sự hết lòng, tận tụy và tận tâm giáo dục học sinh trong thời gian qua.

Cô giáo Quỳnh Trâm Vũ và phu quân trong ngày được vinh danh “Teacher of the Year.” (Hình: Facebook WSD)

“Xin chúc mừng cô giáo Quỳnh Trâm Vũ, giáo viên xuất sắc nhất trong năm của WSD! Sự tận tụy của cô với học sinh chúng ta, sự dấn thân của cô với chương trình song ngữ ‘Vietnamese Dual Language Immersion Program,’ và những công việc tình nguyện không ngừng nghỉ của cô cho cộng đồng WSD thật sự làm cho cô trở thành xuất sắc,” WSD viết trên trang Facebook như vậy. “Cảm ơn cô khuyến khích tất cả chúng tôi với sự tận tâm của mình. Và điều này tạo một ảnh hưởng lớn trong cộng đồng chúng ta. Hy vọng cô tiếp tục thành công và tạo ra một tương lai tươi sáng.”

Được thành lập năm 1872, WSD để lại dấu ấn sâu đậm trong bối cảnh giáo dục của Orange County, California. WSD đã tận tâm cung cấp nền giáo dục có chất lượng cho trí tuệ trẻ của khu vực trong hơn một thế kỷ.

Giáo viên Trisha Lưu (cầm hoa và bong bóng) chụp hình kỷ niệm với học sinh (Hình: FB Schmitt Elementary School)

Trải dài khắp Westminster, Garden Grove, Huntington Beach, và Midway City, WSD đóng vai trò là trung tâm quan trọng của gần 8,200 học sinh tiểu học và trung học tại 17 trường. Tập thể học sinh đa dạng của Học Khu phản ánh cộng đồng sôi động mà Hoc Khu phục vụ, nuôi dưỡng một môi trường văn hóa và xã hội phong phú.

Với di sản kéo dài hơn một thế kỷ, Học khu Westminster tiếp tục là biểu tượng cho nền giáo dục xuất sắc tại Orange County. Thông qua cam kết về sự đa dạng, đổi mới và thành tích học tập, WSD vẫn là động lực trong việc định hình tương lai của sinh viên và cộng đồng mà trường phục vụ. (ĐG) [đ.d.]


 

VinFast lỗ ròng xấp xỉ 2,4 tỷ đô la dù giao gần 35.000 xe năm 2023

23/02/2024

Một phần trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán của VinFast đăng trên trang của SEC, 22/2/2024.

Một phần trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán của VinFast đăng trên trang của SEC, 22/2/2024.

Hãng ô tô VinFast của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán hôm 22/2 cho thấy họ giao hơn 34.800 xe trong năm 2023 và bị lỗ ròng tới 2,39 tỷ đô la trong cùng năm.

Bản báo cáo được đăng trên trang web của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) mà VOA xem được mở đầu với tiêu đề “VinFast báo cáo kết quả tài chính chưa kiểm toán của quý 4 và năm tài chính 2023”.

Phần tóm tắt được nêu bật sau tiêu đề liệt kê ra rằng hãng thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Vượng đạt doanh thu quý 4/2023 và cả năm lần lượt là 436,5 triệu đô la (hơn 10,4 nghìn tỷ đồng) và xấp xỉ 1,2 tỷ đô la (gần 28,6 nghìn tỷ đồng).

Ở trang 2 và 3 của bản báo cáo, VinFast viết rằng tổng doanh thu năm 2023 chủ yếu là từ bán ô tô điện và đã tăng hơn 91% so với năm 2022.

Hãng xe ra đời năm 2017, được bản báo cáo mô tả là nhà sản xuất xe hơi điện hàng đầu Việt Nam, công bố đã giao hơn 13.500 xe trong quý 4 năm ngoái và tổng cộng 34.855 xe trong cả năm.

Mặc dù vậy, VinFast cũng nêu ra trong trang 2 của bản báo cáo rằng hãng lỗ ròng gần 2 tỷ 396 triệu đô la trong năm 2023, tăng gần 15% so với năm 2022; và đến ngày cuối cùng của năm ngoái, hãng chỉ có trong tay lượng tiền mặt là gần 168 triệu đô la.

Như tin VOA đã đưa, năm 2022, hãng lỗ 2,1 tỷ đô la. Trước đó, hãng lỗ hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và gần 800 triệu đô la vào năm 2020. Tính từ khi hãng được thành lập hồi tháng 6/2017 đến hết năm 2023, lỗ lũy kế lên đến hơn 7,2 tỷ đô la.

Về nợ nần, báo cáo cho biết hãng nợ ngắn hạn đến ngày 31/12/2023 là hơn 5,8 tỷ đô la, tăng gần 110% so với năm 2022; nợ dài hạn là hơn 2,4 tỷ đô la, giảm khoảng 30% so với năm trước.

Cộng gộp lại, cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn của hãng lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.

Một nhà phân tích tài chính không muốn nêu danh tính đưa ra quan sát với VOA rằng số nợ ngắn hạn đã tăng hơn 100% nhưng hãng vẫn phải dựa vào các khoản vay để duy trì hoạt động, bên cạnh đó, đã có sự dịch chuyển các khoản vay của VinFast từ dài hạn sang ngắn hạn nhiều hơn và như vậy áp lực trả nợ cũng tăng cao.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast, đưa ra bình luận trong trang 3 của bản báo cáo rằng năm 2023 ghi nhận nhiều dấu mốc “đầu tiên” của hãng mà đỉnh cao là việc cổ phiếu của hãng lên sàn ở Mỹ, bên cạnh đó là việc VinFast đã tung ra “những sản phẩm mới thú vị”, mở rộng mạng lưới phân phối và củng cố sự hiện diện của hãng tại các thị trường hiện có, đồng thời mở ra cánh cửa đến với “những thị trường mới đầy hứa hẹn”.

Nữ chủ tịch đánh giá rằng những động thái đó đã “đặt nền móng vững chắc” cho hãng trong năm 2024 và giờ đây VinFast “đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là cung cấp 100.000 xe trong năm 2024”.

Như VOA đã đưa tin, lượng xe VinFast giao trong năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu hãng đã đặt ra là 50.000 chiếc.

Trên thị trường chứng khoán Nasdaq ở Mỹ, cổ phiếu mã VFS của VinFast có giá 5,08 đô la ở thời điểm chốt phiên giao dịch hôm 22/2, giảm 3,4% so với lúc thị trường mở cửa và tiếp tục xu hướng mất giá từ đầu năm đến nay, đi ngược lại trào lưu tăng điểm của Nasdaq nói chung trong cùng kỳ. Giá của VFS là hơn 7 đô la hôm 2/1/2024.


 

5 chị em ruột thịt … TRỞ THÀNH CÁC NỮ TU TRONG CÙNG MỘT CỘNG ĐOÀN TU TRÌ

 Peter Vũ Thoại

Khi đã nhận ra Chúa Giêsu kêu gọi dâng mình cách trọn vẹn cho Người, 5 chị em ruột thịt … TRỞ THÀNH CÁC NỮ TU TRONG CÙNG MỘT CỘNG ĐOÀN TU TRÌ

“Thiên Chúa có chương trình của Ngài và Ngài biết thời gian và địa điểm dành cho mỗi người”

[trích từ lời chia sẻ của một trong năm vị nữ tu]

Cả 5 người đều xuất thân trong cùng một gia đình gồm bảy người con (6 cô gái và 1 chàng trai), mỗi người theo đuổi cuộc sống riêng của mình và cả 5, không hẹn mà gặp lại nhau … ở cùng một cộng đoàn tu trì – đó là Hội dòng chiêm niệm Iesu Communio tại Burgos, phía Bắc của Tây Ban Nha.

Người đầu tiên gia nhập Hội dòng Iesu Communio là Jordán (1), năm tiếp theo là Francesca (2) và Amada de Jesus (3), hai tháng sau đó thì đến lượt Ruth María (4) – người lớn nhất trong số 5 người và Nazareth (5) là người sau cùng chọn gia nhập cộng đoàn tu trì này sáu tháng sau đó.

Sơ Amada de Jesus đã chia sẻ: “Đây là một điều ngạc nhiên thú vị đối với mọi người khi Chúa đã gọi tất cả 5 chị em chúng tôi vào Hội dòng trong vòng hai năm.”

Không hề có sự bàn luận giữa các chị em về việc thực hiện ơn gọi về tình yêu, mỗi người đã khám phá ra bản thân mình được lôi cuốn bởi đời sống thánh hiến và một cách đáng kinh ngạc (kể cả với bản thân họ) là… gia nhập cùng một cộng đoàn.

Liên quan về việc này, Sơ Amada có thổ lộ như sau: “Chúng tôi không biết rằng Chúa Thánh Thần đã khơi dậy cơn khát này nơi mỗi người chúng tôi. Thiên Chúa có kế hoạch của Ngài và Ngài biết địa điểm và thời điểm thích hợp cho mỗi người”.

Jordán là người đầu tiên gia nhập cộng đoàn tu trì Iesu Communio ở tuổi 23. Khi sức khỏe mong manh của người em trai của Sơ mà Sơ thường đồng hành ở bệnh viện, đã ghi dấu Sơ cách sâu sắc.

“Giữa nỗi đau khổ này tôi đã tự hỏi ‘Thiên Chúa ở đâu?’ Tôi có một nỗi buồn sâu xa mà tôi không thể diễn tả được. Bên ngoài, tôi có vẻ tràn đầy niềm vui nhưng trong bản thân tôi, tâm hồn tôi như đã chết rồi. Và tôi nghĩ rằng cái chết này, nỗi đau đớn này, đã biểu lộ ước muốn được Chúa yêu thương của tôi.”

Với hành trình riêng, mỗi Sơ đã làm chứng về niềm hy vọng mà tiếng gọi của Chúa Kitô đã mở ra. Sơ Amada de Jesús chia sẻ:

“Sự dâng hiến cho Chúa là một món quà bất khả sánh. Sau 13 năm sống đời chiêm niệm, trước tiên tôi vẫn ở đây vì tình yêu đối với Ngài và tôi cảm thấy tình yêu tràn đầy mà Ngài yêu thương tôi này, cách nhưng không.”

Sơ Amada de Jesus kể rằng sơ đã nuôi dưỡng “mối quan hệ rất đơn sơ” với Chúa ngay từ nhỏ, nhưng không dễ để phân định và đón nhận lời kêu gọi vào đời sống tu trì:

“Tại một thời điểm nào đó, tôi biết rằng Chúa muốn tôi vì Ngài, và chỉ khi nghĩ đến điều đó lòng tôi tràn đầy niềm vui, nhưng tôi cũng nghĩ rằng ơn gọi là một sự từ bỏ để trở thành một người vợ và người mẹ. Tôi đặt mình trước mặt Chúa và tôi xin Chúa đừng gọi tôi từ bỏ vì điều này”.

(…)

– sói thanh –

[dựa theo https://hdgmvietnam.com/…/nam-chi-em-gia-nhap-cung-mot…]


 

NỖI OAN THẾ KỶ

 LVan Le is with Hồng Chí Diệp

Giữa những ngày mùng Tết, đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) đã loại bỏ hai tập phim về tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký trong loạt phim hoạt hình “Khát vọng non sông”. Truớc đó, hai tập phim này cũng bị loại bỏ bởi đài truyền hình Cần Thơ. Sự loại bỏ này, nhìn từ bên ngoài, giống như sự tiếp nối của hành động cấm ra mắt sách “Trương Vĩnh Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” của nhà biên soạn uy tín Nguyễn Đình Đầu!

Cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký thật có những điều khiến nhiều người thảo luận. Nhìn chung người đời sau xét ông trên hai phương diện: phương diện học thuật và phương diện chính trị. Dù có quan điểm của riêng mình, bài viết này không chủ ý trình bày quan điểm đó mà tìm hiểu về thái độ của xã hội đối với các quan điểm khác nhau về ông.

Tôi nhớ những ý kiến về công và tội của ông Trương Vĩnh Ký trước năm 1975. Trước tác của các bậc tiền bối như các ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Văn Trung, Trương Bá Cần ở phương Nam, các ông Nguyễn Văn Tố, Vũ Ngọc Phan ở phương Bắc còn sẵn đó trên các giá sách Sài Gòn. Tôi chỉ xin nhắc lại rằng thời đó, ở Miền Nam, sự trình bày quan điểm về ông Trương Vĩnh Ký là không giới hạn. Hai vị giáo sư trường trung học Trương Vĩnh Ký là hai ông Nguyễn Xuân Hoàng (dạy Triết) và Nguyễn Minh Nhựt (dạy Sử), thảo luận với học sinh về đề tài này. Quan điểm của hai ông giống nhau: Trương Vĩnh Ký có công lớn về học thuật, về mở mang chữ quốc ngữ trong dân chúng, xây dựng nền tảng để người Việt sử dụng lợi khí này. Ông Trương Vĩnh Ký cũng có điều không nên là nhận lời cộng tác với vua Đồng Khánh, cần nhớ rằng vị vua này được Pháp đưa lên để an định xã hội khi vua Hàm Nghi vì chống Pháp phải bôn đào Tân Sở.

Hai vị Thầy dạy trong ngôi trường mang tên ông Trương Vĩnh Ký mà có thể bộc bạch những suy nghĩ không ủng hộ ông như vậy cho thấy xã hội thời đó tôn trọng tự do học thuật, tự do ngôn luận tới chừng nào. Trong trường cũng có những vị giáo sư không phê phán việc ông Trương Vĩnh Ký cộng tác với vua Đồng Khánh, các thầy với ý kiến khác biệt thảo luận trong tinh thần bè bạn và học hỏi nhau. Hai vị Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Minh Nhựt lắng nghe lập luận trái chiều từ đồng nghiệp, từ cả những học sinh lớp 11, lớp 12 như chúng tôi. Hai vị đó, dù có lập trường phê phán hành động của ông Trương Vĩnh Ký, vẫn tự hỏi: hay tiền nhân có ý gì sâu xa mà chúng ta không thấu hiểu? Cái tâm thế hoài nghi khoa học đó khiến hai ông rất sẵn sàng học hỏi, giúp hai ông ngày tiệm cận với chân lý, giúp chúng tôi mở mang tầm mắt và phương pháp luận khoa học, giúp xã hội an bình, không ai là thế lực thù địch của ai…

Các sự việc loại bỏ hai tập phim về tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký, cấm ra mắt sách “Trương Vĩnh Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” cho thấy bầu không khí bây giờ hoàn toàn khác xưa. Bây giờ, xã hội Việt Nam do chính người Việt tổ chức quản lý mà sao không khí học thuật và ngôn luận lại hẹp hòi, ngột ngạt hơn thời trước tới dữ vậy?

Học giả Trương Vĩnh Ký, người được mời vào câu lạc bộ mười tám nhà bác học của Pháp “Savants du Monde”, người để lại cho đời trên trăm trước tác về văn học, sử địa, từ điển, dịch thuật… đích thị là một nhà khoa học am tường nhiều lãnh vực tư tưởng. Chắc chắn tầm tri thức và tư cách trí thức của nhân vật này cách xa những người đang cấm đoán và phán xét ông hôm nay!

Tư cách trí thức của Trương Vĩnh Ký cao như vậy, chắc hẳn ông luôn tôn trọng tinh thần hoài nghi khoa học. Bây giờ ông chịu sự phán xét của những người chỉ biết phe phái mình, chỉ đọc sách một chiều, chăm chăm cấm cửa các thảo luận tự do… thì đúng là ông chịu Nỗi Oan Thế Kỷ!

Miền Nam yêu mến và tôn trọng hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Miền Nam là quê hương sinh ra hai ông, Miền Nam gần gũi và hiểu rõ hai ông! Tấm lòng này của dân Miền Nam được bộc lộ rõ ràng. Tên tuổi hai nhân vật đó bị vùi dập mấy chục năm nay. Cho dù đoạn sau này có nhẹ tay hơn một chút thì thái độ thô lỗ đó còn cách rất xa với tấm lòng tôn trọng, yêu quý hai ông của người Miền Nam. Xử tệ với hai ông có phải chính là xử tệ với tấm lòng và kiến thức Miền Nam? Nếu như vậy thì Nỗi Oan Thế Kỷ có là Nỗi Đau Thế Kỷ?

Cũng có thể nói, Nỗi Oan Thế Kỷ này đâu chỉ một ông Trương Vĩnh Ký chịu!

Lê Học Lãnh Vân,

ngày 18 tháng 2 năm 2024


 

 Mã độc trộm tiền trên iPhone tấn công người dùng Việt Nam

 RFA
2024.02.17

trojan GoldPickaxe.iOS hiện chủ yếu nhắm mục tiêu vào người dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương,

 Tạp chí TT&TT

Công ty an ninh mạng quốc tế Group-IB cảnh báo về một trojan iOS mới được thiết kế để đánh cắp dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, tài liệu nhận dạng và chặn SMS đang tấn công người dùng Việt Nam và Thái Lan.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 17/2 dẫn giải thích cảnh báo từ Group-IB rằng, Trojan, được đơn vị Threat Intelligence của Group-IB đặt tên là GoldPickaxe.iOS, là do một tin tặc nói tiếng Trung Quốc có tên mã là GoldFactory phát triển.

Theo báo cáo chi tiết của Group-IB, GoldFactory đã phát triển một họ trojan cực kỳ tinh vi nhắm mục tiêu vào các ứng dụng ngân hàng cực kỳ tinh vi, bao gồm GoldDigger được phát hiện trước đó và GoldDiggerPlus, GoldKefu và GoldPickaxe mới trên Android.

Các nhà nghiên cứu của Group-IB đã phát hiện ra rằng trojan GoldPickaxe.iOS hiện chủ yếu nhắm mục tiêu vào người dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cụ thể là Thái Lan và Việt Nam, mạo danh các ngân hàng địa phương và các tổ chức chính phủ.

Đại diện Group-IB tại Việt Nam cho biết, một người dùng Việt Nam đã trở thành nạn nhân của loại trojan độc hại này. Theo đó, vào đầu tháng 2/2024, nạn nhân đã thực hiện các hoạt động mà ứng dụng yêu cầu, bao gồm cả quét nhận dạng khuôn mặt. Kết quả, tin tặc đã rút số tiền tương đương hơn 40.000 USD.

Tháng 10/2023 đại diện Group-IB tại Việt Nam đã đưa ra cảnh báo mặc dù hiện tại, GoldDigger chủ yếu tập trung vào các mục tiêu ở Việt Nam, tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy mối đe dọa này có thể mở rộng phạm vi ra khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tới cả các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

Điều khiến GoldPickaxe trở thành một trojan nguy hiểm hơn chính là khả năng khai thác dữ liệu sinh trắc học bị đánh cắp. Từ dữ liệu này, tin tặc sử dụng công cụ AI để tạo ra deepfake bằng cách thay thế khuôn mặt của chúng bằng khuôn mặt của nạn nhân nhằm để truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân hoặc dữ liệu khác được bảo vệ bằng nhận dạng khuôn mặt hoạt động như 2FA. Khi nạn nhân phát hiện mọi chuyện thì có thể đã quá muộn.

Các chuyên gia của Group-IB khuyến cáo để bảo vệ iPhone, người dùng nên tránh cài ứng dụng từ nguồn không tin cậy, hạn chế tải ứng dụng qua TestFlight vì nền tảng này không được kiểm duyệt như App Store.

Hôm 7/1/2024, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết tình trạng lừa đảo trên không gian mạng 2023 tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động và rất phức tạp.

Liên quan vấn đề này,ThS Philip Hùng Cao, Chiến lược gia và Nhà truyền bá về Zero Trust cho biết có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng trong khả năng nhận thức thông tin và sử dụng mạng.


 

Duyên Kỳ Ngộ-Bài viết của Đặng Thái Sơn

(Giữa thầy Phùng Văn Phụng và học trò Đặng Thái Sơn, K’75)

Bài viết của Đặng Thái Sơn

Lời phi lộ: Tình cờ đọc Bản Tin của Cựu Học sinh Trường Lương Văn Can số 19, Xuân Mậu Tuất, năm 2018, thấy bài viết “Duyên Kỳ Ngộ” của Đặng Thái Sơn.

Nhớ lại lúc về từ trại cải tạo năm 1983, không có nghề gì để sống, đành phải đi bán vé số. Đến nhà người bạn thầu vé số nhận 200 tấm, sáng sớm, đi qua quận 5 hy vọng sẽ không gặp người quen nhất là học trò cũ vì vốn mắc cở. Đi thật xa khỏi quận 8, vừa cầm xấp vé số ra bán thì gặp ngay Đặng Thái Sơn. Chuyện được kể như dưới đây. Phùng Văn Phụng

***

Cách nay khoảng trên 30 năm, thường ngày, tôi và một số anh em hành nghề phu xích lô, cứ mỗi sáng gặp nhau uống cà phê ở một quán vĩa hè bên quận 5. Xong chầu cà phê thì anh em tản lạc, rong ruổi khắp nẻo đường để kiếm cơm.

Vào một buổi sáng nọ, đang ngồi uống cà phê, tôi thấy một người quen quen từ xa đi tới, trong lòng ngạc nhiên, chẳng lẽ thầy Phụng đây sao? Định thần nhìn kỹ, đúng là thầy Phùng Văn Phụng, dạy môn công dân ở trường mình. Thầy đến trước mặt tôi, tay thọc vào túi quần móc ra xấp vé số, mời mua. Tôi bối rối, nhưng không dám gọi bằng thầy, sợ thầy ái ngại! Tôi nói lớn: “Người bán vé số với dân đạp xích lô là anh em nhau cả, xin mời uống ly cà phê. Là dân lao động mời thật tình đừng ngại nha!…”

Thầy ngồi vào bàn, tôi mời thầy ly cà phê sữa nóng, cố ý để thầy tự nhiên. Sau vài ngụm cà phê, tôi nói: “Dạ thưa, thầy là thầy Phùng Văn Phụng, dạy môn Công dân, em là học trò của thầy đây. Em học chung lớp với Phùng Hoàng Kiệt, em của thầy…”

Lúc này thầy tỏ ra bối rối, ngại ngùng… Tôi nói lớn với anh em phu xe xích lô: “Đây là thầy dạy học của tôi, bây giờ bán vé số. Mời các anh em mua ủng hộ thầy tôi vài tờ cho vui!” Thế là ai nấy xúm lại mua ủng hộ giúp thầy.

Sau này tôi có gặp bạn Trần Minh Tùng, học cùng lớp kể cho Tùng nghe. Tùng hiểu chuyện vì Tùng với thầy Phụng khá thân nhau. Tùng nói rằng thầy Phụng sau khi đi “học tập cải tạo” về, không có việc làm nên đi bán vé số. Mà phải bán ở địa phương khác, không dám bán ở quận 8, sợ gặp học trò cũ hoặc người quen ngại lắm.

Thời gian sau, tôi chuyển qua bán cà phê ở trước nhà trên đường Phạm Thế Hiển hằng ngày lại thấy thầy Phụng đèo hai thùng nước ngọt trên chiếc xe đạp đi giao hàng tận nơi cho khách.

Rồi thầy định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình HO.

Lần đầu thầy về Việt Nam, tổ chức họp mặt giao lưu ở nhà hàng 241, gặp gỡ lại thầy cô và học trò năm xưa, trong đó có tôi. Đến lượt tôi kể thầy nghe giai đoạn bán vé số… Thầy đứng lên tỏ ra vui mừng khôn tả.!

  • Nhớ rồi, nhớ rồi!…
  • Thầy nói, chụp hình, chụp hình…
  • Thầy trò ôm nhau, mừng cuộc hạnh ngộ mà thầy cũng không ngờ trước! Thế là bao nhiêu ánh đèn loé sáng, ghi dấu kỷ niệm tình thầy trò. Rồi thầy hỏi thăm về cuộc sống của tôi, của bạn bè “phu xích lô” ngày xưa.

Trong buổi tiệc vui, thầy nói, nếu bây giờ đi bán vé số trở lại, vẫn dám làm, không ngại ngùng gì nữa, mà càng vui hơn…

Xin nói thêm rằng trước kia tôi cũng như thầy, làm phu xích lô hay bán vé số thì mắc cở lắm, sợ gặp người quen, bạn cũ. Đôi lúc thấy bạn hay người quen từ xa, vội kéo nón xuống tận mi mắt, cúi gầm mặt, để không ai phát hiện ra mình.!

Bây giờ nghĩ lại mới thấy mọi việc cũng bình thường. Đôi lúc đạp xích lô rong ruổi trên từng nẻo đường, gặp lại bạn cũ mừng lắm vì lâu ngày không gặp rồi vào quán uống cà phê, hỏi thăm nhau.: “ Có gặp thầy cô, bạn học cũ không mậy?”

Nhắc lại chuyện xưa, bây giờ mới kể, để cảm ơn người và tạ ơn Trời đã cho qua đi cái thời cơ cực và được tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Đặng Thái Sơn