MỘT CON NGƯỜI, MỘT BÁC SĨ, MỘT TÍN HỮU: Trần Hữu Ngoạn

MỘT CON NGƯỜI, MỘT BÁC SĨ, MỘT TÍN HỮU: Trần Hữu Ngoạn

Trần Thị Quỳnh Giao – FMM.

Một cuộc đời dày đặc yêu thương, nghiêm khắc với chính mình và biết cười… tươi, hoàn toàn thoải mái với những câu nghịch ngợm khôi hài của người khác, đặc biệt khi bị chọc quê. Một cuộc đời cho đi mà không tính toán, không tìm lợi danh… Hình như đó là cuộc sống mà Thầy Chí Thánh ước muốn cho môn đệ mình.

MỘT CON NGƯỜI, MỘT BÁC SĨ, MỘT TÍN HỮU

Viết về Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn đối với tôi là một cuộc trở về, trở về với quá khứ của một con người cũng như trở về với chính mình. Với một con người trước đây là một đảng viên cấp cao, đầy quyền lực trong một xã hội quyền thế vốn nhiều bóng tối. Với chính mình vì phải làm một cuộc ngoảnh mặt với những biến cố ít nhiều đã gây nhức nhối một thời… để tìm về một cái gì sâu thẳm hơn còn dấu kín trong lòng người, để có thể vươn cao hơn cái tầm thường của bản tính nhân loại và qua đó khám phá được Chân Lý tiềm ẩn nơi họ. Chân Lý đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sâu thẳm của lòng người vì “con người là đường đi của Giáo Hội”, mời gọi ta tôn trọng và yêu thương.

Cần nói thêm là những gì tôi viết ra đây phần rất lớn là do những lần tâm sự của hai Ông Bà. Có thể có những điều báo chí đã biết và viết về Bác Sĩ, nhưng những chia sẻ sau đây hoàn toàn là những chia sẻ thâm tình mà Bác Sĩ và Chị Yến đã gởi gắm vào tôi “ước mong một ngày kia Soeur Quỳnh Giao có dịp viết về mình với những tâm tư thầm kín sâu thẳm nhất của tôi dành cho Soeur…”. Giờ đây, tôi lại có dịp viết về Bác Sĩ và Chị Yến.

  1. CON NGƯỜI.

Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn người gốc làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở ngọai thành Hà Nội. Cha mẹ không có cơ may học hành, không thể hướng nghiệp gì cho chàng trai trẻ. Học hết phổ thông, anh Ngoạn nộp đơn xin vào Đại Học Y Hà nội. Năm đó là năm 1955. Ngày nộp đơn, bạn bè cũng như cha vợ tương lai ngăn cản và nài xin con gái “cố gắng khuyên Ngoạn nên đổi nghề khác chứ làm nghề ấy khổ lắm!”. Nhưng sau lần đi khuyên ấy, người bị thuyết phục lại là con gái cụ, bởi “em yêu anh nên muốn điều anh muốn”. Nhắc lại chuyên xưa, Chị Yến cười nói : “Em nói …nhưng anh ấy có nghe đâu, lại còn bảo: “Em ủng hộ anh nhé !”. Nói sao đây, thôi đành kệ anh !”.

Tháng 2 năm 1962, tốt nghiệp y khoa, với lời thề Hippocrate, Bác Sĩ Ngoạn nắm tấm bằng trong tay và… mới cưới vợ chưa đầy 1 tháng, sống với vợ vỏn vẹn chừng 10 ngày… để biền biệt đi mãi… – chàng Bác Sĩ trẻ 27 tuổi Trần Hữu Ngoạn lại làm cho ông Cha vợ một phen “sốc” lần nữa khi xung phong vào làm Bác sĩ ở Khu điều trị phong Qùynh Lập. Chị Yến tâm sự : “Lúc đó em được 18 tuổi. Để em khỏi bịn rịn khóc lóc, anh ấy chờ em đi dạy, viết lại mấy chữ đặt ở bàn nước rồi khoác balô lên đường. Em không hề được hưởng hạnh phúc lâu dài với anh…. Đến giờ Soeur biết không… gần hơn 35 năm chung sống, anh chỉ ở với em tổng cộng nhiều lắm hơn 18 tháng !… ” (bây giờ bệnh hoạn, chị Yến một tay nuôi chồng…).

Một điều thú vị mà có lẽ nhiều người không biết, Bác Sĩ Ngoạn là một người Hà Nội ham mê âm nhạc từ nhỏ. Có dịp đi Mỹ dự một Hội Nghị Phong quốc tế năm Bính Thìn, Bác Sĩ rạng rỡ vui mừng khoe một trong những “thắng lợi”của chuyến đi nầy: “Một Bác Sĩ Mỹ tặng tòan bộ tác phẩm của Beethoven trong cuốn băng có chất lượng thu thanh tuyệt hảo : về hưu sẽ thưởng thức cái thú nghe những băng nhạc ấy trên căn gác nhỏ thanh tịnh chứ !…”. Có lần, để tưởng nhớ 200 năm ngày sinh của Beethoven, Bác Sĩ đã vượt qua bom đạn trở về Hà Nội …chỉ để mời bạn bè yêu thích nhạc đến nhà làm một cuộc kỷ niệm nho nhỏ về nhạc sĩ vĩ đại nầy. Tại Qui Hòa, Bác Sĩ có cho làm một khu du lịch với hình một chiếc đàn, được hỏi vì sao lấy chiếc đàn nầy, Bác Sĩ cho biết:” Vì còn trẻ tôi đã chơi đàn nầy …và Nhạc Sư của tôi là Thầy Đỗ Tình”. Khi trốn vợ đi phục vụ người phong Bác Sĩ đã để lại cây đàn violon và niềm vui tinh thần lẫn vật chất để đến với người phong.

CON NGƯỜI Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn được mang nhiều tên khác nhau làm nên CON NGƯỜI được nhiều người qúy trọng và thương yêu : Người Bác Sĩ “điên khùng” và mặc cảm. Người Bác Sĩ thích dây dưa với…hủi. Một người khùng đáng yêu. Người của người bất hạnh. Người của lòng nhân ái. Người “xúc cảm với bệnh nhân phong”. Người ta chỉ “xúc cảm” với cái đẹp, với nghệ thuật, với người đẹp !… Một Nhà Khoa Học với tâm lòng nhân hậu… Vì sự nghiệp, Bác Sĩ là một trong số ít nhân viên không có gia đình ở gần. Hầu hết các Bác Sĩ trong trại là những nhân viên địa phương, có nhà trong thành phố ; hết giờ làm việc thì về với gia đình. Cuộc đời Bác Sĩ, hơn 31 năm vào nghề cũng bằng từng ấy năm sống xa vợ con. Nhiều bạn bè khoa học có tầm cỡ cũng khuyên Bác Sĩ nên xin về với vợ con để họ bớt bị thiệt thòi, nhưng Bác Sĩ không nỡ bỏ bệnh nhân. Bác Sĩ kể : “Một lần mình được Bộ Trưởng Y tế mời đến họp. Đã lâu không gặp ông Bộ Trưởng, nên khi gặp Ông ta, ông liền nói : “Ah! Anh Ngoạn ơi ! Người ta thường khi gặp ông lớn thì ngưới ta xin 3 điều: một cho tăng lương, hai cho tăng chức, ba cho về ở gần gia đình. Anh nên xin một điều gì cho anh.” Bác Sĩ trả lời : “Lương đối với tôi tương đối đủ sống !… Chức thì anh biết rồi đó, đối với tôi chỉ là một trò cướp giựt dơ bẩn. Còn về ở gần gia đình, thì người thầy thuốc ưu tiên là người của bệnh nhân …”. Và Bác Sĩ đã không xin gì cả.

Một sự kiện lớn khác minh họa cho con người không tham quyền hành mà chỉ chú tâm phục vụ người xấu số. Tháng 8 năm 1995, Liên Hịêp Bệnh Viện Phong Quốc Tế (International Leprosy Union) của Ấn Độ bầu chọn Bác Sĩ Trần Hũu Ngoạn lãnh giải thưởng quốc tế Gandhi. Bộ Trưởng Y Tế liền lệnh cho Bác sĩ và các cơ quan nhanh chóng làm hồ sơ để kịp đi. Bác sĩ Ngoạn trả lời trong một bức thơ đề ngày 9 tháng 10 năm1995: “…Tôi công tác phục vụ bệnh nhân phong đã lâu, thấy người bệnh đang còn bao nỗi khổ mà bản thân mình vì nhiều lý do cũng chưa phục vụ họ được nhiều lắm. Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ để tâm trí phục vụ họ nhiều hơn nữa. Khi nào thấy mình xứng đáng với giải thưởng lấy tên là Gandhi, lúc đó được Bộ cho phép làm hồ sơ nhận giải thưởng thì tôi vô cùng sung sướng và thanh thản …”. Sau đó qua các cơ quan Y tế và Vụ Hợp Tác Quốc Tế, Bác Sĩ Bộ Trưởng gởi kèm ít chữ sau đây cho Bác Sĩ Ngoạn : “Rất thông cảm với sự khiêm tốn của Anh Ngoạn. Đề nghị Anh Ngoạn làm hồ sơ để nhận vì vinh dự của đất nước, của ngành và cá nhân. Sau nầy Anh Ngoạn dùng số tiền đó cho cá nhân hoặc cho sự nghiệp đều có lợi cả. Nên làm sớm cho kịp.” Với bức thư nầy, Bác Sĩ đã rất ưu tư, tìm đến gặp tôi mong được soi sáng. Tôi chân thành góp ý nên đi, để nhiều bệnh nhân được nhờ. Bác sĩ bèn nổi nóng, cho tôi biết :” Quỳnh Giao có biết Bộ trưởng nói gì với tôi không ?Anh nhận đi, 1 phần dành cho anh và phần còn lại cho Bộ (giải thưởng là 30.000 USD)”. Tôi buộc phải trả lời : “Người đáng nhận giải thưởng này nhất, là các Nữ Tu Phan Sinh và các bệnh nhân của họ”. Và Bác Sĩ đã không làm hồ sơ nhận giải thưởng trên. Nhiều nhà báo sau đó đến phỏng vấn Bác Sĩ và muốn biết vì lý do gì mà Bác Sĩ không nhận. Bác Sĩ trả lòi : “Nhiều năm sống và làm việc bên cạnh những người tu hành của dòng tu nầy mới biết họ có một lẽ sống đặc biệt. Họ chấp nhận cuộc sống khổ hạnh, tự nguyện làm những việc thiện một cách âm thầm để phục vụ những người bất hạnh. Họ không muốn những lời ca tụng, vì họ quan niệm chấp nhận sự ca tụng cũng có nghĩa là chấp nhận một tội ác”. Cuộc sống của họ tuân theo một nguyên tắc thật đơn giản : “bàn tay trái không được biết việc làm của bàn tay phải và ngược lại. Nhiều tấm gương của dòng tu nầy đã được nhiều bệnh nhân truyền tụng. Họ kể về một bà sơ Charles Antoine, nguyên là Giám Đốc trại, có lần đến thăm nơi ăn ở của bệnh nhân, thấy một hố xí bị tắc mà không ai dám dọn, Bà liền thọc tay xuống và moi từ dưới lên những mảnh giẻ mà họ đã vô ý vứt xuống.”

  1. SỰ NGHIỆP…. :

1/ Quỳnh Lập :

Quỳnh Lập là trại phong lớn nhất miền Bắc. Khoảng 2600 bệnh nhân đã sống trong những mái nhà tranh tre lụp xụp, nghèo nàn. Thời còn sinh viên, thực tập tại Quỳnh Lập, Bác Sĩ chia sẻ : “Có lẽ khởi nguồn tôi đến với các bệnh nhân phong là từ nỗi đau đớn tinh thần của họ, sự mặc cảm sâu sắc của họ trước sự kỳ thị ghê gớm của xã hội, và cả tấm lòng qúy người cách kỳ lạ của họ nữa… đã khiến tôi phải suy tư rất nhiều. ”

Bác Sĩ tiếp : “Ngày còn là sinh viên thực tập, tôi đã chứng kiến cảnh người đi khám bệnh, biết mình bị hủi là về nhà tự tử. Ngay cả ngành Y cũng đã làm cho người ta sợ vì những quy định kỳ cục : thư từ của bệnh nhân gởi ra ngoài phải được đóng dấu : “đã hấp chín”; có nơi ngưòi bệnh chỉ được nói chuyện với người thân qua một lớp kính chắn. Nơi tôi làm việc -Quỳnh Lập- nhân viên y tế làm ở khu vực riêng cách bệnh nhân mấy cây số !. Khắc phục một tâm lý sai lầm còn gay go hơn tìm ra cách chữa một căn bệnh. Việc làm đầu tiên của tôi để chống lại tâm lý ấy là tự động vào sống chung với bệnh nhân. Sau khi nhận trách nhiệm Giám Đốc tôi quyết định đưa khu làm việc vào sát khu bệnh; lấy một số bệnh nhân đã được khỏi, làm nhân viên”.

Trở lại Quỳnh Lập với chức Giám Đốc –lần nầy không còn có thể trốn vợ như truớc bởi đã 40 tuổi và là cha của ba người con – hai trai một gái. Sợ vợ ngăn cản, ông mặc cả rằng: “Cho anh đi 10 năm nữa, năm em 40 tuổi thì anh về Hà Nội”. Trở lại chỗ cũ, tất cả chỉ còn một đống tan hoang vì bom đạn đã tàn phá ngôi làng. Hơn 200 bệnh nhân chết, chỉ còn lại vài người trong những túp lều tranh lụp xụp. Không nhà cửa, nhiều người tìm về các hang núi sống như người rừng. Tất cả phải làm lại. Vừa xây nhà, ông vừa phải đi đến từng hang núi tìm và đem bệnh nhân về.

Qua tiếp xúc với họ Bác Sĩ Ngoạn hiểu thêm rằng người phong sống một cuộc đời đau đớn về thể xác và tinh thần, bị người đời và cả gia đình xa lánh. Những bệnh nhân khỏi bệnh nhưng không được xã hội đón nhận, Bác Sĩ bố trí việc làm cho họ và đấu tranh cho sự bình đẳng của họ.

2/Quy Hòa :

Có thể nói giờ đây không ai mà không biết đến tên tuổi của Bệnh Viện Hansen Qui Hòa–Qui Nhơn thuộc Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, được thành lập từ năm 1929, Qui Hòa càng ngày phát triển và nhiều bệnh nhân từ xa xin đến được chữa trị. Bệnh Viện cũng đã đón tiếp những nhà thơ, những ca sĩ, tu sĩ, được chọn làm nơi quay những chuyện phim với những cảnh núi đồi biển cả hùng vĩ, thơ mộng.

Chấp nhận làm Giám Đốc bệnh viện mặc dù việc quản lý Bệnh viện gặp vô vàn khó khăn, Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn chấp nhận khoảng cách tình cảm giữa vợ chồng con cái, gia đình kéo dài thêm hằng ngàn cây số ! Bác Sĩ Ngoạn không có “mộng ước làm quan”, một đời chỉ mong sao góp phần giảm bớt nỗi đau, đem lại hạnh phúc cho người bệnh và nghiên cứu thực hiện những công trình khoa học cùng với Viện dịch tể Hà Nội nghiên cứu vi trùng qua kính hiển vi điện tử và hợp tác với các nhà khoa học Pháp, Hà Lan, Bỉ cùng nghiên cứu về bệnh phong.

Ngày nay với tiến bộ y học, người ta có thể chữa trị bệnh phong theo phương pháp đa hóa trị liệu, chứ không đơn thuần dùng DDS như trước đây. Ngay trong Quy Hoà, Bác Sĩ dành riêng một khu vực điều trị cho những người mắc bệnh mới vào, chữa cho khỏi rồi cho họ ra về với cộng đồng. Bác Sĩ thường đi Tây Nguyên giúp người bệnh có những kiến thức cần thiềt để có khả năng phát hiện bệnh sớm.

Nhân làm Giám Đốc Qui Hòa từ năm 1985 đến 2001, Bác Sĩ muốn biến khu bờ biển tuyệt đẹp này thành khu du lịch. Ông nghĩ điều nầy sẽ giúp quan niệm của ông là xoá bỏ dần sự ngăn cách giữa người bệnh và xã hội, đồng thời nâng cao thu nhập cho nhân viên. Vì vậy phải làm lại con đường vào Qui Hòa lâu năm bị mưa lũ xói lở. Con đường dài 2.600m. Khi Bộ đồng ý đầu tư cho trại làm lại con đường đèo, nhiều chủ đầu tư đã đến xin ông cho họ làm theo hình thức khoán gọn công trình, trong đó ông được 12% giá trị công trình. 12% của con đường trị giá vài tỉ là món tiền không nhỏ. Cơ quan giao thông dự trù 700 triệu. Bác Sĩ Ngoạn nhờ người thiết kế và cho những người dân làng phong còn sức khoẻ thi công, vừa tạo vịêc làm, có thu nhập và quan trọng hơn, giúp người bệnh xóa bỏ mặc cảm. Cuối cùng chi phí chỉ lên 140 triệu ! Không được ăn thì đạp đổ: đơn kiện ông bay đi khắp nơi, vu cáo là ông không trong sáng trong vấn đề tiền bạc, ăn chặn tiền từ thiện, tha hoá về tư tưởng… Và một ngày kia … cũng chẵn 10 năm làm Giám Đốc, một lần nữa ông nhận quyết định thôi làm giám đốc vì “không đủ khả năng làm quản lý” …và nhận nhiệm vụ mới: chuyên viên của Vụ Điều Trị kiêm…tạp vụ.

Bác Sĩ đã nếm đủ vinh quang và cay đắng của cuộc đời, của một thể chế bất công, dành giựt quyền hành mà không sợ chà đạp trên danh tánh và lương tri của một con người. Hai lần làm Giám Đốc, hai lần bị cách chức không có lý do! Giữa hai làn bom đạn, Bác Sĩ Ngoạn được gọi về Hà Nội làm ở khoa Da Liễu Bệnh Viện Bạch Mai, và vẫn là Bác Sĩ điều trị phong.

3/ Biến cố 23 tháng 10.1984 tại Phú Khánh :

Đó là biến cố của lòng nhân ái, liên đới với bệnh nhân mà mình phục vụ đồng thời cũng là một biến cố khoa học dũng cảm của một con người yêu thương bệnh nhân thật sự. Vào ngày ấy Bác Sĩ Ngoạn có dịp ghé thăm bệnh Viện Da Liễu Nha Trang. Trong đó có vài giường chứa bệnh phong. Nhân viên y tế có thái độ kiêng kỵ, tách biệt rõ rệt với bệnh nhân, Bác Sĩ giải thích nhưng nhân viên không tin. Ông bèn nói : “Các cô cậu có muốn tớ tiêm trực tiếp trực khuẩn Hansen vào mình tớ không ?” – “Đuợc vậy thì thuyết phục chúng em ngàn lần hơn các tài liệu y khoa”. Cuộc thí nghiệm đựơc bắt đầu với sự chứng kiến của các giới chức khoa học, Giám Đốc Viện Pasteur Nha trang, Tiến Sĩ vi trùng học Nguyễn Thị Thế Trâm và nhiều Bác Sĩ chuyên khoa của Bệnh Viện. Lúc đó có hai bệnh nhân phong, thể ác tính, 25 và 12 tuổi. Bác Sĩ Ngoạn đã lấy 200 milligramme u phong ở dái tai của người bệnh, được sự kiểm tra phân chất của các nhà khoa học chuyên môn có mặt. Mầm bệnh được lấy từ những vết lở loét trên cơ thể bệnh nhân. Bệnh phẩm, sau khi được nghiền nát, hòa với nước muối sinh lý, lọc lấy phần “tinh túy” và kiểm tra có đủ trực khuẩn có thể gây bệnh. Như vậy Bác Sĩ Ngoạn đã đưa vào cơ thể mình hàng tỷ trực khuẩn bằng nhiều đường : nhỏ vào mũi, uống và tiêm vào hai khuỷu tay và hai dái tai là những nơi trực khuẩn nầy dễ phát triển. Dám làm điều đó chỉ vì tin vào mình, tin vào kiến thức của nhân loại và đồng thời cũng chứng minh là bệnh phong không lây nhiễm và qua đó đánh tan mặc cảm cho bệnh nhân và xích xã hội lại gần hơn với họ.

Với biến cố nầy Bác Sĩ Ngoạn đã chiếm lòng mọi người, đặc biệt các bệnh nhân phong.

4/Vụ Điều Trị của Bộ :

Về đây Bác Sĩ vẫn tiếp tục nghiên cứu và giúp đỡ bệnh nhân qua những lần đi đây đó trên quê hương tìm thăm bệnh nhân và xem cách điều trị hữu hiệu hơn nữa.

III….. VỚI NHỮNG GIÁ TRỊ PHÚC ÂM :

1/ Một lòng yêu thương người phong hủi :

Những điều đã nói trên chắc chắn đã cho thấy lòng tận tụy yêu thương bệnh nhân phong hiếm có nơi CON NGƯỜI nầy. Nhưng tôi cũng không thể bỏ qua một sự việc khác, mà đối với chúng ta là những người Kitô hữu và Tu sĩ, không biết chúng ta đã làm được chưa ?

Trong cuộc đời bình thường, BS là một con người giản dị, lạc quan, rất biết cười và cười thoải mái, đặc biệt khi tôi chọc “quê”. Chị nhà cứ nói : “Không hiểu sao anh Ngoạn khi nào mà có Soeur Quỳnh Giao chọc ghẹo thì anh cười thoải mái và cười “hết mình”…!”. Một cô gái Hà Nội duyên dáng, dễ mến, là giáo viên cấp II, lấy một anh chàng Hà Thành như Bác Sĩ Ngoạn, mê nhạc, khôi hài, lạc quan, phúc hậu, là mẫu người mà vợ anh xưa kia hằng ao ước, mà bây giờ vẫn còn là thần tượng của chị… lại chấp nhận, vì người bệnh phong… để sống xa vợ con suốt một quãng đời dài !… Cuộc sống vợ chồng, được ở bên nhau là điều hết sức tự nhiên mà cũng khước từ để cống hiến cho tha nhân. Bác Sĩ sẵn sàng đến với thế giới phong hủi để chữa bệnh cho những người hằng tuyệt vọng…

2/Một tấm lòng thẳng thắn tìm về chân lý :

Vì tâm hồn trong sáng, nên khi gặp các Nữ Tu, Bác Sĩ qúy trọng và tín nhiệm “bởi họ sống trong sạch hết mình, không bon chen, lừa lọc…Tư tưởng vô thần và hữu thần ở đây không có nghĩa gì cả, cao nhất trong đạo lý làm người là yêu thương tận tụy đối với nhau …” Bác Sĩ trả lời khi bị vu khống là thiên về tôn giáo! …

Trong xã hội hiện thời, khi cuộc sống không còn chuẩn mực thước đo, khi nghĩa cử tốt đẹp còn hiếm, khi tiền là tất cả và giả dối lan tràn khắp phố phường, nghành nghề, ở mọi cấp bậc, khi người ta bịa đặt xấu xa để vu cáo nhau, lại dễ làm người ta tin hơn là nói thật những điều tốt đẹp… thì tìm được một viên ngọc qúy thật là vất vả. Và Bác Sĩ Ngoạn là mẫu người của lòng trong sáng, thẳn thắng, không ham danh lợi. Một tấm lòng như thế chỉ có thể hướng về chân lý, chuẩn bị đón nhận hồng ân của Sự Thật, của Chân lý, là chính Thiên Chúa.

3/ Một con người liêm chính, khiêm tốn và khắc khổ :

Mấy năm cuối cùng làm việc ở Vụ Điều Trị, ông sống lặng lẽ, hoàn thành công việc của một công chức liêm chính. Thời gian còn lại, ông cố gắng tập họp tư liệu để viết quyển sách : “Bệnh phong, lý thuyết và thực hành – Tóm Tắt” dày 600 trang được in tại nhà Xuất Bản Y Học.

Lần kia, trong một cuộc gặp mặt cuối năm giữa Bộ Trưởng Đỗ Nguyên Phương với anh em cơ quan Bộ, sau khi nhận bó hoa do công đoàn cơ quan tặng, Bộ Trưởng nói rằng, chính Bác Sĩ Ngoạn là người xứng đáng nhận bó hoa nầy. Lúc nầy nhiều người mới biết hai người cùng là bạn học ở Đại Học Y Hà Nội ! Đó cũng là lần duy nhất ông được “vua biết mặt, chúa biết tên !” Vì nguyện vọng của ông sau khi nghỉ hưu là làm tình nguyện viên y tế để giúp đồng bào dân tộc ít người ở các vùng nghèo nàn lạc hậu còn nhiều khó khăn về y tế, nên Bộ Trưởng Bộ Y tế đã viết ngày 28 tháng 9 năm 1998 : “…Tôi thật sự rất cảm kích và hoan nghênh tinh thần xung phong tình nguyện của anh. Cá nhân tôi cũng như tập thể lãnh đạo Bộ Y Tế luôn đánh giá cao công lao đóng góp của anh liên tục trong nhiều năm qua cũng như hiện nay đối với sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân nói chung… đối với công tác phòng chống và thanh toán bệnh phong nói riêng… là một nghĩa cử cao đẹp, là tấm gương rất đáng học tập…”. Suốt một cuộc đời, Bác Sĩ Ngoạn không hề nhận về cho mình một thành tích nào mà chỉ lẳng lặng đi tìm phục vụ người xấu số.

“Vị ẩn sĩ” liêm chính, khiêm tốn nầy cũng sống rất khắc khổ và ít nói. Ngồi trong xe đi công tác đây đó, đôi khi mở miệng chỉ để nói : “ai cần mở cửa sổ thì cứ mở, tôi chịu lạnh quen rồi”. Hành lý đi đường của ông lẹp xẹp dù mới đi Mỹ đi Pháp về. Đôi dép thì mòn gót, te tua. Ăn mặc đơn giản: có lẽ gia tài của ông không quá ba bộ áo quần. Được hỏi qua Mỹ hay Pháp có mua sắm gì cho mình không, Bác Sĩ trả lời : “Không, không sắm gì, chỉ xin đươc một lô quần áo cho khu điều trị. Mua cho vợ con vài món… Của ăn đường dài chỉ một ổ bánh mì khô, hoặc vài bánh biscuit !… Bác Sĩ nói : “Mình đã chuẩn bị sống thích nghi với hoàn cảnh khó khăn nhất. Mình có thể ăn thật ít, thật khổ, có khi nhịn cả ngày cũng được. Nếu bị bệnh thông thường mình không hề uống thuốc mà để bệnh tự hết. Mình không có nhu cầu gì lớn cho bản thân. Nếu không tập một sức đề kháng như vậy, không sống với bệnh nhân và đồng bào dân tộc được đâu”.

Không hút thuốc, không rượu chè café. Bia chỉ uống một lon khi cần. Do nếp sống khắc khổ bản thân của ông, đã gặp nhiều điều không mấy dễ chịu trong công việc. Có những người không thích cách sống khổ hạnh, liêm khiết của ông; không thích ông có vẻ như tán dương tinh thần làm việc tận tụy của các bà sơ “vì suốt đời cống hiến cho người bệnh, tới lúc chết vẫn không cho phép ai nhắc đến việc làm của mình”.

Đó là tác phong và y đức của một người thầy thuốc, quả là hiếm có trong thời buổi nầy.

  1. CHẶNG DỪNG CHÂN :

Tâm hồn màu mỡ ấy đã sẵn sàng để đón nhận hồng ân Thiên Chúa ban. Sau đây tôi chỉ xin kể lại sự kiện Bác Sĩ Ngoạn chọn Chúa làm lẽ sống.

Tuy rất có nhiều cảm tình với các chị em Phan Sinh phuc vụ tại Qui Hòa, nhưng Bác Sĩ chưa hề một lần nói lên ý nguyện “theo” Chúa của mình. Nghỉ hưu, Bác Sĩ vẫn tiếp tục đi đây đó giúp bệnh nhân phong và về lại sống với gia đình một nếp sống bình thường. Ba cháu, hai trai là Bác Sĩ với hai con dâu cũng Bác Sĩ và một gái, Kế Toán. Thời gian gần đây, bị bệnh, Bác Sĩ thường xuyên ở nhà hơn. Được vợ chăm sóc chu đáo và tận tụy hết mình…

Nhờ có dịp ra công tác tại Hà Nội, tôi lui tới thăm viếng Bác Sĩ, mang nặng trong tâm hồn một ước vọng dày vò, là làm sao cho Bác Sĩ Ngoạn nói lên lời ưng thuận “Theo Chúa”, rõ ràng, dứt khoát. Truớc đó tôi đã có vài giờ giáo lý cho Bác Sĩ và có dịp biếu tặng ông video về Đức Mẹ Lộ Đức và Thánh Phanxicô Assisi. Bác Sĩ đã bị ấn tượng nhiều, suy tư nhiều và càng trầm lặng hơn… Sau đó vài tháng, ra Hà Nội đến thăm Bác Sĩ, tôi vui mừng nhận thấy ở vách tường đối diện với cửa đi vào nhà, một bức tranh vừa quen thuộc vừa lạ kỳ. Quen thuộc vì vị thánh trong bức tranh ví tựa như Chúa Giêsu quỳ gối trong Vườn Cây Dầu. Kỳ lạ vì hình tượng vẽ lại là hình tượng của Thánh Phanxicô. Sau đó được biết là chính Thánh Phanxicô, một bức tranh mà Bác Sĩ rât thích được ai đó tặng và nói là Thánh Phanxicô Nghèo Khó”. Mình khổ nhiều vì bức tranh nầy, chị Quỳnh Giao có biết không? Các anh cán bộ vào nhà cứ hỏi hình nầy là ai ?… Sao không treo hình Bác Hồ nơi chính của căn nhà ?..

Một tháng trước khi đi Anh, tôi tự vạch cho chính mình một kế hoạch là khi đi công tác Hà Nội tôi sẽ dành một tuần và liên tiếp đến dạy giáo lý mỗi ngày cho Bác Sĩ. Từ thứ hai đến thứ năm hay thứ sáu, tôi muốn Bác Sĩ sẽ nói lên lời ưng thuận công khai đó với tôi. Tôi cầu nguyện nhiều. Tôi vẫn hiểu một người tự trong thâm tâm muốn theo Chúa đã là người “công giáo”, là người “có đạo” rồi. Nhưng sao tôi vẫn mơ uớc thấy Bác Sĩ đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy và mang tên Phanxicô.

Mỗi lần bắt đầu giờ giáo lý, tôi thường hỏi han sức khoẻ và ngày sống của hai ông bà, sau đó là một giờ giáo lý. Bác Sĩ lắng nghe chăm chú, thỉnh thỏang hỏi đôi câu. Đến ngày thứ năm vẫn không thấy gì, thứ bảy tôi phải bay về HCM. Sáng thứ sáu đó, tôi đến, lòng thổn thức âm thầm… Lần nầy, ngồi xuống, Bác Sĩ không để cho tôi nói truớc, ông làm một mạch không ngừng –người vốn ít nói- : “Tôi muốn được nhận lãnh bí tích thanh tẩy. Một ngày lễ của Đức Mẹ… Sớm nhất…v. v…”. Tôi hỏi : “Vậy Chị có đồng ý không ?” –“Không chịu tôi cũng làm ! Nhưng nhà tôi từ trước vẫn để tôi tự do trong việc nầy. Bà thì theo Phật rồi đó. Chúng tôi không vô thần đâu!” Sau khi kê ra danh sách các ngày lễ của Đức Mẹ, và được giải thích, Bác Sĩ và tôi ưng thuận chọn ngày 8.12.2003. Sau đó vì Bác Sĩ có chút vấn đề sức khoẻ nên chúng tôi dời lại vào ngày 1 tháng Giêng 2004, lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Bác Sĩ muốn làm nghi thức tại Qui Hòa để “thanh tẩy những vết nhơ ô uế mà một số người đã gây ra trên đất thánh nầy… và hôm đó tôi sẽ đứng ra công khai tuyên xưng đức tin của mình truớc các thành phần của cơ quan và bệnh viện”. Đức TGM Hà Nội được biết tin, đề nghị để Ngài chủ sự trao ban bí tích và chủ tọa Thánh Lễ. Năm đó là năm Truyền Giáo. Bác Sĩ vui mừng ra mặt vì Ngài đã đến viếng thăm Bác Sĩ hai lần, dịp Noel và Phục Sinh, rồi còn chụp hình với Bác Sĩ, điều này làm Bác Sĩ hãnh diện và khoe với mọi người.

Biến cố vĩ đại nầy mà tôi đang sống và chứng kiến lúc bấy giờ có quá nhiều điều vui đến từ quá nhiều điểm mà lòng tôi uớc mơ ôm ấp từ những tháng qua. Lẽ nào niềm vui lớn lao nầy mà Thiên Chúa trao ban, lại được hưởng dễ dàng như vậy mà không một chút hy sinh, không chút phó thác vào quyền năng của Ngài sao ? Ngài mời gọi ai đây phải dâng hiến, dâng hiến trong tin tưởng, trong âm thầm khiêm tốn như chính cuộc đời đã được sống và Ngài xin một không gian thóang, rộng, để thể hiện Ý của Ngài theo cách thức riêng của mình? Cả hai, chúng tôi chờ ngày vui lớn của Đại Gia Đình Giáo Hội….

Một ngày nọ, chị Madeleine Nguyễn Thị Triệu, cựu Giám Tỉnh của chúng tôi gọi tôi và thông báo cho biết là tôi phải ra Hà Nội ngay “Vì chỉ có em mới ngăn đươc Bác Sĩ. Bác Sĩ không chịu nghe ai cả, chị Yến qùy lạy xin em đó !…”. Thì ra có biến cố đã xảy ra vì “ước muốn nầy”.

Không hiểu làm sao “người khác” lại biết rõ chuyện nầy, để khi người con gái sau thời gian nghỉ phép vì sanh nở đi làm lại, thì Bác Sĩ Giám Đốc “đề nghị cho nghỉ tiếp, cứ nghỉ dài dài…”. Sau nhiều lần trao đổi, cô ta đươc hỏi “Có phải bố sắp theo đạo phải không ?”. Người con cả là Bác Sĩ, trước đây được du học tại Mỹ chăm lo học hành nên lần nầy được đi tiếp để trình luận án cũng gặp khó khăn rằng : “Gia đình cháu có Bác Sĩ nhiều mà chưa ai đóng góp gì cho đất nước. Cháu nên vào Đảng để có cơ hội đóng góp nhiều hơn”… và nhiều chuyện khác nữa…

Phần Bác Sĩ Ngoạn vẫn một mực giữ ý định không thay đổi. Bạn bè, các Linh mục, các Soeurs góp ý nên nhường bước để vợ con không bị ảnh hưởng gì. ĐTGM/Hà Nội cũng khuyên lơn, nhưng Bác Sĩ nghĩ “tôi không có gì để mất… Tôi chỉ được thêm thôi !…”. Chị Yến thì lạy lục xin tôi góp ý với Bác Sĩ, – dù tôi cũng đã phải buộc lòng đi ngược lại với ước nguyện ban đầu của mình – Bác Sĩ trầm ngâm một hồi và nói : “Soeur đề nghị làm tại CĐ của Soeur tại Nam Định …. như thế có vẻ lén lút. Mà đây không có gì phải lén lút cả !”. Chị Yến lại nài nỉ thảm thương với tôi : “Một đời em đã làm theo ý anh. Em và con đã không sợ gì cả để cho anh đi con đường đúng đắn của anh. Nhưng giờ đây đụng đến tương lai con cái, em xin chị nói với anh… Mai nầy êm xuôi, anh sẽ thể hiện ý nguyện của anh và lòng em vẫn hòan toàn toại nguyện”… Bác Sĩ đã miễn cưỡng chấp nhận lùi lại ngày trọng đại đó.

Và tôi đã từ giã Bác Sĩ và gia đình, tạm vắng trong một thời gian xa quê hương. Từ xa, tôi nhận được tin, ngày kia, Bác Sĩ Trần Hũu Ngoạn đã nhận lãnh bí tích thanh tẩy từ một người âm thầm trao ban hồng ân lớn lao và được làm Con Thiên Chúa và Giáo Hội Ngài. Buồn hay vui lúc đó? Tôi chỉ biết là mình cảm thấy rất tiếc vì lời tuyên xưng ngôn sứ bị chặn đứng bởi sự hời hợt vội vã của một hình thức bên ngoài mà ta thường quá lưu tâm, thay vì đi sâu vào chiều kích ngôn sứ và có tính Giáo hội của một Bí Tích như Bí Tích Thanh Tẩy: tuyên xưng đức tin của một người vào một Con Người, nói lên cho mọi người biết mình chọn Con Người ấy vì mình tin tưởng phó thác đời mình cho Người đó. Và việc làm nầy được Giáo Hội chứng giám, phê chuẩn và chấp nhận. Còn niềm vui nào hơn niềm vui được làm Con Thiên Chúa và được Giáo Hội nuôi dưỡng, đón nhận. Và vì vậy, sự kiện nầy đáng ra phải được công khai và công nhận…

Giờ đây, với cuộc sống bệnh tật, có thời gian gẫm suy và lặng tĩnh bên cạnh người vợ tuyệt vời, kiên nhẫn và yêu thương chăm sóc, Bác Sĩ Ngoạn cảm thấy tâm hồn thanh thản nhiều lắm, vẫn còn cười đùa mỗi khi tôi đến, nhưng “vẫn tiếc nuối cái gì đó …làm lòng chưa hoàn toàn được toại nguyện”. “Cái gì đó”  phải chăng là vai trò Ngôn Sứ mà mỗi người tín hữu có nhiệm vụ thể hiện ?

Khi còn trò chuyện đuợc, tôi có lần hỏi Bác Sĩ, nếu muốn truyền đạt điều gì đó thiết yếu mà Bác Sĩ tâm niệm nhất, thì Hà Nội sẽ nói điều gì ? Bác Sĩ trả lời : “Hãy đến với những người không ai đến, hãy cho những người không ai cho. Hình như đó là một câu trong Kinh Thánh. ”

Một cuộc đời dày đặc yêu thương, nghiêm khắc với chính mình và biết cười… tươi, hoàn toàn thoải mái với những câu nghịch ngợm khôi hài của người khác, đặc biệt khi bị chọc quê. Một cuộc đời cho đi mà không tính toán, không tìm lợi danh… Hình như đó là cuộc sống mà Thầy Chí Thánh ước muốn cho môn đệ mình.

Trần Thị Quỳnh Giao – FMM.

TẠ PHONG TẦN: THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN VỚI TÔI NHƯ THẾ NÀO?

TẠ PHONG TẦN: THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN VỚI TÔI NHƯ THẾ NÀO?

Posted on 10/01/2016

Tạ Phong Tần 

Năm tôi học lớp 9, tình cờ có lần tôi mượn được một quyển sách dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt ở thư viện tỉnh Bạc Liêu và đọc nó với tất cả sự tò mò của tuổi trẻ.  Sách dày khoảng 300 trang, bìa mỏng màu xanh biển, ruột giấy rơm vàng khè, chữ đen mờ mờ (giống như tất cả những sách in thời đó), tên sách là gì thì tôi đã quên bẵng từ lâu, nhưng nội dung thì tôi nhớ, “ấn tượng” là đàng khác. Trong đó, tác giả (xin cứ cho là vậy, bởi lẽ sách dịch, nên nội dung tiếng Việt là của chính tác giả viết ra hay của người dịch thì còn phải xem lại) mô tả cuộc đời Chúa Yêsu bằng cách trích dẫn từng đoạn, từng đoạn Thánh Kinh (sau nầy tôi mới biết đó là Tin Mừng) rồi diễn giải theo kiểu Yêsu là một kẻ lười biếng, khôn vặt, láu cá, hèn nhát, có chút khả năng về tâm lý quần chúng, dùng lời nói lừa bịp quần chúng để kiếm cơm, kiếm tiền. Tất nhiên, lúc đó tôi không biết gì về một người tên là Yêsu “tự xưng con Thiên Chúa” và một đứa nhỏ như tôi càng không đủ trình độ lý luận lẫn kiến thức để nhận biết sách viết đúng hay sai. Và tôi đã tin những điều trong sách này.

Cuối năm lớp 9, chương trình môn Văn, học sinh được học tác phẩm Bão Biển của Chu Văn. Tác phẩm lại dựng lên hình ảnh các linh mục, tu sĩ là những người có tâm hồn dị dạng, lạnh lùng và thâm độc, còn giáo dân là những người nhà quê ii1t học rất dễ sai khiến “bảo sao nghe vậy”, mở miệng ra là cứ kêu lên câu “Giê-su-ma.”Những người Công giáo ở quê tôi sống biệt lập, các sinh hoạt tôn giáo tách khỏi đời sống dân cư. Người không Công giáo khinh thường người Công giáo là không khoa học, mê tín, quái đản; còn người Công giáo khinh khỉnh với người không Công giáo là một lũ vô thần, không có linh hồn đáng tởm.

Có câu chuyện được kể truyền miệng như vầy: Đứa trẻ Công giáo nói: “Chúa ở khắp mọi nơi”. Đứa không Công giáo hỏi vặn lại: “Chúa ở khắp mọi nơi. Vậy Chúa của mầy có ở dưới gầm giường không?”. Vậy là nhảy xổ vào đánh nhau chí chóe. Lũ trẻ con cứ vậy mà hầm hè nhau suốt.

“Vật chất là nguồn gốc của ý thức”, đứa trẻ nào đi học cũng được nhà trường nhồi nhét như thế cả. Suốt một thời gian dài, tôi đã cho rằng khoa học mới là thứ đáng tôn thờ.

Khỏang năm 1998-1999, đơn vị tôi nhận điều tra vụ án “Truyền đạo trái phép” do nhóm các đệ tử của bà Thanh Hải Vô Thượng Sư thực hiện. Lúc này, tôi đang công tác tại Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An tỉnh Bạc Liêu. Có khoảng 7 người bị bắt giam, và chúng tôi có nhiệm vụ phải hỏi cung, ghi lời khai, lập hồ sơ đề nghị truy tố những người ấy ra Tòa. Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng họ là những kẻ kém văn hóa, cuồng tín và bị người khác dụ dỗ trục lợi. Nhưng khi tiếp xúc, làm việc với họ, tôi bỗng nhận ra một điều: Trong khi các cán bộ điều tra bực tức,nóng nảy gọi họ là “những kẻ cuồng tín ngoan cố” thì các bị can lại bình thản, an nhiên, vui vẻ vì có thể…hy sinh thân mình làm sáng danh đạo của họ.

Thời đó, “án tại hồ sơ” được coi là chuyện bình thường. Về mặt quản lý nhà nước, có thể coi như chúng tôi là người có quyền quyết định số phận của họ, chúng tôi đứng trên họ, án tù của họ bị tuyên dài hay ngắn phụ thuộc vào hồ sơ điều tra của chúng tôi. Tuy nhiên, họ không khúm núm, van xin chúng tôi như những kẻ trộm cắp, cướp giật hay buôn bán phụ nữ…mà tôi đã từng làm việc. Tôi bỗng nhận ra một điều, tôi là kẻ chiến bại chứ không phải các bị can đang ngồi trước mặt tôi. Tôi cảm thấy mình thất bại thê thảm vì tôi không thể đem cái kiến thức khoa học lẫn pháp luật (mà tôi vốn vẫn tự hào hơn hẳn người đồng sự) thuyết phục họ chấp nhận rằng họ mê tín vớ vẩn. Tôi thua họ vì họ thản nhiên, tự hào, vui vẻ chấp nhận “cái gông” chúng tôi tròng vào cổ họ. Bởi đâu mà họ có được sức mạnh đó? Phải chăng là niềm tin mãnh liệt vào cái tôn giáo của họ?

Thời gian trôi đi, tôi chuyển ngành làm công tác quản lý du lịch thì chuyện vụ án Thanh Hải Vô Thượng Sư kia tôi cũng quên lãng. Nhưng cũng chính thời gian làm quản lý du lịch, phải tự học những tài liệu khoa học về di tích lịch sử, các cơ sở thờ tự đền chùa, miếu mạo, nhà thờ, văn hóa tín ngưỡng…để làm hướng dẫn viên chuyên dẫn các đoàn khách báo chí, cán bộ nơi khác đến tham quan thì tôi lại có dịp quay về tìm hiểu sâu hơn về thế giới tâm linh của con người.

Không biết từ bao giờ, các cơ quan nhà nước tỉnh tôi có tâm lý ngán ngại cảnh báo chí, và các đoàn cán bộ ở trên xuống, nói chuyện với báo chí sợ họ “bắt giò” đưa lên báo. Sếp bự nhất cơ quan tôi (xin nói rõ ông nầy là một người tốt) nói rằng tôi có trình độ pháp luật lẫn chính trị, đi với cánh báo chí đỡ “nói hớ” nên không phải lo “cơ quan ta” bị “vạch áo trên báo”. Âu cũng là một chữ “duyên”.

Mấy năm sau, sự kiện giáo dân Hà Nội cầu nguyện suốt 9 tháng trời ở khu đất Tòa Khâm sứ làm cho những ai thờ ơ nhất cũng phải đặt câu hỏi: Những người cầu nguyện đó là ai? Cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện thì được cái gì và thiệt hại cái gì? Tại sao họ lại làm như vậy?…

Tự mình đặt câu hỏi, và tìm hiểu, tôi mới biết những giáo dân ấy không phải là các mụ nhà quê mê tín, dễ bảo như được mô tả trong “Bão Biển”, có rất nhiều người tham gia là thành phần trung lưu, trí thức. Họ im lặng và đọc kinh, hát thánh ca ở khu đất mà trước đây chính là “nhà của Chúa”. Tham gia cầu nguyện, họ bị mất thời gian, mất việc làm, mất thu nhập, đau ốm khi thời tiết bất lợi, và bị đánh đập dã man…chớ không hề được… lãnh lương. Cả một đám đông chấp nhận thiệt hại vật chất chỉ để bảo vệ điều mà họ cho là đúng, là bảo vệ công lý, bảo vệ tài sản hợp pháp của Giáo Hội. Chỉ có niềm tin, tình yêu thương trong sáng không vụ lợi mới đủ sức giữ chân từng ấy con người kiên nhẫn đem thân thể phàm tục của mình thi gan cùng mưa nắng.

Một người bạn của tôi ở nước ngoài nói: “Trong chữ nghĩa thánh hiền “đạo” tức là “đường” bất kể là Thiên Chúa giáo hay Phật giáo, Hồi giáo. Con người ai cũng phải đi theo một con đường nào đó, người không có đạo cũng như không đi theo con đường, tất đâm quàng vào bụi rậm”. Chân lý thực đơn giản, vậy mà phải mất mấy chục năm mới có người nói cho tôi nghe.

May mắn thay, sau đó Văn Phòng Luật Sư (VPLS) nơi tôi làm việc nhận bào chữa cho 8 giáo dân Thái Hà bị nhà cầm quyền Hà Nội truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Hủy hoại tài sản”. Cáo trạng buộc rằng các bị cáo đã “hành lễ trái phép”. Các bị cáo phản bác rằng họ chỉ “cầu nguyện” chớ không “hành lễ”. Lục tìm trong toàn bộ các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành tôi không tìm thấy văn bản nào có khái niệm “cầu nguyện” và “hành lễ”, hình như chính những người thảo ra văn bản pháp luật cũng không phân biệt được hai khái niệm này. Tất nhiên muốn bác bỏ khái niệm của cáo trạng, tôi phải tìm hiểu sự khác biệt nhau giữa “cầu nguyện” và “hành lễ”, ai có quyền “cầu nguyện” và ai có quyền “hành Lễ”.

Trong đời tôi đã vài lần đến nhà thờ với tư cách bàng quan, dạo chơi theo đuôi người khác, khi cần thiết tôi lại không nhớ ra địa chỉ của nhà thờ ấy ở chỗ nào. Để làm sáng tỏ vấn đề, nơi tôi nghĩ đến trước nhất là nhà thờ Kỳ Đồng, vì có lần tôi thấy thông tin trên mạng nhà thờ nầy tổ chức hiệp thông cầu nguyện với giáo xứ Thái Hà. Một buổi sáng, lên mạng tìm địa chỉ xong, tôi dắt xe máy ra, từ Gò Vấp chạy đi một mach mờ ớ, không biết đường Kỳ Đồng nằm ở hướng nào, cứ thế đi đại tới thôi. Thấy người ta đi thì tôi đi, thấy người ta đứng thì tôi đứng, thấy người ta quẹo thì tôi quẹo, trong bụng nghĩ: “Chạy lộn thì chạy lại, lo gì, ngồi xe chớ có phải đi bộ đâu mà sợ mệt”. Không ngờ chạy bon bon một hồi, tôi bỗng thấy lù lù trước mặt mình cái bảng hiệu tên đường Kỳ Đồng và tấm bảng to tướng Giáo Xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp đập ngay vào mặt mình. Mừng quá, tôi bèn lùi ngay vào.

Sau vài lần tiếp xúc với các linh mục và được giảng giải tận tình, tôi thầm tiếc tại sao đến bây giờ tôi mới được biết những người này. Các linh mục, tu sĩ không có khả năng ban cho ai quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc… nhưng có thể rộng rãi ban phát cho những con người bất hạnh đang bị xã hội vô tình chà đạp những thứ mà có quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc cũng không thể mua được. Đó là tình thương và sư tôn trọng phẩm giá con người. Trong lúc cao hứng, tôi đã trình bày với quý Cha tôi muốn học giáo lý để theo Chúa Yêsu.

Ngày đầu tiên đi học giáo lý, sắp đến giờ học thì bỗng đổ trận mưa tối trời tối đất, làm tôi hết muốn đi học. Bệnh làm biếng nổi lên, nhưng đã lỡ nói là đi học rồi, mình là người lớn (chẳng những lớn mà còn hơi già nữa) nói không giữ lời thì kỳ lắm, ai còn coi mình ra gì, phải có “lý do chính đáng” để trốn học chớ. Tôi ra đứng ngoài sân ngước nhìn lên bầu trời u ám đang đổ nước xuống xối xả, chống nạnh hai quai nói to với lên: “Mưa gì mà vô duyên, bộ không biết bữa nay bản tại hạ đi học giáo lý sao? Đúng 4 giờ kém 10 mà không nắng thì nghỉ học”, rồi vô nhà ngồi xem ti-vi tiếp. Không ngờ, đúng 4 giờ kém 10 thì trời quang mây tạnh, nắng chói chang. “Ý trời! Hồi nãy nói chơi vậy, bộ “ở trên” nghe được hay sao dị? Sợ quá!” Bèn lếch thếch dắt xe ra đi học.

Có học rồi, tôi mới biết Tân Ước. Hóa ra ngoài phần Tin Mừng có có phần Công Vụ Tông Đồ và những cuốn khác, mà theo ý tôi thì các phần sau quan trọng chẳng kém gì phần trước, thậm chí nhờ phần sau mà đánh bại được cái kiểu suy diễn bậy bạ, vớ vẩn như kiểu quyển sách dịch tôi đọc hồi nhỏ. Một người có hơn 20 năm bị nhồi nhét vào đầu tư tưởng “chủ nghĩa duy vật biện chứng” tôn sung vật chất, quen với lập luận “Yêsu là kẻ lừa đảo” đâu dễ gì một sớm một chiều gột rửa cái tư tưởng ấy. Ngay cả Chúa Yêsu mà có xuất hiện trước mặt, có thể tôi cũng giống như ông Tôma, ccoi người như một kiểu David Copperfield (“ông vua” ảo thuật) mà thôi. Thánh Phaolô chứ không phải ai khác, là người làm thay đổi và rung động tâm hồn những kẻ cứng lòng không tin Chúa. Tôi “tâm phục khẩu phục” tin rằng Chúa Yêsu thật sáng suốt khi Người chọn ông Saolô (tức Phaolô) làm người truyền giáo cho mình.

Trong nhà sách Đức Mẹ (nhà thờ Kỳ Đồng), tôi thấy có bức tượng Thánh Phao lô cao chừng 1 mét. Tôi rất thich bức tượng này. Tượng khắc họa hình ảnh một người đàn ông nước ngoài đứng tuổi, dáng người ốm, gò má hơi cao, tóc đen quăn thả dài xuống vai, nét mặt khắc khổ, mình mặc y phục kiểu cổ La Mã thường thấy trong phim. Điểm nổi bật ở bức tượng này (và khác hoàn toàn với tất cả những bức tượng Thánh khác) là tay trái Thánh Phaolô cầm một thanh gươm tuốt trần, mũi gươm chúc xuống chân; tay phải nâng cao ngang ngực quyển Kinh Thánh đang mở ra. Tượng các Thánh tay cầm quyển Kinh Thánh là bình thường, chỉ duy nhất mỗi một mình tượng Thánh Phaolô là có kèm gươm thôi. Thanh gươm trong tay ông Pharisêu trẻ Saolô đã một thời, mỗi khi vung lên là con chiên của Chúa phải đầu rơi máu chảy, giờ đây nó đã chúc mũi xuống đất khi ông Saolô trở thành ông Phaolô dâng hiến cả cuộc đời cho mục đích vinh danh Thiên Chúa. Nhưng ông Phaolô vẫn giữ thanh gươm bên mình tượng trưng cho tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt đấu tranh và hy sinh cho sự nghiệp rao giảng Tin Mừng.

Cảm ơn hồng ân Chúa Yêsu, bằng những phép lạ gần như tình cờ, và thông qua hình ảnh Thánh Phaolô, đã đến và dẫn dắt tôi đến bên Người.

Tạ Phong Tần

(Trích sách “Hành Trình Đức Tin”, trang. 39-45 do Nguyễn Đức Tuyên thực hiện, phát hành 2014

Phép Rửa Tội Cho Chuẩn Tướng Phan Long, 100 tuổi

Nguyễn Văn Tịch 

Phép Rửa Tội Cho Chuẩn Tướng Phan Long, 100 tuổi

Món Quà Chúa Ban Tại San Jose

Một năm qua kết nối với chuẩn tướng Pham Long, một lương dân rất tốt, năm nay ông đã 100 tuổi, tay chân yếu, tai hơi lãng, mắt đã mờ nhưng lý trí còn sáng suốt. Bố tôi cũng là một người lính của VNCH nên tôi càng quý mến ông.

Tôi cùng chị Vu Anh kể những câu chuyện về Chúa Giê-su cho ông, ông lắng nghe và dần dần làm quen với Đức Giê-su. Ông sống rất tốt, chân thực, ông đã thuộc về Chúa trong cuộc sống. Nhưng một khúc mắc quá lớn do một người Công Giáo gây ra khiến ông chưa gia nhập đạo dù đã giới thiệu các cha bên này cho ông, ông vẫn không xuôi.

Sang Mỹ kỳ này, tôi xin thăm ông và nói chuyện với ông. Quả thật tôi chỉ biết cầu nguyện cho ông được theo Chúa, mà chưa biết nói với ông làm sao để ông theo Chúa trọn vẹn. Ông đồng ý, tôi tiếp tục cầu nguyện và cầu nguyện để tặng Chúa món quà này.

Thánh thần làm việc, một ngày trước, trước khi đến thăm, ông bị té, sau đó chính ông nói xin rửa tội và xin tôi rửa tội giúp ông. Thật đúng là Chúa làm tất cả, cầu nguyện và thiện chí, phần còn lại chính Chúa làm.

Dành thời gian ngắn ngủi ở San Jose, thứ hai ngày 25/7, nhờ bạn đưa đến thăm ông. Ông thức dậy sớm, mặc quần áo chỉnh tề ngồi đợi tôi suốt 4 tiếng. Ông cụ ngồi xe lăn xin tôi Rửa tội cho ông để ông làm con cái Chúa. Điều ước muốn mạnh mẽ của một chuẩn tướng 100 tuổi, cuối đời làm tôi và mọi người vui mừng khôn tả và tôi đã Rửa Tội cho ông. Ông đã thành tâm tuyên xưng đức tin và lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Thêm Sức rất sốt sáng dù đó là một khung cảnh đơn sơ. Mắt ông như sáng ra, ông bình an lạ lùng và sẵn sàng đi với Chúa bất kỳ lúc nào. Chuẩn tướng đã trở thành con cái Chúa trọn vẹn. Tôi đã thưa chuyện với các cha bên này để các Ngài đưa ông vào danh sách cộng đoàn và tiếp tục chăm sóc cho ông.

Món quà quá lớn Chúa dành cho tôi trong chuyến đi San Jose kỳ này, không phải tôi dành cho Chúa mà chính Ngài ban cho tôi. Bên Việt Nam tôi đang chăm sóc cho những người cuối đời và tôi đã rửa tội cho được hết trong họ. Giờ đây Chúa lại dành món quà này cho tôi tại đất Mỹ, dù tôi chỉ là một linh mục nhỏ bé nhất phải ngửa tay xin tình thương mọi người nơi đây.

Xin cám ơn chị Vu Anh và tất cả mọi đã chăm sóc ông với trọn tấm lòng. Xin tạ ơn Chúa đã nhận lời cầu xin và trao tặng chúng con món quà này. Xin Chúa đón nhận lòng thành chúng con, ban phước lành cho chúng con và là hạnh phúc đời đời cho chuẩn tướng.

Lm G. Nguyễn Văn Tịch, TB. BVSS GP. Xuân Lộc.

NGÔI SAO ĐIỆN ẢNH TỪNG ĐÓNG CẶP VỚI ELVIS PRESLEY TRỞ THÀNH NỮ TU DÒNG KÍN

NGÔI SAO ĐIỆN ẢNH TỪNG ĐÓNG CẶP VỚI ELVIS PRESLEY TRỞ THÀNH NỮ TU DÒNG KÍN

Dolores Hart đã chọn sống một cuộc sống ẩn dật trong tu viện Benedictine sau một cuộc sống dưới ánh đèn sân khấu của Hollywood.

Sinh năm 1938 tại Chicago, bà từng đóng vai chính trong các bộ phim với các ngôi sao lớn của Mỹ như Marlon Brando và Elvis Presley, và làm việc cho các nhà sản xuất nổi tiếng, trong đó có Alfred Hitchcock.

Chính trong một buổi quay phim, cô đã có cơ hội nói chuyện với Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, một cuộc gặp gỡ khiến cô khao khát bước vào đời sống tu trì.

Hart lớn lên trong một gia đình Công giáo. Đời sống cầu nguyện của cô không bao giờ suy giảm mặc dù cô có nhiều hoạt động ở Hollywood: trước khi quay phim, cô thường đi lễ 6 giờ sáng.

Trong thời gian này, cô cũng tìm thấy một nơi thanh thản để cầu nguyện giữa các buổi chụp hình và bầu khí thánh thiêng sau ánh đèn sân khấu đó là đến viếng thăm tu viện của các nữ tu Benedictine ở Connecticut.

Nữ diễn viên ngôi sao cho rằng thành công của cô là do ơn Chúa ban. Là bạn diễn của Elvis Presley trong các bộ phim Loving You và King Creole , cô cũng xuất hiện cùng với Marlon Brando và những diễn viên nổi tiếng khác. Cô đã tham gia không dưới 10 bộ phim trong vòng 5 năm.

Thánh Nữ Clare ở Assisi, một vai trò quan trọng

Năm 1961, trong quá trình quay bộ phim Francis thành Assisi , Hart đã gặp Đức Giáo hoàng John XXIII. Khi cô giới thiệu mình là nữ diễn viên đóng vai Thánh Nữ Clare thành Assisi, Đức giáo hoàng trả lời: “Không, con sẽ là một Clare khác.” Buổi giao lưu này ghi dấu ấn sâu đậm khi nữ diễn viên coi đây là dấu hiệu để thay đổi cuộc đời và đến gần hơn với lý tưởng đời tu của mình. Nhưng rồi cô đã trở lại cuộc sống của mình như một ngôi sao điện ảnh.

Vào thời điểm đó, Hart đang dự định tiến đến hôn nhân. Nhưng hai năm sau, vào năm 1963, cô đột ngột cắt đứt hôn ước vài tháng trước ngày cưới. Cùng năm đó, ở tuổi 24 và trước sự ngạc nhiên của mọi người, cô vào tu viện Benedictine ở Connecticut, nơi cô đã từng đến thăm rất nhiều lần trước đó.

Sau 43 năm sống tu trì, vào tháng 2 năm 2012, Sơ Dolores (nay là Mẹ Bề trên của Tu viện Regina Laudis) trở lại Los Angeles để dự lễ trao giải Oscar cho bộ phim God Is the Bigger Elvis , một bộ phim tài liệu về cuộc đời của bà được đề cử trong giải thể loại phim ngắn.

Rõ ràng, Dolores Hart vẫn còn ảnh hưởng trong thế giới điện ảnh, nhưng trong suốt quãng đời còn lại, điều quan trọng hơn là Sơ làm chứng cho niềm tin của mình và truyền cảm hứng cho những ai tìm kiếm vẻ đẹp đích thực.

Vũ Hoàng

Hành trình 45 năm đi tìm Đức Tin

Hành trình 45 năm đi tìm Đức Tin

 Trần Anh

TGPSG — “Lạy Chúa, này con đây!”
Cuối cùng, tôi đã tìm thấy linh hồn mình đang phủ phục trước nhan Thiên Chúa mà thổn thức…

THỜI THƠ ẤU, MÔI TRƯỜNG VÀ NỀN GIÁO DỤC

Tôi sinh năm 1972 tại thành phố Hải Phòng – một thành phố chưa bao giờ hết sôi sục trong mọi tính cách của con người và ngóc ngách của cuộc sống.

Trong những năm tháng khó khăn của miền Bắc, tôi lớn lên trong tình yêu và sự chăm sóc nghiêm khắc vô bờ bến của cha mẹ, cùng với nền giáo dục vô thần tuyệt đối, chỉ có biện chứng duy vật và các giá trị đạo đức phổ quát là hệ quy chiếu cho mọi bước đi của tôi. Gia đình tôi không có ban thờ, chỉ có ngày giỗ lễ là tôi được về nhà ông bà nội ngoại, nơi có ban thờ tổ tiên, theo truyền thống.

Bên cạnh đó, gia đình tôi có một tủ sách từ thời Pháp để lại với các tác phẩm vĩ đại nhất của văn học nhân loại. Vì ở nhà chẳng có trò gì chơi nên ngoài những giờ trốn ra ngoài lêu lổng với đám trẻ con cùng xóm thì – dù chỉ mới học cấp 1, cấp 2 – tôi đã ngốn những cuốn sách dày cộm của Jean Jacques Rousseau, Romain Roland, Lev Tolstoi, Victor Hugo… Mặc dù trí não non nớt lúc đó chẳng hiểu gì, nhưng tôi mê mẩn với những áng văn chương mô tả tư tưởng phong phú của loài người, và trong tôi nảy sinh tình cảm tốt đẹp với các tác phẩm của nhà thờ Công giáo, từ hội họa, kiến trúc, âm nhạc đến tinh thần lạ lùng khác thường của các vị tu sĩ.

Ấn tượng nhất với tôi là cuốn “Tây dương Gia Tô bí lục”, tác phẩm bài Kitô của các linh mục bỏ đạo viết, cho tôi thêm một khía cạnh về Chúa Giêsu, trong đó Ngài chỉ là một vĩ nhân chinh phục cả thế giới bằng lý thuyết và cái chết của Ngài. Nhưng tôi vẫn yêu mến và bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp huyền bí của thế giới Công giáo. Thậm chí tôi đã từng lân la tới nhà thờ, ngắm những sự cổ kính của nó và mua một chiếc nhẫn có mặt Thánh giá của bà bán hàng rong trước cổng rồi đeo nó vào ngón áp út; chiếc nhẫn sau thất lạc đâu tôi cũng không nhớ nữa.

HĂM HỞ, NGHIÊN CỨU, THẤT VỌNG VÀ CHÁN GHÉT

Năm 2000, tôi một mình di chuyển vào Sài Gòn theo nhu cầu công việc. Tại Sài Gòn tôi vừa làm việc tại Tổng công ty Tân Cảng, vừa tranh thủ học thêm lớp văn bằng 2 vào buổi tối. Học được nửa năm thì tôi thích một cô bạn theo đạo Công giáo có nét mặt nghiêm nghị và tôi nghĩ làm vợ thì tốt cho gia đình, vì vậy tôi ngỏ lời và được chấp nhận. Tôi vui lắm và hăm hở theo học giáo lý Dự tòng, vì tôi từ lâu đã biết rằng con người có một đức tin thì sẽ tốt đẹp.

Tôi được phân công học giáo lý một mình một thầy tại nhà của bác Giuse Toản, thuộc giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức. Vừa học, tôi vừa lao vào nghiên cứu Thánh Kinh và mang các thắc mắc đến hỏi. Nhưng đáng buồn là các lời giải thích theo tôi, đều không thuyết phục. Cha sở giáo xứ Hiển Linh khi đó cũng thuyết giáo cho tôi nhiều, nhưng tôi đều phản biện bằng lý lẽ biện chứng của mình: tôi cho rằng các lời giải thích đưa ra đều là ngụy biện. Thánh kinh Cựu Ước giống như chuyện thần thoại, còn Tân ước cũng chỉ từ một vĩ nhân và đầy tính hoang đường, lợi dụng nhu cầu gốc của loài người là thờ cúng. Cái tôi cần là Đức Tin, chứ không phải thờ cúng và tung hô ca tụng một cá nhân nào đó.

Tôi hết sức thất vọng, và bắt đầu chán ghét những buổi Thánh lễ, trong đó người ta tung hô Thiên Chúa – Đấng mà tôi thấy là giết người và tru diệt nếu không nghe lời ông ta, mang thiên đường đến để quyến rũ và đưa hỏa ngục ra mà dọa dẫm. Có lẽ theo đạo Phật lại hay, vì sự từ bi và không sát sinh.

Nhưng dù sao tôi cũng hoàn thành khóa giáo lý Dự tòng và chịu lễ Rửa Tội vào mùa Hè năm 2002, rồi tiếp tục học khóa giáo lý hôn nhân, cùng nàng hôn thê của tôi, vì tôi không thích làm phép chuẩn mà thích cử hành bí tích Hôn Phối đàng hoàng tại nhà thờ, vì nó… đẹp, và vừa lòng vợ tôi. Tôi trở nên thờ ơ và không còn nghiên cứu, tìm hiểu và thắc mắc nữa. Phép cưới diễn ra và tôi thực hiện các hướng dẫn như người ta chỉ bảo. Sau lễ cưới, tôi không còn tham dự Thánh lễ nữa, trừ những lễ Hôn phối, lễ Tang tôi bắt buộc phải đi với tâm tình tẻ nhạt chán ngắt.

TIẾNG SÉT ÁI TÌNH, NƯỚC MẮT VÀ ĐỨC TIN

Năm tháng dần trôi, tôi bị cuốn vào guồng máy làm ăn, kiếm tiền, những vất vả của công việc, hưởng thụ các thành quả của nó và niềm vui của các cuộc chơi. Tuy nhiên những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn còn giữ thói quen suy tư về cuộc sống hoàn thiện. Tôi ngả cảm tình về Phật giáo và triết học phương Đông.

Vào khoảng những năm 2009-2014, do chị vợ tôi là nữ tu Emmanuen của đan viện Cát Minh Sài Gòn, tôi thường hay phải đến nơi này để sửa chữa và cài đặt phần mềm, cũng như hướng dẫn cơ bản về máy vi tính cho các nữ tu.  Khi làm việc muộn, các nữ tu hay cho tôi ăn ngon và đối xử dịu dàng lắm. Tôi có cảm tình với các chị nữ tu trong này, đặc biệt Mẹ bề trên rất đôn hậu, ân cần với tôi. Biết tôi không tin Chúa, các chị nói sẽ cầu nguyện cho tôi. Tôi cười và nói: “Em thách các sơ đó! Chúa có hiện ra thì em cũng chỉ cho đó là ảo giác và chẳng tin đâu. Đừng lấy hỏa ngục ra mà dọa hay đưa thiên đường ra mà dụ em. Chết là hết vì em đã bị gây mê phẫu thuật 2 lần rồi. Cái chết là như vậy và chả có linh hồn nào hết.”

Tôi tiếp tục suy tư về vạn vật, về khoa học, về tâm lý con người và đôi khi cũng thấy hơi tủi phận vì mình muốn tin vào một tôn giáo để tâm lý ổn định mà chẳng tin được.

Đầu năm 2017, vợ con tôi không hiểu sao bắt đầu lần chuỗi Mân Côi hằng đêm tại nhà. Tôi tôn trọng nhưng cho rằng mất thời gian và chẳng giải quyết vấn đề gì ngoài tâm lý của mấy người Công giáo.

Một đêm tháng 5 năm 2017, sau một cuộc nhậu say khướt tới 2g sáng, tôi chạy xe về nhà. Đường vắng và tôi chạy chậm theo thói quen mỗi khi uống nhiều. Trên đường, tôi lại suy tư về thân phận con người trên thế gian và bắt đầu cảm thấy cô đơn trong tư duy. Lúc đó, vừa đi qua cầu Bình Triệu và không biết do một sức mạnh nào thôi thúc, tôi chạy đến nhà thờ Fatima ngay gần đó để gặp Đức Mẹ. Dù tôi có ghét Chúa thì tôi vẫn quý Đức Mẹ vì theo những tài liệu tôi đọc, Đức Mẹ hoàn toàn hiền; chưa bao giờ Mẹ giận ai hay làm gì để người dữ cũng như người lành phải đau.

Tôi đến thì nhà thờ đóng cửa nên tôi đứng bên ngoài chắp tay hướng về tượng Mẹ cầu xin cho con có một Đức Tin. Lúc đó không biết sao nước mắt tôi cứ chảy ra, và tủi thân vì mình bao năm nay đi tìm mà chẳng có, muốn tin mà không được. Tôi cứ đứng đó chắp tay nhìn Mẹ mà khóc, cho tới khi có một đôi nam nữ tới và họ cũng chắp tay cầu nguyện gì đó. Tôi thấy mình hơi kỳ nên lên xe đi về nhà ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi nhớ lại chuyện và thấy mắc cười cho cái thằng tôi bị say rượu đi cầu xin nhảm nhí, rồi quên béng chuyện đêm hôm say rượu đó.

Tháng 7 năm 2017, có một người em quen biết theo Tin Lành đến thăm và thuyết giáo. Vợ tôi không đồng quan điểm, nhưng tôi thì thích thú vì sự tự do và đơn giản, nhất là việc để dành tiền bạc giúp đỡ anh em là chính chứ không xây những nhà thờ nguy nga và lễ lạt tốn kém trong khi dân còn nghèo không đủ ăn. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ ủng hộ cho Tin Lành của anh ta thôi chứ chẳng tin có Chúa thật. Trước khi chia tay, tôi có hơi suy nghĩ khi anh ta nói: “Anh phải biết rằng Chúa yêu anh, Chúa rất yêu anh.”

Cuối tháng 7 năm 2017, gần tới sinh nhật tôi tròn 45 tuổi, vào một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng, tôi đi làm bằng xe máy, bình yên và chẳng có gì đặc biệt. Lúc đó tôi làm xuất nhập khẩu và quản lý nguyên vật liệu cho một nhà máy chế biến gỗ tại Tân Uyên-Bình Dương cách nhà 25km nên đoạn đường đi hơi dài. Trên đường đi, tôi suy nghĩ về câu nói của người anh em Tin Lành, và lúc đó không hiểu sao, bài hát Kinh Vinh Danh bỗng ngân nga trong tâm trí tôi – bài ca mà tôi rất ghét vì sự sùng bái cá nhân mỗi khi phải nghe trong nhà thờ. Bài hát ngân nga du dương mãi mà tôi không thể chuyển hướng suy nghĩ sang vấn đề khác được. Rồi nước mắt tôi bỗng giàn giụa chảy mãi vì cảm động khi nghe bài ca. Và tôi lập tức tin Chúa yêu tôi, nghĩa là có Chúa thật. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra với tâm lý của tôi nữa, nhưng tôi cảm thấy ngọt ngào và ngất ngây. Rồi nước mắt cũng ngừng rơi khi tới chỗ làm. Hết cả ngày hôm đó, mọi việc diễn ra bình thường và tôi nghĩ buổi sáng chắc do mình hơi yếu thần kinh nên dễ xúc động, và tôi cười thầm.

Sáng hôm sau, tôi kinh ngạc khi thấy những tâm tình như thế lại lặp lại. Tôi cố chống cảm xúc này, nhưng không thể. Trong tôi, bài ca cứ du dương, ngân nga, của một đoàn người nào đó, không rõ tiếng ai với ai, và câu từ cũng không rõ, do tôi không thuộc bài hát này. Nhưng họ hát tuyệt hay. Tôi nghĩ do ký ức khơi dậy từ ca đoàn của một nhà thờ nào đó. Nước mắt tôi cứ chảy ra mãi suốt quãng đường, đồng thời tôi cảm nhận mãnh liệt Chúa yêu tôi, một cách tha thiết hơn bất cứ gì trong vũ trụ này. Tâm hồn tôi cứ muốn mãi tuôn ra những lời ca tụng, bất chấp mọi nỗ lực ám thị hay chống cưỡng tâm lý nào mà tôi cố tình làm một cách bảo thủ. Cuối cùng, tôi buông thả tâm hồn mình cho mọi sự diễn ra cách tự nhiên.

Sự việc liên tục xảy ra trong một tuần. Tôi đắm đuối trong tình yêu chân thật và huy hoàng của Thiên Chúa, mà tôi có thể nói một cách thô thiển rằng đó là tình yêu tuyệt đối, trên hết mọi tình yêu trần gian. Quãng thời gian đó tôi chỉ muốn tìm một xó xỉnh yên tĩnh cô tịch nào đó mà kết hiệp với tình yêu kỳ diệu này suốt cả ngày, chẳng thiết gì mọi sự xung quanh nữa.

Sau đó là liên tục các diễn biến phức tạp trong nội tâm của tôi và những tương tác lạ lùng khiến tôi đi hết từ sững sờ này tới ngạc nhiên khác, cho tôi biết về thế giới siêu nhiên hiện hữu và sinh động như thế nào. Đắm chìm trong thế giới đó, tôi đã tìm thấy linh hồn mình phủ phục dưới chân Thiên Chúa mà thổn thức: “Lạy Chúa, này con đây!” Chúa đã dạy tôi biết cầu nguyện.

Vậy là sau 45 năm hoang hoải trong tâm hồn, tôi đã được Chúa đoái thương, nhờ Đức Mẹ chuyển cầu. Và chắc chắn còn có cả sức mạnh vô hình từ những lời cầu nguyện của những người thương mến tôi, một con chiên lạc đã được Chúa tìm về.

Tôi hơi thắc mắc: sao Chúa lại đến với tôi muộn màng vậy? Chúa chỉ cười. Điều đó khiến tôi lại đắm say, chẳng muốn thắc mắc gì nữa mà chỉ muốn cất lên những ngợi khen ca tụng, không phải bằng ngôn ngữ của trần gian, mà của Nước Trời…

Trần Anh (TGPSG)

Hành trình nhân chứng đức tin của học giả, ông tổ nhà báo Trương Vĩnh Ký, người biết 27 ngoại ngữ.

Nhật Duy 

Hành trình nhân chứng đức tin của học giả, ông tổ nhà báo Trương Vĩnh Ký, người biết 27 ngoại ngữ.

Phó tế Phạm Bá Nha

12/May/2022

Về mặt tôn giáo, nhiều người có cái nhìn chung về Petrus Trương Vĩnh Ký, là người vừa có lòng yêu nước vừa là tín hữu trung kiên tốt lành:

– Ông Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố viết: Cái gì đã hỗ trợ Petrus Ký trong nhiệm vụ; cái gì đã tạo nên hiệu quả cho những nỗ lực của ông cũng như sự thống nhất đời ông, đấy chính là tình YÊU NƯỚC của ông, tình yêu xứ Nam Kỳ mà ông thường gọi đùa là MẸ TH N YÊU.

– Ông Jean Bouchet, sử gia Pháp đã viết kỹ hơn: Ta nhìn lại và rút tỉa ở cuộc đời tiên sinh một bài học qúi giá về lòng tin tưởng ở sức mạnh của chí cương quyết. Sự tin tưởng ấy chiến thắng tất cả mọi trở lực, miễn là nó bền bỉ và quả quyết. Thật là đẹp đẽ cuộc đời cần cù của tiên sinh, cuộc đời đem vinh dự về cho làng mạc quê hương và cho cả nước VN, nơi tiên sinh đã để lại nhiều công trình, nỗ lực lớn lao… Cuộc đời của tiên sinh tóm trong mấy chữ: bác học, tâm thuật và khiêm nhượng’’. (Jean Bouchot, Petrus Ký, savant et patriote cochinchinois. Nguyên Hương dịch: Petrus Trương Vĩnh Ký, một học giả Nam Kỳ, Saigon 1925 tr. 171)

– Tác giả Nguyên Hương cho rằng: Petrus Ký là tín đồ mộ đạo, nhưng không say mê cuồng tín, yêu nước nhưng trước thực trạng bi đát của nước nhà Trương Vĩnh Ký sáng suốt như ước đoán được những ngày tàn tạ suy vong khó tránh được cho xứ sở, nếu không kịp thời báo nguy. (Nguyên Hương. Petrus Trương Vĩnh Ký. Văn Hóa Tập San. tập XIV, tr. 1713)

– Ông Hồ Hữu Tường ghi nhận: Riêng đối với nhà trí thức Trương Vĩnh Ký, chuyến đi Pháp đánh dấu một cái quanh trọng đại trong tâm tình. Ở Pháp ông đã tiếp cận với nhiều nhà trí thức và xuyên qua những nhân vật này ông làm quen với những trào lưu tư tưởng tiến bộ u Châu. Là con chiên ngoan đạo, Trương Vĩnh Ký được vạch mây mù mà thấy được Thiên Chúa giáo nguyên thủy. Qua Mặc dù những tác phẩm về Thiên Chúa giáo nguyên thủy bị Tòa Thánh Vatican cấm đọc. Nhưng ông đã lén đọc và tiêm nhiễm cái tinh thần phục vụ đại chúng bình dân và nghèo khổ, mà Đức Giêsu và 12 Tông Đồ khi lập giáo đã truyền bá. Đây là một cuộc thay đổi âm thầm trong tâm tư. (Hồ hữu Tường, thuyết trình tại Trung Tâm Văn Bút Sàigòn, 28-7-1974).

– Quan thông ngôn Lê Phát Đạt gặp Petrus Ký sống trong cảnh thanh bần đã khoe tài làm giàu của mình, Petrus Ký khuyên: ‘‘Này cháu ơi, chớ vội vui mừng. Đương lúc vui, nên gẫm mà buồn lần lần đi. Đến khi nguy khốn dễ đuổi tan sầu não. Trong khổ cực, là biết nghĩ đến vui mừng, thì hãy vui. Việc gì cũng có trả có vay’’. (Hồ Hữu Tường, Hiện tượng Trương Vĩnh Ký, Bách Khoa Giai Phẩm, số 414, 1974).

Qua những nhận xét trên, trong bài này trình bày về Trương Vĩnh Ký là nhân chứng về sống đức tin trong thời kỳ bách đạo.

ĐẦU XANH ĐÃ VƯƠNG TỘI TÌNH GÌ?

Bà Nguyễn Thị Châu, người Cái Mơn, Vĩnh Long, là thân mẫu của nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) lập gia đình với ông Trương Chánh Thi, trở lại đạo Công Giáo và là võ quan dưới triều Minh Mạng, trấn đóng biên giới Cao Miên. Từ ngày lấy chồng, một mình ở nhà nuôi con. Con gái lớn mất khi còn nhỏ, trong thời gian chồng đi lính xa. Khi chồng về thì con gái đầu lòng đã chết mà chưa kịp đặt tên. Rút kinh nghiệm, lần này khi trả phép ông dặn vợ đặt tên cho những người con kế là: Sử, Ký, Đại, Việt. Vì thế, bà có hai con trai tiếp là Trương Chánh Sử và Trương Vĩnh Ký.

Ông Thi đã được cố Hòa, linh mục Thừa Sai đã dạy giáo lý, rửa tội và kết duyên nên nghĩa vợ chồng qua phép hôn phối. Chú rể đã 30 tuổi, cô dâu mới 18 xuân xanh. Một sự giằng co quyết liệt trong con người ông Thi là: Đã là quan thì phải bỏ đạo. Đây ông lại theo đạo lấy một tín đồ đạo gốc. Vì thế viên sỹ quan này là cái gai trong triều đình bấy giờ.

Trương Vĩnh Ký sinh ngày 06-12-1837, tại Cái Mơn, Vĩnh Long. Tên rửa tội là Jean Baptiste, tên thêm sức là Petrus. Vừa mới lọt lòng mẹ, bé chưa kịp khóc, thì Cái Mơn đã chìm trong mùa lửa cháy. Lửa bốc cháy khắp nơi, nên mẹ bé chỉ kịp vơ vội chiếc áo của chồng cuốn cho con, chạy xuống chiếc xuồng nhỏ theo ông bà ngoại chạy thoát quân lính triều đình truy bắt. Sau một ngày, ông ngoại dựng tạm chiếc lều tre trên bãi đất trống cho mẹ con thơ nương thân. Trong căn lều này, bé đã khóc 9 ngày 9 đêm. Cả nhà chỉ còn biết cầu nguyện. Ông ngoại của bé đã chuẩn bị cho bé chiếc quan tài bằng gỗ mít. Tới ngày thứ 10, bé im tiếng khóc. Được tin vợ sanh, ông Thi về thăm, thấy con ông ôm con khóc lặng người. Thời kỳ này, Minh Mạng ra 3 chỉ dụ ngày 06-01-1833, và ngày 25-01-1836 nhằm: ’’triệt hạ tận gốc tín đồ Gia Tô’’; và chỉ dụ ’’sát tả’’ ngày 05-06-1938. (Trương Vĩnh Ký, bi kịch muôn đời. Chương 1)

Năm Ký lên 3, bố về thăm và trước khi đi, ông xin ông ngoại đổi tên con là Trương Vĩnh Ký thay vì có chữ lót như Trương Chánh Ký. Không ngờ đó là lần cuối cha con vĩnh biệt nhau.

Năm 1840, mới lên 3 tuổi, Ký mang trên đầu 3 chiếc khăn tang: tháng 2, bà ngoại mất vì kiết lỵ. Tháng 6, ông ngoại bị lính triều đình đập vồ vào đầu, óc phụt ra ngoài, xác bị ném xuống rạch Cái Mơn. Tháng 9, đầu thời Thiệu Trị, bãi bỏ việc bảo hộ Cao Miên, và do sắc chỉ cấm đạo buộc binh lính, quan chức trong triều bỏ đạo. Lãnh binh Trương Chánh Thi về qui ẩn tại Cái Mơn và qua đời tại đây. Ông về vào đúng lúc làng quê đổ nát, tan tành, 20 người bị chém đầu, bị treo cổ, bị cột đá buông sông Cổ Chiên, 3 người bị lăng trì.

LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN

Đang lúc dân chúng tán loạn, Bà Châu ẵm vội hai anh em Sử-Ký chạy thoát khỏi vòng lửa đạn. Bà Châu tay dắt bé Sử, 4 tuổi, bên hông ẵm bé Ký. Ba mẹ con chạy dọc theo bờ rạch, thì có ông lão giả dạng chài lưới, gọi với rồi chở ba mẹ con đến một đống rơm ở đầu thôn. Ông bắt 3 người chui vào đấy. Ba mẹ con ở trong đó 3 ngày 3 đêm. Ngày ngày ông lén lút đem dúi cho giỏ cơm với mắm tép rang mặn. Sau khi tình hình yên ổn, ông đem ba mẹ con về dựng lều trên nền đất tro tàn đổ nát của thôn làng cũ. Mẹ góa con côi sống qua ngày. Ông lão chài kia bà đã nhận ra không ai xa lạ đó là thầy đồ Học, người Phật giáo và trí thức, không chịu ra làm quan. Ông mở lớp dạy trẻ con trong làng, về chữ thánh hiền. Những ngày êm ả này, có thày giảng tên Tám lui tới dạy kinh bổn. Còn anh em Sử đến nhà thày Học để học chữ. Ở nhà bà Châu dạy con về tục ngữ ca dao bằng những bài hát ru con. (sđd. Chương 2 và 3)

Đầu thời vua Thiệu Trị, việc ‘‘sát tả’’ giảm. Dân chúng dễ thở hơn. Gia đình bà Châu thật hạnh phúc. Cậu Sử khôn ngoan lanh lợi. Ký thông minh, sáng suốt trước mọi vấn đề. Đó là điều an ủi cho bà Châu. Thày Học thuyết phục bà Châu đem được Sử lên tỉnh Vĩnh Long học. Ký ở nhà vùi đầu vào thùng sách của bố để lại. Vì xưa bố là quan văn mà phải hành sự như là quan võ. Trong thùng sách có cuốn Thánh Kinh bằng tiếng La tinh, Ký không đọc được. Nhưng may quá thày Tám dạy Ký học Latin, trong 6 tháng Ký đã đọc và hiểu hết. Linh mục Thừa Sai Charles Emil Bouilleveaux Long (1823-1913) từ Paris đến phục vụ tại Cái Mơn, và nhờ Ký dạy tiếng Việt và sau này chính Cha đem Ký vào học ở tu viện Cái Nhum, vì chưa có chủng viện đào tạo.

Sóng gió lại đến, một hôm họ Cái Nhum bị bao vây, giáo dân hoảng sợ đem ảnh tượng chôn dưới đất, trong chum vại, đút vào bụi rậm ngoài vườn tược. Chủng viện Cái Nhum bị lục soát. Cố Long và Ký chạy thoát dọc theo bờ rạch, đi tới gần trưa mới thấy được chiếc xuồng, gọi vào xin chở qua bên kia sông Cổ Chiên. Xuồng vừa tới bờ, thì có một viên quan chạy tới để nhận hai ‘‘tà đạo’’. Ngay lúc ấy, Ký nhận ra viên sỹ quan là bố của hai người bạn học cùng lớp của thày Học. Viên sỹ quan già suy tư, nhìn trời và bày mưu bảo hai người nhảy xuống sông, đồng thời viên sỹ quan hô to.. bắt lấy.. bắt lấy. Nhưng không có ai nhảy theo. Thế là cha Long và Ký bơi thoát qua bên kia sông. Những lúc tán loạn ấy, bà Châu một mình chạy bán sống bán chết mặt chúi xuống bùn. Như nhiều lần trước, khi trở về nhà bà chỉ còn là đống tro tàn (sđd. Chương .

Năm 1848, trải qua một tháng trên đường đầy hiểm trở, nhiều lần tưởng chết, toàn ngủ bờ ngủ bụi, hay trong các chòi vịt, không dám vào nhà ai. Một lần ở trong vườn hoang, cha Long bị sốt rét, không chăn mền, nhờ một người trong xóm cho được cùi rơm, làm mồi lửa sưởi ấm cho cha. Sau cùng cố Long đã đưa Petrus Ký và 9 chủng sinh khác qua tới Pinalu, trung tâm truyền giáo ở Đông Dương, cách Nam Vang 6 dặm. Đây là nơi gặp gỡ nhiều chủng sinh các nước Á châu: Thái, Miên, Tàu, Lào, Triều Tiên. Cha Hòa làm giám đốc. Lớp học có 25 người, Ký học luôn đứng đầu lớp.

Năm 1852, sau 4 năm học, các Thừa Sai đã khám phá ra Ký là một thiên tài và chọn Ký gửi qua học bên Paulo Pénang, ở Mã Lai. Cùng đi có Vương Thừa Vũ người Trung Hoa, và Malachai người Xiêm. Ký là người nhỏ con nhất, lại mang nhiều sách nặng nhất. Giao thông khó khăn, đi băng rừng vượt núi qua ngả Xiêm mới tới được Mã Lai. Tới Pénang, Thừa Sai Dominique Lefebvre (1810-1865) ra tận bến tàu đón ba chủng sinh. Cha Lefebvre đã tới VN năm 1835, bị bắt giam rồi bị trục xuất về Pháp. Rồi từ Pháp cha đi Roma, về Ma Cao để trở lại Pénang. Ở Pénang Ký mải mê đọc sách trong thư viện, nhiều lần tới khuya quên ăn, chính cha Lefebvre dẫn vào bếp xin cơm cho Ký ăn. Những bài anh đọc tới lần thứ hai là kể như đã thuộc. Nhờ vậy, Ký thông thạo thêm 14 thứ tiếng. Ký đã được giải thưởng 100 bảng Anh do toàn quyền người Anh ở Pénang treo giải thưởng viết bằng tiếng Latin. Được tiền thưởng Ký ra chợ mua 8 sấp vải Bombay để dành tặng mẹ. Nhưng Ký nghĩ là không biết đem vải về mẹ có may mặc hay lại đem cho người khác. Vì khi ở bên nhà, lúc anh Sử tặng mẹ sấp vải thô dệt tay, mẹ không may, mẹ đem tặng cho bà cụ trong xóm. Nếu có mua được mớ tép, kho lên, mẹ húp chút nước, còn tép lại để cho hai con ăn. Ký nhớ, khi bà cụ ấy mất, mẹ qua viếng thấy bộ quần áo mới bà cụ mặc khi nằm xuống là vải mẹ tặng. Lúc ấy mẹ nói: cả đời thiếm ấy, khi nằm xuống mới có bộ quần áo mới. Đối với mẹ ‘‘cho là được’’. Ký còn định mua thêm như thuốc bắc, sâm cao ly… Nhưng Ký hoàn toàn thất vọng vì bà đã ra đi trước khi nhận quà của con, năm 1857.

Những năm ở Pénang, ai cũng công nhận Petrus Ký là thần đồng trong những bạn đồng khóa. Vì thế Ký được chọn đi La Mã học. Và mặc dù tinh hình chỉ dụ sát tả mới ban hành ngày 07-06-1857, ngày càng gắt gao tại VN, và nhiều cạm bẫy, Petrus Ký vẫn xin về thụ tang mẹ. Vì tội bất hiếu là tội nặng hơn các tội. Đấy là lý do Ký xin về, để che dấu muốn sống những ‘‘ngày trên thánh giá’’ như mọi người trong làng nước (sđd. Chương 15).

Năm 1858, cùng về VN với Petrus ký có Phan Thanh Long người Gia Định và Lê Huy Tốn người Ninh Bình. Tàu ghé Hạ Châu rồi mới về Bến Nghé (Saigon). Nghe tin Ký về, nhiều tác giả đến tặng sách. Ký mang về 11 thùng sách.

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Lần về cũng gian truân như khi đi, đất nước đang tràn ngập khói lửa vì lệnh cấm đạo. Hải cảng lớn không vào được, tàu đành ghé Cần Giờ. Ba học sinh và 11 thùng sách của Ký được chú Ba Cần Giờ chở đi trốn sâu vào rừng đước. Một lúc sau, chú cho thuyền tạt vào một chòi lá cao hơn mặt nước độ một thước. Nơi đây có cả bàn thờ Chúa. Ba người thở phào nhẹ nhõm, tắm rửa và đọc kinh chung. Chú Ba dọn cá nướng như ‘‘cả nước đón mừng ba cậu về’’. Trong bữa cơm, chú Ba kể mình ở Chợ Quán. Nhà bị đốt sạch như bao gia đình khác, chú đem Chúa ra đây thờ. Giáo dân chết như rạ. Chú Ba dặn ba thanh niên: Các chú về giữa thời loạn. Thánh giá đặt đầy giữa đường coi chừng đi qua dẫm lên, là chết. Chặt đầu, treo ngay ở chợ. Ban ngày đi tỏ vẻ phân vân, e dè, dò đường là.. coi như rồi. Đi đêm dễ hơn, đèn tù mù ít ai thấy rõ mặt.

Phan Thanh Long muốn về nhà trước, chiều lòng chú Ba chở Long cặp thuyền ở một khúc vắng, để Long về Gia Định. Ngay sau đó chú Ba nghe nhiều tiếng huyên náo. Thì ra vừa đi không xa, Phan Thanh Long bị bắt, đầu bị chặt treo ở ngoài chợ (Chương 17). Chú Ba thuê ghe chở Ký về Rạch Giá, từ đây về Long Xuyên. Sách vở để lại chòi vịt của chú Ba Cần Giờ. Trên ghe về Long Xuyên, Ký phải giả vờ làm người đau bụng đắp mền rên la mới qua được 6 điếm canh. Và sau cùng Ký về được đến Cái Mơn, không còn nhà thờ và chủng viện. Tất cả đều đổ nát. Vui mừng Ký gặp lại anh Sử vào buồi chiều, gần tối. Sử kể lại cho em về những ngày cuối của mẹ. Và lặp lại lời mẹ dặn: Đất nước này tổ tiên tạo lập, để lại phải giữ. Nhà mình đạo gốc, gì cũng không được bỏ đạo. Chúa sẽ cứu rỗi linh hồn hai con. Sử lúc ấy đã có vợ và 2 con. Sử khuyên em nên trở lại La Mã học như các Thừa Sai mong đợi. Ký trả lời: Em quyết về. Có thể đây là lần đầu tiên em không vâng lời các Thừa Sai. Dẫu mẹ không còn trên đời này, nhưng còn Quê Hương. Quê Hương mình trù phú lắm. Tổ tiên mình chạy dạt về đây, gặp hòn cù lao sình lầy, vô chủ. Nhưng có nước ngọt. Chịu cực trăm bề chịu khổ nghìn bề để tạo lập vùng đất mới cho con cháu… Anh đừng thất vọng; Em hoàn toàn không muốn làm linh mục, làm nhà truyền giáo. Em thấy mình không hợp với cương vị thiêng liêng mà Chúa ban. Em có đọc kỹ những chỉ dụ sát tả của nhà vua. Chúa cứu thoát em khỏi chết lần này. Em nghĩ, có chết, em sẽ chết trên đất nước mình, quê hương mình (Sđd. Chương 18).

Năm 1859, vui nhất là Ký gặp lại Thầy Học, Thừa Sai Hòa. Hai người đã khai tâm cho anh hồi còn nhỏ. Cha Hòa kể lại nhũng vụ tử đạo ở Cái Mơn, trong những ngày Ký không có nhà: Một hôm lính ập vào bắt thánh trùm họ Emmanuel Lê Văn Phụng, thánh linh mục Phêrô Đoàn Công Quý, điệu hai vị ra trước bàn thờ, lột trần trước nhà tạm, chém mỗi người 5 nhát gươm. Cùng bị bắt có 32 giáo dân (sđd. Chương 20).

Sau khi ở Penang về, Ký bỏ áo nhà tu. Thừa sai Hòa nhờ Petrus Ký dạy học tại chủng (tu) viện Cái Nhum, trong xứ Cái Mơn. Nhà thờ và tu viện đều mới được cất lại bằng tre, cây tạp, và lá dừa nước. Sáng anh tự nấu cơm ăn với mắm kho, chiều về thăm mộ mẹ. Tối anh chong đèn dầu soạn bài. Với phương pháp sư phạm mới, anh dạy tiếng Pháp và tiếng Latinh. Chủng sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Học hành mà thầy trò học sống hồi hộp lo sợ. Khi nào có ám hiệu báo động thì cả lớp quơ vội vàng giấy mực… chạy.

Một hôm trong thân mật, Thừa Sai Hòa lại đặt vấn đề với Petrus Ký là chọn anh gửi đi học bên La Mã. Nhưng Petrus Ký rất mực từ chối, viện lý do: con buồn, nhưng con không thể nào bỏ quê hương xứ sở mà đi đâu được. La Mã không có sức thu hút đối với con. Quê hương con nghèo, lạc hậu quá. Dân quê khốn khổ, khốn nạn quá. Vua quan kiêu căng và bạc nhược, đẩy dân chúng tới khốn cùng bạc nhược. Thừa sai Hòa khó mà làm thay đổi được quyết định của học trò ngoan đạo này. Ngài nói: Bây giờ thì cha hiểu được nền tảng xã hội VN mà con đã giảng cho cha. Đó là sự can thiệp của ông bà, quyền hành của người cha và lòng hiếu thảo của con cái.

Ngày 09-12-1858, tu viện Cái Nhum bốc cháy, nhà thờ Cái Mơn bị đốt. Trương Vĩnh Ký tìm đường chạy ra khỏi Cái Mơn. Chạy suốt đêm, mệt quá, tới sáng anh dừng lại trước căn nhà ven bờ sông Hàm Luông. May quá, chủ nhà đã lớn tuổi cho trú ngụ, tiếp đón và cho ăn uống tử tế. Chủ nhà tên là Quản Phụng bạn cùng đi lính và làm việc với bố Trương Vĩnh Ký bên Nam Vang. Đêm lửa cháy đó, Cái Mơn có 14 hương chức bị bắt. Hai nữ tu là Marthe Lành và Ngọt bị bắt giam. Ở nhà Quản Phụng ít bữa, vì sợ mình là ‘‘người có đạo’’ sẽ bị quan quân lùng bắt mà liên lụy đến chủ nhà, nên Petrus Ký xin đi khỏi nhà chủ (sđd. Chương 20).

Vừa ra khỏi nhà thì gặp đám lính đang rượt đuổi bốn tín đồ ‘‘Gia Tô’’ ở ngã ba Cây Gáo. Bốn người bị lột trần truồng, cột dây ở hai chân cho bò kéo ngược về chợ Tân Trụ. Sợ quá, anh trèo lên cây thị nhìn xuống thấy người ta bằm bốn người anh hùng tử đạo ra nhiều khúc. Người bu xem rất đông, nhưng không ai trong bốn người than khóc kêu ca. Không chịu nổi cảnh đau thương, anh vừa trụt xuống khỏi cây thị, thì bị bắt ngay. Quan quận là Trần Lĩnh ra lệnh trói anh vào gốc cây mận đầy kiến. Tới tối, nghe có tiếng người đến gần, anh nhắm mắt chờ một mũi gươm, một nhát vồ. Trần Lĩnh không giết mà cởi trói cho anh. Anh ngạc nhiên vì ông mới ra lệnh trói anh, bây giờ lại thả. Quan nói: Chạy đi. Ta không lệnh trói cậu thì quan huyện trói ta. Nhưng ta không thuộc bọn họ. Chiều hôm sau anh đi theo bờ rạch ra sông Hàm Luông rồi về sông Tiền. Nhiều ngày sau anh không ngờ mình lại vượt qua cái chết nhờ một người tốt như vậy.

Đang chờ thuê thuyền đi Bến Nghé, tìm lại 11 thùng sách gửi khi mới về nước, nhưng lại sợ ‘‘kẻ gian’’. Đứng mệt người, run sợ, thì có chiếc thuyền lan nhỏ rê vào bờ, cho quá giang. Chủ thuyền mời anh xuống. Rụt rè lo sợ bước vào khoang thuyền, anh thấy trong thuyền có bàn thờ Chúa. Qua tâm sự, biết người lái thuyền là cụ già 87 tuổi. Sau khi vợ con bị lính triều đình giết hết và đốt sạch nhà cửa. Ông đã dùng thuyền làm nhà ở và đón tiếp những tín hữu lánh nạn như Petrus Ký. Ông gọi lính triều đình là ‘‘quân Giuđa’’. Mỗi tháng ông giúp 5, 7 người thoát cảnh bắt bớ. Ông đã giúp anh tìm được nhà chú Ba Cần Giờ, có lều vịt. Nhưng chú Ba cũng bị giết. Chỉ còn người con trai 13 tuổi sống sót. Cậu bé tên Lo đã kể cho Ký hay, có một ông Trùm ở Chợ Quán bị giết vì khi đào vườn thấy Thánh Giá chôn giấu ở vườn sau nhà.

Petrus Ký được người tín cẩn dẫn đường trở về Chợ Quán bằng ghe nhỏ. Chợ Quán bị đốt đi đốt lại tới 6 lần, bị ruồng bắt và truy đuổi. Nhưng rồi nhà vẫn mọc lên, các Thừa Sai và tín hũu lại lục tục kéo nhau về. Từng nhà từng nhà, họ âm thầm giữ đạo. Trong một căn nhà lụp xụp, Petrus Ký gặp Thừa Sai Dominique Lefebvre, Ký tròn xoe mắt nhìn cha. Cha ôm Ký:

– Cha không nghĩ còn gặp lại con.

– Con cũng nghĩ không có ngày này.

Đêm ấy, hai cha con ngồi trên tấm giát tre, bên ấm trà, trước ngọn đèn tù mù. Ký nhìn cha:

– Vì sao cha trở lại nơi cha từng bị bắt, bị tống ngục và cũng là nơi ở chủng viện Pénang cha khuyên con đừng về. Cha Lefebvre từ tốn trả lời:

– Bổn phận của con là học. Bổn phận của cha là truyền giáo. Mỗi người phải hiểu rõ. Chúa cho con trí thông minh. Chúa muốn con phải làm nhiều việc cho đạo Thánh của Người. Còn cha đã hết thời đi học. Bổn phận cha là tới những nơi con chiên khổ cực cơ hàn nhất, bị giày xéo khốn cực nhất. Và Đức Giáo Hoàng Leo XIII khuyên cha trở lại đây, tiếp tục làm bổn phận của một thiên sứ.

– Thưa cha, con thấy tình hình nước con ngày càng căng thẳng. Các cha Thừa Sai và giáo dân đang là nạn nhân oan uổng của triều đình. Nhất là sau khi hạm đội Pháp nổ sùng chiếm Đà Nẵng.

Cha Lefebvre chậm rãi tiếp lời:

– Cha rất lo cho con, hãy còn chưa muộn, nếu con quyết định đi La Mã. Cha sẽ lo liệu cho con. Khi nào đất nước yên hàn con sẽ về.

Trương Vĩnh Ký nhìn cha nói:

– Thưa cha, dẫu thế nào đi nữa, con vẫn muốn ở lại đất nước con.

Một lần nữa, linh mục thừa sai này lại bất lực trước một thanh niên ngoan nết và ngoan đạo. Cha Lefebvre sau làm Giám Mục đầu tiên của Tây Đàng Trong (Sàigòn) từ năm 1844 tới 1863, và qua đời tại Marseille, ngày 30-04-1865 (sđd. Chương 21).

Tình hình trong đất liền thật gắt gao vì quân triều đình truy bắt gắt gao, Petrus Ký ra tạm lánh ra trú ngụ trong một chiếc lều lá ở Cần Giờ. Nhưng cũng không ổn, anh lại trở về sống chui rúc dưới hầm trong căn nhà lá ở Bến Nghé (nay là đường Nguyễn Huệ). Trong giai đoạn này, Thánh Linh mục Lê Văn Lộc và hàng chục giáo dân bị xử trảm, ở Trường Thi (nay là đường Hai Bà Trưng). Các Thừa Sai lại có dịp nhắc lại việc Petrus Ký đi La Mã, và thu xếp cho một sỹ quan hải quân Pháp chở đi. Ký khôn khéo từ chối.

Năm 1859, súng nổ ở Vũng Táu, rồi quân Pháp chiếm Gia Định. Thừa Sai Lefebvre giới thiệu Petrus Ký làm thông ngôn để giải quyết tranh chấp Pháp-Việt bằng thương lượng hơn là bằng súng đạn. Từ đây Petrus Ký làm hai việc song song, vừa quảng bá chữ quốc ngữ vừa bảo vệ quyền lợi dân tộc bằng tài ba ngoại giao (sđd. Chương 22).

THÀNH TÂM ĐẾN GIÂY PHÚT CUỐI ĐỜI

Cuối đời ông bị bệnh khái huyết, chính bà Thọ là vợ đã sắc thuốc và chăm sóc ông những ngày cuối. Những ngày trên giường bệnh, Petrus Ký cho gọi các con lại bên cạnh trăn trối, ông khuyên các con đừng vào dân Pháp, nước VN sẽ mất đi một công dân nếu một người trong các con nhập quốc tịch Pháp’’ (Le Vietnam perdra un citoyen, si l’un de vous adopte la nationalité française. x. Trương Vĩnh Lễ, Vietnam, Où est la vérité, tr; 33). Rồi hôm ấy chờ cho con cháu ngủ say, ông nói với bà Thọ:

– Sinh lão tử qui, không ai qua khỏi. Ở tuổi này tôi nghĩ tới trở về với Chúa cũng không sớm sủa gì nữa.

Bà Thọ nói:

– Chẳng ai sống đời được, có điều sống được ngày nào cho con cháu chúng mừng ngày đó. Chỉ mong ông cố thuốc thang và bớt làm việc. Đời ông, tôi chưa thấy lúc nào ông được nghỉ ngơi.

– Tôi thấy mình chưa làm việc được bao nhiêu… Nhưng coi lại, quả tôi cũng đã hết sức rồi. Sinh ra giữa thời loạn…, không phải không có lúc tôi mất phương, lạc hướng. Đó chính là lúc dễ ngộ nhận, dễ lầm lẫn nhất. Lầm lẫn trong nhà thì còn hy vọng con cháu tha thứ, chứ lầm lẫn việc đại sự của nước, của dân thì ai mà tha thứ cho. Với lại, dù ai rộng lượng khoan dung thì lương tâm mình làm thẩm phán lấy chính mình, sẽ không bao giờ để mình được thanh thản.

– Trước mặt Chúa tôi luôn thấy mình thành tâm, thành tâm ngay cả khi mình lầm lẫn. Tôi hiểu, người đời sinh lão tử qui, đường đi nước bước vắn vỏi lắm, nhưng ai có phận nấy, hễ nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã.

– Thôi ông à, ở đời ăn dễ, ở khó. Mọi việc để Chúa phán xét. Nghĩ ngợi nhiều thêm bệnh.

– Mọi việc tôi làm còn lưu lại đó. Việc đúng việc sai hãy để cho đời phán xét. Đời này chưa thì đời sau tiếp tục. Trong sáng như cụ Nguyễn Du mà còn phải kêu lên không biết 300 năm sau có ai hiểu được mình, huống hồ thân tôi. Nếu tôi có ra đi trước, bà nhắc các con cháu là gia tài cả đời tôi cần mẫn, chăm chút để lại cho chúng toàn là sách. Hãy giữ gìn, hãy nâng niu và hãy trao lại cho người biết qúi trọng nó (Năm 1958, sách đã trao tặng Viện Khảo Cổ Sàigòn).

Ông cố rán nói thêm: Con người sống không có sách, thật khó mà thoát khỏi cảnh ngu muội. Con người ngu muội khó mơ ước tới xã hôi văn minh, xã hội dân chủ, tự do.

Tới đây cơn bệnh hoành hành, làm ông ho rũ rợi. Ông ôm ngực, và lại ho từng tràng dài… Xong cơn họ, ông ngồi thở, như hụt hơi. Hôm ấy, như thường lệ, bà Thọ canh xong siêu thuốc, bưng lên hy vọng… Thì thấy ông gục mặt xuống mặt bàn, tay không rời quản bút, trên những trang tự điển của nhà văn Pháp Emile Littré (1801-1881) tặng, sách đang mở ở trang 465. Tay trái ông giữ cuốn ‘‘Bình Sanh’’. Tay phải vẫn cầm chặt cán bút, đầu ngòi bút chúc xuống, óng ánh sắc mực. Nhìn ông như đang làm việc, và như vừa ‘‘mới chợp mắt một tý’’.

Lấy hết can đảm, bà Thọ lay ông. Nhưng ông không dậy nữa. Chén thuốc cuối cùng đã rớt xuống bàn làm nhòe cả những trang sách. Bà Thọ lắc đầu: Ông ấy sống thuộc đời. Ông ấy đã ra đi thuộc Chúa. Hôm ấy là ngày 01-09-1898. Có mặt trong lúc này có các học trò là Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương. Bạn là Huỳnh Tînh Của. Và vừa là học trò vừa là con rể Nguyễn Trọng Quản. Trương Minh Ký nói với bà Thọ: Thưa bác, bọn cháu, những môn sinh của thầy, xin cố gắng tiếp nối công trình thầy đang dang dở. Nhưng công trình của thầy đều vượt ra khỏi tầm tay của họ. Nó quá đồ sộ, mà trí thức đám học trò vẫn còn quá thấp so vớ bộ óc khổng lồ của thầy mình.

Trương Minh Ký người học trò trung thành nhất đã tìm được và đọc được trong ‘‘Cuốn sổ bình sanh’’, Trương Vĩnh Ký có ghi:

‘‘Quanh năm quẩn quẩn lối đường dài

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

Học thức gởi tên con mọt sách

Công danh rốt cuộc cái quan tài

Dạo hòn lũ kiến men chân bước

Bồ xối con sùng chăc lưỡi hoài

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai’’

Và ông đã xin được khắc trên phần mộ bằng tiếng La tinh:

Xin hãy thương tôi, ít nhất là những bạn hữu tôi !

Kiến thức con người, có nó là nguồn sống.

Những ai sống và tin tôi, sẽ không phải chết đời đời.

(GS. Nguyễn Văn Trung dịch. Ba câu này còn tại nhà mồ Trương Vĩnh Ký)

Di ảnh đáng qúi của Trương Vĩnh Ký là đi đâu ông cũng mặc quốc phục Việt Nam.

——————————————————————————–

Tài liệu tham khảo

– Hoàng Lại Giang, Trương Vĩnh Ký Bi kịch muôn đời. Truyện danh nhân.

Nhà xuất bản Văn Hóa và Thông Tin, Việt Nam, 07/2001.

– CAO THẾ DUNG,

. Trương Vĩnh Ký thân thế và hình trạng.

. Trương Vĩnh Ký trở về con đường văn hóa, văn học.

dân Chúa Âu Châu, số 191, 09-1998, ttr. 23-31.

Phạm Bá Nha

Khi kỹ sư NASA trở thành nữ tu

Make Christianity Great As Always

Khi kỹ sư NASA trở thành nữ tu

Sơ Libby Osgood đã trải qua cuộc hành trình ngoạn mục, từ kỹ sư làm việc cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đến giáo sư đại học và giờ đây trở thành nữ tu.

Khi nhìn lên bầu trời đầy sao ở Charlottetown, thủ phủ tỉnh bang Prince Edward Island (Canada), trong một đêm của mùa hè năm 2017, cô Libby Osgood cảm giác mình đang nhìn qua lăng kính của sự sáng tạo mà Chúa đã tạo nên và suy ngẫm về sự đóng góp của bản thân. Hai trong số các vệ tinh đã lên quỹ đạo Trái đất nhờ vào công của cô gái trẻ. Vào thời điểm đó, nữ kỹ sư hàng không vũ trụ từng làm việc cho NASA đang tạm thời ngưng chức giáo sư của Ðại học Prince Edward Island (UPEI) để đi theo ơn gọi sống đời thánh hiến.

“Tôi cảm thấy vô cùng trọn vẹn, giống như thể mọi mảnh câu đố rời rạc trước kia đột nhiên sắp xếp lại và hợp thành một bức tranh duy nhất”, sơ Osgood nhớ lại. “Với hai lãnh vực tưởng chừng vô cùng khác biệt là khoa học và tôn giáo… tôi đã hiểu thêm về hai niềm đam mê cháy bỏng của mình, và quan sát những người khác đã kết nối cả hai lại với nhau như thế nào”, vị nữ tu cho biết. Nhìn lại những gì đã trải qua trong 34 năm đầu tiên của cuộc đời, sơ Osgood chỉ nhớ được mình đã sống vội như thế nào để đáp ứng kỳ vọng của gia đình và những người xung quanh từ thuở bé.

Công việc ở NASA

Từ nhỏ, con đường của sơ dường như đã được trải sẵn. Khi còn nhỏ, cô bé Osgood thường lắp ráp rốc két với cha, một quân nhân thuộc không quân Mỹ, và ai nấy đều mong đợi cô bé sẽ theo đuổi khoa học khi lớn lên. Sau khi lấy bằng đại học, cô nhanh chóng hoàn thành bậc thạc sĩ và kế đến là tiến sĩ trong lĩnh vực kỹ sư cơ khí và sau đó là trở thành giảng viên. Ở tuổi 23, cô được nhận vào làm việc tại NASA. Ở vai trò kỹ sư hệ thống, kỹ sư Osgood được giao nhiệm vụ tính toán và chứng minh một vệ tinh có thể phóng lên theo kế hoạch đã định. 25 tuổi, cô gái trẻ đã nhận được hai hợp đồng từ NASA: “Trên kia (quỹ đạo Trái đất) đang có hai vệ tinh mà tôi từng thao tác”.

Trong thời gian ở NASA, cô Osgood kiên trì mang giày cao gót hồng, giữa đám đông đồng nghiệp nam giới, và đeo cây thánh giá của người bà. Thế nhưng, cô lại tránh thể hiện quan điểm tôn giáo tại nơi làm việc: “Các kỹ sư thường khá hướng nội trong nhiều vấn đề, đặc biệt đối với những gì thật sự quan trọng của bản thân”. Trong suốt 4 năm di chuyển khắp nước Mỹ vì công việc đòi hỏi, cô thực hành đức tin vào thời gian nghỉ ngơi, nhưng tại nơi làm việc, đề tài tôn giáo gần như là điều cấm kỵ.

Sự trăn trở và ơn gọi

Thế nhưng, sau vụ phóng vệ tinh năm 2008, nữ kỹ sư trẻ tuổi cảm thấy lạc lõng, dường như luôn thiếu một thứ gì đó. Hai năm sau, cô quyết định đến Kenya tham gia công tác thiện nguyện với tổ chức mang tên “Trẻ em của Hy vọng” ở Mikinduri. Nhóm của cô cung cấp dịch vụ y tế, răng hàm mặt và nhãn khoa cho trẻ em tại một ngôi làng nhỏ. Thế là sau nhiều năm làm việc với vệ tinh, nữ kỹ sư cảm thấy sự thôi thúc phải được tiếp xúc và cống hiến cho cộng đồng. “Tôi đem lòng yêu Kenya. Tại đây, thông qua người bản xứ, tôi tận mắt chứng kiến ‘sự tỏa sáng tình yêu của Thiên Chúa’ có nghĩa là gì. Ðó là điều mà tôi không hề thấy hoặc cảm giác được ở Phoenix (bang Arizona, Mỹ)”, cô nhớ lại. Thế là trước khi rời Kenya, Osgood quyết định bỏ việc với mức lương cao và tìm cho mình hướng đi mới.

Năm 2010, Osgood chuyển đến Charlottetown và sau thời gian nghỉ ngơi với gia đình, cô bắt đầu công tác ở UPEI trên cương vị giáo sư ngành cơ khí. Trong phần lớn cuộc đời, cô hầu như che giấu đức tin và không cởi mở về lòng khát khao muốn dâng cuộc đời mình cho Chúa. Cô từng mang theo Kinh Thánh và giấu mình trong tủ quần áo để cầu nguyện. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn Công giáo ở Charlottetown, Osgood tìm được lòng dũng cảm để bắt đầu bộc lộ đức tin.

Trong suốt 2 năm sau đó, cô cẩn thận tìm hiểu khả năng theo đuổi đời sống thánh hiến. Và chuyến thăm của Giám đốc Ðài Thiên văn Vatican, tu sĩ dòng Tên Guy Consolmagno thực sự đã mở ra cánh cửa giải thoát. Lúc đó, Osgood đột nhiên phát hiện rằng “khoa học và tôn giáo có thể cùng tồn tại”. “Trong lúc suy ngẫm về khả năng trở thành nữ tu, tôi lại chần chừ chỉ bởi vì tôi quá yêu thích nghề nghiệp kỹ sư. Và bất ngờ tôi phát hiện mình hoàn toàn có thể vừa là kỹ sư vừa là nữ tu”, sơ nhớ lại.

Thế là nữ kỹ sư gia nhập dòng Ðức Bà và dự tu hai năm ở New York. Sau khi khấn dòng, sơ Osgood quay về Charlottetown để dạy giáo lý và tiếp tục công tác tại UPEI, giảng dạy các sinh viên theo đuổi đam mê trong ngành kỹ sư vũ trụ học. Giờ đây, vị nữ tu phát hiện đời sống thánh hiến và nghiên cứu khoa học có thể bổ sung cho nhau, vì đều thể hiện tình yêu kính Thiên Chúa.

Hồng Hoang

 ĐẠO THEO, NHƯNG NHIỆT THÀNH KHÔNG KÉM GÌ ĐẠO GỐC

Make Christianity Great As Always

ĐẠO THEO, NHƯNG NHIỆT THÀNH KHÔNG KÉM GÌ ĐẠO GỐC

Được biết và yêu mến Chúa là một ơn phúc mà không phải ai cũng được lãnh nhận ngay từ khi mới chào đời. Sinh ra trong gia đình không có ai theo Đạo, thành ra không biết Chúa là một điều đương nhiên. Những người anh chị em này chỉ tin nhận Chúa khi có một biến cố nào đó xảy ra trong đời họ, giúp họ có động lực đi tìm Chân Lý.

Họ đến với Đạo với nhiều lý do, có khi là vì kết hôn, có khi là do một gương sáng, có khi là do tiếng Chúa mời gọi từ thẳm sâu nội tâm. Nơi những người thành tâm thiện chí gia nhập Hội Thánh, tôi nhận thấy một điểm chung giữa họ, ấy là lòng nhiệt thành không kém gì những người đạo gốc.

Một đằng, đức tin bị mai một đi trong nhiều trường hợp vốn là con nhà có Đạo, thì đằng khác, đức tin lại triển nở mạnh mẽ nơi những anh chị em tân tòng. Xét bề ngoài thì có vẻ như nghịch lý, nhưng ngẫm kĩ thì tôi thấy chẳng có gì khó hiểu.

Thật vậy, người ta bảo “gần Chùa gọi Bụt bằng anh”, người đạo gốc nhiều khi đánh mất cái cảm thức đức tin vì họ thấy mọi sự tự nhiên quá. Họ được biết Chúa từ nhỏ nhưng lại không chịu khó vun trồng đức tin, thành ra dù có được gieo nơi đất tốt, hạt giống cũng khó lòng lớn lên được vì thiếu sự chăm sóc. Ngược lại, đối với anh chị em mới theo Đạo, đức tin của họ là một đức tin trưởng thành. Họ đến với Chúa bằng một sự tự nguyện. Mà nhờ vậy, họ hiểu rõ và yêu mến những giá trị quí báu của đức tin.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến những người ngoại giáo đã thực hiện những cuộc trở lại ngoạn mục như thế.

Người đầu tiên ấy là cha giáo tập của tôi. Ngài là một người sắc tộc thiểu số ở Indonesia. Sống trên vùng núi trùng điệp, ở cái độ tuổi 14, ngài đã may mắn gặp được các nhà thừa sai đến truyền giáo ở khu vực của mình. Cậu bé mới 14 tuổi nhưng đã có lòng mến Chúa cách kì lạ. Bất chấp sự cấm cản của gia đình, và nhất là người ông nội, cậu bé ấy vẫn quyết định chịu phép Dìm để trở nên con cái Chúa. Người ông giận tím mặt, đuổi cậu ra khỏi nhà. Cậu được những người hàng xóm cưu mang và đến khi đủ tuổi, đã gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế. Chúa dùng ngài một cách thật kì lạ. Sau khi chịu chức, bề trên sai ngài đi du học và làm việc chẳng những cho Dòng Chúa Cứu Thế Indonesia mà còn cho cả vùng Á-Úc. Sau hơn 10 năm làm giám tập cho nhà tập của Dòng ở Philippines, nay ngài trở về đất nước của mình để làm nhà đào tạo, tiếp tục huấn luyện các thế hệ trẻ.

Người thứ hai hiện lên trong đầu tôi là một vợ chồng cô giáo dạy tiếng Anh người Singapore. Một lần qua sự giới thiệu của bạn bè, cô đến với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để tham dự giờ hành hương kính Đức Mẹ. Ơn Chúa tác động thế nào ấy mà sau đó không lâu, cô cùng chồng cùng gia nhập Hội Thánh. Cô lại còn sang Philippine để học thần học với mong ước được phục vụ Hội Thánh cách đắc lực hơn. Hiện giờ, cô và chồng qua Việt Nam cũng được mười mấy năm rồi. Sứ mạng của họ là đi dạy tiếng Anh cho các cha, các thầy, các sơ ở nhiều Dòng tu, chủng viện tại Việt Nam. Họ yêu mến, say mê làm việc này vì họ biết đây là nhu cầu rất lớn của giáo hội Việt Nam và thấy hạnh phúc khi được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình.

Nếu chỉ nói chuyện về người nước ngoài, có lẽ sẽ là không công bằng với người Việt Nam. Tôi xin kể tiếp ba người đạo theo mà tôi từng được gặp.

Người thứ nhất là một ông trùm của một họ đạo ở vùng núi Tây Bắc. Ông là người sắc tộc thiểu số và theo đạo vì lí do kết hôn. Ấy vậy mà, vợ chồng ông lại trở thành những người đứng mũi chịu sào, hỗ trợ cho các cha trong công việc truyền giáo ở vùng biên cương. Khó khăn bủa vây từ mọi phía, nhưng nhờ có công lớn của ông mà ngọn lửa đức tin vẫn còn được thắp sáng nơi núi rừng xa xôi. Ông còn dâng hiến một phần đất của gia đình để dựng nhà thờ cho cộng đoàn.

Người thứ hai là một Việt kiều tại Úc, theo đạo cũng vì lí do hôn nhân. Lần đầu gặp anh, tôi không nghĩ anh là đạo theo bởi anh là một thành viên năng nổ, tích cực hầu việc Chúa, và là một thành viên của ban lãnh đạo của cộng đồng. Phải đến khi nói chuyện với chị nhà, tôi mới biết anh không phải là đạo gốc. Anh chia sẻ: Đi đạo thấy nhiều điều hay quá, nhất là sự gắn kết giữa con cái Chúa.

Một người khác tôi từng gặp cũng đặc biệt không kém. Khi đến thăm nhà, tôi thấy trên bàn thờ gia tiên vẫn để ban thờ Phật. Tôi ngạc nhiên vì cứ nghĩ chị là đạo gốc, thì được chị giải thích: Mình để đó để thắp hương cho bố mẹ, bố mẹ chị theo đạo Phật. Chị kể: Hồi ấy gặp một linh mục, mình có nhiều thắc mắc lắm, hỏi ngài đủ thứ chuyện đông tây trên trời dưới bể. Thế rồi, đến thời điểm Chúa định, chị đã tin nhận Chúa và thậm chí có giai đoạn còn gia nhập một Dòng Tu. Nhưng vì bố mẹ già không có người chăm lo, nên chị đành trở về phụng dưỡng cho đến khi các ngài khuất bóng. Cho đến bây giờ chị vẫn độc thân và giữ lời khấn riêng với Đức giám mục.

Những con người mà tôi kể trên là một số ít trong số rất nhiều người đón nhận Chúa ở độ tuổi trưởng thành. Không phải cứ sinh ra là người có Đạo thì mặc định là người biết và yêu mến Chúa. Cũng không phải ai theo đạo cũng rơi vào tình trạng “Lấy Được Vợ, Tôi Thôi Nhà Thờ”. Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa vẫn dư tràn, chan chứa tuôn đổ trên người đạo gốc lẫn người tân tòng. Vấn đề là, người ta có mở lòng ra đón nhận, và chịu khó nuôi dưỡng cái mầm Đức tin nơi mình hay không mà thôi.

=Duc Trung Vu Cssr=

***


Ảnh minh họa: 26 anh chị em Dự tòng lãnh nhận các Bí tích gia nhập Đạo Công Giáo trong Thánh lễ Chúa nhật lúc 8g00 sáng ngày 25/06/2017, tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà.