TẤM VẠT GIƯỜNG – Tiểu Tử-TRUYỆN THÁNG TƯ

 Tiểu Tử

Hồi đó, tôi làm mướn cho ông Cả Bảy. Mấy ngày đầu, ngày nào cũng chèo xuồng qua bên kia sông để giữ ruộng cho ổng. Hồi ổng kêu tôi làm việc cho ổng, ổng nói: «Hổng có gì, nhưng có mặt mầy ở bển tụi nó không dám phá lúa!.» Ổng nói ‘phá’ để tránh nói ‘ăn cắp’ nghe… nặng lỗ tai!

Mà thiệt! Công việc hổng có gì gọi là nặng nhọc. Tôi treo võng giữa hai cây gáo lớn cạnh bờ sông, rồi nằm tòn ten trên đó ca tới ca lui mấy câu vọng cổ, lâu lâu trèo lên cây gáo ngồi nhìn ruộng lúa minh mông kéo dài tới rừng tràm nằm phía trong xa, xa cỡ đôi ba dậm hú. Đó là chiều sâu. Còn chiều ngang là nằm dài theo con sông Cái, có con rạch No làm ranh phía trên, chỗ tôi treo cái võng, và con rạch Bù Xu làm ranh phía dưới. Từ rạch No muốn nhìn thấy rõ rạch Bù Xu phải xè bàn tay đưa lên ngang mày che bớt ánh sáng! Nói như vậy, để thấy ruộng ông Cả Bảy lớn biết ngần nào…

Lần đầu tiên đi với ông Cả Bảy qua ruộng để ‘nhận việc’, thấy minh mông thiên địa như vậy, tôi hết hồn, nói:

– Trời đất! Mút chỉ như vậy, mình con coi sao thấu!

Ông Cả Bảy cười khì khì:

– Tao chỉ cần mầy qua bển cho có mặt hằng ngày chớ đâu có biểu mầy đi đánh lộn với tụi lưu manh đâu! Cái lũ đó hễ thấy có người canh ruộng là tụi nó rút đi chỗ khác hè!

Ngừng một chút để suy nghĩ rồi ổng nói:

– Tàm tạm vài bữa rồi tao cho đám thằng Hai Lưa ở trại hòm qua cất cho mầy cái chòi nhỏ có tháp canh cao phía trên, để có chỗ cho mầy đụt mưa đụt nắng.

Có lẽ thấy tôi còn… ngơ ngơ nên ổng nói tiếp:

– Trên tháp canh sẽ có cái ống tre lớn làm cái mõ. Hễ mầy thấy có bóng người vô ruộng thì mầy cứ gõ mõ liên hồi là nó chạy. Hiểu chưa?

Vậy là ít lâu sau, tôi có cái chòi tranh vách lá, có chỗ để treo võng, có chỗ để nấu cơm, phía trước có cây cầu ván chờm ra sông để tắm gội…

Qua mùa lúa đó, ông Cả Bảy kêu tôi, nói:

– Tao thấy mầy tuy côi cút một thân một mình mà làm việc siêng năng nên tao thương. Tao cho mầy một miếng đất bên ruộng để mầy cất nhà rộng rộng, còn lo cưới vợ nữa chớ!

Vậy rồi mấy hôm sau, ổng dẫn nhóm chú Hai Lưa trại hòm qua ruộng của ổng, đo đạc cặm nọc để cho tôi miếng đất nằm cạnh vàm rạch No, còn chỉ chỗ cho chú Hai Lưa cất cho tôi cái nhà nền đất nóc tôn vách ván nữa! Tôi cảm động nghẹn lời, ấp úng nói mấy tiếng cảm ơn mà cũng không tròn chữ tròn câu… Ông Cả cười cười:

– Mầy lo đốn cây làm rào dậu, trồng trỉa cho thành khoảnh đi, rồi tao kiếm cho mầy một con vợ!

Nói xong, ổng cười ha hả, khoái chí!

…Ông Cả Bảy có hai người con trai đi học bên Tây rồi ở luôn ở bển. Từ ngày bà Cả nằm xuống, ổng vẫn sống cu ky một mình trong cái nhà sàng tổ chảng nằm cạnh trại hòm và trại cưa của ổng. Ổng thôi làm cả trong ban hội tề từ lâu nhưng trong làng vẫn gọi ổng là Cả. Nghe nói ổng ‘quen lớn’ dữ lắm, thấy mấy ông Quận ông Tỉnh thường ghé nhà ổng chơi hay cùng đi bắn le-le… Hồi tôi tới tuổi đi quân dịch, ổng nói: «Mầy yên tâm lo canh ruộng, còn vụ nầy, để tao lo.» Vậy rồi mươi hôm sau, ổng trao cho tôi tờ hoãn dịch!

… Cất nhà xong, chú Hai Lưa vỗ vai tôi, nói:

– Tao có một cái giường đôi bằng gỗ không xài, để tao chở qua cho mầy. Có điều là nó chỉ còn có mấy thanh ngang chớ không có tấm vạt giường, tại mấy thằng con tao nó lấy cưa ra làm sạp cho ghe của tụi nó. Mầy chịu khó đạp xe vô Xóm Mới nói thằng Ba Kiên đương cho cái vạt bằng tre, rẻ hơn cái vạt gỗ mà nằm lại êm hơn gấp bội.

Ngừng một chút rồi ổng vò đầu tôi, nói:

– Chừng cưới vợ, nhớ cho tao nhậu với nghen!

Tôi nói ‘Cám ơn chú’, lí nhí nghe chừng không rõ lắm!

… Cái gường đó ráp vô rồi thấy rộng rinh. Mình tôi ngủ thì cần gì đến tấm vạt? Vậy là tôi thả lên hai tấm ván đủ cho tôi nằm, sung sướng vì nghe thẳng lưng hơn nằm võng!

Tôi ngủ không có tấm vạt giường như vậy cho đến hết mùa lúa năm đó thì tôi gặp ‘Nàng’… Cũng do Trời xui Đất khiến!

Nàng tên là Huệ, mồ côi cha, con của bà Năm Căng ở xóm Lò Gạch. Nàng làm công cho lò gạch ông Tám Tiếu. Nhờ đi chở gạch để ông Cả cho sửa lại cái đầu bờ kè trước nhà nên tôi gặp nàng. Gặp là tôi hạp nhãn liền! Trời! Con gái nhà quê gì mà nước da trắng bóc, còn thân hình thì cân đối thon thả kèm theo tướng đi lượn là cứ bắt người ta phải nhìn theo!

… Vậy rồi nàng và tôi quen nhau. Vậy rồi, ngày một ngày hai, tôi đạp xe đến lò gạch. Không có gì: chỉ cần gặp nàng để nói đôi ba câu không đầu không đuôi, rồi chèo xuồng về nhà bên kia sông, trèo lên vọng gác ngồi ngẩn ngơ suốt buổi!

… Vậy rồi, tôi nghĩ đến tấm vạt giường! Vậy rồi, tôi đạp xe vô Xóm Mới đặt chú Ba Kiên đương cho tấm vạt giường bằng tre. Tuần lễ sau, tôi cuốn tròn tấm vạt chở về nhà trải lên cái giường gỗ, nhìn nó mà nghe lòng phơi phới. Bởi vì đó là lần đầu tiên tôi sắm một món đồ tuy không có giá trị gì nhiều nhưng lại mang đầy ý nghĩa…

… Để tránh tai mắt, tôi và nàng thường hẹn gặp nhau ở đường lên chùa vì đường đó vắng người và có mấy bụi tre lớn giao tàn che nắng. Hai đứa đứng nói chuyện ‘trên trời dưới đất’ cả canh, nàng hay cầm lấy cành tre non đầy lá vươn ra cạnh chỗ nàng đứng, lắc qua lắc lại như để đánh nhịp khi nàng nói, mắt nàng nhìn bụi tre, nhìn con dốc lên chùa chớ ít khi nhìn tôi. Vậy mà sao tôi vẫn nghe lòng phơi phới như được nàng nhìn thẳng vào mắt!

… Bây giờ thì rõ ràng tôi đã thương nàng, càng ngày càng thương đậm! Mà giữ riết trong lòng thì ấm ức quá đi! Chắc phải nói ra cho nàng biết, rồi ra sao thì ra! Vậy rồi một hôm đứng cạnh bụi tre đã thành quen thuộc, tôi làm gan nói:

– Huệ à! Anh nói thiệt, Huệ đừng giận nghen! Anh thương Huệ quá rồi Huệ à!

Nàng bỗng quay sang nhìn tôi, tay vẫn còn vin cành tre non, hỏi bằng một giọng nhẹ như tiếng gió trong lùm tre trước mặt:

– Vậy sao?

Chỉ có hai tiếng nghe ngơ ngớ kỳ kỳ như vậy mà tôi lại thấy như là một sự chấp nhận! Tôi bước lại gần nàng, nàng vẫn nhìn vào mắt tôi, cập môi mấp máy như muốn nói gì mà hai vành tai ửng đỏ. Đúng lúc đó, tôi hửi được mùi con gái của nàng làm tôi choáng váng ngầy ngật. Trời ơi! Tôi muốn ôm đại nàng để siết chặt lại trong tôi, bởi vì chỉ có làm như vậy tôi mới nói được tôi thương nàng biết ngần nào… Nhưng tôi lại sợ làm ẩu, rủi nàng không hiểu rồi giận rồi vùng vằng bỏ đi tuốt thì chắc tôi… chết quá! Tôi ráng kềm tôi lại, nuốt nước miếng mấy lần mới nói được:

– Huệ à…

Nàng ‘dạ’, tiếng ‘dạ’ nghe như chờ đợi. Nàng không còn nhìn tôi mà quay về với cành tre non. Lần nầy, nàng bứt từng chiếc lá tre rồi bỏ rơi xuống đất, giống như nàng đếm lá!

– Huệ à! Anh muốn xin cưới Huệ…

Nói tới đó tôi bỗng nghe… hụt hơi! Nàng im lặng bứt từng chiếc lá… Một lúc, tôi hỏi:

– Mà Huệ có ưng không?

– Biết đâu nà!

Tôi ráng sức nói một hơi:

– Anh làm công cho ông Cả Bảy. Anh có nhà có đất ở bên kia sông. Anh được hoãn dịch không phải đi lính. Anh sẽ nhờ ông Cả đánh tiếng qua má của Huệ để xin cưới. Mà Huệ phải cho anh biết coi Huệ có ưng hay không, cái đã!

– Ờ… Thì vậy!

Rồi, có lẽ thấy câu trả lời không mấy rõ nên nàng nói thêm:

– Tính sao cũng được!

Tôi mừng quá, nắm đại bàn tay nàng vứa lắc vừa cám ơn rối rít! Nàng bỗng quay qua nhìn tôi, mỉm cười. Trời! Cái cười của nàng sao mà đẹp hết nói! Tôi như bị hốt hồn, cầm chắt bàn tay của nàng mà tưởng chừng như đang cầm cây sào cắm xuống lòng rạch để giữ cho xuồng đừng theo con nước mà bỏ bờ…

Đêm đó, trải chiếc chiếu trên tấm vạt giường, tôi nằm lên mà nghe mát rượi. Tôi nghĩ: rồi đây, hai đứa sẽ nằm chung một vạt giường. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm tôi sung sướng đi vào giấc ngủ. Cuộc đời sao dễ thương quá hổng biết?

Chuyện của nàng và tôi chưa ai biết hết thì xảy ra vụ Tháng Tư 1975. Lúc đó, nghe tin dân miền trung chạy rần rần vô nam, ông Cả Bảy kêu tôi, nói:

– Chuyến nầy, mầy đi giùm tao xuống Cần Thơ. Tao có con em mấy chục năm nay theo chồng ở dưới. Địa chỉ nó đây.

Ổng đưa tôi miếng giấy có ghi tên họ, số nhà, tên đường:

– Tao nhờ mầy ôm một số tiền xuống đưa cho tụi nó, biểu tụi nó lo chạy về đây ở với tao sớm sớm cho có anh có em. Có gì cũng còn có nhau còn hơn là đứa một nơi người một ngả, loạn lạc nầy không biết đâu mà rờ. Tao có biểu tụi thằng Hai trại hòm qua ở nhà mầy, vừa giữ giùm nhà vừa coi ruộng luôn. Đừng lo!

… Vậy là tôi lặn lội xuống Cần Thơ tìm người em gái của ông Cả. Bà nầy có sạp vải ở chợ Cần Thơ, ông chồng là thiếu tá hải quân. Khi tôi tìm ra được bả thì có tin thiên hạ ở Sài Gòn đang chạy di tản, làm dân chúng Cần Thơ cũng rối ren hối hả xuống ghe xuống xuồng tranh nhau đi.

Ông thiếu tá hải quân hốt hết gia đình đem lên tàu chiến, kéo tôi theo luôn! Đứng trên tàu, tôi nhìn đồng ruộng chạy lùi về phía sau mà chết điếng ở trong lòng, không biết làm sao báo tin cho ông Cả Bảy và nhứt là cho Huệ…

… Vậy rồi sau thời gian nằm trên đảo của quân đội đồng minh, tôi định cư ở Mỹ, tiểu bang Cali. Tôi làm công cho một tiệm ăn Việt Nam ở khu Sài Gòn Nhỏ, rửa chén quét dọn lau nhà… Lương lậu không bao nhiêu nhưng được bà chủ cho ở trong một phòng nhỏ nằm cạnh nhà bếp, ở để làm gác-dan cho bả luôn!

Thời gian sau, khi đã ổn định đời sống, tôi có gởi thơ về nhưng không thấy hồi âm. Tôi biết làng tôi nhỏ bé lại nằm tuốt trên vùng Ngọn – gọi là ‘Ngọn’ bởi vì nằm trên ngọn sông Vàm Cỏ – giáp ranh với đất Cao Miên. Hồi thời trước, trong làng không có nhà bưu điện nên mỗi tuần một lần ông Sáu làm biện trong làng phải đạp xe xuống quận cách đó mười mấy cây số để lấy thơ ở nhà bưu điện đem về để trong nhà làng. Dân chúng cứ tự động đến coi trong đống thơ, cái nào mang tên mình thì lấy, có khi lấy giùm hàng xóm hay họ hàng bạn bè nữa! Tôi nghĩ chắc bây giờ cũng vậy thôi, thơ tôi gởi không đến tay Huệ thì làm gì có hồi âm được?

Dầu vậy, tôi vẫn tin tưởng rằng nàng không bao giờ quên tôi, cũng như tôi lúc nào cũng nghĩ tới nàng. Tôi hay nghe mấy người có đọc sách nói ‘Lời thề trăm năm.’ Nàng và tôi đâu có thề thốt gì đâu, nhưng câu nói ‘Tính sao cũng được’ và cái mỉm cười tiếp theo sau đó của nàng ở đường lên chùa hồi tôi ngỏ ý xin cưới… tôi đã khắc ghi vào lòng. Như vậy, chẳng phải là một ‘Lời thề trăm năm’ hay sao?

Nhứt định tôi sẽ trở về Việt Nam để cưới Huệ. Để hai đứa cùng nằm chung một vạt giường, cái vạt giường đương bằng thanh tre già chuốt giẹp giẹp, nằm vừa êm vừa mát. Để thấy cái mà mấy người biết đọc sách gọi là ‘Hạnh phúc lứa đôi’ đối với tôi, nó chỉ vỏn vẹn là sự sung sướng được chia đôi với người mình thương một tấm vạt giường… Mà muốn được vậy, tôi phải có tiền. Vậy là tôi để dành tiền, cắc ca cắc củm!

Nhờ hỏi thăm mấy người có về Việt Nam nên tôi đã ước lượng được số tiền cần thiết để làm đám cưới và để hai vợ chồng tôi có một số vốn làm ăn. Vậy mà phải năm năm sau tôi mới có tàm tạm đủ! Chừng đó, tôi mới dám ‘lên kế hoạch’: nhờ ông Cả Bảy làm chủ hôn bên đàng trai, rước dâu về nhà của ổng, đãi đằng hai họ ở đó, xong rồi tôi chèo xuồng đưa cô dâu về nhà bên kia sông để tôi khoe với nàng tấm vạt giường mà tôi sắm cho hai đứa, từ hơn sáu năm nó vẫn nằm chờ…

Ngồi trên máy bay về Việt Nam, trong đầu tôi sắp xếp. Trước tiên là về nhà tôi để nghỉ ngơi cho tỉnh mỉnh. Sáng hôm sau sẽ đi thăm ông Cả Bảy, còn xế chiều thì qua nhà nàng vì giờ đó nàng mới từ lò gạch về nhà, tôi sẽ bất thần bước vô nói lớn: «Huệ ơi! Huệ! Anh về rồi nè!. » Tưởng tượng đến đó, tôi bỗng ứa nước mắt! Đầu óc tôi tự nhiên sao mù mờ. Làm như bao nhiêu năm nay tôi chỉ chờ có như vậy! Tôi thấy tội nghiệp tôi, tội nghiệp nàng: nếu không có cái ngày nghiệt ngã 30 Tháng Tư 1975 thì làm gì hai đứa phải cắn răng chịu đựng khắc khe cỡ nầy?

…Làng tôi bây giờ lạ hoắc. Không phải có thêm đường ngang nẻo dọc mà thấy đầy cờ xí biểu ngữ, loa trên loa dưới ồn ào không giống cái gì hết!

Tôi xuống xóm chợ nhờ một chị chèo xuồng mướn đưa tôi sang sông.

Khi xuồng vừa cặp vô cây cầu ván thì có con chó chạy ra sủa râng, rồi hai ông bà già từ trong nhà bước ra dòm. Té ra là chú thím Hai Lưa hồi xưa chủ trại hòm của ông Cả Bảy! Chú Hai nhìn ra tôi ngay. Ổng la lên:

– Trời đất ! Mầy còn sống hả? Ở đâu mà về vậy?

– Dạ ở Mỹ.

– Cha… xa ớn há!

Rồi chú lật đật vừa la chó vừa bước xuống cầu phụ tôi đem hành lý lên. Trước nhà thấy có phơi chiếc chiếu với hai ba cái gối. Trong nhà vẫn như xưa, cái giường gỗ vẫn nguyên chỗ cũ với tấm vạt giường tôi đem về từ trong Xóm Mới. Chỉ có thêm là hai cái võng nằm song song gần đó, còn thì bàn ghế tủ v.v… không có gì thay đổi. Tôi xúc động đến nghẹn lời. Chú Hai nói:

– Mầy uống miếng trà rồi nằm võng nghỉ lưng. Trong làng tưởng mầy chết rồi chớ, đâu dè… Để tao kể mầy nghe…

Vậy rồi chú nằm trên võng cạnh tôi, vừa hút thuốc vừa kể:

– Hôm mầy đi Cần Thơ, cha con tao theo lời ông Cả biểu, thay phiên nhau qua đây giữ nhà giữ ruộng. Kế đó, tụi nó – tụi cách mạng ớ\ ! – tràn vô làng, bắt hết hội đồng xã, bắt luôn ông Cả Bảy trói bằng kẽm gai thành một dọc, chở đi mất. Rồi tụi nó chiếm hết, nhà cửa đất đai ruộng vườn, đuổi tụi tao ra để lấy trại hòm. Nhờ có cái nhà của mầy mà tụi nầy dọn qua ở tạm. Tao và hai thằng con tao cất thêm cho cái chòi giữ ruộng rộng ra để đồ đạc của tụi tao và để hai thằng con tao có chỗ hành nghề thợ mộc của tụi nó. Hai thằng nầy coi vậy mà gan\ ! Tụi nó vượt biên rồi định cư ở Úc. Bây giờ, tụi nó có xưởng mộc ở bển, coi bộ làm ăn khá\ ! Thấy lâu lâu gởi tiền về nhờ thằng bạn tụi nó ở thành phố chạy Honda lên đưa! … À ! Mầy biết hông? Tụi cóc cắn cách mạng có kêu tao về trại hòm làm cho tụi nó, tao đấm thèm! Mầy nghĩ coi: trại hòm mà cũng bày đặt trương biểu ngữ đề ‘Hạ quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch của Nhà Nước.’ Mẹ !… Hòm chôn người chết mà cũng vô kế hoạch nữa thì khùng hết nước nói!

Còn chuyện nầy chắc mầy chưa biết: con Huệ, con bà Năm Căng…

Hai tiếng ‘Con Huệ’ làm tôi giật mình. Tôi nhỏm dậy, lắng tai nghe. Chú nói tiếp:

– Mấy tháng sau giải phóng, không biết nó nghe lời ai mà ôm gói xuống thành phố nói kiếm việc làm rồi lặn mất luôn cho đến năm ngoái đây, nó trở về mà đi bằng xe hơi nhà có tài xế, trên băng sau có người đàn ông có vẻ ông chủ. Mầy biết, trong làng chỉ có thằng Cói gia nhân của ông Cả Bảy là được ổng sắm cho chiếc Honda để đưa ổng đi đây đi đó, chớ đâu có ai có xe hơi. Vì vậy, khi con Huệ đi xe hơi thẳng vô xóm Lò Gạch là thiên hạ để ý. Bà Năm Căng kể lại nói bả nhìn nó không ra, tưởng là một bà nhà giàu nào đó đi lầm nhà! Chừng nó xưng tên, mẹ con nó và bầy em nó ôm nhau khóc làm hàng xóm chạy qua mừng cũng rớt nước mắt. Nó đem cho má nó hai bao đồ rồi nhét trong túi áo má nó một cộc tiền. Sau đó, nó chỉ nói được có mấy tiếng ‘Con lạy má! Con lạy má!’ rồi vừa khóc vừa chạy vội ra xe lên ngồi cạnh ông người á-đông ở băng sau, tài xế rồ máy chạy ào đi gấp. Từ đó tới giờ không có tin tức gì hết!. Còn đồ nó cho má nó toàn là tơ lụa mắc tiền nằm kín trong từng bao ni-long có in nhiều chữ tàu. Thầy Ba trên chùa đọc rồi nói đó là sản phẩm cao cấp của Thượng Hải…

Tôi ngả người nằm xuống võng mà nghe lùng bùng hai lỗ tai, chết điếng ở trong lòng. Chú Hai Lưa hỏi:

– Mầy còn nhớ con Huệ hông?

Tôi ‘dạ’, tiếng dạ bị nước mắt trào lên chận ngang. Tôi nuốt xuống mà nghe miệng mồm đắng chác. Không kềm được nữa, tôi đưa hai tay lên bụm mặt. Chắc chú Hai Lưa thấy, hiểu, nên nghe chú tằng hắng một tiếng rồi làm thinh…

Trên máy bay trở về Mỹ, tôi nhìn qua cửa sổ thấy nhà cửa ruộng đồng cây cối mờ lần mờ lần rồi mất hút… mà tôi nghe buồn rười rượi. Ở tuốt dưới đó, trong một làng quê nằm xa mút trên vùng đất Ngọn, tôi đã bỏ lại một tấm vạt giường, tấm vạt giường tưởng để nằm chung với người con gái nhà quê mà tôi thương, đâu ngờ chuyện hai đứa chưa kịp thành duyên thành nợ thì nàng đã như chiếc xuồng bỏ bờ mà trôi theo nước, đành đoạn trôi theo nước…

Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm, giờ nghĩ lại sao thấy quá khù khờ! Dầu vậy, tôi vẫn muốn gặp nàng, gặp một lần thôi, để chỉ hỏi có một câu: «Tại sao?… Tại sao?… Tại sao?… »

Nghĩ đến đó, tự nhiên tôi trào nước mắt…

Tiểu Tử

From:TU-PHUNG

NO THOẢ VÔ TẬN-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”.

Cha linh hướng của chị Catarina Siêna kể, “Một hôm, có việc phải đi sớm, tôi không dâng lễ. Chiều về, Catarina đến thưa, “Thưa cha, con đói lắm!”. Tôi hiểu, chị muốn rước Chúa. Tôi nói, “Nhọc lắm, không dâng lễ được”. Catarina buồn bã rời đi; nhưng vài phút sau, trở lại, thưa như trước. Không thể cầm lòng, tôi ra kéo chuông và dâng lễ. Lạ lùng thay, khi vừa bẻ Mình Thánh làm hai, một nửa trong tay tôi biến mất. Tôi lo sợ tìm kiếm, nhưng Catarina nói, “Chúa đã đến với con!”. Quả thực, lúc ấy, mặt chị sáng như mặt thiên thần”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Con đói lắm!”. Cơn đói của chị thánh Catarina Siêna – ‘cơn đói của linh hồn’ – sẽ được Chúa Giêsu khai triển trong Tin Mừng hôm nay. Ngài nói đến cơn đói siêu nhiên; đồng thời, nói đến “lương thực thường tồn”, đem lại sự ‘no thoả vô tận!’.

Trước hết, thật hữu ích khi bạn và tôi xem xét những lời của Chúa Giêsu trong bối cảnh của nó. Kìa, mới hôm qua, Ngài làm phép lạ bánh cá hoá nhiều để nuôi hàng ngàn người; và bây giờ, họ muốn điều đó tái diễn. Nhân dịp này, Chúa Giêsu bắt đầu dạy họ về Bí tích Thánh Thể và Ngài cũng muốn làm như thế cho bạn và tôi!

Vậy bạn đói khát điều gì nhất? Có lẽ bạn có nhiều thức ăn, hoặc cũng có thể là không. Nhưng như Catarina, một khi xác định được cơn đói sâu xa nhất của mình ngay giờ này – đói Giêsu – bạn hãy cho phép Ngài nói với bạn về “Bánh Ban Sự Sống”. Hãy nói với Ngài, “Đó đúng là cơn đói của con!”. Sau đó, hãy để linh hồn lắng nghe Ngài, “Ta muốn ban cho con nhiều hơn nữa. Ta là những gì con thực sự mong đợi. Hãy đến với Ta, con sẽ ‘no thoả vô tận!’”. Đây là nội dung diễn từ Chúa Giêsu đã nói với đám đông đương thời trong suốt chương 6 Tin Mừng Gioan.

Đừng quên, Thánh Thể có khả năng biến đổi bạn ở mức độ sâu xa nhất! Bởi lẽ, chúng ta thường đến với Bí tích này cách uể oải và hay sao nhãng; kết quả là, bạn và tôi thường không thực sự tiếp nhận Chúa Giêsu ở mức độ mang lại niềm vui, sự phấn khích, cũng như sự ‘no thoả vô tận’ sâu sắc nhất. Như Catarina Siêna, Têphanô – mặt sáng như mặt thiên thần – cho thấy sự no thoả đó khi ông sắp phó linh hồn cho Chúa, “Kìa, tôi thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” – bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con!”.

Anh Chị em,

“Ai đến với tôi, không hề phải đói!”. Thánh Thể, Bánh Ban Sự Sống cho con người không còn phải đói chính là Chúa Kitô. Đó là quà tặng có khả năng không chỉ nâng đỡ tâm hồn và thể xác mà còn lôi kéo chúng ta vào những niềm vui lớn nhất của thiên đàng. Bánh Ban Sự Sống mang lại ý nghĩa và niềm hy vọng cho hành trình thường xuyên quanh co của cuộc sống; đồng thời, trao cho chúng ta một nhiệm vụ – đến lượt chúng ta – làm thoả mãn cơn đói tinh thần và vật chất của anh chị em mình, bằng cách loan báo Tin Mừng cho khắp thế giới. Nhờ đó, linh hồn bạn và linh hồn bao người được ‘no thoả vô tận’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đói lắm! Bao anh chị em con trong thế giới này đói lắm! Cho con no thoả Chúa và con sẽ đi đến tận mút chân trời, mang Chúa đến cho anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

SỰ THINH LẶNG CỦA THIÊN CHÚA TRƯỚC SỰ DỮ – Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Các thần học gia đôi khi cố gói gọn ý nghĩa sự sống lại của Chúa Giêsu bằng một câu: “Trong sự phục sinh, Thiên Chúa chứng thực cho Chúa Giêsu, cho cuộc sống, sứ điệp và lòng trung tín của Ngài.”  Như vậy nghĩa là gì?

Chúa Giêsu đi vào thế gian để rao giảng về đức tin, tình yêu và sự tha thứ, nhưng thế gian không đón nhận.  Thay vào đó, thế gian đóng đinh Ngài trên thập giá, và hành động đó dường như cũng là chế giễu thông điệp của Ngài.  Chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất nơi thập giá, khi Chúa Giêsu bị sỉ nhục, chế giễu và thách thức: Nếu ông là con Thiên Chúa thì xuống khỏi đó đi!  Nếu thông điệp của ông là đúng, thì để Thiên Chúa xác nhận ngay đi!  Nếu lòng trung tín của ông không phải chỉ là sự cứng đầu và ngu muội của con người, vậy tại sao ông lại chết trong tủi nhục?

Thiên Chúa đáp lại thế nào với những lời chế nhạo này?  Dường như Ngài chẳng có đáp lại gì, chẳng có bình luận, biện hộ, biện giải, phản bác gì, chỉ có thinh lặng.  Chúa Giêsu chết trong thinh lặng.  Cả Chúa Giêsu lẫn Thiên Chúa mà Ngài tin đều không cố gắng lấp đầy hố thẳm ghê gớm đó bằng một lời an ủi hay giải thích nào, không thách thức con người nhìn vào bức tranh tổng thể hay nhìn vào những mặt tươi sáng hơn.  Hoàn toàn không có gì.  Chỉ có thinh lặng.

Chúa Giêsu chết trong thinh lặng, trong thinh lặng của Thiên Chúa và trong vô tri của thế gian.  Và chúng ta bực bội trước sự thinh lặng này, cũng như chúng ta bực bội bởi cái dường như chiến thắng của sự dữ, đau đớn và thống khổ nơi trần gian.  Thiên Chúa dường như thinh lặng trước sự dữ và cái chết, điều này có thể làm chúng ta bực bội mãi: như trong cuộc diệt chủng Do Thái, những cuộc diệt chủng sắc tộc, những cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo, trong những trận động đất và sóng thần cướp đi hàng ngàn sinh mạng và tàn phá nhiều quốc gia, trong cái chết của vô số người vì ung thư và vì bạo lực, trong những bất công của cuộc đời, trong lề thói của những người vô lương tâm có thể hủy hoại cả một lãnh vực cuộc sống mà không chịu hậu quả gì.  Trong mọi chuyện này, Thiên Chúa ở đâu?  Câu trả lời của Ngài là câu trả lời nào?

Câu trả lời của Thiên Chúa là sự phục sinh, sự phục sinh của Chúa Giêsu và sự phục sinh mãi mãi của sự thiện trong chính sự sống.  Nhưng sự phục sinh không nhất thiết là sự giải cứu.  Thiên Chúa không nhất thiết giải cứu chúng ta khỏi những tác hại của sự dữ, hay thậm chí là sự chết.  Sự dữ làm việc của nó, thiên tai là thiên tai, và những kẻ vô lương tâm có thể hủy hoại khi họ đang bị ngọn lửa thiêng của sự sống thôi thúc.  Thông thường, Thiên Chúa không can thiệp.  Biển Đỏ rẽ làm đôi không phải là chuyện chúng ta thấy hàng ngày.  Thiên Chúa để những người Ngài yêu thương chịu đau khổ và chết, cũng như Chúa Giêsu để cho Lazarô bạn của Ngài chết và Thiên Chúa để cho Chúa Giêsu chết.  Sau đó, Thiên Chúa cứu chuộc, nâng chúng ta lên, trong một chứng thực sâu sắc hơn, trường tồn hơn.  Hơn nữa, sự thật của tuyên bố này còn có thể được kiểm nghiệm.

Bất chấp mọi thể hiện ngược lại, đến cuối cùng, tình yêu chiến thắng hận thù.  Hòa bình chiến thắng hỗn loạn.  Tha thứ chiến thắng chua cay.  Hy vọng chiến thắng yếm thế.  Trung tín chiến thắng tuyệt vọng.  Đức hạnh chiến thắng tội lỗi.  Lương tâm chiến thắng nhẫn tâm.  Sự sống chiến thắng cái chết, sự thiện chiến thắng sự dữ, luôn là vậy.  Mohandas K. Gandhi đã viết: “Khi tôi tuyệt vọng, tôi nhớ lại mọi chuyện đã trải qua suốt dòng lịch sử, chân lý và tình yêu luôn chiến thắng.  Có những kẻ sát nhân và bạo chúa, và chúng dường như bất khả chiến bại suốt một thời gian.  Nhưng đến tận cùng, chúng luôn sụp đổ.  Cứ nghĩ đi, luôn là thế.”

Sự phục sinh đã chứng thực điều đó một cách mạnh mẽ nhất.  Đến cuối cùng, Thiên Chúa là người phán quyết.  Sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là phán quyết đó.  Từ tro tàn của hổ thẹn, của cái dường như là thất bại và cái chết, một sự sống bất diệt mới thâm sâu hơn tuôn trào vĩnh viễn.  Đức tin của chúng ta bắt đầu từ chính lúc mọi sự dường như kết thúc, từ trong cái dường như là sự thinh lặng của Thiên Chúa trước sự dữ.

Và điều này yêu cầu chúng ta điều gì?

Trước hết, đơn giản là yêu cầu chúng ta tin vào sự thật của sự phục sinh.  Sự phục sinh yêu cầu chúng ta tin vào điều mà Gandhi đã xác nhận, cụ thể là, đến cuối cùng, sự dữ sẽ không có quyền phán quyết.  Nó sẽ thất bại.  Sự thiện cuối cùng sẽ chiến thắng.

Cụ thể hơn nữa, sự phục sinh yêu cầu chúng ta đánh cược vào tin tưởng và sự thật, tin tưởng rằng lời Chúa Giêsu dạy là đúng.  Đức hạnh không ngây dại, kể cả khi bị sỉ nhục.  Tội lỗi và yếm thế mới ngây dại, kể cả khi chúng có vẻ đang chiến thắng.  Những ai đã dùng lương tâm mà cúi mình trước Thiên Chúa và tha nhân, thì sẽ tìm được ý nghĩa và niềm vui, kể cả khi họ bị tước đi một số lạc thú thế gian.  Những ai vô lương tâm múc lấy và thao túng sinh lực thần thiêng thì sẽ không tìm được ý nghĩa sự sống, kể cả khi họ đã nếm trải lạc thú.  Những ai sống trung thực bằng mọi giá, thì sẽ tìm được tự do.  Những ai dối trá và lý luận sẽ thấy mình bị cầm tù trong sự ghét mình.  Những ai sống trong tin tưởng thì sẽ tìm được tình yêu.  Có thể tin tưởng sự thinh lặng của Thiên Chúa, kể cả khi chúng ta chết trong đó.  Chúng ta cần phải giữ vững sự thành tín trong tình yêu, tha thứ và lương tâm, bất chấp tất cả đang cho rằng chúng ta làm thế là ngây dại.  Chúng sẽ cho chúng ta điều sâu thẳm nhất trong sự sống.  Đến cuối cùng, Thiên Chúa chứng thực cho đức hạnh.  Thiên Chúa chứng thực cho tình yêu.  Thiên Chúa chứng thực cho lương tâm.  Thiên Chúa chứng thực cho sự tha thứ.  Thiên Chúa chứng thực cho sự trung tín.  Đến tận cùng, Thiên Chúa chứng thực cho Chúa Giêsu và chứng thực cho cả chúng ta nếu chúng ta vẫn giữ lòng trung tín.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim


 

Một ngày không vội-vã!!!

– BẬN-RỘN! Lam cho ta không có bình-an và hạnh-phúc!!!

– BẬN-RỘN! Làm cho sự hành-xả của ta vụng-dại!!!

– BẬN-RỘN! Làm cho cái hiểu-biết của ta khô-cằn!!!

– BẬN-RỘN! Làm cho sự sống của ta ngắn lại!!!

– BẬN-RỘN! Khiến ta không thấy được cái đẹp của người ta thương yêu!!!

– BẬN-RỘN! Khiến ta đi trên đường như ma rượt!!!

Đời-sống bận-rộn là đời-sống… bất-hạnh nhất trên đời!!!

Thế đấy! Nhưng con người ai ai cũng luôn tìm đủ mọi lý-do để mà… BẬN-RỘN!!!

Và rồi một ngày kia! Thử hỏi có ai mang theo được cái “BẬN-RỘN!” về bên kia thế-giới???

– Hãy biết dừng lại!

– Hãy biết ngơi-nghĩ!

– Hãy tập thanh-thản!

– và buông-xả, thảnh-thơi!!!

… Thì khi cái ngày ấy đến! Chúng ta mới có thể ra đi với cái “‘Tâm’ … KHÔNG… BẬN-RỘN!!!”.

Chúc mỗi người trong cuộc-đời! Luôn có được những ngày… không vội-vã!!!

From: haiphuoc47& NguyenNThu

Tình yêu ở một hình hài khác

Tình yêu trở lại ở một hình hài . Không bao giờ thiếu vắng.

Một lần, trong khi đi dạo ở Berlin, Đức, nhà văn nổi tiếng người Tiệp Franz Kafka (1883-1924) thấy một cô bé đang khóc. Ông hỏi điều gì đã xảy ra thì được biết là cô bé đã đánh mất ở đâu đó con búp bê mà bé yêu thích nhất. Kafka bèn cùng cô bé đi tìm con búp bê nhưng không thấy. Ông bảo cô bé rằng ông sẽ gặp bé vào ngày hôm sau để tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Ngày hôm sau, họ gặp nhau và khi cuộc tìm kiếm tiếp tục không có kết quả, Kafka đưa cho cô bé một lá thư mà ông bảo là con búp bê đã viết. Lá thứ viết: “Đừng khóc nhé. Tôi đang đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Tôi sẽ viết thư cho cô để nói về chuyến phiêu lưu của mình”. Thế là, một câu chuyện đặc biệt sẽ kéo dài đến cuối cuộc đời Kafka. Trong những lần gặp lại cô bé, ông đều đưa cho bé những lá thư viết về những cuộc phiêu lưu mà ông tưởng tượng ra về các hành trình của con búp bê. Cô bé cảm thấy vui hơn và rất thích các câu chuyện.

Một lần nọ, trong một lần gặp lại cô bé ở Berlin, ông đưa cho cô bé một con búp bê mà ông đã mua. Ngay lập tức, cô bé nói: “Đấy không phải con búp bê của cháu”. Kafka đưa cho cô một lá thư khác, trong đó con búp bê viết “các chuyến đi đã làm thay đổi tôi”. Cô bé liền ôm lấy con búp bê và vui vẻ mang nó về nhà. Một năm sau đó, ông mất ở tuổi 41 vì bệnh lao thanh quản.

Nhiều năm sau, cô bé, khi đó đã lớn, tìm thấy một mẩu giấy nhỏ có chữ ký của chính Kafka giấu bên trong con búp bê. Lá thư viết: “Mọi điều mà cháu yêu quý có lẽ rồi sẽ mất đi, nhưng cuối cùng, tình yêu sẽ trở lại trong một hình hài khác”.

Hãy cứ yêu cuộc đời, cuộc đời sẽ yêu lại bạn. Hạnh phúc cũng không phải là sự thiếu vắng của những khổ đau, những nỗi thất vọng và những lần tim vỡ, mà là sự trải nghiệm một tổng hoà của những cảm xúc. Và, một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng, mọi thứ rồi sẽ tan vào hư vô, chỉ còn tình yêu ở lại…

From: Tu-Phung


 

 Nguyễn Duy Hưng, đàn em Vương Đình Huệ, bị bắt

Ba’o Dat Viet

April 15, 2024

Nguyễn Duy Hưng

Vụ bắt Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch tập đoàn Thuận An xác nhận tin đồn rằng ông này là đàn em Vương Đình Huệ, và khả năng ông Huệ mất ghế chủ tịch Quốc hội giờ chỉ còn tính bằng ngày.

Báo đảng vào đêm 15/4 cho hay, Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch tập đoàn Thuận An, bị Bộ Công an bắt với cáo buộc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”.

Hưng bị bắt, khởi tố cùng hai thuộc cấp, và ba lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Tuy vậy, chi tiết về sai phạm của sáu bị can không được tiết lộ.

Bộ Công an chỉ cho biết rằng đang “mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.”

Từ vài ngày trước, trong lúc Vương Đình Huệ đang thăm Trung Quốc, mạng xã hội dấy lên tin đồn Nguyễn Duy Hưng là đàn em của Huệ.

Vụ bắt giữ Nguyễn Duy Hưng do vậy tương tự vụ bắt Đặng Trung Hoành, chánh văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, dẫn đến vụ Võ Văn Thưởng ngã ngựa hồi tháng trước do nhận “lót tay” 64 tỷ đồng, khi ông này còn làm bí thư tỉnh Quảng Ngãi.

Một nguồn tin từ Hà Nội nói với báo Đất Việt rằng khả năng Vương Đình Huệ mất chức còn nhanh hơn Thưởng, và tứ trụ trong vòng vài ngày tới sẽ chỉ còn… nhị trụ.


 

 Vinfast bị 2 hãng luật kiện tại New York

Ba’o Dat Viet

April 15, 2024

Vụ kiện tập thể nhắm vào VinFast cáo buộc rằng các bị cáo trong suốt 4 tháng cuối năm 2023 và tháng đầu năm 2024 cũng như trong các tài liệu chào bán đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật và/hoặc gây nhầm lẫn và/hoặc không tiết lộ rằng: VinFast thiếu vốn để thực hiện chiến lược tăng trưởng.

Hai hãng luật nổi tiếng đã đệ đơn kiện tập thể hãng xe điện VinFast của Việt Nam theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ, đồng thời tìm kiếm nguyên đơn chính cho vụ kiện này.

Đài địa phương ABC4 của tiểu bang Utah dẫn thông cáo báo chí từ hãng luật Pomerantz hôm 12/4 cho biết, một vụ kiện tập thể đã được đệ trình chống lại công ty VinFast (mã cổ phiếu VFS) và một số lãnh đạo nhất định tại Tòa án Quận Hoa Kỳ, Quận phía Đông New York và được ghi trong hồ sơ số 24-cv-02750.

Hãng luật này thông báo, những ai là cổ đông đã mua hoặc mua lại chứng khoán VinFast trong thời gian từ ngày 15/8/2023 đến ngày 17/1/2024 có thể yêu cầu Tòa án bổ nhiệm làm Nguyên đơn chính của vụ kiện, có thời hạn đến ngày 11/6/2024.

Công ty luật Robbins Geller cũng có thông cáo báo chí cho biết thêm, vụ kiện có tên là “Comeau kiện VinFast Auto Ltd.” theo Đạo luật Chứng khoán năm 1933và Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934.

Trang web Justia Dockets & Filings – chuyên cung cấp hồ sơ kiện tụng công khai từ tòa phúc thẩm liên bang và tòa án quận, cho biết bị đơn của vụ kiện này là công ty xe điện VinFast ở Mỹ cùng với hàng loạt các lãnh đạo như Phạm Nhật Vượng, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Nguyễn Anh Thư, Nguyễn Thị Vân Trinh… và tòa cũng đã ban hành lệnh triệu tập.

Trong khi đó, nguyên đơn là Jeremie Comeau và thẩm phán chủ tọa là Robert M Levy.

Hãng luật Robbins Geller cho biết, cáo buộc của vụ kiện này là VinFast tự mô tả mình là “một nền tảng di chuyển toàn diện, sáng tạo, tập trung chủ yếu vào thiết kế và sản xuất xe điện, xe máy điện và xe buýt điện cao cấp.”

Trước khi sáp nhập, VinFast hoạt động như một công ty mua lại có mục đích đặc biệt được giao dịch công khai (SPAC hoặc công ty séc trắng).

Vụ kiện tập thể nhắm vào VinFast cáo buộc rằng các bị cáo trong suốt 4 tháng cuối năm 2023 và tháng đầu năm 2024 cũng như trong các tài liệu chào bán đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật và/hoặc gây nhầm lẫn và/hoặc không tiết lộ rằng: VinFast thiếu vốn để thực hiện chiến lược tăng trưởng; VinFast sẽ không thể đạt mục tiêu giao hàng năm 2023; và theo đó, VinFast đã cường điệu hóa sức mạnh của mô hình kinh doanh và năng lực hoạt động cũng như triển vọng kinh doanh và/hoặc tài chính sau sáp nhập.

Vụ kiện tập thể VinFast còn cáo buộc rằng vào ngày 15/10/2023, Bloomberg đã xuất bản một bài báo có tựa đề “VinFast mở rộng sang Đông Nam Á, huy động thêm vốn”, trong đó tiết lộ rằng VinFast sẽ cần huy động “rất nhiều vốn” để tiếp thêm cho kế hoạch mở rộng toàn cầu của mình và sẽ “dựa vào sự hỗ trợ (tài chính) từ công ty mẹ VinGroup và người sáng lập Phạm Nhật Vượng trong 18 tháng tới.”

Trước thông tin này, giá cổ phiếu phổ thông của VinFast đã giảm hơn 18%, theo đơn khiếu nại.

Sau đó, vào ngày 18/1/2024, đơn khiếu nại tiếp tục cáo buộc rằng VinFast tiết lộ rằng họ đã giao tổng cộng 34.855 xe điện vào năm 2023, không đạt được mục tiêu giao hàng hàng năm là 40.000-50.000 chiếc. Giá cổ phiếu của VinFast cũng đã giảm theo sau tin tức này.

Hồi tháng 11 năm ngoái, hai hãng luật tư nhân tại Mỹ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd cùng với Pomerantz ra thông báo tìm kiếm khách hàng có nhu cầu điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán liên bang Mỹ của công ty VinFast.

Khi đó, bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách pháp chế Công ty VinFast, cho rằng việc kiện tụng tại Mỹ là hết sức bình thường, sẵn sàng cho kiện tụng từ khi bắt đầu triển khai kinh doanh tại Mỹ và VinFast “luôn hướng tới việc công bố thông tin minh bạch tới nhà đầu tư tại thị trường.”

Khi sáp nhập với mục đích phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq vào tháng 8/2023, cổ phiếu VFS nhanh chóng đạt đỉnh hơn 92 USD/cổ phiếu nhưng chỉ còn khoảng 5 đô la ở thời điểm hai công ty này thông báo tìm kiếm khách hàng để kiện.

Cho đến nay, cổ phiếu của công ty xe điện này đã đâm thủng đáy 4 đô la và chỉ còn khoảng 3,6 USD/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch chiều 12/4.

(Theo RFA)


 

Sự thụt lùi vĩ đại qua vụ sập hầm đường sắt

Ba’o Tieng Dan

Nguyễn Thông

15-4-2024

Vụ sập hầm đường xe lửa (đường sắt, hỏa xa) chui qua đèo Cả khiến mạch giao thông này bị tê liệt, ách tắc đã mấy hôm nay, và chưa biết sẽ còn tắc tới khi nào, nói lên điều gì?

Một nước dài thoòng như nước ta, cả 3.000 cây số, thì đường sắt liên vận là quan trọng nhất, kinh tế nhất. Chính vì thế người Pháp đã bắt tay làm đường sắt ngay sau khi đã tạm ổn định cuộc chinh phục. Những đoạn đường, tuyến đường cuối cùng họ làm cũng đã có tuổi cả thế kỷ. Đường sắt là thứ công trình kỳ vĩ số 1 mà người Pháp đã xây dựng và để lại cho xứ An Nam. Nói chính xác, không có “thực dân Pháp” thì không có đường sắt Việt Nam.

Vậy nhưng, sau khi đánh đuổi được đế quốc to Pháp, người cộng sản hầu như chỉ biết tiếp thu sử dụng sản phẩm có sẵn ấy, khai thác triệt để, chứ không làm thay đổi, phát triển được bao nhiêu. Nói ngay cái khổ/ cỡ đường, cho tới giờ, sau cả trăm năm, vẫn hẹp như cũ. Các toa tàu vẫn phần lớn kiểu cũ, vệ sinh xả thải ngay xuống nền đường ray. Tốc độ thậm chí còn chậm hơn tàu thời Pháp. Mua được cái vé xe lửa để xuyên Việt, để về quê dịp lễ tết còn khổ hơn bị trời hành, v.v…

Công trình giao thông vĩ đại như thế, cái hầm qua đèo Cả vừa bị sụp chẳng hạn, rồi hầm Hải Vân, hầm đèo Ngang… cả thế kỷ bị khai thác tối đa mà không nghĩ tới bồi bổ gia cố nó, thì nó phải sụp thôi. Tất nhiên họ sẽ đổ cho trời, tại địa chất này nọ.

Đường sắt lộ thiên bị sụp, bị ngập lụt, dù hư hỏng cách mấy cũng dễ khắc phục trong thời gian ngắn, nhưng ở hầm hẹp khó bề xoay trở thì đừng nghĩ cứ có quyết tâm và tinh thần cách mạng tiến công là được.

Hầm Bãi Gió (đèo Cả) là ví dụ. Mấy ngày rồi, cũng chưa biết khi nào mới xong, xong rồi có dám chạy lại không. Mà khi nó đã rệu rã sau trăm năm bị lợi dụng mà không bồi bổ thì chẳng riêng đoạn sụp ấy đâu, nhiều đoạn khác đang chờ tới lượt. Rồi những hầm khác nữa cũng đang xếp hàng chờ an nghỉ sau trăm năm phục vụ. Bóc lột chúng mãi, tất nhiên tới lúc chúng phải đình công bằng cách… sụp.

Tôi nói thật, với những cái hầm tuổi bách niên như thế, nói phỉ phui cái miệng, tàu đang chui vào giữa mà nó sụp cái ầm thì sau đó chỉ còn cách họp bàn rút kinh nghiệm. Hầm Bãi Gió chính là lời cảnh báo, là lời nhắc nhở của ông trời chứ không phải đùa.

Sau hai phần ba thế kỷ tiếp thu sự cai trị đất nước này, với ngành đường sắt, người cộng sản đã để lại dấu ấn về sự thụt lùi vĩ đại, kể từ khi “nhà mày có khỉ già lắm”.


 

Việc “Đạo đức bình dân” quan trọng thế nào?-Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy nhiệt huyết để phục vụ Chúa và tha nhân nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 15/04/2024

GIÁO LÝ:  Việc “Đạo đức bình dân” quan trọng thế nào? Lòng đạo đức bình dân được biểu lộ qua sự tôn kính các thánh tích, rước kiệu, đi hành hương và các loại tôn sùng khác, đó là những việc giúp ta nhận ra tầm quan trọng của việc đức tin phải hội nhập vào văn hóa. Đó là việc tốt, bao lâu còn tùy thuộc vào Hội thánh, và đưa dẫn tới Chúa Kitô, chứ không nhằm để “vào” Thiên đàng nhờ các việc đó, mà không cần nhờ tin vào ơn Chúa. (YouCat, số 274)

SUY NIỆM: Đạo đức bình dân là một trong những sức mạnh của

chúng ta, vì nó diễn tả những lời cầu nguyện ăn sâu vào tận thâm tâm con người. Ngay cả những người đã xa Hội thánh, hoặc không có cảm thức nhiều lắm về đức tin, cũng có thể xúc động vì những hình thức cầu nguyện đó. Chỉ cần “làm cho sáng tỏ” các cử chỉ đó và “thanh tẩy” cái truyền thống đó, để tất cả được hội nhập trong đời sống Hội thánh. (Đức Bênêđictô XVI, 22-2-2007, YouCat, số  274 t.t.)

LẮNG NGHE: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, xin giúp con luôn làm cho danh Chúa được sáng tỏ qua những việc đạo đức bình dân mà con thực hiện trong ngày, và xin đừng để con làm một cách máy móc qua loa hình thức nhưng với một con tim yêu mến và tin tưởng vào Chúa.

THỰC HÀNH: Đọc kinh hàng ngày với một tấm lòng chân thành đầy niềm xác tín nhé.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=R5mUmESSOiI

Niềm Xác Tin Của Con – Nguyễn Hồng Ân

 

CƠN ĐÓI CỦA LINH HỒN-(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh!”.

Allen Gardiner trải qua nhiều gian khổ khi truyền giáo tại Picton, cực nam Nam Mỹ. Năm 1851, ở tuổi 57, ông qua đời. Thi thể ông được tìm thấy với cuốn nhật ký ghi lại những trải nghiệm về đói, khát và cô đơn. Dòng cuối cùng cho thấy sự vật lộn của bàn tay run rẩy khi ông cố sức để viết cho dễ đọc, “Tôi choáng ngợp với cảm giác về sự tốt lành của Thiên Chúa, và đó là điều duy nhất thoả mãn cơn đói của linh hồn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Cơn đói của linh hồn’ Gardiner được Chúa Giêsu chỉ ra trong Tin Mừng hôm nay, đó là “đói chính Ngài, sự tốt lành của Thiên Chúa!”. Ngài là “Lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh!”. Vậy bạn đang nỗ lực làm việc cho lương thực nào? Loại “mau hư nát?”, hay loại “thường tồn?”.

Nhìn chung quanh, chúng ta nhận ra rằng, có rất nhiều nguồn cung cấp ‘lương thực’ không đến từ Thiên Chúa và xem ra, chúng có vẻ hấp dẫn. Một số người nuôi dưỡng bản thân bằng tiền bạc; số khác, bằng thành công và danh tiếng; số khác nữa, bằng quyền lực và kiêu hãnh. Vậy mà, ‘lương thực’ đích thực thoả mãn ‘cơn đói của linh hồn’ chỉ có thể là Giêsu, ‘Lương Thực’ đến từ trời!

Chúa Giêsu coi trọng “lương thực hay hư nát” cho nhu cầu thể chất; Ngài không chịu được cảnh hàng ngàn người phải đói giữa đồng vắng. Ngài cho họ ăn, chữa lành bệnh tật; Ngài kêu gọi người giàu chia sẻ cho người nghèo. Tuy thế, Ngài cũng tiết lộ cho chúng ta một chân trời không thuộc thế giới này; Ngài muốn chúng ta đi đến tận cuối chân trời đó, ở đúng vị trí của Ngài, để có thể nhìn thấy vinh quang “Con Một của Chúa Cha”, cũng là “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”, chính Ngài! Ngài kêu gọi những kẻ kiếm tìm Ngài hãy để cho mình đói một cơn đói sâu xa hơn, cơn đói tinh thần, ‘cơn đói của linh hồn’ mà chỉ mình Ngài có thể thoả mãn. Đó là tin vào Ngài.

Têphanô, người đã được Thánh Thần dẫn đến tận cuối chân trời đó. Kìa! Ông ngước mắt lên và nhìn thấy “vinh quang Thiên Chúa và Đức Giêsu đứng bên hữu”. Ở đó, ‘cơn đói của linh hồn’ vị phó tế được no thoả; người ta thấy “mặt ông như mặt thiên sứ” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát!”. Khi chúng ta ra công làm việc, phép lạ ‘bánh hoá ra nhiều’ vẫn tiếp tục xảy ra. Nhưng như những người đương thời với Chúa Giêsu, bạn và tôi hãy không ngừng hỏi, “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” và chúng ta hãy nghe cho được câu trả lời của Chúa Giêsu, “Hãy tin vào Đấng Người đã sai đến!”; nói cách khác, “Hãy đói khát Giêsu!”. Thú vị thay, chính Chúa Giêsu cũng đang thực sự đói khát chúng ta; Ngài mong chờ tình yêu của của chúng ta. Ước gì, chúng ta không ngừng tìm đến với Chúa Giêsu, chuyên cần rước lấy Thánh Thể Ngài; vì chỉ nơi Ngài, ‘cơn đói của linh hồn’ mới được thoả mãn; cũng chỉ nơi Ngài, ‘cơn đói của Ngài, của Thiên Chúa và của con người’ được no thoả!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết đói khát Chúa vì biết rằng, Chúa cũng đang đói khát linh hồn con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

Làm mưa, cầu mưa được không?- Chu Mộng Long

Ba’o Tieng Dan

Chu Mộng Long

13-4-2024

Thế giới tư bản với khoa học kỹ thuật tự cho là hiện đại nhưng không làm được công việc của Trời. Nhưng các nước xã hội chủ nghĩa thì làm được tất. Làm mưa làm gió là chuyện nhỏ.

Thời cải cách ruộng đất cho đến hợp tác hoá nông nghiệp có câu ca:

Ông thần ông thánh thì dẹp một bên,

Để cho ông Đội bước lên làm Trời.

Ông Đội từng làm mưa làm gió đến mức “long trời lở đất”. Bọn địa chủ bị dìm chết trong bão lũ. Khi học lớp 4, chúng tôi từng học bài thơ Trời đành chịu thua:

Ngày xưa hạn hán cầu trời,

Ngày nay hạn hán thì người trị ngay…

Tôi nhớ cu Khoa còn sáng tác cả một bản Trường ca Đi đánh giặc hạn. Không gì con người mới xã hội chủ nghĩa không làm được. Không ngẫu nhiên mà Bộ Dục đặt mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện 5 phẩm chất 10 năng lực, đến mức Đấng Toàn năng là Trời cũng thua!

Những năm 80, tôi học cấp ba, cô giáo dạy môn chính trị kể chuyện lãnh tụ Lê Duẩn thăm Liên Xô về với tuyên bố, Liên Xô làm mưa nhân tạo được, 10 năm sau Việt Nam ta cũng làm được. Tôi mừng vì mơ cái viễn cảnh thoát khỏi đêm đêm đi tát nước gàu sòng.

Năm 2007, báo nhà nước đăng tuyên bố của Viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn, rằng 3 năm sau, tức 2010, các nhà khoa học Việt Nam đủ khả năng thay trời làm mưa. Hiện tại, tức thời điểm của tuyên bố, họ đã thử nghiệm thành công ở Hà Nội.

Ảnh chụp màn hình bài báo Tiền Phong, dẫn lời PGS TS Trần Thục, cho biết, năm 2010 Việt Nam có thể làm mưa nhân tạo

Tôi hình dung Hà Nội từ đó đến nay thường xuyên ngập lụt là do các nhà khoa học ‘thổ đu’ làm mưa quá tay!

Mãi cho đến nay mới có công văn của Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật chi viện một ông Trời cho miền Nam. Mừng quá! Hóa ra nhiều ông Trời bị giấu ở ngoài Bắc, nay mới lộ ra?

Có điều công văn nói “chưa kiểm chứng” là thế nào? Chẳng lẽ lâu nay chuyện làm mưa làm gió hại dân là có thật, còn làm mưa để chống hạn chỉ là bốc phét? Không chỉ bốc phét mà còn lừa đảo để moi ngân sách hoặc moi tiền dân cúng cho các ông Trời bằng da bằng thịt đó sao?

Ảnh chụp văn bản của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp, thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật, gửi Chi cục Thủy lợi TP.HCM hôm 2-4, giới thiệu “người có khả năng cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng”. Nguồn: MXH