Tạ ơn Trời, cám ơn đời

Tạ ơn Trời, cám ơn đời

Tác giả: Phùng Văn Phụng 

 Suy tư nhân ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) ở nước Mỹ  

Hôm qua, ngày 21 tháng 11 tôi gặp lại người bạn thân quen gần 20 năm, là giáo sư toán ở Vĩnh Long, anh nhìn tôi chỉ cười, tôi hỏi anh có khoẻ không, anh cũng chỉ cười và không trả lời.Tôi thấy nụ cười rất hiền từ nhưng có cái gì đó bất ổn. Tôi hỏi vợ anh đang đi bên cạnh:

– Anh khoẻ không chị?

Chị vợ trả lời: Anh bị bịnh mất trí nhớ và bị bịnh rung tay. Tôi lớn hơn anh hai tuổi.

*   *     *     *

Tôi tạ ơn Trời, tạ ơn Thiên Chúa, đấng tối cao đầy quyền năng, đã cho tôi sống được tới tuổi này (75) tôi không có bịnh gì nhiều, sức khỏe tốt, mặc dầu tôi cũng từng bị bỏ đói triền miên gần 8 năm trong các trại tù của cộng sản từ năm 1975 đến 1983.

Cũng nhờ bị bỏ đói lâu ngày như thế để tôi cảm nghiệm được rằng thức ăn rất quý và nhờ đó mới có cảm nghiệm rằng, sau khi bị bỏ đói, không ăn cơm lâu ngày, khi gia đình gởi gạo ra, được ăn cơm với muối, cảm giác ngon kỳ lạ, tưởng chừng như ăn cơm với đường cát.

Tôi xin cám ơn ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã sinh ra tôi sống ở miền quê nghèo nàn làng Đông Thạnh, quận Cần giuộc, tỉnh Long An, để tôi biết thông cảm với bà con nông dân chất phác, cực nhọc làm ruộng hai mùa mưa nắng.

Tôi được may mắn sống trong hai chế độ tư bản tự do và chế độ độc tài cộng sản để tôi có thể so sánh chế độ nào đem lại bình an, ấm no, hạnh phúc thực sự cho người dân.

Tôi cũng được may mắn sống trong thời kỳ mà ít có ai dám nghĩ tới là nhìn thấy sự tan rã hàng loạt của các chế độ độc tài từ Ba Lan, Đông Đức, Hung, Tiệp Khắc, Roumanie, Albanie và tại cái nôi của chủ nghĩa cộng sản là Liên sô trong những năm 1990-1991.

Tôi cũng cám ơn Trời đã cho tôi sống trong các trại cải tạo gần 8 năm qua các trại Long Thành, Thủ Đức, trại trung ương số 1 Lào Cai, trại Vĩnh Phú K3 và K4, trại Hà Nam Ninh. Vì nếu bị giam giữ dưới ba năm thì không thể được đinh cư tại Hoa Kỳ.

Tôi cũng cám ơn Chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã giúp đỡ, cho gia đình tôi đến bến bờ tự do, trợ cấp chỗ ở và thức ăn trong 8 tháng để chúng tôi hội nhập vào đời sống ở Mỹ.

Suốt 25 năm sống ở Mỹ tôi chưa bao giờ bị một nhân viên cảnh sát nào vào nhà hỏi thăm. Chẳng bù những ngày tôi ra tù 1983-1993, từ công an thành phố, công an phường, công an khu vực, Ủy ban nhân dân phuờng tôi ở, thường xuyên theo dõi tôi làm gì, đi đâu, tiếp xúc với ai, tại sao nhiều sĩ quan chế độ cũ đến nhà như vậy?

Tôi cũng cám ơn bạn bè, bà con đã giúp đỡ tôi trong những ngày đầu tiên đến Houston. Giới thiệu chỗ làm, chỉ dẫn từng việc nhỏ như đỗ xăng, mua tem, làm giấy “social”, thi bằng lái xe, hướng dẫn mọi điều tôi chưa biết vì mọi việc đối với tôi đều xa lạ, bỡ ngở.

Cám ơn bà xã, các con đã nổ lực tối đa để ổn định cuộc sống nơi xa lạ là nước Mỹ này.

So với những ngày đầu đến Mỹ cách nay 25 năm, phải đi xe bus trong mùa đông giá lạnh, phải học tập, làm việc cật lực, phải tiết kiệm tối đa để lo cho mọi sinh hoạt điện, nước, bảo hiểm xe…cùng để dành tiền lo cho, có một căn nhà để ở và môt chút tiền gởi về gia đình ở Việt Nam.

Cám ơn những bạn bè, cựu giáo sư, cựu học sinh trường Lương Văn Can đã chia xẻ tâm tình, an ủi nhau trong những lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Tôi xin cám ơn khách hàng đã tin tưởng ủng hộ tôi trong 24 năm qua, và cũng cám ơn những người vì nghi ngờ hay hiểu lầm đã nặng nhẹ, gây gỗ, chửi bới tôi, nhưng cũng nhờ đó tôi học được tính kiên nhẫn, lòng khoan dung, có giận hờn đó nhưng rồi quên và tha thứ vì cần học “yêu kẻ thù”(1) như Chúa dạy.

Tôi cố quên thời gian cộng sản đã đày tôi đi biệt xứ, nhốt tôi trong những vùng rừng thiêng, nước độc, bỏ đói tôi, tôi đi ra đồng để cuốc đất, trồng khoai lang, khoai mì không muốn nỗi, bị cảm hoài, tưởng chết vì kiệt sức.

Tôi cũng tập quên, tập tha thứ khi bị chửi bới, nặng nhẹ. Tôi đã có kinh nghiệm, thông thường những người chửi bới nặng nhẹ tôi đều có tâm hồn bất ổn. Hay có những lý do riêng vì gia đình bất hoà, vì tức giận vợ (chồng) hay đang bị bịnh nan y hay bị bất ổn tâm lý do bị ngược đãi, mang từ trong trại cải tạo cộng sản vẫn còn ám ảnh, ảnh hưởng đến tâm hồn họ. Do đó, tôi là đối tượng để họ có cơ hội trút nổi giận hờn, đau đớn lâu ngày trong tâm hồn họ. Đó là một rủi ro nghề nghiệp hay đó cũng là thử thách mà Thiên Chúa đưa đến để mình học tập tính kiên nhẫn, tha thứ, yêu thương?

Nhân ngày lễ Tạ Ơn, xin cám ơn tất cả.

Ngày 22 tháng 11 năm 2018

Tác giả: Phùng Văn Phụng 

(1) Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em (Mt5,44)

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay