Một thời Ma Quỷ

Một thời Ma Quỷ

Huy Phương

Một người hóa trang thành am quỷ trong ngày hội Halloween ở New York. (Hình: Drew Angerer/Getty Images)

Halloween của nước Mỹ lại sắp đến rồi. Bạn đã chuẩn bị gì cho ngày lễ này chưa? Tích cực thì trang trí nhà cửa, vườn tược, sân trước với đầu lâu, xương xóc, máu me, mạng nhện, dây treo cổ, bia mộ và bí ngô tạc hình đầu lâu. Nhiều nhà còn dùng cả sân trước để dựng nên một nghĩa trang giả với hàng chục bia mộ R.I.P. Đây là những con người muốn sống chung với ma quỷ?

Bình thường thì chúng ta chuẩn bị vài bịch kẹo để chờ bọn trẻ gõ cửa “Trick or Treat,” coi như trả nợ Quỷ Thần. Ghét Halloween thì tối 31 Tháng Mười, đóng cửa tắt đèn, đi ngủ hay để thiên hạ xem như chủ nhân vắng nhà, khỏi bị lũ trẻ quấy rầy.

Halloween mỗi năm mỗi thiếu an toàn, trẻ con đi ngoài đường dễ bị tai nạn, kẹo độc, kẻ xấu lợi dụng đêm lễ mang mặt nạ ma quỷ, hóa trang xâm nhập tấn công, cướp bóc các tư gia. Trẻ em bị ngộ độc vì kẹo có thể truy tìm viên kẹo này từ gia đình nào? Cả trăm chuyện rắc rối!

Hollywood cũng đã ăn nên làm ra nhờ Ma Quỷ và tâm lý quần chúng cũng thích chuyện rùng rợn. Ngay trong thời hiện đại ngày nay, những phim kinh dị vẫn còn hốt bạc. Cuốn phim nổi tiếng Halloween 2018 vừa có một cuộc chiến thắng tuyệt vời. Phim do David Gordon Green đạo diễn và thực hiện bởi ba nhà văn Green, Jeff Fradley, and Danny McBride. “Halloween” chiếu tại 3,920 rạp Bắc Mỹ,  kết thúc ba ngày cuối tuần qua với ước tính $77.5 triệu tiền vé. Theo đó, tác phẩm của xưởng Blumhouse và nhà phát hành Universal trở thành tựa phim kinh dị bị gắn nhãn R có mở màn cao thứ hai lịch sử thị trường này, chỉ sau phim IT (1986) theo truyện của nhà văn Stephen King với số thu $123.4 triệu.

Không đi vào chi tiết từ đâu mà có Halloween, Halloween được mặc nhiên xem như một ngày lễ của Ma Quỷ, Thần Linh và những người đã chết! Đối với Đông Phương, theo quan niệm của Khổng Tử “kính nhi viễn chi” (kính trọng mà không nên gần gũi). “Kính quỷ thần nhi viễn viễn chi, khả vị trí hĩ,” nghĩa là đừng có mê tín, đừng cầu xin quỹ thần điều gì cả. Nhưng thời nay vẫn có người thích lạy lục cây đa, cây đề, khấn vái nơi am, miễu và thích chơi với Ma Quỷ, đầu lâu và mộ chí.

Trong những ngày lễ lớn của Hoa Kỳ, tôi cho ý nghĩa nhất là ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), Giáng Sinh (Christmas), và Valentine. Là một người lính cũ tôi rất quan tâm đến hai ngày lễ khác là Veterans Day (Ngày Cựu Chiến Binh) và Memorial Day (Ngày Chiến Sĩ Trận Vong).

Còn ngày Lễ Ma Quỷ? Ma Quỷ mà cũng có ngày lễ nữa hay sao?

Chuyện gì chứ chuyện rùng rợn, máu me, chết chóc, trong đất nước Việt Nam, từ ngày thơ ấu, thời Việt Minh, tôi đã chứng kiến cảnh đầu lâu người cắm vào thanh tre dựng bên đường, thây người bị xử tử nằm giữa chợ, xác người trôi sông và cảnh người bị trói bị chặt đầu với bản án dán trên người. Những cảnh mà ngày nay, nước Mỹ không cho trẻ em mục kích, phải xoá bỏ hay làm mờ đi, thì ngày đó, vì không có ai bịt mắt tôi, nó gây cho tôi một ấn tượng kinh hoàng.

Mỗi đêm tối, nghe tiếng chó sủa, là người tôi co rúm lại, không bao giờ dám mở cửa ra vườn để đi tiểu tiện.

Lớn lên, ngày còn là một học sinh trung học, tôi đi với cha tôi vào nhà “Vĩnh Biệt” để nhìn mặt người anh cô cậu của tôi, khóa 1 Sĩ Quan Đập Đá, mới ra trường nửa tháng, còn mang cấp bậc chuẩn uý, đã tử trận đưa về. Tôi nhìn anh, cả một vùng ngực đẫm máu, và khuôn mặt xám xịt của một người chết! Trưởng thành, động viên vào quân trường, tôi cũng đã có dịp thấy bạn bè chết thảm trong một tai nạn súng cối, mới tươi cười đó, một mảnh đạn phá nát khuôn mặt non trẻ của bạn tôi.

Mặc dầu tôi không phải là một người lính trận mạc để thấy xương máu mỗi ngày, nhưng Mậu Thân đó, với những đầu lâu bị đập vỡ, những thân thể dân lành mục nát trong bùn đất, cánh tay bị trói khuỷu bằng những đoạn lạt tre hay dây điện thoại và mùi thối của xác chết vẫn đeo đuổi tôi trong những ngày sau đó. Rồi Mùa Hè Quảng Trị, trên đoạn đường gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng” với xác người vung vãi, máu xương bám vào vệ đường hay trên những chiếc xe bị pháo tan nát.

Rồi cuộc di tản trên tỉnh lộ 7B từ Phú Bổn về Tuy Hòa vào trung tuần Tháng Ba năm 1975 bi thảm, với xác người banh thây, chôn vùi bởi đất cát, cây rừng và dòng nước sông Ba.

Rồi cuộc lui binh cuối Tháng Tư, với bao nhiêu người nằm lại trên những bãi biển miền Trung, để gió cát và trùng dương rửa sạch da thịt, chỉ còn lại những bộ xương rời rã và những chiếc đầu lâu lăn lóc.

Thì đó, Việt Nam khốn cùng là một hình ảnh của những gì người ta muốn dựng nên, tìm đủ yếu tố rùng rợn, máu me, chết chóc cho một mùa lễ Halloween. Một người Việt Nam trải qua bao nhiêu biến cố thảm thương trong cuộc chiến tranh khốn nạn khởi xướng bởi một thứ ma quỹ thời nay, thì đâu có cần những cảm giác mạnh như người ta đang cố dựng nên cho một ngày Halloween vô lối của nước Mỹ nữa.

Biết bao nhiêu linh hồn oan khuất chết oan trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, bao nhiêu mạng sống oan khiên bị đập đầu cắt cổ “ngày Giải Phóng,” ngày nay không siêu thoát, hiện thân thành những kẻ mang lốt người, nhưng lòng dạ ma quỷ đang thống trị đất nước chúng ta hôm nay. Còn những phận người bị vùi dập, còn những linh hồn oan khuất, còn những nhà tù rên xiết, địa ngục là cảnh giới của mùa lễ Halloween, thì người Việt chúng ta đâu có cần tái lập địa ngục một lần nữa.

Năm nay, đêm Halloween trên đất Mỹ, tôi sẽ không tốn một đồng để trang trí căn nhà thành nơi của ngạ quỷ, súc sanh, sẽ không tốn một đồng để mua kẹo cho cho bọn trẻ thích hoá trang hải tặc, Satan. Tôi sẽ đóng cửa, tắt đèn, đi ngủ sớm và xin tất cả cùng cầu nguyện cho thế giới bình an, đất nước tôi sớm thoát cảnh dân oan với bảy tầng địa ngục với bọn mang búa, liềm nhân danh tự do, độc lập.

 (Halloween 2018 – Huy Phương)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay