Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi niềm,

 Suy Tư Chúa nhật thứ 30 thường niên năm B 28/10/2018

(Mc 10: 46-52)

Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Batimê, con ông Timê. Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

“Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi niềm,”

“Không u ám như cõi lòng ma quỷ.”

(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Sáng láng, mù loà, hoặc u uẩn, vẫn là trạng huống tâm linh con người lâu nay còn gặp. Gặp, cả vào lúc Chúa đến thăm, như trình thuật hôm nay còn nói rõ.

Trình thuật thánh Mác-cô, nay nói về tình trạng mù loà và sáng láng, ở con dân. Tình trạng ấy, vẫn cứ thấy trong lịch sử, ở văn minh/văn hoá, ở nền chính trị và kinh tế của chúng ta, vào mọi thời.

Rất nhiều lần, ta vẫn có ý niệm về ý nghĩa và tính chất mà qua đó mọi người mới hiểu được chính mình. Hiểu, là hiểu về tình huống lịch sử và ảnh hưởng của nó lên cách sống của ta. Nhiều truyện kể lịch sử và văn minh con người từng chứng tỏ điều đó. Có một số sự kiện, do truyền thống trong Đạo, chí ít là thánh truyền ở Đạo mình lại đã làm nên.

Một số khác, đến từ các học thuyết triết lý của cuộc sống. Và, một số lại cũng do ánh sáng tư tưởng ở thời Trung Cổ và cả thời hôm nay từng khuynh loát/lũng đoạn khiến trở thành triết thuyết hiện đại. Sau trận chiến thế giới và thời kỳ khắc phục tiếp theo sau, con người đã lấy lại được sinh lực, từ nhiều phía. Phía của người trong Đạo. Của, Công Đồng Vatican II chợt đến rồi đi. Và, cả phía có thắc mắc/ han hỏi về cuộc đời ta đang sống.

Trong quá khứ, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu chỉ trích/vấn nạn tính hiện đại của cuộc sống. Nhiều người còn đã cho nhiều thứ, hoặc cứ lẳng lặng tìm giải đáp cho câu hỏi thật chính xác, thiết thực. Có người lại không thấy câu giải đáp cho mọi luận thuyết đưa ra từ thời Trung Cổ. Một số khác gặp đổ vỡ lại chấp nhận tính hiện đại mà chẳng thắc mắc. Đổ vỡ, từ “1968”, một thời khắc có những sự việc thể hiện trong Hiến Chế “Humanae Vitae”. Có cả vụ ám sát nghị sĩ Mỹ Robert Kennedy và nhà hoạt động cho nhân quyền là mục sư Martin Luther King. Rồi, xảy đến trong chiến tranh Việt Nam cùng lúc xuất hiện xã hội công nghiệp. Và cuối cùng, hiện ra thế giới thứ ba nghèo đói, thiếu thốn, chậm lụt.     

Tiếp đó, lại thấy xảy ra cuộc nội loạn bắt đầu từ người Pháp ở Paris, lan sang tận Bắc Mỹ đòi chống đối thuyết lý-tưởng-hoá hết mọi sự. Từ thuyết hiện-đại tại các nơi, cho tới chủ thuyết này khác nhằm thay thế thuyết Mác xít, thuyết căn bản hoặc học thuyết nào khác nung nấu tâm can của nhiều người. Nổi dậy và nội loạn, tiếp diễn trên đường phố/chốn đông người, rất bạo động. Có khi chỉ mơ hồ. Đôi lúc, lại ảo tưởng về mọi sự. Thời hậu-hiện-đại lại chủ trương huỷ hoại mọi chuyện. Chối bỏ mọi sự. Chối, cả niềm tin vào bất cứ thứ gì. Và rồi, tính hiện-đại lại vẫn tồn tại với khoa học kỹ thuật. Với mạng truyền thông, vi tính. Với cả trường lớp, chốn doanh thương ở phố chợ. Thế nên, con người nay có thói quen ra như thế.

Thật khó nói và khó nhận định. Khó, là bởi nền kinh tế thế giới, đã vỡ đổ. Dân gian mọi người trên thế giới, rày bối rối. Thị trường thế giới lại lủng củng/rối bời, khiến người người ra sức tìm cách chỉnh sửa, để cứu chữa. Tuy là thế, nhiều vị vẫn không có được một triết thuyết căn bản để cho đời hầu giúp mình chỉnh đốn cuộc sống thực tế, để tiến bước.

Thách thức ở đời người, không chỉ mỗi chuyện chỉnh sửa hệ thống chủ trương đặt nặng lên lợi nhuận nhờ khai thác bóc lột người khác. Thách thức ở đây/hôm nay, là tạo dựng hệ thống trong đó tài sản của tất cả mọi người phải được sẻ san/phân phát cho người khác. Vì lợi ích của mọi người. Thách thức của thế giới hôm nay, là đảm bảo rằng người khốn khó/nghèo hèn phải được quan tâm, chăm sóc. Thị kiến này từng làm rúng động thế giới từ năm 1968 cho đến nay chưa phục hồi.

Đó là vấn đề. Vấn đề, là mọi thứ nay dường như đã vụt mất. Vụt mất đi, khả năng tin tưởng vào các ngân hàng trữ kim to lớn và tin vào các vị tài phiệt nắm giữ đầu tư của ta, cho đúng phép. Người người hôm nay, lại để mất tính chất đạo đức/chức năng cần có cho người nghèo. Nhưng làm thế nào để cảm thông với những người chuyên khai thác bóc lột tài sản của mình rồi sẽ mang cùng một ý tưởng tìm cách để thế giới từng phát triển giùm giúp thế giới thứ ba, là thế giới không được ai đoái hoài, giùm giúp?

Đã có lần, ta cứ tưởng rằng mình đã có câu giải đáp cho mọi sự. Cả sự cố, lẫn gẫy đổ. Cả những quyết tâm tạo mô hình để người khác bắt chước mà sống sót.

Nhưng, từ đó đến nay, lại đã có khủng hoảng về niềm cậy trông/tin tưởng vào mọi thứ. Lẽ sống hôm nay, chừng như rơi xuống vực sâu, ở dưới đất. Các vị cao niên đã ra đi, không còn minh chứng được gì. Còn ta, nay đang vào thời kỳ chuyển tiếp mà chẳng thấy được gì ở lại nơi ta, ra mới mẻ. Đã có thời, ta được mời đề xuất những mới lạ hầu giúp mình sống sót. Có thể, đó cũng là khoa sinh thái rất mới mẻ giúp ta sinh hoạt phát triển. Sinh thái đây, không như những gì hiện rõ quanh ta. Mà, là thái độ sống liên đới với nhau, nhờ cậy nhau trong mọi việc.

Liên đới và cậy nhờ, không theo cách cá nhân tìm lợi nhuận, cho bằng tìm về với vũ trụ vạn vật có ta ở trong đó. Trong “hệ thống” của sự sống, như vẫn thấy yêu cầu tạo sự sống mới. Sự sống có quan hệ hỗ tương, trợ lực nhiều hơn. Và, bớt dần bản ngã riêng tư bé nhỏ, để mở rộng với mỗi người và mọi người.

Thế giới với vạn vật, như thế sẽ giúp ta trở nên nhẹ nhàng, êm đềm nhiều nhân bản. Việc này chỉ xảy đến khi ta tìm được những gì mình để mất, cũng rất lâu. Mất, con tim chân chính những biết yêu thương, giùm giúp mọi người. Phải công nhận, là: ta từng phung phí thời gian kiếm tìm thêm “thu nhập/lợi nhuận” cho riêng mình. Trái lại, cần khám phá ra mức độ sự sống khả dĩ tạo cho ta thêm thời gian và nghị lực và tài nguyên cho “người khác”. Tức, những người kiếmn tìm mãi vẫn không có. Mỗi người và mọi người phải nói được: “Tôi hiện hữu là vì mọi người đã hiện hữu cùng với tôi.” Nói thế có nghĩa: hãy bớt tập trung vào mình. Mà, hiệp thông sâu sắc nhiều hơn nữa.

Đó là, sắc thái đặc trưng tư riêng của người cùng chung ý nghĩa. Đó là, tin tưởng và cởi mở với mọi người. Bởi, triết lý xưa cũng như quan niệm ngày nay đều nhấn mạnh chuyện này. Tất cả chúng ta đều sống chung trong vũ trụ vạn vật khiến ta có thể tin tưởng lẫn nhau, vì ta cùng xuất thân từ Chúa, có Chúa ở chung cùng trong đó. Là người, ta cũng thuộc cùng một vũ trụ của những người có thể tin cậy nhau. Tin, vào nhân loại rất “của chung”. Và, người-dưng-khác-họ lại không là mối đe doạ gửi đến với ta. Nhưng, họ chính là cơ hội để ta có thể minh chứng rằng: hiện thời, vẫn có nhiều bản thể, hơn là chỉ có “chúng ta” đang sống trong vũ trụ khá riêng rẽ.

Mọi truyền thống đều phải thực hiện chuyện như thế, kể cả truyền thống tôn giáo và triết lý sống. Tin Mừng lâu nay được coi là Truyền thống trong Đạo nói lên giá trị kinh điển của Đức Chúa. Điều này thật rất đúng, kể từ khi thánh Máccô viết Tin Mừng đầu cho Tân Ước. Nhưng, tự thân, Tin Mừng Chúa nói vẫn cần một diễn tả mới về ý nghĩa chủ lực để chuyên chở.

Tin Mừng ta đọc, nay kể về người mù ngồi đó xin ăn, bên vệ đường. Xin ăn hay mù loà ở trong truyện, có thể mang ý nghĩa của một diễn giải chính trị, vào thời đó. Người ăn xin/mù loà lại những muốn người nào đó, có thể là Chúa đang đi ngang, sẽ xót thương phận hèn “xin ăn” của anh ta. Nhưng, Chúa lại đã gọi anh đến gần. Và, anh lại đã nhảy mừng vì sung sướng, đã đến cùng Chúa.

Và, lời Chúa hỏi: ”Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Và, người “xin ăn” lại đã diễn giải sự việc nay thấy đúng. Sự việc rất đúng, đó là: “Lạy Chúa, xin cho tôi thấy được!” Anh không “thấy” được điều đó, nhưng qua yêu cầu Chúa tặng ban cho mình, anh đã “thấy”. Hành động “thấy” và tin đã cứu anh. Việc “thấy” lại đã về với anh. Và, anh bước theo con đường Chúa đi, mà chẳng cần đến con mắt dẫn đường của ai hết.

Phải chăng điều tuyệt vời, nếu hôm nay ta lại cũng “thấy” được như thế? Phải chăng, điều ấy rất tuyệt, nếu lãnh đạo mọi tổ chức cũng “thấy” được như thế? Cả ta nữa, ta cũng cần “thấy” được sự việc Chúa muốn mọi người cũng “thấy” và cũng làm, như Ngài?

Tìm hiểu điều Chúa muốn ta “thấy”, cũng nên ngâm nga lời ca còn đó trong đời, vẫn cứ bảo:

            “Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi niềm,

            Không u ám, như cõi lòng ma quỷ.

            Vì có Đấng Hằng Sống, hằng ngự trị.

            Nhạc thiêng liêng dồn trổi, khắp hư linh.” (Hàn Mặc Tử – Ngoài Vũ Trụ)

Trong hay ngoài vũ trụ, ai cũng đều “thấy” cõi lòng ma quỷ được Chúa ngó ngàng, hỏi han rất ân cần. Hỏi và nói những điều tương tự, ở trên: “Anh chị, muốn Tôi làm gì cho anh chị đây? Và hôm nay, câu trả lời còn đó vẫn dành cho mọi người. Ở mọi thời.

Lm Kevin OShea DCCT biên soạn

 Mai Tá lược dịch.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay