Nhà Truyền Giáo sống trong tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO THỜI ĐẠI (Phần ba)

 Tác giả: Phan Sinh Trần

Nhà Truyền Giáo sống trong tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

Năm 1975, đang khi Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận trẻ trung ở tuổi bốn mươi bẩy, với sự hiểu biết uyên bác, thông thạo bẩy ngoại ngữ bao gồm tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Hoa, Ý, Latin, ngài lại giàu kinh nghiệm tổ chức, điều hành hội thánh. Đang khi ngài sẵn sàng để chăn dắt tổng giáo phận Sài Gòn thì Chúa gởi ngài vào chốn ngục tù, để làm một nhà truyền giáo sống trong lao xá. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Ngài đã bị bắt giải ra Nha Trang, tạm thời bị cầm giữ ở nhà xứ Cây Vông. Trong năm tù thứ nhất, Ngài đã viết cuốn “Đường hy vọng”. Cuốn sách này được Ngài coi là di chúc tinh thần gửi tới mọi người công giáo Việt Nam trong và ngoài nước giúp họ chọn lựa Chúa trong muôn thử thách và học cách bước đi theo Chúa qua kinh nghiệm từ chính những gì Ngài đang trải qua trong chốn lao tù. “Đường Hy Vọng” là phương cách phúc âm hóa độc đáo từ nhà tù. Đức Cha kể:

– Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: “Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn  lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất! Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” giày vò tan nát quả tim tôi.

  • Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?
  • Một đêm, một tia sáng đến với tôi: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù,

không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Đơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?”

Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị “chuyển trại” và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình “nghìn lẻ một đêm”.

Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (Mt 6, 34; Gc 4, 13-15).

Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. (Đường Hy Vọng, trang 997). 

Ngày nay sách “Đường Hy Vọng” được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành bởi các nhà xuất bản khắp Âu Á.

Thời gian tiếp theo, cuộc điều tra của tổng cục an ninh, Bộ Công An gia tăng cường độ và việc đánh giá tội danh của chính quyền trung ương Cộng Sản Việt Nam nâng lên mức nghiêm trọng nặng nề, Đức Cha gặp nhiều khó khăn, bị liên tục tra khảo nhiều ngày đêm và bị hành khổ cho kiệt sức đến mức ngài cảm thấy mình đang bị chết dần mòn trong từng bộ phận của cơ thể, Đức Cha kể:

– Ngày 8-12-1975, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất. Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài. Dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. 

Cán bộ điều tra của Bộ Công An Cộng Sản trừng phạt Ngài bằng cách để cho bị cô lập hoàn toàn trong bóng tối, thinh lặng triền miên, sự trừng trị kéo dài nhiều tháng trường, làm cho Ngài không còn ý thức được thời gian đang diễn ra thuộc về ban ngày hay đêm, cán bộ điều  tra ác độc đến mức họ không cho người tù ngay cả không khí để thở, thiếu không khí thở thì  tình trạng hôn mê diễn ra làm cho Ngài không còn thấy đói cũng như không buồn ngủ. Ngài  thường nôn oẹ và chóng mặt triền miên, và toàn thân đau đớn… Tâm trí ngài trống rỗng với cảm tưởng thời gian đang kéo dài ra đến bất tận. Khi nầy, trí nhớ bác học của ngài bắt đầu lung lay, cho đến nỗi ngài không thể nhớ một kinh Lậy Cha, kinh Kính Mừng để đọc. Ngài đã  ở trước ngưỡng cửa của bệnh điên dại. (ĐHV tr. 228). Trong nhiều tuần lễ nối tiếp nhau, sự u ám thinh lặng bao vây toàn diện đã làm cho tâm trí ngài khiếp sợ, bị thiếu vắng mọi dấu hiệu hiện diện của con người ở chung quanh, trong màn đen bao trùm, ngài hết sức ao ước nghe được các tiếng động, bất cứ tiếng động gì vì ngài có cảm tưởng là mình không thuộc thế giới của kẻ sống nữa… Trong các điều kiện khiếp đảm như thế, người tôi tớ Chúa chợt hiểu ra rằng sinh mạng mình có ra sao thì linh hồn mang hy vọng nơi Đấng toàn năng đầy yêu thương sẽ không bao giờ tắt và ngài có thể dâng tất cả đau đớn thống khổ cho Chúa vì yêu mến Người. Thế nên phòng giam của ngài dần dần trở nên một nơi có thể ở được, đau đớn nhường bước cho niềm vui và thống khổ trở thành nguồn suối hy vọng. 

o Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi! Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác”

o Ánh sáng ấy sẽ đem lại cho tôi niềm an bình mới, làm thay đổi hoàn toàncách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi trong suốt 13 năm tù đày…

Nhà Truyền Giáo cho Tù Cải Tạo, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

Ngày 1.12.1976, ngài cùng nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam, được đưa xuống tàu Trường Xuân đi ra Bắc. Khi ra đi, vì không có gì để đựng các đồ tùy thân,  ngài phải lấy cái quần cột hai ống lại và dồn đồ vào trong rồi mang đi. Chúng ta hãy nghe chính ngài kể lại các diễn biến này:

– Ngày mồng 1 tháng 12 năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra Bắc – một cuộc hải hành dài 1.700 cây số…

– Cùng với các tù nhân khác, tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1.500 người,  trong tình cảnh không thể tả được. Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. … từ giờ phút  này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời thánh Phaolô nói:

“Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xẩy ra cho tôi ở đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa

Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi.” (Cv 20:22-23). Tôi đã sống trong lo âu suốt đêm hôm ấy.

Trong lúc Miền Nam nước Việt đang tan tác, con dân bị đày ải thì Đấng quyền năng hay thương xót đã có sự an ủi nào cho đoàn tù nhân mang trọng tội với chính quyền Cộng Sản?

Chúa đã an bài cho Đức Cha Thuận bị áp giải chung trong hầm tầu u ám, đen ngòm để làm mục vụ cho một đoàn bao gồm các tù nhân trong số bị chính quyền cách mạng Cộng Sản  kết trọng tội, xếp họ vào hạng ác ôn nhất, ngay lập tức Ngài đem đến hy vọng cho nhiều tù nhân đang bị áp tải trên tàu nhất là cứu được một người đang treo cổ tự tử bằng dây thép,

Đức Cha kể lại:

– Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi

dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng

nghe lời tôi. Cách đây hai năm, trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp

lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem

các vết thẹo còn hằn trên cổ.

– Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nỗi lo âu của họ. Tôi đã chia sẻ các đau khổ của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng 12, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài đi chết “bên ngoài tường thành”, “bên ngoài tường thánh.”

Ông Nguyễn Thanh Giàu, người bị giam chung cùng khoang với ngài trên tàu Trường Xuân, đã tóm lược lại những gì xẩy ra trong khoang tàu của ngài như sau: 

– Suốt mấy ngày ngồi dưới sàn tàu chở than dơ bẩn, lại thêm mấy thùng chứa phân, chứa nước tiểu bị tràn ra ngoài, mọi người như ngồi trên hầm phân. Đức Cha Thuận một lần nữa lại an ủi anh em, cố gắng giữ vững tinh thần, nếu để tinh thần sa sút bị bịnh lúc nầy thì rất là khổ…

   Sau đó, Đức Giám Mục Thuận bị đưa ra trại Vĩnh Quang, khu rừng núi Vĩnh Dao tỉnh Vĩnh Phú. Ông Giàu có dịp cùng ở tù chung trại đã cho rằng nhờ sự an hòa giữa hoàn cảnh tù tội của nhà Truyền Giáo Nguyễn Văn Thuận, nó đã có ảnh hưởng gắn bó và nâng đỡ với hầu hết các tù nhân lương giáo, ông kể:

– Có một điểm rất đặc biệt, khi cán bộ trại giam bắt tất cả tù nhân lên hội trường, là một gian nhà trống giữa sân trại, để làm bản tự khai… Sau vài giờ viết tự khai, họ cho nghỉ giải lao, người thì đi uống nước, đi vệ sinh, hút thuốc, nhưng phần đông thì  bu quanh Ông Già để nghe Ông nói chuyện. Một cách rất trung thực mà nói, lúc bây giờ bu quanh Đức Cha Thuận không phải chỉ có giáo dân mà trong đó có đủ thành phần tín đồ các tôn giáo khác như Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Riêng tôi, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, lúc bấy giờ tôi không nhìn Đức Cha Thuận là Một Đức TGM Công Giáo mà nhìn Ngài là MỘT BẬC CHÂN TU, MỘT NHÀ TU HÀNH ĐÁNG KÍNH

Trong trại tù, ngài vẫn cử hành Thánh Lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác. Những người đến thăm ngài tại trại cải tạo đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ngài, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử:

– Mỗi ngày tôi dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành Thánh Lễ. Những người tù được chia làm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người được 50 centimet. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp có 5 người công giáo nằm cạnh tôi. Đến 9.30 là giờ ngủ, trong bóng tối, tôi cúi mình trên giường để dâng Thánh Lễ thuộc lòng và phân phát Thánh Thể cho nhau bằng cách luồn tay dưới các tấm màn chống muỗi. Chúng tôi dùng bao thuốc lá để cất giữ Mình Thánh và đem cho người khác, riêng tôi luôn giữ Mình Thánh Chúa trong túi.

Thánh thể trở thành giây phút trung tâm của ngày sống ngài, ở đó, ngài có thể múc lấy năng lực cần thiết để củng cố đức tin mình và để làm cho mình được tràn ngập hy vọng. Hai tháng sau, ngài lại phải bị chuyển sang trại Thanh Liệt ở ngoại ô Hà Nội, ở đó, ngài bị giam chung phòng với một đại tá thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Ông này là một gián điệp có phận sự tường trình mọi cử chỉ và lời nói của Đức Cha Thuận. Nhưng dần dà, sự hiền hòa, chân thực và uyên bác của Ngài đã làm cho người bạn chung phòng này thay đổi và trở thành bạn hữu của ngài đến đỗi ông ta đã khuyên ngài một điều khôn ngoan lớn đó là cậy nhờ Đức Mẹ La Vang. Ngài kể:

– Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn của tôi. Trước ngày ông ta ra về, ông đã hứa với tôi:

Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3 km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh”.

Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người cộng sản

mà đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho tôi! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được

một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông “Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Ðức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Ðức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Ðức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”.

Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại: “Lạy Mẹ, Mẹ

đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con  mới còn sống đây!”

Sau 15 tháng sống trong trại Thanh Liệt ngoại ô Hà Nội, và nhờ các áp lực quốc tế bênh vực ngài, ngày 13.5.1978, ngài được chở xe đến một ngôi làng cách Hà Nội 20 cây số, làng Giang Xá, bị bắt buộc cư trú tại nhà xứ của giáo xứ, do một lính canh gác ngày đêm, và được phép lui tới và đi dạo, với điều kiện là không thông hiệp với bất cứ ai đang sống quanh đó, và những người nầy cũng có phận sự xem chừng đến ngài. Ngài kể:

– Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, “Đường Hy Vọng Dưới Anh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II”, cuốn thứ ba, “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”. Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương. Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi.

 Nhà Truyền Giáo cho Cai Tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.

 Chúa Thánh Thần sẽ làm cách nào để giúp cho Đức Giám Mục  Nguyễn Văn Thuận kết bạn với các cai tù nghiêm khắc đang theo chủ nghĩa vô thần.

Chúa có sự dạy dỗ trực tiếp nào cho Ngài?

Chúa có ban sức mạnh tinh thần, Chúa có đổ trong tim ngài một tình yêu chân thành vô điều kiện để có thể làm bạn với cai ngục, những người quen hành hạ tù chính trị bằng nhục hình hoặc các biện pháp tâm lý ác hiểm không?

Làm sao có được một thứ quan hệ “bạn hữu” giữa Tù nhân và Cai Ngục, điều mong muốn gần như bất khả thi vì đã có nhiều người cố gắng mà không thể cảm thông được. Đức Cha kể:

–          Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu: “Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc!” Anh ta đáp: “Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm”. Ðó là bầu khí chúng tôi ở trong tù.

Tôi phải làm thế nào? 

Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”.  Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói…

Đức Cha Thuận không hề nản chí dù bị cai tù xa lánh và khinh mạn, “phạm nhân” Thuận có tình yêu dồi dài, phong phú và tha thiết của Chúa Giê Su cho “anh em cai tù” của mình. Ngài tiếp tục lân la trò chuyện, khơi gợi sự tò mò của cai ngục:

–         Lúc tôi bị biệt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi: đêm ngày có hai anh trực. Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc. Một thời gian sau không thay nữa, vì “cấp trên” nói: “Nếu cứ thay riết thì sở công an bị nhiễm độc hết!”

 Thực thế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói với tôi, họ chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Họ tránh nói chuyện với tôi. Buồn quá! Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, họ vẫn lạnh lùng. Phải chăng họ ghét “cái mác phản động” nơi tôi: Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn “cải tạo”, kể từ ngày bước chân vào trại Vĩnh Quang ở Bắc Việt…          

–          Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Ðức, Úc, Áo, v.v… Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời… Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học.

Tôi sống theo lời Chúa Giêsu dạy:

 “Ðiều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta”.

Tình hình trong trại cải tạo có sự cải thiện rõ nét, các lính gác đối xử với ngài khác trước, họ có thái độ tốt hơn. Có lần, ngài xin phép một người lính giúp ngài một nguyện vọng và sau khi anh ta hỏi lại để biết chắc ngài không phải có ý muốn tự tử, anh ta đã lén lút đưa cho ngài sợi giây thép và một cái kềm nhỏ để ngài có thể làm một sợi dây chuyền, dùng đeo thánh giá gỗ cũng do chính ngài tự đẽo gọt, trên cổ. Lại đến một lần khác, có một vị lãnh đạo (Ban Tôn Giáo?) vấn kế với Đức Giám Mục:

–  Một hôm một ông xếp hỏi tôi “Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo Người Công giáo?”

– Nếu viết đúng cả nội dung cả hình thức thì có lợi; nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công giáo và cho cả nhà nước.

– Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy?

– Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo cũng như các tín hữu mới có tính cách xây dựng, tích cực và tạo nên thông cảm giữa đôi bên.

– Ông có thể giúp được không?

– Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon (từ điển bỏ túi) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z, chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan. Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo hội…Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn “lexicon” đó, bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Latinh, Tây Ban Nha, và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ. Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo hội. “Lexicon” ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành. Ai cũng muốn biết viện phụ là gì, thượng phụ là gì, Công giáo khác Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo chỗ nào? Tài chánh của Tòa thánh từ đâu mà có? Có bao nhiêu tu sĩ, giáo dân làm việc trong giáo triều, huấn luyện tu sĩ, giáo sĩ thế nào? Giáo hội phục vụ nhân loại thế nào? Tại sao Giáo hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại cũng bị bắt bớ, tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn tồn tại? Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa… Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng.

–          Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo hội. Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:

– Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không?

– Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào?

– Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.

– Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella… Các bạn biết anh ta chọn bài nào không? Anh ta chọn bài Veni Creator (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm…) Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát: Veni Creator Spiritus… Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe!

Bài hát Xin Chúa Ba Ngôi đoái thương viếng thăm, Veni Creator Spiritu

httpv://www.youtube.com/watch?v=33XotuYs-io

Chúa Thánh Thần không chỉ làm cho người Cộng Sản Việt Nam qua Đức Giám Mục Thuận được hiểu về Đạo hơn, thông cảm với tín hữu Công Giáo hơn, Chúa còn dùng Đức Cha để mang về cho Hội Thánh Công Giáo những người Cộng Sản có ý thức hoán cải trong đức Tin, trong số đó phải kể đến trường hợp của một sĩ quan An Ninh, bộ Công An, Ông Nguyễn Hoàng Đức, sau này ông làm chứng với phóng viên Mặc Lâm đài phát thanh Á Châu Tự Do như sau:

–          Tôi là một trong những phép lạ về Đức Tin…

o    Sau khi học tiếng Pháp với Ngài thì tôi cảm nhiễm tinh thần của Đức Cha. Sau này thì tôi thôi việc, lý do là sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn tôi không còn muốn làm công an nữa vì tôi làm ở Cục chống phản động nên biết để phải đi đàn áp và tôi đã xin chuyển ngành nhưng không được, tôi xin thôi việc cũng không cho. Tôi vẫn cứ bỏ việc.

o    Sau khi vào Sài Gòn tôi làm cho dầu khí Việt Nam. Tôi có đi một số các nhà thờ, nhà thờ trung tâm Đức Bà, nhà thờ Kỳ Đồng. Sau khi ra Hà Nội thì tôi được mặc khải trong một giấc mơ là tôi đi nhà thờ và tôi có rửa tội.

o    Tôi hiểu là việc phong Thánh cần phải có phép lạ. Phép lạ thứ nhất là Đức tin. Phép lạ thứ hai là chữa bệnh. Phép lạ thứ ba là “mồ mả phát”. Tôi là một trong những phép lạ về Đức tin.

Được Hội đồng Công Lý và Hòa Bình Tòa thánh Vatican mời qua Rôma làm chứng nhân dịp lễ kết thúc điều tra phong Chân phúc cấp giáo phận. Ngày 2/7/2013 anh Hoàng Đức lên đường sang Rôma, nhưng đã bị công an ngăn chặn và thu hộ chiếu tại sân bay Nội Bài mà không có lý do rõ ràng.

              Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, cựu sĩ quan chống phản động, Bộ Công An.

Dần dần, Đức Cha Thuận trở nên bạo dạn hơn và bắt đầu vài hoạt động mục vụ. Người lính gác, ở bên cạnh ngài, đã cho phép giáo dân đến gặp ngài, có khi cả từng nhóm nhỏ. Nhưng mọi sinh hoạt đó đánh thức sự nghi ngờ của chính quyền, nên họ lại quyết định biệt giam ngài lại. Lúc đang còn rất sớm, ngày 5.11.1982, một xe chở hàng của nhà nước đến tìm ngài và chở ngài vào khu vực quân sự, trong một căn phòng mà ngài sẽ ở cùng với một sĩ quan công an, dưới sự canh gác của 2 lính gác. Trong sáu năm, ngài luôn sống biệt giam trong một phòng: ngài phó thác hoàn toàn cho Chúa. Vào ba giờ chiều hàng ngày, ngài cử hành thánh lễ, tiếp theo đó là một giờ cầu nguyện để suy ngắm cơn hấp hối và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài cử hành thánh lễ trong lòng bàn tay, với ba giọt rượu và một giọt nước. Mỗi lần như thế, sự tốt lành của ngài đã chinh phục được những người canh gác, đó là điều làm cho chính quyền cấp trên khó chịu. Ngài lại phải bị chuyển qua một nhà tù an ninh hơn, trong một phòng giam hoàn toàn cách ly cho đến ngày ra tù 21 tháng 11 năm 1988. Năm 1991, Đức Cha bị chính quyền Việt Nam trục xuất khéo khỏi Việt Nam.         

                 Chúa Thánh Thần tiếp tục sử dụng Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận như một nhà truyền giảng về hy vọng bất diệt của Tin Mừng, nhưng mà lần này có sự đặc biệt hơn, ngài giảng linh thao cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và cho giáo triều Rôma dịp Mùa Chay Năm Thánh 2000. Sau buổi tĩnh tâm đó, Đức Thánh Cha tuyên bố “Tôi cám ơn Đức Cha thân yêu Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, với sự đơn sơ và linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đức Cha đã hướng dẫn chúng tôi đào sâu ơn gọi làm chứng nhân của niềm Hy Vọng Tin Mừng vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Chính ngài là chứng nhân của thập giá trong những năm dài bị tù đày ở Việt Nam, ngài đã thuật lại cho chúng ta các sự việc và các thời kỳ của cảnh tù đày khổ ải của ngài, bằng việc củng cố chúng ta trong sự chắc chắn đầy an ủi rằng khi mọi sự sụp đổ quanh ta, cũng có thể từ thâm sâu của chúng ta, Đức Kitô vẫn là sự nâng đỡ không thể thiếu của chúng ta”.

Ngày 21 tháng 2 năm 2001 trong cuộc họp mật viện các Hồng Y, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trao mũ Hồng Y cho Ngài và đặt Ngài làm Hồng Y Phó tế, hiệu tòa Nhà thờ Santa Maria della Scala (Đức Mẹ tại các bậc thang).

Ngài qua đời lúc 18 giờ ngày 16 tháng 9 năm 2002 tại Rôma.

… Lạy Chúa, con không đợi chờ, con quyết sống phút hiện tại,

            và làm cho nó đầy tình thương,

vì chấm này nối tiếp chấm kia,

ngàn vạn chấm thành một đường dài.

Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.

Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.

Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha.

Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa,

“một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu”.

Con muốn cùng với Hội thánh hát vang:

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Alleluia! Alleluia! Alleluia!(Đường Hy Vọng- NVT)

Xin Cảm tạ ơn kỳ diệu của Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên các nhà Truyền Giáo trong thời đại của chúng con

Mời bạn thuê hoặc mua phim « Con đường Hy Vọng » nói về cuộc đời Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận trên mạng NetFlix : https://dvd.netflix.com/Movie/Road-of-Hope-The-Spiritual-Journey-of-Cardinal-Nguyen-Van-Thuan/70115506

Hẹn gặp các bạn trong phần 4 nói về các anh thư truyền giáo tại Việt Nam.

Tác giả: Phan Sinh Trần

                            Xem thêm:

Linh Đạo của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận (tác giả: Phùng Văn Phụng)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay