Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ: Cần nhưng không phải lúc này!

Van H Pham

“Ai sẽ đến thưởng thức được nhạc giao hưởng ở cái nhà hát được xây trên vùng đất đầy nước mắt, máu và sinh mạng ấy?”

************

Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ: Cần nhưng không phải lúc này!

‘Chúng tôi không cần’

“Không! Tôi nói thẳng 1 tiếng là không. Việt Nam mà, đâu có ai biết nhạc giao hưởng gì nhiều đâu. Một trăm người chỉ có 1 người biết. Cái đó nó mới lạ với Việt Nam lắm.

Dùng từ ‘giao hưởng’ là chọc người ta, vì xây nhà giao hưởng không ai coi hết đó, nhà hát thường còn không ai coi, nói gì đến giao hưởng?”

Đó là ý kiến của bà Hương, một người dân Thủ Thiêm nói với RFA qua điện thoại vào tối ngày 9 tháng 10, một ngày sau khi diễn ra kỳ họp thứ 10, còn được gọi là kỳ họp bất thường của HĐND TP HCM khoá IX. Kỳ họp được truyền thông trong nước loan báo sau đó là sau hơn 3 giờ đồng hồ thảo luận, các đại biểu HĐND TP HCM đã thông qua dự án đầu tư nhà hát 1.500 tỉ đồng.

Báo Người Lao động cho biết chi tiết đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ.

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm nêu lý do cần phải có 1 nhà hát giao hưởng vì: “Thành phố (Hồ Chí Minh) là một thành phố văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm.”

Ngoài ra, ông Liêm nhấn mạnh thêm xây dựng nhà hát này còn để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TP trong bối cảnh hội nhập với quốc tế.

Dùng từ ‘giao hưởng’ là chọc người ta, vì xây nhà giao hưởng không ai coi hết đó, nhà hát thường còn không ai coi, nói gì đến giao hưởng? – Bà Hương

Nếu xét về khía cạnh xây dựng và vai trò của người lãnh đạo, khó có ai có thể phủ quyết chủ trương khai phóng, khai minh của ông Phó Chủ tịch UBND TP. Thế nhưng, khi một công trình văn hoá ra đời với trọng trách truyền tải những loại hình nghệ thuật đến cho quần chúng, như lời ông nói, mục đích là để ‘đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hoá nghệ thuật cho người dân”. Vậy thì người dân đón nhận ý tưởng này ra sao?

Ông Lê Văn Lung, 59 tuổi, một doanh nhân ở Thủ Thiêm nay đã bỏ việc để dành trọn thời gian cho việc khiếu kiện cho ông và cho những gia đình mất đất khác, cho chúng tôi biết xây nhà hát giao hưởng không phải là vấn đề bức thiết của người dân:

“Cái việc thưởng thức nhạc giao hưởng này thì nó rất xa vời với người dân trung lưu trở xuống. Tui nói là trung lưu luôn. Họ chưa có khái niệm gì về nhạc này và chưa hiểu gì về nhạc này cả. Nó xa vời với người dân lắm. Nó không phải là vấn đề bức thiết của người dân.”

Đối với ông Lung, cái ông gọi là bức thiết nhất của người dân lúc này là bệnh viện và trường học. Đây cũng là suy nghĩ của bà Hương nêu lên với RFA:

“Bây giờ xây bệnh viện người dân hưởng ứng liền. Xây những nhà từ thiện, nuôi trẻ mồ côi hay cái gì đó cho người già thì người ta hưởng ứng liền. Còn cái này giống như “chọc gai” tụi tui”.

Không phải thời điểm này!

Trong một xã hội phát triển chưa đồng đều, một xã hội còn tồn tại sự chênh lệch khá lớn giữa cái giàu, cái nghèo thì rất khó để xác định sự cân bằng giữa cái cần và cái đủ trong đời sống chung. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng người dân trong xã hội không nhận thức được họ cần gì và khi nào họ cần điều đó.

Nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ với RFA về tâm tư của bà về sự cần thiết của những công trình văn hoá đối với 1 xã hội:

“Nếu như đứng ở 1 góc độ là sự hưởng thụ văn hoá và việc xây dựng văn hoá thành phố thì rõ ràng không thể nói là TP mình không cần những công trình văn hoá như thế, không thể nói là mình không cần bảo tàng lớn hơn, nhà hát giao hưởng hay những công trình văn hoá như quốc tế họ đã có.”

Tuy nhiên, cũng chính nữ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã thẳng thắn bảy tỏ thêm ý kiến của bà trước quyết định của HĐND TP và phản ứng của cộng đồng trong nước.

“Thật sự tôi không tán thành quyết định xây nhà hát vào lúc này và nhất là lại trên mảnh đất Thủ Thiêm, cái nơi mà hiện nay còn rất nhiều vấn đề về đất đai chưa được giải quyết. Việc xây nhà hát hay nói cách khác là xây 1 công trình văn hoá mà đối với nhiều người dân thành phố còn rất xa lạ, ở 1 thời điểm và 1 vị trí rất nhạy cảm thì theo tôi đấy là 1 quyết định rất thiếu khôn ngoan về mặt chính trị.”

Thực tế từng cho thấy, từ thưở rất xa xưa, người dân miền Nam đã từng chen chúc, hứng khởi chờ đón hai cánh màn nhung mở ra để nghe những câu cải lương ngọt lịm của những vở tuồng kinh điển như “Đời cô Lựu”, “Tiếng trống Mê Linh”…Sân khấu của những vở tuồng ấy không lung linh hào nhoáng như sân khấu nhạc kịch, nhưng ai đã từng sống qua thời ấy đều hiểu rằng, sân khấu đó thật sự là của họ, của khán giả. Và những vở diễn đó được viết cho người dân miền Nam lúc đó thưởng thức.

Ngày nay, xã hội đã phát triển hơn, đời sống đã văn minh hơn, nhưng đã cần và đủ cho việc xây dựng 1 nhà hát giao hưởng chưa? Nhà văn Nguyễn Đông Thức có chia sẻ trên trang cá nhân của ông:

Nói là trong thời điểm này thì cụm từ này nó rất chính xác trong thời điểm này. Tất nhiên nói cần thì nó rất cần nhưng không phải trong thời điểm này. – Ông Lê Văn Lung

“Nhà hát Giao hưởng? Thì cũng được đi, bởi một thành phố hiện đại, văn minh thì rất nên có.

Nhưng nó bao giờ cũng phải đi kèm với một trình độ văn hoá, một khả năng tiếp thụ và thưởng thức của người dân mức nào đó. Các trình độ đó đã có chưa?”

Ông Lê Văn Lung, “khán giả” tương lai của nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ chia sẻ ý kiến của ông:

“Nói là trong thời điểm này thì cụm từ này nó rất chính xác trong thời điểm này. Tất nhiên nói cần thì nó rất cần nhưng không phải trong thời điểm này.

Những công trình văn hoá thì sau này kìa, khi mà đời sống cao lên, những nghèo đói, những cơ bản cuộc sống nó đã cao thì mới thưởng thức những cái đó.”

Phân tích cái cần 1 cách khoa học hơn, nữ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho rằng không có nghĩa là khi mình còn nghèo thì mình không có quyền nghĩ đến và không có quyền chăm lo cho người dân có quyền thụ hưởng giá trị văn hoá của dân tộc cũng như văn hoá của quốc tế.

Tuy nhiên, điều cần thiết là sự chuẩn bị từ gốc.

“Nếu muốn người dân có thể thụ hưởng được những công trình văn hoá thì chúng ta phải có sự chuẩn bị từ rất sớm, phải đưa những văn hoá đó vào giảng dạy ngay từ trong nhà trường, hội hoạ, loại hình âm nhạc. Khi thế hệ đó lớn lên thì họ mới có nhu cầu. Và khi người dân có nhu cầu thì khi nhà nước đưa ra rất dễ gặp sự đồng thuận.”

Các công trình văn hoá, nghệ thuật vốn dĩ được sinh ra là để phục vụ cho con người, bất kể giàu, nghèo, sang, hèn. Họ hoàn toàn có quyền được thụ hưởng những cái đẹp trong cuộc sống. Nhân vật cô gái làng chơi trong bộ phim Pretty Woman cũng được quyền hưởng thụ và rơi nước mắt cho vở nhạc kịch La Traviata chỉ dành cho giới quí tộc. Nhưng đó là nhân vật trong phim. Còn với dự án nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ cho người dân Việt Nam, thì nhà văn Nguyễn Đông Thức có nêu câu hỏi: “Ai sẽ đến thưởng thức được nhạc giao hưởng ở cái nhà hát được xây trên vùng đất đầy nước mắt ấy?”

About this website

 

RFA.ORG
Dự án nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) được HĐND TP HCM chuẩn thuận hôm 8 tháng 10. Quyết định này gây nên 1 làn sóng tranh cãi trong nước.
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay