Hà Tĩnh có nhà máy nước sạch, dân không được dùng vì… nghèo

Hà Tĩnh có nhà máy nước sạch, dân không được dùng vì… nghèo

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Xã Kỳ Hưng, thị xã Kỳ Anh, có nhà máy nước sạch đang hoạt động, cung cấp nước cho nhiều xã lân cận, thế nhưng 513 nhà dân với 2,038 người của chính xã này lại không được sử dụng.

Nói với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuyên (57 tuổi, ở thôn Trần Phú, xã Kỳ Hưng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết từ trước tới nay gia đình ông cũng như người dân trong xã đều sử dụng nước giếng. Thế nhưng, giếng hầu hết đều bị nhiễm phèn, nhiễm mặn rất cao.

Ba năm trước, gia đình ông Tuyên đã đầu tư làm một cái giếng khoan và mua thêm một máy lọc nước gần 10 triệu đồng (hơn $428), nhưng vẫn thấy chưa yên tâm. “Chúng tôi mong sớm được sử dụng nước sạch của nhà máy nước mới yên tâm được,” ông Tuyên nói.

Còn gia đình bà Phan Thị Thu (56 tuổi, ở thôn Hưng Phú, xã Kỳ Hưng) cũng đang sử dụng giếng khoan để lấy nước ăn uống và một giếng khơi dùng để rửa chén bát, giặt giũ. Bà cho biết, giếng khơi bị nhiễm phèn nặng, nên dù nghèo khó, gia đình cũng vay mượn mua thêm máy lọc nước.

Thế nhưng, nước sau khi đã lọc, dù nhìn vẫn trong, song vẫn mặn khiến cảm giác không yên tâm khi dùng nước. “Nhiều năm nay, người dân chúng tôi liên tục kiến nghị lên chính quyền xin cấp nước sạch cho dân sử dụng, nhưng các kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết,” bà nói.

Chồng bà Thu, ông Nguyễn Văn Biểu (60 tuổi) cho biết, ở đây giếng khoan cạn thì nước nhiễm phèn, nên tối thiểu phải tầm 20 mét mới có nước đỡ hơn để dùng. Có nhà khoan đến bốn lần nhưng gặp phải đá tổ ong ở dưới đáy, phải khoan đến lần thứ năm mới có nước.

Theo báo Hà Tĩnh, để có nguồn nước sử dụng cho gia đình, ông Phạm Đình Toản và nhiều người dân ở thôn Trần Phú đã phải thuê thợ khoan giếng lấy nước sâu hơn 20 mét và xây bể lọc để lọc nước, tuy nhiên nước vẫn có vị nhờ nhợ của muối và mùi hôi tanh của phèn.

“Không còn cách gì khác nên đành phải chịu, chứ sử dụng nguồn nước từ giếng khoan này không chỉ khó chịu mà thực sự rất đáng lo về phẩm chất nước. Chúng tôi già rồi, dùng riết cũng quen nhưng lo cho bọn trẻ, cứ sử dụng thường xuyên và lâu dài nguồn nước như thế này, không biết rồi sẽ ra sao,” ông Toản chán nản nói.

Cũng tại thôn Trần Phú, do không sử dụng giếng khoan nên ngoài việc xây hệ thống bể lọc nước khá quy mô, gia đình ông Nguyễn Quốc Việt còn sắm cả cây lọc nước để có nước sạch. Mặc dù đã lọc qua hệ thống bể lọc xi măng nhưng mỗi tháng ông Việt cũng phải thay hai, ba lần các lõi lọc của hệ thống lọc nước tinh khiết.

“Không có nước sạch, chúng tôi sử dụng nước vừa không bảo đảm phẩm chất lại vừa rất tốn kém. Chưa kể kinh phí xây lắp hệ thống bể lọc bằng xi măng, riêng chi phí cho cây lọc nước hằng tháng cũng đã mất hàng trăm ngàn đồng,” ông Việt cho biết.

Ngày 5 Tháng Mười, 2018, ông Nguyễn Đình Tài, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Kỳ Hưng cho báo Lao Động biết, lâu nay nhu cầu sử dụng nước sạch là vấn đề “nóng,” được quan tâm nhiều nhất của xã. Tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị các cấp quan tâm, bởi vì ở xã nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Đặc biệt, từ lâu có một nhà máy nước sạch đóng trên địa bàn xã mà dân của xã không được dùng. Trong khi, nhà máy này đã cung cấp nước sạch cho nhiều xã, phường lân cận như phường Sông Trí, xã Kỳ Châu, một phần Kỳ Ninh, Kỳ Hà… nên người dân càng bất bình.

Nguyên nhân, theo ông Tài, là do nguồn kinh phí của xã Kỳ Hưng không có nên không thể xây dựng hệ thống dẫn nước, dân cũng nghèo, không có tiền để đóng góp cùng với xã thực hiện nên không được dùng nước sạch từ nhà máy nước.

“Ngân sách khó khăn nên chúng tôi mong muốn được sự quan tâm, đầu tư theo hướng xã hội hóa, để người dân của xã sớm có nước sạch sử dụng, tránh dùng nước bẩn như hiện nay, ảnh hưởng đến sức khỏe,” ông Tài nói.

NGUOI-VIET.COM
Xã Kỳ Hưng, thị xã Kỳ Anh, có nhà máy nước sạch đang hoạt động, nhưng 513 nhà dân với 2,038 người của chính xã này lại không được sử dụng.
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay