GIA ĐÌNH  

 GIA ĐÌNH  

“Cha mẹ tôi đã ly hôn, chúng tôi sống với mẹ.  Mẹ chúng tôi đã tận lực nuôi dưỡng chúng tôi.  Tôi buồn giận cha tôi lắm, tuy nhiên tôi thấy thiếu vắng cha tôi kinh khủng.  Biết bao lần tôi hình dung cha tôi mà tôi chỉ nhớ loáng thoáng bóng dáng.  Tôi tưởng tượng một ngày nào đó đến nhà ông để khạc nhổ vào mặt ông ta cho hả cơn oán ghét và khinh bỉ.  Hôm khác tôi lại mơ thấy mình nằm gọn trong cánh tay cha tôi, đắm mình trong một tình thương mà tôi tưởng chừng đã phai tàn.  Rồi tôi đã khóc, nhưng không ai biết…  Tôi nằm lăn đất vì đau khổ, vì bị xung đột khủng khiếp.  Tôi muốn tìm cách báo thù: chống lại cha tôi, chống lại mẹ tôi, chống lại mọi người, chống lại xã hội và chống lại… chính tôi nữa!”

Tâm trạng của một đứa con mà cha mẹ đã ly dị với nhau là như thế: bị xâu xé ray rứt rất đau đớn: vừa thù ghét cha mẹ, mà vừa đói khát thèm muốn tình thương của cha mẹ.  Tương lai của những đứa con ly hôn là như thế: nó sẽ nổi loạn chống lại mọi người, phá phách mọi người, và phá phách cả cuộc đời của chính nó nữa. 

Vậy mà ít ai lưu tâm đến hoàn cảnh đau khổ to lớn ấy của những đứa con mà cha mẹ đã ly hôn.  Ngược lại càng ngày người ta càng ủng hộ việc ly dị.  Theo một bảng thống kê ở các nước giàu có phát triển thì cách đây 20 năm cứ 20 cặp vợ chồng thì có một cặp ly dị, cách đây 10 năm thì trong 10 cặp có một cặp ly dị, và hiện thời cứ 2 cặp là có một cặp ly dị.  Nghĩa là tỷ lệ phân nửa: bên Nga cũng vậy mà bên Mỹ cũng thế! 

Lý do người ta dựa vào, là “Đã không thể sống chung với nhau nữa thì thà chia tay nhau.”  Một lý do quá giản dị, nhưng vì quá giản dị nên cũng quá thiếu sót, ít ra là thiếu sót ba điểm sau đây:

1/Thứ nhất là quá ích kỷ: chỉ lo cho những cặp vợ chồng mà không nghĩ đến những đứa con.  Cho phép ly dị thì có lẽ vợ chồng sẽ thoải mái đấy, nhưng con cái thì như chúng ta đã thấy qua bức trên đây.  Cha mẹ muốn thoải mái cho bản thân mình, và dồn mọi hậu quả cho những đứa con phải chịu.  Mà những đứa con đó nào có tội tìnhgì đâu?  Tội là ở cha mẹ chúng, nhưng chúng phải gánh lấy hậu quả hoàn toàn.

2/ Thứ hai là phản trắc, lật lọng: những người ly dị là những kẻ phản trắc, lật lọng, không phải đối với ai khác mà đối với chính bản thân họ, đối với chính lương tâm của họ. Họ hãy nhớ lại xem trước khi cưới họ đã nghĩ gì, đã muốn gì, đã thề hứa gì? Họ muốn chiếm cho bằng được con người lúc đó họ đang yêu, họ chấp nhận tất cả mọi khó khăn xung đột của cuộc sống chung, và họ thề sẽ yêu thương nhau trọn đời. Lúc ban đầu thì vậy, nhưng lúc sau thì khác không yêu nhau nữa, không chấp nhận nhau nữa và đòi bỏ nhau bằng mọi giá. Có phải là phản trắc, là lật lọng, là tiền hậu bật nhất không?

3) Và điểm thứ ba là người ta đã quên một điều rất là thông thường trong cuộc sống hôn nhân: bất cứ cặp vợ chồng nào cũng phải trải qua những cuộc khủng hoảng.  Không cặp nào thoát.  Đó là điều tất yếu, và có thể nói còn cần thiết nữa.  Cũng như một đứa trẻ cần phải trải qua khủng hoảng của tuổi dậy thì mới trở nên người lớn được, thì bất cứ cặp vợ chồng nào cũng cần phải trải qua khủng hoảng mới đi đến chỗ trưởng thành.  Vậy mà khi gặp khủng hoảng thì tính ngay chuyện ly dị, thử hỏi làm sao gia đình trưởng thành được?

Đó là ba điểm rất quan trọng mà người ta đã bỏ qua không xét tới.  Vì bỏ qua những điểm quan trọng như thế nên người ta càng ngày càng đòi hỏi ly hôn: những cặp vợ chồng trẻ đòi ly hôn, cha mẹ đôi bên xúi ly hôn, luật pháp cho phép ly hôn…  Chỉ có Tin Mừng Chúa và Giáo hội Công giáo là còn cố gắng ngăn cản việc ly hôn.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý tới những điểm sau đây: 

  1. Những người biệt phái dẫn chứng với Đức Giêsu rằng ông Môsê cho phép ly hôn.  Đức Giêsu trả lời: đó chỉ là vì lòng dạ chai đá của các ngươi thôi.  Nghĩa là Đức Giêsu vạch cho thấy nguồn gốc của ly hôn là lòng dạ chai đá, lòng xấu của con người.  Và như chúng ta đã phân tích ở trên, lòng xấu ấy chính là cái tính ích kỷ, cái thái độ phản trắc lật lọng, thái độ hèn nhát vội tìm đường lẩn tránh trước những khủng hoảng tất yếu của hôn nhân. 
  2. Đức Giêsu nhắc nhở tính chất bất khả ly của hôn nhân là quyền của Thiên Chúa, con người không có quyền làm ngược lại “Điều gì mà Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly.”  Nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận mọi quyền của con người trong vấn đề này: vợ chồng không có quyền đòi ly dị, cha mẹ đôi bên và bè bạn không có quyền xúi ly dị, luật lệ xã hội không có quyền cho phép ly dị, cho nên dù có một trăm tờ giấy ly dị cũng chẳng có chút giá trị nào trước mặt Chúa.
  3. Và thứ ba là Chúa nhắc mọi người phải nhớ đến những đứa trẻ.  Đức Giêsu đã ôm trẻ nhỏ vào lòng, Ngài đã chúc lành cho chúng để nhắc mọi người phải thương yêu chúng, phải bao bọc chúng, đừng ruồng bỏ chúng để chúng phải bơ vơ vì cha mẹ chúng đã ly dị nhau; đừng ngăn cản, không cho chúng đến với Chúa bằng cách dạy chúng vào con đường bất mãn, nổi loạn, sa đọa khi cha mẹ chúng đã ly dị với nhau.

Trích trong “Sợi Chỉ Đỏ” 

***************************************

Lời cầu nguyện cho các gia đình

Ôi Thiên Chúa, Đấng tạo thành tất cả tình phụ tử  trên trời và dưới đất,
 Người là Cha, là Tình Yêu  và Sự Sống,

Chúa làm điều đó trên trái đất này, qua Con của Người, Chúa Giêsu Kitô, “sinh bởi một người phụ nữ”
và bởi Thánh Thần, nguồn gốc của đức bác ái thần thiêng,

 mỗi gia đình nhân loại trở thành một thánh cung thực sự của sự sống và tình yêu
cho các thế hệ không ngừng đổi mới. 

Xin ân sủng của Người hướng những suy nghĩ và hành động của những cặp vợ chồng
về lợi ích tốt đẹp nhất cho gia đình của họ và tất cả các gia đình trên thế giới.

Xin cho các thế hệ trẻ tìm thấy trong gia đình sự hỗ trợ vững chắc,

 Giúp họ luôn sống nhân bản hơn, lớn lên trong sự thật và tình yêu. Xin tình yêu được củng cố nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân,
trở nên mạnh hơn tất cả những yếu đuối và khủng hoảng đôi lúc xày ra trong gia đình. 

Sau cùng, chúng con xin Chúa, qua lời cầu bầu của Thánh Gia Na-gia-rét,

Cho Giáo Hội có thể thành công, với những hoa quả của sứ vụ, trong gia đình và qua gia đình,

nơi tất cả các quốc gia trên trái đất.

Cha là Sự Sống, Chân Lý và Tình Yêu
trong sự hiệp nhất với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Amen.

Đức Gioan Phao lô II

Tại buổi lễ nhân dịp Năm Thánh gia đình, 15 Tháng Mười, 2000.

Quốc Việt dịch thuật

From: NguyenNThu & KimBang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay