Sau 42 Năm

 Sau 42 Năm

 Nguyễn Thị Thêm

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 5104-18-30784-vb5042717

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Công việc hàng ngày của tác giả là chăm sóc ông chồng sĩ quan cựu tù bị tâm thần suy nhược. Bài viết mới là chuyện được viết sau một đêm tháng Tư không ngủ, nhận tin Bà Hạnh Nhơn vừa mất.

* * *

Tôi ngồi trước máy, đầu óc mông lung. Bốn giờ sáng, tạo vật còn say ngủ mà tôi cứ quay cuồng những ý nghĩ chợt đến chợt đi. Xoay qua trở lại thao thức không ngủ được. Vậy thì hãy ngồi dậy viết những gì mình nghĩ. Thế nhưng, bây giờ ngồi trước máy, những tư tưởng hổn độn lúc nãy không cánh mà bay. Nó chạy đi không để lại một dấu tích.

Đã bao nhiêu năm rồi tôi đã trải qua những đêm trắng như vậy. những đêm trắng đờ con mắt vì những âm thanh của tiếng rên, tiếng kêu thảng thốt của người chồng thân yêu. Ông đã là người lính, là người tù bị đầy đọa trong những trại tập trung của cộng sản. Đến được nước Mỹ khi sức cùng lực kiệt, ông trở thành người bệnh tâm thần suy nhược. Ngày đêm kề cận những tiếng rên xiết hay kêu la của ông, tôi cảm được những cơn ác mộng mà ông từng trải qua. Tôi vật lộn, đấu tranh với chính mình về những con người không tên, không hiện hữu bao quanh cuộc sống vợ chồng tôi.

Chúng tôi cưới nhau năm tôi 23 tuổi. Cái tuổi đủ chính chắn để làm vợ, làm mẹ vào thời điểm đó. Thế nhưng tôi vẫn còn con nít trong vấn đề tình yêu. Bởi tôi chưa hề có một mối tình đầu để làm hành trang và kinh nghiệm sống cho mình. Gia đình tôi cổ hủ và tôi là đứa con gái duy nhất nên bị ràng buộc trong tầm suy nghĩ của mẹ “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trao mình” Cái ông Khổng tử ở tuốt bên Tàu vậy mà uy lực ổng thật to rộng. Một người phụ nữ ít học, quê mùa như má tôi lại thuộc nằm lòng mấy câu giáo điều đó. Thuộc để ép mình vào khuôn khổ cả một đời và truyền lại cho con gái.

Chúng tôi cùng dạy tư cho một trường trung học công giáo do cha đạo mở ra. Khi ấy anh đã là lính mang lon chuẩn úy. Có nghĩa là anh cũng thuộc lính mới tò te. Một sĩ quan mới ra trường còn mang nhiều món nợ áo cơm từ cha mẹ. Nơi anh được bổ nhiệm là một quận lỵ nằm giữa những vùng xôi đậu. Ban ngày là của Quốc Gia, ban đêm là Việt Cộng.

Tại những vùng xôi đậu như vậy, mạng sống người lính trong đường tơ kẻ tóc và người con gái chấp nhận lấy lính là chấp nhận mọi sự rủi may trong đời. Đám cưới đôi khi không dám tổ chức tại địa phương vì gia đình sợ bị theo dõi và trả thù. Thôn làng do chính phủ VNCH làm chủ mà người dân sợ Việt Cộng hơn Quốc Gia.

Xung quanh hàng xóm không biết ai là bạn, ai là Việt Cộng nằm vùng. Cuộc sống bấp bênh trong những trận càn của lính và đêm sục xạo, gỏ cửa rình rập khủng bố từ phía bên kia. Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết, hàng rào Ấp chiến lược đã không còn hiệu lực. Cuộc chiến toàn diện vượt quá tầm hiểu biết và sức chịu đựng của dân chúng.

Khi những người bạn đồng minh lần lượt đổ quân vào thôn xóm thì như giọt nước đã tràn ly. Người dân càng hoảng loạn không biết đâu là chính nghĩa. Những người Mỹ, người Đại Hàn, người Thái Lan súng ống rầm rộ khắp mọi ngõ ngách xóm làng. Người dân quê sợ sệt khi thấy người ngoại quốc lùng sục khắp nơi. Trong khi đó kẻ gian rình mò trong bóng đêm. Những bộ mặt giả nhân nghĩa vừa tỉ tê dụ dỗ, vừa hù dọa khủng bố đã len lỏi vào từng gia đình. Người dân không thương yêu gì CS nhưng sợ bị trả thù, sợ bị theo dõi, sợ bị nghi ngờ và bị giết oan. Hệ quả không chánh khỏi là ở chỗ chính nghĩa bị hiểu lầm và kẻ gian ngoa đã giành được chiến thắng.

Đã trễ quá rồi khi nói đến điều này, nhưng tất cả chúng ta đều là nạn nhân của cuộc chiến tương tàn. Bao nhiêu thanh niên của nước Mỹ giàu đẹp đã bỏ thây một cách oan uổng trên chiến trường VN. Vì sự sai lầm của cả hai phía. Tất cả tang thương đó đã đổ lên vai, lên đầu của thế hệ chúng tôi. Những người lính, những người vợ lính và những trẻ thơ vô tội.

Bốn mươi hai năm qua, nhắc lại thêm ngậm ngùi, đau đớn. Bao nhiêu mạng người đã bỏ thây trong cuộc chiến, trong nhà tù của cộng sản. Bao nhiêu mạng người bị vùi dập trên biển đông bởi giông tố, hải tặc. Bao nhiêu câu hỏi làm nghẹn lòng người Việt trên khắp năm châu.

Bốn mươi hai năm sau, những người tham dự trong cuộc chiến ngày đó đều đã già. Những mái tóc bạc trắng hay hoa râm, những tâm hồn đầy những vết thẹo quá khứ và chiến tranh. Cố gắng xây dựng một thế hệ tiếp nối. Cố gắng sống tốt và làm sống lại một thuở hào hùng. Đôi chân đã yếu, cơ thể hao mòn. Những người cha, người ông đã tận lực mình vì hai chữ tự do. Họ thật đáng kính trọng và tự hào. Nhưng trong họ biết bao nhiêu đêm trăn trở, dằn vặt vì sức tàn, lực kiệt

Sau Tháng Tư 1975, người sĩ quan VNCH bị tù đày nơi rừng thiêng nước độc. Không một bản án, không biết ngày về.

Nếu không có chương trình HO không biết bây giờ cuộc sống của những người tù Cộng sản sẽ ra sao? Không có chương trình HO. Không có những người liều chết vượt biển tìm tự do. Chúng ta sẽ không có những thế hệ thứ hai thứ ba thành công trên đất nước Hoa kỳ hay trên thế giới. Chúng ta sẽ không bao giờ có một Little Saigon trên đất Mỹ. Chúng ta sẽ không thể hãnh diện giơ cao lá cờ vàng và hát Quốc ca. Chúng ta không có xe hoa diễn hành ngày tết Nguyên Đán, Chúng ta cũng không thể có những bảo tàng lịch sử “Quân lực VNCH”. Không có tượng đài chiến sĩ Việt -Mỹ, không có tượng Đức Trần Hưng Đạo và cũng không thể có những nghị quyết “Vinh Danh cờ vàng” tại nhiều thành phố trên nước Mỹ, Úc, Canada.

Cám ơn ông Robert Funseth, Bà Khúc Minh Thư và biết bao vị khác đã tận lực với chương trình HO. Cám ơn những ân nhân trên thế giới đã cứu vớt, đã mở con đường sống cho những người vượt biển liều chết tìm tự do.

Khi tôi chuẩn bị gửi bài này vào Việt Báo thì nhận tin bà Hạnh Nhơn vừa mất.

Nữ Trung Tá Không quân VNCH Hạnh Nhơn là một người lính, một H.O. cựu tù và cũng là một người vợ lính. Sau nhà tù nhỏ nhà tù lớn, khi tới được nước Mỹ, Bà là Chủ Tịch Hội H.O. Cứu Trợ Thương Binh Quả Phụ, một ân nhân của những thương phế binh và quả phụ VNCH còn ở quê nhà. Bà đã dùng cả cuộc đời mình cho lính và vì những người lính. Mái tóc trắng như bông. Giọng nói miền Trung nhẹ nhàng, hiền hòa. Người mẹ 90 tuổi đã làm nên kỳ tích. Mỗi năm đã vận động và quyên góp một số tiền không nhỏ cho những TPB.

Rất cám ơn Bà Hạnh Nhơn với chương trình “Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH”, một chương trình đầy tình người. Ứớc mong sao những người thương phế binh còn lại ở Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ cứu xét và cho đi định cư. Để họ được chăm sóc và gia đình có đời sống tốt đẹp hơn.

Ngậm ngùi tưởng niệm và rất xúc động, ngay khi được tin Bà Hạnh Nhân vừa ra đi, tôi đã viết mấy dòng thơ đơn sơ:

Có một vì sao đã rơi sáng nay
Trong bệnh viện Cali: Fountain Valley
Đôi mắt hiền từ bình yên khép lại
Đẹp tuổi chín mươi tóc trắng như mây.

Thương qúa là thương nụ cười đôn hậu
Cựu Trung Tá không quân Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.
Tiếng nói miền Trung dịu dàng nhỏ nhẹ.
Đằm thắm hiền hòa chân thật thiết tha.

Buổi sáng thứ ba người rời dương thế
18 tháng Tư, tháng của chia xa.
Nỗi buồn tháng tư nhân lên gấp bội
Hội cứu trợ TPB và Quả phụ VNCH

“Thành kính Tiếc Thương, lệ hoen mi mắt.
Người đã đi rồi, về với hư không.
Những việc Người làm, ơn trên đều thấy
Rộng cửa thiên cung đón Người vào trong.

42 năm, một thời gian quá nửa đời người. Những chứng nhân lịch sử rất nhiều người đã nằm xuống vì tuổi già, vì bệnh tật. Những văn nhân, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ nỗi danh cũng quá nửa đã ra đi. Một thế hệ VNCH lần lần đi vào quá khứ. Thế hệ tiếp nối lớn lên tại Mỹ, sinh ra tại Mỹ và gia nhập vào dòng chính đang trở thành những người Mỹ thực thụ. Con cháu gốc Việt dần dà sẽ không nói tiếng Việt, không nhớ gì tới gốc rễ của chúng?

Không. Chúng ta đã có những lớp dạy tiếng Việt. “Tiếng Việt còn, nước ta còn.” Chúng ta không thể không hòa nhập nhưng không thể để mất nguồn cội. Những thế hệ VNCH thứ hai thứ ba đang học hỏi để hiểu lý do tại sao chúng có mặt nơi này. Các cháu đang làm sống lại dòng sử Việt. Các cháu giương cao lá cờ vàng và các cháu tự hào về nó.

Dù muốn dù không chúng ta cũng đã rời khỏi VN. Mọi việc của quê hương đất nước phải do người trong nước quyết định. Có thay đổi được vận mệnh, có bảo vệ VN khỏi bàn tay xâm lược của Tàu Cộng hay không là do người trong nước thực hiện. Chúng ta chỉ có thể tiếp tay đưa mọi việc ra dư luận quốc tế để làm áp lực.

Các bạn ơi! 42 năm rồi cho một cuộc chiến, cho một đời người. Hai con trai chúng tôi đang là người lính của nước Mỹ. Con gái tôi sinh ra 3 tháng sau ngày mất nước. Bây giờ cháu đã 42 tuổi, là một phụ nữ trung niên, con cái đã vào Trung học. Người lính trẻ nhất của VNCH năm xưa nay cũng đã ngoài 60. Những người lính già bây giờ đều đã đi gần cuối cuộc đời. Sống nơi xứ người tuy đầy đủ vật chất nhưng vẫn là nỗi khắc khoải khôn nguôi cho những giấc mơ về một VN tự do dân chủ.

Tôi yêu quê hương VN tôi lắm. Tôi nhớ gia đình, họ hàng anh em và bạn bè tôi. Tôi nhớ từng con đường, từng góc vườn kỷ niệm của tuổi thơ và tuổi trẻ. Thú thật tôi sợ lắm. Sợ một ngày nào đó tôi trở về không nhận ra đất nước của mình. Tôi sợ Trung Cộng sẽ chiếm trọn Việt Nam. Người Việt sẽ bị làn sóng người Tàu tràn xuống tịch thu nhà cửa, chiếm cứ ruộng vườn. Họ sẽ đày người Việt mình đi vào những nơi rừng núi hay đồng khô cỏ cháy. Họ sẽ xóa một nước VN như chính quyền hiện nay xóa sổ VNCH. Họ sẽ tàn bạo hơn, quyết liệt hơn, dã man hơn như đang thẳng tay đàn áp dân dân chúng ở Tân Cương, Tây Tạng.

Một Sài Gòn xưa đã mất. Một nền văn hóa nhân bản đã mất. Có thể rồi đây nước Việt Nam sẽ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Chẳng ai còn nhớ đến bà Trưng, bà Triệu, Hưng Đạo Vương, vua Quang Trung….

Không. Sẽ không thể như vậy. Bốn mươi hai năm đã quá đủ cho những thương đau. Đất nước tôi, dân nước tôi, dù từng chịu bao cơn vùi dập, vẫn đủ sức đứng dậy. Xin các đấng tiền nhân, hương linh những anh hùng tử sĩ phò hộ cho nước Việt mình vượt qua cơn bão giông này.

Tháng Tư 2017

Nguyễn Thị Thêm 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay