Ra mắt sách ‘Biệt Đội Thiên Nga’ của biệt đội trưởng Nguyễn Thanh Thủy

Ra mắt sách ‘Biệt Đội Thiên Nga’ của biệt đội trưởng Nguyễn Thanh Thủy

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

Sách “Biệt Đội Thiên Nga” của biệt đội trưởng Nguyễn Thanh Thủy trong buổi ra mắt tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

SANTA ANA, California (NV) – “Trước 1975, ít ai biết được ‘Thiên Nga’ là gì, phần lớn nhiều người cứ nghĩ rằng, ‘Thiên Nga’ là cái tên để ám chỉ những người nữ cảnh sát nói chung cho nét đẹp, dễ thương hầu xóa đi thành kiến của một số người dân vốn ít thiện cảm với những người nam cảnh sát. Thế nhưng, sự thật không phải như vậy, mà ‘Thiên Nga’ là một biệt danh để chỉ những người nữ tình báo của lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia VNCH.”

Ông Nhữ Đình Toán, thành viên ban tổ chức nói về ý nghĩa chữ “Thiên Nga” trong buổi ra mắt sách “Biệt Đội Thiên Nga” của tác giả Nguyễn Thanh Thủy, vào trưa Thứ Bảy, 7 Tháng Bảy tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove.

Tác giả Nguyễn Thanh Thủy (bìa trái) ký tên vào sách “Biệt Đội Thiên Nga” tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Diễn giả Trần Minh Công, cựu đại tá chỉ huy trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia (HVCSQG) cho biết, “Trước đây, tôi đã từng đọc quyển hồi ký ‘Đóa Hồng Gai’ của chị Nguyễn Thanh Nga, một cựu tù Cộng Sản bất khuất. Hôm nay, tôi lại được đọc cuốn hồi ký ‘Biệt Đội Thiên Nga’ của nữ Thiếu Tá CSQG Nguyễn Thanh Thủy, cũng là một cựu tù nhân bất khuất với 13 năm bị giam giữ khổ sai bởi CSVN.”

“13 năm đọa đầy đã làm biến dạng một nữ sĩ quan xinh đẹp một thời là sinh viên Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt trước khi tham gia lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG). Tôi tiếc thương cho cuộc đời của một thiếu nữ vì yêu nước mà đã bị Cộng Sản đày đọa tàn phá dung nhan. Nhưng tôi không thể không cảm phục những con cháu Bà Trưng, Bà Triệu như nữ Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy, đã vì yêu nước mà chấp nhận mọi vất vả gian nguy để theo đuổi lý tưởng của mình,” ông Công tâm tình.

Cũng theo ông Công, khoảng năm 1965, học viện CSQG tọa lạc trong vòng thành Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn, ông là liên đoàn trưởng Liên Đoàn Sinh Viên, trông coi và hướng dẫn tất cả các sinh viên sĩ quan (SVSQ) khóa 1, trong đó có gần 400 nam, và chừng 50 nữ.

Sau Tết Mậu Thân (1968) đến ngày Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản năm 1975, biệt đội này đã cài nhân viên vào các tổ chức Việt Cộng nằm vùng và ngay cả gài điệp viên vào mật khu của Việt Cộng để thâu lượm tin tức tình báo. Chính nhờ những tin tức tình báo thu thập được mà lực lượng CSQG đã kịp thời chuẩn bị và vô hiệu hóa nhiều hoạt động phá rối của Việt Cộng tại các tỉnh thị Nam Việt Nam trước 1975. Cũng chính vì sự hữu hiệu của Biệt Đội Thiên Nga do nữ Thiếu Tá Thanh Thủy chỉ huy mà Việt Cộng đã trả thù, đày đọa và hủy hoại nhan sắc của bà trong suốt 13 năm tù đày.

Diễn giả Glassey Trang Đài, một học giả đã từng soạn những bài khảo cứu về cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nói, “Người ta thường nói ‘It’s the text that survives.’ Sau khi chúng ta ra đi, thì chỉ còn chữ nghĩa ở lại. Chữ nghĩa của cựu Thiếu Tá Nguyễn Thị Thanh Thủy không chỉ còn lại với người Việt chúng ta, mà tôi mong là đối với cả những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam cận đại và vai trò của người phụ nữ trong giai đoạn này.”

Các cựu Thiên Nga trong buổi ra mắt sách “Biệt Đội Thiên Nga” tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Diễn giả Nhữ Đình Toán, tức nhà văn Đoàn Như, phát biểu, “Tôi là người bạn đồng môn với chị Nguyễn Thanh Thủy, cùng xuất thân Khóa 1 SVSQ/HVCSQG. Khóa 1 là khóa duy nhất có khoảng 50 nữ SVSQ vừa biên tập viên, vừa thẩm sát viên theo học, trong đó có chị Nguyễn Thanh Thủy. Trên 50 năm về trước, các nữ SVSQ/HVCSQG khi nhập học đều là những thiếu nữ xinh đẹp, vì đó là một trong những tiêu chuẩn về nhân dáng để được nhập học Khóa 1. Trước khi nhập khóa, không một ai trong các nữ SVSQ này có khái niệm gì về những hoạt động của ngành cảnh sát chớ đừng nói về những hoạt động tình báo.”

Nói về nội dung của quyển sách “Biệt Đội Thiên Nga,” nhà thơ Trạch Gầm, trong vai trò diễn giả, chia sẻ: “Theo niên trưởng Trần Minh Công đã nói, ‘Nghề tình báo là nghề có nhiều sự việc sống để bụng, chết mang theo,’ cho nên trong quyển sách này mà chị Nguyễn Thanh Thủy đã viết, thì tôi cũng tin chắc rằng, những sự việc chị đã kể trong quyển sách, bắt buộc phải còn thiếu sót. Bởi vì những điều thiếu sót đó nếu trình bày ra, nó sẽ còn liên hệ rất nhiều nhân sự khác đã từng hoạt động trong Biệt Đội Thiên Nga, và họ đang còn kẹt lại ở quê nhà.”

Một số cựu Thiên Nga từ nhiều nơi về tham dự, trong đó có cựu Thiên Nga Hồng Nga tâm tình: “Lúc tôi gia nhập Biệt Đội Thiên Nga thì tôi còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 thôi. Tôi rất yêu thích ngành nghề của tôi, vì đây cũng là việc cho những phụ nữ trẻ như chúng tôi đáp lời câu ‘Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh.’ Vì lý tưởng đó, nên chúng tôi không nệ bất cứ gian khổ nào, cho dù những công tác rất nguy hiểm, chúng tôi vẫn thi hành theo lệnh của cấp chỉ huy. Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn mong rằng, sẽ có những người tuổi trẻ tiếp tục những công tác như chúng tôi trên bước đường diệt cộng cứu nước.”

Ông Nguyễn Doãn Hưng, hội viên Hội CSQGNC cho biết, “Ngày xưa, tôi có nghe tên của chị Nguyễn Thanh Thủy, nhưng chưa từng gặp mặt vì chị là khóa 1, còn tôi là khóa 6, nên tôi là khóa đàn em của chị Thủy cách nhau gần 7 năm. Trong một số hội viên của Hội CSQGNC ở đây mà tôi đã biết mặt họ từ lâu, nhưng trong dịp ra mắt sách này thì tôi mới biết họ ngày xưa là nhân viên của Biệt Đội Thiên Nga. Tôi rất mến phục những chị trong biệt đội này, vì công tác của họ ngày xưa rất là khó khăn, nguy hiểm và còn phải bảo mật nữa.”

Buổi ra mắt sách có phụ diễn phần nghệ, với sự yểm trợ của các ban văn nghệ Biệt đội Văn Nghệ QLVNCH và Ban văn nghệ Hội CSQGNC.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay