Gia đình Sư Phạm Sài Gòn hội ngộ Hè 2018

Gia đình Sư Phạm Sài Gòn hội ngộ Hè 2018

Các giáo sư của Sư Phạm Sài Gòn nhận những bó hoa tình nghĩa từ các cựu giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nguyên Huy/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Trưa Chủ Nhật 29 Tháng Bảy, Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn lại có cuộc họp mặt Hè hàng năm tại nhà hàng Diamond Seafood trên đường Lampson thuộc thành phố Garden Grove.

Trong cuộc điểm danh này, ban tổ chức cho biết tất cả các khóa Sư Phạm Sài Gòn trước 1975 đều có người hiện diện. Khóa 1 thì có cựu giáo chức Trần Văn Sửu và khóa 13 sau chót thì có nữ giáo chức Mai Thị Kim Loan. Riêng khóa 5 hiện diện đông nhất với bảy người đến từ nhiều nơi, kể cả từ Việt Nam. Cứ mỗi lần giáo sinh từ các khóa được xướng danh thì cả hội trường lại vang lên tiếng cười vui náo nhiệt chào đón.

Trong số các cựu giáo sư tham dự có nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà giáo Dương Ngọc Sum, nhà giáo Nguyễn Tử Quý, nhà văn Huy Phương và nhiều vị đến từ các tiểu bang xa như Florida như Lê Thanh Hoàng Văn, hay Hoàng Kim Lan từ Texas.

Giáo Sư hội trưởng Dương Ngọc Sum giới thiệu toàn ban tổ chức ngày Họp Mặt Sư Phạm Sài Gòn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Sau phần giới thiệu thành phần trong Gia Đình Sư Phạm Saigon, việc đầu tiên là 3 MC Bích Thủy, Nguyễn Quốc Chí, Trần Quốc Dũng thay nhau mời các vị giáo sư của Sư Phạm Sài Gòn trước năm 1975 lên ngồi trước sân khấu để đại diện giáo sinh các khóa được lên trao bó hoa Ân Nghĩa Thầy Trò. Niềm vui như rạng rỡ hẳn trên khuôn mặt của các thầy cô cũ.

Phát biểu trong dịp này, Giáo Sư Dương Ngọc Sum gửi lời cảm ơn đến ban tổ chức đã tạo cơ hội cho tình thầy trò được sống lại sau cả nửa thế kỷ. Ông nêu danh đủ tên các vị trong ban điều hành và ban tổ chức như một sự cám ơn trực tiếp đến nỗ lực của mọi người trong Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn đã gìn giữ được sinh hoạt này trong bao năm qua.

Nói với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn ngắn sau đó, Giáo Sư Dương Ngọc Sum cho biết: “Tôi được bổ nhiệm về dạy tại Sư Phạm Sài Gòn từ ngày thành lập cho tới 30 Tháng Tư, 1975, vun quén cho các lớp giáo sinh trở thành những người đi truyền bá một nền giáo dục nhân bản dân tộc và khai phóng mà cho đến nay ai cũng phải công nhận đó là một nền giáo dục tốt đẹp vừa trau giồi trí dục vừa đức dục để tạo ra được một thế hệ trẻ biết đến Tổ Quốc, biết đến trách nhiệm của một người dân và nhất là biết đến gìn giữ một nền văn hóa dân tộc để đến nay lớp trẻ ấy tại hải ngoại đã là những người dân có ích cho xã hội. Rất tiếc là nền giáo dục ấy đã không được vun bồi mà ngược lại còn bị phá hủy do nhà cầm quyền mới chủ trương ‘hồng hơn chuyên’.”

Nói chuyện với chúng tôi, các nhà giáo từ Việt Nam qua, xin không nêu tên, đều có một nhận xét tương tự dù còn đang theo nghề cũ hay đã bị buộc phải bỏ nghề giáo từ khi Việt Nam bị rơi vào vòng Xã Hội Chủ Nghĩa. Đạo đức của học sinh và của cả một số giáo chức mới so với trước năm 1975 đều xuống cấp mà cụ thể là vụ thi cử vừa rồi.

Cựu giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn đến từ Việt Nam (giữa) và các nơi hội ngộ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nữ giáo sinh khóa 9, cô giáo Nguyễn Kim Cúc khi qua Hoa Kỳ đã không còn theo nghề giáo nữa cũng bày tỏ: “Không còn đứng trên bục giảng nữa, nhưng lúc nào cũng trăn trở với nền giáo dục ở trong nước. Người xưa nói trăm năm mới trồng được người thì không biết tương lai tuổi trẻ Việt Nam sẽ ra sao khi sống trong một xã hội đạo đức xuống cấp, mọi giá trị tinh thần bị mờ nhạt trước quyền lực và kim tiền. Tình thầy trò không còn thì lấy gì mà vun đắp cho tình người nữa. Xã hội Việt Nam chưa bao giờ có việc trao thân để đổi điểm giữa nam giáo viên với nữ sinh… ôi chao, ngày xưa thầy mà lấy học trò của mình thì đã bị dư luận xã hội thị phi rồi…”

Bầy tỏ cảm nghĩ của mình về buổi hội ngộ giáo chức như hôm nay, cô giáo Cúc nói: “Thật là đáng quý. Mong Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn mãi mãi tồn tại để như một chứng cứ cho nền giáo dục trước năm 1975 đã tạo nên được những con người có tình có nghĩa, biết thương yêu và đùm bọc nhau”.

Sau những tiết mục liên quan đến giáo dục, buổi họp mặt được tiếp nối bằng một chương trình văn nghệ với những “tiếng hát giáo sinh” mà trưởng ban văn nghệ của Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn, cô giáo Bích Thủy đã cùng cô giáo Minh Phú, cô giáo Mai Minh sắp xếp rất ăn ý, đầy ý nghĩa sum vầy.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay