Cơ chế: Sát thủ của tự do báo chí

Cơ chế: Sát thủ của tự do báo chí

Cát Linh, RFA
2018-07-17

Bảng tin ngày cuối cùng trước khi bị đình bản của Báo Tuổi Trẻ Online

Bảng tin ngày cuối cùng trước khi bị đình bản của Báo Tuổi Trẻ Online

 Screenshot of tuoitre.vn

Xôn xao cộng đồng những ngày qua là quyết định xử phạt báo Tuổi Trẻ 220 triệu đồng và đình bản báo Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng. Một trong những lý do của biện pháp kỷ luật được nêu ra là vì bài viết về một câu nói của ông chủ tịch nước. Nhưng vấn đề làm dư luận và cả giới báo chí thắc mắc là có hay không phát ngôn của ông Chủ tịch nước, vì cho đến nay không có lời đính chính nào từ báo Tuổi Trẻ?

Phản ứng của báo Tuổi Trẻ trong chuyện này cho thấy có phải tự do báo chí ở Việt Nam đang bị quản lý bởi một cơ quan ‘siêu quyền lực’ hay không?

Sự thật của cuộc họp báo

Sau khi có quyết định của Bộ Thông tin- Truyền Thông đưa ra vào ngày 16/7/2018, trang điện tử Tuổi Trẻ Online chính thức bị “đình bản” vào chiều tối ngày 17/7/2018. Độc giả không thể truy cập vào trang báo điện tử này nữa. Họ tiếp tục thắc mắc về sự thật đã xảy ra trong buổi họp cử tri ngày 19/6/2018.

Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội, trong đó có cả những người là cựu phóng viên của các tờ báo lớn đều có cùng quan điểm là “Một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ không thể ‘dựng’ lời phát biểu của Chủ tịch nước.”

Ngày 16/7, chúng tôi tìm cách liên lạc với một số phóng viên của báo Tuổi Trẻ để tìm hiểu về sự thật trong buổi họp báo. Câu trả lời qua tin nhắn chúng tôi nhận được là:

“Phóng viên sai, trích ẩu. Biên tập viên thông qua không check (kiểm tra lại). TTO sai rồi bị phạt là đúng. Đó chỉ là đề nghị của cử tri.”

Phóng viên sai, trích ẩu. Biên tập viên thông qua không check (kiểm tra lại). TTO sai rồi bị phạt là đúng. Đó chỉ là đề nghị của cử tri. – Phóng viên báo Tuổi Trẻ

Đối lập với câu trả lời trên, chúng tôi đặt vấn đề này với nhà báo Nguyễn An Dân, ông có sự phản biện khá rõ ràng:

“Ông Chủ tịch nước có nói hay không, báo TTO đúng hay sai, không chỉ dư luận đọc báo online, mà rất nhiều cử tri có mặt trong buổi tiếp xúc đó đều tự biết rằng chuyện báo Tuổi Trẻ bị đình bản là đúng hay sai.”

Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí
Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí Facebook of Luu Dinh Phuc

Thêm vào đó, ông đưa ra 3 vấn đề lớn mà ông nhìn thấy trong vụ việc này.

“Nếu như tờ Tuổi Trẻ đăng sai lời phát biểu của Chủ tịch nước thì ổng sẽ lên tiếng chỉ đạo đề nghị xử lý báo Tuổi Trẻ vì đã đăng sai lời của ổng. Ổng không lên tiếng, nghĩa là người liên quan trực tiếp vụ việc không lên tiếng. Cái thứ 2, trong thông báo của báo TT trước khi đình bản, họ nói là họ chấp nhận quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông chứ họ không nói là họ sai.

Về vụ việc này họ nói là họ phải chấp hành. Họ không nói họ đăng đúng mà họ cũng không nói họ đăng sai.”

Cũng như bao người dân khác, Nhà báo độc lập, chủ trang mạng Góc Nhìn Khác Trương Duy Nhất nói rằng ông không thể biết chính xác ông Chủ tịch Trần Đại Quang có phát ngôn như thế hay không? Nhưng trong một tâm thế bức xúc, giận dữ, có cả sự đau xót, ông chia sẻ với chúng tôi về phản ứng của báo Tuổi Trẻ đối với sự việc này.

“Câu chuyện báo Tuổi Trẻ, cho đến bây giờ chúng ta vẫn không biết là ông Trần Đại Quang có nói hay không. Báo chí trong nước không minh bạch điều đó. Nhưng giả sử có điều gì đó chăng nữa thì trách nhiệm tôi trông đợi 1 Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ lên tiếng. Đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy.”

Ông Chủ tịch nước có nói hay không, báo TTO đúng hay sai, không chỉ dư luận đọc báo online, mà rất nhiều cử tri có mặt trong buổi tiếp xúc đó đều tự biết rằng chuyện báo Tuổi Trẻ bị đình bản là đúng hay sai. – Nhà báo Nguyễn An Dân

Sát thủ giấu mặt

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam đăng tải trên trang cá nhân một bài viết chi tiết về vụ việc này, ông gọi là “Truyền thông, nguyên nhân và nguyên cớ.” Trong đó, có một hàm ý được ông nêu ra, là: “Báo TTO cũng thế. Hôm qua họ đã chấp nhận kỷ luật, chỉ thông báo, không giải thích hay biện minh, chấp nhận có sai thì chịu phạt, thì sửa. Vì họ hiểu rõ vì sao mình bị phạt.”

Đúng là cho đến khi trang tuoitreonline không thể truy cập được nữa thì vẫn hoàn toàn không có sự biện minh, cải chính nào từ tờ báo được xem là có độ “phủ sóng” lớn nhất nước. Chỉ trừ lần lên tiếng duy nhất là bài viết “Báo Tuổi Trẻ Online tạm biệt bạn đọc trong 3 tháng” đăng vào chiều ngày 16/7.

“Vì họ hiểu rõ vì sao mình bị phạt”? Theo ý ông, ký lệnh phạt là cấp cục. Nhưng ra lệnh phạt là cấp cao nhất. Và báo TTO hiểu điều đó, nghĩa là không có cơ hội xin hay phản đối, kiến nghị.

Cũng có những chi tiết, nội dung không hề được nhắc đến nhưng nhiều người thấy. Một ví dụ đó là Tuổi Trẻ Cười đăng biếm họa ném chuột kiêng vỡ bình.

Như thế, có thể ngầm hiểu rằng “tội” của báo Tuổi Trẻ không chỉ dừng lại ở việc “đăng sai” lời phát ngôn của Chủ tịch nước, hoặc đăng thông tin gây mất đoàn kết trong phần bình luận của bài viết ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ hôm 26/5/2017.

tuoi tre
tuoi tre Courtesy of Báo Tuổi Trẻ

Mà như thế, thì đúng như lời cảnh báo của nhà báo Nguyễn An Dân đưa ra cách đây 6 tháng với giới báo chí, đó là “Hãy để ý báo Tuổi Trẻ”.

Theo như phân tích của nhà báo Nguyễn Hồng Lam, người ký phạt là cấp cục, là ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí. Theo một nguồn tin bên lề chưa kiểm chứng, Lưu Đình Phúc vốn xuất thân là Công an, được cử đi học Tổng hợp Văn, sau đó trở thành quản lý báo chí. Lưu Đình Phúc cũng chính là cháu của nhà báo Lê Đình Triều, sĩ quan của chế độ Sài Gòn cũ và là cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ.

Và ra lệnh phạt lại là 1 cấp khác, cấp cao nhất.  Cấp đó là ai? Có phải Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn? Hay một ‘sát thủ ẩn mặt” nào khác?

Ở đất nước này muốn đình bản, muốn kỷ luật nhiều tờ báo đều phải thông qua ban Tuyên giáo. Mà ban Tuyên giáo là gì, là cái mồm, là phát ngôn viên của Đảng Cộng sản. Cái mồm của Ban Tuyên giáo phải có sự đồng ý của Ban Bí thư, thậm chí của Bộ Chính trị. – Nhà báo Trương Duy Nhất

Sát thủ ấy có phải là Luật An ninh mạng đã được thông qua hay không? Theo nhà báo Trương Duy Nhất thì không phải ông Trương Minh Tuấn, không phải Lưu Đình Phúc, cũng không phải Luật An ninh mạng, mà đó là cơ chế.

“Ở đất nước này muốn đình bản, muốn kỷ luật nhiều tờ báo đều phải thông qua ban Tuyên giáo. Mà ban Tuyên giáo là gì, là cái mồm, là phát ngôn viên của Đảng Cộng sản. Cái mồm của Ban Tuyên giáo phải có sự đồng ý của Ban Bí thư, thậm chí của Bộ Chính trị.”

Ông nhấn mạnh, báo chí ở Việt Nam luôn bị xem là 1 công cụ. Ngay cả bản thân nhà báo Trương Duy Nhất nếu ở cương vị của ông Trương Minh Tuấn hay Lưu Đình Phúc cũng không phải là ‘sát thủ’ đối với tự do báo chí. Vì sao?

“Sát thủ của báo chí là cơ chế và thể chế này, nó coi báo chí là 1 công cụ. Chỉ 1 cú điện thoại nó làm ngưng, câm miệng tất cả toà báo mà?”

“ Nếu ở 1 cơ chế luật pháp thông minh và minh bạch thì đến bây giờ câu chuyện của báo Tuổi Trẻ là gì, phải xác định ông Chủ tịch nước có nói hay không và báo Tuổi Trẻ có đưa tin sai hay không? Đến bây giờ ngay cả người làm báo như chúng tôi cũng không biết điều gì cả.”

Nếu theo đúng như chia sẻ của những người cầm bút ở trên, thì có lẽ câu chuyện của TTO sẽ mãi mãi là một câu hỏi lớn cho lịch sử báo chí Việt Nam. Và ai thật sự là “sát thủ tự do báo chí”?

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay