Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Hun Sen là nhà độc tài quân sự”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Hun Sen là nhà độc tài quân sự”


Thủ tướng Campuchia Hun Sen và phu nhân, bà Bun Rany
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và phu nhân, bà Bun Rany

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã trở thành ‘một nhà độc tài quân sự hoàn toàn’ với sự hỗ trợ đắc lực của các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một bản phúc trình được công bố hôm thứ Năm ngày 28/6.

Với tựa đề ‘12 người bẩn thỉu của Campuchia: Quá trình vi phạm nhân quyền lâu dài của các tướng lĩnh của Hun Sen’, bản phúc trình dài 213 trang cho thấy mức độ kiểm soát cá nhân của ông Hun Sen đối với lực lượng quân đội và cảnh sát thông qua danh sách 12 quan chức an ninh cấp cao vốn ‘tạo thành xương sống của một chế độ chính trị chuyên chế và đàn áp’.

Bản phúc trình được đưa ra trong bối cảnh Campuchia sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử 5 năm một lần vào tháng Bảy mà nhiều khả năng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do ông Hun Sen lãnh đạo sẽ tiếp tục chiến thắng để đảm bảo cho ông thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa sau khi ông đã có những hành động đàn áp các lãnh đạo đối lập và đỉnh điểm là giải tán Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) hồi năm ngoái.

Nhiều người trong số 12 tướng lĩnh này, trong số đó có Tướng Pol Saroeun, tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia và Tướng Neth Savoeun, tư lệnh cảnh sát tối cao của Campuchia, đều từng phục vụ trong quân đội Khmer Đỏ cùng với bản thân Hun Sen.

Mỗi người trong số các tướng lĩnh này có được địa vị cao và chức vụ béo bở như hiện nay là nhờ vào các liên hệ chính trị và cá nhân với Hun Sen trong vòng trên dưới hai thập niên qua, theo thông cáo báo chí của HRW. Theo đó, ông Hun Sen đã tạo dựng được nền cai trị chuyên chế của mình bằng cách cất nhắc các tướng lĩnh dựa trên lòng trung thành của họ đối với ông.

“Thay vì phục vụ dân chúng, những tướng lĩnh này lại đi bảo vệ cho sự cai trị của ông Hun Sen vốn đã cầm quyền được 33 năm,” thông cáo viết và cho biết mỗi người trong số họ đều thể hiện sự sẵn sàng vi phạm nhân quyền cho Hun Sen.

HRW còn cho rằng mặc dù phục vụ trong chính quyền với mức lương chính thức khá khiêm tốn nhưng các tướng lĩnh này ‘đã gom được một lượng tài sản kếch xù không rõ nguồn gốc’.

“Qua nhiều năm, ông Hun sen đã tạo dựng và phát triển thành phần chủ chốt của các tướng lĩnh an ninh vốn thực thi mệnh lệnh của ông ta một cách bạo lực và tàn nhẫn,” ông Brad Adams, giám đốc Á châu của HRW, được dẫn lời nói.

“Tầm quan trọng của các tướng lĩnh này đã trở nên càng rõ ràng hơn trước cuộc bầu cử vào tháng Bảy khi họ tiến hành đàn áp các nhà báo, các đối thủ chính trị và những người phản đối chính phủ và vận động công khai cho Hun Sen,” ông nói thêm.

Bản báo cáo tường trình lại trách nhiệm của 12 tướng lĩnh cao cấp này trong các vi phạm nhân quyền ở Campuchia từ cuối những năm 1970 cho đến nay.

Mặc dù các quan chức này có trách nhiệm pháp lý hành động vì lợi ích của quốc gia thay vì đảng phái và phải thực thi chức trách một cách trung lập và không thiên vị nhưng tất cả họ lại ‘hành động mang tính đảng phái công khai’, theo HRW.

Theo đó, tất cả các tướng lĩnh này đều là thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng CPP và do đó họ phải thực thi tất cả các chính sách của Đảng. Điều này, theo HRW, là mâu thuẫn với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế vốn đòi hỏi các quan chức không được có thái độ đảng phái khi thực thi chức trách và không được thiên vị đảng này so với đảng kia.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết từ lâu họ đã theo dõi và ghi lại những vi phạm nhân quyền quá mức của chính quyền Hun Sen. Theo đó, trong hơn ba thập niên, hàng trăm các nhà báo, các nhân vật đối lập, các lãnh đạo công đoàn và những người khác đã bị sát hại. Mặc dù trong nhiều trường hợp những kẻ đứng sau những vụ việc này ‘là các thành viên của lực lượng an ninh’, nhưng ‘không có trường hợp nào mà chính quyền thực hiện điều tra và truy tố một cách đáng tin cậy, nói gì đến kết tội thủ phạm’ và trong một số trường hợp, ‘những kẻ ra tay bị truy tố còn cấp trên ra lệnh cho họ lại không hề hấn gì’.

Ngoài ra lực lượng an ninh Campuchia còn ‘bắt giữ tùy tiện, đánh đập, quấy rối và đe dọa nhiều người chỉ trích chính quyền, trong đó có những nhà hoạt động nhân quyền, các nhà hoạt động công đoàn hay đấu tranh về quyền lợi đất đai, các blogger và những người khác bày tỏ quan điểm trên mạng’.

“Không có nhà độc tài nào vươn tới hay trụ trên đỉnh quyền lực mà không có sự hỗ trợ của những con người tàn bạo khác,” ông Adams nói và nhắc lại việc nhóm tướng lĩnh trụ cột này của Hun Sen cũng không thêm đếm xỉa gì đến nền dân chủ hay tính đa nguyên chính trị cũng giống như Hun Sen trong suốt 33 năm cầm quyền của ông.”

“Cũng như ông chủ của họ, các viên tướng này cần phải được chỉ mặt đặt tên và phải chịu trách nhiệm cho nhiều tội ác của họ.”

Hun Sen làm Thủ tướng Campuchia từ năm 1985. Kể từ năm 2015, ông trở thành chủ tịch của Đảng CPP. Sau khi Tổng thống Zimbabwe, Robert Mugabe, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm ngoái, giờ đây ông Hun Sen nằm trong số năm nhà lãnh đạo chuyên chế tại vị lâu nhất trên thế giới.

HRW cho biết ông Hun Sen công khai tạo dựng sự sùng bái cá nhân cho ông ấy, trong đó có việc đặt tên ông cho hàng trăm trường học mà nhiều trường trong số này được xây bằng tiền của các nhà tài trợ. Hun Sen tự gọi mình là ‘tướng năm sao vĩnh viễn’ trong khi danh hiệu chính thức của ông là ‘Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen’ vốn dịch ra nghĩa đen là ‘Tư lệnh tối cao vĩ đại được tán dương huy hoàng của quân đội chiến thắng vinh quang’.

“Hun Sen thật sự đã trở thành một nhà độc tài quân sự hoàn toàn, điều mà ông ấy hy vọng có thể che giấu với màn bầu cử vào tháng Bảy vốn sẽ không hề tự do hay công bằng,” tờ Guardian dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, nói.

“Điều mà bản phúc trình này cho thấy là cội rễ quân sự vốn định hình chế độ của Hun Sen,” ông Robertson nói. “Ở mỗi bước đi trong những năm nắm quyền, Hun Sen đã tìm cách tập trung sự kiểm soát đối với quân đội và cảnh sát dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông ấy và với sự hỗ trợ của 12 tướng lĩnh nguy hiểm này.”

Bên cạnh quân đội và cảnh sát, Hun Sen còn có một lực lượng cảnh vệ – một lực lượng quân sự do cá nhân ông điều khiển vốn chỉ có 60 người vào giữa những năm 1990 phát triển lên thành 23.000 lính vào năm 2015, Guardian dẫn lời ông Lee Morgenbesser, một chuyên gia về các chế độ chuyên chế ở đông nam Á, cho biết.

Sự đàn áp của chính phủ Hun Sen diễn ra khi ông lo sợ phe đối lập dành được quá nhiều sự ủng hộ trong dân chúng trong thời gian sắp đến bầu cử và sự đàn áp này diễn ra thuận lợi với thay đổi của bối cảnh quốc tế.

Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào Campuchia nằm trong dự án ‘Một vành đai, Một con đường’ của họ và Bắc Kinh sẵn sàng hậu thuẫn cho chế độ chuyên chế của Hun Sen. Bắc Kinh đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử vào tháng Bảy tới sẽ diễn ra ‘tự do và công bằng’.

Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump không còn quan tâm đến những vi phạm nhân quyền ở những quốc gia như Campuchia hay Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Barack Obama, ông Lee Morgenbesser nói thêm.

“Nói một cách đơn giản, chính quyền này của Mỹ không quan tâm đến dân chủ và nhân quyền ở đông nam Á và điều đó là tiền đề để cho Hun Sen gia tăng đàn áp,” Morgenbesser nói. “Cuộc chơi giờ đây đã thay đổi. Ông Hun Sen gần như không cần phải giả vờ chính danh trong cuộc bầu cử sắp tới đối với Mỹ – chẳng ai còn quan tâm nữa.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay