Tình hữu nghị đắt đỏ

Tình hữu nghị đắt đỏ

FB Luân Lê 

Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 17.6. Ảnh: Lê Hiệp – BáoThanh Niên

Ảnh đầu tiên ông Chủ tịch thành phố Hà Nội phát biểu rằng hế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.

Tuy nhiên, có thể quan sát thấy một tình trạng với hàng loạt các sự kiện về việc Trung Quốc ngang nhiên và hung hãn thực hiện các hành động xâm phạm chủ quyền đối với Việt Nam ngày càng trầm trọng là như thế nào, với tần suất dày đặc hơn và mức độ mãnh liệt hơn, không chỉ ở nước ngoài mà tiến sâu vào trong nội quốc để thực hiện việc tuyên bố có chủ đích từ phía Trung Quốc.

Winston Churchill đã nói, không có kẻ thù hay đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là trường tồn. Nhưng ở mỗi giai đoạn và dựa vào ý thức cũng như biểu hiện của các hành động từ đối phương để biết kẻ đó đang hiện diện như là một người bạn hay đang hiện nguyên hình là kẻ đối nghịch. Một khi chúng muốn thâu đoạt lãnh thổ, liên tiếp tuyên truyền sai lệch về chủ quyền trên biển, đảo, thực hiện một loạt các vụ đâm tàu, cướp phá hay bắn giết ngư dân Việt Nam, tập trận quân sự bất hợp pháp trên đảo Hoàng Sa, kéo tên lên và các vũ khí ra quần đảo này nhằm thiết lập hệ thống phòng thủ với những cảnh báo và thách thức toàn bộ các quốc gia khác mà bất chấp luật pháp quốc tế.

Với một kẻ luôn mang trong mình dã tâm bành trướng lãnh thổ với sự hung hãn thường nhật, luôn tìm cách tấn công đối phương có chủ đích, mà đặc biệt liên quan đến vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia, có thể nào xác định được kẻ đó là “một người bạn tốt”? Người ta không hể biết mình bị lừa và mất trắng tài sản cho đến khi họ thực sự đã nhận ra điều đó như An Dương Vương đánh mất giang sơn vào tay giặc. Người ta cũng không thể nhận ra mình là kẻ bán nước hại dân cho đến khi mải mê ngôi báu để cầu cứu viện binh từ vương triều Nguyên như Trần Ích Tắc. Người ta cũng không biết mình là kẻ mãi quốc cầu vinh cho đến khi phải chết trên sự lưu vong ở mảnh đất xứ khác như Lê Chiêu Thống đã từng tìm đến sự bảo trợ của quân Mãn Thanh.

Tình hữu nghĩ là một điều quý giá, nhưng chỉ kẻ nào xứng đáng với điều đó thì mới đáng được trân trọng và đáng để tri giao. Nếu không thì tình hữu hảo ấy sẽ như một thứ vũ khí quay lại ám hại chính kẻ trong cuộc mà đến lúc nhận ra thì thực sự đã muộn.

Và cũng không thể một quốc gia mà lại lắm thế lực thù địch một cách chung chung và mơ hồ được viện dẫn ra mọi lúc, mọi nơi và mọi trường hợp như vậy. Ai là địch? Ai kẻ thù? Không thể chỉ đích danh được những lực lượng thường xuyên xuất hiện trên những phương tiện tuyên truyền này thì không thể lấy đó làm bảo chứng cho các hành động có tính quốc gia trong những đối sách quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc.

Xin hỏi ông, tình hữu nghị ấy là gì, khi người dân phải trả giá cho nó từng ngày?

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay