AI BIỂU NGƯỜI GÌA KHÔNG CẦN CÓ CẶP, CÓ ĐÔI???

 
 

AI BIỂU NGƯỜI GÌA KHÔNG CẦN CÓ CẶP, CÓ ĐÔI???

Mấy ai trong đời có được một mối tình “trọn kiếp nhân gian” như cặp vợ chồng trong câu chuyện này…

Người ta nói đời người có hai lần làm trẻ con, những tháng năm cuối đời, ông nội tôi đúng là đã trải qua tuổi ấu thơ một lần nữa.

Người già luôn khao khát tình yêu thương của gia đình, niềm vui sum vầy bên con cháu và sớm hôm bên người bạn đời của mình; nhưng khi cuộc sống vật chất dư dả, nhận được sự yêu thương, chăm sóc chu đáo, thì họ lại có xu hướng ghen tỵ với chính “nửa kia”.

Họ ích kỷ như một đứa trẻ, không muốn chia sẻ sự quan tâm của gia đình với đối phương, như ông nội tôi thường ghen tỵ với bà nội. Có lần bác cả từ Hà Nội gửi vào cho bà chai thuốc bóp chân vì bà thường đau nhức xương khớp khi trời trở lạnh.

Không có phần, thế là ông cũng giả vờ đau nhức để được… dùng ké thuốc. Chuyện bị lộ khi vài món khoái khẩu của ông bị loại ra khỏi thực đơn hàng ngày theo chế độ kiêng khem của bệnh khớp. Vì thế, ông khai thật: “Bố không bị đau nhức ở đâu hết, chỉ muốn dùng thử thuốc của mẹ xem sao thôi”.

Đây không phải là lần đầu ông “so bì” với bà nên cả nhà không mấy ngạc nhiên. Sau nhiều lần, mọi người thống nhất, dù là đồ ăn hay đồ dùng thì luôn phải chia đều cho cả hai cụ.

Từ khi bà trở bệnh, ông thay đổi hẳn, rất quan tâm tới bà. Sức khỏe bà yếu nhanh trong vòng chỉ một năm, bà không còn khả năng đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào người khác.

Ông cũng giúp đỡ mọi người một tay để chăm sóc bà. Những hôm không có ai ở nhà, ông sang phòng trò chuyện với bà cho vui, khi thì lấy ly nước, khi lại ngồi lau tay, xoa lưng cho bà.

Rồi ông bỏ dần thói quen ăn sáng ngoài tiệm, ở nhà ăn, dù không phải món ông thích ông vẫn thấy vui, miễn là được cùng ăn với bà. Hôm nào ăn bên ngoài, ông không quên dặn chủ quán: “Làm cho bà nhà tôi một phần thiệt ngon nghe!”.

Ông có thói quen đọc báo mỗi sáng, vì dù tuổi cao nhưng mắt ông vẫn còn rất sáng. Bà nằm trên giường mà vẫn cập nhật được thời sự là nhờ có ông đọc báo cho bà nghe. Nhiều lúc ông làm bà bật cười vì ông thích so sánh mình với các nhân vật nổi tiếng.

Ông hay vuốt chòm râu trắng, dài đến ngang cổ, tự khoe mình có bộ râu như… ông tiên, hay đoan chắc làn da của mình cũng căng mịn không thua gì… ông bụt. Ông tự hào mình không giỏi việc nước thì cũng đảm việc nhà. Nuôi tám đứa con thành tài như bây giờ cũng đáng khen lắm chứ!

Bởi vậy, xã mới cấp cho giấy chứng nhận “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Nghe ông tếu táo, tinh thần bà cũng thoải mái hơn.

Nhiều hôm con cái đi làm về muộn giờ cơm trưa, ông ở nhà tự lấy cơm đút cho bà ăn. Tay run, ông đút không được gọn lắm, cơm vương vãi ra bàn. Ông thỏ thẻ: “Ngày xưa bà đút cơm cho mấy đứa nhỏ ăn, bà thường dụ tụi nó bằng cái kẹo, quả dưa. Giờ tôi có nước yến, bà muốn uống thì phải ăn hết chén cơm này”.

Toàn bộ sinh hoạt hàng ngày của ông bà được chúng tôi dùng camera ghi hình, cuối tuần con cháu cùng ngồi lại mở ra xem, cả nhà ai cũng xúc động trước sự chăm sóc ân cần của ông dành cho bà.

Bệnh tình ngày càng trở nặng, bà mất khả năng nhận thức, nằm mê man. Hôm đó, ông thức dậy đã nghe con cháu lục đục bên phòng bà, biết sắp có chuyện chẳng lành, ông bảo tất cả mọi người vào niệm Phật cho bà rồi đi ra ngoài để ông ở lại.
Ông nằm xuống bên cạnh, nắm lấy tay bà, hai hàng nước mắt cứ tuôn trào. Ông nhắc lại chuyện ngày xưa, từ lúc ông bà mới cưới nhau cho đến khi sinh các bác và bố.

“Nhớ những ngày loạn lạc, gia đình phải sơ tán trong nạn đói lịch sử năm 1945, những khó khăn, buồn tủi khi mới chân ướt, chân ráo vào miền Nam làm kinh tế mới. Trải qua nhiều khúc quanh của cuộc sống, tôi và bà đã nuôi dạy các con thành người, chúng ta may mắn vẫn được nắm tay nhau đi đến giờ phút này”.

Ông xúc động, nói: “100 tuổi viên mãn một đời người rồi, bà ra đi nhẹ nhàng và thanh thản, phù hộ cho tôi sớm được đoàn tụ với bà nơi chín suối. Có đôi có cặp suốt gần 80 năm qua, giờ bà đi rồi tôi cũng muốn đi theo để bà không cảm thấy cô đơn một mình nơi ấy”.

Hôm đó, ông khóc rất nhiều. Đến khi bà trút hơi thở cuối cùng, ông cũng kiệt sức, gục xuống cạnh bà. Những ngày tang lễ, ông bỏ ăn, ngồi hàng giờ tụng kinh, thi thoảng lại gần để nhìn bà qua tấm kính…

Nỗi đau quá lớn khiến sức khỏe và tinh thần ông suy sụp nhanh chóng. Dù cả nhà dồn sức lo lắng, chăm sóc nhưng ông cũng mất không lâu sau đó.

Người ra đi luôn để lại trong lòng người ở lại một nỗi buồn khắc khoải, nhất là với tuổi già, sự cô đơn và trống vắng luôn thường trực. Ai bảo tuổi già không cần có đôi?

Image may contain: 3 people, people smiling, people sitting, table and indoor
Image may contain: 2 people, people sitting
 
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay