Nạn nhân

Nạn nhân

Ảnh: internet

Cách đây vài năm, khi nghe câu “Ai biểu đi xe tay ga, đeo hột xoàn chi cho nó chém?!” Của người nhà hung thủ vụ chặt tay cướp xe SH, tôi đã shock!

Nạn nhân không có quyền đi xe tay ga, mang hột xoàn ư? Và vì đi xe tay ga, mang hột xoàn thì đáng bị xâm hại sức khỏe, thân thể, tính mạng một cách vi phạm pháp luật, vi Hiến ư? Nghĩ gì kỳ vậy?

“Chắc phải sao nó mới hiếp…” là một câu nói tương tự. Phải sao là phải sao? “Đừng bắt chúng tôi ăn mặc ra sao. Hãy yêu cầu chúng nó đừng hãm hiếp!”- đó mới là một thông điệp nhân văn.

Ở nước ngoài, tại các bãi biển… tắm truồng, người ta vẫn lịch sự. Ở Việt Nam, một cái váy xẻ hơi cao, một cổ áo hơi sâu của phụ nữ cũng có thể làm thú tính của một số kẻ nổi lên. Thậm chí, nạn nhân có khi chỉ là những đứa trẻ…

Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân là một tâm lý phổ biến của đám đông. Từ tâm lý đến hành động, lời nói, văn bản đổ lỗi cho nạn nhân là 1 quá trình nhanh chóng. Và điều đó rất đáng kinh tởm!

Nhân vật của tôi- người phụ nữ ở Long An bị hiếp dâm và làm đơn xin… ở tù- là một nạn nhân như vậy. Khi tôi phỏng vấn, chị ấy đã khóc. Đơn thuần là câu hỏi của tôi được tích tụ từ việc tiếp xúc với hơn 100 nạn nhân hiếp dâm, ấu dâm trước khi gặp chị. Nó phá vỡ những nghi kỵ, lo âu, sợ hãi mà chị từng bị những “kẻ đổ lỗi cho nạn nhân” gây ra.

Nếu gọi hành vi hiếp dâm/ấu dâm là đâm một vết thương thể xác lẫn tinh thần cho nạn nhân; thì việc đổ lỗi cho nạn nhân chính là “xé toạc” vết thương tinh thần của họ. Vết thương tinh thần luôn lâu lành hơn! Thậm chí, nó gây chết người “tốt hơn” vết thương thể xác…

Tôi quan sát mấy ngày gần đây và thấy những “kẻ đổ lỗi cho nạn nhân” rất đông. Có nhiều phụ nữ trong số ấy. Và cả những người làm báo. Tìm hiểu sâu, tôi biết họ đều có lý do…

Hãy đặt mình vào vị trí nạn nhân. Nạn nhân luôn đơn độc ở xã hội có nhiều “kẻ đổ lỗi cho nạn nhân”. Trong một cuộc nói chuyện với một người… suýt là nạn nhân của 1 cuộc hiếp dâm, tôi có nói đại ý nạn nhân tương tự vụ của em không có hoàn cảnh gia đình đầy đủ như em, không có bản lĩnh dám yêu (nghề) và dám bỏ (một tòa soạn danh tiếng) như em vì không chấp nhận thỏa hiệp với những thằng tinh trùng lên não.

Hiểu và đứng về nạn nhân mới là cách khiến những “hung thủ tương lai” phải chùn bước khi nghĩ tới cách phạm tội. Kể cả người phụ nữ nào thỏa hiệp chấp chận vị hiếp dâm để nhận một vị trí thì cũng cần xem nguyên nhân là gì. Một đứa trẻ bị ấu dâm đôi khi chỉ bị dụ vì viên kẹo hay vài nghìn đồng…

Giả sử một cô gái vừa ra khỏi Đại học Báo chí bị hiếp dâm bởi 1 trưởng ban hay một đàn anh nào đó; thì cô ấy chỉ là con cừu non trước những người đàn ông không chỉ từng trải đường đời mà từng trải đường nghề- thứ nghề đặc thù. Cô ấy có được ai “giúp sức” thì vẫn chỉ là hạt cát trước một tập thể của những con người mà đầu lắc không kêu vì não “hóa thạch” chứ “có sạn” là chuyện thường!

Lần nữa, hãy nghĩ cho nạn nhân!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay