40 năm nhìn lại những khuôn mặt phản chiến miền Nam

12/04/2018
 Bên sau núi là núi và vẫn còn trùng điệp núi non, hòn đá mang từ mặt trăng về và xa hơn nữa với bao thiên thạch từ những vụ nổ không ngừng trong vũ trụ, không thiếu những hạt bụi va lại chính nơi xuất phát.

Một cách ví von, người ta cho rằng cuộc di cư sau Hiệp định Geneve, 1954, đó là những cuộc bỏ phiếu bằng chân dành cho chế độ Cộng sản, mà nếu được tự do, đến cây trụ đèn cũng ra đi. Những người trí thức miền Nam hơn ai hết hiểu biết biến cố này nhưng một thiểu số, không nhiều họ đã hành động khác người, họ vẫn luôn trong ý nghĩ mình yêu nước, cho đến khi lương tâm bừng thức tỉnh cho dù quá muộn.

Một trong những trí thức trẻ theo Cộng sản vào thời điểm ấy, lãnh tụ sinh viên phản chiến Đoàn Văn Toại đã phát biểu như sau:

Khi cộng sản chiếm miền Bắc Việt Nam năm 1954, hàng triệu người đã lũ lượt di cư vào Nam. Tôi đã tận tai nghe nhiều câu chuyện về sự đau khổ tột cùng của họ. Nhưng cũng như nhiều người miền Nam lúc ấy, tôi đã không tin vào những câu chuyện đó. Cả về sau này, tôi cũng đã không tin về những câu chuyện được kể trong tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago) của văn hào Nga Solzhenitsyn. Tôi không tin vì cho rằng đó là những luận điệu tuyên truyền chống Cộng.” (ĐVT, Quần đảo ngục tù Việt Nam – The Vietnamese Gulag).

Con người luôn mơ ước đi tìm sự thật và tin rằng mình sẽ chộ sự thật. Huyền thoại rất gần với ước mơ và một bước rất gần đến hoang tưởng, huyễn hoặc rồi ngụy tín, vong thân.

Toại nguyên là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sai Gòn từng biểu tình đòi Quốc Hội hủy bỏ cuộc bầu cử Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đốt xe Mỹ, viết điện tín gởi TT. Richard Nixon. Nhưng rồi cũng bị tù ngay trong những ngày đầu Cộng sản chiếm miền Nam. Thoát được ra nước ngoài, Đoàn Văn Toại viết sách so sánh hai chế độ lao tù trong quyển “Quần đảo ngục tù của người Việt Nam” (The Vietnamese Gulag).

Toại viết trong hồi ký, nhớ những ngày tù thời Việt Nam tự do, thức ăn không hết, còn làm khó chính phủ “cơm tù không đủ tiêu chuẩn” nên trả lại! Quần áo thay đổi liền liền; phòng giam Sài Gòn rộng rãi bằng 40 lần nhà tù mang tên HCM. Vào nhà tù cộng sản nghẹt thở, “nhà tù Thiệu rộng quá!”

Cuối cùng Đoàn Văn Toại đã thành thật sám hối, nhận tội trước lịch sử và nhân dân miền Nam: “Tôi nhận lãnh trách nhiệm về những thảm kịch xảy ra cho đồng bào của tôi. Và nay tôi chỉ còn cách đóng vai nhân chứng cho sự thật này hầu các người đã từng ủng hộ Việt Cộng trước kia có thể cùng chia sẻ trách nhiệm với tôi…”

Người thứ hai là Lê Hiếu Đằng, quê Quảng Nam, theo học tại đại học Luật Khoa Sài Gòn, nguyên là phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968-1977), nguyên Tổng thư ký Uỷ Ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định (1969-1975), nguyên phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM (từ 1989-2009), là Đại biểu HĐND Thành phố khóa 4, khóa 5.

Từ 1975 đến 1983 Đằng là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Chức vụ sau cùng là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đúng bảy tuần lễ trước khi nhắm mắt, người đảng viên hơn 40 tuổi đảng này đã ra tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản, mang theo nỗi ân hận tiếp tay cho “các tập đoàn lợi ích phản bội nông dân, phản bội dân tộc Việt Nam” (Lời của LHĐ nói với đài RFI). Và đây là nguyên văn bản tuyên bố viết tay của Lê Hiếu Đằng:

Tôi tên LÊ HIẾU ĐẰNG là ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VN, hơn 40 tuổi đảng. Nay tôi tuyên bố công khai ra khỏi đảng CSVN vì:

ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.

Tôi xin xác định đây là quyết định của tôi.

Ngày 04.12.2013 
Lê Hiếu Đằng

(chữ ký)

Một tên tuổi khác, Huỳnh Tấn Mẫm, tên khai sinh là Trần Văn Thật, sinh tại Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định học sinh Trung học Petrus Ký. Năm 1963, Mẫm đậu Tú tài toàn phần và trúng tuyển kỳ thi vào Đại học Y khoa Sài Gòn, vì học khá cho nên được Bộ Y tế chính phủ VNCH cấp học bổng. Mẫm tốt nghiệp BS Y khoa sau 1975.

Năm 1958, lên 15 tuổi, đang học lớp Đệ ngũ (lớp 8) trường Pétrus Ký, Mẫm được kết nạp vào tổ chức bí mật do Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí) cầm đầu. Tại đây, Mẫm từng được giao công tác rải truyền đơn chống chính quyền Sài Gòn và năm 1960 được kết nạp vào Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Năm 1963 Mẫm được kết nạp vào tổ chức của Cộng Sản vào thời kỳ Phong trào Phật Giáo.

Năm 1965, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng.

Là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn – Gia Định nhiệm kỳ 1969-1970.

Từng là Đại biểu Quốc hội CS khóa 6, từng là Tổng biên tập đầu tiên của báo Thanh Niên.

Hiện là chủ tịch của cái gọi là “Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo Thiện Tâm”, thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố, Ủy viên Ủy Ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố HCM.

Tại Sài Gòn, ngày 4 tháng 7 năm 2014 Huỳnh Tấn Mẫm phổ biến một thư ngỏ gởi tuổi trẻ Việt Nam, kêu gọi những thế hệ Thanh niên – Sinh viên – Học sinh hôm nay thức tỉnh toàn diện trước một giai đoạn lịch sử. Trong thư có đoạn:

Sức mạnh có ưu thế nhất đang lớn lên từ trong tim và trong trí tuệ của các bạn, là niềm hy vọng của dân tộc – những thế hệ Thanh niên – Sinh viên – Học sinh hôm nay …

Mẫm kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam phải cương quyết làm người công dân tự do, dù xã hội chưa có luật pháp thừa nhận tự do đúng nghĩa. Phải cương quyết làm con người có quyền con người, dù quyền con người chưa được thừa nhận đầy đủ. Phải có quyền và có nghĩa vụ – quyền sống tự do và nghĩa vụ bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ…”

Một người khác, Đào Hiếu sinh năm 1946 tại Bình Định, gia nhập các phong trào học sinh hoạt động cho CS tại Quy Nhơn. Năm 1968 gia nhập đảng CS. Năm 1970 bị bắt quân dịch, sau đó đào ngũ vào Sài Gòn hoạt động với tổng hội sinh viên phản chiến cho tới 30-4-1975.

Hiếu tốt nghiệp Cử nhân văn chương trước 75, sau khi đất nước thống nhất, cộng tác với báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ. Năm 2009, sau nhiều lần bị công an gọi làm việc, Đào Hiếu bị buộc phải xóa hết bài trên trang web http://daohieu.com để đổi lấy an toàn bản thân, khỏi bị bắt giam.

Sau 25 năm từ ngày 30-4 Đào Hiếu thức tỉnh và lên tiếng, vào năm 2000 Ông đã xuất bản tác phẩm Nổi Loạn gây được tiếng vang trong dư luận. như một tiếng nói lương tâm giữa bao suy thoái trong thời hòa bình.

Đào Hiếu đã phổ biến trên mạng bài viết HUYỀN THOẠI ĐU DÂY – Cho rằng hành động của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và các Ủy viên bộ Chính trị năm 1990 tại hội nghị Thành Đô là một việc làm mà bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gọi là: “Bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm”. Bài viết khẳng định: Rõ ràng là ngay từ những ngày đầu thành lập chế độ, thì Việt Nam đã hành xử như một tỉnh lẻ của Trung Quốc. Từ trước 1945 đến nay, nhà cầm quyền CSVN đã một lòng theo Trung Quốc, đã chọn Trung Quốc làm ông chủ, đã nguyện nâng khăn sửa túi cho Trung Quốc, đã khép nép làm “con nuôi” của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và ngày nay là Tập Cận Bình.

Chỉ riêng về thời kỳ lịch sử miền Nam Việt Nam 1954-1975, những trí thức khoa bảng, tu sĩ và tuổi trẻ trong giới sinh viên nổi lên thành những tên tuổi trong các phong trào phản chiến, chống đối chế độ, tiếp tay hoặc đi theo hoạt động cho Cộng sản. Chúng ta còn nhớ những tên tuổi như Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Trần Ngọc Liễng, (bà) Ngô Bá Thành, Ni sư Huỳnh Liên…. Những tu sĩ như Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, và một số những tu sĩ Ấn Quang… cùng với nhóm SV Dương Văn Đầy, Trịnh Đình Ban, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Trần Thị Lan, Nguyễn Hữu Thái…. sau 30-4 trở thành những kẻ lạ giữa xã hội CS độc quyền chính trị.

Bi thảm thay, ở Huế, những đồ tể như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Thị Đoan Trinh… cũng chỉ là những miếng vỏ chanh để CS vắt tiếp trước khi vứt vào thùng rác.

Những tên tuổi trí thức khoa bảng như Trịnh Đình Thảo, Phùng Văn Cung, Hồ Thu, Nguyễn Hữu Thọ, Lâm Văn Tết, Dương Quỳnh Hoa, Thanh Nghị… đi theo Việt cộng cuối cùng gia đình tan nát. Khi tỉnh ngộ, bao nhiêu biệt thự, phố xá, đồn điền, gia sản, ruộng đất, cơ xưởng, cửa hàng, nhà thuốc tây… trở thành tài sản của nhà nước. Bản thân bị thất sủng, và chết trong âm thầm oán hận cộng sản.

Thật là nhục trước suy thoái đến tột cùng về kinh tế, đạo đức và ngày càng lệ thuộc Hán hóa, nhưng không có người nào mở lởi phản kháng, nói lời sám hối như Đoàn Văn Toại, hay mạnh dạn như Ông Bà Bác sĩ Đỗ Trung Hiếu, Ông Lê Hiếu Đằng, BS. Huỳnh Tấn Mẫm, Nhà văn Đào Hiếu…Lm. Chân Tín.

Nguyễn Quang Hồng Nhân

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay