Đổ xô cầu tài – lộc vì mất niềm tin!

Mỹ Lan RFA
2018-03-06
 

Người dân đi lễ cầu tài lộc tại đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh

Người dân đi lễ cầu tài lộc tại đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh

 Zing

Mất niềm tin vào xã hội

Năm nào cũng vậy, trước khi diễn ra sự kiện Lễ hội phát ấn đền Trần đêm 14 rạng sáng ngày rằm tháng Giêng tại thành phố Nam Định, hàng nghìn người dân từ các tỉnh thành phía Bắc lại đổ dồn về đây, chầu chực, xếp hàng ở bên ngoài khu vực phát ấn từ khi chiều tối. Để rồi đến khi diễn ra lễ phát vào đúng 12 h đêm, cả ngàn người dân chen chúc, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để tranh cướp ấn.

Cũng tương tự tình cảnh trên, tại chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa (Hà Nội) vào các Lễ dâng sao giải hạn hay Lễ cầu an, hàng nghìn người dân thủ đô xếp hàng kín mít bên ngoài ngôi chùa nhỏ, thậm chí ngồi tràn hết cả ra lề đường và cảnh tượng chen lấn để xin lộc lại lặp lại ngay sau khi buổi lễ kết thúc.

Con cái tôi còn nhỏ, mang tiếng có bảo hiểm nhưng đi khám nhà nước cho được mấy viên thuốc, uống cũng chẳng thấy khỏi bệnh gì cả mà chẳng biết trông chờ vào ai cả – người dân

Từ khi nào niềm tin tâm linh của người Việt lại trở nên “mãnh liệt” như vậy. Vì sao trong những năm gần đây, người ta tìm đến các đình, đền, chùa, miếu, mạo ngày một đông, vào bất kể dịp nào trong năm? Khi được hỏi về lý do thường xuyên đi lễ, bà Minh, một người dân cho biết:

Xã hội bây giờ bệnh tật thì nhiều, ra đường thì người dân không có ý thức đi ẩu  gây ra tai nạn giao thông, ăn uống thì thực phẩm bẩn, môi trường thì ô nhiễm… đâm ra cũng chẳng biết trông chờ gì. Thôi tốt nhất là cứ theo mặt tâm linh đi lễ cầu mong sức khoẻ, bình an cho gia đình mà thôi”

Mất niềm tin vào cuộc sống, rất nhiều người dân như bà Minh cố gắng bấu víu vào các thế lực tâm linh mà cụ thể là việc đi lễ để xin ơn trên che chở cho bản thân và gia đình trước những mối đe doạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống:

“Con cái tôi còn nhỏ, mang tiếng có bảo hiểm nhưng đi khám nhà nước cho được mấy viên thuốc, uống cũng chẳng thấy khỏi bệnh gì cả mà chẳng biết trông chờ vào ai cả”

Không chỉ dừng lại ở việc cúng lễ, hình thức hầu đồng cũng ngày một trở nên phổ biến hơn. Các đình, đền, miếu, phủ vào các dịp lễ thánh trong năm lúc nào cũng tấp nập, đông đúc với các vấn hầu đồng, thậm chí người ta còn phải bỏ tiền ra đút lót để có được những xuất hầu vào các ngày giờ đẹp. Chưa bao giờ người dân lại đặt niềm tin vào các đấng siêu nhiên nhiều như bây giờ. Nhà nghiên cứu Pham Cẩm Thượng năm 2013 cũng đã từng chia sẻ: “Ở đâu mà lòng người bất an, xã hội bất trắc, thì mê tín dị đoan cũng có nhiều cơ hội, như cỏ dại gặp đất hoang vậy”.

Lệch lạc nhận thức

Trên facebook cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng: “Nước ta đang dấy lên chuyện tâm linh, nhưng toàn cổ xúy cho những lệch lạc, mê lầm”

Theo ông, trên thực tế, đáng lẽ đền Trần là nơi giáo dục hào khí Đông A và tinh thần yêu nước thì trở thành nơi cổ xúy chuyện ấn triện, thăng tiến và lợi lộc, mua quan bán chức; đền Bà Chúa Kho, bà chúa Xứ là nơi giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm với kho dự trữ của nhà nước thì trở thành nơi mặc cả vay mượn, mua bán quàng xiên. Hay như lễ Tịch điền, đàn Xã Tắc là nơi giáo dục lòng biết trọng nông thuần phác thì lại thành ra nơi lòe loẹt, cờ đèn kèn trống.

Trả lời về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho biết:

Tôi cũng đã đi theo một số người đi lễ, họ đi đến đình, đền, phủ hay đến chùa đều nói một câu hết sức quen thuộc là “Nam mô a di đà Phật”, điều đó cho thấy người ta đến di tích và không gian ấy mà không hiểu ý nghĩa thực sự hay vị thánh, thần nào là điện chủ của di tích ấy, chính vì vậy mà họ hiểu nhầm

Người ta đến đó (đền Bà chúa Kho) để xin vay mượn dịp đầu năm xong đến cuối năm người ta đến đó để trả “nợ” –  GS.TS Nguyễn Chí Bền

Ngoài ra, ông cũng cho rằng việc một bộ phận không nhỏ người dân đổ xô về một số di tích đình, đền, chùa là do hiệu ứng đám đông:

Người ta cứ tưởng rằng cứ đến đền Trần, có được cái lá ấn thì là được thăng quan tiến chức trong khi thực tế người ta đến đền Trần để cảm ơn các vua nhà Trần đã phù hộ cho người tra 1 năm vừa qua và cầu xin sự phù hộ cho năm sắp tới. Hay là đền Bà chúa Kho là nơi thờ người phụ nữ trông coi kho cho các vua nhà Lý để phục vụ cho việc chống giặc ngoại xâm thì giờ biến thành câu chuyện vay mượn, và người ta đến đó để xin vay mượn dịp đầu năm xong đến cuối năm người ta đến đó để trả “nợ”.

Đánh giá về hiện tượng này, sư thầy Thích Thánh Hiền, chùa Hoa Nghiêm, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ cho rằng, không phải ai cũng hiểu được mục đích của việc đi lễ và do đó họ thường cầu xin công danh, bổng lộc hay của cải, vật chất. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại hoàn toàn với mục đích chính của nét đẹp văn hoá này và cần phải điều chỉnh cũng như thay đổi dần nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay.

Đức thế tôn dạy rằng vạn pháp đều từ tâm mà ra. Nếu tâm mình thanh tịnh thì cuộc sống của mình sẽ hạnh phúc. Mình cầu sự bình an, mình phát đi một tâm lành thì những điều thiện, điều lành sẽ đến với mình

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, tín ngưỡng, văn hoá là khái niệm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và hằn sâu trong tâm thức của mỗi con người. Do đó, việc tuyên truyền, quảng bá nhằm giúp người dân nhân thức đúng đắn về ý nghĩa tâm linh cũng như có kiến thức về những di tích lịch sử đình đền chùa là một vấn đề cần phải thực hiện; tuy vậy không thể dễ dàng thực hiện được trong thời điểm hiện nay.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay