Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất

Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất

Tùng (hàng đầu, đeo kính) đã có nhiều hoạt động giúp đỡ những cựu tù nhân gốc Á hoàn lương.
Bản quyền hình ảnhFB TÙNG NGUYỄN
Tùng (hàng đầu, đeo kính) đã có nhiều hoạt động giúp đỡ những cựu tù nhân gốc Á hoàn lương.

Hôm 28/2, một số người Mỹ gốc Việt và đại diện của các tổ chức Đấu tranh Công lý cho Người Mỹ gốc Á (AAAJ) tuyên bố khởi kiện ICE và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ vì vi phạm Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.

Lý giải về đơn kiện này, anh Tùng Nguyễn nói với Thùy Linh của BBC: “Chúng tôi muốn tòa phải can thiệp để giải quyết vấn đề về Biên bản ghi nhớ. Phía Việt Nam không nói gì về việc sửa đổi, nhưng Mỹ lại muốn. Và trước khi thông báo có sửa đổi gì thì họ đã bắt và trục xuất người rồi.”

Anh Tùng đến Hoa Kỳ vào năm 1991, khi anh mới chỉ là một cậu bé 13 tuổi. Cha của Tùng, một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, từng bị giam trong trại cải tạo ở Việt Nam trước khi gia đình anh đến được chân trời mới ở Hoa Kỳ.

Nhưng cuộc sống mới không dễ dàng, kèm theo đó là những vết thương chiến tranh chưa bao giờ chữa lành, cộng với hành trình vượt biên gian khổ, lẫn những va chạm bất đồng về văn hóa ở vùng đất mới khiến một cậu bé thiếu niên như Tùng không tránh khỏi việc sa ngã.

“Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ, chúng tôi không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra lúc đó, giữa Cộng sản và chính quyền Nam Việt Nam. Chúng tôi chỉ biết đi theo cha mẹ để trốn chạy,” Tùng kể lại.

Anh Tùng thường tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng

Bản quyền hình ảnhTÙNG NGUYỄNAnh Tùng (trái) thường tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng

“Khi đến Mỹ, tất cả mọi thứ đều mới, văn hóa mới, ngôn ngữ mới, và chúng tôi buộc phải làm quen và hòa nhập ngay lập tức. Cha mẹ quá bận rộn để kiếm sống, đâu có ai có thể hiểu được những khó khăn, những vấn đề về tâm lý mà những đứa trẻ như tôi gặp phải?”

Tùng và các em trai phải đi thu lượm nhôm nhựa và làm những việc như lau chùi trường học để phụ giúp gia đình. Nhưng rồi anh sa đà cùng một số bạn bè bắt đầu đi ăn trộm, ăn cắp và các phi vụ trở nên mạo hiểm hơn.

Tháng Tư, 1993, khi Tùng 16 tuổi, trong một mâu thuẫn hiểu lầm, một người bạn của Tùng vô tình đâm chết một người đàn ông. Dù không trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân, Tùng đã cùng thủ phạm đe dọa tấn công nạn nhân, khiến anh vẫn bị tuyên án 25 năm tù giam vì tội giết người và trộm cắp.

Đến 2011, sau 18 năm tù giam, Tùng được thống đốc bang California Jerry Brown ân xá vì lý lịch cải tạo tốt.

Và cũng kể từ đó anh luôn cố gắng nỗ lực làm lại cuộc đời, trở thành một công dân tốt.

Tùng trở thành người đại diện cho những tù nhân người Mỹ gốc Việt khác hoàn lương như anh. Anh tham gia các hoạt động giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, và tìm kiếm việc làm.

Năm 2013, anh được trao giải Anh hùng Thầm lặng từ Trung tâm Luật Giới Trẻ về những hoạt động cộng đồng mà anh đóng góp.

Dù vậy, theo anh Tùng, cuộc sống của anh Tùng và rất nhiều cựu tù nhân người Việt gốc Mỹ khác vẫn như những ngọn đèn treo trước gió.

Từ 2017, ngày càng có nhiều người bị Cơ quan Kiểm sát Nhập cư và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) bắt giữ và trục xuất về Việt Nam.

Có ít nhất 40 người trong số đó đã đến Hoa Kỳ trước 1995 và đáng lẽ phải được bảo hộ bởi Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam Hoa Kỳ, ký kết năm 2008, cam kết Hoa Kỳ không được trục xuất những người Việt đến Hoa Kỳ trước năm 1995, kể cả khi người đó có lệnh trục xuất.

Điều này khiến những người như Tùng luôn sống trong lo sợ. Kể từ khi ra tù, thẻ xanh của anh bị thu hồi, và nhận lệnh trục xuất từ 2011, khiến anh trở thành một trong những đối tượng rất có thể bị bắt giữ và trục xuất.

Kiện ICE và Bộ An ninh Nội địa

Tùng và đại diện AAAJ tại buổi tuyên bố khởi kiện ICE và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hôm 28/2
Bản quyền hình ảnhAAAJ
Anh Tùng và đại diện AAAJ tại buổi tuyên bố khởi kiện ICE và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hôm 28/2

Anh Tùng cho biết bà Phi Nguyễn, giám đốc pháp lý của AAAJ bang Atlanta, kêu gọi các cộng đồng bị ảnh hưởng đâm đơn kiện đại diện tập thể này (class-action lawsuit).

Năm ngoái, Trung tâm Hành động Hỗ trợ Đông Nam Á (SEARAC) phát hiện có khoảng 95 người Mỹ gốc Việt đã bị bắt giữ và bị thẩm vấn để trục xuất về Việt Nam, trong đó có nhiều người đã đến Hoa Kỳ trước 1995.

Anh lo ngại, khi không có giấy tờ hay tài sản, những người bị trục xuất này sẽ khó có thể sinh sống ở Việt Nam.

“Việt Nam vẫn là nước cộng sản, chuyện vi phạm nhân quyền vẫn tồn tại. Tụi tôi bị trục xuất thì tụi tôi không thể tồn tại được,” anh nói.

Bị cộng đồng thờ ơ, bỏ quên

Anh Tùng nói dù ngày càng có nhiều người Việt bị bắt giữ nhưng cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ vẫn rất thờ ơ, hờ hững.

“Tụi tôi bị coi như cỏ rác, như tội đồ. Cộng đồng chỉ muốn ca ngợi những người thành công, chứ không quan tâm đến người từng vi phạm pháp luật.

“Nhưng chúng tôi đã trả giá cho những sai lầm bằng những năm tháng trong tù rồi và tôi đang cố gắng làm một công dân tốt và đóng góp cho cộng đồng,” Tùng nói.

“Người Việt ở đâu cũng vậy, nên thông cảm cho những người như tôi. Tuổi trẻ ai cũng non dại hết, quan trọng là mình đã học được gì từ những lỗi lầm của mình.

Tùng được Trung tâm Luật Giới trẻ ở San Francisco trao giải Anh hùng Thầm lặng vào 2013Bản quyền hình ảnhTÙNG NGUYỄN
Tùng được Trung tâm Luật Giới trẻ ở San Francisco trao giải Anh hùng Thầm lặng vào 2013

“Nếu tôi bị bắt thì tôi phải xa vợ xa con, con tôi lớn lên không có cha, lỡ nó không bình thường lại mắc sai lầm thì khác gì tôi ngày xưa?” anh Tùng nói về hoàn cảnh trớ trêu của mình.

Anh nói anh là một trong những đối tượng dễ bị ICE nhắm vào nhất, nhưng anh nói anh vẫn lựa chọn việc lên tiếng.

“Tôi có thể trốn chạy, sống âm thầm, nhưng tôi vẫn quyết định lên tiếng vì bao nhiêu người, gia đình có thể bị tan vỡ vì vấn đề trục xuất này. Tôi sẽ đứng ra thế mạng, để chia sẻ cảnh báo cho cộng đồng,” anh nói.

Anh Tùng nói anh hiểu rõ những ngày tháng tự do của anh đang thu ngắn dần.

“Tôi mong mọi người đừng trốn tránh nữa, nên đi tìm nhóm hỗ trợ giúp đỡ những người như tôi,” Tùng nói.

Theo Cục Điều tra dân số, hiện có khoảng 1,3 triệu người nhập cư gốc Việt sinh sống tại Hoa Kỳ. Theo đơn khởi kiện, khoảng 8..000 đến 10.000 trong số đó có lệnh trục xuất, có nguy cơ bị bắt giữ.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay