TỪ ÁC CẢM TỚI HIẾN THÂN

Kim Chi
 

TỪ ÁC CẢM TỚI HIẾN THÂN 

Cậu ấm Bửu Dưỡng thuộc dòng tộc triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ năm vua Minh Mạng. Cậu sinh năm 1907, là con trai thứ năm cụ Ưng Trình là Thượng thư và đại thần Cơ Mật. Thiếu thời, cậu học trường Quốc Học Huế, rồi trường Cao Đẳng Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, cậu trở về Huế làm thông phán sở Bưu Chính.

“Trước kia tôi rất ghét Kitô giáo và không muốn có một liên hệ nào dù xa dù gần với các linh mục hay người có đạo. Tôi không bao giờ đọc một cuốn sách nào dính dáng đến Công giáo. Cái ấn tượng ghét đạo đã khiến tôi trở thành cực đoan một cách vô lý, đến độ mỗi khi nhìn thấy chữ ‘Thiên Chúa’, tôi cảm thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sửa thành chữ ‘Trời’. Khi dạy học cho trẻ em, tôi chống lại việc dùng chữ Thiên Chúa. Lòng ác cảm đã khiến tôi trở thành điên rồ. Có những thời gian tôi cảm thấy bất an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua cơn khủng hoảng. Trong suốt ba năm, khi cô đơn không cùng bạn bè, những đêm mất ngủ, những chiều trống vắng sau khi nghe vài bản nhạc buồn, làm tôi tự hỏi: ‘Có phải Kitô giáo là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không?’ Tôi phải theo ư? Thật là một điều không thể nào tưởng tượng nổi! Không bao giờ! Dù nó có đúng, nó có trật, nó có hay, nhưng thôi ‘ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”

Nhưng dần dần Bửu Dưỡng nhận thấy dường như mình quá bất công đối với Kitô giáo. Ác cảm của Bửu Dưỡng có nguồn cơn là do thành kiến của người công tử hoàng gia của một nước bị Pháp đô hộ mà các nhà truyền giáo thời đó phần đông là người Pháp, còn rất xa lạ với phong tục và văn hóa Việt Nam.

Nhưng rồi khi đang học trường Quốc Học, Bửu Dưỡng kết bạn với học sinh bên trường Pellerin của các thầy dòng Lasan: “Chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp qua các đề tài học hành và giải trí, nhưng khi vô tình đề cập đến vấn đề đức tin, chúng tôi không tránh được những lời lẽ khá nặng nề. Một buổi tối, chúng tôi nói chuyện phiếm, rồi chẳng biết từ đâu, vấn đề tôn giáo xen vào, do nhắc tới những người coi tử vi và bói toán mà chúng tôi đã tìm gặp để nhờ xem kết quả kỳ thi cuối năm.”

“Mặc dù nhà Phật được quảng bá sâu rộng, nhưng Đức Phật không phải là Đấng Sáng Tạo. Chúng ta tin rằng Trời đã dựng nên và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng chúng ta lại không thờ Trời. Chúng ta chỉ dâng lễ vật lên bàn thờ Phật và rồi sống theo ý riêng mình. Con người thật lạ lùng.”

“Còn người công giáo tin Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Nhiều thế kỷ trước khi Chúa giáng sinh, các vị tiên tri thời Cựu Ước đã báo về thời gian và nơi chốn Ngài sẽ được sinh ra. Họ còn nói chi tiết hơn nữa về đời sống nghèo khó, sự đau khổ và cái chết bi thảm của Ngài. Những lời ấy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều”.

Một ngày đẹp trời, Bửu Dưỡng thích thú mua hai cuốn “Le genie du Christianisme” (“Ưu tính của Kitô giáo”) của Chateaubriand và “Pensées” (“Tư Tưởng”) của Pascal, không phải vì nội dung tư tưởng mà vì thích lối hành văn của hai tác giả nổi tiếng trong nền văn học Pháp. Mua rồi quên cho đến ngày chuẩn bị hành trang ra Hà Nội học cao đẳng, Bửu Dưỡng mới mở sách ra đọc “Tôi chú ý vì đoạn văn có nhiều ý nghĩa. Cùng lúc ấy có một sức mạnh lạ thường nào đó chen vào tâm hồn tôi, thế là tôi quyết định đem hai cuốn sách đó theo”. Tác phẩm đồ sộ gồm những chủ đề cốt lõi, siêu linh, sâu sắc về tầm vóc vô biên của con người, về Thiên Chúa, về bác ái và mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Tình Yêu, về Chân Lý của trái tim, với lời bất hủ của Pascal: “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết đến”.

“Càng ngày tôi càng tin tưởng hơn vào chân lý nơi Giáo Hội Công giáo. Nhưng mỗi lần tôi nhìn những người Công giáo Việt Nam, tôi có cảm tưởng họ đang theo một tôn giáo ngoại bang, nó xa lạ khác thường với phong tục tập quán dân tộc, nó có vẻ ‘Tây’ quá. Một ngày khi đến thăm ông nội tôi, tôi gặp một tu sĩ Phật giáo đang ở nhà ông tôi. Vị tu sĩ không ngớt lời ca ngợi những thầy tu dòng khổ hạnh truyền giáo Xitô (Cistercians) tại một ngôi nhà mới lập ở núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Trị. Sự tìm hiểu của tôi về đời sống của họ đưa tôi đến sự khâm phục và cuối cùng dẫn tôi đến quyết định gia nhập Công giáo.”

Sau một năm, tu sinh Bửu Dưỡng vì sức khỏe yếu, đau bao tử, bị chứng tê thấp, lại bị mụt nhọt ở chân, được cho về nhà nghỉ dưỡng bệnh tại gia đình ở Huế. Trong thời gian đó, vì làm việc dịch giúp cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế một số bài giảng đạo mà Bửu Dưỡng trở nên say mê triết lý thần học. Rồi cơ duyên tới khi Bửu Dưỡng được đi du học tại Pháp. Sau một năm, Bửu Dưỡng được phong Linh mục vì khả năng trí tuệ siêu việt. Đó cũng là lúc mà cha bị giải phẫu bị cưa mất một chân và gắn chân giả. Cha tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ thần học năm 1945, sau hai năm, vào năm 1947, cha về phục vụ tại Tu Viện Đa Minh Hà Nội.

Đã từng tận mắt chứng kiến những đau thương do chiến tranh thế giới thứ hai gây ra ở Âu châu, lại trở về quê hương giữa lúc chiến tranh ác liệt, năm 1949 cha tập hợp những người có lòng, có tâm cả bên lương lẫn bên giáo thành lập “Hội Cấp Tế Nạn Nhân Chiến Tranh”. Hội hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, thăm viếng tù nhân ở các trại giam, can thiệp trả tự do và trợ cấp những gì cần thiết cho họ: giúp nhắn tin, chuyển thư từ, chuyển đồ tiếp tế của thân nhân gửi, thăm viếng, cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo, lập khu tạm trú cho đồng bào tản cư, lập nhà cho cô nhi quả phụ.

Sau hiệp định Genève, Linh mục Bửu Dưỡng vào Nam, tạm trú tại đường Pasteur Đà Lạt. Cha lập một trại nhập cư mang tên là Du Sinh trên một vùng đồi diện tích rộng, gần thác Cam Ly, quy tụ những gia đình di cư ngày càng đông: 1000 người năm 1955 và 2500 người năm 1963, giúp họ ổn định cuộc sống, rồi khởi công xây cất nhà thờ. Cha có nhiều sáng kiến trong việc thiết kế tháp chuông và tường thành với những hoa văn theo kiến trúc Á Đông. Tên “Du Sinh” cũng do chính cha phiên âm Việt hóa tên Thánh “Giuse”, vừa diễn tả nguồn gốc “du hành” của những giáo hữu di cư vào Nam.

Không chỉ có lập nhà thờ Mai Khôi, cha Bửu Dưỡng còn mở trường tư thục Mai Khôi, dạy nữ công gia chánh, một nhà nuôi trẻ mồ côi, xây bệnh xá, đặt hệ thống dẫn nước. Vừa đảm trách giáo xứ, cha vừa nhận dạy học tại Đại Học Đà Lạt, Saigon, Huế. Năm 1959, cha đi Rome yết kiến Đức Giáo Hoàng, qua Paris nghiên cứu phương pháp giáo dục của Pháp rồi đi Mỹ tìm hiểu các dự án định cư người tị nạn chiến tranh, phát triển canh nông, các cơ sở văn hóa, xã hội để ứng dụng thực hiện ở quê hương.

Năm 1964, cha được chuyển về xứ đạo An Hòa (Đức Trọng) vừa là chánh xứ, vừa dạy triết ở trường trung học Adran của các sư huynh Lasan Đà Lạt. Năm 1970, chuyển về Saigon, cha hợp tác với hội Minh Trí thành lập Đại Học Minh Đức, với năm phân khoa: Triết Lý, Y Tế, Kinh tế, Thương Mại, Khoa Học Kỹ Thuật, Kỹ Thuật Canh Nông. Cha cũng trở thành Hiệu trưởng Đại học Minh Đức.

Sau năm 1975, cha Bửu Dưỡng sống ở học viện Đa Minh, Thủ Đức. Ngài mất năm 1987 hưởng thọ 80 tuổi, để lại di sản về văn hóa và triết học gồm các tác phẩm: 
– Tôn giáo: Chúa Cứu thế: “Ngài là ai?” Ngài muốn gì? Ngài ở đâu?
– Triết học: Các triết lý Đông, Tây, Kim, Cổ, gồm ba cuốn: Quan niệm triết học (Triết học nhập môn). Quan niệm người đời (siêu hình, tâm lý, luân lý). Quan niệm đời người (đạo đức, xã hội, chính trị).
– Vấn đề đau khổ (đối chiếu các tư tưởng tôn giáo, triết học, văn nghệ và khoa học).
– Tứ Thư Giải Luận (phiên âm, dịch nghĩa, giải thích và bình luận Tứ Thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử.
– Tùng Thiện Vương (tiểu sử và thi văn): viết chung với thân phụ là cụ Ưng Trình.
– Sưu tập, giải thích ca dao, tục ngữ Việt Nam, sắp theo thứ tự A,B,C. Sưu tập được thực hiện vào những năm cuối đời của ngài, nhưng còn dở dang.

Ảnh Linh mục Bửu Dưỡng (áo chùng màu trắng) cùng đoàn nhân sĩ Hà Nội năm 1950. Xin cám ơn Kim Đoàn đã bỏ công tìm kiếm và cho nguồn để mình làm status này nhờ sử dụng tư liệu của Lê Ngọc Bích, Mai Thành và Hương Vĩnh.

Image may contain: 11 people, people smiling, people standing
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay