Phong Trào Cản Đường Chống Thu Lộ Phí Tại VN

Nguồn: Việt báo

Tin vui, nguời dân Việt, đặc biệt là anh chị em xe hơi và đồng bào địa phương đã thừa thắng xông lên, tiếp tục đấu tranh xả trạm thu lộ phí BOT của đại gia cấu kết với Đảng Nhà Nước CSVN bày đặt để móc túi dân thêm. Tin RFA ngày 10-1-2018, “BOT Sóc Trăng: người dân múa lân ăn mừng xả trạm”. Còn BOT T2 Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang thu lộ phí từ 2016 cũng phải xả trạm do đấu tranh của anh chị em xe và đồng bào.

Nổi bật nhứt trong phong trào người dân Việt đấu tranh dùng cách này hay cách khác làm cho xe đùn cục trên quốc lộ để chống các trạm BOT liên doanh với Đảng Nhà Nước thu lộ phí cắt cổ xe cộ — có thể nói là sáng kiến và hành động của anh chị em làm nghề xe chống trạm BOT ở Cai Lậy tỉnh Định Tường nay CS đổi tên là Tiền Giang. Căng thẳng nhứt, hiệu quả nhứt đến đỗi Thủ Tướng Chánh phủ của CSVN là Nguyễn xuân Phúc bước đầu phải giơ tay đầu hàng dân, ra lịnh nhà cầm quyền CS địa phương phải xả trạm, cho xe cộ đi tự do, không đóng lộ phí một tháng.

Sáng kiến chiến thuật đấu tranh bất tuân hành dân sự, dùng tiền mệnh giá thấp trả lệ phí quá cao, làm cho xe chờ đùn cục kẹt quốc lộ huyết mạch Miền Nam bị tắc nghẽn. Không phải một lần mà hai lần, mỗi lần mấy ngày khiến Đảng Nhà Nước và nhà thầu thất thu, chỉ vì phải đếm  25.000$ tiền lẻ nhét trong chai và không có tiền thối lại 100, một giấy bạc quá nhỏ hầu như hết lưu hành rồi, mua một cục kẹo cũng mất 500. Anh chị em tài xế, phụ xe, chủ xe nhứt định không đi dù trạm nói bớt cho xe 100 ấy. Xe chờ đùn cục cả mấy cây số ở hai đầu, giao thông bị gián đoạn, trung ương, tỉnh huyện phải ra lịnh xả cảng. Cuộc đấu tranh đợt hai này động cả thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc, tin RFA, TT  Phúc “vào chiều tối ngày 4 tháng 12 ra quyết định tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang trong vòng một tháng để các cơ quan chức năng xem xét những vấn đề liên quan.”

Đài Á châu Tự do (RFA) của Mỹ cũng đi tin “Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) cho biết, sau 3 tháng xả trạm do các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm. BOT Cai Lậy thu phí trở lại vào sáng 30 tháng 11 nhưng tiếp tục gặp phải sự phản đối của các chủ phương tiện và người dân. Liên tiếp, 2 ngày 30 tháng 11 và 1 tháng 12, các tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá 100 đồng, 200 đồng và cả tiền xu để trả phí, gây ùn tắc giao thông buộc trạm Cai Lậy tỉnh Tiền Giang phải xả trạm. Chỉ trong 2 ngày, BOT Cai Lậy phải xả trạm 6 lần. Diễn tiến căng thẳng tại BOT Cai Lậy được Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, Nguyễn Xuân Phúc, nhắc đến trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 tại Hà Nội vào sáng ngày 1 tháng 12.”

Và sau đó đến phiên anh chị em xe hơi tiếp tục đấu tranh chống trạm BOT ở tỉnh Phong Dinh nay CS đổi tên là Hậu Giang. Báo Người Lao Động online trong nước cho biết,  “ngày 2 và 3-1, một số tài xế ở gần trạm vào làn thu phí yêu cầu nhân viên bán vé với hình thức đi bao nhiêu km sẽ trả tiền bấy nhiêu, sự việc trên gây ùn tắc giao thông cục bộ. Sau đó, đến ngày 4 và 5-1, tình hình diễn ra căng thẳng hơn khi các tài xế treo băng rôn đòi trạm thu đúng, thu đủ và gây kẹt xe nghiêm trọng. Nguyên nhân chánh yếu mà người dân yêu sách là: giá thu phí quá cao và không hợp lý so với đường cao tốc Trung Lương-TPHCM và các trạm thu phí khác ở Sóc Trăng, Bạc Liêu; việc giảm giá cho khu vực lân cận chưa hợp lý, nhiều hộ dân sống gần trạm (trong bán kính 5 km), phương tiện chỉ di chuyển một đoạn đường ngắn nhưng đóng phí cho toàn tuyến; một số xe hợp đồng dài hạn không được miễn giảm…”

Báo Tuổi Trẻ online loan tải, đến trưa cùng ngày, giao thông tại trạm thu phí BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp đều bị tê liệt. Lúc 2 giờ trưa, đích thân ông Võ Thành Thống, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cần Thơ, phải xuống tận nơi, vào thẳng nhà điều hành trạm thu phí này. Ông nói,“Tôi không yêu cầu phải giảm phí 100% mà chỉ mong chủ đầu tư trạm thu phí này xem xét giảm giá vé một cách phù hợp cho những hộ dân sống lân cận trạm như tôi,” Tuy nhiên, phía nhà đầu tư BOT chần chừ không làm theo yêu cầu của chủ tịch Cần Thơ dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Để giải tỏa tình trạng kẹt xe nghiêm trọng kéo dài ở hai hướng qua trạm thu phí, ông Thống yêu cầu đại diện chủ đầu tư phải lập tức xả trạm.

Tin cho biết từ khi trạm thu phí hoạt động, UBND TP Cần Thơ nhận được nhiều đơn xin miễn giảm phí qua trạm của các hộ dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) và phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Sau đó, Sở GTVT TP Cần Thơ đã có buổi đối thoại với 50 hộ dân và DN để lắng nghe ý kiến đề xuất của người dân. Sau đó, Bộ GTVT có văn bản giảm giá chung cho các phương tiện qua trạm bắt đầu từ ngày 20-12-2017 và giảm giá đối với vùng lân cận từ ngày 1-1-2018.

Trên đây là hai cuộc đấu tranh qui mô ở hai tỉnh lớn của Miền Tây, Tiền Giang và Hậu Giang. Cũng có tin bà con cô bác ở các tỉnh khác cũng dùng chiến thuật ngăn đường, cản lối để đấu tranh. Anh chị em xe ngày 7-1 cũng gây ùn tắc, chống trạm BOT Sóc Trăng, trạm đã phải xả trạm 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều.

Còn trước đây tin tức cho biết đồng bào Biên Hoà mang cá tra ra… cúng trạm BOT Biên Hòa, xe cộ đùn cục, trở ngại giao thông.

Đồng bào Miền Trung đổ cá chết trên đường cản trở lưu thông chống CS thông đồng với Formosa làm cá chết biển  ô nhiễm, để nhà cầm quyền CS phải giải quyết yêu sách của người dân.

Nếu Đảng Nhà Nước cứ tiếp tục lợi dụng danh nghĩa qui hoạch để lấy đất của dân oan bồi thường rẻ mạt như cướp đất của dân, lợi dụng chính sách nhà nước nhân dân cùng làm hạ tầng cơ sở, trường học lấy thu bù chi để thâu học phí và nhiều lệ phí không tên khiến nhiều học sinh phải bỏ học vì phụ huynh nghèo, thì dân chúng VN sẽ có thể áp dụng chiến thuật đấu tranh, dân oan sẽ tăng đà bắn giết cán bộ, học sinh, sinh viên sẽ bãi khoá, sẽ thành những biến động lớn cho xã hội VN mà CS phải phải chịu trách nhiệm hoàn toàn./. (VA)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay