Sức mạnh của Sự Thật

Sức mạnh của Sự Thật

Leo Tolstoy * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch – Sức mạnh của chính quyền phụ thuộc vào công luận. Nhờ có sức mạnh ấy, chính quyền có thể luôn luôn duy trì công luận mà họ cần, thông qua các cơ quan chính quyền, qua các viên chức tòa án, trường học, giáo hội, và cả chính báo chí. Công luận tạo ra sức mạnh này, và sức mạnh này tạo ra công luận. Tưởng như không có lối thoát ra khỏi hoàn cảnh này.

Điều này sẽ thực sự đúng như vậy nếu công luận là cái gì đấy cố định, bất biến. Lúc ấy chính quyền có thể tạo ra bất kỳ công luận nào họ muốn.

Nhưng, may mắn thay, không đúng như thế. Trước tiên, công luận không phải là cái gì đấy vĩnh cửu, bất biến, bất động; nhưng, ngược lại, thường xuyên thay đổi, chuyển động cùng với sự tiến bộ của nhân loại; thứ hai, công luận không chỉ không thể nào được tạo ra theo như ý muốn của chính quyền, mà chính công luận tạo ra chính quyền và ban sức mạnh cho chính quyền hay tước đi sức mạnh của chính quyền.

Đôi khi tưởng như công luận vẫn không chuyển động và công luận bây giờ giống như công luận cách đây hàng chục năm, như thể công luận dao động trong những trường hợp đặc biệt nào đấy, rồi trở lại như cũ-như khi công luận hủy diệt chính thể cộng hòa và thay bằng chính thể quân chủ, rồi lại phá tan chính thể quân chủ và thay bằng chính thể cộng hòa; nhưng công luận chỉ có vẻ như thế khi chúng ta chỉ xem xét những biểu hiện bên ngoài của công luận mà do chính quyền tạo ra một cách giả tạo.

Nhưng nếu chúng ta coi công luận trong mối quan hệ của nó với toàn bộ đời người, chúng ta sẽ thấy rằng, giống như những mùa trong năm, công luận không đứng yên một chỗ, mà luôn luôn chuyển động, luôn luôn tiến lên dọc theo cùng con đường mà tất cả nhân loại tiến lên, tựa như ngày và mùa xuân, dù trì hoãn hay do dự, vẫn chuyển động theo cùng con đường với mặt trời.

Cho nên, mặc dù, xét theo bề ngoài, hoàn cảnh các nước Châu Âu trong thời đại chúng ta hiện nay gần giống như hoàn cảnh cách đây năm mươi năm, nhưng mối quan hệ của quốc gia đối với những bề ngoài này bây giờ hoàn toàn khác với những gì vào thời đó.

Mặc dù cũng vẫn là những kẻ cai trị, quân đội, thuế khóa, xa xỉ và nghèo đói, Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành ấy tồn tại bây giờ cũng như vào thời đó, nhưng trước đây những thể chế này tồn tại vì công luận đòi hỏi, còn bây giờ chúng tồn tại chỉ vì chính quyền duy trì một cách giả tạo công luận cũ, mà hiện nay đang hấp hối hay đã chết.

Nếu chúng ta thường không chú ý đến sự chuyển động này của công luận giống như chúng ta thường không chú ý đến chuyển động của nước ở sông khi chúng ta bơi theo dòng, chính vì những thay đổi tinh tế không thể nhận thức được này của công luận mà tạo nên sự chuyển động của công luận cũng đang diễn ra trong lòng chúng ta.

Bản chất của công luận là sự chuyển động không ngừng. Nếu chúng ta tưởng công luận dường như đứng yên, chính chỉ vì lúc nào cũng có những kẻ lợi dụng giai đoạn nào đấy của công luận nhằm thủ lợi riêng, và do vậy họ ra sức duy trì cho được giai đoạn ấy, và không thừa nhận biểu hiện của công luận mới và thực mà, tuy chưa được thể hiện ra hoàn toàn, nhưng vẫn sống trong ý thức và lương tâm của con người. Những kẻ như thế cố giữ lại công luận lỗi thời và che giấu công luận mới chính là những kẻ mà hiện nay thành lập chính quyền và giai cấp cai trị…

Phương tiện mà những kẻ này nắm được rất lớn, nhưng vì công luận giống như dòng sông luôn luôn chảy và tích tụ, cho nên tất cả mọi nỗ lực của họ cuối cùng chỉ vô ích: cái cũ tàn lụi, cái mới càng tràn đầy sức sống.

Biểu hiện của công luận mới này bị cản trở càng lâu thì nó càng tích tụ lại, và cuối cùng nó sẽ càng tuôn trào mạnh mẽ…

Do vậy, sự tiến bộ của nhân loại từ công luận cũ lạc hậu đến công luận mới tất yếu phải diễn ra. Sự tiến triển này là tất yếu như vào xuân những chiếc lá tàn cuối cùng rơi xuống và những chiếc lá non mới hé nở ra từ những cái chồi căng đầy.

Sự quá độ này bị trì hoãn càng lâu, nó càng trở nên tất yếu, và càng hiển nhiên cần thiết…

Không cần phải có những kỳ tích anh hùng mới đạt được những thay đổi lớn lao nhất và quan trọng nhất trong đời người. Cũng không cần có hàng triệu người lính vũ trang, cũng không cần xây dựng đường xá và máy móc mới, cũng không cần tổ chức triển lãm, cũng không cần thành lập công đoàn lao động, cũng không cần cách mạng, hay chiến lũy, hay chất nổ, cũng không cần phát minh ra hàng không, vân vân; mà chỉ cần thay đổi công luận.

Để tạo ra thay đổi này, không cần phải nhọc tâm suy nghĩ, cũng không cần bài bác bất kỳ cái gì đang tồn tại, cũng không cần phát minh ra điều gì mới mẻ phi thường; chỉ cần quyết tâm không khuất phục trước giả dối, trước công luận quá khứ đã chết, mà chính quyền tiếp tục nuôi dưỡng một cách giả tạo; chỉ cần mỗi người nên nói những gì mà họ thực sự suy nghĩ và cảm thấy, hay ít ra họ cũng không nên nói những gì mà họ không suy nghĩ.

Nếu như một nhóm nhỏ người làm được như vậy thì công luận lỗi thời sẽ tự biến mất và công luận mới, đầy sức sống, và thực sự sẽ tự thể hiện. Và khi công luận thay đổi, cuộc sống nội tâm của con người vốn làm cho họ đau khổ cũng sẽ tự thay đổi theo dễ dàng.

Thật là xấu hổ khi nghĩ rằng để thoát ra khỏi bao khổ đau đang đè nén mình mọi người chỉ cần làm thật rất ít: họ chỉ cần không nói láo.Ước gì mọi người không khuất phục trước bao dối trá tiêm nhiễm vào đầu óc họ; ước gì họ không nói những gì mà họ không suy nghĩ hay cảm thấy, thì ngay lập tức một cuộc cách mạng sẽ diễn ra trong toàn bộ tổ chức cuộc đời chúng ta, một cuộc cách mạng mà các nhà cách mạng trong suốt hàng bao thế kỷ, cho dù với tất cả quyền lực trong tay, cũng không thể nào đạt đến.

Thật tốt đẹp biết bao nếu mọi người tin sức mạnh không ở trong vũ lực mà ở trong sự thật, thật tốt đẹp biết bao nếu họ không tránh xa sự thật hoặc bằng lời nói hay bằng hành động, không nói những gì họ không suy nghĩ, không làm những gì họ coi là ngu ngốc và sai trái…

Chính quyền biết điều này, và run sợ trước sức mạnh này, nên bằng mọi cách ra sức chống lại hay chiếm hữu nó.

Họ biết sức mạnh không ở vũ lực, nhưng ở tư tưởng và ở sự biểu đạt tư tưởng rõ ràng, và vì thế họ sợ sự biểu đạt tư tưởng độc lập hơn sợ cả quân đội; do vậy họ đặt ra kiểm duyệt, mua chuộc báo chí, và độc quyền kiểm soát tôn giáo và trường học. Nhưng sức mạnh tinh thần thúc đẩy thế giới tiến lên ấy mãi mãi nằm ngoài tầm tay với của họ; sức mạnh ấy không ở sách báo; sức mạnh ấy vô hình và luôn luôn tự do; sức mạnh ấy ở tận trong sâu thẳm ý thức của con người. Sức mạnh vô hình, tự do nhất, và mạnh mẽ nhất ấy hiện lên trong tâm hồn con người khi họ tự mình chiêm nghiệm những hiện tượng trong vạn vật, và rồi tự nhiên bày tỏ những suy tư của mình với vợ, anh em, bằng hữu, tất cả những ai họ tiếp xúc, và những người mà họ coi là tội lỗi nếu họ che giấu những gì họ nghĩ là sự thật.

Hàng ngàn triệu rúp, hay hàng triệu binh lính, hay hàng bao nhiêu thể chế, hay hàng bao nhiêu chiến tranh, hay hàng bao nhiêu cuộc cách mạng cũng sẽ không tạo ra được những gì sẽ được tạo ra từ sự biểu đạt đơn giản của người tự do về những gì họ cho là công chính, mà không phụ thuộc vào những gì tồn tại hay những gì đã tiêm nhiễm vào đầu óc họ.

Một người tự do vẫn sẽ nói trung thực điều mình suy nghĩ và cảm nhận dù ở giữa hàng ngàn người mà qua hành động và lời nói của họ khẳng định chính điều ngược lại. Hình như ai bày tỏ thành thật suy nghĩ của mình thì thường cô độc, ngược lại với những người khác hay đa số cũng suy nghĩ và cảm nhận như vậy nhưng không nói ra.

Ý kiến mới của một người vào hôm qua trở thành ý kiến chung của tất cả mọi người vào hôm nay. Và ngay khi ý kiến này được chấp nhận, hành vi của con người bắt đầu thay đổi dần dần, không thể nhận thấy được, nhưng không thể nào cưỡng lại được.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, mỗi người tự do tự hỏi: “Ta có thể làm được gì để chống lại đại dương ác và dối trá muốn nhấn chìm ta này? Tại sao ta nên bày tỏ ý kiến của mình? Tại sao phải có ý kiến? Tốt hơn ta không nên nghĩ đến những vấn đề mơ hồ và phức tạp này. Hay có lẽ những mâu thuẫn này là điều kiện tất yếu của kiếp người. Tại sao ta nên một mình chống lại tất cả những cái ác trên đời này? Phải chăng tốt hơn là ta nên buông theo dòng đời chung cuốn ta đi? Một mình ta cũng chẳng làm nên tích sự gì mà phải làm chung với những người khác.”

Thế rồi sau khi buông xuôi vũ khí tư tưởng và biểu đạt tư tưởng mạnh mẽ mà thúc đẩy thế giới tiến lên ấy, con người dùng đến vũ khí hoạt động xã hội, mà không nhận thấy rằng tất cả các hoạt động xã hội đều dựa trên chính nền tảng mà họ phải đấu tranh chống lại, và khi bước vào bất kỳ hoạt động xã hội nào tồn tại trong thế giới chúng ta, họ ít nhất phải xa rời sự thật, phải có những nhượng bộ mà tiêu hủy toàn bộ sức mạnh của vũ khí mạnh mẽ đã được trao cho họ. Tựa như kẻ được trao cho con dao cực kỳ bén có thể cắt đứt mọi thứ mà lại dùng lưỡi dao chỉ để đóng đinh.

Tất cả chúng ta đều than phiền về trật tự vô nghĩa của cuộc đời, mà mâu thuẫn với cuộc tồn tại chúng ta, tuy nhiên chúng ta lại từ chối dùng vũ khí mạnh mẽ duy nhất ở trong tay chúng ta-ý thức về sự thật và biểu đạt sự thật; mà ngược lại, dưới cái cớ đấu tranh với cái ác, chúng ta hủy diệt vũ khí này và hy sinh nó cho cuộc đấu tranh tưởng tượng chống lại trật tự này.

Một người không nói ra sự thật mà ông biết, vì ông cảm thấy mình mang ơn với những người mà ông có quan hệ. Còn người khác không nói ra sự thật vì nếu nói ra ông sẽ mất chỗ làm có lợi để lo cho gia đình. Người thứ ba không nói ra sự thật vì muốn đạt danh tiếng và quyền lực để rồi dùng chúng phục vụ con người; người thứ tư vì không muốn phạm vào truyền thống thiêng liêng lâu đời; người thứ năm vì không muốn làm mất lòng người khác; người thứ sáu sợ nói ra sự thật sẽ bị phiền toái và sẽ hại đến hoạt động xã hội rất tốt mà ông đang tận tâm phục vụ.

Một người phục vụ như hoàng đế, vua, bộ trưởng, viên chức, hay lính, và quả quyết với bản thân và với những người khác rằng sự ích lợi ông mang lại còn nhiều hơn cả sự xa rời sự thật mà cần thiết trong chức vụ của ông.

Người khác thực thi chức mục tử tinh thần, mặc dù trong đáy lòng mình ông không tin những điều ông rao giảng, nhưng vẫn cho phép mình xa rời sự thật vì ông làm điều hữu ích. Người thứ ba dạy văn chương, và dù phải giữ im lặng về toàn bộ sự thật để không khiêu khích chính quyền và xã hội chống lại ông, nhưng ông vẫn tin chắc rằng mình làm điều hữu ích. Người thứ tư đấu tranh quyết liệt với trật tự hiện tại như các nhà cách mạng hay những người vô chính phủ, và hoàn toàn xác tín rằng mục đích ông theo đuổi có lợi đến nỗi việc che giấu sự thật hay cả dối trá, mà rất cần thiết cho hoạt động thành công của ông, cũng không tổn hại đến hoạt động ích lợi của ông.

Để thay thế trật tự cuộc đời mà trái ngược với lương tâm con người bằng trật tự mới và thích hợp, cần phải thay thế công luận cũ tàn lụi bằng công luận mới đầy sức sống.

Để điều ấy diễn ra, tất cả những ai ý thức được những yêu cầu mới của cuộc sống nên công khai và mạnh dạn bày tỏ chúng rõ ràng. Tuy nhiên những người thực sự ý thức được những yêu cầu mới này, lại nhân danh điều này điều nọ, không những im lặng mà còn qua lời nói và hành động khẳng định những điều hoàn toàn ngược lại.

Chỉ sự thật và bày tỏ sự thật mới có thể xác lập được công luận mới mà sẽ thay đổi trật tự lỗi thời và độc hại của cuộc đời; tuy nhiên chúng ta không những không bày tỏ sự thật chúng ta biết mà thậm chí còn thường xuyên bày tỏ rõ ràng những gì chúng ta coi là giả dối.

Ước gì người tự do không trông cậy vào những gì không có sức mạnh và không phải lúc nào cũng tự do, tức vào sức mạnh bên ngoài, nhưng tin tưởng vào những gì luôn luôn mạnh mẽ và tự do- tức sự thật và bày tỏ sự thật!

Ước gì người ta mạnh dạn bày tỏ sự thật… thì công luận đã chết, giả dối mà toàn bộ sức mạnh của chính quyền dựa vào, và tất cả cái ác nó tạo ra, sẽ tự rụng xuống giống như lớp da khô, và thay vào đấy sẽ xuất hiện công luận mới, đầy sức sống, mà đang chờ công luận cũ rơi rụng để tuyên bố mạnh dạn và rõ ràng những yêu cầu của nó, và xác lập những hình thức cuộc đời mới hợp với lương tâm con người.

Người ta chỉ cần nên hiểu rằng những gì được chính thức tuyên bố với họ là công luận, những gì được duy trì bằng phương tiện rất phức tạp và giả tạo ấy, thật ra không phải là công luận, mà chỉ là tàn tích của công luận cũ; quan trọng nhất, họ chỉ cần tin ở chính mình, họ nên tin những gì mà họ ý thức được từ trong tận đáy sâu tâm hồn họ, và những gì mà khao khát được nói ra nhưng không nói ra được chỉ vì nó mâu thuẫn với công luận hiện tại, đấy mới chính là sức mạnh thay đổi thế giới và nói ra sự thật là sứ mệnh của tất cả mọi người. Con người chỉ cần tin rằng sự thật không phải là những gì người đời nói, mà là những gì lương tâm, tức Chúa, nói với mình, và ngay lập tức toàn bộ công luận được duy trì một cách giả dối ấy sẽ biến mất và thay vào đấy công luận đích thực sẽ xác lập.

Ước gì người ta chỉ nói ra những gì họ suy nghĩ, chứ không phải những gì họ không suy nghĩ,… thì, quan trọng nhất, sự tôn trọng nhà cầm quyền, sự từ bỏ thành quả lao động của mình cho họ, sự phục tòng họ từ trước đến nay sẽ tức thời biến mất.

Và giá như điều này chỉ cần xảy ra thì quần chúng rất đông đảo của những con người yếu đuối ngay lập tức sẽ tràn qua phía công luận mới mà sẽ ngự trị thay thế công luận cũ.

Hãy để chính quyền sở hữu trường học, giáo hội, báo chí, hàng ngàn triệu rúp, và hàng triệu người vũ trang biến thành công cụ: tất cả tổ chức vũ lực tàn bạo rõ ràng khủng khiếp này chẳng là gì khi so với ý thức sự thật dâng trào lên trong tâm hồn của một người biết sức mạnh của sự thật, và từ người này truyền sang người thứ hai rồi sang người thứ ba, như một ngọn nến thắp sáng lên muôn vàn ngọn nến khác. Ngọn lửa này chỉ cần nhóm lên, và giống như sáp trước lửa, toàn bộ tổ chức tưởng như rất hùng mạnh này sẽ tan biến đi.

Ước gì con người hiểu rằng sức mạnh rất to lớn được trao cho họ chính bằng lời nói bày tỏ sự thật; ước gì họ từ chối bán đi quyền của họ có được từ lúc chào đời để đổi lấy chén cơm manh áo; ước gì họ xử dụng sức mạnh của họ, thì những kẻ cai trị không những không dám, như họ dám bây giờ, đe dọa lùa, nếu họ muốn, tất cả mọi người vào lò sát sinh ở khắp nơi, họ cũng không dám tổ chức những buổi lễ duyệt binh và thao diễn của những kẻ sát nhân có kỷ luật trước bao đôi mắt của dân chúng ôn hòa; họ cũng không dám, vì lợi ích riêng và quyền lợi của những kẻ đồng lõa với họ, mà ký và xé bỏ các hiệp ước quan thuế, họ cũng không dám vặt của dân chúng hàng triệu rúp để chia chác cho những kẻ đồng lõa.

Cho nên thay đổi không chỉ có thể xảy ra, mà thậm chí không thể nào không xảy ra, vì cây chết không thể nào mà không mục ruỗng, và cây non không thể nào mà không mọc lên.

Nguồn:

Trích dịch từ bài viết tựa đề tiếng Anh”Christianity And Patriotism” của Bá tước Leo N. Tolstoy viết vào năm 1894. Tựa đề tiếng Việt của người dịch. Bản dịch được thực hiện từ ba bản dịch tiếng Anh của các dịch giả Paul Borger vào năm 1905, Leo Wiener vào năm 2013, và bản dịch đầu tiên của báo Anh The Daily Chronicle vào năm 1896.

Trần Quốc Việt

danlambaovn.blogspot.com

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay