Gần nửa dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao

Gần nửa dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao


Việt Nam đứng thứ 15 trong số các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Việt Nam đứng thứ 15 trong số các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Khoảng 44% dân số Việt Nam mang vi khuẩn lao trong cơ thể. Trong số này, ước lượng 126.000 người mắc bệnh lao mỗi năm, theo một phúc trình mới được đưa ra hôm 13/12.

Trang mạng zing.vn dẫn lời Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung, cho biết trong số những ca mắc lao hàng năm, có khoảng 105.000 – 106.000 người bệnh, 20.000 người khác không được phát hiện vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân giấu bệnh vì tâm lý xã hội và nhu cầu kiếm sống.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm 30% tỷ lệ mắc lao và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020.

Theo Bệnh viện Phổi trung ương, hiện số người người mắc bệnh lao tại Việt Nam đang giảm từ 5%-6% mỗi năm. Từ năm 2015-2016, số người chết vì bệnh lao giảm 3.000 người nhờ phát hiện sớm và điều trị. Trước đó, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 17.000 người chết vì bệnh lao.

Năm 2009, Việt Nam bắt đầu chương trình điều trị lao đa kháng thuốc. Tính đến nay đã có khoảng 11.000 ca bệnh lao đa kháng thuốc được điều trị, đạt tỷ lệ thành công hơn 70%, cao hơn tỷ lệ 54% của thế giới.

Hiện Việt Nam đang đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên theo Bệnh viện Phổi Trung ương, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động y tế tuyến cơ sở để phát hiện lao sớm, đồng thời phải có nguồn tài chính ổn định để hỗ trợ bệnh nhân lao.

Trong khi việc chẩn đoán và điều trị được bảo hiểm y tế chi trả, bệnh nhân mắc lao vẫn phải mất các khoản phí tổn khác như nằm viện, bổ sung dưỡng chất trong thời gian điều trị… tổng cộng có thể lên tới khoản phí tương đương một năm thu nhập bình quân tại Việt Nam, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay