MUỐN SINH LỢI PHẢI DÁM LIỀU

MUỐN SINH LỢI PHẢI DÁM LIỀU

“Ông chủ đi vắng…”

Dụ ngôn những nén vàng là dụ ngôn cuối cùng trong ba dụ ngôn được thánh Mátthêu gom lại để nói lên chủ đề “Thời cuối cùng.”  Trong câu chuyện này, ai là ông chủ sắp đi xa, nếu không phải là chính Đức Giêsu? Trước đây một khoảng thời gian ngắn, chính Người đã tuyên bố: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ thấy Thầy.” (Ga 16,16).  Người sẽ ra đi để được Chúa Cha tôn vinh cách công khai và long trọng, Người cũng sẽ trở lại để tính sổ.  Vì vậy, Tin Mừng Mát-thêu đã nối kết câu chuyện xét xử tên gia nhân bất tài với cuộc phán xét chung (Mt 25,31-46).

Ngoài ra, trình thuật hôm nay được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu sắp tiến vào Giêrusalem và chịu khổ nạn.  Con Người sắp ra đi và trao phó vương quốc lại cho những người được tín nhiệm.  Các ông có nhiệm vụ làm cho vương quốc ấy được tiến triển.

“Một người kia sắp đi xa, liền gọi gia nhân đến mà giao phó của cải mình cho họ.”

Trước hết, tất cả các gia nhân đều được trao một số nào đó, không ai trắng tay, không có vốn ban đầu.  Tuy vậy, mỗi người nhận được số vàng không như nhau.  Sau này, khi trở về, ông chủ tính sổ với mỗi người theo tình trạng không đồng đều này: ông không đòi người nhận hai nén phải trả lại năm nén.  Ông đòi mỗi người theo mức độ ông đã giao, và chỉ chừng đó thôi.

Thời gian của lịch sử nhân loại, đó là thời gian “ông chủ đi vắng”: mỗi người bị đặt trước thử thách, như gia nhân được ông chủ trao phó những trách nhiệm lớn lao.  Quả thế, đời sống của con người qua đi trong lúc dường như Thiên Chúa vắng mặt hay rút lui để cho các thụ tạo có thể phát huy sáng kiến của mình.  Điều này cho thấy Thiên Chúa rất tin tưởng và tôn trọng con người.

Với các môn đệ của Đức Giêsu, nén vàng chính là “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ…, dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em…” (Mt 28,19.20).  Ngay từ lúc ấy, các môn đệ của Đức Giêsu, đặc biệt là ông Phêrô, được tung vào một thử thách ghê gớm: cuộc đối đầu với các vị lãnh đạo cao nhất về tôn giáo của đất nước.  Ông sẽ mạnh mẽ lên tiếng làm chứng: “Anh em đã giết chết Đấng khơi nguổn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết.” (Cv 3,15).  Chẳng có ai ban sức mạnh cho ông, ngoại trừ Thánh Thần của Thiên Chúa.  Tất cả đã được trao cho các môn đệ, cho ông Phêrô.

Ít lâu sau, một cuộc khủng hoảng xảy ra: Có nên từ bỏ Giu-đa giáo không?  Câu trả lời không dễ dàng và cũng không có ngay được.  Dường như chính Đức Giêsu đã không giới hạn sứ vụ của Người nơi đoàn chiên Israel.  Cuối cùng, Hội Thánh đã can đảm tiến lên phía trước: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (Cv 15,28).

Tiếp đó là cuộc đụng đầu với bộ máy cầm quyền ở Rô-ma, rồi với cuộc xâm lăng của dân man-di, việc tiếp xúc với những nền văn minh xa lạ.  Mỗi lần lại là những vấn đề mới.

Nhìn chung chỉ khi nào vượt lên khỏi sự sợ hãi, lúc ấy Hội Thánh mới ý thức được rằng Tin Mừng không phải là một kho tàng để cất giữ, nhưng là một hạt giống cần được gieo xuống, một vườn nho phải sinh hoa trái, một nắm men phải dậy lên, một cuộc phiêu lưu cần mạo hiểm, một số vốn phải sinh lời, và cuối cùng, một trách nhiệm phải chu toàn cho đến ngày ông chủ trở về.

Như thế, ông chủ đi vắng, nhưng ông đã tin tưởng vào các gia nhân.  Ông đã trao toàn bộ tài sản của ông cho họ.  Bổn phận của họ là làm lợi thêm để khi ông trở về, ông sẽ tính sổ và ban thưởng.

“… nhưng ông sẽ trở về”

Ông chủ ra đi khá lâu và cuộc thử thách vẫn kéo dài.  Người ta có cảm tưởng rằng ông không trở về, hay là ông đã chết rồi.  Nhưng không, ông sẽ trở về, vào giờ phút không ngờ.  Không ai biết được lúc nào ông chủ trở về.  Chính vì vậy, Đức Giêsu khuyên các môn đệ luôn phải sẵn sàng, phải tỉnh thức trong khi chờ đợi.

Rồi đến lúc ông chủ trở về và đòi các gia nhân tính sổ.  Những người đã sử dụng vốn liếng ông đã trao để sinh lợi, ông ban tặng phần thưởng xứng đáng.  Riêng với người đem cất kỹ nén vàng ông đã trao, ông xử phạt.  Tại sao thế?  Anh đã không sinh lợi thêm, nhưng ít ra vẫn bảo toàn nén vàng, không suy suyển, mất mát.

Thật ra, anh ta không phải là người bất lương; không sinh lợi thêm không có nghĩa là ăn cắp.  Vậy, anh không làm điều bất công, không lỗi đức công bằng, tại sao anh lại bị quở trách và bị xử phạt?

Ông chủ quở trách anh, không phải vì anh đã phạm tội làm trái lẽ công bằng, nhưng tại vì anh đã cư xử trái ngược với sự tín nhiệm ông đặt nơi anh.  Thái độ đáng bị khiển trách của anh, không phải là không làm lợi thêm cho ông chủ, nhưng chính là không dám làm.  Lý do anh đưa ra để bào chữa cho thái độ của mình: anh sợ ông chủ “là một người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.”  Anh đã tính toán và nghĩ rằng tốt hơn cả là không nên liều.  Anh đã nghĩ sai về ông chủ, anh đã hồ nghi.  Tội của anh là ở chỗ đó.

Và ông chủ đối xử với anh như anh đã nghĩ về ông.  Anh sợ ông, anh nghi ngờ ông, anh nghĩ ông là người hà khắc; vậy ông xử với anh như anh nghĩ.  Ông đã quở trách anh là bất tài, là vô dụng, thu lại nén vàng đã giao và hơn nữa, còn giam anh vào nơi tối tăm.

Như thế, khi ông chủ tính sổ, thái độ tin tưởng hay hồ nghi sẽ là mức độ để ban thưởng hay xử phạt. Anh gia nhân được giao một nén chỉ nghĩ đến sự hà khắc của ông chủ, nên anh bị phạt, còn những người khác lại nghĩ đến lòng đại lượng của ông chủ, và họ đã sống theo đó, nên được ban thưởng.  Càng tính toán kỹ, người ta lại trở về tay trắng, còn khi tin tưởng, người ta được tràn trề, vượt quá lòng mong ước.

Đây là một thử thách lớn với con người, kể từ thời A-đam. Người ta vẫn có thói quen coi Thiên Chúa như một vị bạo chúa hơn là một người cha đầy tình yêu thương, Đấng đã thiết lập “giao ước” với con người, sau khi họ phạm tội.  Đây cũng là ý nghĩ của những người biệt phái và kinh sư: họ nghĩ rằng chỉ có họ là người công chính, còn người khác thì không.  Họ chẳng yêu mến gì Thiên Chúa, nhưng chỉ vì muốn an toàn và thu lợi về cho mình.  Vì vậy, đương nhiên họ cũng hiểu Đức Giêsu muốn ám chỉ họ khi kể dụ ngôn này.

Như vậy, chắc chắn ông chủ sẽ trở về.  Ông sẽ ban thưởng cho người yêu mến ông, sống xứng đáng với lòng tín nhiệm của ông, ai sống ngược lại, sẽ bị xử phạt.

Mỗi người có vị trí riêng

Một cách gián tiếp, dụ ngôn này đặt nền cho sự tự do của chúng ta.  Nhờ bí tích thanh tẩy, mỗi người đã đón nhận những nén vàng, và phải sinh lợi thêm.  Mỗi người đều có trách nhiệm phát huy sáng kiến để làm tăng thêm những nén vàng.  Tự do cũng đồng nghĩa với dám liều.  Thiên Chúa không muốn chúng ta sống như những người nô lệ, nhưng là như những người tự do, tức là biết quyết định về đời sống hiện tại cũng như tương lai của mình.

Trong thời gian chờ đợi ngày Chúa trở lại, mỗi người chúng ta sẽ sử dụng, điều hành mọi sự không phải như là tài sản của riêng mình, nhưng là của Đấng Sáng Tạo.  Việc sử dụng tốt nhất chính là cộng tác tích cực vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa.  Chúng ta sẽ không phân bì, tính toán mình nhận được nhiều hay ít, nhưng hiểu rằng mỗi người có những nén vàng, có vai trò và trách nhiệm riêng của mình.  Thiên Chúa tín nhiệm mỗi cá nhân và giao cho mỗi cá nhân một vị trí đặc biệt, có thể nói mạnh rằng, không ai giống ai.  Điều cần thiết là mỗi người phải hoàn thành “vai trò lịch sử” của mình; bởi vì, vào ngày Chúa trở lại, Người đòi mỗi người phải tính sổ, phải trả lời về những nén vàng mình đã nhận.

Để được như thế, chắc chắn chúng ta phải vượt ra khỏi ý nghĩ cho rằng Thiên Chúa là người hà khắc, trái lại phải sống với Người như với một người cha đầy tình âu yếm.  Thái độ này sẽ khơi dậy lòng tin để dám thoát ra khỏi sự an toàn cá nhân, kể cả việc tỉ mỉ tuân giữ Lề Luật, và vươn tới tinh thần tự do, tinh thần của những người dám đưa ra sáng kiến và đảm nhận trách nhiệm của mình.

Thiên Chúa vắng mặt,

nhưng Người đã tín nhiệm chúng ta,

Người mong muốn chúng ta tỉnh thức

và đảm nhận tương lai của mình.

Chúng ta không có quyền coi thường hay hồ nghi sự tín nhiệm đó,

không có quyền ngủ yên trong hiện tại,

nhưng nhận ra đó là một vinh dự

để nỗ lực hướng tới tương lai, đợi ngày Người trở lại và tính sổ.

 Lm. G Nguyễn Cao Luật, OP

From Langthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay