CHỊU ĐỰNG LÀ MỘT ĐỨC TÍNH NÔ LỆ

Christina Le
CHỊU ĐỰNG LÀ MỘT ĐỨC TÍNH NÔ LỆ

Một điều đáng báo động trong xã hội Việt Nam hiện nay là dân Việt tự thích nghi với tội ác chứ bản thân họ không có khả năng đấu tranh loại bỏ cái xấu. Nếu trong một quốc gia luôn có lực lượng đông đảo những người luôn mạnh mẽ chỉ trích chính quyền, và thậm chí phản ứng gay gắt với những tiêu cực chính quyền thì đấy là phúc cho một đất nước. Nếu ngược lại, đấy là họa.

Tại Việt Nam, lực lượng phản biện quá mỏng. Trên Facebook đếm đi đếm lại cũng bao nhiêu khuôn mặt kể tên không sót. Như ta biết, với dân số gần trăm triệu, chỉ cần 1‰ là có một vạn người lên tiếng. Cỡ này thì cũng cho sức mạnh đáng kể, thế nhưng thực tế không đào đâu ra lượng người đối lập như vậy. Dân đông mà thành phần tiến bộ lác đác, điều đó có nghĩa là phản ứng của họ như muối bỏ biển. Chính những kẻ im lặng đã kéo đất nước này trở nên ù lì không chịu phát triển.

Trong các loại phản ứng, thì phản ứng bằng lời lẽ phân tích phản biện là một hình thức phản ứng nhẹ nhàng nhất và hữu ích nhất cho chính quyền. Vì nếu biết cầu tiến, chính quyền có thể dựa vào đó mà điều chỉnh chính sách. Nếu ai đọc báo ở cả 2 lề, thì lề dân luôn có phân tích xác đáng hơn, họ chỉ ra gốc gác vấn đề không e ngại. Điều này cực kỳ quý giá cho một chính quyền có thiện chí. Thế nhưng với chính quyền này thì chính điều đó là điều mà họ căm thù nhất. Thái độ của kẻ quản lý đất nước mà như thế thì vô cùng nguy hiểm.

Như kẻ vừa háo danh vừa võ biền, CS là chính quyền vô năng nhưng thích thiên hạ tung hô. Họ không bao giờ biết cầu thị, họ căm ghét sự chỉ trích và thích dùng vũ lực với ai chỉ trích mình. Loại chính quyền này không thể buộc họ lắng nghe chỉ bằng lẽ phải. Để họ lắng nghe thì vừa có lẽ phải vừa có áp lực. Mà lực lượng phản biện quá mỏng lấy đâu ra áp lực buộc họ thay đổi? Thế nên đất nước cứ lao dốc không phanh. Hiện tại những lời nói phản biện tác động vào chính quyền này vô cùng hạn chế, vì kẻ lưu manh không nói lý lẽ. Vì thế mà việc phản biện hiện giờ chỉ có tác dụng khai dân trí là chính.

Sự tự tung tự tác của chính quyền này đã làm đất nước tan hoang, nợ nần ngập đầu, sưu cao thuế nặng bủa vây là đều có nguyên nhân gốc là sự im lặng từ người dân. Sự im lặng là an toàn ư? Nếu hôm nay bạn im lặng cho qua chuyện thì cái họa đó nếu chưa kịp đổ lên đầu bạn thì nó sẽ đổ lên đầu con cháu bạn mà thôi, không chạy đâu cho thoát.

Chính quyền này biết dân nhu nhược nên nó giở thói lưu manh không cần che đậy. Những sai phạm nghiêm trọng, những tội ác tày trời cứ xuất hiện liên tục nhưng lần lượt bị chôn vào quên lãng theo thời gian. Nếu anh đứng trên võ đài mà nhu nhược không phản đòn thì anh sẽ bị đối phương đánh tới tấp cho tới lúc ngã quỵ. Bị đánh nhiều quá thì anh cũng sẽ chả nhớ nổi đối phương đã đánh anh bao nhiêu đấm. Tương tự như vậy, hiện giờ dân cứ chịu đựng mặc cho chính quyền này cứ đấm cứ siết cổ nên cuối cùng dân chẳng nhớ nổi cú đánh cú đấm nào trong quá khứ.

Năm ngoái Formosa đền 500 triệu USD cho ngư dân, chính quyền đã chìa tay nhận thay không thèm hỏi ý kiến ý cò nạn nhân gì ráo. Và giờ này thì số tiền đó về đâu? Chẳng ai biết và cũng chẳng còn ai quan tâm. Năm ngoái chính quyền cho xả lũ 5 đợt, cuốn trôi 100 nhân mạng và thiệt hại 8.500 tỷ đồng. Thế thì đã sao? Giờ dân cũng quên mất. Nói chi đâu xa, thủy điện Hòa Bình xả lũ cướp mất 128 sinh mạng và thiệt hại nhiều ngàn tỷ, vậy mà dân cũng quên dù thảm họa chỉ như mới hôm qua. Rõ ràng sự đòi hỏi của người dân đã bị tê liệt. Mà tê liệt thì đất nước này chẳng khác nào kẻ bất toại đang liệt giường thì sao có thể vươn lên nổi?

Dân cứ cố chịu đựng rồi quen với áp bức, chính quyền ỉ vào đó gia tăng thêm áp bức, rồi dân cũng lại quen mức độ áp bức cao hơn. Khi chính quyền gây tội ác dân ứ lên vài tiếng rồi chìm vào quên lãng, rồi chính quyền lại gia tăng thêm tội ác, sau đó dân cũng để chìm vào quên lãng. Cứ thế chính quyền tự tin leo thang sự áp bức, và cứ như vậy dân cũng tăng khả năng chịu đựng như con ếch luộc. Dân cứ lùi bước sau mỗi lần chính quyền lấn tới như giải pháp “an toàn” đầy ích kỷ . Chính vì thế mà xã hội Việt Nam cứ lùi ngày một sâu về thế giới man rợ của xã hội loài người thời sơ khai.

Nhìn tình cảnh này liệu chúng ta có an tâm để ĐCS tự tung tự tác không? Nếu nghĩ sâu một chút, chúng ta thấy tình hình rất đáng ngại. Vai trò của ĐCS cần phải kết thúc vào một lúc nào đó để đất nước này còn con đường phát triển, nếu không thì sẽ không biết mảnh đất chữ S này sẽ đi về đâu. Bởi vì khi áp lực nào chúng ta cũng chịu đựng tốt thì điều đó có nghĩa là CS sẽ dám làm những việc táo tợn nhất, kể cả bán nước.

Vậy nên xin mọi hãy thức tỉnh. Chúng ta không thể chịu mãi được đâu, vì chịu đựng là đức tính của kẻ nô lệ. Dân tộc chỉ biết chịu đựng thì dân tộc đó chỉ xứng vị trí nô lệ thôi. Phải thay đổi để khỏi bị đẩy thành một dân tộc nô lệ vĩnh viễn trước khi quá muộn.

(Đỗ Ngà)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay