LỜI TÂM SỰ CỦA MỘT CÔ GIÁO

From facebook:
 

Christina Le is with Lisa Vu.

 

LỜI TÂM SỰ CỦA MỘT CÔ GIÁO

Hôm nay, có một cô giáo ở ngoại thành Hà Nội đã chia sẻ với tôi về sự tình mà cô giáo đó đang phải đối mặt từng ngày. Vì cô giáo ấy đã chia sẻ (một số) bài viết (trong đó có tôi) và có quan điểm (theo góc nhìn của người trong hệ thống) được cho là xét lại lịch sử và phủ nhận công lao của cách mạng. Cô giáo ấy đang bị nhà trường tìm cách cô lập và gây sức ép, thậm chí vị hiểu trưởng trường này còn sỉ vả cô ấy trước mặt khoảng 200 giáo viên khác của trường và còn bắt cô này phải nộp “một thứ liên quan đến đời tư” cho ông ta.

Tôi nghe xong mà thấy bàng hoàng và cả kinh hãi cho một kẻ mang danh giáo viên lại đứng đầu một trường học với vai trò quản lý giáo dục. Ông ta có thẩm quyền gì mà mắng nhiếc cô giáo ấy? Có quyền gì để cả gan xâm phạm vào đời tư của người khác? Hắn ta hẳn đã tự cho mình cái quyền đứng trên cả luật pháp mà trắng trợn chà đạp nhân phẩm của người phụ nữ mà là giáo viên của ngôi trường đó. Hắn ta sẽ dạy ai và dạy giá trị gì cho các học sinh? Hay hắn ta vẫn còn có giá trị như một công cụ để trấn áp các giáo viên một cách bất chấp những phẩm chất con người, mà đặc biệt là sự đòi hỏi về nhân cách cao quý của một nhà giáo?

Cô giáo ấy dường như đang phải chịu một áp lực và sức ép rất lớn về tinh thần và cả cuộc sống. Cô giáo nói, không ngại về bản thân, mà lo cho những đứa trẻ lớn lên như thế nào và cuộc sống gia đình đảo lộn. Cô đang bị bủa vây bởi những lời đồn ác ý, những lời cáo buộc xúc xiểm và nhằm đả phá những gì thuộc về đời sống, công việc của cô ấy. Tôi trấn an, rằng hãy cứ bình tĩnh, đừng lo sợ, bất kể điều gì và trước bất kỳ lực lượng nào. Hãy tin vào bản thân và tin vào việc mình làm. Và hãy luôn sẵn sàng cho điều xấu nhất xảy ra. Hãy giữ mình như vậy trong mọi hoàn cảnh rồi tất cả sẽ ổn.

Tôi nhìn quanh, thấy rằng những người phụ nữ gan dạ đang bị bắt nhốt và cầm tù. Những người như chị Quỳnh (Khánh Hoà – Điều 88), cô Thêu (Hà Nội – Điều 245), chị Nga (Hà Nam – Điều 88), người phụ nữ vừa mới bị bắt ở Hà Tĩnh vài hôm trước (Điều 79), và còn chị Thuý trong vụ Anh Ba Sàm (Điều 258), bạn Hà (Điều 88), (bên cạnh là những bạn trẻ như sinh viên Phan Kim Khánh (Thái Nguyên – Điều 88), sinh viên Trần Hoàng Phúc (TP.HCM – Điều 88), bạn trẻ Nguyễn Viết Dũng (Nghệ An – Điều 88), Hoàng Bình (Nghệ An – Điều 258),…đều là những con người kiên cường và cố gắng để cất lên tiếng nói của chính mình mà đấu tranh với những bất công, tiêu cực của đất nước, trong đó có việc tìm lại thân phận của những người phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội. Và họ có sợ hãi hay gục ngã trước những cáo buộc của người khác dành cho họ không? Họ có gia đình, người thân, công việc không? Có chứ.
Nhưng họ mới là những người tiêu biểu cho tiếng nói của người phụ nữ, không cần khẩu hiệu giỏi việc nước, đảm việc nhà, trung hậu, đảm đang, bất khuất, nhưng họ lại có những tố chất sẵn trong mình về một vị thế lớn hơn những gì xã hội muốn áp đặt và duy trì lên họ.

Cô giáo ấy, cũng như cô giáo Lan mới đây ở Ninh Bình được (hay bị) công an mời lên làm việc vì những tiếng nói từ lương tâm của mình trước thực trạng xã hội, sẽ phải tự đấu tranh với nỗi sợ hãi trong mình và phải vượt qua được những sự phi lý mà những con người của hệ thống đang muốn dành cho, tất nhiên là những điều phiền toái, rắc rối.

Bà Aung San Suu Kyi, có thể đang vướng phải đòi hỏi về một trọng trách hậu dân chủ trong vấn đề người thiểu số hồi giáo bỏ trốn để tị nạn trước sự đàn áp của lực lượng cầm quyền đối lập, nhưng nếu hiểu những gì bà ấy đã phải đối mặt, phải trải qua và phải mất mát thì mới hiểu hết giá trị của bà ấy đã gây dựng cho đất nước Miến Điện bị kìm hãm và đàn áp bởi chế độ độc tài là lớn lao tới mức nào. Bà ấy được giáo dục trên một nền tảng quả thực tuyệt vời, vừa có phẩm chất cao quý của một người đàn bà có tri thức, vừa thừa hưởng một sự giáo dục nhân bản, vững chắc từ gia đình và cả của phương Tây, cụ thể là Anh Quốc.

Bà ấy, đối diện với nhà tù, bị giam lỏng, kể cả họng súng đưa lên để sẵn sàng găm viên đạn vào cơ thể bà, và cả sự hành hung của chế độ bạo tàn chuyên chính, nhưng Bà vẫn đứng vững, toả hương và khơi dậy lòng yêu nước của số đông dân chúng mà tạo nên nền tảng khởi đầu của đất nước họ như hôm nay.

Đứng trước sinh viên, giữa một không gian rộng lớn, bà ấy nói: các bạn đã gật gật suốt 26 năm qua rồi, nhưng không biết mình gật đầu cho điều gì. Và bây giờ các bạn không cần phải gật đầu như một cái máy nữa. Bà ấy cũng nói, nỗi sợ là ngục tù của tự do, và tự do nghĩa là tự do khỏi nỗi sợ hãi.

Một khi trong bạn không còn sợ hãi bởi những bức ép của bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào và bất kỳ lời cáo buộc dù có gớm ghiếc đến đâu, bạn đã trở thành một biểu tượng của lòng quả cảm, sự tự do và cho tính can trường của một con người bất khuất.

Và các bạn sẽ không cô đơn, vì bên cạnh bạn còn có rất nhiều những người khác có cùng tri tâm trân trọng và bảo vệ bạn.

(LS Luân Lê)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay