Dân Việt Nam ‘phải è cổ’ vì thuế nặng

Dân Việt Nam ‘phải è cổ’ vì thuế nặng

Mạng xã hội xôn xao khi báo chí Việt Nam dẫn lời Thứ Trưởng Tài Chính Vũ Thị Mai nói: “Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo.” (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Luật Sư Trần Vũ Hải dẫn một link bài về việc chính quyền Hà Nội sửa năm luật thuế, nhưng theo ông, “thực chất chủ yếu để thêm thuế, tăng thuế.”

Ông Hải cũng bình luận: “Trong khi (người ta) không thấy bàn gì về việc giảm bớt các khoản chi vô bổ, lãng phí hay không kiểm soát được, thậm chí mất công bằng! Nói tóm lại, (nhà nước) thiếu tiền ngân sách và trả nợ công, nên dân và doanh nghiệp phải è cổ ra nhé, kêu ca cũng chỉ cho có vẻ ‘dân chủ’ thôi!”

Ông cũng đưa ra lời kêu gọi: “Mạng xã hội cần lên tiếng mạnh mẽ những sắc thuế và cách quản lý thuế vô lý, cản trở phát triển và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp bất lợi đến những người nghèo, người thu nhập thấp, những doanh nghiệp nhỏ! Và cách chi tiêu vô tội vạ cho bộ máy tầng tầng lớp lớp, quan liêu và hiệu quả thấp, thậm chí nhiều ‘đầy tớ’ lấy bắt nạt dân và doanh nghiệp làm ‘lẽ sống.’”

Cũng liên quan đến việc chính quyền tăng thu nhắm vào doanh nghiệp, nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, viết hôm 16 Tháng Chín: “Chiều qua, mình đi Phan Thiết dự cuộc họp của một hội đồng tư vấn kinh tế. Tại cuộc họp, mình có nhắc và nhiều người cũng bày tỏ âu lo về việc nhà nước sắp tăng thu của doanh nghiệp nhiều khoản tiền: Bảo hiểm xã hội thu đủ theo thu nhập thật từ năm 2018, phí công đoàn 2%…, (việc này) đang khiến các chủ doanh nghiệp thực sự lo sốt vó. Và lại nghĩ đến cách mạng công nghiệp 4.0 mà hiệu ứng đầu tiên là nhiều doanh nghiệp sẽ sử dụng dàn robot thay công nhân.”

Cùng thời điểm, báo điện tử VNExpress dẫn lời Luật Sư Trương Thanh Đức, công ty Luật Basico, cho rằng thu nhập từ tiết kiệm mà tới vài trăm triệu đồng nên gọi là đầu tư và phải nộp thuế thu nhập.

Theo ông Đức, cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định. Ông Đức nói: “Nếu thu nhập từ lãi tiết kiệm cao hơn hai lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế,” báo này tường thuật.

Hiện nay tại Việt Nam, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân là 108 triệu đồng (khoảng $4,752)/năm. Như vậy, theo đề xuất của Luật Sư Đức, nếu cá nhân có khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm hơn 200 triệu đồng ($8,800), thì “cần phải vào diện nộp thuế.”

“Lâu nay chúng ta đã quá yêu chiều ngành ngân hàng. Nhiều người thu nhập từ tiết kiệm ngân hàng tới 200 triệu đồng thì như vậy phải gọi là đầu tư rồi,” VNExpress dẫn lời ông Đức.

Luật Sư Phạm Công Út ở Sài Gòn bình luận ngắn: “Một luật sư đồng nghiệp (của tôi) đề nghị đánh thuế cả tiền lãi gửi tiết kiệm trong dân. Tôi cho rằng đây là giải pháp rất tệ và dễ bị xã hội lên án cái ý tưởng mang tính… vơ vét này.”

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty Địa Ốc Đất Lành, đặt vấn đề: “Không biết ngân khố quốc gia đang vấn đề gì nhưng thấy mấy anh ở Bộ Tài Chính đua nhau lập ý tưởng tăng thuế bằng mọi cách mới thấy tính bất thường của nó. Mới đầu là ý tưởng tăng thuế VAT lên mức cao nhất là 12% đã làm nhiều người suy nghĩ về cái ngân khố quốc gia thực sự có vấn đề. Nay, có thêm ý tưởng đánh thuế VAT 10% khi chuyển nhượng đất đai gây hệ lụy rất lớn đối với thị trường bất động sản về thanh khoản hoặc thậm chí (gây ra tình trạng) đóng băng nếu ý tưởng trở thành hiện thực, giá nhà đất ngay lập tức tăng lên 10%.”

Tháng trước, mạng xã hội xôn xao khi báo chí Việt Nam dẫn lời Thứ Trưởng Tài Chính Vũ Thị Mai nói: “Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo.”

Báo điện tử VNExpress tường thuật lời bà Mai rằng Bộ Tài Chính đánh giá tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT là “không nhiều.”

Nhà báo Hà Phan ở Sài Gòn nói nửa đùa nửa thật trên mạng xã hội: “Sau đề nghị đánh thuế lãi tiết kiệm, tôi đề nghị thêm một số loại thuế sau: Thuế đi nhà nghỉ để bảo vệ hạnh phúc gia đình và đạo đức xã hội; thuế làm việc riêng trong giờ hành chính để đảm bảo giờ làm việc của các cơ quan tổ chức; thuế thuốc để các bệnh viện đỡ quá tải, dân tình ý thức không được ốm đau; thuế ngủ quạt để tiết kiệm điện và giảm ô nhiễm môi trường”

“Thuế đi xe đạp để giảm kẹt xe; thuế mặc quần áo để tiết kiệm chi tiêu; thuế dùng điện thoại di động để hạn chế lướt Facebook, chém gió; thuế đi đường để đỡ tắc nghẽn; thuế thu từ người thu nhập thấp để họ cố gắng làm giàu; thuế cơm để giảm bớt ăn, tránh béo phì; trước mắt thu ngay thuế phát ngôn để giảm bớt phát ngôn bậy ạ!” ông viết. (T.K.)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay