Bắt Sơn, bắt Quỳnh mà không bắt Thăng thì coi như chỉ đánh “thủ túc”, tha kẻ chủ mưu

Bắt Sơn, bắt Quỳnh mà không bắt Thăng thì coi như chỉ đánh “thủ túc”, tha kẻ chủ mưu

 FB Huy Đức

10-9-2017

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: internet

Khoản tiền 246 tỷ – “phần nổi của tảng băng” – mà Nguyễn Xuân Sơn cầm về đưa Ninh Văn Quỳnh có thể phần nào giải thích vì sao Đinh La Thăng lại cho phép góp 800 tỷ, tương đương 20% vốn điều lệ, vào OceanBank [Cho dù khoản tiền 100 tỷ sau cùng được góp khi Đinh la Thăng “vắng mặt kỹ thuật” hai ngày, 12-5-2011, thì lúc đó ông ta vẫn là Chủ tịch Hội đồng thành viên và kiểm soát mọi quyền lực ở PVN].

Bằng việc cho phép nắm giữ 20% vốn ở OceanBank, Thăng đã biến ngân hàng này trở thành “dịch vụ nội bộ” của PVN, các đơn vị thành viên đều phải mở tài khoản tại đây. Kể từ năm 2008, dòng tiền PVN đã đi qua đây trên 500 nghìn tỷ VND. Có thời điểm, số dư tiền gửi của PVN tại OceanBank lên tới 25.000 tỷ VND, riêng Dầu khí Việt – Nga có lúc gửi ở đây tới 100 triệu USD. Do OceanBank bị kiểm soát đặc biệt, cho đến bây giờ PVN vẫn còn bị kẹt ở đây gần 10.000 tỷ VND (bao gồm cả khoản tiền 70 triệu USD của Viet – Nga Petro).

Khoản tiền 246 tỷ VND đưa về Tập đoàn và hàng trăm tỷ đồng đưa trực tiếp cho các đơn vị thành viên của PVN này được chi dưới hình thức “chăm sóc khách hàng”. Lãnh đạo OceanBank và 35 cán bộ lãnh đạo chi nhánh khác đang hầu tòa với tội danh “cố ý làm trái”.

Các cơ quan tố tụng đã hơi vội khi định tội, khiến cho phạm vi chịu trách nhiệm tố tụng đã mở rộng tới 35 cán bộ lãnh đạo chi nhánh [“Cố ý làm trái” Thông tư số 02/2011/TT-NHNN, ngày 3-3-2011, chi vượt lãi suất trần: 14%], trong khi bản chất của vụ án này là lãnh đạo PVN tham ô, có sự tiếp tay của Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn.

Thông tư 02 đưa ra “lãi suất trần” và các hình thức xử lý vi phạm của nó cho thấy, giới hạn điều chỉnh của nó là hành chính, chỉ có 3 chế tài hành chính khi vi phạm Thông tư này: “Đình chỉ hoặc miễn nhiệm người điều hành 3 năm; Hạn chế mở rộng phạm vi, qui mô, địa bàn hoạt động 1 năm; Hạn chế hoặc tạm đình chỉ huy động, cho vay của đơn vị vi phạm thuộc tổ chức”.

Một người vi phạm một quy định hành chánh (có hình thức xử phạt), chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã bị xử lý hành chánh mà còn tái phạm. 35 cán bộ chi nhánh vi phạm Thông tư 02, chưa từng bị xử lý hành chánh theo các hình thức quy định tại Thông tư này mà đã bị truy tố là không đúng nguyên tắc tố tụng.

Luật Các Tổ Chức Tín Dụng (cả 2001 & 2010) đều cho phép “Tổ chức tín dụng được quyền ấn định lãi suất huy động”. Tuy nhiên, ở thời điểm vụ việc xảy ra, các tổ chức tín dụng còn phải tuân thủ Bộ Luật Dân Sự 2005 [Khoản 1, điều 476], quy định, lãi suất vay tiền “do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản”, tức là không quá 13,5%/năm (lãi suất cơ bản là 9%/năm theo Quyết định số 2868 ngày 29-11-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Chiểu theo Bộ Luật Dân Sự thì Thông tư 02 cũng đã sai khi không điều chỉnh lãi suất cơ bản mà đưa lãi suất huy động lên 14%, cao hơn mức cho phép là 13,5%.

Tuy nhiên, mức lãi suất này đã không còn hiệu lực. Bộ luật Dân sự năm 2015, [Khoản 1, điều 468] vẫn công nhận nguyên tắc “thỏa thuận lãi suất”, nhưng đưa ra giới hạn “không được vượt quá 20%/năm”.

Như vậy, ngay cả khi bị “hình sự hóa”, 35 bị cáo là cán bộ chi nhánh của Oceanbank cũng cần được các cơ quan tố tụng áp dụng “nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội”[khoản 1 Điều 4 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015]. Tuyên họ không phạm tội vì theo nguyên tắc này thì không nên truy cứu một hành vi vi phạm một quy định của pháp luật mà giờ đây không còn hiệu lực.

Có lẽ không cần phải nhắc lại bối cảnh rối loạn của thị trường tài chính, ngân hàng 2008 – 2012. Không chỉ có OceanBank, hầu hết các ngân hàng thương mại đều phải chi vượt trần một khoản gọi là “chăm sóc khách hàng” để giữ thanh khoản (điều lẽ ra ngân hàng nhà nước phải giúp họ). Các cơ quan tố tụng không thể chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự các quan chức Oceanbank mà không truy cứu các quan chức ở những ngân hàng khác có cùng hành vi này.

Nhưng, đưa những con người không hề gây nguy hiểm, đang có sự nghiệp vững vàng và đang đóng góp ấy vào vòng tố tụng thì chỉ có mất mát chứ không thêm lợi ích gì cho xã hội.

Bản chất của vụ án này là “tham ô” chứ không phải là “cố ý làm trái”. Những ai nhận phần chi ngoài sổ sách khoản lãi suất vượt trần này, nếu là tư nhân chỉ là nhận lại phần tiền của chính họ (trong bối cảnh lạm phát từ 18-22%/năm). Nhưng đối với khu vực quốc doanh, mà đối tượng chính ở đây là các quan chức tập đoàn Dầu khí thì tiền đấy là tiền của nhà nước, của nhân dân, OceanBank có thể chi nhưng nếu các quan chức PVN giữ lấy làm “đối ngoại” hoặc tiêu xài thì phải được gọi đúng tên là tham nhũng.

Chỉ vì xác định không chính xác tội danh, cơ quan điều tra đã mất rất nhiều thời gian với 35 cán bộ chi nhánh thay vì tập trung điều tra các quan tham ở PVN đặc biệt là Đinh La Thăng.

Nếu chỉ xử những người làm công ăn lương ở OceanBank mà không xử các quan chức PVN ăn chia tiền lãi suất ngoài sổ sách thì vụ án rất dễ bị đi lạc hướng.

Nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự Đinh La Thăng thì trong vụ PVN, coi như các cơ quan chống tham nhũng chỉ “lượm củi khô”, chỉ bắt đám thừa hành mà để lọt thủ phạm, để lọt kẻ cầm đầu; những đồng phạm như Sơn, như Quỳnh… ai hiểu nội tình Dầu Khí đều biết, họ không oan, nhưng ở một mức độ nào đó họ đều là nạn nhân của Thăng.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay