TRẠI TÙ CẢI TẠO (2)

From facebơk: Thang Chu shared Thanh Nguyen‘s post.
Côn đồ lãnh đạo Lạc Hồng 

Cháu con lãnh đạn, cha ông lãnh tù.

 
Image may contain: one or more people
Image may contain: text

Thanh Nguyen added 2 new photos.

 

TRẠI TÙ CẢI TẠO (2) 
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi,
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn…..

Vào thời gian này, tôi không còn nhớ rõ là mình đã nghĩ gì, chỉ có một con đường, chúng muốn đưa mình đi đâu thì mình theo đó thôi, mặc cho số phận đẩy đưa, cuối cùng cùng là giải thoát kiếp người. Chúng tôi đi đến ngày thứ 3 thì đến một trại trước kia là mật khu của chúng. Trại này nằm trong rừng sâu, cách đèo An Khê khoảng 50 km từ hướng Bắc. Cả mấy ngày đi, chỉ ăn được một lần, chúng tôi đi ngang 1 địa phương thì được đồng bào nấu cơm gói sẵn bằng lá chuối phát cho chúng tôi mỗi người một gói không biết là lệnh của họ hay lòng tự nguyện của đồng bào. Đến gần phạm vi của trại, chúng dừng lại để nghĩ và chuẩn bị cho chúng tôi nhập trại, trong lúc này tôi gặp lại một số anh em binh sĩ trong Pháo Đội, thật mừng và thật tủi cho thân phận những kẻ chiến bại. Thời điểm này chúng bắt giao nộp hết tư trang như đồng hồ, bút máy, nhẫn….Tôi thấy chúng dùng nón để thu, không ghi sở hữu của ai cả. Tôi biết bọn này muốn lấy không rồi, tôi làm dấu cho anh thường vụ Pháo Đội giấu chiếc đồng hồ Boulevard Sport của anh, khi đi đến bờ sông có 1 số người Thượng đứng bán chuối hoặc cơm. Chúng tôi đổi chiếc đồng hồ lấy 1 nắm cơm muối mè gói lá chuối, hai thầy trò chia nhau ăn cho qua cơn đói lòng. Thật là: “Đoạn đường ai có qua cầu mới hay”, vật chất chỉ có giá trị khi thời gian thích hợp. Còn với thời gian này, vật chất dù cao quáy thế nào cũng không qua nổi một gói muối mè.

Thế là chúng tôi lần lượt vào trại. Sĩ Quan đều bị đem đi cùm, từ Thiếu Úy trở lên là bị cùm. Số lượng SQ bị bắt mỗi ngày một đông, chúng thả cấp nhỏ, cùm cấp lớn. Bắt được Đại Uý cùm Đại Uý thả Thiếu Uý. Cứ như là cấp số cộng. Phải nói bạn nào có thời gian ở trại Vĩnh Thạnh khi đọc dòng hồi ký này, không thể nào quên được một nơi gọi là ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN đúng nghĩa của nó, không nơi nào ghê sợ hơn. Vì trại nằm trong rừng sâu, lam sơn chướng khí. Tổng số binh sĩ bị bắt vào thời điểm cao nhất ở đây có thể lên đến cả ngàn người, nhưng sau hơn 4 tháng, số tử vong lên đến cả trăm. Sốt rét chết, đói mà chết, bị đánh mà chết. Các đơn vị bộ đội cộng sản ở đây đa số đều là những cán binh CS trở về từ Côn Đảo, lòng nung nấu thù hận. Họ muốn trả những trận đòn thù trên các người lính Cộng Hòa còn chút sĩ khí đã ở lại chiến đấu để bảo vệ quê hương. Có 1 anh Trung Úy người miền Nam trước kia nguyên là giáo sư bị bắt vào trại cùng thời gian với chúng tôi, vì quá căm phẫn trước sự hành hạ của bọn chúng, nên chạy ra vọng gác giựt súng AK của tên bộ đội đang gác cổng nhưng không thành công vì cơ thể suy nhược, ăn uống thiếu thốn làm sao khoẻ bằng chúng. Sau khi giựt súng không được, anh ta bị rược chạy vòng vòng trong trại. Vì trại quá đông người nên chúng không bắn được. Vì không còn đường thoát, anh ta chạy đến bên những chảo nước đang nấu để cho tù uống và nhảy vào chảo! Thật là rùng rợn và thương tâm! Chúng dập tắt lửa, mang anh ta ra ngoài, nhưng anh ta vẫn còn sống. Anh ta chửi rủa bọn CS luôn mồn:
“Đả đảo Cộng sản. Quân dã man khát máu”.

Chúng cho khiêng anh vào trạm xá. Thật ra chỉ là một cái nhà nhỏ, vài lọ thuốc, vài lọ cồn mà thôi. Anh ta vẫn chửi liên hồi. Chúng lấy đất sét cho vào miệng, lấy cây dộng cho đến khi hết thở. Ôi! các bạn có hình dung được con người hay là ác quỷ nhỉ. Tôi có người bạn ở cùng quê tên Phan Duy Liêm, cấp Tr/Uý ĐĐT/ĐPQ cũg bị bắt vào trại này, tôi không nhớ anh đã làm gì phật ý chúng mà buổi chiều hôm đó, tôi chứng kiến tận mắt, 3 tên bộ đội đứng 3 góc đánh anh từ góc này văng sang góc kia, như là người ta chuyền bóng. Là thân phận tù sao dám chống trả chúng. Sau khi anh được thả ra, lục phủ đã bị dập nát, đã bị tổn thương. Mặc dù thời gian sau được gia đình tiếp tế thuốc men chữa chạy, sau hai năm hao tổn, anh đã lìa đời, bỏ lại một vợ và một con thơ, là bà con họ hàng với gia đình tôi.

Ở đây khí hậu chưa có một nơi nào dễ sợ hơn. Danh từ sơn lam chướng khí thật là đúng nghĩa của nó. Các nhà giam (lán) được cất dưới những tàng cây cổ thụ, suốt ngày ít khi thấy ánh sáng mặt trời, sương buổi sáng rất nặng và dày đặc, 9 hay 10 giờ mới thấy mặt trời, máy bay thám thính cũng chỉ thấy toàn màu xanh của rừng. Khoảng hơn tháng đầu chúng chưa cho đi làm, mỗi ngày chỉ phát hai nắm cơm bằng một bát trung bình, vơi chứ không đầy, mì khô hết 80%, vài hột gạo có thể đếm được, tất cả chúng tôi đều đói và sốt rét.

Ở đây trung bình một tuần sốt rét 3 lần. Sốt thì nằm, dậy được thì đi lao động, xuống trạm xá khai bệnh, cặp nhiệt độ 40 độ C, cho vài viên Nivaquine, 39 độ trở lui, thì chúng cho uống một thứ rễ cây tên là “mật nhân”. Trên đời nà y chưa có thứ nào đắng như thứ này, uống xong quay đi là nôn thốc, nôn tháo, nôn đến mật xanh, mật vàng, lần sau sốt hoặc nằm liệt không dám khai bệnh nữa, hết sốt thì dậy đi làm. Con người thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, sốt rét triền miên, nên chúng tôi trong như những thây ma còn sống. Da mặt thì vàng bệt, xám ngoét, mắt trũng sâu, chân đi siêu vẹo, quần áo tả tơi. Ôi! chúng tôi thật là tới tận cùng của địa ngục. Chúng tôi nào có tội tình gì, chỉ biết cầm súng bảo vệ quê hương không có một ý đồ bất chính, không có một tham vọng nào làm tổn thương đến giá trị vật chất hay tinh thần của con người, tại sao chúng tôi lại phải bị trừng phạt một cách khủng khiếp như thế? Có những lúc tuyệt vọng, anh em nói đùa:
“Chúa hay Phật gì cũng bỏ chạy hết rồi còn đâu mà cầu nguyện.”

Sau hơn 3 tháng tôi bị bắt, gia đình tôi mới được tin tức. Vợ tôi từ Phan Thiết ra Bình Định đến trại 3 Vĩnh Thạnh để thăm, thật là một chặng đường vất vả. Vì xe cộ không có, vợ tôi phải đi bộ khoảng 50km đường rừng, phải ngủ lại ở trại 2 rồi mới lên trại 3 được. Biết bao nhiêu gian nan và sợ hãi, khi được gặp mặt, vợ chồng tôi nhìn nhau nước mắt lưng tròng, hỏi thăm vài câu sức khoẻ, đâu còn lời nào để nói. Và biết nói gì hơn khi mỗi bàn có hai bộ đội ngồi bên cạnh, súng AK lăm lăm, nói được gì đây. Về nhà, vợ tôi bị sốt rét chữa trị gần 2 năm mới bình phục. Thời gian ấy, vợ tôi phải chuyền sẻrum liên tục, thế mới biết rừng thiêng nước độc đến cỡ nào. Sau đó thân phụ tôi đi thăm một lần, về cũng bị sốt rét liên tục. Từ đó về sau, chỉ có em trai tôi còn khoẻ mạnh đi thăm mà thôi.

Có những lúc đói quá, mắt đổ đom đóm vàng khi nhì thấy các anh em khác có người tiếp tế, có đồ ăn. Muốn quên đi, tôi chỉ còn biết ra gốc cây ngồi luyện Yoga cho quên đi nỗi đói khát, bệnh tật. Ai có biết sách lược triệt hạ kẻ thù, không sợ chúng phản kháng là làm cho chúng đói triền miên, không bao giờ cho chúng ăn đủ no. Suốt ngày tư tưởng lẩn quẩn, mong có cái gì bỏ vào miệng, vào bụng mà thôi, không còn nghĩ được thứ gì khác trên đời. Ôi con người có những lúc phải như thế này ư? Tôi có đọc cuốn Tiểu Đoàn Trừng Giới của Erich Maria Remark, nhà văn Đức, tù binh Đức, cũng bỏ vào các trại tập trung cũng đói như chúng tôi, nhưng thời gian ngắn hạn và không bệnh tật. Còn chúng tôi đói dài hạn và bệnh tật triền miên. Tôi còn nhớ vào thời gian cò ở quân ngũ, tướng độc nhãn Mó Dayan của Do Thái có qua thăm trường Võ Bị Đà Lạt, đã nói:
“Muốn chiến thắng Cộng Sản, phải sống với Cộng Sản”.

Xin những ai, có làm chính khách, chưa bao giờ biết ngục tù Cộng Sản, thì xin nghĩ đến bao nhiêu anh hùng đã hy sinh, bao nhiêu triệu đồng bào còn đang sống vất vưởng nơi quê nhà, vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày vì phương châm “làm cho tập thể, hưởng theo nhu cầu” của chúng. Và cả một thế hệ chúng tôi tù đày oan khiên, khổ nhọc, thì chớ nên phụ quá khứ một thời tự do, dân chủ, thanh bình của miền Nam Việt Nam.

Ở trại này có những cách giết người rất dã man. Các bạn có biết, một cái nhà cùm kín mít, bên trong là một dãy khóa lại, tất cả việc ăn uống vệ sinh đều tại chỗ, đó là cùm thông thường. Nếu chúng muốn tra tấn ai, cho hai chân vào hai lỗ chéo nhau, chân phải lỗ bên trái, chân trái lỗ bên phải, dưới mông ngồi có một cây đà vuông thông ra ngoài, xuyên qua một cây trụ thẳng đứng khoét một lỗ hình chữ nhật, để cây đà vuông có thể di chuyển được từ thấp lên cao, chúng gọi là cùm yên ngựa. Mỗi lần nâng cây đà lên là ống quyển bị ép vào lỗ cùm. Bên ngoài chúng dùng một miếng nêm hình tam giác để đóng, mới đầu đóng là tù nhân la thất thanh sau đó im dần…im dần, tù nhân đã hết thở. Ôi địa ngục ở đâu, có lẽ còn ít sợ hãi hơn nơi này. Chúng tôi bị nhốt trong một cái lán gần bên nhà cùm. Đêm đêm nghe tiếng la thất thanh xé tâm can, rồi dần , im dần và tắt hẳn… Thế là một người đã ra đi không biết là tốt hay xấu với chúng tôi, biết đâu vài hôm đến lượt mình.

Ở đây có những cái chết rất kỳ lạ, buổi sáng còn ngồi chơi nói chuyện, vì là ngày Chủ Nhật, anh bạn ở cùng quê, Đ/Uý Dậu TĐT/CB, ngồi ngã ra, quay quay như gà mắc toi, đem xuống bệnh xá, chừng 1 giờ đồng hồ sau thì chết. Khí hậu thật là rùng rợn, sinh mạng con người còn thua những loài côn trùng. So với tù binh của Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến đâu có khác gì nhau.

Sau một tháng nhốt một chỗ, chúng tôi được chia ra để đi lao động. Những công việc chính là nhổ mì, trồng mì, và làm cỏ mì. Buổi sáng tù tập trung do 1 hoặc 2 tên bộ đội dẫn đi tới những bãi mì trong núi hoặc trên đồi cao. Chúng tôi dàn hàng ngang, mỗi người một cái cuốc, dùng để cuốc cỏ xung quanh cây mì. Cây mì mới mọc cao chừng 5cm hay một tấc, rất dễ lẫn lộn với cỏ. Chúng tôi đâu phải nhà nông chuyên nghiệp, từ nhỏ cha mẹ đã hy sinh gian khổ, nuôi con ăn học, mong con sau này thành đạt đâu nghĩ đến việc phải dùng cái cuốc,cái cày. Ôi công lao của cha mẹ lo lắng nuôi con trong thời điểm này hình như đã sai đường. Nếu chẳng may chúng tôi cuốc gãy cây mì chúng thấy được, thì báng súng AK vào đầu, vào cổ, mũi súng thọc vào sườn, vào bụng.

Anh bạn tôi là Đ/Uý Dậu có lẽ bị đòn thù trong trường hợp này, nên đã mất đi vài tuần sau đó, trong bữa sáng Chủ Nhật mà tôi vừa nói ở trên. Thật là thê thảm, những tù nhân chẳng may mà mất đi, chúng quấn bằng miếng vải ni lông, dùng để làm áo mưa, xung quanh kẹp 7 nẹp tre, quấn lại như một khúc dồi lớn. Hai người khiêng, hai người đào lỗ ngoài rừng rồi lấp đi. Xong chúng cắm một cái bảng nhỏ viết tên tù nhân bằng sơn. Với 2,3 tháng nắng mưa, thì không còn biết ai là ai nằm đó nữa. Vì thế gia đình anh Dậu đã cố gắng nhiều lần, nhưng vẫn không tìm thấy xác anh ở đâu để đem hài cốt của anh về mai táng nơi quê nhà.

Rất may là khoảng tháng thứ 5 chúng tôi chuyển trại, lúc này đại đa số là Quân, Cán, Chính VNCH đã bị bắt hoàn toàn, không còn 1 lực lượng nào trong nước có thể đối kháng và phá hoại chúng được. Chúng thành lập những Tổng Trại Tù Binh để quản lý. Một Tổng trại như thế do cấp Trung Đoàn chính quy quản lý do Thủ Tướng Cộng Sản Phạm Văn Đồng ký, mục đích là để trấn an dân chúng và để trình làng với Quốc Tế. Giai đoạn cuối ở địa ngục này, tôi bị sốt rét hành hạ liên tục, có lẽ đã xâm nhập vào gan, lá lách hay thận. Người tôi vàng vọt, xám ngoét, mắt trũng sâu, bụng ỏng, chân thì dần dần to ra như chân voi bước đi không nổi nữa. Chúng tôi được đưa xuống Tổng trại 4 An Trường. Ôi, thật là một cuộc di chuyển có khác nào như chở heo, chở gà ra chợ để bán! Một chiếc xe Motolova như vậy chở xấp xỉ cả trăm người, người sau phải bám người trước cho chặt, nếu không khi xe quẹo, quán tính của trọng lượng sẽ làm văng những người sau ra ngoài mà chết. Súc vật đem bán cần sống, cần khoẻ chứ chúng tôi thì không…. 

 
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay