VÌ SAO CẦN BẦU CỬ CHÍNH TRỊ TỰ DO?

From facebook: Lê Việt Kỳ Nhi shared Thức Followers‘s photo.
Năm ấy, 2009 – mưa lất phất một ngày đầu xuân tôi được biết về người luật sư tên Lê Công Định qua lời giới thiệu của anh Trần Huỳnh Duy Thức: “nhi search ls Lê Công Định và cho nhận xét về người này giúp anh”. Từ đó tôi biết thêm, có một trí thức yêu nước.

Và với tôi …anh ứng với một câu Sấm liên quan với việc xem anh Thức là thủ lĩnh và rất làm nên việc.

Không phải ai cũng nhận ra tử huyệt của thể chế hiện tại của Việt Nam. Hay bất cứ thể chế độc tài nào và bất kể nơi đâu. Những chính trị gia thực sự nhìn ra cách tranh đấu trực diện, hiệu quả, không đi đường vòng. Họ theo quy tắc căn bản của dân chủ là quyền công dân. Martin Luther King hay Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi v.v… bất cứ nhà hoạt động dân chủ nào đã thành công cũng tranh đấu dân chủ qua sự quyết liệt đòi quyền công dân. Vì đó là chính nghĩa duy nhất tạo sức mạnh.

Ngoài anh Thức, tôi thấy ở anh Định cũng là một chính trị gia thực sự nhưng vì sự kiềm tỏa đã vùi dập tài năng. Tôi không nằm trong sự kiềm tỏa đó, và đang nhận trách nhiệm thay anh Thức thực hiện ý muốn yêu cầu trưng cầu dân ý cùng với nhóm Thức followers.

Xin giới thiệu bài viết của ls Lê Công Định, cùng với trang www.civilrightvn.org, nơi bạn có thể ký tên đòi trưng cầu dân ý về quyền tự quyết, tạo cơ sở pháp lý thay đổi thể chế.

Không những tôi tiếp tục tranh đấu cho nền dân chủ Việt Nam mà hậu độc tài tôi còn muốn góp phần xây dựng lại đất nước theo như đã từng chia sẻ với anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng như trong “ước mơ của Thủy”.

 
Image may contain: 1 person, indoor
Thức Followers is with Hoa Kim Ngo and 13 others.

 

VÌ SAO CẦN BẦU CỬ CHÍNH TRỊ TỰ DO?
(Ls. Lê Công Định)

Sơ lược về bầu cử

Bầu cử chính trị là một thể thức dân chủ giúp người dân quyết định chọn người nắm giữ các chức vụ chính quyền trong bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bầu cử cũng là một đối tượng nghiên cứu của ngành Luật Hiến pháp.

Bầu cử chính là nền tảng pháp lý thể hiện ý dân trong việc trao quyền lực nhà nước cho các cơ quan công quyền, bởi lẽ đối với một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ hình thành từ ý nguyện của nhân dân, do đó phải được tổ chức một cách công bằng và tự do.

Ở các quốc gia dân chủ, bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống là hai sinh hoạt chính trị quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, ngoài những cuộc bầu cử mang tính chất chính trị, bầu cử còn được tổ chức trong phạm vi một số tổ chức xã hội, như nghiệp đoàn và các đoàn thể nghề nghiệp, để chọn ra những người đứng đầu tổ chức một cách minh bạch.

Bầu cử chính trị luôn là hoạt động chính trị-xã hội quan trọng của toàn dân bởi sự tham gia đông đảo của cử tri đại diện cho các giai tầng xã hội, tôn giáo, đảng phái, tổ chức xã hội, v.v…. Vì vậy mọi cuộc bầu cử đều diễn ra theo trình tự và thủ tục luật định chặt chẽ.

Thực trạng Việt Nam

Trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1975 đến nay, dưới sự cai trị độc đoán và bất tài của những người cộng sản, nền kinh tế đất nước không ngừng tụt hậu, các nhóm lợi ích lũng đoạn cả về kinh tế lẫn chính trị, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại, đời sống người dân ngày càng khó khăn. Thiểu số đảng viên cộng sản nắm quyền thống trị hà khắc trên đại đa số dân chúng và cả phần đông những người cộng sản kém thế.

Từ lâu, quyền tự quyết lựa chọn thể chế chính trị của người dân Việt Nam đã được bảo hộ bởi các hiệp định quốc tế về nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973. Tuy nhiên, sau khi giành được chính quyền bằng xương máu của nhân dân, giới lãnh đạo cộng sản đã hoàn toàn phớt lờ ý nguyện chính đáng của toàn dân.

Suốt hơn 40 năm qua, nhiều thế hệ người Việt, bao gồm các nhân sĩ trí thức, tổ chức tôn giáo, đảng phái chính trị và tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, đã tranh đấu không mệt mỏi vì công bằng và thịnh vượng, kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc và thực hiện trưng cầu dân ý để cùng nhau chọn lựa một hướng đi tốt đẹp chung cho cả dân tộc. Tuy nhiên, trong môi trường xã hội mà thành phần phi cộng sản bị kỳ thị và quyền công dân không được bảo vệ đầy đủ, hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi kể từ năm 1975 nhằm mưu tìm một thể chế chính trị đối xử bình đẳng và bảo vệ nhân phẩm của mình.

Điều đáng tiếc là, trong hơn 40 năm toàn trị trên toàn lãnh thổ quốc gia, về đối ngoại, nhà cầm quyền ngày càng tỏ ra ươn hèn trước sự xâm lấn biển đảo và lãnh thổ của tập đoàn bành trướng Bắc Kinh, bỏ mặt ngư dân bị tàu Trung Quốc đánh đập, cướp phá, bắn giết và đâm chìm ngoài khơi Biển Đông; về đối nội, quyền chính trị của công dân trong việc tham gia bình đẳng vào công cuộc xây dựng đất nước đã bị hệ thống độc đảng mặc nhiên loại bỏ, trong khi nhân dân vẫn nai lưng đóng thuế nuôi bộ máy cai trị chính mình.

Thủ tục bầu cử tuy cũng được luật hóa với hàng loạt bản văn pháp lý, bao gồm Hiến pháp, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân và các bản văn pháp lý dưới luật như Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết các văn bản nêu trên, nhưng bầu cử vẫn mãi là cuộc chơi riêng do đảng cộng sản cầm quyền thao túng. Luật bầu cử chỉ hiện hữu trên danh nghĩa, còn diễn biến của cái gọi là “bầu cử” mới là thực tế mà ai cũng nhìn rõ thực chất của nó; đó là hai điều hoàn toàn tách biệt và khác xa nhau.

Dù các cuộc bầu cử tốn kém vẫn luôn diễn ra theo định kỳ, nhưng vì đảng cầm quyền thao túng mọi thủ tục và tiến trình thực hiện, nên bộ máy nhà nước chỉ dung nạp và dung dưỡng những kẻ bất tài, vô liêm sỉ, tham nhũng, tham quyền cố vị, thậm chí được Bắc Kinh cài vào hoặc ủng hộ để duy trì sự lệ thuộc toàn diện của Việt Nam vào Trung Quốc.

Đáng buồn thay, khi lương tâm và lương tri của nhân dân thức tỉnh trước thực trạng ngày càng tệ hại của đất nước, thì thay vì bảo vệ luật pháp, bảo hộ quyền công dân và lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, nhà cầm quyền lại công khai tấn công và dập tắt tiếng nói đối lập từ những người hoạt động xã hội dân sự và các nhà tranh đấu vì quyền con người, đồng thời giam cầm hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo. Công an và quân đội hợp tác với bọn côn đồ lại trở thành đội quân vũ trang hung hãn nhất tấn công bất cứ ai cất tiếng phản kháng nạn toàn trị cộng sản.

Bầu cử tự do: giải pháp duy nhất

Sự bất lực và thất bại của đảng cộng sản cầm quyền trong công việc quản lý và điều hành quốc gia từ lâu có nguyên nhân từ hệ thống chính trị độc đảng, nhưng được ngụy trang dưới chiếc áo dân chủ bằng các cuộc bầu cử chính trị giả hiệu.

Do vậy, thực trạng nêu trên chỉ có thể được giải quyết và thay đổi bằng bầu cử tự do để lựa chọn nhân tài cho bộ máy công quyền của quốc gia. Đó chính là quyền tự quyết của công dân trong việc lựa chọn thể chế chính trị cai quản đất nước của chính mình.

Những ai tin tưởng vào sức mạnh dân tộc trong công cuộc phục hưng nước nhà, mong muốn đất nước hòa nhập vào thế giới văn minh trên cơ sở tôn trọng đầy đủ quyền con người và quyền công dân, cần sớm ủng hộ bầu cử tự do, bởi đó là giải pháp duy nhất vào lúc này. Tương lai dân tộc tùy thuộc vào thái độ và quyết định của chúng ta ngày hôm nay.

 
 
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay