Hai Bài Viết Và Chuyện 18 Năm

 Hai Bài Viết Và Chuyện 18 Năm

28/05/2017

Tác giả: Nguyễn Thị Phi Phượng
Bài số 5129-18-30809-vb8052817

Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng. Bài viết có in trong sách Viết Về Nước Mỹ, tuyển tập I, trang 193, ấn hành lần thứ nhất tại California, tháng 11 năm 2000. Đúng 18 năm sau, tác giả góp thêm bài thứ hai, Thư Gửi Mẹ 2017. Giữa hai bài viết, có thể hình dung câu chuyện một gia đình tình nghĩa. Trân trọng mời cùng đọc.
* * *

Bài viết Tháng Năm 2017: Thư gửi Mẹ

Mẹ yêu thương của con,

Con và chồng con bước vào phòng ở của Mẹ thì Cô y tá cũng vừa săn sóc Mẹ xong. Vừa kéo cái mền đắp cao lên tới cổ của Mẹ, cô vừa nói với con là 2 ngày nay rồi, Mẹ không ăn được nhiều, chỉ thích uống sữa và chỉ muốn nằm trên giường để nghỉ trưa chớ không như mọi hôm: Mẹ ngồi trên xe lăn, xe của Mẹ cùng với một số bạn già khác sắp hàng trên hành lang, trước cái counter của nursing home, chỗ làm việc của các cô y tá.

Họ ngồi đó
Bên nhau
Đàn ông, đàn bà
Không nhìn, không nói
Gục đầu, nín lặng, ngửa cổ
Giật nhẹ tay chân…
Họ ngồi đó
Móm xọm, nhăn nheo…*

Có lần con hỏi sao Mẹ không nằm nghỉ trưa trên giường. Mẹ trả lời là vì Mẹ sợ sẽ bị khó ngủ vào buổi tối nếu có ngủ trưa!

Con hỏi tiếp:

– Nếu đêm không ngủ được thì Mẹ sẽ làm gì?

– Mẹ sẽ nằm im, nhắm mắt và niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” rồi Mẹ đếm 1, 2, 3… Mẹ niệm và đếm như vậy tới 10 rồi Mẹ trở lại đếm 1.

Con khen Mẹ giỏi, Mẹ biết cách tịnh tâm và con nhắc Mẹ thêm:

– Mẹ nhớ tập trung vào hơi thở của Mẹ để khỏi suy nghĩ lung tung, nha Mẹ.

Như mọi khi, hôm nay, con mang cho Mẹ cá bống kho tiêu và xoài Thanh Ca chín mềm để Mẹ ăn với cơm trắng. Đó là món Mẹ thích nhất nhưng mà Mẹ lắc đầu, không chịu ngồi dậy để ăn. Mẹ làm Con lo quá!

Suốt 5 năm ở cái nursing home này, con nhớ là Mẹ không đòi hỏi chúng con điều gì, chỉ nói là mong hàng ngày được ăn cơm trắng dẻo – nấu hơi nhão – mềm, ăn với cá kho tộ. Con thay đổi thêm một chút để có đủ chất dinh dưỡng cho Mẹ, đó là khi thì con cho Mẹ ăn kèm với xoài chín, khi thì ăn kèm với dưa hấu… Nhìn Mẹ ăn ngon và hết phần cơm con mang vào là con vui lắm rồi!

Ăn xong, vợ chồng con đẩy xe đưa Mẹ ra vườn sau để Mẹ được hít thở không khí trong lành trong khi hai mẹ con trò truyện. Câu chuyện của hai mẹ con loanh quanh về khổ đau và hạnh phúc.

Con còn nhớ, cách đây ba năm, sau cuộc đại phẫu cắt bỏ phần ruột thừa bị cancer của Mẹ, cộng với bịnh Parkinson’s từ 10 năm trước đã làm Mẹ không đi đứng bình thường được, phải ngồi xe lăn. Bác sĩ không cho Mẹ được chăm sóc tại nhà nên Mẹ phải vào ở cái nursing home này.

Thời gian đầu, Mẹ rất buồn. Lúc đó, có Dì Út của con (em gái út của Mẹ) đi du lịch qua đây một tháng. Mẹ muốn theo Dì về Việt Nam. Chúng con đã ngồi xuống nói chuyện với Mẹ lâu. Mẹ ơi, con rất thán phục Mẹ. Mẹ đã hiểu lời Phật dạy: “Thân này khó có, Phật Pháp khó gặp…”. Thật vậy, Mẹ đang được chăm sóc trị bệnh ở Mỹ, một đất nước có sự chăm sóc về y tế tiến bộ vượt bực. Tại đây, Mẹ có được ngôi chùa tốt và gần. Đó là ngôi chùa ở phía bên kia đường của nursing home, nơi mà vợ chồng con đưa Mẹ tới đảnh lễ và nghe giảng pháp mỗi tuần khi con tới thăm Mẹ. Mẹ đã hiểu là lúc này chưa phải lúc chúng ta trở về lại Việt Nam. Mẹ biết là Mẹ sẽ làm khổ Dì Út và sẽ làm khổ hết tất cả chúng con còn ở lại Mỹ khi mà Mẹ về Việt Nam sống những ngày cuối đời. Từ “hiểu”, Mẹ đã thương chúng con. Mẹ vui vẻ ở lại Mỹ, trong cái nursing home này, không ray rứt, không phàn nàn. Mẹ biết là phàn nàn, ray rứt thì chỉ làm mình khổ chứ chẳng được gì. Mẹ ơi, Mẹ là Bà Mẹ lớn lao của con. Mẹ đã sống theo lời Phật dạy, cách sống và suy nghĩ không dễ gì có được ở những ông bà cụ tuổi 90 như Mẹ. Mẹ đã giữ được cái tâm an tịnh và an nhẫn giúp con cháu an lành.

Con còn nhớ, hơn nửa cuộc đời của Mẹ, khi còn ở Việt Nam, Mẹ buôn bán nhưng Mẹ rất thật thà, không dối gạt, không nói thách. Mẹ luôn nhắc nhở chúng con là nên làm điều lành, nhớ giúp đỡ người nghèo khó. Nay, Mẹ lại có được cái tâm an tịnh. Vậy là Mẹ đã theo đúng các điều Phật dạy. Một tấm gương lớn, nghe thì bình thường nhưng không phải người già nào cũng thực hành được. Cách sống thức thời này của Mẹ, con cháu chúng con cũng phải noi theo!

Hôm nay, trên đường về nhà, chồng Con lái xe, ngồi cạnh T mà hình ảnh Mẹ nằm ngọep trên giường trưa nay cứ quanh quẩn bên con. Cả một thời thơ ấu đã “sống lại” như một cuốn phim quay chậm.

Mẹ ơi, Mẹ sanh con ra đúng vào ngày cúng cái thất thứ 7 cho Ba con. Con chỉ “biết” Ba của con qua các tấm hình.

Mẹ còn nhớ không, trên bàn thờ của Ba con, cạnh tấm hình Ba là tấm hình chụp ba mẹ con mình, Mẹ ngồi bận áo dài trắng, cổ quấn khăn tang đen. Mẹ ôm hai anh em con, lúc đó, anh Hai của con chắc gần 3 tuổi, Mẹ nhỉ. Con thì ốm xo, nhỏ xíu, chưa biết đi, thu mình ngồi trong lòng Mẹ. Ba khuôn mặt buồn! Mẹ ơi, tuổi thơ của con gắn liền với cái bàn thờ ấy, với tấm hình ấy. Cuốn tự điển của riêng con không có từ “Ba” mãi cho đến khi con gái của Mẹ có chồng. Tới lúc đó, mỗi khi được gọi tiếng “Ba” (Ba của T, ba của chồng con), tiếng gọi đó với con sao mà ngọt ngào, giá trị, cao quý, thấm thía!

Mẹ ơi, con được sống trong tình thương của Mẹ và của Ông Bà Ngọai nên con không biết tủi cho cái phận côi cút của mình cho mãi đến khi con học lớp 9, một hôm, trong giờ giảng văn, câu ca dao: “Còn cha gót đỏ như son, Đến khi cha chết, gót con lấm bùn…”

Bài học giảng văn làm vỡ òa sự mất mát quá sức lớn lao của cuộc đời con và cả cuộc đời của Mẹ.

Ba của chúng con đã sớm hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp. Mẹ đem anh em con về lại quê nghèo Long Điền – Bà Rịa, sống với Ông Bà Ngọai. Mẹ đã cố gắng để trở thành hình bóng của Ba chúng con: nghiêm khắc, cương quyết, ít cười… và ít khi ôm anh em con vào lòng để nựng nịu. Con hiểu. Mẹ ơi, Con hiểu Mẹ! Con không giận Mẹ đâu vì đó là cách nuôi con của thời đại Mẹ sống.

Mẹ đã nhọc nhằn buôn bán, giữ cái tiệm của Ông Ngọai để lại như người cai tù giữ nhà tù: không hề có vacation, không hề đóng cửa tiệm để đi Chùa lễ Phật… Mẹ đã lo toan cho hết cả nhà. Mặc dù, lúc đó, con vẫn còn nhớ rõ, Mẹ không hề đi Chùa nhưng Mẹ không bao giờ quên ngày Rằm, ngày mồng Một, ngày Phật Đản, ngày Tết… Những ngày đó, Mẹ đưa tiền cho Dì Út xuống Chùa Ông Bác ở xóm Truông để cúng Phật, để thăm Ông Bác là vị sư già của Chùa và Mẹ nhắc Dì Út nhớ lạy Phật trước khi ra về.

Mẹ đã lo hết cho cả nhà, từ Ông Ngọai, Bà Ngọai, hai anh em con cho tới các bà Cô, bà Dì và cả các nhà hàng xóm nghèo sống xung quanh nhà mình nữa. Mẹ không đi Chùa nhưng đêm nào Mẹ cũng tụng kinh, niệm Phật và nhất là Mẹ giữ năm giới luật của nhà Phật thật chặt chẽ, Mẹ không bao giờ nói dối để lường gạt khách hàng… Anh em con đã theo cách sống thật thà này của Mẹ, của gia đình mình từ khi đó.

Cho mãi đến năm 1986, khi đến Mỹ cùng với hai đứa con trai của con, lúc đó, Mẹ mới được tới Chùa hằng tuần. Hồi ở VN, Mẹ lo cho cả nhà. Tới Mỹ, cũng nhờ có Mẹ mà hai con của con có chỗ dựa tinh thần vững chắc nên chúng đã ăn học tới nơi tới chốn. Cả cuộc đời của Mẹ là một chuỗi hy sinh và bù đắp cho con, cho cháu, cho đại gia đình.

Từ khi sống trong nursing home, Mẹ trở nên ít nói, không than vãn, không đòi hỏi. Con biết là Mẹ muốn thực hành phép “tịnh khẩu”. Mẹ thường nói với con là Phật dạy “Nếu tu được cái miệng là coi như đã tu được phân nửa của quá trình tu tập”. Nhiều lúc, con bóp chân cho Mẹ, con hỏi là Mẹ có thấy nhức chân không, Mẹ nhẹ nhàng lắc đầu. Mẹ không muốn con lo, chứ người già nào mà không đau chỗ này, nhức chỗ kia. Vì phải nâng Mẹ lên giường rồi xuống xe lăn… nhiều lần trong ngày cho việc ăn uống, vệ sinh… nên hai xương bả vai của Mẹ đã bị trật ra, gần chạm với cái xương hàm, vậy mà Mẹ cũng không bao giờ than đau. Mẹ vẫn thường nói với Con là Mẹ chỉ muốn sớm được chết yên ả, để Mẹ được thay cái xác mới, thay cái linh hồn mới…

Thế đó, nhờ hiểu và thực hành Phật pháp, Mẹ đã có những năm tháng cuối đời bình an và Mẹ cũng đã cho chúng con sự bình an và hạnh phúc.

Chồng con đã lái xe vào cái drive way của nhà. Con chạy vội vào, đứng trước bàn Phật. Mẹ ơi, con đang hướng cái tâm nhỏ nhoi của con tới Mẹ và con đọc Kinh Bát Nhã. Bài tâm kinh này đã theo con từ khi Mẹ và hai đứa nhỏ ra đi…

Mẹ ơi, con cảm nhận được giá trị đích thực của tình thương và con cũng hiểu được phần nào, rằng cuộc sống này thật sự là vô thường.

Họ ngồi đó
Bên nhau,
Đàn ông, đàn bà…

Mới hôm qua thôi
Nào ga lăng, nào quý phái,
Nói nói, cười cười,
Ghen tuông, hờn giận.

Họ ngồi đó,
Không nói năng,
không nghe ngóng
Gục đầu, ngửa cổ
Móm xọm, nhăn nheo…

Ngoài kia, tuyết rơi trắng xóa,
Ngoài kia, dòng sông mênh mông, mênh mông…

Trên đây là thơ của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Bs. Hồ Đắc Đằng dịch sang Anh ngữ:

Out there,
Snow flying immense white
Out there, the river immense, immense…
Hayward, CA. Chờ Vu Lan 2017

Nguyễn Thị Phi Phượng

Xem thêm:

Gia Đình Tôi Vào Mỹ (cùng một tác giả).

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay