Quyền lực không tạo ra nhân phẩm

 Quyền lực không tạo ra nhân phẩm

TMCNN

Điền Phương Thảo

19-7-2017

Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh Đất Việt

 

 

 

 

 

 

“… những người lạ đã nhắn tin lăng mạ, chửi bới tôi rất thậm tệ. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự của tôi mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của UBND quận Thanh Xuân, bởi tôi đang là Phó Chủ tịch quận”.

 Bà Lê Mai Trang-Phó Chủ tịch UBND Quận Thanh Xuân, đã búc xúc trình bày với báo giới như thế sau sự việc cùng một đồng nghiệp đỗ xe để ăn trưa tại đường Nguyễn Quý Đức và gây ra những “diễn biến phức tạp” khiến dư luận ồn ào sau đó.

 

Là con người, ai cũng muốn danh dự của mình được bảo vệ, nhân phẩm của mình được tôn trọng. Do vậy, khi nghe những lời lẽ xúc phạm, phản ứng khó chịu của bà Trang là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc bà Trang cho rằng vì bà đang giữ chức Phó Chủ Tịch nên xúc phạm danh dự của bà cũng là xúc phạm đến hệ thống công quyền UBND quận Thanh Xuân là điều hết sức phi lý và khôi hài.

Vâng! Phi lý và khôi hài, bởi lẽ hình ảnh lãnh đạo và uy tín của chính quyền là hai điều hoàn toàn tách bạch nhau. Lãnh đạo cũng là con người. Mà đã là con người thì ai cũng có lỗi lầm, những hạn chế, những sai sót. Tuy nhiên, trong các quốc gia theo chế độ độc tài, người ta bảo vệ chính quyền bằng cách “thần thánh hóa lãnh tụ”, tôn sùng lãnh đạo. Do vậy, nói xấu lãnh đạo là bôi nhọ chính quyền. Thậm chí “để ngăn chặn hành vi gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ĐBQH đề nghị bổ sung quy định vào bộ luật Hình sự.” Và trong thực tế tại tỉnh An Giang đã “có 3 người bị kỷ luật, trong đó 2 người còn bị Sở TT&TT phạt 10 triệu đồng vì “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.”
 
Trong bài “Bệnh sùng bái lãnh tụ”, tác giả Nguyễn Hưng Quốc có viết :
 
“Theo Max Weber, về phương diện chính trị, có ba kiểu quyền lực chính: truyền thống (traditional), pháp lý-duy lý (rational-legal) và sự lôi cuốn (charismatic). Tất cả các chế độ cộng sản đều ra đời sau các cuộc cách mạng cướp chính quyền bằng bạo lực, do đó, hai yếu tố đầu, truyền thống và pháp lý, coi như không có. Chỉ còn yếu tố cuối: Để thu hút sự ủng hộ của quần chúng, họ phải tự biến họ thành một sức lôi cuốn cực kỳ mạnh mẽ; và để có sức lôi cuốn như thế, họ phải đặt trọng tâm vào tuyên truyền; trong tuyên truyền, họ đặt trọng tâm vào chính sách thần thánh hoá đảng và các lãnh tụ của đảng. Hệ quả là tất cả các chế độ cộng sản đều có một đặc điểm giống nhau: sùng bái.”
 
Vì đi ngược với giá trị tự nhiên của con người nên “Bệnh sùng bái lãnh tụ” đã khiến những vị “đầy tớ nhân dân” phải gồng lên, mang một mặt nạ không phải là mình, kiêu căng, sống giả dối và thiếu chân thật. Thế nhưng, sự thật vẫn là sự thật, chúng hiện hữu một cách độc lập, bất chấp thái độ nhìn nhận của chúng ta.
 
Trong thời đại thế giới phẳng này, không thể nào “ngăn chặn hành vi gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước” nếu các vị thực sự là những người tha hóa, mất đạo đức, thiếu nhân phẩm. Khi đó thì hình ảnh của những vị “lãnh tụ thần thánh” như một bức tường thành bị sụp đổ một cách thảm hại, bất chấp “Đại Biểu Quốc Hội đề nghị bổ sung quy định vào bộ luật Hình sự.”
 
Người giữ chức vụ cao trong xã hội được xem là người của công chúng. Do vậy mỗi khi vấp sai trái, họ phải chịu áp lực từ dư luận. Ở các nước tự do dân chủ và văn minh, người dân không đặt lãnh tụ, giới lãnh đạo “vào chính sách thần thánh hóa”. Vì thế, ngay cả khi người dân xúc phạm danh dự của giới cầm quyền thì điều đó cũng không có nghĩa là họ chống đối chính quyền.
 
Bà Park Geun-hye bị người dân tố cáo nhiều tội danh nghiêm trọng ngay trong khi bà còn giữ chức vụ Tổng Thống Hàn Quốc nhưng không một người dân Hàn Quốc nào bị buộc tội là “chống đối chính quyền”, ngược lại cựu Tổng Thống đã bị truất phế và có thể đối mặt mức án ít nhất là 10 năm tù.
 
Ngay sau khi lễ nhậm chức của Tổng Thống Donal Trump, có cả triệu người Mỹ xuống đường biểu tình, phản đối Tân Tổng Thống, nhưng không có đoàn biểu tình nào bị các lực lượng công vụ, cảnh sát đàn áp, bắt bớ chống chính quyền Mỹ.
 
Đằng khác, nếu thực sự muốn gìn giữ uy tín của chính quyền thì khi lãnh đạo đã bị tai tiếng, hãy lập tức xin từ chức, chứ không mượn sức mạnh chính quyển để củng cố hay làm cho hình ảnh của họ tốt đẹp hơn.
 
Ngày 22-06 vừa qua, lãnh đạo địa phương ở London, giám đốc điều hành hội đồng Kensington và Chelsea đã từ chức sau khi bị chỉ trích về cách chính quyền phản ứng với vụ cháy tháp chung cư Grenfell ở London.
 
Kinh Thánh cũng dạy rằng: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy” (Ga 15,6). Cành Nho không sinh hoa quả thì phải bị chặt và quăng đi để cây Nho được tiếp tục phát triển tốt. Cành Nho không thể gào lên rằng: “Ai chặt tôi là xúc phạm đến cây Nho mà tôi đang gắn bó”.
 
Nếu chưa thể thành THÁNH thì hãy chấp nhận những giới hạn của bản thân để cố gắng trao dồi đạo đức mà sống cho ra một CON NGƯỜI. Bằng không, nếu cứ tự thần-thánh-hóa bản thân bằng những hào quang do quyền lực mang lại, thì giới lãnh đạo, cầm quyền sẽ tự biến mình thành những CON NGỢM mà thôi.
 
Nguồn tham khảo:
http://www.geocities.ws/xoathantuong/nhq_benhsungbai.htm
http://m.danviet.vn/tin-tuc/pho-chu-tich-quan-thanh-xuan-nhieu-nguoi-la-nhan-tin-lang-ma-toi-788091.html
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/boi-nho-lanh-dao-dang-nha-nuoc-de-nghi-xu-hinh-su-374513.html
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay